Trang

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2023

Một câu thơ

Dư luận nhìn chung khen ông tân chủ tịch nước trong lời tâm sự ban đầu đã trích dẫn cả thơ Xuân Diệu. Những người có tâm hồn nghệ thuật, biết yêu thơ thẩm thơ dẫu sao vẫn hơn những anh lý luận thuần túy khô khan. Chắc người ta nghĩ vậy.

Câu được ông tân trích dẫn, được báo chí mậu dịch đăng lại và khen, là thế này: "Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu..." bảo của Xuân Diệu.

Trước tiên, phải thừa nhận đó là câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Nó nằm trong bài thơ "Những đêm hành quân" được viết năm 1966, trong tập thơ "Hai đợt sóng" xuất bản năm 1967. Những câu thơ này thế hệ tôi thuộc lòng. Hồi tôi học văn, thầy Hà Minh Đức một chuyên gia về thơ cách mạng thường trích dẫn bài này, câu này nên càng nhớ kỹ.

Nguyên văn của câu thơ là "Tôi cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi/Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu". Rất tiếc sau những lần dọn dẹp sách cũ, giờ tôi tìm không ra tập thơ "Hai đợt sóng" và cả cuốn "Tuyển tập Xuân Diệu" mà tôi có, chả biết nó thất lạc chỗ nào, hay do giấy đã cũ nát quá mà bị bán ve chai rồi.

Muốn biết chắc nguyên bản câu thơ trên, phải căn cứ vào bản in, càng bản ban đầu càng tốt. Nếu anh chị nào vào thư viện quốc gia có thể tìm được bản in ban đầu năm 1967 này, có bài thơ gốc "Những đêm hành quân".

Tra tìm trên mạng internet tuy nhanh, nhiều, phong phú, nhưng độ chính xác của tư liệu thì không tin được. Ngay cả địa chỉ thivien.net chuyên cung cấp thơ của các tác giả từ cổ chí kim, trong nước ngoài nước, nhưng sai thì thôi rồi, tam sao thất bản. Còn dựa vào báo chí, vào gu gồ (Google) thì cái sai không kể xiết.

Xuân Diệu là nhà thơ lớn, nhiều bài hay, nhưng nói thật, thơ ông chỉ hay ở phần trước cách mạng tháng 8, chứ sau khi "lột xác" thành nhà thơ chính trị càng ngày càng dở. Những ngói mới, quả sấu non trên cao, bà cụ mù lòa, hồn tôi đôi cánh... với những câu thơ nôm na, gượng ép đã làm hỏng một thi tài Xuân Diệu. Thôi thì với một người từng sung sướng "hôm nay học hết kỳ chỉnh đảng/thấy bốn phương ánh sáng lùa vào", người đọc không thể đòi hỏi hơn. Một thi sĩ máy sao có thể ra thơ hay như thi sĩ có tâm hồn.

Tuy nhiên, dù gì ông ấy cũng là nhà thơ, hiểu rõ đâu là thơ, đâu là văn xuôi. "Tôi cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi", vần điệu, từ ngữ, bằng trắc như thế mới là thơ, là Xuân Diệu, không thể ép câu văn xuôi nặng như cối đá, ngang phè "Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi", nhất là chữ "của", bảo là thơ được, bảo thơ Xuân Diệu được. Trộm nghĩ, nếu thi sĩ còn sống, ông sẽ nói tao lạy chúng mày, gán "thơ ngang phè" ấy cho tao chả khác gì yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.

Tôi không trách gì ông tân chủ tịch. Ông học triết, ông không đi sâu vào văn, nên sự không phân biệt được thơ và văn xuôi là chuyện thường tình. Vả lại, mốt thời nay làm chính trị cứ phải dính tí văn nghệ văn gừng cho bằng anh bằng em. Trách là trách đám trợ lý, thư ký, cận thần không giúp được chủ cho chu đáo. Trách đám báo chí chỉ biết tung hô ca ngợi không phân biệt được hay dở tốt xấu. Trách bao nhiêu trí thức trí ngủ, giáo sư tiến sĩ, ông này bà nọ kiến thức phủ từ đầu tới gót nhưng chỉ giỏi ngậm miệng ăn tiền, dĩ hòa vi quý, lo riêng cho cái thân mình, không dám đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái hay cái đẹp.

Một câu thơ mà bao nhiêu chuyện phải bàn.

Tái phím: Đừng ai sau khi đọc bài này rồi chụp mấy văn bản trên mạng bảo rằng câu gốc thế ấy thế nọ. Tôi chỉ tin vào bản gốc trong tập thơ "Hai đợt sóng" in năm 1967, và trí nhớ của tôi. Vậy thôi.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói về phái Xuyên Quyền Thế rằng thì là muh, ở đâu đó & tại 1 số thời điểm nào đó, sự phân biệt đúng-sai, tốt-xấu có thể đúng & có lợi cho ai đó . Việt Nam aint the place nor the time. Ở Việt Nam ta không cần phân biệt tốt-xấu, đúng-sai, hay-dở gì cả . Lương tâm mình vốn tốt, và lương tri mình cũng hết ý . Chỉ có lương tháng của mình ... hơi đổi mới 1 tẹo . Cứ làm theo những gì theo lương tri & lương tâm thì mọi chuyện đều ổn thỏa cả thôi . Đúng-sai, tốt-xấu, dở-hay ... đều là những cặp phạm trù mang tính (rất) tương đối . Ở đây, đấu tranh là để tạo ra 1 cái mới, nhờ nhờ, nhạt nhạt, mờ mờ ảo ảo như phái Xuyên Quyền Thế vậy

    Trả lờiXóa