Trang

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2023

Người tốt chợ Thái Bình

Phải giáo đầu ngay, Thái Bình mà tôi sắp nói không phải tỉnh Thái Bình quê hương 5 tấn, “Thái Bình ơi Thái Bình, ai đặt tên cho đất, Thái Bình tự bao giờ, mà trong nắng trong mưa lúa vẫn lên xanh tốt, mà trong bom trong đạn đất vẫn cứ sinh sôi” (lời bài hát của nhạc sĩ Vĩnh An, được coi là tỉnh ca), mà là chợ Thái Bình. Chợ ở quận 1 Sài Gòn, ngay bùng binh (vòng xoay) gần nhà thờ Huyện Sĩ. Chợ này có từ bao giờ, tôi chẳng biết, chỉ nhớ hồi gần giữa năm 1977, mới vào Sài Gòn được hơn tuần đã mò lên đây, thấy nó vẫn giống hệt… bây giờ, trông xộc xệch cũ kỹ, dù chỗ đất nó ngự phải nói thẳng là đất kim cương chứ không phải hạng vàng hạng bạc. Gần nửa thế kỷ sau "giải phóng" nó chẳng đổi thay gì.

Cùng số phận như Thái Bình là chợ Xóm Củi quận 8 ngay chân cầu Chà Và. Suốt chừng ấy mấy chục năm, ban đầu tôi ngó thế nào, nay vẫn y thế, thậm chí còn có vẻ nhếch nhác hơn. Đã có đôi lần người ta (chính quyền) muốn đập đi dựng lại thành trung tâm thương mại, chẳng hiểu sao lại dẹp. Chả bù cho chợ Sắt lừng danh quê Phòng tôi, lột xác mấy lần, đợt rồi được xây lên nguy nga hoành tráng, vữa chưa kịp khô, lại bị đập bỏ. Đúng kiểu Hải Phòng không lòng vòng, tay chơi ném tiền qua cửa sổ. Tiếc.

Đặt cái tít “Người tốt chợ Thái Bình” bởi tôi bị ám một vở kịch của bác Lưu Quang Vũ, “Người tốt nhà số 5”. Tên kịch của Lưu tiên sinh thường dài, dăm bảy chữ, chứ không ngắn như đa số nhà viết kịch, ví dụ “Chén thuốc độc” (của Vũ Đình Long), “Quẫn” (Lộng Chương), “Nổi gió” (Đào Hồng Cẩm), “Đôi mắt” (Vũ Dũng Minh), “Chị Hòa” (Học Phi)… Bác Vũ đặt tên vở thường dài, chả hạn: Muối mặn của đời em, Nếu anh không đốt lửa, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ông không phải là bố tôi, Sống mãi tuổi mười bảy, Lời nói dối cuối cùng, Chim sâm cầm không chết, Người tốt nhà số 5, v.v.. 

Kể từ sau cái tai nạn đáng sợ ở dốc cầu Phú Lương đường số 5 tháng 8.1988, kịch xứ ta cứ thế đi xuống, tàn dần lụi dần, không thể ngóc đầu lên được nữa, mà nguyên nhân chính là không còn, không có Lưu Quang Vũ - dạng người phải trăm năm mới có một, như kiểu Trịnh Công Sơn vậy. Dù tồn tại một tỉ ban tuyên giáo, hội văn nghệ, hội sân khấu nhưng thiếu 1 người như Lưu Quang Vũ, sân khấu mãi lâm vào cảnh chợ chiều, mong sáng đèn chỉ là ảo tưởng.

Chút nữa tôi biên tiếp về người tốt chợ Thái Bình, chứ bi giờ còn phải bận nữ công gia chánh chuẩn bị cho ngày mai đã, kẻo... giàn lý đổ. (còn tiếp) 

Sáng 8.3, ngày phụ nữ vùng lên
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét