Trang

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Chuyện giếng làng

Hôm trước về quê, Nguyễn mỗ tranh thủ lúc chưa có lệnh cách ly tại chỗ, xách xe chạy lên núi Trà thăm cảnh cũ. Chỉ cảnh cũ thôi chứ không có “người xưa” bởi khi xa ấy còn thò lò mũi xanh. Núi Trà Phương không khác gì cái kho chứa cả thế giới tuổi thơ của tất tật trẻ con trong làng.

Kiến Thụy đất Hải Phòng là huyện ven biển thuần nông, sông trôi lờ lững, ruộng đồng xanh ngắt, chả hiểu sao tự dưng thò lên hai quả núi. Giá cứ như vùng Thủy Nguyên, Đá Bạch, Tràng Kênh nối vào với Đông Triều, Quảng Yên, hoặc lùi xuống Đồ Sơn, Cát Bà, Cát Hải đã đi một nhẽ. Núi có mạch, sông phải theo dòng. Đằng này, đang phẳng đang lặng, vụt lên hai ngọn đá tách ra riêng rẽ, như thách thức không gian. Núi Chè ngự trên đất làng Trà Phương nên còn gọi núi Trà, còn núi Đối hộ khẩu thường trú bên làng Đối, tên chữ là làng Xuân La, nơi có di tích Văn miếu nổi tiếng vùng duyên hải. Ông anh Vũ Lệnh Năng đồng môn người Cốc Liễn đang làm “Miếu trưởng” Văn miếu Xuân La, còn cô giáo Phạm Thị Dừa học giỏi văn khét tiếng đất Phòng có thời đóng chức hiệu phó trường cấp 3 chuyên Trần Phú, nhà chỉ cách văn miếu vài chục bước chân. Hơi văn thấm vào từng tế bào các vị ấy. Mấy chục năm nay, chính quyền và nhân dân đã trồng cây bạch đàn phủ xanh hai rặng đá Chè - Đối, ngắm thật mát mắt.


Con đường ven núi giờ đây đã được tráng xi moong tày tặn phẳng phiu, xe máy phóng vèo vèo tận chỗ miếu thờ Linh Quy đại vương, dân làng gọi là miếu cụ Rùa, thiêng lắm. Đường đẹp, nhưng sao cứ thấy ngẩn ngơ. Không còn lối xưa cũ gập ghềnh ngoằn ngoèo, nhớ cái hồi đi gánh nước giếng núi bước thấp bước cao chỉ sợ sóng sánh hết ra ngoài. Hầu như đứa nào cũng biết cách để nước trong thùng đừng văng ra thì phải thả vào nắm lá chuối khô lên trên. Có hôm quên lá chuối, bèn rút ruột cây dứa dại mọc đầy chân núi, nhai nhóp nhép phần nõn non, còn lại bỏ vào thùng. Chả mấy chuyến gánh nước mà không no một bụng lá dứa. Trẻ làng ngày xưa, thứ gì cũng xơi, nào đòng đòng vừa trổ, lá dứa non, khoai sống, nào quả sắn, quả mây, quả vối, quả rau muống, quả thèn đen, quả bom bóp, rồi còn mút chẹp chẹp cả hoa dong riềng. Hôm trước cái Linh còn kể mỗi lần vắt chanh đánh nước rau xong lại tranh nhau cái vỏ chanh để lộn ra ăn hết múi. Cấm bỏ đi thứ gì. Thiên nhiên hào phóng cung cấp đủ mọi thứ đặc sản cho bọn trẻ làng quê, trong khi cái mà chúng cần nhất thì luôn thiếu, đó là cơm. Ấy là tôi đang nói về cuộc sống thập niên 60 ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Sao lại gánh nước, sẽ có người hỏi vậy. Ở nơi đâu thì tôi không rõ chứ làng Trà quê tôi đứa trẻ nào cũng biết gánh nước, bị thày bu hoặc anh chị giao cho việc gánh nước. Nước ấy để ăn uống, một dạng nước sạch, nước tinh khiết, ngang với nước mưa, như nước máy bây giờ. Thứ này chỉ có trên giếng núi.

Hồi tôi còn bé, độ tuổi thiếu nhi, cứ rảnh chân là rảo khắp làng nên biết cả làng có bao nhiêu cái ao, bao nhiêu giếng. Ao dạo ấy tuy sạch hơn bây giờ nhưng nói chung chỉ để thả rau muống, rau dút, thả bèo nuôi lợn. Trên bờ kê chiếc cầu ao cho việc rửa ráy tắm táp, giặt giũ. Tắm ao mát phải biết. Còn muốn sạch sẽ hơn thì phải đào giếng. Nhưng đào một cái giếng riêng cho gia đình không phải chuyện đùa, không dễ thực hiện. Tiền bỏ vào mồm chả đủ, lấy đâu tiền đào giếng. Mà nếu có dành dụm chút ít cũng khó mua được gạch, xi măng lại càng hiếm. Cả làng có mỗn cái lò gạch ngoài thành phủ cũ, đợi đến khi được phân phối vài trăm viên gạch méo mó sứt sẹo thì đã bay mất cả chục năm trời. Mãi tới khoảng năm 1965 - 1966 phong trào xây giếng gia đình mới rộ, mới cơ bản giải quyết được vấn đề nước nôi.

Tới giờ tôi còn nhớ, trước thời điểm 1965, cả làng chỉ có vài cái giếng công cộng, do hợp tác xã làm. Xóm tôi có cái giếng ngay khu đình cũ, dùng cho cả xóm, nhiều buổi chiều, nhất là mùa hè, phải xếp hàng dài dặc chờ tới phiên múc nước. Nơi đây, hồi quân Pháp tập kết 300 ngày, chúng đóng quân trong đình, khoan một cái giếng máy gần cây nhãn cổ thụ trước đình, lắp cột bơm bằng tay, nước không bao giờ hết. Thày tôi kể, tháng 5.1955 chúng rút đi, bàn giao lại tất, không phá tí gì. Nước giếng máy trong và ngọt lắm. Chính quyền mới sau khi tiếp thu, bèn phá ngay cái giếng văn minh đó, quyết không để lại chút tàn tích gì của bọn thực dân đế quốc sài lang. Thày tôi cứ bảo sao họ dại thế, cái giếng chứ có phải lô cốt tháp canh gì đâu mà phá đi. Nhưng sự nghiệp cách mạng phá như thế vẫn chưa hết. Gần chục năm sau, năm 1964, chính quyền ra lệnh phá luôn cả đình, cái đình làng Trà vốn có từ thời nhà Mạc, to đẹp nhất vùng duyên hải Hải Phòng. Phá để lấy gỗ, gạch ngói xây chuồng lợn, xây nhà kho hợp tác. Di sản của thực dân phong kiến, không phá đi thì để làm gì, chướng mắt. Hôm phá đình dỡ đình, đám trẻ con ra coi, nhảy như choi choi bòn mót thứ này thứ khác. Thày bu tôi tiếc đình, không dám ra xem. Một ông bác họ tôi ngồi trên cao dỡ cột lim bị rơi xuống suýt chết. Chỉ chưa đầy 1 tuần, ngôi đình hoành tráng còn lại đống gạch đá vụn lổn nhổn. Mất cả giếng, mất cả đình, quá khứ vàng son làng Trà phủ Kiến Thụy tan biến vào dĩ vãng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: