Dân giàu nước mạnh, nhiều tiền thì tốt chứ sao. Nước Mỹ lâu lâu lại làm phép tổng kết xem có bao nhiêu tỉ phú để vênh váo với thế giới. Forbes đã đưa anh nào vào danh sách chẳng khác gì đeo cho cái huân chương công trạng làm giàu. Xưa K.Marx coi đồng tiền là con đĩ nhân loại, nay con cháu Marx tôn tiền thành tiên thành phật. Ở xứ ta cũng chẳng ngoại lệ.
Bất cứ nơi đâu trên quả đất này, dân đều phải có nghĩa vụ đóng thuế, nộp vào ngân sách nhà nước. Ngân sách là tiền mồ hôi nước mắt của dân, thậm chí là máu, là sinh mạng. Chi một đồng ngân sách cũng phải cân nhắc, hợp tình hợp lý thì dân mới ủng hộ, chứ đâu có cái thói ném tiền qua cửa sổ. Vì vậy, thật chả ra sao khi người dân cứ ồn ào lên với vài vụ chi tiền, mất tiền tỉ gần đây.
Xa một chút là vụ Vinashin, không phải mất toi tiền tỉ bình thường mà gần trăm ngàn tỉ. Khiếp. Nháo nhác như nhà bị cả trung đoàn ồ vào cướp. Rồi người ta dàn xếp, cơ cấu lại, tính toán trừ chỗ này bớt chỗ kia, tóm vài lão tốt đỏ vào nhà đá để hạ hỏa, nay thì “tạm ổn” nhưng mình đoan chắc tiền tỉ tỉ ấy toi rồi.
Gần, thật gần là vài vụ điển hình.
Theo báo Dân Trí, tòa nhà Bảo tàng Hà Nội vừa được đưa vào hoạt động có tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỉ đồng. Với số tiền ấy, mình cứ nghĩ nó phải to như quả núi, nguy nga lộng lẫy không kém gì cung điện Burmingham. Vậy mà chả phải, giới kiến trúc nhận xét ra sao chứ mình coi nó là khối xi măng thô kệch, xấu vào loại nhất Đông Dương từ xưa đến nay. Báo chí cũng phàn nàn, bảo tàng bảo tiếc gì mà lèo tèo vài ba món đồ, người thăm cũng lèo tèo. Hay là đặt lại cho nó cái tên bảo tàng Bà Đanh. Món tiền gần 3 ngàn tỉ nói trên mua được nỗi thất vọng.
Cách nay hơn tuần, người ta choáng khi biết chính quyền quận Ba Đình lập dự án tu bổ tôn tạo chùa Một Cột. Cái chùa cổ ấy (thực ra thì được phục dựng lại hoàn toàn năm 1955 sau khi bị Pháp giật mìn phá hủy) mình biết lắm, kiến trúc đẹp, vị trí đẹp, nhưng về quy mô, có lẽ to chưa bằng căn hộ loại thường của chúng sinh. Nó cũ thì làm cho mới hơn, hư thì sửa, xuống cấp thì nâng cấp. Nhưng những 31 tỉ tiền, lạy Phật, chả biết người ta đắp chừng ấy tiền vào cái gì. Hay họ định dát vàng, nạm kim cương. Có xây hẳn một cái chùa mới toanh to gấp 10 chùa cũ cũng không xài hết chỗ tiền mồ hôi nước mắt đó, các ông bà ạ.
Chùa Một Cột (ảnh chụp tháng 6.2008, Nguyễn Thông)
Cầu Long Biên bắc qua sông Cái nối Hà Nội tỏa đi khắp nơi. Hơn trăm năm nay nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giờ về hưu non bởi nhiều em con cháu nó đứng thay gánh vác. Mình thấy mừng khi bà kiến trúc sư Việt kiều Nguyễn Nga tuyên bố đang lập dự án biến nó thành công trình văn hóa-lịch sử, lưu lại cho đời sau ngắm nghía. Nhưng mừng hụt. Bà Nga bảo phải tốn những 5.000 tỉ đồng, không nhờ ngân sách nhà nước, tuy nhiên sẽ sử dụng hết số tiền 80 triệu euro mà chính phủ Pháp hứa tài trợ nhà nước ta. Tưởng giỏi giang gì, vẫn bấu vào nhà nước. Xin thưa với bà, nếu bà tự xin được tiền của người Pháp đi một nhẽ, còn đây nhà nước cho nhà nước thì nó là tiền của dân. Bà có biết để làm cây cầu Mỹ Thuận hoành tráng cực kỳ quan trọng với đồng bằng sông Cửu Long, hết bao nhiêu không, chỉ 67 triệu USD thôi đấy. Hay lại tính mạ vàng cầu qua sông Cái?
Vụ tiếp này thì hơi nhạy cảm, nói ra sợ bị mắng. Đó là tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ban đầu là ý tưởng, sáng kiến của đài Tiếng nói Việt Nam, chắc định làm nhỏ thôi. Có phát mà không có động (đậy) nên tiền thu được chả bao nhiêu, đài liền pát-xê qua cho tỉnh Quảng Nam. Sau bao nhiêu lận đận, tỉnh nghèo gắng sức nhưng đuối, mà chả dám kêu. Nay chốt lại, vừa địa phương vừa nhà nước trung ương cùng làm, bổ sung 330 tỉ đồng, thành tổng dự toán 410 tỉ đồng. Tiền đó nhiều ít thế nào so với công trình, mình không có chuyên môn nên không dám bàn, chỉ rụt rè ngỏ rằng giá cứ làm vừa vừa phai phải, đừng dựa vào oai linh mẹ anh hùng để thỏa bệnh thích hoành tráng thì hợp lý hợp tình biết bao nhiêu. Rất nhiều mẹ anh hùng trên cả nước này đã gần đất xa trời, chăm lo các mẹ chưa chu đáo, nhiều mẹ miếng ăn chả đủ, nhà tranh vách nát, sống buồn bã cô đơn. Dành phần lớn số tiền ấy nuôi chăm các mẹ có hơn không. Và nói liều thêm: xem ảnh chụp khối tượng phác thảo, lại vẫn đường nét gồ ghề, vuông thành sắc cạnh, mình thấy chả cảm tình tí nào. Xếp hạng, có lẽ cỡ Bảo tàng Hà Nội. Thế mà có vị dám so sánh sản phẩm chưa ra đời ấy với tượng bà mẹ Tổ quốc trên đồi Mamaiev ở Liên Xô. Nhà cháu xin bái phục.
Dành tiền tỉ để chăm sóc các mẹ còn sống, bớt chút ít cho các cháu đến trường, có lẽ hợp lý hơn
Nhắc đến tiền tỉ, nhớ thêm vụ 42 tỉ bay hơi ở cục Điện ảnh. Hai ông cục trưởng, cục phó mất chức chưa đủ đâu nhé. Tiền dân đóng thuế, đưa cho các ông làm phim phục vụ nhân dân. Phim chửa thấy đâu, tiền bay vụt mất. Liệu tay kế toán kiêm thủ quỹ ấy có ăn một mình, kệ, các ông cứ phải đền. Không đền là dân đốt phim.
Kể từ 1.10 tới, người lao động sẽ được tăng lương tối thiểu lên đến 1,4 triệu đồng/tháng (mức thấp nhất). Sau khi trừ thuế thu nhập 5%, còn lại hơn triệu bạc. Một tháng 30 ngày, sống ra sao với số tiền ấy, nghĩ nát cả óc. Bình quân hơn 30 ngàn đồng gánh đủ thứ bà rằn trong ngày, ối giời, không dám nghĩ nữa.
Tiền tỉ vẫn cứ đi đằng tỉ, bạc cắc vẫn hoàn bạc cắc. Giá mà hoán đổi được để xứ này thêm nhiều nhiều tỉ phú. Bằng không thì phải dùng biện pháp của Zimbabwe thôi.
Nguyễn Thông
Thêm: Mình viết xong bài này post lên chưa đầy tiếng đồng hồ thì thấy trên báo điện tử VnExpress có bài về mẹ Thứ (nguyên mẫu tượng mẹ VN anh hùng), xin lưu kèm đây làm tư liệu, mong VnExpress lượng thứ. http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/09/me-toi-chac-khong-vui-neu-tuong-dai-ton-kem/
'Mẹ tôi chắc không vui nếu tượng đài tốn kém'
"Ban đầu khi nghe tỉnh chọn hình ảnh mẹ tôi làm mẫu để xây dựng tượng đài, tôi xúc động lắm. Nhưng mà bây giờ xây tượng đài tốn nhiều tiền quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui", mẹ anh hùng Lê Thị Trị tâm sự.
> 410 tỷ đồng xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng / Quảng Nam trần tình về 410 tỷ đồng xây tượng đài mẹ Việt Nam
Quần thể tượng đài tượng trưng cho khoảng 50.000 mẹ VN anh hùng trong cả nước xây dựng tại Quảng Nam lấy nguyên mẫu hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ Thứ có 9 con ruột, một con rể và 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh.
Con gái mẹ Thứ là bà Lê Thị Trị (nay đã ngoài 80 tuổi) cũng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu bà mẹ VN anh hùng vì có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Nói về việc xây tượng đài tốn hàng trăm tỷ đồng, mẹ Trị bộc bạch: "Ban đầu khi nghe tỉnh chọn hình ảnh mẹ tôi làm mẫu để xây dựng tượng đài, tôi xúc động nhiều lắm. Nhưng mà bây giờ xây tượng đài tốn nhiều tiền quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui gì đâu".
Rồi mẹ Trị nói tiếp: "Có xây tượng đài thì cũng nên làm vừa sức thôi, đừng phung phí nhiều tiền mất đi ý nghĩa sâu xa của nó".
Mẹ VN anh hùng Võ Thị Khá đang được con gái là chị Trần Thị Khen chăm sóc. Ảnh: Trí Tín |
Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Khá 90 tuổi ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có chồng và 2 con trai tuổi 18, 20 đã ngã xuống trong chiến tranh, chỉ còn con gái duy nhất ở bên mình. Ngày hòa bình, mẹ lại gánh chịu thêm nỗi đau khi con gái bị di chứng chất độc da cam nên mất khả năng sinh con phải ly hôn sau chưa đầy một năm lập gia đình. Hai mẹ con nương tựa nhau trong căn nhà trống vắng, hàng ngày chị Khen vừa bươn chải bán rau mưu sinh, vừa chăm sóc phụng dưỡng mẹ già trong những năm cuối đời.
Ngồi trầm ngâm cho con gái chải mái đầu bạc trắng, mẹ Khá nói nhỏ nhẹ: "Làm tượng đài gì mà tốn kém nhiều thế, xây vừa tiền thôi, số còn lại nên dành để chăm sóc trẻ mồ côi, tàn tật, giúp các cháu nghèo đến trường thì có ích nhiều hơn. Nước mình còn nhiều địa phương nghèo khổ lắm".
Con gái của mẹ Khá là bà Trần Thị Khen cho biết, mấy năm trước Nhà nước định tặng nhà tình nghĩa nhưng mẹ từ chối, nhường cho mẹ VN anh hùng khác nghèo khổ hơn. Giờ đây may mắn là hài cốt cha và các anh đã được tìm thấy, chôn cất hương khói ở nghĩa trang liệt sĩ. "Thế là mẹ mãn nguyện rồi không mong gì hơn", mẹ Khá nghe kể chuyện, chép miệng.
Các mẹ Việt Nam anh hùng cũng bày tỏ ước nguyện cuối đời thật giản dị, chẳng hạn: mong hài cốt của chồng con sớm được quy tập, an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà; muốn con cháu học hành đỗ đạt trở thành người có ích cho xã hội; hay sửa chữa lại mái nhà tình nghĩa "nắng rọi, mưa dột" cho cháu gái có nơi thờ phụng ông, bà, các chú là liệt sĩ.
Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ lúc mẹ Trần Thị Phẩm tuổi còn trẻ, sau đó đứa con trai duy nhất cũng hy sinh, suốt gần 50 năm qua mẹ sống cô đơn ở huyện đảo Lý Sơn. Hàng ngày mẹ vẫn dè sẻn, tiếm kiệm chi tiêu từng đồng để giành tiền góp vào quỹ khuyến học giúp trẻ nghèo của xã có tiền mua sách, vở đến trường.
Trong những năm tháng tuổi già, mẹ ước mong hài cốt của con trai được đưa từ huyện Sơn Tịnh quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của huyện đảo để hương khói. "Xây tượng đài cho mẹ làm chi, các chú hãy giành tiền giúp tụi nhỏ ở vùng sâu, vùng xa đến trường thì tốt hơn", mẹ Phẩm nói.
Còn mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thư quê ở xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, đang sống quê chồng ở Quảng Ngãi cho rằng: "Nếu Nhà nước làm tượng đài tri ân các mẹ thì xây nho nhỏ thôi, nên dành tiền để chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ sống neo đơn trong tuổi già". Suốt mấy chục năm qua, mẹ Thư côi cút một mình giữa TP Quảng Ngãi, chồng chết sớm, con trai duy nhất hy sinh vào năm 1968. Mẹ Thư ao ước, khi nhắm mắt lìa đời mẹ được đưa về gần con ở nghĩa trang liệt sĩ xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, quê nhà.
Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thư quê ở xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, đang sống ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Trong khi đó lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết vẫn quyết tâm xây dựng công trình tượng đài mẹ VN anh hùng theo hướng vừa làm vừa vận động kinh phí và chờ Trung ương xem xét hỗ trợ.
Trao đồi với VnExpress.net chiều nay, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, 411,2 tỷ đồng là con số dự toán về công trình tỉnh đang kiến nghị Trung ương xem xét quyết định, hỗ trợ đầu tư.
"Trung ương hỗ trợ bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, số còn lại tỉnh tiếp tục kêu gọi các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước cùng chung tay góp sức; đây là công trình văn hóa cấp quốc gia chứ không riêng gì của tỉnh Quảng Nam", ông Thu nhấn mạnh.
Quần thể tượng đài bà mẹ VN anh hùng ban đầu Quảng Nam dự định chỉ xây quy mô cấp tỉnh với kinh phí 55 tỷ. Sau đó, tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh vốn lên 81 tỷ đồng, trong đó trung ương cấp 50 tỷ, tỉnh chi 20 tỷ và nguồn đóng góp từ các đoàn thể, tổ chức xã hội là 11 tỷ đồng.
Tháng 11/2007, Thủ tướng đồng ý đưa dự án vào danh sách công trình văn hóa cấp quốc gia và yêu cầu tỉnh Quảng Nam xem xét tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp với quy mô. Đầu năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh tính toán lại tổng mức đầu tư để phù hợp với quy mô mới. Sau đó Quảng Nam đã điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư lên 411,2 tỷ đồng.
Đọc bài này thấy đau xót quá bác ạ. Tiền của dân vắt kiệt mồ hôi nước mắt để đóng thuế (người ta bảo là để xây dựng đất nước) mà người ta sử dụng cứ như là vỏ hến. Bây giờ cứ nghe nói đến xây dựng các công trình nhà nước là người ta công khai nhắc đến 10 phần trăm hoa hồng trích cho người đứng đàu chủ đầu tư dự án. dự án hàng nghìn tỉ đồng như thế mà trích 10 phần trăm thì... không chết vì giàu mới lạ.
Trả lờiXóaThảo nào dân ta cứ nghèo khổ mãi, đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa mà con trẻ đang phải bơi qua sông trong dòng nước dữ để đến trường vì không còn tiền để xây nổi cái cầu, bao người còn đói ăn thiếu mặc, cù bất cù bơ không nhà không cửa.
Hãy bán cho tôi một vé đi... về quá khứ, thời của phong kiến ấy cũng được, không tôi phát khùng mất!
Bác lamkhanh ơi, mình viết bài này khi lòng xót lắm, cũng như bác vậy. Đó là chưa dám đề cập đến mối nghi ngại chả biết họ có chấm mút gì từ khối tỉ tỉ đó không. Thực tế cho thấy tiền càng tỉ, chấm mút bớt xén càng nhiều.
Trả lờiXóađất nước thì còn nghèo, bỏ hàng đống tiền để xây bảo tàng, di tích, tượng đài.. tức là toàn lo cho người đã chết cả. còn người đang sống sờ sờ ra đó, khổ hết chỗ nói thì chẳng quan tâm. Thật là lạ cái mớ sự đời.
Trả lờiXóacác bác cứ nói thế tội nghiệp các "quan" nhà ta.giờ này mà trẻ em còn phải đu dây hay bơi qua sông để kiếm cái chữ.vậy thì hồi xưa các quan nhà ta đi học thế nào mà vẫn làm được quan to thế cơ mà.nên các bác thông cảm.đất nước này là của quan ,do quan,và vì quan .các bác đừng bức xúc nữa.
Trả lờiXóaCám ơn bác Thông đã nói hộ những điều mà lòng tôi bao lâu nay ấm ức. Tôi cũng đi khá nhiều nơi. Ở đâu tôi cũng thấy những người đã từng chiến đấu, hi sinh, những người trong chiến tranh đã giúp cách mạng mà chẳng nề hà gì hiểm nguy đang sống quá cơ cực.
Trả lờiXóaTôi chẳng là gì cả, vậy mà hưởng lương nhà nước (dù là chẳng đủ sống với nó) mà cũng có cảm giác như mình là người có lỗi, như mình là người phản bội vậy. Tôi chẳng hiểu những người nhận tiền đóng thuế của dân bằng cách nào mà họ có thể ngủ yên được.
Tôi chằng thích nói nịnh, nhưng quả là ...Bài bác viết rất hay. Tôi không nói về câu chữ, đọ với nhà báo thế nào được. Ấy là tôi muốn nói về cái tâm của bác thể hiện qua những dòng chữ. Tôi mạn phép bác "vác" ra cho sinh viên đọc để cho các ban ấy hiểu ...không phải là các nhà báo không trăn trở!
Đọc những lời khen của bác Irina, mình ngượng quá trời bởi có những lúc mình cũng sợ sệt không dám bày tỏ thật bức xúc của mình, lo quẩn miếng cơm manh áo. Chúng mình đều có lỗi với sự đóng góp hy sinh của tiền nhân, bác ạ. Rất cám ơn bác, mình sẽ không sợ sệt nữa, sự động viên của những người như bác quý vô cùng.
Trả lờiXóaKhông chừng các bà mẹ VNAH đang tổ chức xuống đường (bằng xe lăn) để phản đối xây tượng đài tốn kém. Các mẹ còn gì để mất nữa đâu. Các con của mẹ sao không linh thiêng phù hộ bóp cổ bọn người đang âm mưu phá tiền của dân? Làm cho chúng nó thấy ngay trước mắt để cho thế hệ sau noi gương. Nhưng biết đâu các con của mẹ xui khiến chúng nó tham tàn đến cùng cực để ngày tàn của chúng chóng đến./.
Trả lờiXóarất đồng cảm với nhiều bức xúc của bác, nhưng cái gì mà lương 1tr4 mà đóng thuế thu nhập cá nhân chứ. tào lao
Trả lờiXóaVir: Mình có nhầm lẫn tí chút. Xin lỗi nhé.
Trả lờiXóa