Trang

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Đồng Hới và Bính, và những ngày khó quên

Với người đi chơi nhởi, thoát ra khỏi cuộc sống tù túng tẻ nhạt đời thường, thì thời gian tung tẩy cảm thấy thật là ngắn ngủi. Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Thoắt cái đã hết ngày. Chả bù lúc ở nhà, cứ ngó tới ngó lui, đếm từng tiếng tí tách của kim giây đồng hồ. Mấy bữa ở Đồng Hới Quảng Bình, ở Huế (mình chỉ có nhõn buổi trưa xứ Huế), và Đà Nẵng, cứ như giấc mơ. Hì hì, ngày vui nào mà chẳng như mơ. Về Sài Gòn đã 2 hôm rồi, “lại lao vào việc lòng say sưa/hết sớm thôi chiều nắng lại mưa”, bấn bíu với đủ thứ bực bội khó chịu, thế mà trong giấc ngủ chập chờn, vẫn thấy rõ mồn một cả đám giặc ngồi dúi dụi cuối xe, những Ngọc Tân, Bá Tân, Xuân Ba, mình, lẫn vào đó là bác cả Thụn, cái Thúy xẩm nữa. Ai nấy hùng hổ kết án thằng Bá Tân con cụ Hồ thiếu cảnh giác cách mạng, ham rượu chè, mắc phải bí đao kế. Ngọc Tân trừng mắt dí tay ngay trán thằng con cụ bảo không chừng mày là nội gián, Tân ợ, mày mà gián điệp chuyến này, cứ từng giờ báo cáo hết về “trung tâm bí đao” thì bỏ mẹ chúng tao. Chả là đang xảy ra việc nhường chức trưởng đoàn. Bất chợt thằng Ba lắc lư 3 chỏm tóc tam mao được cái Thúy cái Hà kết cho lúc ăn sáng, nửa thì thầm nửa kêu toáng lên, chúng mày ơi, thằng Tân dính bí đao kế, còn lão Ngọc Hồng trúng phải bí ngô kế, ối giời ôi. Cả đám bò lăn ra cười, chỉ có lão cả Hồng ngồi trên ngơ ngác dòm xuống đéo hiểu chúng nó nói gì về mình.

Ấy, những chuyện như vậy thì làm sao quên nổi. Tuổi già, U70 cả rồi, vô minh vô thức, buồn cũng ít mà vui lại càng ít. Nói đâu xa, mình đây, nhiều hôm cứ ngồi thừ ra ngắm con thạch sùng cụt đuôi bò trên tường, tự hỏi đâu là thạch sùng, đâu là Thông cào, không biết nữa. Rất tẻ nhạt. May còn có bạn bè. Chỉ K17 mới có thể đem đến niềm vui liên tục, bất tận, dai đẳng như mấy hôm rồi. Lại bần thần mong, hôm nào bất chợt mở điện thoại hoặc phây búc, thấy chúng nó nhắn tin, cào ơi, mày có đi không, chúng tao sắp sửa lên đường đấy, có cả Nga đi nữa đấy…

Chừng ấy ngày ngắn ngủi, nhưng khó mà biên ra hết những gì đã bắt chặt vào bộ nhớ già nua xộc xệch. Thôi thì gạn được tí nào hay tí đó, các cụ nhể.

5 giờ sáng. Ở Sài Gòn, tầm giờ này đã là muộn lắm, sáng bửng tưng, người xe chạy đầy đường. Mình kêu thằng xe ôm Grab chở tới sảnh ga quốc nội, đằng xa đã thấy chị Ngụ và thằng quỷ làng Lon chờ sẵn. Hóa ra các vị ấy cũng nôn nao sốt ruột. Ông Nghiêu đích thân giao vợ tận nơi, về ngủ tiếp, rồi tha hồ đi câu. Đứng chờ thêm một hồi, để ngóng bác cả Hồng. Hút hết điếu thuốc, đếch thấy đâu. Điện hỏi, anh giai ơi, tới đâu rồi. Cả Hồng càu nhàu tới đéo gì, tao làm thủ tục xong rồi, chúng mày đang ở đâu. Ba chị em ríu chân lon ton vào quầy lấy vé, sợ bị mắng nữa. Sở dĩ thằng Ba cũng khởi hành từ đầu này vì vợ chồng nó vào chơi với con, mụ Khánh ở lại trông cháu, đỡ đần con dâu vài bữa (he he, mẹ chồng như thế, đứa nào làm dâu nhà mụ khác gì trúng số việt lốt). Hôm trước, ăn nhậu ở Bình Quới, mình nói với mụ Khánh, ông ấy đi kinh lý miền Trung xong là vọt ra Hà Nội chăm chim chào mào chứ không dzô nữa đâu, mụ cười, càng tốt, chăm ổng mệt cái thân mình chứ báu gì. Rồi hát người ơi người ở đừng về. Mà có nhẽ thật. Mình mà là vợ thằng Ba, có khi lôi nhau ra tòa ngay trong tuần trăng mật chứ đâu dai đẳng kéo dài được tới xấp xỉ thất tuần.

Phải công nhận mụ Huệ chu đáo số 1, thậm chí siêu chu đáo. Nó săm sắn mua vé giùm chị Ngụ và bác cả Hồng, dặn dò chi li đường đi nước bước. Nó bảo mình, mày mua được vé chưa, tao mua luôn cho. Chả cần nó giục, mình đang muốn biết Đồng Hới thế nào đây, đã đặt từ nửa tháng trước rồi, ngay sau khi thị Tõn loa loa trên phây. Gần nửa thế kỷ ra bắc vào nam có biết cái thị xã Đồng Hới một thời bom đạn ấy mặt mũi thế nào. Xe lửa thường vụt qua Quảng Bình ban đêm, vả lại Đồng Hới cũng chỉ dạng ga xép nên nhoắng cái là vụt mất. Và quan trọng nhất, đã lâu không ngó thằng Bính, giờ thì cơ hội bằng vàng, sẽ ôm nó ngay trên quê nó. Tối 27.6, nó chiêu đãi cả đoàn tại nhà hàng sân vườn trên bãi biển Đồng Hới lộng gió, lại còn say sưa hát bài “Trên biển quê hương”, “Quảng Bình quê ta, biển khơi vang hát câu ca hát rằng, ai đã về đây, chớ quên những cồn cát trắng, ơi gió lên đi, cho buồm chào nắng sớm mai…”, mình để ý ai cũng xúc động. Nó yêu Quảng bọ nhà nó hơn mình yêu đất Phòng quê mình nhiều, thế mà lâu này mình cứ vênh lên, làm như chỉ có mình mới biết tự hào về quê. Nghe Lương Ngọc Bính hát trên biển Đồng Hới, hình như chả còn gì tuyệt hơn, xúc động hơn. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: