Bận bịu là thế, y còn nhớ tới mình. Tổ chức triển lãm ghi dấu một chặng đường nghệ thuật, quy mô không nhỏ, cực tốn kém, phải để mắt tới từng li từng tí, đâu phải chuyện chơi. Nhưng Vĩnh trẻ, sức trẻ ngông cuồng, mọi thứ cứ băng băng. Lại được sự giúp đỡ tận tình từ bạn bè, từ các đàn anh tri kỷ, nhất là Lý Đợi và Lê Hải, cuộc trưng bày Vọng, theo lời người dự mà tôi nghe lỏm được, trên cả tuyệt vời. Tôi định ghé tai Vĩnh thì thầm, kiểu như người ta hay nói về các đại hội đảng, rằng Vọng ngay từ phút mở màn đã “thành công tốt đẹp”, nhưng rụt lưỡi kịp, bởi dùng cái câu thành ngữ sáo mòn ấy dễ bị sái cho gia chủ.
Tôi gặp Vĩnh lần đầu tại nhà đàn anh Nguyễn Khắc Nhượng. Cụ Nhượng (bọn đầu bò chúng tôi hay lếu láo gọi thân mật anh bằng cụ) là sếp trực tiếp của tôi hồi còn làm báo TN. Hôm í, nhân cơ hội vàng bà xã đi vắng sang chơi với cháu nội, cụ có mấy món đặc sản miền Trung người nhà vừa đem vô, rượu ngon hơi bị sẵn, liền thổi còi triệu tập vài anh em thân tín. Tôi tham ăn, nhanh nhảu tới sớm nhất. Một lát sau là Lê Hải, nhìn thoáng là nhận ra ngay bởi đã… nhẵn mặt trên phây búc. Kẻ cuối cùng là cậu thanh niên da ngăm đen, lún phún tí ria mép, mặt chữ điền can trường quắc thước, giọng trọ trẹ vùng ngoài, ôm một hộp giấy dẹp rõ to. Tôi ngượng nghịu bắt tay chào (tính tôi vốn thế, cứ gặp người lạ, dù đàn ông hay đàn bà, nhất là người trẻ, là ngượng nghịu lúng túng), cụ Nhượng giới thiệu đây là Thông, còn đây là Vĩnh, họa sĩ Trần Thế Vĩnh. Mọi ngăn cách được xóa bỏ thật dễ dàng.
Vĩnh tháo dây chằng cái hộp giấy dèm dẹp, hiện ra lồ lộ bức chân dung sơn dầu, chính là vị chủ nhà đang rót rượu. Tôi làm chung với cụ Nhượng gần hai chục năm, ngắm ảnh sếp đã nhiều, đọc văn cụ không ít, nhưng lần đầu tiên chiêm ngưỡng một khuôn mặt trong tranh chính con người quen thuộc ấy, toát lên cái thần thái mà lâu nay mình biết rất rõ nhưng lại lơ mơ khó định hình, khó diễn đạt ra. Vậy mà Vĩnh đã làm được. Chợt hiểu rằng, có những điều khi ngôn ngữ bất lực thì không phải đã hết cách.
Tới lần tụ tập sau ở nhà anh Lê Hải thì tôi thực sự choáng trước Vĩnh, đúng hơn là trước tranh của chàng họa sĩ trẻ này. Anh Hải doanh nhân say mê nghệ thuật, quảng giao, kết thân với nhiều yếu nhân văn nghệ; một dạng mạnh thường quân; một nhà sưu tập tranh có hạng (mà chả phải chỉ tranh, cả sách quý, cả rượu ngon hiếm nữa). Sẽ có dịp biên riêng về đương sự, còn giờ để dành chữ nói về Vĩnh. Căn nhà anh Hải mấy tầng lầu ở quận 10 ngồn ngồn những tranh, nổi nhất là tranh Vĩnh. Tôi như một kẻ ngoại đạo ngẩn ngơ mỏi mắt ngắm nghía mãi những bức Vĩnh khắc họa khuôn mặt danh nhân văn nghệ, đặc biệt thích 2 bức Tô Thùy Yên và Phùng Quán. Hai vì sao sáng thơ văn của đôi miền, tôi chưa gặp bao giờ nhưng biết từ lẩu lầu lâu rồi. Ngó tôi ngắm tranh Vĩnh, anh Nhượng bảo cái tài của nó (Vĩnh) là toát được thần thái nhân vật, hiện lên chính con người mà lâu nay ta chỉ được nghe, truyền tụng. Mỗi người một vẻ, một tính cách, bản lĩnh, đối xử, tình người, tài năng… đều bộc lộ qua thần thái mà Vĩnh thấu thị, chộp được, nắm được. Ngắm chân dung Nguyễn Hữu Đang, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Trần Dần, Phạm Duy, Lam Phương, Vĩnh Phối, Lưu Quang Vũ… không lẫn vào đâu được, ờ nhỉ, chính cái con người mà chúng ta đã biết. Nghe anh Nhượng nhắc, sực nhớ câu của ai đó mà hồi tre trẻ mình từng nghe “họa hổ họa bì nan họa cốt” (vẽ con hổ, có thể vẽ được dáng vẻ bên ngoài giống nhưng khắc họa được cốt (xương, tức là thần thái của nó) mới khó. Những ông hổ văn nghệ của gần một thế kỷ xứ này đã hiện lên tranh Vĩnh với thần thái bản chất họ vốn có. Chợt lan man, không hiểu bây giờ có ai khắc chân dung được như Vĩnh không, sau này nữa, có ai vẽ về Vĩnh được như Vĩnh từng tỉ mỉ mà khoáng đạt kia không. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
nên lưu lại các tác phẩm nghệ thuật này
Trả lờiXóa