Trang

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Lộn xộn địa danh

Địa danh, nôm na là tên gọi (danh) của một vùng đất (địa), nhỏ thì xóm ấp, làng xã, lớn thì huyện, tỉnh, lớn nữa thì nước, lớn nữa thì châu lục. Quê tôi làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, nước Việt Nam, châu Á (tự dưng chẳng ai khảo mà xưng lý lịch, khai báo “nơi sinh”). Đó là cái tên, nhưng không chỉ tên. Bên trong nó, đằng sau nó hàm chứa nhiều vấn đề, nhất là lịch sử, phong tục, nỗi niềm…, không thể cứ viết thế nào, nói thế nào cũng được.

Vừa rồi, trên tivi phát phóng sự về di tích lịch sử nổi tiếng ở Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, địa đạo Vĩnh Mốc. Địa đạo này, ai ở miền Bắc đã trải qua thời chiến tranh phá hoại hầu như đều biết đều nghe, bởi nó quá nổi tiếng. Một biểu tượng cho cuộc sống anh hùng và đời thường trong chiến tranh. Điều đáng nói, đáng ghi nhận, phóng sự ấy luôn gọi đúng tên đất, tên di tích là Vĩnh Mốc, địa đạo Vĩnh Mốc.

Thi sĩ Xuân Quỳnh năm 1969 từng biên những cảm xúc thời chiến ngay trong lòng đất - địa đạo Vĩnh Mốc khi bom rơi đạn réo trên đầu: “Mặt đất không còn khái niệm thời gian/Ta mang thời gian vào trong lòng đất/Đốt đèn lên ta làm ban ngày/Ta định phút định giờ lên đánh giặc”; “Hầm sâu giờ quý hơn nhà/Súng là tình nghĩa đạn là lương tâm/Mẹ nuôi ngọn lửa trong hầm/Để khi khôn lớn con cầm lên tay”. Trong những trang ghi chép, chị đều ghi Vĩnh Mốc. 

Tôi còn nhớ năm 1970 được đọc cuốn phóng sự cực hay về Vĩnh Linh, về địa đạo Vĩnh Mốc của các tác giả Nguyễn Sinh, Vũ Kỳ Lân. Anh Nguyễn Sinh là phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại đặc khu Vĩnh Linh, một dạng phóng viên chiến trường, bám đất này cả chục năm trời, hiểu Vĩnh Linh từng chân tơ kẽ tóc. Khi chiến tranh kết thúc, anh về lại Hà Nội, có thời làm Tổng biên tập NXB Phụ nữ. Anh Vũ Kỳ Lân không phải nhà báo nhà văn, mà sĩ quan quân đội, thiếu tá, Chính ủy, Phó chỉ huy trưởng Khu đội Vĩnh Linh, gần như cả đời gắn với vùng đất này. Họ và Vĩnh Linh là một, nên chẳng có gì phải lăn tăn nghi ngờ khi trong cuốn sách, ta chỉ thấy cái tên “Vĩnh Mốc”, “địa đạo Vĩnh Mốc”, chứ không phải Vịnh Mốc, địa đạo Vịnh Mốc như tràn lan trên báo chí truyền thông những năm qua.

Cũng nên nhớ rằng, ở Vĩnh Linh, những cái tên bắt đầu từ chữ “Vĩnh” rất phổ biến, như Vĩnh Chấp, Vĩnh Thạch, Vĩnh Nam, Vĩnh Thủy, Vĩnh Tân, Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Kim... Vậy nên Vĩnh Mốc nằm trong cái mạch đặt tên ấy, chứ đâu phải chỉ tin vào sách của bác Sinh bác Lân. (còn tiếp)

Kỳ sau: Lộn xộn những Vụ Quang, Ô Quý Hồ, Mã Pi/Pì Lèng, Mù Căng Chải, Ban/Buôn Mê/Ma Thuột, Thừa Thiên Huế, địa đầu Móng Cái…

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét