Ông hàng xóm nhà tôi rất nhiều lần phàn nàn về trình độ tiếng Việt của các nhà báo xứ này, có lần còn nói tục (tôi xin phép ghi lại), đèo mẹ, làm hỏng, phá nát tiếng Việt không phải ai khác chính là đám nhà báo, bọn báo in, báo điện tử, bọn phát thanh, truyền hình.
Tôi nhặt ra rất nhiều trường hợp sai trong dùng từ hoặc diễn đạt trên các báo, sẽ lần lượt đưa lên cho thiên hạ tỏ tường.
Đầu tiên là từ “lọt”. Ta thấy nhan nhản trên các báo những cái tít, những dòng tin như “Lọt chung kết”, “Lọt top 5, top 10”, “Lọt nhóm quốc gia”, v.v.. Chẳng hạn: “Ông Phạm Nhật Vượng có thêm 1,5 tỉ USD, sắp lọt top 100 giàu nhất hành tinh” (VNN), “Việt Nam có 5 trường đại học lọt top hàng đầu thế giới” (báo Chính phủ), “Sa Pa lọt top những thị trấn đẹp nhất thế giới” (Tiền Phong), “Việt Nam lọt top 4 xuất khẩu châu Á chip bán dẫn vào Mỹ” (Tuổi Trẻ), “35 người đẹp lọt chung kết hoa hậu” (VTV), “Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất trên thế giới (báo Hà Nội mới)…, nhiều không kể xiết.
Những người dễ tính, xuê xoa, và tất nhiên không có ý thức về sự trong sáng của tiếng Việt thì tặc lưỡi chuyện nhỏ, viết sao cho người ta hiểu nội dung là được; thậm chí chê tôi hay bới móc. Tôi kệ, tôi chỉ làm theo lời cụ Phạm Văn Đồng, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
“Lọt” là động từ, theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, GS Hoàng Phê chủ biên, cuốn từ điển được coi là nghiêm túc, chuẩn nhất về tiếng Việt), thì “lọt” có nghĩa cơ bản là “qua chỗ hở, chỗ trống, khe, lỗ nhỏ của cái gì đó để từ bên này qua bên kia”. Lọt là động tác qua, còn qua thế nào luôn có những từ kèm theo bổ nghĩa cho nó, chẳng hạn lọt vào, lọt ra, lọt qua, lọt xuống, lọt mất. Lọt luôn đi với đối tượng ngăn trở, ví dụ cửa (có khe cửa), sàng (có lỗ sàng), nền (có khe nứt), vòng thi vòng đấu (có thi, có đấu). Thành ngữ có câu “lọt sàng xuống nia” để chỉ hạt gạo lọt qua cái lỗ của sàng, ra khỏi sàng, rơi xuống cái nia, nghĩa bóng là của vẫn còn đó, không mất đi đâu mà sợ. Những vòng chung kết, top này top nọ, theo cách diễn đạt của đám báo nói trên, nếu hiểu đúng trật tự tiếng Việt thì chỉ là cái sàng chứ không phải cái nia.
Thi tới vòng chung kết (ví như cái sàng) mà “lọt chung kết” thì phải hiểu là lọt ra, bị loại, bị văng, không vào được vòng chung kết, chứ không phải là đạt, thành công, vào. “Lọt vào” khác với “lọt”, nghĩa tương phản hoàn toàn. Lọt tùy từng trường hợp, có nghĩa lọt ra hoặc lọt vào, lọt qua. Nếu diễn đạt đúng cái ý mà nhà báo định nêu thì phải viết là “lọt vào chung kết”, “lọt vào top”, hoặc ngắn gọn hơn thì “vào chung kết”, “vào top”.
Khi hành động lọt hướng tới đối tượng là mục đích thì phải theo công thức "lọt + vào", còn lọt với đối tượng là sự cản trở, chắn lại thì dùng "lọt" hoặc "lọt + qua".
Những cách diễn đạt hình tượng như "lọt tai", "lọt mắt xanh" lại ở góc độ khác, xin trao đổi sau.
Nhưng họ (báo chí) cứ thích viết tắt, viết ẩu, kiểu thách thức tao cứ viết thế đấy, kệ tiếng Việt, kệ chuẩn, làm gì được nhau.
Xứ này có hẳn trường dạy người ta làm báo (Học viện báo chí tuyên truyền, với tinh giáo sư tiến sĩ) nhưng hình như họ không quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho các nhà báo tương lai. Có nhẽ ông hàng xóm nhà tôi nhận xét chẳng hề sai. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
ong hang xom cua bac Thong la ai ma cu up up momo ,
Trả lờiXóaTheo chính bác Nguyễn Thông, nhà báo như Đỗ Trung Quân chỉ cần, và quan trọng nhất, viết đúng chính tả là đủ để có thẻ nhà báo rùi . So far, pretty good, methink
Trả lờiXóa