Trang

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

Tên đường (kỳ 3)

Trong bài kỳ 2, tôi có nhắc lại một thực tế khách quan mà hàng triệu người biết chứ không phải chuyện bịa, không phải nghe hơi bắc nồi chõ, là chính quyền Việt Nam cộng hòa (người ta quen gọi chính quyền Sài Gòn) trước năm 1975 đã rất công bằng, tôn trọng lịch sử khi đặt tên đường.
 
Ông anh trai tôi sinh thời từng bảo đâu chỉ tên đường, “nó” còn khá đàng hoàng, tử tế khi vẫn cho tồn tại, cho phép hương khói thờ tự mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp dù biết người nằm đó là ai. Rồi ở mấy tỉnh miệt Nam Bộ vẫn có nhà thờ cụ Hồ do dân tự lập năm 1969, dù có lúc binh lính thấy ngứa mắt định phá nhưng chả kiên quyết lắm nên vẫn cứ còn.
 
Hồi thập niên 60 - 70 đám chúng tôi còn nghe kể ông luật sư Trịnh Đình Thảo có khu biệt thự cực rộng ở trung tâm Sài Gòn, ông ngang nhiên đặt tên một con đường trong dinh cơ của mình là đường Hồ Chí Minh nhưng chính quyền cũng chỉ khó chịu chứ không làm gì. Khi ông ra R (rừng) làm chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (thực chất do Việt cộng lập ra), chính phủ cũng chỉ tuyên án tử hình khiếm diện và tuyên bố tịch thu tài sản nhưng thực ra cũng chả lấy gì, kể cả đường HCM bởi con cháu người nhà ông còn ở đó. Tội ai làm người nấy chịu. Sau tôi được biết, khi ở R về, mặc dù giữ chức trọng làm to nhưng ông Thảo lại bị mất nhà vào tay chính quyền cách mạng. Đòi mãi đòi mãi, khiếu nại các kiểu, rồi mất luôn, chả biết sang thế giới bên kia có đòi tiếp không.

Nhắc chuyện chính quyền Việt Nam cộng hòa không phân biệt đối xử trong đặt tên đường và nhiều việc khác, có nhẽ đừng quên cách họ cư xử với văn nghệ sĩ. Tác phẩm văn nghệ như tiểu thuyết, thơ ca, âm nhạc của nhà văn, văn nghệ sĩ cộng sản đang tòng sự chính quyền miền Bắc vẫn được xuất bản, in ấn, phát hành, thậm chí được dạy trong nhà trường. Bài hát của Lưu Hữu Phước vẫn được chọn làm quốc ca. Những thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm…, văn của Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, nhạc Văn Cao, Nguyễn Văn Tý… chả bị cấm đoán gì bởi đó là giá trị văn hóa, người viết ra nó không có tội bởi thời cuộc "gặp thời thế, thế thời phải thế". 

Giữa năm 1977, tôi lần mò lên những “sạp lề” bán sách cũ ở đường Lê Lợi, Đặng Thị Nhu, thấy cơ man tác phẩm văn chương tiền chiến, nhưng ít tiền nên chỉ dám nhặt vài cuốn mình thật thích, như Vang bóng một thời, Điêu tàn, Thơ thơ, Thi nhân Việt Nam… (và cả Số đỏ, Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân nữa). Điều trớ trêu là, chính tác giả của mấy cuốn ấy, những ông kễnh văn nghệ ngoài Bắc trước 1975 lại bị chế độ mà họ phục vụ cấm in tác phẩm, “rút phép thông công”, cho rằng đó là thứ đồi trụy, hư hỏng, không giá trị. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. "cho phép hương khói thờ tự mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp"

    Con cụ chết trong cô đơn lạnh giá ở tận bên Nga, Ngụy nó tội nghiệp nên để yên

    " chuyện chính quyền Việt Nam cộng hòa không phân biệt đối xử"

    Không tốt như bác vẫn nghe đồn đâu . Hồ Cương Quyết bị bỏ tù vì treo cờ cách mạng . Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn . Thủ tướng Võ Văn Kiệt bị săn đuổi, nhà văn hóa Nguyên Ngọc cũng suýt bao nhiêu lần . Trong khi hát nhạc vàng lại được tôn vinh . Họ cho phổ biến NV-GP vì tưởng đó là "tội ác" của miền Bắc, chớ hổng có tốt lành gì . Họ vẫn cấm thơ Tố Hữu, Huỳnh Minh Siêng bị săn đuổi té khói . Lê Anh Xuân họ bắn cho chết, cut short 1 cuộc sống đầy hứa hẹn . Còn nhớ câu hỏi nhức nhối "Đảng có giết Đảng không ?" của bà Bùi Thị Nổi hông ? Ngụy nó chỉ nhè đảng viên mà tẩn thui .

    Họ hổng có rộng lượng như Đảng & các bác ngày nay đâu . Ngày xưa Ngụy săn đuổi ai, xử bắn ai, lên án ai, ngày nay Đảng & các bác giải oan cho họ, rùi kính trọng, tưởng nhớ họ . Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Bình, Võ Văn Kiệt ...

    Và thấy Ngụy hông ? Hổng thấy (nữa) phải hông ? EXACTLY. Đừng có đi theo vết xe đổ của Ngụy nữa .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết mấy dòng bình luận kiếm vài đồng ăn sáng

      Xóa