Trang

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Tên đường (kỳ 2)

Đang nói chuyện tên đường, đặt tên đường, lại nhẩn nha vòng ra mạn bưu điện bưu chính, kể cũng lẩn thẩn, nhưng khổ nỗi những thứ liên quan tới thư từ, phong bì, tem, gửi thư, chuyển thư, “đánh” điện… ở xứ này một thời cũng lắm cái hay. Thôi, để kể sau, giờ nhà cháu quay về chuyện đường sá.

Nhân tiện đây, nhà cháu nói luôn có sự khác trong ngôn ngữ. Tiếng Việt phân biệt khá rõ, đường sá, phố xá. Khi đi với đường thì dùng “sá”, với phố thì “xá”. Đường sá mở mang, phố xá đông vui. Từ “sá” trong tiếng Việt để chỉ một mạch đất thẳng được bới lên, chẳng hạn “sá cày”. Còn từ “xá” có lẽ được đọc từ chữ “xa” là xe, trên phố nhiều xe cộ đi lại nên ghép thành phố xá. Cũng có thể từ chữ xá là nơi ở, đường có nhiều người ở thì thành đường xá. Ấy, nhà cháu cứ tạm hiểu vậy, bác nào kiến văn cao rộng xin chỉ giáo rộng mở giùm.

Đường và phố ở đô thị cũng có chút khác biệt. Ngoài bắc thường dùng từ “phố”, trong nam lại hay dùng “đường” mặc dù chúng đều là lối đi nơi đô thị. Ở Hà Nội, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Triệu Việt Vương, Trần Nhân Tông, Huế, Hàm Long… hầu hết là phố; thỉnh thoảng cũng có đường như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh… Hình như ở thủ đô những đường nào vừa để đi lại, vừa nhà cửa san sát làm nơi sinh sống, buôn bán tấp nập, và tương đối ngắn, có từ xưa cũ thì gọi phố; còn đường mới, dài, ít nhà dân, ít buôn bán thì gọi đường. 

Sài Gòn lại khác, hồi năm 1977 tôi mới nhập cư đã nhận ra điều khác biệt, hầu hết là đường, dù ngắn, đông người, nhà cửa ken đặc, buôn bán tấp nập, hay dài, rộng, thưa thớt dân cư, đều đường tuốt. Đường Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt, Hai Bà Trưng, Hậu Giang, Phan Đình Phùng…, chả ai gọi phố Hàm Nghi, phố Lê Văn Duyệt bao giờ.
 
Việc đổi tên đường do “bên thắng cuộc” thực hiện sau 1975 rất buồn cười, sặc mùi chính trị, bất chấp những quy định cần phải tôn trọng. Họ bất cần văn hóa, lịch sử, tao thích thế thì tao cứ làm cứ đổi, làm gì nhau. Tệ tới mức, có những cái tên rất hay, đầy ý nghĩa, đã đi vào đời sống tinh thần bao thế hệ, như Công Lý, Tự Do, Cộng Hòa, Chi Lăng… cũng bị thù ghét, xóa bỏ, thay thế, "ghét đào đất đổ đi", "thương nhau thương cả đường đi/ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng", để rồi có câu vè lịch sử “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý/Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”, cực kỳ chua chát.

Rất đáng nói, dù chính quyền Sài Gòn theo thể chế cộng hòa, hoàn toàn phế bỏ phong kiến nhưng khi đặt tên đường vẫn rất tôn trọng lịch sử dân tộc, nhất là với những đấng bậc đã có công với nước, những nhân vật nổi tiếng được dân quý trọng biết ơn. Sài Gòn trước năm 1975 có những con đường mang tên Nguyễn Hoàng, Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái, Đồng Khánh, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thoại… bên cạnh những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Trung Trực…, nhân vật lịch sử tồn tại cùng nhau, không để thứ chính trị nhỏ nhen áp đặt chen vào hoạt động cần sự công bằng, khách quan này. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. ha noi xua cu neu hai ben duong co nha thi goi la pho mot ben nha mot ben la song ho hoac ca hai ben la ho thi goi la duong . duong thanh nien hai ben la ho, duong yen phu, duong Tran khanh Du. duong Tran nhat Duat ...mot ben la nha mot ben la song hong

    Trả lờiXóa