Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Hai ông Phương

Giữa trưa nay, bão số 5 đã nhạt dần thành áp thấp nhiệt đới, dù nó chỉ thọc vào miền Trung làm gẫy đổ cơ man cột điện, cây cối, tốc bao nhiêu mái nhà, nhưng cũng lan ra gây mưa gần khắp cả nước. Khi tôi đang lách cách mấy chữ này, Sài Gòn u ám sụt sùi suốt, định có tí việc chạy ra ngoài mà đành chịu. Thấy đứa cháu gọi vào bảo ở ngoải cũng mưa. Hà Nội đang tắm mưa, và chuyển lạnh. Tiết trọng thu sao cứ buồn buồn. Lật giở mấy trang báo điện tử, có cái tin buồn, nhạc sĩ Phó Đức Phương vừa mất. Trưa 19.9 tây lịch, tức mùng 3 tháng 8, mùa thu Canh Tý 2020.

Thế hệ sinh giữa thập niên 50 chúng tôi hầu như ai cũng biết tên tuổi hai ông Phương. Thực ra thì biết nhiều ông Phương lắm. 

Có ông Trần Phương trợ lý cho ông Lê Duẩn, làm tới phó thủ tướng thời bao cấp, đồng tác giả của “đặc sản” giá lương tiền. Những năm ấy có câu đồng dao “Thằng Phương thằng Truyến thằng Quỳnh/Ba đứa đồng tình bóp cổ nhân dân”. Truyến là ông Đoàn Trọng Truyến, Quỳnh là ông Trần Quỳnh. Tinh những đệ tử của ông Lê Duẩn nghìn nến. Ông Trần Phương còn được biết tới khi ông có cuốn sách tự kể chuyện đi tìm mộ người em gái họ Vũ bị quân Pháp giết hồi kháng chiến 9 năm (thực ra ông Phương họ Vũ chứ không phải họ Trần). Thế giới tâm linh, thần giao cách cảm, ly kỳ và éo le phết.

Ông Phương nữa mà đám tôi rất thích và kính nể là ông Trần Việt Phương. Nể ông không phải bởi ông là thư ký, trợ lý suốt mấy chục năm của ông Phạm Văn Đồng (ông Đồng làm thủ tướng tròm trèm 32 năm, vào loại thâm niên thủ tướng vô địch thế giới, không biết đã được kỷ lục Ghi Nét đưa vào sách chưa), hay được gặp cụ Hồ, thạo giỏi tinh thông nhiều ngoại ngữ, v.v.., mà bởi ổng là nhà thơ, thi sĩ Việt Phương. Thơ Việt Phương thì tuyệt vời, già trẻ đọc đều mê tít. Ông viết “Không được soi vào đôi mắt em/Anh ngắm trời sao cho vợi nhớ/Ô kìa trời sao mà cũng ghen/Bắc đẩu nghẹn ngào như tắc thở”, hay “Gốc liễu đôi ta ngồi đêm trước/Đêm nay lại vẫn đón một đôi/Anh đi suốt hai bờ mây nước/Mỗi góc tình yêu đều ấm hơi người”… Ông nổi tiếng với bài thơ khóc cụ Hồ ngay sau khi cụ mất, “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương”, thơ khóc của những ông khác cứ gọi là phải xách dép cho bài này. Năm 1972 lứa tôi vào đại học, gặp nhau cứ thì thào hỏi có cuốn “Cửa mở” không, cho mượn với. Chả là cuốn này của ông Việt Phương ra năm 1970, chưa đầy năm thì bị lặng lẽ thu hồi, theo lệnh cấm miệng. Sách cấm thì bao giờ chả hay, chả khiến tò mò. Nói cho công bằng, đây là tập thơ vào loại hay nhất, đỉnh nhất trong thứ thơ cộng sản mà tôi biết.

Hai ông Phương mà tôi muốn nhắc là nhạc sĩ Phó Đức Phương (vừa rời cõi) và nhà thơ Vũ Quần Phương. Cả hai ông đều giỏi, idol của thế hệ tôi.

Ông Vũ Quần Phương làm thơ, nhưng vốn học y khoa, là bác sĩ, tuy nhiên người ta biết tới ông nhiều ở vai thi sĩ Vũ Quần Phương chứ không phải doctor. Tôi vẫn nhớ có lần ông anh đồng môn Bùi Trọng Cường (rất máu thơ) đọc cho tôi nghe câu thơ của Vũ Quần “Hoa trong cây, người ở giữa con người” rồi tấm tắc thơ thế mới là thơ chứ lị. Tên tuổi của ông bác sĩ làm thơ này thời đó sánh ngang Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật. Tôi rất thích mấy câu của ông Vũ Quần: “Áo đỏ em đi giữa phố đông/Cây xanh như cũng ánh lên hồng/Em đi lửa cháy trong bao mắt/Anh đứng thành tro em biết không?”. Tán gái là phải thuộc câu này. Ông Phương thơ càng thêm nổi tiếng khi có ông con là giáo sư toán lừng danh thế giới Vũ Hà Văn.

Ông nhạc sĩ Phó Đức Phương chả biết có bà con thân tộc gì với nhà cách mạng Phó Đức Chính không nhưng họ Phó quả là lạ và hiếm ở xứ ta. Chúng tôi biết ông Phương Phó khi ông rất nổi tiếng với bài hát, gần như tác phẩm đầu tay, “Những cô gái quan họ”. Bài này đứa nào cũng thuộc, hát mãi, tự dưng đổi tên cho nó, thành “Trên quê hương quan họ”, cũng na ná như bài “Bài ca người thợ mỏ” của cụ Hoàng Vân được thiên hạ tự động đổi sang “Tôi là người thợ lò”. Thời mấy chục năm trước, tài năng nghệ thuật là thứ thiên bẩm, vụt phát sáng. Một ông giáo dạy toán như Phó Đức Phương, phắt một nhát, với mấy nàng quan họ trong giai điệu, khiến thiên hạ lắc đầu lè lưỡi.

Nhiều người nhắc tới Phó Đức Phương kể ra danh sách ở hàng đầu với những “Trên đỉnh phù vân”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Về quê”… nhưng kẻ quê mùa như tôi thì cứ phải trịnh trọng xếp “Những cô gái quan họ” ở ngôi thứ nhất.

Sông Cầu nước xuôi, gái hội Lim dàn quân trên đồng, cầu cho ông đi tung tăng trong cõi vô thường. 

Nguyễn Thông

https://bcdcnt.net/bai-hat/nhung-co-gai-quan-ho-ban-1-3051.html?from=search

1 nhận xét: