Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Phiếu trắng, trắng tay

Nhà kia có hai đứa con trai. Ông bố là người cẩn thận nên làm gì đều hỏi ý kiến con. Việc nào cũng vậy, hỏi thằng lớn, nó ậm ừ rồi bảo tùy bố, bố muốn làm thế nào cũng được, con chả ý kiến ý cò. Hỏi thằng bé, nó luôn nghĩ ngợi đôi chút rồi đề nghị bố phải làm thế này thế này, có lúc còn cãi lại chê bố sai. Ông bố ban đầu hơi phật ý, thậm chí còn mắng nó mày chỉ giỏi lý sự, dám cãi bố, chả như anh mày ngoan, tao làm gì cũng gật. Khi sắp về với ông bà, ông gọi cả hai đứa lại, nói rành rọt của cải tài sản nhà này bố trao hết cho thằng bé, đâu ra đấy, rõ ràng đúng sai, chứ vào tay cu nhớn ba phải thì đội nón đi hết.

Nhớ chuyện xưa bởi ngẫm chuyện nay. Liên Hợp Quốc vừa công bố báo cáo cho biết Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nhân quyền. Có 117 nước bỏ phiếu thuận, 14 nước chống, 40 nước trắng. Trong nhóm chống dĩ nhiên có Trung Quốc, Nga, Syria, Triều Tiên, Iran, Zimbawe… Những anh chống và trắng hầu hết đều dị ứng với nhân quyền.

Thường với mỗi điều gì đó trong đời sống, chỉ xảy ra hai trường hợp: đồng ý hoặc không đồng ý, nhất trí hoặc phản đối, tán đồng hoặc bác bỏ. Có rõ ràng như vậy mới tỏ được cái trí lự, tính cách, bản lĩnh, uy tín, sự độc lập của mình. Không có cái kiểu ỡm ờ như gái lầu xanh chài mồi khách.

Ngày trước, tôi để ý, VN ta trên trường quốc tế cứ mỗi lần gặp vấn đề gì hơi phức tạp một tí, hoặc đựng chạm đến “nọc” xứ mình là bỏ phiếu trắng. Giới cầm quyền tự khen nhau khôn ngoan, không dại khờ như đám bộc tuệch ruột ngựa, chả để mất lòng ai. Họ bảo đó là trí tuệ của người cộng sản, là thắng lợi vẻ vang trên trường quốc tế.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Chuyện nhặt ở bệnh viện (phần 1)

Hồi xưa, nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức) có truyện dài “Một chuyện chép ở bệnh viện” viết về cuộc đời chị gì đó hoạt động cách mạng, sau thành phim Chị Tư Hậu. Tác phẩm chẳng hay lắm nhưng cũng gây xúc động một thời.
Mình chả khỏe gì cho cam nhưng ít phải vào bệnh viện, nên đóng bảo hiểm y tế chỉ toàn lỗ. Hai hôm nay nhà có người yếu nhọc, phải bám vào thứ cơ quan chăm lo sức khỏe này, mình theo để chăm. Buông việc thường làm hằng ngày, nhẹ cái đầu một tí nhưng mỏi cái chân cái tay. Chỉ riêng bữa nay lên lầu xuống lầu cả hai chục bận chứ không ít. Quá cả thằng bé trong thơ Tố Hữu, chân cứ thoăn thoắt, chỉ có điều hết hơi không huýt sáo được.
Những ai yêu đời không nên ghé bệnh viện. Đó là thế giới của già yếu, bệnh tật, úa tàn, u ám, mệt mỏi, lo lắng, thở than. Rất ít hy vọng. Thiếu niềm vui. Chợt nghĩ, nếu đời người là một ngày thì cuộc sống trong bệnh viện giống như buổi chiều tà. Nhưng chẳng ai tránh được cái lúc hoàng hôn ấy.
Vậy mà mình nhìn thấy chút niềm vui trong thế giới chập chờn tối sáng đó. Lâu nay chưa hiểu các bác sĩ thầy thuốc cho lắm, giờ thì hiểu hơn.
Bữa ni thứ bảy, theo lệ hành chính mà nhà nước đã ban hành thì là một trong 2 ngày cuối tuần. Theo mình, ngày nghỉ đúng lệ chỉ nên áp dụng cho các cơ quan nhà nước khác, chứ bệnh viện thì cần thay nhau trực. Chả ai chọn bị bệnh vào ngày làm việc hành chính và tránh ngày cuối tuần. Đã bệnh thì nửa đêm, thậm chí mùng 1 tết cũng bệnh. Bệnh viện nên làm việc như thường 7/7 ngày, cắt lịch luân phiên là tốt nhất. Tại sao thì điều này mình sẽ viết sau.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Báo Đại Đoàn Kết thất bại toàn tập

BÁ TÂN
         Thế là, sau hơn 2 năm chờ đợi, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đưa ra xét xử vụ án nhà báo Từ Khôi khởi kiện  báo Đại Đoàn Kết.
         Phiên tòa xét xử chiều 20.11.2015. Chiều 25.11.2015 tòa tuyên án. Nguyên đơn nhà báo Từ Khôi thắng kiện. Bị đơn báo Đại Đoàn Kết lại thêm một lần bại trận.
         Trong 3 tháng kề nhau (9-10-11.2015 ) báo Đại Đoàn Kết trở thành bị đơn của 3 vụ án, với 3 nguyên đơn đều là “người trong nhà” của tờ báo này, cả 3 nhà báo có hàm cấp phó ban chuyên môn.
          Ba nguyên đơn đều thắng. Báo Đại Đoàn Kết thì ngược lại, bị nốc ao trắng bụng.
          Ba nguyên đơn là đồng nghiệp của tôi. Chúc mừng ba đồng nghiệp, những người hiên ngang chống tiêu cực tại cơ quan báo chí có bề dày thuộc tốp đầu của làng báo Việt Nam.
         Xin chia phần xót xa với báo Đại Đoàn Kết, bị lôi ra tòa và thất bại ê chề mà nguyên nhân hoàn toàn do chủ quan gây ra.
         Những ai là người của báo Đại Đoàn Kết, nếu thật sự khách quan và không bị lợi ích nhóm lôi kéo, khi tòa chưa xét xử đã tự tin với khẳng định: phần thắng chắc chắn thuộc về nguyên đơn.
         Với báo Đại Đoàn Kết, trong 3 vụ án này, sai phạm chồng lên sai phạm, bị đơn không thua kiện mới là chuyện lạ.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Bác Nguyễn Duy

Trong số những bậc đàn anh, tôi quý và kính nể nhất bác Nguyễn Duy.
Bác Duy kém chị cả tôi 1 tuổi, sinh năm 1948, nhưng nhiều khi đám đàn em là chúng tôi cứ suồng sã với bác ấy chả khác gì bằng vai phải lứa. Cũng có lý do, một phần vì bác Duy rất hiền hậu, nho nhã, mắt dường như lúc nào cũng nheo nheo cười cười, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn; phần vì bác là đồng môn. Năm 1966 từ sân trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở Thượng Đình bác lên đường vào bộ đội, lính thông tin lăn lộn trên khắp chiến trường, năm 1971 bác về lại vào học khoa Văn, dưới Mễ Trì, khóa 16. Năm 1972, lứa chúng tôi vào nhập học khóa 17 thì danh tiếng bác Duy đã nổi như cồn. Các thầy cô và các anh chị sinh viên lớp trên luôn nhắc đến Nguyễn Duy, người đã làm rạng danh cho khoa Văn suốt bao nhiêu năm liền.
Có lẽ khó quên, năm 1973, bác Duy (lúc ấy là nhà thơ sinh viên Nguyễn Duy Nhuệ, tên thật của bác) nổ quả bom trong đời sống văn nghệ miền Bắc: đoạt giải nhất thơ cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ với chùm bài như Tre Việt Nam (còn quen gọi là Tre xanh), Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông… Đi đâu cũng nghe thấy người ta xì xào bàn tán, lắc đầu lè lưỡi khâm phục. Có nhẽ chỉ sau Phạm Tiến Duật giải nhất cuộc thi năm 1970. Cùng lớp với tôi có mấy tay bợm văn chương, cũng thuộc dạng thần đồng, làm thơ từ nhỏ, như Trần Ngọc Vương, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Sĩ Đại, Đỗ Xuân Thanh... nhưng so với đại ca Nguyễn Duy khóa 16 thì chưa là cái đinh gì. May ra có ông anh Bùi Trọng Cường cũng dân lính phòng không về, năm 1966 học khoa Lý rồi đăng lính, 1972 buông súng về khoa Văn, lâu lâu có thơ đăng trên báo Văn Nghệ, Nhân Dân, Tổ Quốc... còn có thể tập tễnh ngồi vào chiếu văn chung với bác Duy. Anh Cường hay sang chơi với Trần Hòa Bình, Bùi Quang Thanh bên sư phạm Cầu Giấy.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Mất bò mới lo làm chuồng

    Dân ta có câu “Mất bò mới lo làm chuồng”, ngẫm ra cũng đúng với vụ tai nạn xe tải tránh rạp đám cưới dựng trên đường, gây ra tai nạn giao thông chết người (ở Q.Tân Phú, TP.HCM tối 21.11). Nhà chức việc địa phương, nơi xảy ra tai nạn, hứa rằng “Sau vụ việc này, UBND quận sẽ rút kinh nghiệm, nghiêm cấm hành vi lấn chiếm lòng lề đường dựng rạp để tổ chức tiệc tùng. Nếu các phường để xảy ra vi phạm, quận sẽ xử lý kỷ luật người đứng đầu”.

    Theo lẽ thường tình, tất cả mọi vụ việc công khai vi phạm pháp luật xảy ra ở địa phương nào thì bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là những người lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm. Vẫn biết là vậy nhưng dường như không ít vi phạm diễn ra hằng ngày, thường xuyên, giữa ban ngày ban mặt, ai cũng thấy cũng biết, lại được cái kính chiếu yêu của chính quyền bỏ qua. Rất nhiều dạng vi phạm, có khi lúc ban đầu chỉ cỡ tiểu yêu, dẹp ngay xong liền, tuy nhiên do được dung túng, bỏ qua, do sự thờ ơ vô trách nhiệm, thậm chí đồng lõa của nhà quản lý và lực lượng chức năng, dần dần chúng biến thành yêu quái, chỉ khi chúng gây ra tai họa thì cả cộng đồng mới vội giật mình.

    Nhiều khách du lịch phương Tây đến Việt Nam thường than thở về tình trạng pháp luật bị thả lỏng khiến họ ban đầu có đôi chút lạ lẫm, tò mò, sau thì cảm thấy bất an, khó chịu. Quen sống ở nơi mọi thứ đâu ra đấy, việc to điều nhỏ đều được ràng buộc, điều chỉnh bởi quy định pháp luật, họ lạ, khó chịu là phải. Rõ ràng có biển báo đường cấm xe, đường một chiều, thế mà xe cộ cứ nghênh ngang. Đi dạo trong thành phố, chả biết lối nào mà lần bởi vỉa hè dường như bị chiếm tất tật để bày hàng, giữ xe. Nơi có thông báo cấm đổ rác, cấm tiểu tiện lại thường là nơi nhiều rác rưởi, ô uế nhất. Lúc nào cũng nghe tuyên truyền đường thông hè thoáng nhưng lúc nào cũng thấy hàng quán tràn lan, rạp đám cưới đám ma lấn chiếm hết cả con đường. Nhiều người cằn nhằn về âm thanh của hệ thống loa phường nhưng lại sẵn sàng bỏ qua, nín nhịn trước tình trạng karaoke nhà bên hát ông ổng suốt ngày… Chúng ta có hẳn những quy định về nếp sống văn hóa, văn minh công cộng, văn minh đô thị, vậy mà chỗ nào cũng có thể bắt gặp tình trạng vi phạm một cách công khai, vô tư, như mặc nhiên được chấp nhận. Tôi nhớ có lần nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ nhận xét rằng nhiều “nếp” ở ngay tại thủ đô Hà Nội bây giờ còn kém cả nơi làng xã.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Tinh thần Dầu khí có nghĩa là tinh thần Bịa đặt

BÁ TÂN
    Tại phòng làm việc của báo Petrotimes (Năng lượng mới) trương lên biểu ngữ đỏ chữ to, in đậm khiến nhiều người tò mò: Làm báo với tinh thần Dầu khí.
    Tinh thần dầu khí là thế nào?
    Đại đa số, kể cả người trong cuộc, khó đưa ra lý giải chuẩn mực thế nào là tinh thần Dầu khí. Bao biện hòng đánh bóng theo kiểu bôi trét áp đặt thì nghe làm gì cho bẩn tai.
    May quá, sau cái vụ tin vịt luật sư Trần Vũ Hải bỏ trốn sang Mỹ, người ta nhận ra đích thực tinh thần dầu khí là… bịa đặt.
    Luật sư Trần Vũ Hải đang ở Hà Nội, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Đùng một cái, Petrotimes gây chấn động dư luận bằng cách loan tin luật sư Trần Vũ Hải bỏ trốn sang Mỹ. Đây không phải sơ suất, mà là cố ý sai phạm, sai phạm 100%.

Tích hợp môn lịch sử sẽ là một thảm họa khôn lường

Xoay quanh việc tích hợp môn lịch sử được Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu ra, cùng với những ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sử học, các giáo viên lịch sử, PGS-TS Phạm Quốc Sử - Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Thủ đô Hà Nội đã có những chia sẻ, những quan điểm hết sức thẳng thắn về vấn đề này.
Tìm hiểu, dạy và học lịch sử là vấn đề sống còn của dân tộc
-Thưa thầy, lịch sử và môn lịch sử có vai trò như thế nào trong đời sống hiện nay?
-PGS-TS Phạm Quốc Sử: Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống. Hầu hết những gì diễn ra hôm nay đều có nguồn cội, căn nguyên từ quá khứ, hay nói cách khác đó là sự tiếp nối của quá khứ. Bởi thế, muốn hiểu hiện tại, muốn hành xử cho đúng, không lệch lạc trong tương lai thì phải soi chiếu vào lịch sử.
Còn môn lịch sử, nó sẽ giúp chúng ta tìm hiểu quá khứ một cách có hệ thống. Tuy nhiên, có nhận thức đúng về quá khứ hay không còn phụ thuộc vào quan điểm và phương pháp nhận thức, quan điểm và phương pháp nghiên cứu lịch sử, dạy và học sử của mỗi người.
Đất nước, cộng đồng hay cá nhân nào cũng cần đến vai trò của lịch sử. Với dân tộc Việt Nam, việc tìm hiểu lịch sử còn quan trọng hơn nhiều, bởi lẽ đất nước ta luôn bị đe dọa, xâm lăng, ngay cả lúc này. Vì vậy, việc tìm hiểu, dạy và học lịch sử là một trong những vấn đề sống còn của mỗi người trong cộng đồng dân tộc. Hơn nữa, Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập, học sử là để hiểu mình, hiểu người, giúp chúng ta biết mình đang ở tầm vóc nào, hiểu rõ bạn bè và kẻ thù của mình, từ đó sẽ hội nhập tốt hơn.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Sử, vàng, dân, báo

1. Dù biết mình nghĩ bậy nhưng tôi là tôi cứ ủng hộ mấy tay lãnh đạo bộ Học dẹp mẹ nó môn sử hiện có đi, ghép chung vào môn khác cũng là đại lượng, thể tất lắm rồi. Vì sao ư? Vì ngay chính giới sử học xứ này sống nhờ sử mà cũng có coi sử ra cái quái gì, suốt bao năm để nhà cai trị lấy sử minh họa cho đường lối chính trị và những "thành công tốt đẹp" của họ mà không dám mở mồm, chỉ cúc cung tận tụy nghe theo. Sử bị méo mó, cằn cỗi, xuyên tạc, lợi dụng... mất hẳn giá trị vốn có của nó, vậy thì tồn tại làm chi. Lỗi là ở các nhà sử học xu thời, cơ hội, vị quyền thế, vị cấp trên chứ không phải lỗi của mấy tay làm giáo dục. Sử ấy thì dẹp là phải.

2. Những ông bà cai trị, những nhà kinh tế giáo sư tiến sĩ có sừng có mỏ ở xứ này khi đọc cái tít bài báo "Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 4,15 triệu đồng/lượng" (báo Tuổi Trẻ ngày 22.11) không thấy xấu hổ, thấy ngượng sao. Các vị cứ tự khen mình giỏi, biết kiềm chế giá, ổn định thị trường, bình ổn giá vàng, không vàng hóa nền kinh tế... nhưng chênh lệch như vậy cũng là thành công chắc? Thật không hiểu nổi.

3. Cái nhà chị gì đó ở An Giang bị phạt 5 triệu bởi "dám chê chủ tịch tỉnh mặt khó coi", nay theo báo chí, chị đã thành khẩn nhận lỗi và xin ông chủ tịch tha thứ.
Tôi rút ra kết luận: Ở xứ này không phải thay cái gì cả, kể cả đảng, chính phủ, lãnh đạo hợp tác xã, ban bảo vệ dân phố, tổ bầu cử, hội nuôi ong..., tất tần tật, không phải thay cái gì cả. Cứ để tồn tại.

Chỉ cần thay dân thôi. Dân hỏng nặng rồi. Thay dân.

4. Từ ông đứng đầu chính phủ đến ông bộ trưởng thông tin truyền thông và một đám lau nhau chuyên gia liên quan đến cái đề án quy hoạch báo chí, họ nói ra rất nhiều lý do vì sao phải quy hoạch, phải giảm bớt, nhưng chả ông bà nào nói ra được điều này (tuyệt nhiên không có một chữ trong bản đề án): 
Xu thế của thời đại là bảo vệ môi trường sống cho con người, ứng dụng tối đa thành tựu công nghệ thông tin. Vậy hà cớ gì không đưa ra lộ trình giảm bớt báo in bằng giấy, dần chuyển hết sang báo điện tử. Để có tờ báo giấy, phải tốn rất nhiều nguyên liệu làm giấy, phá rừng, chặt hạ cây xanh, chế biến độc hại làm ô nhiễm môi trường, tốn năng lượng... Giấy có làm ra, chỉ nên dùng vào xuất bản sách, còn báo chí phải cho sang điện tử hết. Với những người không có đủ điều kiện để tiếp nhận những thông tin cần thiết từ báo điện tử thì đã có tivi, đài phát thanh, đài (loa) phường, đừng lo.
Nhìn xa trông rộng là phải thế, hihi.


Nguyễn Thông


Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Chuyện rơm rạ (kỳ 2)

Khi gặt lúa, các bà các chị quẹt cái liềm sắc vào ngang cây lúa, lấy đoạn dài khoảng nửa mét, cột lại thành từng lượm. Phần này sau khi đập lấy thóc, sau có máy suốt thì nhàn hơn, gọi là rơm. Cũng có khi đồng khô ráo thì cắt tận gốc ngay, sau đó có người đi xén giữa, lấy phần ngọn bó gánh về. Phần còn lại của cây lúa ở còn trên đồng gọi là rạ. Trong tiếng Việt có từ rơm và rạ là vậy. Đừng tưởng rạ thì bỏ nhé. Thu hoạch lúa xong lại đi cắt rạ. Cắt lúa cũng như cắt rạ, ở đồng khô còn đỡ, chứ đồng nước, trên đầm (quê tôi hồi ấy có đầm Trợ, đầm Phương Đôi, đầm cánh Bến-Mả Đò, thày tôi bảo rằng có chỗ là đoạn sông cụt của sông Văn Úc, có chỗ do ngày xưa người ta đào lấy đất đắp thành phủ Kiến Thụy) nhất là vào mùa đông, vất vả vô chừng. Rét cắt da cắt thịt, ngụp xuống đầm thò liềm xuống sát gốc lúa, lại xoẹt một cái không được bỏ phí tí nào. Mà vẫn chưa hết. Đám gốc rễ nằm dưới đất, sau khi cày ải phơi nỏ, đập nương xong còn thu gom tất tật, phơi khô đem về đun. Bây giờ nhớ lại, không có rơm rạ, chắc chỉ còn nước ăn gạo sống.
Mỗi lần phơi rơm, bu tôi cẩn thận lắm. Sân dành để phơi thóc nên rơm phơi ngoài đường. Mỗi nhà cát cứ một đoạn ngay trước nhà mình. Bu tôi rải rơm sang hai ven đường chừa lối giữa cho người qua lại dễ dàng, nhất là người đi xe đạp. Có người chạy xe đạp tay lái yếu gặp đoạn phủ đầy rơm lúng túng ngã chổng kềnh trên đám rơm khô. Có hôm tôi đang câu cá ở cừ (kênh) ven đường thấy cô Khi chở cô Loan, 2 cô giáo người thôn Quế Lâm dạy lớp 2 bị rơm quấn vào xe đạp ngã lăn chiêng, khuy áo xống tung cả ra, tôi vội che mặt, chả dám chạy lại giúp. Hai cô đẹp trắng lắm, còn mình hồi ấy học lớp 4, đã biết ngượng ngùng.
Hôm trời nắng phải canh nắng, đến giữa buổi thì lấy cái nạng lật rơm lên cho khô đều, khoảng 2 nắng là được. Thấy có bóng mây thì canh mưa gom chạy cho kịp. Rơm chưa khô mà bị sũng nước mưa, gặp mấy ngày không nắng lại, chỉ vài hôm là thối. Đến nước ấy chỉ còn cách vứt ra vườn đắp vào gốc mía gốc chanh chứ chả đun nổi, trâu bò cũng không thèm ăn.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Phạt cũng đành chịu, nhưng ai nỡ phạt người nói thẳng nói thật

1.Nhiều vị đại biểu quốc hội hôm 14.11 đề nghị cần truyền hình trực tiếp nhiều hơn nữa các phiên họp của Quốc hội. Tôi nghĩ không cần, chỉ tổ tốn tiền điện, tiền lương cho đứa quay phim. Coi làm quái gì những ông bà cầm tờ giấy viết sẵn cắm cúi đọc như vẹt, những vị tranh thủ nịnh cấp trên (thủ tướng, tổng bí thư...) lấy điểm, những vị nhân cơ hội quảng cáo cho địa phương đơn vị mình. 
Cái buổi cần truyền hình trực tiếp nhất là buổi lão Tập bạn vàng đến nói thì lại cấm không cho dân nghe, dân xem, chỉ dấm dúi với nhau. Tôi thử hỏi, đã cho y đến quốc hội đăng đàn diễn thuyết thì tức là tin cậy nhau lắm rồi, có gì mà phải cấm đối với dân?

2.Mấy bác xe ôm đồn nhau sang năm giải tán tổ chức luật sư xứ này bởi không cần nữa, xe ôm mà có bị quỵt tiền thì họ tự ra tòa bảo vệ đồng nghiệp, éo cần luật sư nữa.
Tôi lẩn thẩn nghĩ thêm, sang năm tiện thể giải tán luôn hội đồng nhân dân các cấp bởi mấy bố đảng họp xong là nhắm ông A bà B làm chủ tịch rồi, sau có họp đột xuất để bầu thì cũng là diễn trò mèo thôi, thế thì tồn tại làm quái gì cho tốn cháo của dân.
Mà quốc hội cũng vậy, chưa chi đã biết tam trụ rồi (còn trụ kia tôi chả quan tâm bởi đó là chuyện riêng của họ, không liên quan tí ti đến tôi), thế có nhẽ cũng nên dẹp. Đảng sống một mình như kiểu làm mẹ đơn thân cũng được, chết ai.

Ai bảo kê ông Trầm Bê?

HUY ĐỨC (nhà báo)
Quốc hội sẽ để Thống đốc Nguyễn Văn Bình yên với cam kết ngân sách không ảnh hưởng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng? Quốc hội cũng để ông Bình liều mình “cứu chúa” bằng cách để NHNN đứng ra “nhận ủy quyền” phần vốn âm nhiều chục nghìn tỷ đồng của gia đình ông Trầm Bê sau khi sáp nhập ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank?
Southern Bank là một ngân hàng vi phạm gần như tất cả các quy định mang tính nguyên tắc mà Luật ràng buộc đối với một tổ chức tín dụng.
Hai cổ đông lớn nhất đều sở hữu cổ phần vượt 5% vốn điều lệ (ông Trầm Bê sở hữu 8,36%; con gái, Trầm Thuyết Kiều, sở hữu 7,36%). Nhóm cổ đông trong gia đình ông Trầm Bê và người có liên quan sở hữu tới 26,26% vốn điều lệ trong khi Luật cho phép tối đa chỉ 20%.
Đặc biệt, 71,28% tổng dư nợ được tập trung cho các nhóm khách hàng với mức cho vay mỗi nhóm vượt nhiều lần quy định so với vốn tự có của Southern Bank.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Chó kiểm điểm

VÕ ĐẮC DANH
Trong cuộc họp tự phê bình và phê bình của trại súc vật, chó Phèn nói: "Tôi thấy tôi chỉ có ưu điểm chớ không có khuyết điểm. 
Các anh nghĩ coi, ban đêm tôi thức trắng đêm để giữ nhà cho chủ nhưng chủ cho tôi ăn toàn cơm thừa cá cặn, vậy mà tôi vẫn trung thành. 
Tôi đi săn chuột về cho chủ, chủ ăn thịt còn tôi gặm xương, vậy mà tôi vẫn trung thành.
Nhiều khi tôi lỡ sai phạm cái gì đó, chủ đánh đuổi tôi, tôi vẫn trung thành...".
Phèn nói đến đó, dê đực ngắt lời:"Kể bao nhiêu đó đủ rồi. Anh nói cái gì tôi thấy cũng đúng, nhưng mà, Đ.M, hễ ai đụng tới anh là anh hùa cả bầy".

Võ Đắc Danh
(Theo FB Võ Lão Nông, https://www.facebook.com/dacdanhmientay?fref=nf)

Nợ xấu thành nợ đẹp

BÁ TÂN
Báo cáo của Chính phủ, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, khẳng định như đinh đóng cột: Nợ xấu cuối năm 2012 là 17,3%, đến thời điểm này còn 2,9%.
Tính bình quân, theo số liệu của Chính phủ, mỗi năm nợ xấu giảm hơn 4,7%. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giảm ở mức siêu tốc.
Cũng tại kỳ họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), sau khi bày tỏ sự nghi vấn về nợ xấu giảm ở mức siêu tốc đã thốt lên: Cả thế giới phải học Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Giàu phản biện một cách đầy thuyết phục: “Nợ xấu cuối năm 2012 còn 17,3%, bây giờ theo báo cáo của Chính phủ chỉ còn 2,9%, như vậy là giảm quá nhanh, giảm đến mức người ta nghi ngờ”. Không dừng lại ở đó, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặt câu hỏi đầy sức nặng:  “Vậy là ở đây có vấn đề, liệu có được “chế biến” hay sự thật đúng như vậy”.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Chuyện rơm rạ (kỳ 1)

Chuyện buồn xứ ta cũng như chuyện buồn ở nước Phú Lãng Sa dù sao đã xảy ra rồi, có nghĩ mãi cũng chả vui lên được. Thôi, tôi biên lên đây phần ký ức để hầu bạn đọc lúc đầu óc mọi người còn chếnh choáng sự đời. Sự ghi nhớ dài, sẽ chia thành nhiều kỳ cho ai đọc sẽ cảm thấy đỡ mệt. Chúc cả nhà ngày chủ nhật an lành.
                                        CHUYỆN RƠM RẠ
Nhớ có lần tôi đã viết mấy dòng trên Facebook bảo rằng bây giờ chả mấy đứa lớp trẻ hiểu được “rút rơm” là việc gì, vài bạn đáp rằng anh ơi chú ơi, quê em quê cháu vẫn còn rơm đấy. Nghe vậy tự dưng thấy ấm lòng.
Hồi năm 77 tôi về Tiền Giang, nhìn ra cánh đồng khói đốt rơm nghi ngút, tiếc đứt ruột. Bảo với ông bạn đồng nghiệp dân Nam Bộ, ông ạ, bà con mình lãng phí quá, ai lại đốt hết cả rơm ngoài đồng thế kia. Anh ấy trố mắt nhìn tôi, sau thủng chuyện, cười bảo đốt để lấy tro bón ruộng, vả lại ai hơi đâu lôi của nợ về nhà. Tôi thắc mắc, thế đun bằng gì, lợp nhà bằng gì, trâu ăn bằng gì, anh ấy ôm bụng cười, miền Nam cái gì cũng có đủ, đâu cần đến rơm. Rơm chỉ để bón ruộng thôi.
Miền Bắc những năm 60-70. Cái chi cũng dồn cho tiền tuyến. Hạt lúa củ khoai, thậm chí hột muối cũng “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Có nhẽ chỉ rơm là miền Nam không cần. Tôi chưa thấy hợp tác xã đi huy động rơm chi viện cho miền Nam bao giờ. Chứ lấy cả rơm thì gay to.
Đến năm 1964, cả miền Bắc đã cơ bản gom hết nông dân vào hợp tác xã. Hợp tác lấy hết ruộng đất, trâu bò, tất tần tật, chỉ chừa lại cho sào đất thổ cư có cái nhà trên đó. Làm việc hợp tác, cứ tính theo công điểm mà phát thóc, chia rơm. Thóc gạo hẻo đã đành một nhẽ bởi hột ngon hột lành nộp vào kho lương thực, một phần để nuôi đám thành phố ăn sổ gạo, trẻ con 14 ký/tháng, người lớn 17 ký, phần thì để đưa ra tiền tuyến nuôi bộ đội. Trong khi ấy, nông dân chỉ bình quân 7 - 8 cân thóc/đầu người, chưa bằng một nửa của đứa trẻ thành phố rong chơi. Vô lý vậy mà kéo dài suốt mấy chục năm.
Ngay cả rơm cũng thiếu. Chất đốt chủ yếu là rơm rạ, còn lại thì lá tre, cây thuốc lào, cây đỗ, lá mía, cành củi xì xằng nhặt nhạnh trong vườn. Chỉ nhà cán bộ, công nhân đi thoát ly mới có than đốt lò, nông dân đừng có mơ. Than Hòn Gai - Cẩm Phả đào được hòn nào rót cả xuống tàu trả nợ vũ khí cho Liên Xô, Trung Quốc, ngay dân vùng than cũng không có than đốt. Lợp nhà cũng trông cậy vào rơm. Thức ăn cho trâu cũng trông vào đám rơm ít ỏi ấy. Nói không ngoa, nếu hạt thóc là hạt vàng thì cọng rơm cũng chả khác cọng vàng.
Ngày thu hoạch vụ chiêm hoặc mùa, đường làng phơi kín rơm. Bây giờ tụi trẻ ở miền Bắc ăn hột gạo có sẵn chả biết vụ nào với vụ nào. Vụ chiêm là vụ cấy vào mùa xuân (lúa chiêm xuân), thu hoạch khoảng tháng 5 âm lịch, trùng vào mùa hè. Vụ mùa là vụ cấy vào cuối hè đầu thu, thu hoạch từ tháng 10 âm lịch về sau, trùng vào mùa đông. Lúc sắp hết vụ này nhưng chưa chuyển qua vụ khác gọi là thời giáp hạt (tháng ba ngày tám, tức tháng ba và tháng tám âm lịch), thóc gạo đã hết mà chưa có thóc mới, đói lắm. Đi học bụng đói, bước chân loạng quạng, ruột sôi ùng ục, mắt cứ hoa đi nhìn cái chi cũng mờ mờ, chả nghe thấy thầy giảng gì, chỉ nghĩ đến bát cơm trộn khoai khô bốc khói.
(còn tiếp)

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Học cách bảo vệ môi trường của Hà Nội

BÁ TÂN
    Hà Nội đã đi qua cả ngàn năm tuổi.
    Hà Nội đưa ra khẩu hiệu rất ấn tượng: Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội.
    Hà Nội luôn có ý thức nêu gương cho các địa phương, trên tất cả các mặt. Là thủ đô, “trái tim của cả nước” nên Hà Nội mới đủ tư cách làm như vậy.
    Mới đây, chuẩn bị kết thúc năm 2015, Hà Nội xuất hiện việc làm mới toanh, nêu gương cho các địa phương học tập noi theo.
     Xe ô tô chạy trên địa bàn Hà Nội gây ra bụi bẩn dọc đường, thế là cán bộ sở tại huy động một số người chặn xe và hành hung những người ngồi trên xe.
     Những người ngồi trên xe và bị hành hung là luật sư, chuyên hành nghề bảo vệ cán cân công lý.
      Đây là cách bảo vệ môi trường riêng có của Hà Nội, lần đầu xuất hiện tại thủ đô cũng như trên địa bàn cả nước. Phải là thủ đô vì hòa bình, đất kinh kỳ mới tạo ra được việc làm chấn động như vậy.
      Hà Nội chỉ đạo cực kỳ nghiêm minh.Ai gây ra bụi bẩn là đánh, không kể bất cứ người đó là ai, kể cả luật sư.

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Nhâng nháo

Ông hàng xóm nhà tôi sau khi đọc cái tin về cuộc họp báo của Công an Hà Nội chiều 10.11 thông báo kết quả điều tra vụ hai luật sư bị đánh tỏ ra bức xúc lắm. Ông ấy bực mình, đi ra đi vào, rồi trút lên tôi: Này ông, tôi hỏi ông, còn thứ nhâng nháo vô phép nào như thế không. Kết luận vậy có khác gì vênh cái mặt trước bàn dân thiên hạ và thách “chúng ông cứ nói thế đấy, làm gì được nhau nào”.

Nghe ông ấy quạu quọ, tôi rị mọ coi lại đầu đuôi câu chuyện thì thấy đúng như người ta cười cợt “công lý là diễn viên hài”.

Trước hết, hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân (những người bị đánh) là luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư bị tử vong trong trại giam của công an. Xưa nay, mọi vụ chết trong đồn công an, trại giam của công an thường bị ỉm đi, xúy xóa, dàn xếp cho êm. Người dân lương thiện thấp cổ bé miệng chả biết kêu ai, trời thì quá xa, nên thường ngậm đắng nuốt cay. Nay luật sư chỉ vì công lý mà ra tay, dễ húc đầu vào tường đá của bộ máy công an trị. Trường hợp luật sư trẻ Võ Văn Đôn ở Phú Yên là minh chứng, của luật sư già dày dạn từng trải Trần Văn Tạo ở Sài Gòn là minh chứng, nay hai luật sư Nam và Luân “không chịu rút ra bài học”. Khi công an được những người cầm đầu bộ máy cai trị trao cho quyền nghiêng trời lệch đất, có thể đổi trắng thay đen dễ như trở ngón tay thì đụng vào họ không chết cũng bị thương, đừng nói gì thắng.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Miến Điện, tấm gương không dành cho Việt Nam

Cả ngày Chúa nhật 8 tháng 11 năm 2015, có lẽ dân tộc hạnh phúc và tự hào nhất hành tinh này là Miến Điện. Họ hạnh phúc khi đưa ngón tay nhuộm xanh lên khoe với thế giới rằng cuối cùng thì nhân dân Miến cũng đã tiến tới được bến bờ dân chủ thật sự, dù cái bến ấy mới chỉ được đóng tạm bằng những chiếc cọc tre để con thuyền chính trị của quốc gia ghé lại. Nhưng niềm tin và sức mạnh để mang con thuyền vào được cái bến thô sơ ấy chừng như đang hừng hực không gì có thể làm cho nguội đi.

Năm mươi ba năm, một hành trình không thể gọi là ngắn để lật đổ một chế độ quân phiệt toàn trị. Thế nhưng con số 53 năm ấy không ngưng một chỗ như nước ao tù mà nó luôn khuấy động khi nhiều khi ít cho đến khi thành sóng to bão lớn.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Myanmar

Vâng, Myanmar, như một giấc mơ
Dù con đường đến hạnh phúc còn dài còn xa lắm
Nhưng bài ca đã vang trên môi khô
Nụ cười tươi trong mắt người thiếu nữ
Lá phiếu dân chủ như đàn bướm bay tíu tít nóc chùa vàng
Máu nhà sư ngày nào vẫn nóng trên mỗi viên gạch lát hè đường phố Rangon
Ôi, Myanmar
Đau sinh thành để đi lên
Cả Thein Sein, cả San Suu Kyi, cả người dân biết ngẩng cao đầu
Tất cả đều vĩ đại
Không chỉ một mình San Suu Kyi tồn tại
Mấy chục năm ròng oanh liệt chốn trại giam
Cả Myanmar là cái nhà tù, làm gì có riêng chỗ nương thân
Sống làm chi, nếu không là dâng hiến
Cho dân chủ, tự do, cho khát vọng con người
Chọi lại độc tài bằng tuổi xuân vời vợi
Đẹp vô cùng San Suu Kyi
Giống như Nelson Mandela của đất nước Nam Phi
Những con người thành linh hồn dân tộc

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Tường thuật một cuộc trò chuyện

Có một anh (chức việc nhà nước) trao đổi với tôi:
-Tôi đọc FB của anh, thấy anh toàn phản đối, nói xấu chuyến thăm hữu nghị chính thức cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình, đi ngược lại quan điểm của nhà nước.
-Đúng vậy. Anh nói không sai nhưng chưa đúng hẳn. Tôi không nói xấu, tôi chỉ nêu ra những điều người ta cố lờ đi. Nhưng anh có thể thẳng thắn trả lời tôi không?
-Anh cứ hỏi đi, tôi chả ngại.
-Thưa anh, Hoàng Sa, Trường Sa có phải của VN không?
-Điều đó không cần phải hỏi, anh coi tôi là trẻ con à.
-Ấy, anh đừng nói thế, dễ mất lòng. Vậy Trung Quốc có chiếm phi pháp Hoàng Sa, Trường Sa không, có phải là kẻ xâm lược không?
-Anh không bao giờ nghe người phát ngôn Bộ Ngoại giao hay sao, có cần tôi nhắc lại không? Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý...
-Thôi thôi, tôi hỏi Trung Quốc có phải kẻ xâm lược không cơ
-Anh muốn hiểu thế nào cũng được.
-Hồi Mỹ vào miền Nam, chúng tôi ở miền Bắc gọi là xâm lược Mỹ, vậy phản đối Mỹ xâm lược có trái phép không?
-Tôi biết ý anh định nói gì rồi. Nhưng anh nhầm, cố đánh tráo khái niệm. Mỹ là kẻ xâm lược, còn Trung Quốc là bạn. Đảng và nhà nước đang tìm mọi cách để không xảy ra chiến tranh, để ổn định phát triển kinh tế, những người như anh còn đòi gì nữa.
-Vâng, thế thì còn lâu, có lẽ không bao giờ chúng ta mới đòi lại được Hoàng Sa từ bạn chứ không phải kẻ xâm lược, anh ạ.

Nguyễn Thông

Cơ chế cho người giỏi

    Những ai quan tâm đến cuộc sống hiện tại chắc đều giật mình khi nghe đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) trăn trở trên nghị trường, rằng tại sao chúng ta có 13 em đạt nguyệt quế “Đường lên đỉnh Olympia” ra nước ngoài du học mà lại những 12 cháu không trở về. Dù lý do gì đi chăng nữa, thì đó không phải là điều bình thường, nhất là với một nước đang phấn đấu thoát nghèo, đang rất thiếu người tài giỏi. 

    Thời nào cũng vậy, đất nước luôn cần người tài giỏi.  Nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Trãi thế kỷ 15 từng ghi lại buổi đầu gian nan của cuộc kháng chiến chống quân Minh không phải chỉ thiếu ăn thiếu lính mà còn “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”, cho thấy tầm quan trọng của lực lượng tinh nhuệ này. Và nhiều người biết, trong bài văn bia nổi tiếng hiện sừng sững ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), danh sĩ Thân Nhân Trung (thời Lê) có nhận xét để đời, lưu truyền hậu thế: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, sẽ mạnh lên. Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi thấp xuống”. Một lời ngắn gọn như vậy nhưng là sự đúc kết cả chặng đường dài lâu hàng nghìn năm của dân tộc, gói ghém cả quá khứ, hiện tại, tương lai.

Hoan hô báo Thanh Niên

BÁ TÂN
Báo chí có chức năng nhiệm vụ phản ánh sự thật, nhất là sự thật điển hình và có lợi cho sự tiến bộ của xã hội.
Làm nghề báo ai mà chẳng biết giáo huấn sơ đẳng và cơ bản ấy.
Nhưng biết và làm có khi xa vời vợi, thậm chí quay lưng với nhau. Khổ tâm nhất là biết nhưng không được làm, không dám làm.
Ngày 7.11, báo Thanh Niên biết làm và dám làm một việc rất rất đáng hoan hô.
Vừa ra khỏi Việt Nam, đặt chân đến Singapore, ông Tập Cận Bình ngay lập tức phun ra dòng máu đại hán bành trướng đang cuồn cuộn chảy trong ông ta. Tập Cận Bình thêm một lần lu loa điệp khúc: các đảo ở biển Đông do tổ tiên người Trung Quốc để lại.

Trang trại nhà Dung (bài dành riêng cho K.17)

BÁ TÂN      
      Phạm Thị Kim Dung, cựu phóng viên báo Hà Nội mới, thành viên ưu tú của K.17.
      Dung nhà tại Hà Nội, đã lên chức bà từ nhiều năm. Nghỉ hưu rồi, thành ông thành bà hẳn hoi nhưng đám K.17 chúng tôi gặp nhau vẫn cứ hồn nhiên mày tao như hồi mới tựu trường.
      Ngoài nơi ở nội thành, lão bà bà Dung còn có trang trại tại Sóc Sơn. Từ trung tâm Hà Nội xe hơi hoặc xe máy chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ là đến nơi.
      Đường đến trại rộng và phẳng lì. Xe bon bon, êm ru.
      Cách trang trại không xa là hồ nước mênh mông. Đồi núi ngút ngàn cây xanh. Không khí ở đây so với nội thành Hà Nội chẳng khác nào hoa hậu so với người dị tật da dẻ mụn nhọt nấm mốc.

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Gò Đống Đa, nơi tốt nhất để đón ông Tập

BÁ TÂN
      Chủ tịch Trung Quốc, kiêm Tổng bí thư Tập Cận Bình (gọi tắt theo kiểu Trung Quốc là ông Tập) sẽ tới Việt Nam từ ngày 5-6 .11.
      Nên chọn địa điểm nào đón tiếp người đứng đầu đảng và nhà nước luôn thực hiện mưu đồ gây hấn và xâm chiếm Việt Nam.
       Tuyệt chiêu nhất là chọn gò Đống Đa. Một di tích lịch sử thể hiện rõ nhất quan hệ lâu đời giữa hai nước
       Ngoại trừ người đứng đầu Trung Quốc, càng đặc biệt đối với ông Tập, chẳng nguyên thủ quốc gia nào có vinh dự được đón tiếp tại gò Đống Đa.
       Gò Đống Đa thuộc quận Đống Đa, quận có dân số đông nhất Hà Nội, nằm liền kề quận đầu não Ba Đình.
       Chọn gò Đống Đa làm nơi đón tiếp là tạo cơ hội cho ông Tập có dịp gặp đồng hương, từ thời nhà Thanh, tổ tiên của ông Tập.

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Hạnh phúc

    Hạnh phúc, đó là chuyện của muôn đời. Vừa rồi, dư luận xã hội lúc nhỏ lúc to, khi sôi nổi khi điềm tĩnh bàn về hai chữ “hạnh phúc” nhân phát biểu từ một nữ quan chức. Lại sực nhớ câu thơ gan ruột của nhà thơ Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) viết hồi chiến tranh: Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng. Kể ra cũng không dễ trả lời.

    Hạnh phúc cũng như nhiều vấn đề khác có nội hàm phong phú. Có hạnh phúc riêng và hạnh phúc chung. Hạnh phúc cá nhân, thậm chí gia đình, là hạnh phúc riêng. Hạnh phúc chung thường của cả cộng đồng, mở rộng ra thì cả đất nước, dân tộc. Có hạnh phúc đơn sơ nho nhỏ, có thứ lớn lao, đều cần tôn trọng như nhau, nhưng cũng cần xác định, phân biệt rạch ròi.

    Lại quay trở về ý kiến của vị lãnh đạo nọ. Bà bảo rằng “nếu con của lãnh đạo mà lại làm lãnh đạo thì đó là hạnh phúc cho dân tộc, có gì mà nghi ngại”. Hình như niềm vui, sự phấn khởi khi thấy gần đây lớp trẻ được trọng dụng, được bổ nhiệm vào những vị trí then chốt trong bộ máy công quyền ngày càng nhiều đã khiến người phát ngôn có chút quá đà.

Em vợ thủ tướng và "siêu lừa" Dương Thanh Cường

HUY ĐỨC
Vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm - em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - là "mắt xích" quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỉ đồng). Thế nhưng, khi tường thuật phiên tòa diễn từ 22-10-2015 và kéo dài suốt tuần, các nhà báo (lại) đều làm như không nhìn thấy "cặp voi này trong phòng khách".
Không một lần, cái tên Trần Quốc Liêm và vợ ông, Trần Hoa Mai, xuất hiện trong các bài tường thuật. Vụ án, vốn được xếp trong "tám Đại án tham nhũng", nếu vẫn được tuyên vào thứ Tư, 4-11-2015, sẽ đi qua như một vụ hình sự thường.
Dương Thanh Cường, sinh năm 1965, vào giữa thập niên 1990 đã từng đối diện án tử hình với 5 tội danh trong đó có tội lừa đảo và đưa hối lộ; sau đó được giảm xuống chung thân rồi 20 năm. Cường ở tù tới năm 2005 thì được tha.
Năm 2007, nhờ mối quan hệ này và trên cơ sở 5 ha đất của ông bà Trần Quốc Liêm - Trần Hoa Mai tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Cường lập dự án "cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát". Ngoài việc "chuyển nhượng" đất cho Dương Thanh Cường, bà Trần Hoa Mai còn nhận đứng ra "mua gom đất đai" cho Cường làm dự án.