Trang

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Thành ngữ mới ‘Mặt nghệt như mất sổ gạo’ (kỳ 2)

Như đã biên ở bài trước, một trong những sự tệ hại nhất của chế độ bao cấp mà nhà nước cộng sản áp dụng là chính sách bao cấp lương thực. Những ai sống ở miền Bắc sau năm 1954 và miền Nam sau tháng 4.1975 đều biết rõ chuyện này. Biết rõ bởi không phải được nghe nói, mà chính bản thân trải qua, cuộc đời mình giống như mà ca thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của chế độ. May mà nó (chế độ bao cấp lương thực ấy) chấm dứt vào đầu thập niên 1990.

Nông thôn miền Bắc sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi chưa kịp ổn định thì rơi vào cơn bão mới. Cái tâm trạng mà thi sĩ Vũ Cao thể hiện trong bài thơ “Núi Đôi”: “Anh nghe có tiếng người qua chợ/Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều/Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc/Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu” chả kéo dài được bao nhiêu. Trận cuồng phong mới có tên mỹ miều hợp tác xã, hay còn gọi là hợp tác hóa nông nghiệp. Gia đình nông dân nghèo, nhất là bần cố nông, vừa được cách mạng chia vài sào ruộng trong đợt cải cái ruộng đất đẫm máu (1953 - 1957) chưa kịp làm chủ thì tới năm 1959 bị nhà nước gợi ý góp hết ruộng đất vào tổ đổi công, giống như bước thăm dò phản ứng của dân chúng.

Có nhẽ do nóng vội tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện sản xuất lớn, bắt chước Liên Xô, Trung Quốc biến nông thôn thành nông trường, thành công xã nên tới năm 1960 thì miền Bắc tiến hành hợp tác hóa ồ ạt. Tất cả ruộng đất, trâu bò đều bị sung công, hiến cho hợp tác xã. Nông dân trở thành xã viên, làm ruộng theo giờ giấc quy định, “nghe tiếng kẻng reo vui thấy chân trời mở rộng”, được tính công điểm, căn cứ vào công điểm ấy mà người ta chia cho thóc, khoai, rơm rạ... Tất tật thóc gạo do nông dân một nắng hai sương làm ra đều bị nhà nước trưng thu, quản lý, nồi cơm của mỗi gia đình đầy hay vơi đều phụ thuộc vào sự phân phối từ nhà nước. Người làm nhiều công điểm hay ít công điểm cũng chỉ như nhau bởi thóc được tính theo nhân khẩu. Có một thời đám trẻ con chúng tôi nghe cán bộ trên tỉnh huyện về giáo huấn chính sách ưu việt của chế độ mới, rằng “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Họ hãnh diện về nguyên tắc ấy, gọi đó là nhân đạo cách mạng, nhân đạo cộng sản, ai cũng như ai, ai cũng được chăm lo.

Ngắm nghía lối làm ăn ất ơ của hợp tác xã, thày bu tôi quyết không vào, cứ chấp nhận bị coi là lạc hậu, đối tượng chậm tiến, chỉ biết làm ăn riêng lẻ mà không thấy hướng đi lớn thời đại. Nhà tôi thời kỳ cuối kháng chiến nghèo khó như nhiều gia đình nông dân khác, chỉ có vài sào ruộng, tuy nhiên nhờ chăm chỉ vẫn đủ gạo ăn. Tới cuối thập niên 50, thày bu tôi chịu khó cày cuốc, buôn bán thêm, tiết kiệm, cả nhà nhịn ăn nhịn mặc, dành tiền mua được dăm sào ruộng nữa (của những người có ruộng nhưng không muốn làm, hoặc đi thoát ly), tới trước khi bị ép vào hợp tác có được 9 sào (mỗi sào 360m2). Đủ thóc ăn, chấm dứt cảnh đói, làm đủ nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước. Trong nhà lúc nào cũng đầy mấy chum thóc khô, không bị rơi vào cảnh của đa số hộ xã viên hợp tác thiếu đói triền miên, ăn độn quanh năm. Khi giáp hạt, tháng ba ngày tám, nhà tôi vẫn không phải ăn độn. Tháng 4.1977 tôi vào Nam nhận việc. Cơm trắng được đúng 2 tháng, rồi trường kỳ ăn độn. Cười ở chỗ, mấy thầy giáo tại chỗ có lần bảo từ bé tới giờ, kể cả khi chiến tranh ác liệt nhất, mới biết thế nào là ăn độn. Thầy Trần Mạnh Hảo dạy toán còn dí dỏm, cách mạng hay thật, cho chúng tôi biết thêm bao nhiêu từ ngữ mới.

Rồi cuộc sống bình dị an phận cũng không thoát trước thiên la địa võng của chính quyền nhân dân. Nhiều khi khô hạn, người ta làm khó không cho nhà tôi tát nước vào ruộng, lý do nước đó của hệ thống thủy lợi hợp tác. Họ giở đủ mọi cách, đánh vào tương lai con cái, không kết nạp vào đội vào đoàn, không miễn giảm học phí, cửa hàng hợp tác xã mua bán không bán cho những vật dụng sinh hoạt cần thiết như nước mắm, dầu hỏa, hàng tết… Khổ nhất là họ tuyên truyền trong dân chúng tẩy chay đối tượng lạc hậu bảo thủ, ngăn cản chuyện phấn đấu học hành của con những gia đình làm ăn riêng lẻ. Chịu không nổi, năm 1964, thày bu tôi phải phất cờ trắng đầu hàng chính quyền, đầu hàng hợp tác xã. Ngoài 2 sào đất thổ cư (nhà và vườn) được giữ lại, còn hơn 7 sào ruộng và cái ao gần 2 sào phải nộp hết vào hợp tác xã (nhà tôi còn đỡ, chứ nhà bác Ỷ vào cùng đợt bị nộp tới mẫu rưỡi (15 sào), tới khi hợp tác tan, thực hiện khoán 10, bị mất trắng. Cả nhà tôi 6 người vinh dự thành xã viên, làm việc hợp tác, ăn công điểm, được chia sản phẩm giống như mọi nhà. Suốt nhiều năm liền, từ bấy cho tới khi anh trai tôi đi bộ đội (năm 1969), rồi tận khi tôi đi đại học (năm 1972), vẫn chỉ mỗi nhân khẩu/vụ khoảng 40kg thóc, cả năm 2 vụ được 80 - 90kg, quy ra gạo được hơn 50kg, rải đều cho 12 tháng ăn cầm hơi. Lại rơi vào cuộc thiếu đói triền miên. Làm ra gạo nhưng không đủ gạo ăn. Độn vào nồi cơm đủ thứ có thể độn được, nào sắn (miền Nam gọi là củ mì), khoai tây, khoai lang, khoai lang khô, củ dong riềng, củ mình tinh, sau này có thêm bột mì vón, mì sợi. Tới bữa cơm, ai ngồi đầu nồi khổ nhất, tìm được hột cơm đỏ con mắt.

Năm lớp 10, tôi lên huyện trọ học, cả nhà ưu tiên cho ăn cơm thuần nhưng mỗi tuần chỉ được xách đi 10 bò (lon sữa bò) gạo. Tôi ở chung với ông bạn Vũ Trường Thành (vừa mất cách nay 2 tuần), nhà Thành khá hơn cho y mỗi bữa hẳn một bò. Có lần trong bữa ăn, vét nốt nồi cơm, tôi bảo sau này mà thành đạt tao sẽ nhớ ơn mày. Y cười, đang chết đói mà còn nói chuyện thành đạt, đồ điên. Nhớ mãi, y còn động viên tôi, “sức ta là sức thanh niên/thế ta là thế đứng trên đầu thù”. Mãi sau này, y bảo mày ạ, hôm ấy tao đọc sức thanh niên nhưng nhìn vào cái gương nhà bác Mẳn thấy hai đứa mình đói xanh như tàu lá, an ủi mày thế thôi chứ suốt cả đêm không ngủ. Thày bu tao ở Cốc Liễn cũng nhịn đói nhường gạo cho con chứ có no đủ gì. Dở dang lớp 10 chưa kịp tốt nghiệp, y đi bộ đội, vào đánh nhau ở thành cổ Quảng Trị hè 1972, bị thương, về quê học làm thầy giáo, năm nào cả hai vợ chồng cũng lặn lội vào thành cổ, nghĩa trang đường 9, nghĩa trang Trường Sơn thắp hương mộ đồng đội, khóc rưng rức. Còn tôi thì chả kịp trả nghĩa gì cho y về “bát cơm phiếu mẫu” bởi cũng phận nghèo, sau hòa bình tan đàn xẻ nghé, lâu lâu mới có dịp gặp lại, ôn nghèo kể khổ về thời đói kém.

Nông dân, sống với ruộng nương, làm ra hột thóc, có thêm tí vườn tược trồng trọt thứ này thứ nọ, nuôi con gà con qué… nên bị nhà nước xếp vào dạng có điều kiện tự cung tự cấp, chỉ chia cho mỗi vụ mấy chục ký thóc là xong, xoa tay hết trách nhiệm. Nông dân không có sổ gạo, sổ lương thực. Sống thế nào mặc lòng. Bi kịch ở chỗ, chính mình chủ ruộng đất, cấy cây lúa, làm ra hạt gạo nhưng quanh năm đói. Những cơn đói đã hủy hoại bao nhiêu thế hệ, giết chết và làm còi cọc bao nhiêu ước mơ, khát vọng. Nỗi ám ảnh về hợp tác xã tiến lên chủ nghĩa xã hội theo con người ta tới lúc chết.

Do hoàn cảnh địa lý và công việc, dân thành phố được hưởng chế độ bao cấp, phân phối về lương thực, thực phẩm. Điều đó cũng phải đạo. Chả nhẽ để họ chết đói. Đó là chưa kể “nếu không có bác công nhân/lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày/áo quần ta mặc ai may/lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà”. Nông dân khổ quá, đói quá nên đôi khi tị nạnh với người thành phố, kiểu như mình làm ra thóc gạo mà lại đói, còn chúng chỉ cày đường nhựa sao được dững 14 ký, thậm chí 16 ký, 19 ký, 21 ký một tháng. Người nhà quê (cách gọi nông dân thời ấy) đâu hiểu rằng bên trong cái sổ gạo chứa tầng tầng lớp lớp khổ sở, đớn đau, bi kịch. (còn tiếp)

2 nhận xét: