Trang

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

Chuyện loanh quanh một bộ phim (kỳ 2)

Kỳ 1 đã nói rồi, đó là phim “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc, các vai chính A Phủ và Mỵ do Trần Phương, Đức Hoàn đóng, phim đen trắng, chiếu rộng rãi năm 1961, tới năm 1973 được giải Bông sen bạc. Nhắc lại như thế để ai chưa đọc phần đầu dễ hình dung.

Điều cốt lõi làm nên thành công của phim này là tác phẩm cùng tên, truyện vừa “Vợ chồng A Phủ” của “đại văn thụ” Tô Hoài. Chính cụ Tô là người chuyển thể sang kịch bản phim, và giời ạ, cũng là người viết lời cho bản nhạc “Bài ca trên núi” trong phim. Có lần tôi gặp chị con gái cụ vào công tác trong Sài Gòn, chị Nguyễn Sông Thao, bảo chị ạ, ông cụ nhà chị đúng là thứ núi Thái Sơn trong văn chương xứ này. Chị Thao cười bảo thì vưỡn. Tôi lại lí nhí thế mà chị chả kế thừa được cụ tí nào, chị lườm cho một phát tưởng rách mắt, hì hì.

Hồi đầu thập niên 60, chả hiểu ai cho hay mua, tủ sách cỏn con nhà tôi có cuốn “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài, gồm 3 truyện vừa: Mường Giơn, Vợ chồng A Phủ, Cứu đất cứu mường. Truyện nào cũng hay. Không hiểu sao, chẳng riêng gì Tô Hoài, các cụ thời ấy lại tài, viết nhanh và hay đến thế. Còn nhớ cái bìa sách vẽ hoa văn hình cái cây vuông vuông, kiểu trang trí của người Thái Tây Bắc. Đọc nát cả ra, tới mức phải lấy cơm dán chằng dán đụp. Sau không biết nó bị chuyền tới fan nào của Tô Hoài rồi mất hút. Giờ mà còn, đem bán cho cô Sông Thao để bày trong cái nhà lưu niệm cụ thân sinh chắc được ối tiền.

Chẳng đứa nào học lớp 10 ở miền Bắc lại thoát khỏi cái khổ nạn Vợ chồng A Phủ. Sách “Trích giảng văn học” lớp 10 bắt tụi học trò phải thuộc vanh vách thơ cụ Hồ (nhất là Nhật ký trong tù), thơ Tố Hữu, rồi mấy vị đã tự chuyển hóa, tự diễn biến như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh... Mảng văn xuôi đương nhiên phải chễm trệ cụ Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ, rồi Đất nước đứng lên, Tầm nhìn xa, Vỡ bờ, Cái sân gạch, Bão biển, Mảnh trăng cuối rừng, Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Bất khuất. Cứ thế mà nghiền cho nhừ. Người ta nhét vào đầu các ông tú bà tú tương lai rằng văn chương nước nhà chỉ có chỉ cần bấy nhiêu thôi. Chưa khi nào tôi thấy đề thi hết lớp 10, tốt nghiệp cấp 3 (bây giờ gọi là THPT) lại ra nội dung về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du chả hạn. Mấy thứ đó, học lướt một tí năm lớp 8, thi thì có mà trượt hết. Quanh đi quẩn lại, cứ yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cuộc sống mới, con người mới, tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, hiện thực xã hội chủ nghĩa, ta thắng địch thua. Học chừng ấy thứ, nó ngấm vào đầu, để khi làm bài văn sẽ viết trong phần kết luận, hứa “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần, đảng kêu gọi”. Mớ kiến thức khô cứng ấy nó bám chắc khừ vào óc, tưởng khó bề đơn sai, thế mà vừa rồi mấy đứa viết diễn văn cho thủ tướng dám truy điệu, phong liệt sĩ cho cả Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Văn Bổng, Thu Bồn. May mà chúng không đưa luôn cả Tô Hoài, Nguyễn Khải, Tố Hữu vào danh sách tử trận.

Nhớ cứ năm nào cũng vậy, tụi lớp 10 bàn bạc, tính toán, rằng năm ngoái thi Bất khuất rồi thì năm nay có thể Vợ chồng A Phủ, năm ngoái phân tích Biền và Tuy Kiền rồi, năm nay biết đâu tới lượt A Phủ và Mỵ, cũng có khi cô thanh niên xung phong tên Nguyệt và anh lái xe (tôi) trong Mảnh trăng cuối rừng. Tinh dững tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, tràn đầy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm chất của con người mới. Vậy mà có năm, cả đám chưng hửng khi đề thi ngắn ngủn, yêu cầu bình luận câu nói của Lê Mã Lương “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, cũng có năm chọn câu “hạnh phúc là đấu tranh” của ông rậm râu thủy tổ cộng sản. Lối sống sắt máu, chém giết, say chiến tranh luôn thống trị các đề thi môn văn.

Năm 1977 tôi vào miền Nam dạy học, cũng cứ theo cái vết ấy, mà không theo cũng chả được. Đọc các đề thi văn mà chúng tôi ra cho học trò, thầy Võ Thanh Long dạy lý cười bảo kinh thật. Tôi hỏi sao kinh, thầy Long kể hồi xưa chúng tôi trong này nếu làm bài về văn chương cũng thấy đề chỉ bàn đến Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, những Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm chứ chả hừng hực khí thế đánh giết nhau như thế. Văn chương gì mà sắt máu quá. Thứ ấy chỉ dành cho trường sĩ quan Thủ Đức hoặc Đà Lạt. Tôi chịu là phải, nhưng còn cố cãi, thế nên các vị mới thua. Thói sĩ diện của bên thắng cuộc đã khiến cho không chỉ chúng tôi mà bao nhiêu lớp học trò, sinh viên phải chịu khổ lụy theo. Dễ gì nhạt được thói thắp hương cho A Phủ và Mỵ, chị Vân, Biền, Lê Mã Lương… yêu quý của mình. Tới khi nhận ra sự thái quá ấy thì hơi bị muộn. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét: