Trang

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Bâng khuâng một cuốn sách muộn

XUÂN BA (nhà báo)

Chuyện học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc trước nay thảng hoặc sách báo có nói đến mỗi dịp kỷ niệm Hiệp định Genève nhất là dịp chẵn 60 năm nhưng tạm tày tặn và đủ đầy như cuốn Học sinh miền Nam, tư liệu và kỷ niệm in khổ lớn dày tới 900 trang do NXB Văn hóa văn nghệ mới phát hành thì có lẽ mới có một?

Chân dung chủ biên

Chương trình thời sự trên VTV1 tối 30.10.2016 phát đi tin buồn sự ra đi của một lão thành cách mạng, cụ Nguyễn Văn Chính tức Chín Cần, nguyên Bí thư Long An, nguyên Phó chủ tịch HĐBT, nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam…

Tôi sực nhớ ông bạn đồng khóa đồng khoa lớp Hán Nôm tài hoa Cao Tự Thanh bữa trước có gửi tôi cuốn Học sinh miền Nam, tư liệu và kỷ niệm do Cao Tự Thanh (Cao Văn Dũng) chủ biên. Mà ông Chín Cần là cha ruột của Cao Tự Thanh.

Cao Dũng người mảnh. Dị tật chân tự bé nên có thêm tên Dũng khoèo. Chất ngang thẳng hình như Dũng được thụ hưởng từ ông già Dũng, hơn bốn mươi năm trước chúng tôi cùng học lớp Văn-Ngữ- Hán Nôm với nhau nghe nói làm chức chi to lắm? Mà Dũng chưa bao giờ hé ra dẫu chỉ úp mở? Sau biết thêm nữa, ông Nguyễn Văn Chính, thường gọi là Chín Cần xuất thân từ gia đình bần nông tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ông từng ba lần bị giam cầm, bị tra tấn dã man trong ngục tù nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết. Thời bình, ông Chín Cần từng làm nên huyền thoại na ná như ông Kim Ngọc khoán hộ ở Vĩnh Phú. Đó là việc ông đề xuất và thí điểm thực hiện việc bù giá vào lương, góp phần xóa bao cấp trong phân phối thu nhập trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Hãy cẩn thận khi dùng những từ tinh giản, tái cơ cấu, nhậm chức

Trong đời, nếu là nhà báo, đã xác định làm nghề phu chữ thì ráng trau dồi thuần thục tiếng Việt, khi nào bí quá hãy dùng từ Hán Việt bởi dùng loại này nếu không nắm kỹ rất dễ sai. Nhưng lâu nay, có những từ Hán Việt nội dung, ý nghĩa của nó hết sức cô đọng, súc tích, khó có từ thay thế. Xin nêu 3 từ mà mấy anh chị nhà báo hay dùng và sai.

Trước hết là từ "tinh giản", nhiều vị cứ viết thành tinh giảm, có lẽ các vị ấy hiểu nôm na rằng giảm bớt đi. Tinh có nghĩa là có chất lượng hơn, thuần chất hơn so với vật chất bình thường (chẳng hạn cái phần chất lượng nhất của vật chất được gọi là tinh túy). "Giản" là giảm bớt, lược bớt, cho nó gọn lại (ví dụ tóm tắt gọn một câu chuyện hoặc cuốn sách thì gọi là giản lược). Tinh giản nghĩa là làm cho (cái gì đó, bộ phận nào đó) gọn lại, ít đi nhưng có chất lượng hơn. Tinh thì phải đi với giản chứ không đi với giảm dù 2 từ này đều có nghĩa là giảm.

Từ thứ 2 cần lưu ý là từ "tái" trong cụm từ phổ biến lâu nay "tái cơ cấu". "Tái" có nghĩa là lại, lần thứ 2. Tái sinh tức là sống lại nhưng sống ở một kiếp khác về sau, khác với hồi sinh tức là sống lại ngay trong kiếp hiện tại. Tái bản là xuất bản lại, tái xuất là xuất hiện lại sau khi đã vắng bóng, tái giá tức là người đàn bà lấy chồng lần nữa... Có câu "xuân bất tái lai", nghĩa là xuân qua không trở lại. Đã dùng "tái" thì đừng kèm theo "lại", thế mà nhiều vị cứ viết thành "tái cơ cấu lại". Chỉ cần viết “tái cơ cấu” hoặc “cơ cấu lại” là chỉnh rồi.

Từ thứ 3 hay bị nhầm lẫn là "nhậm" và nhận. Cứ mỗi khi có thay đổi về mặt tổ chức, bầu hoặc bổ nhiệm cán bộ vào những vị trí lãnh đạo, khá nhiều tờ báo thông tin rằng ông A bà B nhận chức, lễ nhận chức. Phải là nhậm chức mới đúng. Nhậm chức thường đi kèm với tuyên thệ. Tuyên có nghĩa là công bố trước mặt mọi người, thệ là lời thề. Khi người nhậm chức thề những điều gì đó công khai trước đám đông thì gọi là tuyên thệ.

"Nhậm" (nhiệm) là từ Hán Việt, nghĩa là gánh vác; còn chức là chức vụ, phần việc phải làm. Nhậm chức có nghĩa (ai đó) đứng ra gánh vác trách nhiệm, phần việc được giao. "Trị nhậm" nghĩa là gánh vác việc cai trị, cầm quyền, lãnh đạo nơi nào đó; ngày xưa từ này thường dùng cho các quan từ quan huyện trở lên, nay người ta gọi là phân công công tác, luân chuyển cán bộ, nhận nhiệm vụ lãnh đạo.

Còn "nhận", vốn nó cũng là từ gốc Hán Việt nhưng được dùng nhiều đến mức như thuần Việt, có nghĩa là nhận lấy, tiếp lấy một thứ gì đó. ví dụ: nhận lá thư, nhận nhiệm vụ. Với những trường hợp trang trọng, như đã nói ở trên, phải dùng từ "nhậm" chứ không dùng "nhận".

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Mặt trận chỉ thích gặt mà không gieo

BÁ TÂN (nhà báo)

Tạp chí Mặt Trận, cơ quan ngôn luận trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, vừa bổ nhiệm tổng biên tập nguyên là phó tổng biên tập báo Xây Dựng.

Đây là lần thứ 2 liên tiếp, cơ quan chủ quản “rước” người từ nơi khác về ngồi ghế tổng biên tập tạp chí này.

Trước đó, cách đây hơn 5 năm, cơ quan chủ quản của tạp chí Mặt Trận đưa 1 người từ tạp chí Cộng sản về làm tổng biên tập.

Và lần này, kiểu ấy được lặp lại. Con đường mòn, cách làm cũ lại hiện nguyên hình.

Kể cũng lạ, với cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, cách làm nhân sự cho cơ quan báo chí tuân theo nguyên tắc khinh nội ,trọng ngoại.

Không chỉ tạp chí Mặt Trận, mà tại báo Đại Đoàn Kết cũng được (bị) cơ quan chủ quản sắp đặt nhân sự chủ chốt theo cái kiểu “đặc trưng” như vậy.

Hai đời tổng biên tập liền kề những năm gần đây của báo Đại Đoàn Kết xuất xứ từ nơi khác, được cơ quan chủ quản “ấn” xuống cho tờ báo.

Ông Chín Cần, một người tiên phong đổi mới đã ra đi

NGUYỄN THẾ THANH (nhà báo)

Bạn bè học sinh miền Nam truyền cho nhau tin bác Nguyễn Văn Chính tức Chín Cần vừa qua đời chiều hôm qua, trưa ngày mai 31.10 cả nhóm HSMN sẽ đi viếng tại nhà tang lễ 25 Lê Quý Đôn. 

Trong mắt các HSMN, ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) là ba của Cao Dũng, tức nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu có giá trị, mới nhất là cuốn sách vừa phát hành trong tháng 10 do anh chủ biên "Học sinh Miền Nam - tư liệu và hồi ức".

Còn trong mắt các nhà báo thì ông Chín Cần là một trong các nhà khởi xướng Đổi Mới ở Việt Nam sau năm 1975. Chính xác hơn, ông chính là người tiên phong thực hiện việc xóa bỏ bao cấp trong phân phối lưu thông, xóa bỏ cơ chế hai giá. Là Bí thư Tỉnh ủy Long An trong gia đoạn 1976 - 1983, ông Chín Cần đã chỉ đạo và cùng tỉnh ủy tiến hành mở mũi đột phá đổi mới khâu phân phối lưu thông (hồi đó thường gọi tắt là giá - lương - tiền). Nhờ có cơ chế giá mới, người sản xuất có thể chủ động mua được vật tư nguyên liệu cần thiết thay vì ngồi chờ sự phân phối kém hiệu quả của Nhà nước; người tiêu dùng có thể mua được các loại hàng thiết yếu cho đời sống thay vì phụ thuộc vào mạng lưới phân phối của Nhà nước vừa chậm chạp vừa thiếu thốn. Nhờ vào cơ chế giá mới, Long An đã thu mua hết nông sản của nông dân, qua đó Nhà nước nắm được hàng và tiền, làm chủ lưu thông, góp phần tạo sự kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng lương thực và thu mua lương thực cũng như sản lượng hàng vải dệt của Long An 5 năm liền (1980 - 1985) tăng từ gấp đôi đến gấp ba so với trước đó. 

Dành cho các bạn K17: Ba của bạn Cao Tự Thanh qua đời

Qua Facebook của nhà báo Nguyễn Thế Thanh, mình được biết tin:

Ông Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, Phó ban Nông nghiệp Trung ương), một người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới thực sự vì nước vì dân những năm 1980, vừa qua đời chiều 29.10 (tức 29.9 Bính Thân), linh cữu quàn tại nhà tang lễ TP.HCM tại 25 Lê Quý Đôn, Q.3.

Ông Chính là thân phụ của bạn Cao Văn Dũng, tức Cao Tự Thanh, một nhà Hán Nôm học nổi tiếng, từng học khóa 17 khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Vậy xin thông báo để các bạn K17 được biết.

Số điện thoại cố định của bạn Cao Tự Thanh là 08.62568138; email là caotwthanh@yahoo.com.

Xin chân thành chia buồn cùng bạn Cao Tự Thanh và gia đình.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Chuyện nước mắm (phần 2)

Miền Bắc những năm 60 - 70 cái gì cũng thiếu, kể cả mắm, thậm chí muối. Suốt vùng biển dọc dài từ tỉnh Quảng Ninh đến đặc khu Vĩnh Linh dường như chỉ có mỗi thương hiệu nước mắm Cát Hải ở Hải Phòng. Sau giải phóng, các nhà máy xí nghiệp tư nhân đều bị quốc hữu hóa hết, hoặc thành quốc doanh, hoặc công tư hợp doanh. Gọi là công tư hợp doanh nhưng thực chất tư nhân chả có quyền hành gì, nhà cửa công xưởng, máy móc đều phải “tự nguyện” góp vào, sản xuất theo mệnh lệnh, chủ cũ chỉ tham gia cho có chứ cán bộ nhà nước nắm hết quyền điều hành. Dạng nhà máy dệt kim Cự Doanh ở Hà Nội là vậy, sau chủ cũ chán quá bỏ luôn, thế là mặc nhiên thuộc về nhà nước. Công cuộc cải tạo tư bản tư doanh ấy thực chất là cuộc chiếm đoạt quyền sở hữu tư liệu sản xuất cá thể để gom về một đầu mối theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc.

Nghe người lớn kể lại xí nghiệp nước mắm Cát Hải vốn là hãng nước mắm Vạn Vân nức tiếng thời Pháp thuộc. Hương... mắm bay xa, nước hoa cũng không bằng. Ngày ấy cả nước người ta hầu như chỉ biết 3 cái tên gắn với nước mắm: Vạn Vân, Phan Thiết, Phú Quốc. Dân gian có câu “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét” để chỉ những sản vật ngon nổi danh, trong đó nước mắm Vạn Vân là thứ mới nhất được chen vào hàng đồ cổ quý hiếm. Chủ hãng Vạn Vân họ Đoàn, là bố của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Lúc chúng tôi nhớn lên thì Vạn Vân đã bị mất danh, thành Cát Hải rồi, còn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng không được chính quyền mới ưa bởi ông không đi theo kháng chiến mà vẫn ở lại thành phố, đã thành phần tư sản bóc lột lại còn văn nghệ sĩ tiểu tư sản thì đương nhiên bị hắt hủi, không lôi ra đấu tố, bắt đi tù là may. Thời trước 1954, ông sáng tác nhiều bài hát rất lãng mạn nhưng sau thì hầu như không viết được gì. Chế độ mới không chấp nhận những người như Đoàn Chuẩn.

Lời khuyên của thầy Trang

Mấy hôm nay, có vài ông đã từng to to, giờ hết to rồi, lên tiếng về vụ ông Vũ Huy Hoàng. Nói chung bác nào cũng hăng, cũng đúng. Trời chiều nhưng mặt trời rất sáng. Các bác bảo ông Hoàng nếu biết dừng thì đâu đến nỗi. Vậy thì tôi kể cho các bác ấy nghe chuyện này.

Hôm qua tôi hết sách đọc, vớ cuốn Nam hoa kinh của Trang Tử, thú thực đọc chả hiểu gì. Rất mông lung. Nhưng có câu này của thầy Trang thì tôi hiểu, muốn tặng lại các ông ấy và ông Hoàng:

Trang kể: Vua Uy vương nước Sở nghe Trang có tài bèn sai sứ giả đem lễ vật hậu đến mời về triều phong hầu, cho làm quan to. Trang liền bảo "Nghìn vàng là lợi to, khanh tướng là ngôi quý. Ai chẳng muốn. Nhưng không thấy con bò người ta nuôi để tế lễ sao. Nó được ăn ngon, mặc đồ gấm vóc thêu trong suốt mấy năm, cuối cùng cũng chỉ để đưa đến làm thịt cúng ở nhà thái miếu. Lúc bấy giờ, muốn làm con lợn nhỏ, phỏng có được không.

Ham làm bò, còn than thở ỉ ôi cái gì. Cùng bò với nhau, không khuyên nhau được đâu. Cái người có thể đưa ra lời nhận xét hoặc khuyên bảo phải là những anh biết xua tay khi sứ giả đem lễ vật đến cơ. Mà loại ấy, trước kia cũng như bây giờ, quá hiếm.
Ký tên: Thông

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Làm sao súng phải thẹn thùng

Vụ bắn súng hoa cải "giữ đất giữ rừng" khiến 3 người chết, hơn chục người bị thương ở tỉnh Đắk Nông có nhiều điều không bình thường.

-Những người dùng súng để phản đối việc cưỡng chế đất làm 3 người chết, dù gì đi chăng nữa cũng là vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, phải để pháp luật xử lý.

-Sự bức hiếp dân chúng, đẩy dân vào thế đối đầu không phải chỉ bây giờ mới có mà kéo dài đã bao năm nay. Con giun xéo lắm cũng quằn, tức nước vỡ bờ, chính quyền không những không làm cho nó giảm đi mà lại càng tăng, lỗi này là tại chính quyền với những chính sách không hợp lòng dân.

-Hàng trăm hàng nghìn vụ dạng này đều liên quan đến đất đai, quyền sở hữu đất đai, đến những cuộc cưỡng chế tàn bạo, đến chính sách đền bù giải tỏa không hợp lý. Phải xem lại ngay cái gọi là "quyền sở hữu toàn dân về đất đai". Thực chất đó là cuộc tước đoạt quyền sở hữu đất đai của cá nhân thông qua một chính sách ép buộc. Không giải quyết cái gốc đó, không bao giờ chấm dứt được tranh chấp, súng nổ, đổ máu, cả nhà nước lẫn nhân dân đều thiệt.

-Nhà nước và báo chí đều ỡm ờ. Họ cố tình lập lờ nói những người bị chết là cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng, có nghĩa dân chống người nhà nước, chống người thi hành công vụ. Thực chất, đây là nhân viên của một công ty tư nhân thương mại (Long Sơn), chính quyền lấy đất rừng đã giao cho dân để giao cho công ty nên nhân viên công ty vào ủi tài sản ruộng rẫy của dân, dẫn đến xung đột. Không có chuyện chống đối nhà nước trong vụ này. Những tuyên bố, kết luận của chính quyền cũng như thông tin trên báo chính thống đều cố tình giấu nhẹm chi tiết đó để đổ hết tội cho dân.

-Chính quyền thế nào thì sẽ sinh ra dân chúng như thế.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Xin lỗi thì đã quá muộn

Cuối cùng thì Thanh Niên, tờ báo lớn nhất nhì nước cũng phải xin lỗi. Mà ở đây là xin lỗi dân chúng, bạn đọc - lực lượng nuôi tờ báo, để nó sống được, chứ không phải là xin lỗi cấp trên, xin lỗi bộ máy cai quản nó. Tôi từng làm báo, phụng sự tờ báo này, tôi rất hiểu, để có sự xin lỗi ấy là khó như thế nào.

Vấn đề là tiền, những cái hợp đồng quảng cáo, nguồn thu từ quảng cáo. Báo nào cũng thế, khi thấy nguồn thu sụt giảm thì tìm mọi cách, kể cả làm... bậy. Võ phổ biến là đánh dứ một cái cho nó sợ, nó chạy đến thương lượng, là đạt yêu cầu. Chỉ có điều vị trí, tương quan bị chuyển đổi, đứa đánh thành kẻ thua, thằng thua có tiền nên chuyển thành người thắng. Không có bất kỳ vụ nào dạng vụ này mà Ban biên tập, Tổng biên tập lại không biết, không chỉ đạo. Trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng là ở Ban biên tập, Tổng biên tập, chứ lính lác hụ hợ không có quyền gì đâu. 

Vụ xin lỗi chỉ xảy ra sau khi bộ trưởng 4T cáu, đã có lời bóng gió này nọ, dùng cả cụm từ "truyền thông bất lương" tức là cáu lắm rồi. Xin lỗi là do ở thế chẳng đặng đừng, hạ hỏa cơn giận dữ của cấp trên, người đang nắm quyền sinh quyền sát, có thể ra một chữ ký đình bản ngay tờ báo, chứ xưa nay báo chí dễ gì xin lỗi ai. 

Trong vụ này, đau nhất là trong khi dư luận, công luận kịch liệt phản ứng với nước chấm công nghiệp thì báo TN lại chường ra vài trang quảng cáo cho nó, giống như bảo kê, ra điều ta chẳng sợ gì dư luận.

Thú thực, tôi tiếc cho báo TN trong vụ việc này. Có người bảo TN đã dũng cảm xin lỗi, nhưng tôi cho rằng xin lỗi cũng chẳng ích gì, chẳng lấy lại được uy tín đã mất.

Nhưng người đọc xứ ta cũng khá dễ tính, cứ làm um lên một dạo rồi đâu cũng lại vào đấy thôi. TN hay Tuổi Trẻ cũng như bất kỳ tờ báo nào sau khi sai phạm đều vẫn sống được là do vậy. Tờ báo chỉ chết khi nó bị cơ quan chức năng đình bản, tước giấy phép do những sai phạm về chính trị, đường lối, quan điểm, chứ những sai phạm kiểu này vẫn sống nhăn răng, sống khỏe, sau khi đã vớ được món tiền kha khá.

Tôi viết đến đây mà vẫn cứ bâng khuâng tiếc cho Thanh Niên và buồn cho nó. Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Chuyện nước mắm (phần 1)

Bây giờ tự dưng lôi chuyện mắm miếc ra dễ bị thiên hạ mắng là ăn theo, cơ hội. Nhưng quả thật ý định viết về mắm của tôi chả dính dáng gì đến cái kết luận bậy bạ thạch tín (arsenic) trong nước mắm mà Vinastas công bố, nó đang bốc mùi, không phải mùi mắm mà là mùi tiền. Kệ, đường ai nấy đi.

Quê tôi huyện Kiến Thụy vùng duyên hải Hải Phòng nhưng nhà tôi tụt hẳn vào trong đất liền chứ không gần biển. Từ nhà theo đường chim bay tới biển phải gần chục cây số, đi lòng vòng theo mấy đường liên xã thì dài hơn, khoảng mười sáu mười bảy cây. Chính vì vậy, nhà chỉ cách biển Đồ Sơn có chừng ấy nhưng mãi ngoài 20 tuổi tôi mới được thò chân xuống biển. Hồi những năm 60-70 sự đi lại khó khăn, xe đạp chả có, chủ yếu lội bộ, vả lại việc đồng áng làm cả ngày đêm không bao giờ hết, ai mà nghĩ đến chuyện đi chơi tắm biển bao giờ.

Không biết biển nhưng biết mắm. Từ bé tí. Bu tôi là người đàn bà tháo vát, giỏi giang. Có nhẽ một phần thương người chồng vướng chút chữ nghĩa, bạch diện thư sinh, vụng về việc nhà nông nên bu tôi gánh tất. Hồi con gái bu ra Phòng làm công nhân thảm len, khi về quê lấy chồng rồi thì chỉ làm ruộng. Nhưng ruộng đất khó nuôi người, bu tôi tranh thủ buôn bán kiếm đồng ra đồng vào. Có bà bạn ở mạn Bàng La - Đồ Sơn rủ đi buôn mắm, bà bảo không giàu nhưng sống được, thế là dính nghề. Tôi nhớn lên trong sự buôn mắm của bu tôi. Sau này nhà nước không cho buôn bán tư nhân nữa, cấm tiệt, bởi làm ăn cá thể không phù hợp với con đường lớn đi lên chủ nghĩa xã hội, tư thương là buôn gian bán lận, tất cả phải quy vào thương nghiệp quốc doanh, vả lại đã vào hợp tác xã nông nghiệp việc đồng áng quá bận nên nghề “thương nghiệp mắm tư nhân” của bu tôi đành dẹp. 

Về sau, những lúc nông nhàn, thỉnh thoảng bu tôi vẫn xuống chơi với bà Tuất, bà bạn dưới Bàng La. Bà cũng lên nhà tôi. Mấy chị em tôi rất quý bà. Bà đẹp phúc hậu, chuyên vấn khăn mỏ quạ, răng đen nhánh, hầu như lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Một trong những người con của bà là anh Quang Mên. Thời ấy có thể ví anh Mên là thi sĩ duy nhất của huyện Kiến Thụy, anh công tác ở Phòng Văn hóa huyện, hay làm thơ, nhiều bài viết về quê hương rất tình cảm, thường được đọc trên đài truyền thanh huyện. Tôi nhớ anh có bài thơ viết về núi Đối và sông Đa Độ sơn thủy hữu tình, thắng cảnh của huyện, có câu “Ta lại về đây núi Đối ơi/Sông xanh như ngọc mến yêu người/Những chiếc thuyền câu như chiếc lá/Về đâu xa tít tận chân trời”. Cứ nhớ đến anh Mên có cái bớt nhỏ trên thái dương lại nhớ ngay đến bài thơ ấy, lại nhớ bu tôi, bà Tuất, nhớ những ngày đã qua man mác buồn vui.

Bu tôi buôn mắm cũng đơn giản, một chiếc đòn gánh, đôi quang mây, hai chiếc sọt dày hoặc thúng. Sáng sớm bu dậy quang thúng lội bộ xuống Bàng La, ra bờ biển mua cáy, còng, tôm tép, cá... đem về rửa sạch, ướp muối; hoặc có khi mua hẳn nước mắm, mắm cá, mắm tôm, mắm tép người ta đã làm sẵn, đem về bán tại chợ huyện hoặc các chợ trong vùng. Cứ đi bộ mỗi ngày mấy chục cây số, đòn gánh trên vai, quang thúng hai bên, quần áo lúc nào cũng ám mùi mắm, vậy mà bu tôi nuôi được cả nhà, ông chồng vụng về cày cấy, đám con nhỏ lít nhít 4 đứa trong những năm đói kém, khốn khó. Gánh mắm giúp bu tôi còn dành dụm được ít tiền mua vài sào đất để trồng rau dưa, thuốc lào, sau bị hợp tác xã công hữu hóa chiếm mất. Chút đỉnh lãi còn lại để trang trải cho con cái đi học, bù vào phần thiếu hụt buổi mới nhập hợp tác. Không có gánh mắm đó, chẳng biết đời chúng tôi sẽ đi đến đâu. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Nào, chúng ta cùng làm quan!

PGS-TS PHẠM QUANG LONG

Trước hết, xin lỗi nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ vì đã đạo ý tưởng rất hay của chị để đặt tên cho bài viết nhỏ này vì nó đúng với cái trường hợp này quá.

Chuyện cả nhà làm quan, cả họ làm quan, bố tiến cử con, chồng đề bạt vợ, anh em nâng đỡ nhau từng bước thành " lãnh đạo" đã cũ lắm rồi. Giờ đã đến lúc đề bạt để tạo vây cánh, củng cố quyền lực, thâu tóm lợi ích, lo cho cả sau khi đã nghỉ hưu, chả còn ở cái ghế ays nữa mà lợi ích vẫn còn. Thế mới có chuyện cơ quan cấp sở, 46 cán bộ mà chỉ có 2 nhân viên, còn lại đều từ cấp Phó phòng trở lên thì quả thực, chúng ta (mạo xưng thế xin đừng cho là tôi khai man thành tích) đã hoàn thành từng bước phổ cập "lãnh đạo hóa" cơ quan công quyền rồi. Mà tất cả đều "đúng quy trình". Không đừng được nữa, phải hô to: "Muôn năm cái quy trình". Tài đến thế là cùng. Đề nghị đăng ký phát minh sáng chế độc quyền kẻo nước ngoài nó ăn cướp mất.

Làm đường đội vốn lên 100%, báo cáo "đúng quy trình"; xử án oan sai xong, kiểm tra lại, ai nấy ngơ ngác: tất cả đều "đúng quy trình". Tổng bí thư giao cho 4 cơ quan xem xét việc thăng chức, luân chuyển, tặng huân chương, trao danh hiệu cho đơn vị của Trịnh Xuân Thanh... có gì sai để còn xử lý thì sau một thời gian nghiên cứu, các cơ quan báo cáo lại tất cả đều "đúng quy trình". Việc Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài khiến nhân dân phẫn nộ, chất vấn các đại biểu quốc hội ở nhiều nơi, nghi có tiêu cực. Té ra nhân dân nghi oan cho cán bộ. Báo cáo cho thấy mọi việc đều được thực hiện "đúng quy trình"...

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Làm việc nghĩa

Lâu nay, trong đời sống xã hội xứ ta, một phần do chịu ảnh hưởng của nho giáo, một phần do lối sống thẳng thắn tích cực của người Việt, cổ nhân truyền nhau dạy nhau thái độ "Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã" (nhìn thấy việc nghĩa mà không hành động thì không phải người có dũng), tức là thấy sự bất bình mà không can thiệp, không trừng trị kẻ xấu thì không phải con người.

Suốt bao nhiêu đời, thái độ nhân sinh ấy được tổ tiên cha ông coi là đúng, tôn thờ, truyền từ đời này sang đời khác.

Trong vụ đánh người vừa xảy ra ở sân bay Nội Bài, việc nghĩa tức là phải ra tay cứu người đàn bà bị hai người đàn ông to khỏe hành hung, phải cho chúng một bài học.

Đã có người đàn ông hữu dũng làm điều ấy. Công chúng rất khâm phục. Tuy nhiên, nhà chức việc lại dọa sẽ tìm cho ra và xử lý về tội gây rối loạn trật tự công cộng, lại còn lý sự cùn rằng không được làm thế, nếu ai cũng làm thế thì xã hội sẽ rối loạn.

Vậy thì, trước hết các vị phải chính thức công bố sổ toẹt cái quan điểm "Kiến nghĩa bất vi" kia đi đã, sau nữa là lôi anh chàng Lục Vân Tiên (của cụ Đồ Chiểu) ra truy tố vắng mặt bởi anh kiến nghĩa này đã phạm tội giết người, đánh chết thằng cướp Phong Lai "bị Tiên một gậy thân rày thác vong" để cứu cô gái thân cô thế cô giữa rừng.

Dù các vị muốn đảo lộn các giá trị như thế nào chăng nữa thì tôi vẫn cứ coi người đàn ông Vân Tiên phẩy chưa rõ tên tuổi kia là một người đáng ca ngợi, cần phải tuyên dương. Không có anh ấy, đợi mấy ông an ninh hàng không ra tới nơi thì cô gái chắc nhừ đòn với hai ông giặc (trong đó có một ông cán bộ, đảng viên) kia rồi.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Nhắc lại chuyện cũ: Lý Tư

Tôi nhắc lại chuyện cũ xưa xửa xừa xưa này (của người Tàu) chỉ nhằm gửi mấy ông bà tai to mặt lớn đang cai trị nhân dân.

Thời Chiến quốc, Lý Tư làm thừa tướng nước Tần, quyền to nghiêng trời lệch đất, chỉ dưới 1 người (vua) còn trên muôn người (thiên hạ). Với triều đại nước Tần, Tư công lao hãn mã không ai bằng, giúp vua Tần thống nhất cả thiên hạ sau hàng nghìn năm chia xẻ, đề ra pháp luật ổn định xã hội, củng cố bộ máy thống trị chặt chẽ từ trên xuống dưới. Nhưng công nhiều mà tội cũng lắm.

Tư bày cho vua Tần áp dụng hình luật tàn khốc để trị dân, khuyên vua đốt sách chôn học trò, tiêu hủy hết những giá trị văn hóa đã có, giết người hiền tài (như Hàn Phi Tử), coi dân như cỏ rác, chỉ cốt bảo vệ chiếc ghế của mình, phe đảng mình.

Tư bị Triệu Cao ghen ghét, vu cho phản nghịch, bị tội chém ngang lưng ngoài chợ, giết cả 3 họ. Âu cũng là nhân quả, gieo gì gặt nấy, chẳng trách được luật trời.

Đáng nói, khi bị giải ra pháp trường, Tư than thở với đứa con nhỏ rằng thế là hết, từ nay ta không thể cùng ngươi dắt con chó vàng đi ra ngoài cửa đông đến đất Thượng Sái để săn con thỏ khôn được nữa, mất hết cả rồi.

Tiếc, hối, nhưng tất cả đều đã muộn.

Thế các ông các bà có giỏi bằng Lý Tư không? -Không bằng. Tội các ông các bà có to bằng Lý Tư không? -Chả kém gì. Các ông bà chỉ hơn Tư là còn thời gian để tu tỉnh sống cho nhân nghĩa, tử tế. Đừng đợi đến khi lại muốn dắt con chó vàng đi săn thì cũng chả khác gì Lý Tư.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Hiện tượng Phan Anh

Mấy ngày qua, và ngay cả thời điểm này, người ta đang nhắc đến hai tiếng Phan Anh với sự trìu mến và cảm phục. Chàng trai diễn viên điện ảnh kiêm MC chuyên nghiệp cho các chương trình truyền hình đã gây được sự thu hút mạnh mẽ công chúng, nhưng nếu trước đó là cái duyên, sự thông minh, hóm hỉnh, linh hoạt trong công việc, thì nay là tấm lòng, niềm yêu thương với đồng bào mình, với người dân đang trong cảnh hoạn nạn, khốn cùng.

Không phải đến bây giờ Phan Anh mới là “người nổi tiếng”, “người của công chúng”. Do đặc điểm, lợi thế công việc văn hóa truyền thông đại chúng, anh đã trở thành nhân vật quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng. Nhưng không phải bất cứ ai là người nổi tiếng cũng được đông đảo dân chúng yêu mến như anh.

Ta vẫn biết, những người nổi tiếng, nhất là văn nghệ sĩ, người làm trong lĩnh vực văn hóa có cái lợi là được… nổi tiếng, “vua biết mặt, chúa biết tên”, tuy nhiên lại luôn chịu sự xét nét, săm soi của người đời. Mỗi lời nói, hành vi, cử chỉ, công việc dù lớn hay nhỏ, chung hay riêng đều được soi qua kính lúp, tìm từng chi tiết bé nhất, hay hoặc dở đều phơi bày ra cả. Không ít người nổi tiếng đã khiến cho đám đông từng yêu mến họ phải thất vọng bởi vì thần tượng bị sụp đổ khi xảy ra điều này tiếng nọ. Giữ vẹn được phẩm chất tốt đẹp của người nổi tiếng đã là việc khó, làm cho nó ngày càng tốt đẹp hơn, chiếm lĩnh được lòng yêu mến, sự trong thị của mọi người mạnh hơn, sâu hơn, bền chặt hơn lại càng khó. Trong chừng mực nào đó, những ngày qua Phan Anh đã làm được điều khó ấy, một cách giản dị, tự nhiên, đầy tình thương và trách nhiệm.

Sẽ còn chết nữa nếu cứ im lặng, bó tay chịu chết

HỮU NGUYÊN (nhà báo)

Bọn làm thủy điện dã man ở chỗ vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà khi xây dựng đã bóp nhỏ, giảm chất lượng, trữ lượng công trình hồ đập khiến cho khả năng điều tiết lũ hầu như không còn.

Chất lượng hồ đập thì mong manh dễ vỡ, càng ít chi phí hơn khi giảm tải trữ lượng hồ chứa, giảm đầu tư hồ đập như cam kết.

Chưa kể thường thì chúng còn tranh thủ phá rừng đầu nguồn, phá thế cân bằng, tàn phá tự nhiên nhiều hơn được phép để tối đa hóa lợi nhuận từ thu hoạch tài nguyên rừng, đất đai ...

Luôn chủ trương tích nước tối đa, để có nhiều điện thì có nhiều tiền. Chỉ khi lũ dâng, nước lên hơn cả báo động mới xả lũ đột ngột, gây thiệt hại khôn lường cho khu vực hạ du.

Bọn dã man này chưa tàn nhẫn, độc ác và khốn nạn bằng lũ tham quan, nhắm mắt làm ngơ phê duyệt một đằng cho thực hiện một nẻo, dối trên lừa dưới gây họa cho dân, cho nước trước mắt lẫn lâu dài.

Khi xảy ra sự cố, vì sợ liên đới trách nhiệm, công luận phanh phui nên chúng cố tình bao che, bưng bít, xuê xoa cho nhau để cho mọi việc chìm xuồng là xong trách nhiệm.

Dân chết, tán gia bại sản, con cái mất tương lai mặc bây, tiền thầy bỏ túi, con thầy đi du học, mua biệt thự ở Mỹ ở châu Âu, có chuyện là thăng.

Dã man và khốn nạn như thế kéo dài nhiều năm rồi và còn dài dài nữa nếu người dân vẫn cứ chọn thái độ im lặng, bó tay chịu chết!


Hữu Nguyên
(theo Facebook Hữu Nguyên, https://www.facebook.com/huunguyenddk/posts/1451007271581071)

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Dành cho K17: Chia buồn với bạn Hương "con"

Gửi các anh chị, các bạn đồng môn Văn K17.

Xin thông báo đến các anh chị và các bạn:


Cụ Nguyễn Hưng Nhượng, bác sĩ đông y, bố của bạn Nguyễn Thị Thanh Hương (tức Hương con) đã đột ngột qua đời lúc 19 giờ 45 ngày 15.10.2016 (nhằm ngày 15 tháng 9 năm Bính Thân), tại nhà riêng, thành phố Vinh, Nghệ An, hưởng thọ 92 tuổi.

Vì quá bất ngờ nên Hương con và gia đình không kịp thông báo cho các bạn.

Xin gửi tới cụ bà, bạn Thanh Hương và gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất. Các bạn K17 muốn chia sẻ với Thanh Hương xin gọi vào số máy 0988.921.909. Xin kính báo!

(Thông báo này do bạn Lê Thanh Nga chuyển, mình chuyển tiếp đến các anh chị và các bạn).

K17

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Xả lũ hay xả họa cho dân

Mấy hôm nay, chúng ta thường nghe đến hai từ "xả lũ" ấy. Nó liên quan đến nhà máy thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh, trong vụ xả nước để cứu đập - hại dân, gây ngập lụt nặng mấy huyện.

Điều lạ là, dường như dân chúng và báo chí chấp nhận việc xả lũ, cho đó là điều cần phải thế, rồi còn trách cái nhà máy thủy điện chết tiệt kia sao xả mà không thông báo trước, khiến dân chúng trở tay không kịp. Có nghĩa là, nếu thông báo trước để dân chạy nạn thì OK, thì được, cho xả thoải mái.

Không thể thế được. Về nguyên tắc, công trình thủy điện ngoài việc tích nước phát điện thì còn có nhiệm vụ chứa nước để điều tiết chống lũ, cấp nước thủy lợi cho dân sản xuất nông nghiệp. Nó (thủy điện) hoàn toàn không có chức năng xả lũ để hại dân.

Trên thực tế, để hoạt động, nó tích nước, chặn hết đầu nguồn, vào mùa khô khi dân vùng hạ lưu không có nước cày cấy, năn nỉ gẫy lưỡi nó cũng không thèm đếm xỉa, không nhả ra một giọt. Nó cần tiền chứ không cần dân. Nhiều dòng sông ở Quảng Nam và Đà Nẵng, nơi có nhiều nhà máy thủy điện nhất nước, đã diễn ra tình trạng ấy nhiều năm nay. Dân chúng, và cả chính quyền hai nơi đó, rất căm nhà máy thủy điện.

Vào mùa mưa, nó tích đủ nước, nếu mưa lớn quá sức tích chứa của nó, là nó xả. Rừng đã phá chặt trụi rồi, còn đâu mà ngậm giữ nước. Xả để cứu nó, vì cái túi tiền của nó, chứ không phải vì dân. Nó chỉ "ưu ái" nước cho dân khi nó sợ vỡ đập. Ngập lụt thì dân ráng chịu. Nó xây đập dỏm, nó bắt dân chịu thay cho nó.

Những vùng ấy, xưa nay khi chưa có nhà máy thủy điện, thường thì dân chúng chỉ chịu lũ tự nhiên, có mạnh có yếu, nhưng không ghê gớm, kéo dài và gây thiệt hại khủng khiếp như cái thứ lũ thủy điện này. Lũ thủy điện là thứ nhân tai, tàn hại gấp bội so với lũ thiên tai.

Nó làm thủy điện, nó tích nước là điều được phép, nhưng nó phải xây đập cho chắc, nước có lớn mấy cũng chỉ được phép tràn đập chứ không được vỡ. Giả dụ đập Sơn La hay Hòa Bình cũng có thể vỡ thì người Hà Nội cũng thành cá hết chứ chả phải chỉ mạn ngược. Không ai cho phép nó xả lũ mà chỉ cho phép nó xả nước để cứu dân khi hạn hán. Nhưng nó đã làm ngược lại. Thế nên, trách nó xả không báo trước tức là dung túng cho nó làm bậy, làm càn.

Có một số vị bênh thủy điện, bảo rằng ngập do mưa lớn, thời tiết cực đoan, đừng đổ riệt cho thủy điện. Họ còn cảnh cáo, nếu thủy điện không xả lũ, để vỡ đập, còn chết nữa. Vì vậy, theo họ, xả là “đúng quy trình”. Nghe có vẻ "thuận nhĩ", nhưng xét kỹ thì là nói lấy được. Nó đầu tư vào thủy điện, bán điện cho người dùng chứ chả phải cho không, cũng là dạng kinh doanh buôn bán thôi, đừng kể công góp phần "điện khí hóa" đất nước. Làm cái đập phải tính khả năng chịu đựng ở mức cao nhất, chứ cứ hễ mưa lớn chứa không nổi lại xả lũ bắt dân chịu thì khác gì treo bom lơ lửng trên đầu dân, muốn thả xuống bất cứ lúc nào thì thả. Vỡ đập đương nhiên rất nguy hiểm, nhưng dọa vỡ đập để rồi trút tai ách lên đầu dân thì nên phá ngay cái đập ấy đi. Không điện thì đừng.

Vấn đề là con người. Hồ chứa nước Dầu Tiếng ở miền Nam không làm nhiệm vụ thủy điện, nhưng suốt bao năm nay chưa bao giờ cố ý xả lũ hại dân, ngược lại làm rất tốt nhiệm vụ điều tiết nước, thủy lợi, chống hạn, phục vụ nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho TP.HCM. Hồ này đã từng nhiều lần chịu nguy cơ sinh tử nhưng do đập chắc chắn và nhất là nhà quản lý có ý thức trách nhiệm với cuộc sống của dân nên không tính chuyện xả lũ độc ác như Hố Hô.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Xúc động những trang sách về học sinh miền Nam trên đất Bắc

Trong lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, học sinh miền Nam trên miền Bắc là một cộng đồng đặc biệt, nhiều nét đặc trưng, tuy nhiên suốt những năm qua chưa có công trình nào tìm hiểu, nghiên cứu sâu rộng về lực lượng “hạt giống đỏ” này.

Đối với tôi, thì bạn tôi, Cao Tự Thanh (Cao Văn Dũng) như một tượng đài, dù y có hay nói tục bậy, khủng khỉnh, khinh người, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Tôi chẳng thể nào hiểu nổi trong cái thân xác gầy nhom, quá ít tế bào, quắt queo như vị La hán chùa Tây Phương kia, lấy đâu ra chỗ để chứa lượng tri thức kim cổ khủng khiếp, hoành tráng y đã thâu nạp. Cái kho ấy, tôi tưởng tượng, nếu đem đổ tãi ra thì phải dùng biết bao nhiêu bồ mủng thúng sọt nong nia mới đựng hết. Vậy mà, cái con người kênh kiệu, khủng khỉnh đỉnh cao của tôi ấy, đang nửa đêm lại bốc máy gọi mà thủ thỉ rằng mày ạ, tao và chúng bạn học sinh miền Nam vừa ra cuốn sách này, như một cách trả ơn trả nợ đời, mày đọc và viết vài chữ nhé.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ lần đầu tiên biết đến cụm từ “học sinh miền Nam” từ một bài tập đọc lớp 2, bài thơ Chú đi tuần. Thơ bộc lộ tình cảm, tâm trạng của một anh bộ đội đi tuần đêm, thật đằm thắm, tha thiết: “Chú đi qua cổng trường/Các cháu miền Nam yêu mến/Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến/Các cháu ơi, giấc ngủ có ngon không?”.

Rồi không chỉ qua thơ văn, sách vở, lúc lớn lên bọn trẻ miền Bắc chúng tôi đã cùng chơi, cùng sinh hoạt, học tập với các bạn học sinh miền Nam, nhất là khi những trường học sinh miền Nam số 8, 14, 22 ở nội đô Hải Phòng quê tôi sơ tán về nông thôn tránh bom tàu bay Mỹ. Và về sau, một trong những người bạn miền Nam mà tôi gắn bó là Cao Tự Thanh, người chủ biên tập sách dày dặn này, một công trình tập hợp, nghiên cứu công phu đầu tiên về “lực lượng đặc biệt” - học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Chuyện ăn độn (3)

Như đã nói ở phần trước, tôi vừa sinh ra là đã chịu cảnh ăn độn, thì bú mẹ nhưng mẹ chỉ tinh ăn độn khoai, rau thay cơm nên suốt tuổi thơ tôi lúc nào cũng còi cọc đèo đẹn. Tuy nhiên, thời ăn độn ghê nhất lại là lúc bắt đầu đi làm, năm 1977, trở về sau.

Tốt nghiệp đại học tháng 12.1976, tháng 4 .1977 tôi khăn gói quả mướp xuống tàu biển Thống Nhất ở bến Chùa Vẽ, Hải Phòng vào Nam, hành nghề dạy học. Mấy tháng chờ việc ở quê nhà, thày bu tôi thương thằng con gần 4 năm đói dài đói rạc nên bồi dưỡng bù lại. 4 tháng được ăn cơm trắng, rau cỏ vườn nhà, cá mú quê cũng khá rẻ nên trông đã ra cái hồn người, có tí da tí thịt. Khi biết tôi phải vào Nam, thày tôi động viên, bảo miền Nam lúa gạo tôm cá nhiều, vào trong ấy chắc đỡ hơn, con ạ.

Thày tôi nói đúng, nhưng chỉ đúng khoảng 3 tháng. Tôi ở khu tập thể của trường trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 Sài Gòn, ăn cơm nhà ăn tập thể. Cơm trắng tinh, đồ ăn bữa thịt bữa cá không đến nỗi nào. Thầm nghĩ, sướng, thế mà cứ định chống lệnh, ăn vạ ở quê. Mấy anh em từ các khoa Văn, Sử, Địa của Đại học Tổng hợp Hà Nội vào, túm tụm ở chung mấy phòng trong cái khách sạn cũ dành cho quân Đại Hàn, được Quân khu 7 bàn giao cho trường làm ký túc xá. Đến bữa ăn thì kéo nhau xuống nhà ăn, ngày hai bữa, hết giờ dạy thỉnh thoảng mượn cái xe đạp làm vài vòng thăm thú phố phường. Tối chấm bài, chơi domino, gần khuya nấu mì tôm ăn xì xụp, tưởng như xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công đến nơi rồi.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Chuyện ăn độn (2)

Phần trước, tôi đã nhắc chung đến việc ăn độn ở miền Bắc trước năm 1975 và trên cả nước sau thời điểm ấy. Thực ra thì không phải ai cũng chịu cảnh ăn độn. Cán bộ trung ương dù thời nào cũng vậy, ngay cả khi chiến tranh ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, đói kém nhất vẫn không phải ăn độn. Họ còn có cả vùng quy hoạch trồng lúa đặc sản ở Mễ Trì (huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) hoặc vùng lúa huyện Hải Hậu (Nam Hà, tức Nam Định và Hà Nam bây giờ) chuyên cấy lúa tám thơm, dự hương cung cấp gạo ngon cho trung ương. Hồi những năm 1973-1976 tôi học đại học, trường nằm ngay vùng lúa Mễ Trì ấy, buổi chiều ra đồng ngồi hóng gió, hương lúa thơm dìu dịu như say lòng người. Cây lúa còn thơm như vậy thì hạt gạo thơm đến thế nào.

Dân chúng chẳng ai tị nạnh với cán bộ trung ương làm gì. Quan to thì phải có chế độ đặc biệt, kể cả hạt gạo. Điều đáng quý thời ấy là những cán bộ nhơ nhỡ, be bé đều chịu chung cảnh đói kém với dân. Những cán bộ xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, HP) quê tôi như ông Sơn, ông Hoạt, bà Tươm… gia đình nào cũng ăn độn như bao gia đình xã viên khác. Anh Tế con bác họ tôi là chủ nhiệm HTX nhưng giở vung nồi cơm nhà anh thấy tinh những sắn. Tôi học chung cấp 1 với anh Nguyễn Đình Gơ con bà Tươm phó bí thư xã, một lần đến rủ Gơ đi học nhóm, trúng bữa cơm Gơ rủ vào ăn một bát hẵng đi, nồi cơm cũng chỉ toàn khoai lang độn vào, được mời ăn cơm mà kỳ thực là ăn khoai, vật chất nghèo nàn nhưng cái tình thì nhớ mãi.

Thèm cơm là sự thèm thuồng thường xuyên của đám trẻ con sống ngay giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ thời ấy. Chả ao ước điều gì ghê gớm, nhiều khi chỉ ước có bát cơm trắng không độn chan nước cá kho cũng đủ thỏa khao khát. Hạt thóc thời đó là hạt vàng, phải nộp lên kho thóc nhà nước để xay gạo gửi ra tiền tuyến nuôi bộ đội, ráng chịu thèm nhạt, đói thiếu để chờ ngày chiến thắng nên ai cũng chấp nhận.

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Lời cuối cho K17

XUÂN BA

Lời cuối cho nhau nhưng vừa gõ được mấy chữ, thằng Bá Tân đi ngang qua rên lên viết chi mà sến rứa mi

Tự dưng mất hứng ngồi đực.

Mấy bữa nay tiếp được cái tin loan trên mạng Khóa 17 sẽ tổ chức hoành tráng việc họp lớp và tham dự hội Khoa Văn do đích thân bác cả Thụn (âm Thuận của dân Quảng Trị) cầm trịch thấy cứ lao lao thế lào.

Bốn năm rưỡi. Năm năm. Thời gian ấy quả chẳng thấm tháp chi với kiếp nhân sinh ngắn tủn. Lại nữa may mắn kẽo kẹt qua bốn thập niên làm thuê cho nhà nước, năm năm ấy cũng chưa phải là thứ gì dằng dặc. Nhưng hình như bất cứ sự kiện gì diễn ra vào độ tuổi quá hoa niên đầu đời ấy nó ám, nó choán lấy người ta? Đại lượng thời gian ngắn ngủi ấy đã thành thứ chất gì đeo bám chắc khừ chả dễ gột rửa hay giũ bỏ?

Họp lớp! Lạ chi cái việc họp lớp? Nhưng âm thanh đó loang ra từ cữ heo may choán chớm những ngày rét, đám già lẫn sồn sồn tầm chức ông bà nội ngoại tự dưng cứ tớn cả lên! Thầm biết ơn việc thu vén lo toan tất bật của các đấng, anh già, chị già những Thuận, Năng, Sánh, Khánh, Xuân, Lập, Hà (Quế), Nga, Đạm, Ngọc Tân, Hương nhớn, Hương con… và nhiều chiến hữu ở Hán, Ngữ khắp Trung Nam Bắc đã góp công sức vào sự kiện tụ lửa này. Họp lớp. Những cuộc tụ có lý. Dưng mà cứ thưa thớt đi những cuộc tụ ấy do nhiều duyên do?

Gần đây do khéo tổ chức nên Khóa 17 cả Văn Hán Ngữ (không đầy đủ) đã có cuộc tụ qua đêm ở một nhà sàn trung du thời điểm sắp tàn năm. Những thứ chuyện không đầu không cuối, các cung bậc cười nối nhau dẫu xôm tụ cũng không tiêu hết đêm nên về sáng trên mặt sàn đã giăng kín những cái màn một màn đôi đương cố nương cái giấc chập chờn của tuổi sáu bảy mươi. Tài thế, tuổi ấy mà khắp gian nhà sàn rộng thênh ran ran các cung bậc ngáy?

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Dành cho K17, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội: Giấy mời họp khóa

Dưới đây là thư mời họp lớp Văn - Ngữ - Hán Nôm K17 do anh Lê Tài Thuận vừa chuyển cho tớ. Vậy đưa lên để các anh chị K17 biết để chuẩn bị, thu xếp về dự cho thêm phần vui vẻ.
Kính chuyển Trần Thị SánhGiap Ngo Ky NguyenThuy Son TranTran Tien SinhLê Thanh NgaLê Minh ĐộKhánh LêCuc Kim DoMinh Hue NguyenVũ Lệnh NăngMy Binh BuiBui Lan HoaChiến HoàngKim Anh TranHoàng Thị NgọThanh Vinh HoangThuy Nguyen ThiTrần Vương,Nguyễn KhôiThi Huong NguyenHoàng Nguyễn HuyNgo Thi Nguyet,Nguyễn thị Thu hàCanh Nam Nguyen và nhờ các bạn chuyển tiếp thông tin này. Xin cảm ơn ạ.
BAN TỔ CHỨC
HỘI CỰU SINH VIÊN NGỮ VĂN KHÓA 17
GIẤY MỜI HỌP KHÓA
----------------------
Kính gửi: Anh / Chị……………………………….
Cựu sinh viên Khóa 17, Khoa Ngữ văn,
Trường đại học Tổng hợp Hà Nội
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1956 – 2016) và kỷ niệm 40 năm Khóa 17 (Văn học, Ngôn ngữ, Hán Nôm) ra trường (1976 – 2016), Ban tổ chức trân trọng kính mời anh / chị tới dự buổi họp mặt của cựu sinh viên Khóa 17, Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Thời gian: 8 giờ ngày 17.11.2016.
Địa điểm: Nhà khách Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - 95 Trần Quốc Toản, Hà Nội (sau Cung Văn hóa Hữu nghị).
Kính mong anh / chị có mặt đông đủ để buổi họp khóa được thành công tốt đẹp.
BAN TỔ CHỨC
CHƯƠNG TRÌNH CỤ THỂ
HỌP KHÓA 17 VÀ DỰ KỶ NIỆM 60 NĂM KHOA NGỮ VĂN
Ngày 16.11.2016
-Từ 13 – 17 giờ các anh/chị ở xa có mặt ở Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - 95 Trần Quốc Toản, Hà Nội (sau Cung Văn hóa Hữu nghị), các bạn Nguyễn Bá Tân, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Thanh Hương, Lê Thanh Nga sẽ đón tiếp và hướng dẫn mọi người nhận phòng.

Số phận quảng cáo (phần cuối)

Nói gì thì nói, gió đã đổi chiều, bây giờ là thời của báo mạng, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, truyền thông internet. Báo giấy cứ mỗi ngày thu hẹp lại như miếng da lừa (trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Honoré de Balzac), máy in chẳng còn phải chạy vất vả cần mẫn suốt đêm, nóng đến mức bốc khói như ngày nào. Các nhà máy giấy Tân Mai, Bãi Bằng mất nguồn khách hàng đáng kể. Có người còn bảo, phá rừng thế chứ có phá nữa, phá trụi trọc lốc, báo chí cũng chả sợ. Nhớ ngày nào ông phó tổng biên tập phụ trách trị sự cơ quan tôi phải gãy lưỡi năn nỉ bọn Tân Mai nó mới nhỏ giọt cho từng tấn giấy in báo, thiếu điều cơm mo nước bình đến cổng nó chực chờ mỗi ngày. Thế gian thịnh suy khôn lường, biết chấp nhận và tìm lối đi mới, đó là khôn ngoan nhất.

Cuộc đổi chiều ấy khiến báo in ngày càng mỏng nhẹ. Trang nội dung thì vẫn thế nhưng số trang quảng cáo cạn từng ngày. Hai tờ đàn anh về thu quảng cáo là Tuổi Trẻ Thanh Niên sụt rõ nhất. Trôi qua vĩnh viễn thời 40-48 trang, thậm chí 60 trang quảng cáo. Mấy tháng nay, hai tờ này lặng lẽ tự động gia nhập đội ngũ của đàn em xưa kia. Bình thường trong tuần, cứ số báo ra ngày thứ hai và thứ năm được khách hàng quảng cáo chuộng nhất. Mỗi phần phụ trang quảng cáo phải dày gấp đôi phần nội dung. Giờ cầm tờ Tuổi Trẻ trên tay, nhẹ hều, phần quảng cáo chỉ lèo tèo vài ba trang, dù nó vẫn là phần tặng không, cho không bạn đọc.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Số phận quảng cáo (phần 3)

Nhắc lại, mấy tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên những năm huy hoàng về thu quảng cáo, dăm bảy trăm tỉ đồng/năm là chuyện thường. Như tờ Tuổi Trẻ, không phải khách hàng (doanh nghiệp, dịch vụ) nào muốn quảng cáo cứ đem tiền đến là xong đâu, có khi phải xếp hàng chờ dài cổ mới đến lượt bởi “đất” quảng cáo đã kín chủ, thậm chí chờ cả tuần. Nhưng chờ thì chờ, các sếp đã dặn rằng phải quảng cáo bằng được trên Tuổi Trẻ hoặc Thanh Niên, thì mới có nhiều người đọc.

Khách quảng cáo khôn lắm, đồng tiền liền khúc ruột, một xu chi ra cũng phải thật hiệu quả. Họ hiểu quảng cáo trên truyền hình là nhiều người biết đến nhất, bởi dân chúng thời nay có thể không đọc báo, chứ hầu hết coi tivi. Chỉ có điều, bọn tivi chém ác quá, VTV quốc gia hoặc HTV Sài Gòn mài dao sắc lẻm, khách quảng cáo vừa lớ ngớ chui vào là chém cái phập. Muốn lên sóng, nhất là vào giờ vàng, chen vào giữa những bộ phim hay, cứ nôn tiền ra. Giá phổ biến của hai đài này phải từ 120 - 150 triệu đồng cho 30 giây (nửa phút), riêng VTV1 hoặc VTV3 giờ vàng cứ chuẩn 210 triệu đồng/30 giây, không chịu thì đi chỗ khác chơi. Ta có thể hiểu được vì sao bọn tivi lại giàu có xúng xính thế. Ác nhất ở chỗ nó là cơ quan truyền thông của nhà nước, được cấp ngân sách nhưng tha hồ kiếm tiền bỏ túi riêng. Cũng chẳng khác bọn dầu khí bao nhiêu, dầu khí là tài nguyên quốc gia nhưng hút lên thì trước hết béo cho dân trong ngành, sau mới là nhà nước. Chỉ khổ thằng dân còng lưng đóng thuế nuôi mấy đứa giàu ăn chặn cả ngân sách lẫn mồ hôi nước mắt mình.

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Đưa thép tới Cà Ná là tội ác

HUY ĐỨC (nhà báo)

Nếu không có dự án Thép của Tôn Hoa Sen chắc tôi sẽ không tìm về Ninh Thuận. Dù trong ký ức của một thằng lính như tôi, Cà Ná tuy chỉ là tên của một ga xép, nhưng khi qua đây, tàu Thống Nhất đã lượn theo những những khúc cong ven biển đẹp như tranh vẽ. 

Một nhà đầu tư du lịch đưa tôi đi dọc vùng biển miền Trung và dừng lại khá lâu ở Cà Ná.

Anh nói, "Cho làm thép ở đây thì không chỉ giết chết Cà Ná mà còn giết cả vùng biển du lịch tốt nhất Việt Nam".

Ninh Thuận là vùng duy nhất ở nước ta có khí hậu nhiệt đới Xavan, mỗi năm chỉ mưa khoảng 50 ngày (từ tháng 9 đến tháng 11). Theo Nhà đầu tư du lịch đi cùng, điều đó không gợi nhớ một hình ảnh sa mạc khô cằn mà cho thấy khả năng tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo hơn cả Nha Trang, Phan Thiết.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Số phận quảng cáo (phần 2)

Phần trước, tôi đã nói, trong thời vàng son của những tờ báo in, nguồn lợi vàng ròng mà nó khai thác được chính là quảng cáo.

