Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Dương Tường

Tôi tuy thế hệ giữa 5X nhưng chưa được gặp bác Dương Tường (vừa mất) bao giờ, cũng như chưa hề được nhìn thấy cụ Hồ, ông Chinh ông Duẩn... Chả riêng gì tôi, có khi 99% dân miền bắc chả bao giờ được ngó các ngài ấy, xa cách nhau lắm, chỉ đêm qua mơ gặp thôi.

Nhưng bác Dương Tường thì gần hơn. Đăng tin bác í qua đời, các nhà báo kể bác là dịch giả của rất nhiều tác phẩm văn học Nga và phương Tây, có ý nhấn tới những tác phẩm bác dịch sau này. Tôi thì nghĩ khác, nói tới dịch giả Dương Tường là phải đặt bản dịch cuốn tiểu thuyết Anna Karenina (của Lev Tolstoi) lên vị trí số 1.

Thời những năm thập niên 60, sách văn học nước ngoài bằng tiếng Việt còn rất hiếm, sách từ tiếng Nga lại càng hiếm. Dương Tường và Nhị Ca đã dịch Anna Karenina từ tiếng Pháp, hay tuyệt vời. Nội dung sách đã hay (tác phẩm của đại thụ L.Tolstoi mà không hay sao được) nhưng dù phải qua ngôn ngữ trung gian (tiếng Pháp), Dương Tường và Nhị Ca bằng kiến thức, tài năng, ngôn ngữ uyên bác của mình đã cho ra đời bản dịch đáng kính nể.

Cứ nhớ tới cái tên Dương Tường là tôi nhớ ngay tới tuyệt phẩm Anna Karenina. Một bậc thầy về dịch. Mà ông chỉ tự học tiếng Pháp, tiếng Anh, sau nữa là tiếng Nga, không hề tới trường lớp nào.

Những người như Dương Tường đã cạn gần hết ở xứ này. Buồn.

Nguyễn Thông

(Tôi viết mấy dòng này để kính tiễn bác ấy chứ không có ý đu trend)

Kỵ húy

Gần như trăm phần trăm những tờ báo khi đưa tin về vụ bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni) bị bắt đều nói rất... rõ rằng bà là nhà báo đang công tác tại... một tờ báo lớn.

Cứ tưởng thời phong kiến hết rồi thì chuyện kỵ húy, kiêng húy bị tắt thở, chôn vùi theo, ai dè còn khiếp hơn.

Cách nay 4 năm, nhà cai trị bày trò quy hoạch báo chí, ban đầu có vẻ căng lắm, thế rồi chẳng biết chạy chọt đi đêm thế nào mà hiện tại chỉ riêng ở Sài Gòn, thành ủy có 4 báo, ủy ban 3 báo, cứ công khai tồn tại, chả suy suyển gì. Đổi mới như cũ, quy hoạch đánh bùn sang ao. Lúc đầu đám báo sợ run bần bật, giờ cười xoe xóe, tao cứ tồn tại đấy, làm gì tao tốt.

Tôi hỏi các ông các bà, đảng của cả nước mà chỉ có nhõn tờ Nhân Dân chả mấy ai đọc, không bán được cho ai, đốt đuốc tìm ở sạp báo cũng chả ra mảnh nào, vậy ủy một thành phố làm gì lắm báo thế, chính quyền một thành phố làm gì lắm báo thế. Để dọa ma à?

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Chiến tranh thực và xung đột hèn

Cách nay đúng 1 năm, ngày 24.2.2022, bọn phát xít mới do Putin cầm đầu đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, một đất nước độc lập, có chủ quyền, thành viên của Liên Hợp Quốc.

Dù bè lũ Putin khốn nạn và những kẻ xu nịnh nó có bẻ quanh bẻ queo, uốn éo chữ nghĩa từ ngữ kiểu gì đi chăng nữa, thì vẫn lộ ra thực chất: Đó là chiến tranh, là xâm lược, là phi nghĩa, là chống lại loài người.

Gần như cả thế giới đều nhận thức được điều ấy, bằng chứng rõ nhất là những cuộc bỏ phiếu trong năm 2022 của Liên Hợp Quốc. Đám dùng phiếu chống lại nghị quyết lên án Nga, dùng phiếu trắng ngầm ủng hộ Nga, đám ăn theo nói nịnh bọn Nga gọi cuộc xâm lược là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, là cuộc “xung đột”, lệnh cho báo chí truyền thông phải tìm cách khen Nga, dìm hàng Ukraine, lấy thông tin từ báo đài Nga… đã ngày càng bộc lộ sự khốn nạn của chúng. Loại tướng Cương tá Mẫu thời nào chả có nên dù chúng có che mặt mo, người đời vẫn sớm nhận ra.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Từ Đỗ Hữu Ca lòi ra cái gì?

- Trước hết là chuyện bằng cấp. Báo chí đăng y có 4 bằng đại học. Phải nói ngay rằng những bằng này đều do học tại chức, mà học tại chức ở xứ ta như thế nào thì mọi người đều rõ.

Tôi không có ý coi thường người tốt nghiệp tại chức, nhưng cán bộ sở hữu 4 bằng tại chức như Ca là rất quái gở. Một người bình thường để có được 1 bằng cử nhân cũng đã khướt cò bợ, mất bao nhiêu thời gian vào đó, vậy vừa làm cán bộ vừa tô điểm được cho mình những 4 bằng thì chắc chắn làm việc chả ra sao. Lương vẫn lĩnh nhưng việc không làm, được chăng hay chớ, ăn cắp thì giờ tiền bạc của dân. Đó là thực chất của đám cán bộ nhiều bằng cấp.
 
Nói toẹt ra, bằng ấy chủ yếu mua, bằng thật học giả, nhan nhản trong đội ngũ cầm quyền từ trên xuống dưới xứ này. Một xã hội/chế độ sính bằng cấp đẻ ra sản phẩm như Ca, chê cười nó một thì cười khinh cái chế độ ấy mười.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Án văn nghệ Vũ Hoàng Chương (kỳ 4, cuối)

Phòng tư liệu khoa Văn trường Tổng hợp Hà Nội những năm 70 khá nhỏ, cỡ 20 mét vuông, chỉ bằng một nửa thư viện khoa của bác Chinh, cùng tầng 2 nhà C1. Phụ trách phòng tư liệu là cô Quý vợ thầy Đỗ Hồng Chung. “Lính” của cô là những cây đa cây đề, những tên tuổi lừng danh, trong đó có thầy Cao Xuân Hạo, thầy Phan Ngọc. Hai thầy bị quy dính vào Nhân văn giai phẩm nên chính quyền truất dạy, còn chút thương tình “tài thì nên trọng mà tình nên thương” cho làm ở phòng tư liệu. Cũng là một dạng án treo. Nhiệm vụ của các thầy là dịch tác phẩm văn học nước ngoài (Pháp, Anh, Nga, Trung, Đức)…) làm tư liệu cho khoa.
 
Nếu ai đã đọc những bản dịch “Chiến tranh và hòa bình” (của L.Tolstoi, người dịch Nhữ Thành và Trường Xuyên), “Những dòng nước mùa xuân” (Tsekhov, người dịch Nhữ Thành), “Triết học Hegel” (Nhữ Thành), “Con đường đau khổ” (A.Tolstoi, Cao Xuân Hạo dịch), “Cây phong non trùm khăn đỏ”, “Người thầy đầu tiên” (T.Aitmatov, Cao Xuân Hạo dịch), “Sử ký Tư Mã Thiên” (Nhữ Thành)… thì hẳn biết tầm của các thầy lớn, cao, thậm chí vĩ đại tới mức nào. Nhữ Thành là bút danh của thầy Phan Ngọc, còn Trường Xuyên là thầy Cao Xuân Hạo. Chúng tôi không có cái may mắn được học hai thầy bởi các đấng bậc khi ấy đang chịu án treo, nhưng dẫu sao vẫn còn chút an ủi được nhìn thấy họ làm việc, được thừa hưởng những thành quả tuyệt vời của họ.

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Án văn nghệ Vũ Hoàng Chương (kỳ 3)

Xung quanh những người nổi tiếng thường có nhiều giai thoại, những chuyện truyền khẩu, cả hào quang và bóng tối. Chúng cứ tồn tại và phát tán theo thời gian, thực và bịa không biết đâu mà lần. Nhân vật lịch sử, nhất là những lãnh tụ là lắm giai thoại nhất, kiểu như biết 29 ngoại ngữ (không tin cứ hỏi ông Hoàng Chí Bảo), giỏi thuật thôi miên, biết Tạ Đình Đề trốn trên nóc nhà, biết tiên đoán tương lai hậu vận chính xác, biết cả ngày chết giờ chết của mình, hôn hòn đất, bọc gạch ngủ, “nhà mày có khỉ già lắm”, v.v.. Văn nghệ sĩ cũng bị bao bọc tá lả giai thoại. Thế hệ sinh trong thập niên 50 chúng tôi được “trang bị” khá nhiều chuyện hư hư thực thực về các cụ Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Hữu Loan, Quang Dũng, Phạm Duy, Xuân Vũ, Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ, thậm chí cả những truyền khẩu về Tố Hữu, Việt Phương, Bằng Việt, Xuân Quỳnh. Tất nhiên, một thi bá, một “tên phản động”, một người bị cả dàn tuyên giáo, văn nghệ miền Bắc chửi như Vũ Hoàng Chương thì khó tránh khỏi chịu sự tô vẽ, bôi ma bôi mèo này nọ. Bằng chứng là cho tới nay người ta vẫn không thể xác định mấy câu thơ kiểu “lưỡi lê no máu rửa Tây hồ” có phải do ông viết không, hay là tuyên giáo cộng sản sáng tác hộ rồi gán cho.

Thập niên 70, một trong những cuốn sách có liên quan tới Vũ Hoàng Chương và những nhà thơ đang sống ở miền Nam, đã bị cấm một cách không chính thức. Đó là cuốn “Thi nhân Việt Nam” của anh em Hoài Thanh - Hoài Chân (tức Nguyễn Đức Nguyên - Nguyễn Đức Phiên).

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Viết ngày 17.2

Quên và nhớ

Đừng đòi hỏi những kẻ gọi cuộc chiến tranh (xâm lược của Nga) ở Ukraine - War in Ukraine là cuộc "xung đột", "chiến dịch quân sự đặc biệt" phải nhớ ngày 17.2, ngày chính đất nước nó bị quân xâm lược Trung cộng tấn công, đánh chiếm, giết chóc, tàn phá.

Nó đã hèn thì trong hoàn cảnh nào, với đối tượng nào cũng hèn.

Lịch sử của nước nó mà nó còn cố tình quên thì làm sao nó ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Ukraine được.

Xét cho cùng, chính nó tự chôn vùi hình ảnh nó trong sự khinh rẻ coi thường chứ không cần bất cứ tác động nào.

Dân, những người dân thực sự, đã không quên lịch sử nước mình, trong đó có ngày 17.2, đấy chính là điều an ủi trong cuộc bể dâu hí trường này.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Trách nhiệm chính trị

Bây giờ mới sờ đến đám lợi ích nhóm liên quan tới nhà xuất bản Giáo dục là đã quá muộn, khí muộn.

Chúng nó, kể cả đám cầm đầu nhà xuất bản lẫn quan trên (bộ giáo dục) đã hoành hành móc túi dân bằng sách giáo khoa mấy chục năm rồi, một cách công khai, trắng trợn. Báo chí, dư luận, dân chúng kêu than mấy chục năm rồi, nhưng cả cái hệ thống chính trị này nó có coi dân ra gì, nó không thèm nghe, nó cứ làm lơ cho bọn lợi ích nhóm làm bậy, móc túi dân lấy tiền chia nhau, hủy hoại cả nền giáo dục nước nhà.

Giờ chỉ bắt bớ, khởi tố mấy đứa hiện cầm đầu nhà xuất bản Giáo dục mới chỉ là đánh phần ngọn, mà cần lôi ra một lũ một lĩ những đứa nguyên đứa cựu, cả của nhà xuất bản lẫn bộ giáo dục, bắt chúng phải đền tội, nhè tiền ra trả lại dân.
 
Chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng từng bảo đừng có tưởng đã hạ cánh là an toàn. Ông hãy chứng minh lời ông nói bằng việc làm đi.

Ông "cách chức" ông chủ tịch nước Phúc về "tội" không hoàn thành "trách nhiệm chính trị" của người đứng đầu, vậy chả lẽ ông không có trách nhiệm chính trị gì. Nói thật, trách nhiệm của ông hơn chục năm nay là nặng nhất, cần phải sờ đến nhất. Đứng đầu, còn ai cao hơn ông nữa?

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

Án văn nghệ Vũ Hoàng Chương (kỳ 2)

Vũ Hoàng Chương người gốc Bắc, làm thơ, nổi tiếng từ trước cách mạng tháng 8.1945 và trong giai đoạn 9 năm sau đó (1945-1954), hạng cây đa cây đề, nhưng từ khi đất nước phân chia 2 miền nam bắc thì bị “phân biệt đối xử” hoàn toàn trái ngược. Suốt thời gian 1954 tới 1975 ông sống trong Nam, con người và sự nghiệp của ông như thế nào, tôi không dám nhận xét bởi chỉ được nghe lại, nhưng có lẽ đây là thời vàng son, bởi thi sĩ từng rất được yêu mến kính trọng, từng làm Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam (chính quyền miền Nam), được giải văn chương toàn quốc (miền Nam), được dân chúng và giới văn nghệ xưng tụng là “thi bá”. Nếu không có tài, không có uy tín, dễ gì được vậy.

Tôi suốt thời gian dài trong vòng 3 thập niên sống ở miền Bắc, từ nửa cuối thập niên 50 đến nửa đầu thập niên 70 nên biết rõ việc Vũ Hoàng Chương được chính quyền cộng sản đối xử thế nào.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

Cộng sản

Ấy là tôi nói tới đám cộng sản Nga đứng đầu là Gennady Zyuganov chứ những món cộng sản khác tôi không quan tâm. Chả ai dại gì cắm cái gai bòng vào đầu cho nhức óc.

Đảng cộng sản Nga hiện tại, nói trắng ra, là những mảnh vụn còn sót lại của một cuộc đổ vỡ không thể cứu chữa. Nó được chắp vá, vá víu gắn kết tạm bợ cho có để lâu lâu còn kiếm ăn của bố thí thiên hạ. Nó là thứ tàn dư, tro bụi sau một cuộc cháy lâu đài "đời đời bền vững". Từ số phận của đảng cộng sản Liên Xô, ngẫm ra trên đời chả có cái gì trường tồn, mãi mãi, muôn năm, bền vững cả. Nói thế chỉ là nói phét, chỉ lừa được đám nhẹ dạ cả tin.

Đảng cộng sản Nga và Zyuganov từ sau khi Liên Xô sụp đổ đã làm được gì cho nước Nga dân Nga? Chả làm được gì cả, ngoài ăn hại. Thiên hạ thường nói "hữu danh vô thực", nó "thực" đã không có, mà "danh" cũng không nốt. Chỉ có những anh bị nó lừa, hoặc mơ hồ về nó, hoặc định lợi dụng nó về lâu về dài thì mới chơi với nó.

Lại nhớ năm 2019, ông Nguyễn Phú Trọng ký tặng Huân chương hữu nghị cho Zyuganov, giao Hoàng Bình Quân sang trao. Ngó cái ảnh chỗ trao thấy tội nghiệp, trong căn phòng rộng khoảng 20 mét vuông, bàn ghế sơ sài, cờ quạt cũ tã. Đảng của một nước lớn nhưng trị giá thực chất của nó chỉ tầm xóm ấp, thì còn làm được cái trò gì.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Án văn nghệ Vũ Hoàng Chương

Mấy hôm nay, vài tờ báo nhắc đến tên tuổi thi sĩ Vũ Hoàng Chương sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi có trách nhiệm xét và trao giải Nobel văn chương “giải mật” công bố danh sách những người được đề xuất nhận giải danh giá này năm 1972. Suốt năm 50, một đề xuất bị cất giấu trong bí mật theo quy định của giải. Còn người được nhà văn Thanh Lãng đề nghị, thi sĩ Vũ Hoàng Chương, cũng bị thể chế “cách mạng” chôn vùi sự nghiệp lừng danh, cả khi ông sống lẫn đã chết.

Nói chính xác, Vũ Hoàng Chương là một tên tuổi, danh tiếng lẫy lừng trong đời sống văn chương văn nghệ nước nam ta. Chỉ có điều, sự tỏa sáng bị đứt đoạn theo thời cuộc, nhất là theo thể chế chính trị cầm quyền.

Nhắc tới Vũ Hoàng Chương trước năm 1945, tức là trước cách mạng tháng 8, nếu bỏ khuyết Vũ Hoàng Chương thì đó là sai lầm không thể chấp nhận. Không có thơ Vũ, nền thơ bấy giờ sẽ bị lỗ hổng rõ to, chống chếnh, thiếu thứ gì đó rất cơ bản, mặc dù khi ấy đã có những Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Nhược Pháp… sáng rực rỡ. Mỗi người một vẻ nên không ai trên bầu trời thi ca ấy có thể thay thế được bản sắc riêng của Vũ Hoàng Chương.

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Chiến tranh, động đất và tư cách

Báo chí đưa tin những ngày qua bọn khốn kiếp Nga đã phóng cả nghìn quả tên lửa vào hầu hết vùng lãnh thổ Ukraine, phá hủy rất nhiều công trình dân sự, đường sá, nhà máy, sân bay, khu dân cư...

Rất nhiều người dân Ukraine đã bị thiệt mạng trong các cuộc bắn giết của bọn Nga, đó là chưa kể binh lính hai bên bị chết hàng trăm mạng mỗi ngày. Chúng đang huy động hàng nghìn chiến xa để nhằm đè bẹp cuộc chiến đấu anh dũng bất khuất của người Ukraine.

Xâm lược và giết chóc. Đó là tội ác hủy diệt gây ra bởi bọn tội phạm chiến tranh, chống lại loài người.

Đây không phải thiên tai, mà là nhân tai, cầm đầu tai họa này là tên đồ tể Putin.

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

Lịch sử và lịch sử vung nồi

Người của lịch sử VN thời hiện đại, trung tá Bùi Tùng (Bùi Văn Tùng, thời điểm trưa 30.4.1975 cấp bậc trung tá) đã về với lịch sử, đúng kiểu người lính thực thụ, không háo danh, không chịu cúi luồn, chẳng thèm chấp những ô trọc ở đời.

Lứa chúng tôi, thời điểm 30.4.1975 đã ngoài tuổi 20, tức là nhận thức đã khá chín, vẫn còn nhớ những gì lịch sử diễn ra khi ấy, được chính báo chí cách mạng phản ánh khá khách quan bởi người ta chưa kịp bóp méo, không có thì giờ làm cho nó méo mó với ý đồ cá nhân. Hai nhân vật được nói tới nhiều nhất trong cuộc chiếm dinh Độc Lập trưa ấy là trung tá Bùi Tùng người thảo lời đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh, và trung úy Bùi Quang Thận người cắm cờ trên nóc dinh. Đại úy Phạm Xuân Thệ có được nhắc tới nhưng rất mờ nhạt. Đó là sự thực.

Để xác minh chuyện này rất dễ, chỉ cần vào các kho lưu trữ, kho tư liệu lục tìm là ra ngay, biết sự thật khách quan như thế nào, ai ngay ai gian. Nhưng người ta, với quyền lực trong tay, vì lý do nào đó, hoặc muốn đẹp tốt cả đôi bên, muốn tránh sự xấu chàng hổ ai, đã không chịu làm.

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 10, cuối)

Tết năm 1975, tôi mượn được chiếc xe đạp Vĩnh Cửu của một ông anh họ, ông Trác, để ra Phòng. Chả là bu tôi bảo, con đem hai chục cam ngon này ra biếu bà thông gia tương lai để thắp hương tết. Sáng 30 tết đi, ăn cơm ngoài đó, chiều tôi xin phép bác gái cho con gái (tức người yêu tôi, con dâu tương lai của bu tôi) về quê đón giao thừa, ăn tết ở quê. Được đồng ý, khoảng 6 giờ chiều, hai đứa hớn hở lên xe về. Đến đường Trần Nguyên Hãn thì xe nổ lốp. Lốp xe mòn vẹt, băng bó như thương binh nặng thế kia, chịu sao nổi hai người, dù đứa nào cũng xanh xao gầy gò. Tối giao thừa, không tiệm sửa xe nào còn dọn hàng, hai đứa lang thang dắt cái xe xẹp bánh đi thất tha thất thểu tìm nơi vá. Nàng kiên nhẫn vừa đi vừa trò chuyện động viên tôi. Còn tôi thì xấu hổ, tủi thân, mặc cảm phận nghèo đến mức không còn biết giấu cái mặt buồn đi đâu nữa. Đến gần cầu Niệm, tôi năn nỉ nàng quay về, đi bộ trở lại cũng vài cây số chứ có ít, còn tôi dắt cái cục sắt khốn kiếp đó qua tận thị xã Kiến An cách hơn 7 - 8 cây số mới tìm ra chỗ sửa.

