Từ dạo vào nam, tôi ít được uống nước vối, lại càng không có dịp nếm mùi lá đăng cay. Thứ lá nho nhỏ như chiếc ngòi bút lá tre, mọc dày hai bên nhánh, nhọn, từa tựa lá dương xỉ. Thày tôi mỗi lần nấu siêu nước vối chả bao giờ quên bỏ mấy nhánh đăng cay vào. Mùi vối đậm đà, thêm hương thơm và vị cay cay dịu nhẹ của lá đăng cay tạo thành thứ “ẩm thủy” khó tả. Gần nửa thế kỷ bặt vắng nó nhưng tôi vẫn cảm thấy mùi hương quê ấy quanh quẩn đâu đây.
Nước vối lá xanh nếu nấu không ngon bằng hãm. Tôi học được cách này khá tình cờ. Dạo cách nay mười mấy năm, đám đồng môn rủ nhau họp lớp, mà lại tận Đồ Sơn. Bọn cắm ở Hà Nội, Hải Phòng đi Đồ Sơn như đi chợ, với chúng nó chả có gì trở ngại, còn tôi phải vượt gần 2 nghìn cây số. Đồ Sơn vốn chỉ cách quê làng tôi chưa đầy chục cây số đường chim bay nhưng thú thực từ lúc bu tôi đẻ ra tới khi học xong cử nhân tôi vẫn không biết mặt mũi Đồ Sơn nó thế nào. Mãi đầu thập niên 80 mới mò ra, biết khu 1, khu 2, nhà Bảo Đại, bến Nghiêng… Lý do rất đơn giản mà cực kỳ… phức tạp: đầu tiên quan trọng nhất là tiền đâu, không có tiền, rồi không có xe đạp (thập niên 60 - 70 chiếc xe đạp là niềm mơ ước rất khó thành hiện thực của mọi nhà), quần áo lôi thôi lếch thếch, cả đời ngoài lúc học thì chỉ cắm đầu vào làm việc nhà giúp thày bu anh chị. Cuộc sống khốn khó dạy cho những đứa trẻ phải ngoan. Không cần học tập và làm theo ai cả, tấm gương nào cả. Thế hệ chúng tôi (đẻ giữa thập niên 50), cùng các anh chị sinh trước vài năm, cùng lớp đàn em sinh sau vài năm, đều như vậy cả. Nếu không bị đi lính (hồi ấy gọi là bộ đội) thì chỉ có làm và học. Gần như trong đầu không có chữ “chơi”.
Cả bọn sắp hưu tóc nhuộm nhờ sự quen biết nên thuê được chỗ tá túc ở khách sạn Điện lực với giá rẻ. Rồi kéo nhau ra đảo Hòn Dấu, trèo lên cả ngọn hải đăng cao tít, mò vào dinh Bảo Đại, leo tháp Tường Long, vội vã hưởng thụ như một kiểu dối già. Thu hoạch giá trị nhất của tôi là khi uống cốc nước vối đậm đà xanh ngăn ngắt ở phòng khách Điện lực hotel, tấm tắc ngon quá ngon quá. Một cô xinh đẹp đứng gần đó giảng giải, tận tình chỉ dẫn cách hãm sao cho đạt chuẩn nước vối thượng hạng, xong rồi còn hỏi có nhớ không, quên không. Tôi gật đầu nhớ nhớ, thầm nghĩ có thế mà không nhớ thì còn làm được trò gì. Bà bạn hơi già già ngồi cạnh bảo mày có biết cô giáo dạy mày là ai không, cái Hà giám đốc của hô teo này đấy. Lại thầm nghĩ, sao trên đời có thứ người vừa đẹp vừa giỏi vừa tốt thế không biết.
Cách hãm (không nấu trực tiếp mà chỉ ngâm bằng nước sôi thì gọi là hãm) đơn giản và hiệu nghiệm thế này: Bình thủy tinh 2 lít, lấy 5 - 6 lá vối rửa sạch vẩy ráo bỏ vào bình, cho chút nước sôi vào lắc đều thật nhanh để rửa lá rồi đổ đi, nếu có lá đăng cay khô thì thêm vài lá cho ngon hơn, còn không có cũng được. Nước đun sôi già, đổ đầy bình, đậy nắp, có thể dùng sau 5 - 10 phút. Uống nóng hoặc ấm đều ngon.
Ai có dịp đáo Đồ Sơn không hơn đồ nhà, cứ thử ghé Điện lực hô teo một lần thưởng thức món đặc sản nước vối coi tôi nói có đúng không, chứ cô chủ Hà có còn quản thủ nơi ấy thì thú thực tôi bặt tin. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét