Trang

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Vĩnh vẽ phía sau màu (tiếp)

Phần 2: Cuộc hòa hợp xóa nhòa ngăn cách

Nói thêm về 2 lần đàn đúm ở nhà anh Nguyễn Khắc Nhượng và anh Lê Hải. Dĩ nhiên Vĩnh trẻ nhất đám nhưng lại như cục nam châm hút mạnh nhất. Đận nhà Lê Hải đông hơn, có thêm anh Lê Nguyễn (dịch giả), anh Lê Học Lãnh Vân, nhà thơ Lý Đợi... Không gian thật ấm cúng thân tình, xung quanh là tranh, trên bàn bày rượu. Chứng kiến cuộc vui là những Hữu Loan, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phùng Quán, Tô Thùy Yên… ngự trên tường. Và không chỉ ngắm tranh Vĩnh, còn được nghe chàng hát. Thật lạ, tuổi chưa vào ngưỡng 4 (sinh năm 1986) sao tài hoa thế, hiểu nhiều hiểu sâu thế. Những ngón tay kia tưởng chỉ quen cầm cọ chạy trên phím ghi ta thật điêu luyện. Vĩnh thuộc rất nhiều bài của miền Nam trước 1975, thậm chí những bài có từ khi đất nước mới chia cắt. Vĩnh hát “Chuyến đò vĩ tuyến” của Lam Phương nghe lặng người, buồn não nề, rồi cả Ngô Thụy Miên, Trúc Phương, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… Có cảm tưởng trước mặt không phải chàng họa sĩ trẻ mà một ca sĩ lãng tử, ẩn dật, chỉ khi lòng thôi thúc lắm mới cất lên giai điệu chất chứa tự bao giờ.

Nhẩm lại cái địa chỉ triển lãm Vọng, tôi ruổi hết con đường Ngô Thời Nhiệm quận 3, tới tận đầu đường. Có nhẽ những người được giao trách nhiệm đặt tên đường ở đất Sài Gòn nên điều chỉnh lại cho đúng tên danh nhân Ngô Thì Nhậm. Triều Nguyễn bắt thiên hạ phải kiêng húy, né tránh hai tiếng Thì và (Hồng) Nhậm (tên vua Tự Đức hồi nhỏ) thành Thời và Nhiệm. Lẽ nào suốt bao năm, những cái đầu bác học của chính quyền mới lại cứ duy trì mãi tên gọi Ngô Thời Nhiệm một cách vô trách nhiệm như vậy.

Ngó vào khán phòng đã đông vui lắm. Bạn bè quý mến Vĩnh đã đi một nhẽ, mà còn là dịp để chứng kiến một tài năng. Cũng hơi bị lâu tôi mới có dịp đàn đúm đông bạn bè cố nhân đàn anh đồng nghiệp thế này, nào là Nguyễn Khắc Nhượng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên, Lê Công Định, Trần Rạng, Lê Học Lãnh Vân, Lê Thanh Phong, Lê Hải, Lý Đợi, Lê Thanh Quý... Tất nhiên không thể thiếu chủ trò Trần Thế Vĩnh. Y mặt tươi như gã trai vừa tán được cô gái đẹp, thoắt chỗ này, thoắt chỗ kia, ngó nghiêng, bá vai, chụp ảnh, ký tặng… bận bịu hơn chú rể. Cũng phải thôi, hôm nay là ngày trọng, việc trọng, không mấy khi xảy ra trong một đời người.

Phòng triển lãm đẹp, sang trọng, xứng với tranh được trưng bày. Chỉ tiếc một điều, địa chỉ này hơi khuất nẻo, yên tĩnh, vắng vẻ, thiếu sự ồn ào náo nhiệt thu hút lôi cuốn của chốn phồn hoa. Đành rằng thưởng thức nghệ thuật luôn đòi hỏi sự chọn lọc, thậm chí cầu kỳ, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nhưng nếu đông đảo công chúng được cơ hội ngắm tranh Vĩnh, thưởng thức nhâm nhi tài nghệ của Vĩnh thì vẫn cứ hay hơn.

Tại Vọng, tôi thỏa sức ngắm… người. Đỗ Trung Quân vẫn chả béo lên tí nào, hấp háy mắt tinh quái sau cặp kính đít chai dày cộp, bắt tay siết đau phết. “Cụ” Phạm Xuân Nguyên phơ phơ râu tóc dài xõa đang trò chuyện điều gì tâm đắc với ký giả Lê Thanh Phong đầu nhẵn thín. Tôi chào Nguyên, Nguyên cười bảo ông K17 tôi còn lạ gì. Anh Nguyễn Khắc Nhượng đưa tôi cuốn “Vọng” nặng trịch, nói cầm lấy, có sẵn chữ ký tặng của nó rồi. Ông anh, sếp cũ của tôi bao giờ cũng chu đáo với đàn em vậy. Kia là hai cha con Lê Học Lãnh Vân, một cây bút đầy trách nhiệm với những bài ngồn ngộn tri thức. Tôi nói với con gái Vân, cháu ạ, cha cháu là người rất tuyệt vời, chú chỉ có thể ngắn gọn như vậy. Đứng bên bức chân dung thi sĩ Tô Thùy Yên đã được gắn nơ, tôi thật thà với anh Lê Hải rằng, anh ạ, em dốt hội họa, nhưng bức Tô Thùy Yên này em thích nhất, còn vì sao thích thì không cắt nghĩa được. Cũng có thể bởi đó là do Vĩnh khắc họa rất thần bút, có thể mình đã chiêm ngưỡng nó ở nhà anh Hải, cũng một phần trong đầu luôn văng vẳng mấy câu trong bài “Ta về” của ông Yên, “Ta về như lá rơi về cội/Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/Giải oan cho cuộc bể dâu này”, không đơn thuần thơ mà là tâm phật, sự rộng lượng tha thứ không giới hạn sau khi bản thân thi sĩ chịu biết bao đày ải trong cõi nhân sinh dưới chế độ mới.

Điều đáng nói nhất ở tranh Vĩnh, ở cuộc triển lãm Vọng này, theo tôi, là việc Vĩnh lựa chọn đối tượng chân dung. Lịch sử xứ ta gần trăm năm trở lại đây, nhất là đã trải qua những biến cố dữ dội tàn khốc tác động đến từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc, đất nước, thì thiếu chi những nhân vật lịch sử, những yếu nhân, ở phía bên này hoặc bên kia. Trong văn nghệ cũng vậy. Tuy nhiên, đã 45 năm rồi, sự cắt chia vẫn còn, hố sâu chưa được lấp. Sự hòa giải, hòa hợp, xóa bỏ hận thù vẫn hằn như vết sẹo chưa lành trong cuộc sống. Nếu đời thực chưa làm được sự hòa hợp thì văn nghệ, văn nghệ sĩ phải làm, không cần đợi nhà chính trị và thể chế ra tay. Vĩnh trẻ, óc tỉnh táo, thái độ kính trọng nhân tài, biết vượt trên rào cản chính trị đường lối quan điểm tầm thường, bằng tài năng đặc biệt, đã làm được điều giá trị ấy. 51 bức chân dung, có nam có bắc, có xa có gần, có vinh quang nguyệt quế lại có cả bi kịch đau đớn tột cùng, phía bên này phía bên kia. Đâu phải chỉ những Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Đinh Hùng, Hoàng Thi Thơ, Nguyên Sa, Nguyễn Hiến Lê, Y Vân, Vũ Thành An, Từ Công Phụng… (cứ tạm gọi ở phía bên này) mà vẫn có đủ cả Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Quang Dũng, Nguyễn Bính, Phan Khôi, Phùng Quán, Văn Cao, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Vàng Sao, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… của “bên kia”. Ngắm tranh chân dung văn nghệ qua góc nhìn của Vĩnh, hiểu rằng cái chuẩn để chọn là nhân cách, sự tử tế, tài năng, sự kính trọng yêu mến của người đời, chứ không phải chính trị chính em, đường lối tư tưởng quan điểm này nọ. Vĩnh không mặn mà với chân dung văn nghệ chính trị, mà chỉ tôn vinh những văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhân cách, tài năng đích thực.

Trần Thế Vĩnh với triển lãm Vọng, với 51 chân dung con người tử tế, tinh hoa trong làng văn nghệ, người nhất trong những con người, đã làm được điều không phải ai cũng làm được. Đó cũng chính là tài năng và nhân cách của họa sĩ trẻ, tuổi Bính Dần quê Quảng Trị này. Khi ngắm Vĩnh hí húi ký tên tặng người mua sách để gây quỹ “Giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt”, càng thấy quý mến và yêu thương.

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Hình như tên bài hát là "Chuyến đò vĩ tuyến" chứ không là "Con đò giới tuyến".

    Trả lờiXóa
  2. Dạ, em nhớ nhầm, em sửa lại, cảm ơn anh ạ.

    Trả lờiXóa
  3. giờ nên đổi lại tên đường là Ngô Thì Nhậm cho đúng tên

    Trả lờiXóa