Nhớ lại hồi mà quảng cáo mới loe hoe trên báo chí truyền thông, nhất là tivi. Dạo ấy những năm đầu thập niên 1980, tivi dường như đi đầu trong quảng cáo. Người xem truyền hình khá lạ lẫm với việc đang coi chương trình, nhất là những bộ phim hút khách, như Nô tì Isaura chẳng hạn thì tự dưng bị ngắt, chen vào đó vài mươi giây hoặc cả phút quảng cáo. Khách hàng quảng cáo ban đầu của tivi cũng chả phải những ông lớn, đại gia như bây giờ mà chỉ là vài chủ tiệm, chủ cửa hàng ở Sài Gòn. Họ từng quen với việc quảng cáo, tự giới thiệu trên báo chí, truyền hình thời trước năm 1975 nhưng sau đó do hoàn cảnh cuộc sống mới nhiều đổi thay nên chả ai nghĩ đến việc quảng cáo nữa. Nhà cầm quyền chẳng cho phép quảng cáo mặc dù chưa từng ban hành lệnh cấm đoán. Tất cả hàng hóa, sự phân phối đều quy về đầu mối nhà nước rồi thì còn quảng cáo làm gì. Vả lại hàng hóa không đủ dùng, các dịch vụ sinh hoạt đã được nhà nước bao cấp, quản lý thì cũng không cần quảng cáo.

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Lý luận phản lý luận

Có nhẽ bây giờ cần nghiêm túc đặt vấn đề: Ông tổng bí thư đương nhiệm từng nói đại ý rằng có khi cả trăm năm nữa chúng ta vẫn chưa xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Lịch sử một dân tộc rất dài, nhưng cuộc đời mỗi con người rất ngắn. Liệu ai có đủ kiên nhẫn để phấn đấu cho sự nghiệp trăm năm mờ mịt ấy. Vả lại, một nước, một dân tộc, một thế hệ đặt ra cái đích, cái mục tiêu xa vài chục năm trong tương lai cũng đã là quá thể rồi, không đạt được thì phải chuyển sang cái khác hợp lý hơn, chứ ai lại ngu si cắm mặt cố đi với sự ảo vọng như vậy.

Thời gian không phải là thứ tài sản mà các ông ấy muốn lãng phí thế nào cũng được. Số phận của gần trăm triệu người không phải là thứ muốn đem ra thí nghiệm thế nào cũng được.

Các ông ấy cứ khoe giỏi về lý luận, có cả ban lý luận của trung ương, vậy thì hãy trả lời cho cái lý luận nông cạn của tôi xem nào.

Có cái ví dụ quá sinh động. Một nước có mức sống tương đối cao và phát triển ổn định, từng là niềm mơ ước của nhiều nước nghèo, trải qua 2 triều đại xây dựng chủ nghĩa xã hội của Hugo Chavez và Nicolas Maduro, đến thời điểm này Venezuela đã cán đích nghèo đói, đang trên bờ vực thẳm đói rách bần hàn. Cái gọi là cuộc cách mạng XHCN ở đây đã mau chóng "thành công" hơn những nước đồng chí của nó, hoặc đi trước nó, như Việt Nam, Cuba, Triều Tiên, Mozambique, Etiopia, Afganistan.

Chỉ có thể nói: Một lũ điên. Sướng không muốn sướng, cứ đâm đầu xuống hố, đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Nói hay không và cái quy trình không nói

PHẠM QUANG LONG (nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội)

Các phương tiện truyền thông đưa tin: cuộc giao ban báo chí chiều qua các vị đại diện của ba bên (cơ quan tổ chức, huyện Đông Anh và Cảnh sát giao thông) đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào của các nhà báo về chuyện nhà báo xô xát với CA ở cầu Nhật Tân đang nóng rẫy giới truyền thông và trong các hoạt động khác. Nói có sách: bà Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội yêu cầu phải làm rõ sai đúng ở đâu, cần minh bạch; ông Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói sẽ thanh tra vụ này; cử tri thành phố Hồ Chí Minh nêu vấn đề trực tiếp với Chủ tịch nước... Vậy mà các ông có trách nhiệm phải trả lời trong cuộc họp hôm qua đều kiên quyết không nói, hoặc tìm cách né tránh (lý do là không được giao phát ngôn, vì Công an đã điều tra và có kết luận rồi, vì hôm nay không nằm trong nội dung được dự kiến trao đổi, khi nào có thông tin mới sẽ cung cấp sau). Tan họp, các PV vẫn hỏi việc này chứ các nội dung nhà tổ chức chủ động thông tin, họ không quan tâm lắm nhưng các đồng chí đại diện cho ba bên vẫn không thay đổi).

Đọc thông tin trên, buồn quá.

Lạm bàn mấy ý sau:
- Thứ nhất, các nhà tổ chức đã thiếu năng động, thiếu chuẩn bị, không nhạy bén khi xử lý tình huống. Họ không đọc ra được nhu cầu thông tin của xã hội nên đã chọn những nội dung không phải được ưu tiên để thông tin. Khi đối diện với nhu cầu thì không xử lý được.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Bệnh thành tích đã hết thuốc chữa

Đọc thông tin trên báo Thanh Niên rằng có cháu học sinh lớp 6 bị đưa xuống học lớp 1 mà vẫn không thể học được bởi không biết đọc biết viết. Bi kịch còn ở chỗ đó là học sinh từng học từ lớp 1 đến lớp 5 tại trường tiểu học ở TP.Sóc Trăng được công nhận là trường chuẩn quốc gia. 

Theo tôi, cần xem lại, hoặc dẹp ngay các thứ phong trào đạt này nọ, như trường chuẩn quốc gia (mà trường trên là minh chứng), gia đình văn hóa mới, khu phố văn hóa, xã chuẩn nông thôn mới, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, thậm chí cả danh hiệu anh hùng bởi có việc tôi từng trải qua, từng biết rõ thực chất của những thứ ấy, rất giả dối, rất tởm, một thứ ung thư của xã hội.

Cứ nói ngay một cơ quan nào đó, dù mắc đầy những sai lầm, khuyết điểm, vi phạm nhưng khi bình bầu cuối năm bao giờ các sếp cũng chia nhau chiếm giữ gần hết các danh hiệu thi đua các cấp, chỉ són cho lính lác vài thứ gọi là để chúng đỡ thắc mắc. Lý ra phải dẹp hết. Không tin tôi, đã vào mùa bình xét cuối năm, các bác cứ để ý mà xem. Đâu cũng vậy, cấp nào cũng vậy, từ cơ sở lên tận trung ương. 

Cái gọi là Ban Thi đua khen thưởng trung ương thực ra cũng là dạng giả dối này, siêu giả dối là đằng khác, cũng nên dẹp. Bớt được gánh nặng cho dân tí nào hay tí ấy.

Bệnh thành tích xứ này nặng lắm rồi, di căn vào xương tủy, vào từng tế bào rôi, có đại phẫu cũng không cứu được, chỉ còn cách chôn nó đi thôi.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Khoán xe công

Dư luận xã hội, báo chí, thậm chí cả mất vị trong thường vụ quốc hội, đang ì xèo bàn chuyện khoán xe công. Nghe ra thì có vẻ đổi mới, tiến bộ nhưng thực chất cũng là chuyện tào lao. Vì sao?

Trước hết, làm cán bộ lãnh đạo hay làm công nhân viên chức thì cũng là tham gia vào guồng máy xã hội. Đi làm việc công thì được trả lương, chức to cấp to lương cao, chức nhỏ cấp nhỏ lương thấp. Vua hay ông gác cổng cũng phải theo nguyên tắc ấy. Lương cao hoặc thấp chính là cái chỉ số để đánh giá địa vị, sự đóng góp, công sức phải bỏ ra của từng người. Đồng lương đó để nhằm chi phí cho toàn bộ hoạt động của người nhận lương.

Mấy ông bà lãnh đạo đã được hơn người khác sự danh giá, uy quyền, sự nể trọng, hơn người cái oai cái sĩ, đó là chưa kể ghế ấy chức ấy thường thu nhiều bổng lộc, của cải chạy chọt, cổng sau, hối lộ...,
vậy mà còn đòi thêm đặc quyền đặc lợi, không biết ngượng.