Trang

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Chuyện loanh quanh một bộ phim (kỳ 3)

Chuyện kể rằng khi làm phim “Vợ chồng A Phủ”, đạo diễn Mai Lộc mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết nhạc. Ông Thương lúc này đã khá nổi tiếng trong làng nhạc, nhất là bài “Bình Trị Thiên khói lửa” thời chống Pháp. Trong nhạc tiền chiến (tức trước cuộc chiến 9 năm, 1945 - 1954), dòng nhạc mà cách mạng quy kết là ủy mị, tiểu tư sản trụy lạc, ông có vài bài được yêu thích, như “Đêm đông”. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bài “Đêm đông” bị cấm tiệt, người ta chỉ dám hát lén với nhau. Có nghe truyền tai, chính ông Thương cũng không dám nhắc lại đứa con tinh thần ấy bởi sợ ảnh hưởng tới đường công danh.

Mà chả phải chỉ riêng nhạc sĩ Thương, tình trạng đó rất phổ biến trong giới văn nghệ. Ông Hoài Thanh trút hết cả tinh hoa để có cuốn “Thi nhân Việt Nam” (một cuốn sách chân dung, phê bình văn học, theo tôi cho tới nay chưa cuốn nào qua mặt được), vậy nhưng hồi 9 năm phải công khai lên tiếng từ bỏ nó. Những ông Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Phạm Văn Khoa, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi… đều na ná vậy. Miệng thì nói “nhận đường”, “cuộc hồi sinh kỳ diệu” (Chế Lan Viên), “cuộc lột xác rớm máu” (Nguyễn Tuân), “hôm nay học hết kỳ chỉnh đảng/thấy bốn phương ánh sáng lùa vào” (Xuân Diệu) nhưng có nhẽ cũng cay đắng lắm. Những gì mà họ sáng tác tiếp về sau này chỉ như ánh hồi quang, chập chờn, lụi tắt so với những gì họ đã có. Họ thiếu thứ vô cùng quan trọng là tư cách của người trí thức, người nghệ sĩ sáng tạo, thứ mà cụ Phan Khôi đã chỉ ra, đã giữ được, “Nắng chiều đẹp có đẹp/Tiếc tài gần chạng vạng/Mặc dù gần chạng vạng/Nắng được thì cứ nắng”. Để giữ được nắng ấm ấy, cụ Phan đã phải trả cái giá quá đắt trong chế độ cộng sản mà cụ tham gia phục vụ.

Ông Nguyễn Văn Thương sau này từng nhiều năm làm Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, có vài tác phẩm công chúng biết rộng rãi, chẳng hạn nhạc không lời “Lý hoài nam”, “Ngày hội non sông”, “Múa chàm rông” thường được phát trên đài, ca khúc như “Dân ta đánh giặc anh hùng” xổi một thời gian rồi tắt lịm. Rốt cục, nhắc tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, chỉ đọng lại “Bình Trị Thiên khói lửa” và “Bài ca trên núi”.

Chính ông Thương có kể lại ông khá lúng túng khi viết lời cho bài hát phim “Vợ chồng A Phủ”. Có người khuyên chả gì hợp hơn là mời chính cụ Tô Hoài đặt lời. Bây giờ mỗi khi hát, mới thấy phục lăn cụ nhà văn làng Nghĩa Đô này. Nội dung ngắn gọn, giản dị, đầy chất thơ, rất trai gái, thô mộc như cái tình của người núi cao hoang dã. Và ông Thương lại may mắn được một giọng ca mới lạ, lần đầu cất tiếng nhưng thành công không ngờ. Ca sĩ Kiều Hưng.

Những năm giữa thập niên 1960, đám chúng tôi cực thích giọng Kiều Hưng. Tất nhiên thời ấy nhiều giọng hay, chuẩn, siêu, như một loạt vị họ Trần: Trần Khánh, Trần Thụ, Trần Hiếu, Trần Chất; rồi Doãn Thịnh, Quý Dương, Mạnh Hà, Trung Kiên, Kiều Hưng… Thích giọng Kiều Hưng ngọt, ấm, không màu mè. Kiều Hưng thể hiện “Bài ca trên núi” cứ như không, hun hút lắng vào hồn. Bọn trẻ con mới gần chục tuổi như đám tôi chỉ xem phim “Vợ chồng A Phủ” vài ba lần rồi thuộc làu, thuộc tới bây giờ. Bà chị cả tôi có lần mắng, oắt con vắt mũi chưa sạch, mấy bài “Đường làng em”, “Kim Đồng”, “Nguyễn Bá Ngọc” không hát, lại đi hát vớ hát vẩn, trai gái hư người.

Kiều Hưng hát hay, sống hiền lành nhưng đời lận đận. Có lẽ một phần do ông thật thà, không biết nịnh nọt gió chiều nào che chiều ấy. Bao nhiêu năm ca hát vẫn không được vào biên chế, không lương, thậm chí bị ghen ghét tài năng, bị hắt hủi, nghi ngờ. Những người “khôn khéo, biết điều” được đủ ân sủng của chế độ, còn ông bị gạt ra ngoài, không danh hiệu, chẳng giải thưởng (tất nhiên mãi về sau, khi đã cởi mở, mới nhận danh hiệu NSƯT). Bi kịch của ông có nhẽ chỉ sau Trần Khánh, tài năng hàng đỉnh, giọng ca số 1, suốt đời chịu phận đứng ngoài, chết mới nhận truy phong danh hiệu NSND.

Dòng đời xô đẩy, cũng như khá nhiều nghệ sĩ miền Bắc cuối thập niên 80 - đầu 90, Kiều Hưng đi “lao động hợp tác” ở Liên Xô, nói thẳng ra là làm lao động chân tay, làm thuê bán rẻ sức lao động. Rồi Liên Xô tan rã, lưu lạc sang Đức, không giấy tờ, không người bảo lãnh, cứ bơ vơ nơi đất khách quê người. Quê hương thì chối bỏ, xem như quân đào ngũ, chịu bao nhiêu năm tha hương đầy tâm trạng. Đến nỗi có tờ báo quê nhà khi khen “Bài ca trên núi” cũng không dám nêu tên Kiều Hưng, chỉ chung chung “Với “Bài ca trên núi”, giọng hát ngọt ngào, mượt mà của một ca sĩ thành danh lúc đó đã lôi cuốn người nghe, giúp họ cảm nhận sâu sắc thêm nội dung phim”. Chết cười, chả nhẽ cái tên cũng khiến người ta sợ sệt ngại ngùng đến vậy. 

Cái thói vắt chanh bỏ vỏ của chế độ đâu phải chỉ ám vào Kiều Hưng. Sống không được phải tìm cách ra đi, nhưng lại bị chính quyền xem là quân thù quân hằn. Những Ngọc Tân, Vân Khánh, Ái Vân, Họa Mi… là vậy. Tôi còn nhớ năm 1988 xôn xao chuyện “đào ngũ” của một nữ diễn viên múa nổi danh, chị Trịnh A Sa. Đoàn ca múa Bộ đội biên phòng sang Indonesia diễn, khi về thấy mất Trịnh A Sa. Báo chí mậu dịch lên án, rằng không giữ được phẩm chất cách mạng, không đồng cam cộng khổ với dân tộc, đất nước. Thầy Vy đồng nghiệp tôi đọc báo xong cười chua chát, một A Sa của Bắc Kỳ đã là gì so với cả gần triệu người Nam liều thân vượt biển, trong đó có biết bao nhiêu tài năng, vốn quý. Trường tôi trong chục năm trời, từ 1977 tới thời điểm chị A Sa đào tẩu, vượt biên hơn chục thầy cô, tinh thầy giỏi. Thì biết làm thế nào khi con người bị đẩy tới cùng đường. Thầy giáo tháo giày, giáo chức dứt cháo. Chẳng phải vô lý mà người ta bảo nhau “cây cột điện mà có chân chắc nó cũng ra đi”. Vừa rồi, người bạn tôi, anh Lê Tuấn Anh cho biết mới gặp chị Trịnh A Sa bên Mỹ, vẫn nặng lòng nhớ nước thương nhà. Tôi mừng cho chị, cả chị ca sĩ Vân Khánh nữa, đều tưởng chết, bặt tin suốt mấy chục năm, hóa ra còn sống được với đời.

Nguyễn Thông

1 nhận xét: