Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Nguyên hay cố, cựu?

Có người hỏi tôi, khi nào thì dùng các từ "nguyên, cựu, cố".

Đúng ra phải hỏi thêm cả từ "đương" nữa, bởi cùng với các từ nói trên, đó là những chặng, những đoạn khác nhau trong một đời người.

Khi còn làm việc (gì đó) thì gọi là đương. Đương chức, đương nhiệm. Cái thời đang diễn ra gọi là đương thời (đương cũng có nghĩa là đang). Hồi xưa trong bộ máy hương thôn, lý trưởng đang làm nhiệm vụ thì là lý đương, lý trưởng nào đã bị phế truất, đã thôi không làm nữa thì gọi là lý cựu.

Cựu tức là cũ, chỉ cái (điều) đã qua. Cựu thần tức là người bề tôi cũ (trước kia là bề tôi, nhưng giờ vì lý do nào đó, già lão hoặc bị phạt chẳng hạn, không làm nữa). Cựu trào là triều đại cũ. Đối lập với cựu là tân (mới). Cựu thế giới để chỉ những đại lục cũ Á, Âu vốn được người ta ở từ lâu, còn với tân thế giới (châu Mỹ) mới được khai phá. Ông bộ trưởng nào không còn làm bộ trưởng nữa thì là cựu bộ trưởng, ông tổng bí thư đã hết chức được gọi là cựu tổng bí thư.

Nguyên để chỉ ai đó vẫn còn làm việc, trước làm chức này nhưng nay làm chức khác. Càng luân chuyển cán bộ nhiều thì càng lắm nguyên. Đang còn phục vụ, còn làm việc thì mới là nguyên. Ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ hai chức Tổng chủ nhưng nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên chủ tịch quốc hội. Bao giờ ông ấy không làm gì nữa nhưng còn sống thì gọi là cựu, khi nào chết thì sẽ là cố, chẳng hạn cố tổng bí thư-chủ tịch nước.

Cố cũng có nghĩa như cựu là cũ, nhưng còn có nghĩa là chết. Cố nhân là người cũ, cố hương quê cũ, cố đô kinh đô cũ. Thực ra thì những cái cũ ấy, tuy cũ nhưng vẫn còn. Huế là cố đô, vẫn còn về mặt vật chất, chỉ không còn về tinh thần. Riêng với người chết thì cố nghĩa là mất, quá cố, không còn nữa. Ông cựu bộ trưởng là cái ông giờ vẫn sống nhưng không làm bộ trưởng nữa, còn ông cố bộ trưởng thì đã chết. Nói tới ông Phạm Văn Đồng, phải dùng chữ cố thủ tướng chứ chả ai gọi là nguyên thủ tướng, cựu thủ tướng. Chết rồi thì còn nguyên cựu với ai. Với tất cả những người đã chết, chỉ dùng chữ cố, chứ không ai gọi là cựu, là nguyên cả. Gọi khác đi chỉ là cách cố tình áp đặt để đạt mục đích riêng chứ về mặt chữ nghĩa thì sai toét.

Vì vậy, trong trường hợp cụ Lê Khả Phiêu, cũng như bất cứ ông to bà lớn nào khác đã mất, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… chẳng hạn, gọi thẳng cố (hoặc cựu) tổng bí thư là đúng nhất, chứ nguyên này nguyên kia do căn bệnh tô vẽ, hình thức, không dám nhìn vào sự thực.

Nhưng có uốn éo như thế mới là cộng sản. Họ cứ thích là nhích thôi, bất cần đúng sai, dù giáo sư tiến sĩ trình độ cao đông như lợn con.

Nguyễn Thông

5 nhận xét:

  1. Sau 1 tháng 17 ngày, Anh trở lại chăm vườn. Lâu quá và lo lắm. Anh khỏe là tốt rồi.

    Trả lờiXóa
  2. Chào chú Thông, cháu copy 1 comment từ 1 bài viết của nhà báo Văn Công Hùng:
    "Vốn từ tiếng Việt có từ 'nguyên'; khá nhiều người chủ quan, nghĩ mình đã nắm, đã hiểu nó. Tuy nhiên, qua vận dụng vào từng ngữ cảnh, phát lộ ra, không ít người có chữ, phu chữ, đã hiểu chệch nghĩa và dùng sai chỗ. Không chi chiết các nghĩa về cây, con, về các biến nghĩa khác, từ 'nguyên'là vốn từ Hán Việt, có 2 nghĩa chính: đồng đất rộng, và, đầu tiên. Đồng đất rộng, bằng phẳng gọi là bình nguyên. Đồng đất rộng, cao, gò đồi tiếp nối, gọi là cao nguyên. Cao nguyên trải rộng phía tây gọi là tây nguyên.
    Người đầu tiên giữ chức thủ tướng chính phủ gọi là Nguyên Thủ Tướng. Ví như: nguyên Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Ông Kiệt, Ông Khải, đã qua đời thì gọi Cố Thủ Tướng, Ông Dũng, đã nghỉ hưu, thì gọi Cựu Thủ Tướng. Không thể tồn tại nét nghĩa 'Nguyên' với biểu niệm tôn trọng và 'Cựu' với biểu niệm không đề cao, chú trọng. Một số ví dụ: Nguyên đán-tia nắng đầu tiên của năm. Nguyên tiêu-đêm rằm đầu tiên trong năm. Hoàng nguyên-vàng ròng..."

    Trả lờiXóa
  3. http://www.vanconghung.com/2020/08/e-tay-nguyen-con-nguyen.html?m=1

    Trả lờiXóa
  4. Người yêu cũ gọi tôi là cố nhân. Sao kỳ vậy? Tôi đã chết đâu?

    Trả lờiXóa