Đêm giao thừa đen như mực, đường về huyện hơn chục cây số men sát bờ sông vắng tanh vắng ngắt không một bóng người. Tôi lầm lũi đạp xe trong giá lạnh, rét căm căm, mắt dàn dụa cứ nhòe đi, chả biết là sương đêm hay nước mắt. Hơn 1 giờ đêm mới về đến nhà, lúc ấy thiên hạ đón giao thừa xong đã đi ngủ hết. Cả nhà còn thức đợi chờ. Tôi kể lại đầu đuôi, cả chuyện định đưa người yêu về ăn tết. Thày tôi bảo, thôi, con về đến nhà là mừng rồi, thày không trách gì sất. Còn bu tôi nói thêm, trong tết hôm nào ra ngoài đó xin lỗi bà cụ và “nó”, con ạ, ai lại để con gái người ta vất vả, khổ sở thế bao giờ. Giờ nghĩ lại, nếu không xảy ra chuyện cái xe đạp hỏng chết tiệt thì đời tôi có lẽ cũng khác.

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

Lẩn mẩn về cái hội thề chống tham nhũng (kỳ 2)

Hôm 16 tháng giêng Quý Mão 2023, khi tôi đang lạch cạch mổ đám phím đẻ ra những chữ này thì hội thề vào ngày cuối, bởi theo tục lệ mới, nó diễn ra 3 ngày, rằm và trước sau rằm. Nó không còn đơn thuần hội nữa mà là lễ hội. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo, gớm, thề thốt gì mà thề lắm thế. Tợp xong ngụm nước chè, lão chốt lại phần lý luận, đèo, xứ này thề chống tham nhũng có mà thề cả năm.

Nhiều người đọc phần 1 đã rất bức xúc chuyện thề chống tham nhũng ở lễ hội làng Hòa Liễu đất cảng. Rằng sao chỉ có mấy ông bô lão, cán bộ thôn và dân làng, “đối tượng” này trên răng dưới cát tút, quần quật kiếm sống suốt ngày, một tí quyền hành bằng mẩu móng tay cũng không có, thì tham nhũng cái quái gì. Có mà chống vào mồm. Cán bộ chả ông nào chịu thò mặt ra thề, xã chẳng mấy ai, huyện càng vắng, thành phố không, trung ương chả dại gì. Có mà thề cá trê chui ống. Thề chưa ráo mép đã phạm tội thì tội càng nặng. Dại gì thề để lạy ông tôi ở bụi này, khai đang trốn trong đống rơm. Ngay cả như ông Phúc đặt tay trên ngực trịnh trọng thề trước quốc hội mà còn chẳng ăn ai, đâu có mấy người tin, vậy thề ở chùa xóm thì làm được trò gì. Vui là chính, lừa dân được tới đâu hay đến đấy. Cũng có người ôn hòa hơn, bảo rằng đây chỉ là lễ hội cấp làng, cao hơn tí nữa thì xã, chứ nó đã được nâng thành cấp huyện, thành phố, trung ương đâu mà bắt đám quan chức nhơ nhỡ, nhơn nhớn tới thề. V.v…
 
Giời ạ, nhà cháu không định viết về mấy ý ấy, mà cái khác cơ. Về sự dốt nát.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Lẩn mẩn về cái hội thề chống tham nhũng

Nói ngay, đó là hội được tổ chức vào giữa tháng giêng (khi nói tháng giêng nghĩa là theo lịch ta rồi, không cần phải viết tháng giêng âm lịch, còn ai đó gọi tháng 1 tây là tháng giêng thì hết sức ngớ ngẩn) ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, cùng huyện Kiến Thụy xứ Phòng (Hải Phòng) quê tôi. Từ nhà thày bu tôi tới chùa Hòa Liễu, nơi tổ chức hội thề, chỉ cách chưa đầy 3 cây số, phóng xe máy vèo cái đã tới. Hồi bé tôi hay sang đó, vác dậm lùng sục kiếm cá mú tôm tép ở những khu ruộng, đầm quanh chùa cổ.
 
Những năm ấy chả bao giờ thấy hội thề, đơn giản bởi chính quyền quy tất cả những gì của phong kiến là bảo thủ, lạc hậu, mê tín dị đoan, nên dẹp sạch. Đình to hoành tráng như đình Trà làng tôi họ còn phá tanh bành thì hội hè chả là quái gì. Tới giờ, trong tai tôi vẫn văng vẳng câu hát đầy khí thế cách mạng “Phá đình đi! Phá đình đi!” phổ biến tới cuối thập niên 60. Năm 1964 thì họ phá thật, lấy gỗ đá gạch ngói của ngôi đình thuộc hạng to nhất vùng duyên hải Bắc Bộ để làm… chuồng lợn. Chùa-đình Hòa Liễu, họ chưa kịp ra tay, còn ngự được tới giờ là may.

Thơ

Thấy thiên hạ đang náo nức với thơ, bởi An Nam là cường quốc thơ, nếu An Nam số 2 thì không có số 1, lại bần thần nhớ mấy câu thơ của bác thi sĩ Bùi Hoàng Tám bán thịt chó người Thái Bình, sau được bác Nguyễn Huy Thiệp nhuận sắc, chỉnh lại tí chút, đưa vào bài "Trò chuyện với hoa thủy tiên". Đây cũng là kiểu thơ Bút Tre, nhiều người tham gia trong quá trình sinh sắc của nó.

Thơ rằng:

Vợ tôi dở dại dở khôn
Hôm qua nó bảo dí lồn vào thơ
Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
Hôm nay lại bảo dí thơ vào lồn.

Nói gì thì nói, đó là người phụ nữ tỉnh táo, uyên bác, nhà phê bình thơ ca bậc nhất của xứ này.

Chú giải: Thời tôi còn bé ở quê nông thôn, thường nghe các bà hơi nhơn nhớn dùng lối diễn đạt thô bạo và nhạy cảm ấy. Chẳng hạn một bà khoe, này các bà ơi, hôm nay HTX nó bán bột mì vón đấy, về sớm để xếp hàng mà mua. Bà khác lên tiếng, thứ bột vón ấy thì bà dí lồn vào, chó nó cũng chả thèm ăn.

Hoặc có đứa thanh niên lười nhác, cứ đùn việc cho các bà, một bà cao giọng, láo nào, mày lại đây, bà lại không dí vào lồn, bà kẹp đứt đôi mày ra chứ ở đó mà đùn đẩy.

Đại loại vậy, họ biết phát huy thế mạnh mà đàn ông không có.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 9)

Nhớ năm 1969 hoặc 1970 gì đó ở huyện (Kiến Thụy, Hải Phòng) xôn xao vụ xe đạp. Chả là bọn trẻ đi vớt le mọc trong dòng nước sông Đa Độ về làm rau lợn, tới đoạn chảy qua làng Sâm Linh xã Minh Tân thì chúng vớ phải hai chiếc khung xe đạp. Nghe kể một khung Favorit, khung kia xe Thống Nhất, đều còn khá mới. Phụ tùng bị tháo hết, sạch sành sanh, trơ khung. Người ta nói với nhau bọn trộm thó được nguyên xe nhưng không dám dùng, sợ bị công an bất chợt điều tra kiểm soát trên đường sẽ tòi ra xe gian. Mỗi xe đều có số khung, biển số, sớm muộn sẽ bị phát hiện, nên chúng chỉ rã lấy phụ tùng đem ra chợ Sắt bán. Sau này, có bọn chuyên nghiệp hơn, mài số khung cũ và đục được số khung mới, sơn lại, thay đề can, làm giấy tờ giả để đem đi đăng ký lại. Hai chiếc khung xe trong đám rau lợn kia, cuối cùng công an căn cứ vào số khung, dò theo danh sách đăng ký, biết chủ xe người xã Minh Tân, trong đó một cái của gia đình ông bạn học với tôi, anh Vũ Trường Thành thôn Cốc Liễn. Thành kể, nhận khung về nhưng cũng bỏ đó bởi “đéo” có tiền mua phụ tùng lắp ráp lại.

Những năm xa ấy, hay sinh chuyện đi nhờ xe đạp. Mỗi xe đều lắp poóc ba ga phía sau để chở thêm một người. Nhiều ông cán bộ lên huyện họp đi xe không, dễ bị nhờ. Về sau, họ đối phó bằng cách buộc món gì nhè nhẹ cồng kềnh vào để người ta thấy, không nhờ nữa. Nhiều ông, mặc người già trẻ con vẫy tay xin đi nhờ, cứ kệ, phóng vụt qua. Nhưng gặp nón trắng vẫy vẫy thì khó thoát. Nhiều ông cho nàng đi nhờ, còng lưng đạp, toát mồ hôi vẫn vui như tết. Kể ra được “em” ngồi ép sát phía sau, mềm mềm âm ấm, chuyện trò ríu rít, trời cũng thua chứ nói gì đàn ông trai trẻ. Có ông bị người làng bắt gặp, về kể cho bà nhà nghe, bà bỏ dở buổi cấy tốc thẳng về, này nhé tang chứng vật chứng lời chứng rành rành, thế là vợ chồng cãi nhau chí chết.

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Trao hay tặng?

Hôm qua 2.2, báo chí mậu dịch, kể cả những tờ cẩn trọng về chữ nghĩa như Tuổi Trẻ, chứ hạng TTXVN, VTV, Nhân Dân... thì chả nói làm gì, đều đăng tin đảng cầm quyền nước này "tặng huy hiệu 55 năm tuổi đảng cho ông Nguyễn Phú Trọng".

Trước hết cần nói rõ đây là chuyện riêng của đảng chứ không phải của dân của nước, họ tặng cho ai cái gì là quyền của họ. Lâu nay người ta cứ nhầm lẫn hoặc buộc bị nhầm lẫn về mối quan hệ này.

Chả đâu xa, thiên hạ đang nóng giãy đành đạch với món ChatGPT. Có người tò mò hỏi nó "ai đã cho ta một mùa xuân?", nó, vốn không bị áp lực gì, giả nhời rằng chẳng ai có thể cho bạn mùa xuân cả, mùa xuân do đất trời tự sinh ra, đến rồi đi theo vòng tuần hoàn, nói cho ta một mùa xuân là phản khoa học, nói phét, v.v..

Mà nghĩ thêm, sao lại cứ phải cho mùa xuân. Mùa nào mà chẳng quý, mùa nào chẳng có ý nghĩa, tác dụng riêng của nó. Ngay mùa hè, nắng cháy da cháy thịt như thế, nhưng không có nó (mùa hè) lấy đâu nắng để phơi thóc, để ve sầu kêu... Xuân mí chả xiếc, chưa kể giời nồm kinh bỏ mẹ.

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Chuyện xe đạp (kỳ 8)

Cứ phải nhắc lại ngay từ đầu mỗi kỳ, đây là ký ức về miền Bắc thời bao cấp và chiến tranh trước năm 1976 (bởi năm 1977 tôi vào Sài Gòn nên không rõ những năm sau đó).

Xe đạp là thứ gia tài, gia sản quý hiếm, giá trị vào loại bậc nhất của những gia đình sắm được nó nên sự gìn giữ “con ngựa sắt” này chả khác gì “gìn giữ con ngươi của mắt mình”, thậm chí hơn cả đạo đức cách mạng. Mượn xe đạp cũng như cho mượn xe đạp là chuyện tối kỵ. Đường sá lởm khởm, tinh mảnh chai mảnh sành, săm lốp lại cũ kỹ vá chằng vá đụp nên sự thủng săm bể lốp là chuyện thường. Chưa kể những vụ lớn như đâm xe vào trâu bò hoặc gốc cây làm chùn khung, cong vành, những vụ nhỏ như mất nắp chuông, gãy đũa, vỡ bi, đứt phanh, rách yên…, chả nhẽ bắt đền. Vì vậy, nhiều chủ xe, khi không đi liền xì hết hơi ra nói xe hỏng để khỏi cho mượn. Người ta còn kể cho nhau, có ông tuyên bố dứt khoát, vợ có thể cho mượn được, chứ xe dứt khoát không.

Có những chiếc xe đạp được chủ xe o bế hơn cả… vợ. Sắm cho vợ cho con chiếc áo mới thì cân nhắc lưỡng lự, chứ xe phải thật bóng bẩy đẹp đẽ. Lúc bận chả nói làm gì, còn rảnh là lôi xe ra lau chùi không còn hạt bụi. May vải có cả tua rua kim tuyến bọc yên xe. Hai cọng tanh gắn giữ gác đờ bu được buộc thêm túm lông gà vào để nó “ô tô ma tíc” tự động quét sạch vành. Nhiều bác còn gắn trên mũi gác đờ bu trước chiếc máy bay con con làm bằng đuy ra xác máy bay Mỹ, hoặc gắn cờ đuôi nheo xanh đỏ… Trông chiếc xe đạp cứ như nhà triển lãm di động.