Trang

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Chuyện uống chè (kỳ 3)

Miền Bắc, sống ở nông thôn, người ta uống nước vối quanh năm suốt tháng, nếu mua được gói chè “ngon” loại 2, loại 3 như chè Đại Đồng, Phú Thọ chẳng hạn thì phải để dành phòng khi có khách. Vối sẵn, hầu như nhà nào cũng trồng ít nhất một cây, góc vườn hoặc bờ ao. Uống lá tươi, cây nhiều lá quá thì bẻ cả cành vặt lá phơi nỏ cho vào bao uống dần. Nụ vối uống rất ngon, nghe nói chữa được cả bệnh liên quan tới thận, lợi tiểu, hợp với người bị bệnh đái dắt. Hồi tôi còn bé thường ăn quả vối chín, chua chua ngòn ngọt, “xơi” xong mồm miệng trông cứ như hộp đựng thuốc vẽ, lòe loẹt xanh đỏ tím vàng. Trẻ con nhà quê thứ chi cũng ăn, quả thèn đen, quả mây, quả sắn, quả bom bóp… chẳng bổ béo gì nhưng bớt được sự thèm bánh kẹo. Những năm 60 - 70 bánh kẹo là của hiếm, đường lại càng hiếm, hèn chi hồi ấy chả ai bị bệnh tiểu đường. Từ điển năm chưa xa không có các mục từ “bệnh tiểu đường”, “bệnh gút”, “mỡ máu”, “béo phì”. Thứ bệnh thường trực của dân bắc trước sau 1975 là bệnh… đói.

Có cây vối trong vườn, đủ uống quanh năm, chỉ có điều uống nó không oai vệ như uống chè, bởi nó bình dân quá. Trên đời, nghiệm thấy cứ hiếm mới quý, dù của hiếm chưa chắc đã tốt bằng thứ có sẵn. Chè và vối là vậy. Vả lại, người ta chỉ phân phối chè cho cán bộ chứ ai phân phối lá vối. Chè là thứ thang bậc, tiêu chuẩn để xếp hạng đẳng cấp, dù lá vối có ngon mấy thì thiên hạ cũng cứ nhất định phải phấn đấu lên thành phần được uống chè.

Nhớ hồi cuối thập niên 80, tôi tò mò hỏi ông cậu vợ, dưới này (An Giang) có uống nước vối không, ổng hỏi vối là sao, tôi tả cây vối như thế như thế, không có chè thì uống thay chè. Ổng cười sao phải uống tầm bậy tầm bạ thế bay ơi, thời ông Diệm ông Thiệu, chè B’Lao thiếu gì, dưới quê cù lao miệt vườn xa xôi mà cà phê còn ê hề, ra khỏi ngõ đã có tiệm cà phê, huống chi chè.

Một thức uống quê nữa, không phải chè mà là chè. Chè tươi, hay còn gọi chè xanh. Giống chè này khác với cây chè trồng trên các nông trường chè ở Phú Thọ, Thái Nguyên, không phải loại chè Tân Cương, Suối Giàng có cây vài trăm năm cổ thụ cung cấp loại chè móc câu. Cây chè tươi trồng trong vườn nhà, mọc lúp xúp cỡ cái lồng gà. Là chè tươi rửa sạch, bỏ vào cái nồi to hoặc siêu nhôm đại Liên Xô, đun sôi già, mở vung để nguội cho đỡ đỏ nước. Mùa hè, được bát nước chè tươi, ngoáy thêm thìa đường sướng như đi Liên Xô. Mùa đông có bát nước chè tươi nóng cũng tuyệt vời. Mấy đứa làng tôi học được cách nói của bọn sơ tán, uống xong khề khà bảo “hết sảy con bà bảy”. Chỉ có điều, biết chè tươi ngon hơn nước vối nhưng ít nhà trồng nó bởi đất vườn có hạn, phải dành trồng thứ cây khác thiết thực hơn cho bữa ăn hằng ngày.

Nói đến uống chè, đừng quên những quán nước chè ven đường. Chủ quán thường là mấy bà lớn tuổi, ít khi đàn ông bán, còn gái trẻ như cô Xuyến mà tôi đã kể lại càng ít. Hình ảnh người đàn bà bán nước chè đã in đậm trong ký ức nhiều thế hệ những năm 80 trở về trước. Không công ăn việc làm, hoặc đã về hưu, hoặc phải lăn ra mà phụ đỡ tiền bạc cho chồng con để cả nhà sống qua ngày, các bà đã cần mẫn bán nước. Tôi có bà chị họ gia đình sống ngoài phố (Hải Phòng), chồng làm bốc vác bến xe, nuôi đàn con lít nhít 9 đứa đẻ năm một, sau khi nghỉ làm công nhân nhà máy xi măng, một mình bà chỉ với cái hàng nước chè vỉa hè mà lôi được cả nhà vượt qua được khốn khó thời bao cấp tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chắc nhiều người biết chuyện bà diễn viên NSƯT Lê Mai mẹ của mấy cô con gái lừng danh khi về hưu đã mở quán nước để vừa sống vừa vui. Tôi cho rằng đời bà có ý nghĩa nhất là đoạn gần kết đó.

Không thể hình dung ra “nét” của phố xá thời bao cấp đói nghèo nếu quên đi quán nước chè. “Quán” nằm bệt trên lề đường, tựa vào bức tường nào đó, hoặc nép dọc ngõ nhỏ, hai chiếc ghế dài, vài cái ghế vuông thấp cũn cỡn, chiếc bàn gỗ tạp bày bộ ấm chén sành cáu bẩn, ấm tích đựng trong chiếc bình tích đan bằng tre, trên bàn có thêm hộp kính nhỏ đựng thuốc lá cuộn hoặc Sông Cầu, Nhị Thanh, Trường Sơn, Đồ Sơn, bên lọ kẹo lạc hoặc kẹo vừng. Nhiều chủ quán còn chu đáo trang bị thêm cái điếu cày hoặc hẳn bình điếu có xe điếu phục vụ khách nghiện thuốc lào. Chỉ bấy nhiêu thôi, người vào người ra từ sáng sớm đến tối mịt. Lạ nhất là càng lạnh, càng mùa đông quán càng nhộn nhịp. Trong cái rét căm căm, áo quần không đủ ngăn lạnh, được ngồi hút điếu thuốc Trường Sơn, thuốc quấn rẻ tiền hoặc tít thuốc lào, hớp miếng chè móc câu nóng, ủ tay nhờ vào chiếc bình tích của cô Xuyến thì quên bẵng rét lạnh. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét