Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Tượng đài

Không chỉ sau khi được vội vã khánh thành cho kịp mốc thời gian thời điểm kỷ niệm, nói nôm na là giờ vàng, cái tượng đài công an khá hoành tráng và bắt mắt/chọc mắt trên đường phố lớn thủ đô ngay cả khi đang được thi công tạo dựng đã hứng quá nhiều lời ra tiếng vào.

Lẩn mẩn giở đủ loại từ điển, cả thuần Việt lẫn Hán Việt, thì thấy từ “tượng đài” có nghĩa: Một khối gồm tượng (tượng) và chân đế (đài) ở nơi công cộng, nhằm biểu trưng, ca ngợi, ghi nhận một điều gì đó, người nào đó.

Nói sơ sơ chút. Tượng, bức tượng không chỉ tạc người mà có thể cả con ngựa, con chó, con cá, con cóc, cây tre… Xưa nơi đình đền thường có tượng con chó đá. Tỉnh An Giang ở miệt sông Cửu Long sau khi phất lên thoát nghèo nhờ con cá tra đã dựng hẳn tượng cá rất hoành tráng. Nhiều nhất vẫn là tượng người. Trong chùa cơ man tượng. Chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất (tỉnh Hà Tây trước kia) ngoài những tượng phật, bồ tát còn rất nổi tiếng với bộ tượng 18 vị la hán (thập bát tổ) cực kỳ sinh động. Thi sĩ Huy Cận ngậm ngùi tả có ý chê trách “các vị ngồi đây trong lặng yên/mà nghe giông bão nổ trăm miền”, chợt nghĩ giờ mà thi sĩ sống lại chắc phải tả mỏi tay bởi xứ này đang hàng triệu la hán ngồi yên mặc kệ bão giông. Hồi còn bé tôi hay trốn việc nhà lẻn ra chùa Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, HP) chơi, vào gian tam bảo thấy hai ông hộ pháp tay chống nạnh mắt trợn trừng thì sợ mất vía, đến nỗi ngó chuối oản bày đầy ra đó mà cấm dám thó mẩu nào. Chị tôi dọa bảo đứa nào lấy của chùa, đến đêm hai ông ấy lần vào nhà chặt tay. Sợ khiếp luôn.
 
Tượng người có thể được tạc/điêu khắc toàn thân, nhưng có khi chỉ nửa người, gọi là tượng bán thân. Loại tượng này nhiều nhất là lãnh tụ, ông to bà nhớn. Ngay từ hồi cụ Hồ còn sống, người ta đã đúc tượng bán thân cụ tràn lan, sau khi cụ mất thì thành món phổ biến. Chả cơ quan đơn vị công sở nào không bày bán thân cụ. Nếu tổ chức kỷ lục ghi nét để ý tới, có khi thành thứ kỷ lục thế giới. Về sau, nhiều đệ tử cụ cũng "học tập và làm theo", tượng bản thân họ ngồi chồm hỗm trong nhà, các học trò cụ còn tiến bộ hơn, chơi luôn bằng chất liệu quý như đồng, thép không gỉ chứ chả thèm thạch cao dễ bị bở.

Tôi cũng chẳng nhớ tượng đài đầu tiên mình được nhìn ngó, chiêm ngưỡng tận mắt vào năm nào. Thày tôi kể hồi Pháp có nhiều tượng đài lắm, nhất là ngoài phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An. Cách mạng nổi lên, phá cho bằng hết. Ghét Pháp, ghét luôn cả tượng, dù chỉ là tượng đài bà đầm xòe, đức mẹ, con ngựa, con cóc. Tượng nữ thần tự do của nhà điêu khắc lừng danh Auguste Bartholdi chỉ có 2 bản, bản to dựng bên Mỹ, bản nhỏ đặt ở Việt Nam, giờ chỉ còn một, bởi số phận nàng tự do nơi đất Việt đã được cách mạng định đoạt sau khi đô trưởng Trần Văn Lai cho hạ xuống tạm cất trong kho tháng 3.1945. Giờ chẳng ai biết nàng nằm đâu, có nhẽ tan chảy từ lâu rồi. Đến vườn hoa còn bị đào lên trồng khoai, vạt cỏ cạnh đường băng sân bay để cứu nguy khi có sự cố còn bị xới lên trồng trọt thì đám tượng đài tàn dư độc hại của thực dân đế quốc là cái thá gì.

Mà nhớ ra rồi, bức tượng, tượng đài nơi công cộng đầu tiên mình được ngắm nghía là tượng đài ông nhỏ Lý Tự Trọng ven hồ Tây. Năm ấy 1973, có người rủ mình đi coi cái xác máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp làng hoa Ngọc Hà, lúc về đạp xe quành sang Thụy Khuê ngó thấy ông nhỏ đứng sừng sững ven hồ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông
 
(Chịu khó chờ đọc tiếp phần sau về tượng công an, phần này chỉ như cái mở bài thôi, hì hì)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét