Trang

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Súng nào mà chẳng là súng nhưng cần biết phân biệt (kỳ 2)

Còn có cả chuyện chị Nguyễn Thị Chiên du kích Thái Bình, thèm súng lắm nhưng chưa tìm được cơ hội. Bài học lớp 2 viết rằng “Hôm ấy giặc đi càn đông. Chị Chiên cùng trung đội du kích đã phục sẵn. Tên quan ba Pháp lò dò đi vào trận địa. Bắn nó thì lộ, bọn giặc có thể bao vây lại ta. Chị xông ra, nhanh như cắt, chạy sát tới nó giật khẩu tiểu liên chĩa vào nó bắt hàng…”. Sách giáo khoa cứ rủ rỉ kể như vậy, đám chúng tôi sướng quá, nức nở khen tài thật, tài thật. Tất nhiên tên quan hai Pháp phải đầu hàng, còn chị Chiên sau này được phong anh hùng, nữ anh hùng đầu tiên của xứ ta thời hiện đại, đợt phong anh hùng đầu tiên của chính quyền cách mạng, năm 1952, cùng với Nguyễn Quốc Trị, Cù Chính Lan, La Văn Cầu (đánh nhau), Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh (lao động). Thời bao cấp thập niên 80 sống khó quá, nghe kể bà Chiên bung ra làm ăn, nổi tiếng với việc nuôi chó cảnh Nhật, bán lời lắm. Bà Chiên mất năm 2016.

Nhắc tới súng trường, tôi đã từng nhìn tận mắt những khẩu súng cổ lỗ sĩ của dân quân xã, như mấy khẩu mút cơ tông (kiểu Pháp), trung chính (của quân Tưởng Giới Thạch), chủ yếu đem ra cho dân quân tập bắn, ngắm, bóp cò chứ không thấy nổ lần nào. Có lần chị gái tôi trong tiểu đội nữ dân quân còn khoác cả khẩu mút cơ tông về nhà, oai lắm. Thày tôi bảo đừng sờ vào đó, súng đạn vô tình, chứ hay ho gì. Khi Mỹ đưa máy bay ra ném bom miền Bắc thì dân quân các xã được trang bị súng tốt hơn, để bắn máy bay. Cũng vẫn chỉ là súng trường thôi nhưng hiện đại hơn, như CKC, K44. Súng cũ không có hộp tiếp đạn, bắn viên nào, lắp viên ấy, nhưng CKC và K44 có hộp tiếp đạn chứa khoảng 6 - 8 viên. Tôi dân ngoại đạo vũ khí nên cứ nhớ láng máng vậy (cũng như ở bài kỳ 1 có ghi đạn đại liên 12 ly 7 to gần bằng cổ tay, bởi lúc trẻ con thì thấy đạn ấy là to lắm rồi, đại cơ mà, thực ra 12 ly 7 chỉ nhỉnh hơn cây bút dầu viết bảng bây giờ, chứ cao xạ 37 ly mới cỡ cổ tay, hì hì).

Trung đội dân quân xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) vác súng trường lên đỉnh núi Chè chót vót hơn 5 chục mét canh máy bay. So với những tòa nhà cao cả trăm mét của Vincom, Quyết FLC hoặc Hoàng Huy ở Hải Phòng bây giờ thì núi Chè chả là đinh gì nhưng thời đó thì ngạo nghễ hoành tráng lắm. Đám trẻ con chúng tôi đi gánh nước giếng núi thường tranh thủ trèo lên đỉnh núi, trên đó có cả bãi đất rộng như cái sân bóng mini, ụ súng trực chiến của dân quân xây bằng đá núi ngay giữa sân. Hồi Pháp còn có mấy căn nhà ngói của lính Pháp, cả bể nước mưa, nhưng khi hòa bình bị phá sạch, chỉ còn trơ những bức tường và nền nhà. Từ đỉnh núi, ngắm được 4 xung quanh, ra tận biển, thấy cả thuyền đánh cá xa tít bé như hộp diêm, nhìn về phía bắc rõ mồn một những dãy núi trập trùng Yên Tử, Đông Triều, thấy cả ống khói nhà máy xi măng những hôm trời trong.

Dân quân trực trên núi tuy leo cực một chút nhưng có nhẽ vui, ai cũng xung phong. Đám trẻ con được nghe các anh chị kể chuyện chú Xích hồi chưa đi bộ đội từng leo lên núi thề “Đứng trên đỉnh núi ta thề/Không lấy được Tháu không về Trà Phương”. Chú Xích là con cụ Hách, anh của chú Cước cùng học với tôi, còn Tháu là cô Tháu, gái thôn Phương Đôi cùng xã, người yêu chú Xích. Cô Tháu đẹp nhất làng Phương Đôi, da trắng như trứng gà bóc. Chả biết có phải do thề độc không mà cuối cùng cô chú lấy được nhau, rồi chú mới yên tâm vào lính. Khi chú phục viên rồi, mở hiệu cắt tóc sát nhà tôi, tôi hay la cà trốn việc nhà sang đó, nghe chú chuyện trò cùng khách. Mấy ông hớt tóc dẻo mồm hay chuyện nhất trần đời. Có lần tôi hỏi chú phải vậy không, chuyện thề thốt ấy, chú cười, thề đéo gì, cả hai nhà đều đồng ý cho lấy nhau thì làm sao phải thề.

Dịp may cho dân quân xã. Cuối năm 1965, hình như tháng 11 thì phải, bọn tàu bay Mỹ ập vào ném bom trận địa tên lửa Mả Đò ở cuối làng Trà. Tôi nhảy xuống cái hố cá nhân ngay ngõ nhưng vẫn tò mò thò cổ lên xem. Trẻ con thời ấy đứa nào cũng gan dạ thế. Đám tàu bay từ hướng biển Đồ Sơn, Bàng La bay thấp vọt vào, sau đó quặt hướng tây để cắt bom xuống trận địa tên lửa. Súng cao xạ mạn Đồ Sơn bắn rất rát, một chiếc khu trục AD6 hình như bị thương, vẫn còn lặc lè bom chưa kịp thả, xịt khói bay ngang trận địa núi Chè. Dân quân thấy nó lừng lững gần xịt liền chĩa súng bồi thêm mấy phát nữa, chắc cũng chỉ được vài phát bởi mỗi khẩu một viên, chứ lắp đạn mới sao kịp, nó bay một đoạn rồi rơi xuống cửa sông Văn Úc. Thế là dân quân xã Thụy Hương lập chiến công hiển hách, được khen thưởng Huân chương chiến công hạng nhất, chả biết có kèm tiền không. Bây giờ ngay đầu núi sát đường đi vẫn còn trụ bia bê tông ghi lại chiến công ấy, chỉ có điều dần dần người ta trồng chuối xung quanh che lấp mất cả. Nếu tôi là chủ tịch xã như anh Quận (đương kim chủ tịch) sẽ kêu thanh niên dọp dẹp lại sạch sẽ phong quang, tu bổ đàng hoàng, nó như một niềm kiêu hãnh của địa phương. Và cũng hơi lạ, xã tôi góp phần bắn rơi máy bay Mỹ nhưng không được phong anh hùng, mà xã Minh Tân gần đó chiến công không bằng lại rực rỡ cái cổng chào kiêu hãnh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngay đầu xã. Tôi kể điều này, ý để mấy vị có trách nhiệm ở thành phố Hải Phòng và trung ương xem xét lại cho thấu đáo. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: