Trang

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Dạy con những điều bình thường nhất

Một chị bạn trẻ đồng nghiệp tôi vừa gặp chuyện không may, con trai chị ấy (độ 4-5 tuổi) bị bỏng nước sôi, cái bình thủy (phích) để hớ hênh trên bàn bị đổ, cháu phải vào viện, cả hai mẹ con mất mấy ngày lo lắng, bỏ cả công ăn việc làm...

Nhìn vẻ mặt rầu rĩ, lo lắng của vợ chồng bạn, tôi sực nhớ những bài học đầu đời. Mà “thầy giáo” có phải ai xa lạ đâu, chính là người nhớn, người thân trong gia đình. Vậy mà thấm mà bền lâu, cực kỳ có ích trong cuộc sống sau này.

Hồi xưa, thày (bố) tôi luôn nhắc khi nhà có trẻ con phải hết sức thận trọng chuyện nước sôi, củi lửa. Đừng xách siêu nước sôi đi qua chỗ đông người, nhất là chỗ có trẻ con, bởi chúng hiếu động có thể nhào ra mà ta không tránh kịp. Phích nước sôi hoặc nồi canh nóng phải để xa tầm tay với của trẻ, vào chỗ thật chắc chắn, bởi trẻ có thế với lên làm đổ, ụp xuống người thì khổ. Có một lần, thấy bà xã nấu xong nồi canh mùng tơi, bắc ra để vào bàn ăn nhưng gần mép bàn, tôi nhớ tới lời dạy của tiền nhân và nhắc nhở. Bà xã cười, dào, nhà mình tinh người lớn, làm sao phải sợ. Đúng sau đó, đứa cháu họ nhà bên cạnh chạy ù vào, với tay ngay sát nồi canh. May người lớn chặn lại kịp. Cả nhà thở phào, hú vía.

Đồ thủy tinh cũng vậy, để xa trẻ, tránh chỗ trẻ hay chơi, chúng có thể làm rơi làm vỡ, mảnh sắc nhọn sẽ cứa vào chân tay chúng.

Có những điều chả bao giờ chúng ta nghĩ tới nhưng ít nhất cũng phải dè chừng với ai đó một lần. Thày tôi thường dặn nhớ nhắc nhở trẻ con đừng ngậm đũa, ngậm tăm, que nhọn, không may lúc chạy nhảy mà ngã sẽ bị đâm vào cổ, rất nguy hiểm. 

Hồi tôi còn bé, nhà nghèo, quần áo chỉ bộ nghiêm bộ nghỉ. Nhớ có buổi trưa, tôi lấy vội bộ đồ đang phơi trên dây ngoài sân nắng vào định mặc ngay để kịp giờ đi học. Thày tôi ngăn lại, bảo quần áo đang nóng, cả chăn mền cũng vậy, mặc vào hoặc đắp vào người rất độc, dễ bị ốm (bệnh). Nhiều người bị cảm nắng là do vậy. Cụ khuyên lấy cái quạt nan quạt cho nguội rồi hãy mặc. Giờ nhìn tủ áo của ông con giai, quần áo chất đống, sực nhớ ngày xưa. Nó sẽ không rơi vào hoàn cảnh như mình nhưng những bài học đầu đời thì cứ nên truyền lại.

Nguyễn Thông
(Bài đăng trên báo Thanh Niên, chủ nhật 25.2.2018)

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Giáo sư

Xã hội ta đang ồn ào thị phi, lời ra tiếng vào chuyện phong học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Phong giáo sư, ai cũng hiểu đó là một việc cực kỳ nghiêm túc, chặt chẽ, đỉnh cao, không cho phép sơ sẩy điều gì, nhưng ở xứ ta lại chẳng khác chi chuyện hàng tôm hàng cá, giao dịch chợ búa, bán buôn nhố nhăng. 

Tham nhũng tiền bạc so với tham nhũng chức tước (mua quan bán tước) dù rất tệ hại nhưng vẫn còn thua, tuy nhiên cả hai thứ tham nhũng ấy nếu xét về sự vô liêm sỉ thì phải gọi tham nhũng danh vị bằng cụ. 

Thời phong kiến (cái thời mà cách mạng vô sản đã đánh đổ), việc thi cử chọn người hiền tài, người thực chất rất chặt chẽ. Trải qua các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, để đạt được học vị tú tài, cử nhân, tiến sĩ, để lọt vào bảng vàng chức danh trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa là cả quy trình cực kỳ chặt chẽ, con kiến chui cũng không lọt. Hầu hết những người được phong "học hàm", nhận danh vị vua ban đều thành những người nổi tiếng của lịch sử phát triển, kể từ vị trạng nguyên khai khoa "đỉnh giáp khai khoa" đầu tiên của chế độ khoa cử, trạng nguyên Lê Văn Thịnh triều Lý.

Nay thì giáo sư nhiều như lợn con, hội đồng phong chức danh giáo sư như nái sề mắn đẻ, cứ tuôn ra sòn sòn, nhưng để chế được cái máy bóc vỏ lạc, máy đào củ mì, máy lọc nước phèn thì lại phải nhờ trí tuệ của những nông dân hai lúa, những học sinh còn mài quần trên ghế nhà trường. Nhiều ông giáo sư tiến sĩ, cứ mở mồm là đủ gây cười cho thiên hạ. Không ít chức danh giáo sư của ông này bà nọ trong vai lãnh đạo chỉ như thứ vật trang điểm cho đẹp cho sĩ chứ chả có tác dụng gì.

Trang sử về đội ngũ giáo sư nước nhà thời nay thật u ám, thê lương, buồn thảm. Xin chia buồn với một số giáo sư thực sự có tài khi cần phải nói ra như vậy.

Nguyễn Thông

Uyển ngữ

Dù các vị có mưu mẹo, biến báo gọi trạm thu phí là thu giá thì với dân nó vẫn là thu phí, vẫn là bóc lột thậm vô lý. Dù các vị có uyển ngữ gọi những người phản đối trạm thu phí là "gây mất an ninh trật tự, gây rối, chống đối, cản trở giao thông, vi phạm pháp luật..." thì thực chất vẫn là sự phản ứng lại hành vi bóc lột có bảo kê.

Vụ trạm thu phí BOT Biên Cương trên quốc lộ 18 ở Quảng Ninh hôm nay (22.2) là vậy. Một con đường dân đã đi từ thời mồ ma thực dân Pháp mà không phải trả một đồng xu teng nào, nay chỉ cho đứa nhà giàu bỏ tiền mở rộng, vá víu thêm thôi, bắt họ phải trả tiền phí thì tránh sao khỏi dân phản ứng. Dân chỉ sợ thứ pháp luật đàng hoàng chứ thứ pháp luật vị nhà giàu thì dân coi chả là cái đinh gì.

Giải quyết cái gọi là "gây rối, mất an ninh trật tự" không làm từ gốc, lại cứ nhăm nhăm bẻ ngọn, có đến mục thất cũng chả xong.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

Chân tu

Tôi mặc dù vô thần (thế hệ tôi bị đào tạo thành người vô thần) không theo tôn giáo nào nhưng tôi rất tôn trọng các tôn giáo và những người có đạo. 

Cụ thể, tôi muốn nói về đạo Phật. Thày bu tôi đều tin ở nhà chùa, tu dưỡng hành xử theo tinh thần Phật giáo. Làng tôi có chùa Trà Phương (tên chữ là Thiên Phúc tự), thày tôi vẫn thường đàm đạo với Thượng tọa Thích Quảng Mẫn (sau này cụ đạt bực Hòa thượng, nổi tiếng là nhà sư uyên bác, tấm lòng quảng đại) hoặc đại đức Thích Thanh Vân (sau này cũng lên Hòa thượng), hai vị trụ trì của chùa. Mà chẳng phải chỉ người lớn kính trọng hai bậc chân tu ấy, đám trẻ con trong làng cũng rất nể trọng hai nhà sư chùa làng. Mặc dù nhà chùa nhận sự cúng dường, thành tâm đóng góp của đông đảo khách thập phương, phật tử khắp vùng duyên hải Bắc Bộ, vật chất chả thiếu thốn gì, nhưng suốt bao năm tôi chỉ thấy hai cụ đồ đệ của Phật Thích Ca ăn mặc rất giản dị, quần áo nâu sồng, ngay cả những khi lễ Phật đản hoặc lễ tết, cúng rằm, hai cụ cũng vẫn nâu sồng, chỉ nghiêm cẩn, gọn gàng hơn thôi. 

Các cụ vẫn tự xắn quần cày ruộng, nhà chùa có ruộng riêng, nuôi hẳn con trâu mộng chuyên để cày bừa ruộng chùa. Cụ Mẫn thường dạy "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" (một ngày mà không làm, thì một ngày không có ăn). Tôi từng chơi và học với hai chú tiểu là Minh tồ và Phúc, có lúc vào chùa trúng lúc các nhà sư trai giới, thấy bữa ăn cũng rất đạm bạc.

Trong ký ức tôi, đó là những bậc chân tu, đắc đạo (nhất là cụ Mẫn), nắm bắt được tinh thần của đạo Phật, hóa giải được những buồn vui sướng khổ ở đời.

Mấy hôm nay, nhìn cảnh lễ hội chùa này chùa nọ, thấy những nhà sư xúng xính quần này áo kia, diện ngất trời, ai cũng có cái béo tốt hồng hào của người ham ẩm thực, làm lễ cũng điệu đàng phô dáng, cái trống cái chuông cũng tô vẽ xanh đỏ tím vàng, tôi lại sực nhớ, nghĩ về những vị sư của chùa làng. Đành rằng thời thế làm thay đổi mọi thứ, cả đạo Phật cũng không thoát khỏi bị biến dạng này nọ, nhưng tôi cứ tiếc những tinh túy của đạo Phật ngày xưa.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Một kiểu trấn lột

Không phải chỉ có BOT giao thông như Cai Lậy, Sông Phan, Bến Thủy, Cần Thơ, Sóc Trăng... làm trò trấn lột trên đường giao thông mà ngay cả trên mạng thông tin, tưởng rằng ảo nhưng trấn lột rất thật, móc túi tàn bạo.

Ấy là tôi nói đến cái mạng điện thoại MobiFone. Người dùng bao lâu nay đã khốn khổ với nó về tin nhắn rác quảng cáo, rồi những dịch vụ mưu mẹo lừa đảo, kiểu gạ khách hàng tham gia cái này cái kia (chẳng hạn nhận miễn phí những bài hát hit), rồi tít tận cuối tin mới kín đáo cho biết nếu tiếp tục sử dụng dịch vụ thì sẽ phải trả bao nhiêu tiền một ngày. Ối người chết với dạng tham gia vào dịch vụ ấy.

Còn tôi thì bị khổ nạn bởi cái 3G thổ tả của nó. Chả là vừa rồi tôi lắp sim điện thoại vào chiếc máy iPhone của con gái (chưa dùng) để gọi thử một cuộc Viber xem nó tiện dụng miễn phí thế nào. Lúc gọi, wifi nhà tôi yếu nên máy tự động chuyển qua 3G. Gọi có vài phút rồi tắt mạng, tắt máy, tắt luôn, nhưng quên tháo sim ra. Vài ngày sau, nhà mạng MobiFone nhắn tin báo cho biết phải thanh toán cước hơn 600 nghìn đồng. Tá hỏa, vội tháo sim khỏi máy, gọi cho tổng đài 9090 thì được báo đó là phí dịch vụ 3G. Lại phải kêu tới 9090 để yêu cầu cắt ngay cái dịch vụ thổ tả đó (tôi bị nó chém nhát nhớ đời thì tôi gọi nó là thổ tả, còn bác nào vẫn quen xài 3G thì tôi xin lỗi vì có đụng chạm tí chút).

Ôi giời, không sử dụng nữa, đã ngắt mạng, đã tắt máy nhưng vẫn tính phí. Cô nhân viên ở Bưu điện Chợ Lớn bảo tôi rằng anh ơi, nếu không thoát khỏi 3G thì dù có tắt máy nó vẫn tính.

MobiFone ạ, chơi kiểu đó thì bằng chơi cha người ta. Khi xác định khách hàng có biểu hiện mở máy, dùng dịch vụ 3G thì mới tính chứ, ai lại bắt phải thoát ra thì mới thoát khỏi các ông thì mấy ai biết được phải làm như thế. May tôi kịp tháo sim, chứ người nào không biết mà để nửa tháng, một tháng thì có bán nhà đi cũng chẳng đủ tiền để các ông trấn lột.

Kinh doanh cần công khai, tử tế, đàng hoàng, chứ ỡm ờ như con me Tây vậy thì có ngày mất hết khách.

Tại số điện thoại Mobi của tôi đã quen với bạn bè người thân chứ không thì tôi vứt cái rụp, chẳng gọi thì đừng, ôm các ông chỉ tổ rặm bụng, bực mình.

Biên mấy chữ này cũng là để nhắc nhở các khách hàng như tôi nên cẩn thận với vụ 3G của MobiFone, kẻo tiền mất tật mang.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Nhục

Nói gì thì nói, chứ cái bọn sồn sồn ngày thường không nhảy, tự dưng ngày 17.2 (mùng 2 tết, trùng ngày Trung Quốc nổ súng tấn công xâm lược toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta) dở hơi, lôi nhau ra rửng mỡ nhảy nhót trên công viên trước tượng đài cụ Lý Thái Tổ, sao chúng không biết nhục. 

Chúng nên nghĩ rằng con cháu chúng cần phải được ngẩng mặt ở trên đời chứ.

Vì miếng cơm manh áo, vì chút tiền công nhảy nhót (nếu có) mà làm điều nhục nhã như thế thì nên chết đi, đừng để di họa cho người thân trong gia đình.

Tôi đề nghị chính quyền Hà Nội ra cái lệnh cấm nhảy nhót, đú đởn tán tỉnh nhau trước mặt tượng tiền nhân lịch sử có công dựng nước chống ngoại xâm như vậy.

Muốn nhảy, ra chỗ khác nhảy, ngảy cả ngày cả đêm cũng được, ngày nào cũng được, chứ không được làm trò khỉ trước mặt tiền nhân, vậy thôi.

Sực nhớ câu thơ xưa, cả ngàn năm trước của Đỗ Mục: "Thương nữ bất tri vong quốc hận/Cách giang do xướng hậu đình hoa" (thương kẻ tiện nữ không biết gì tới hận mất nước/bên kia sông vẫn hò hát khúc ca Hậu đình hoa để vui vẻ với nhau). Người cổ xưa còn có liêm sỉ, nặng lòng với nước thế, sao mà người nay đổ đốn vậy?

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

Phận hoa mang bóng dáng con người

Mươi năm trở lại đây, hầu như tết Nguyên đán nào cũng vậy, nhất là thời điểm chiều 30 Tết, tái diễn cảnh ế hoa (bông), hoa bị hắt hủi, rục bỏ phũ phàng. Người bán hoa (không hẳn là nhà vườn, nông dân) không bán được hàng theo ý mình đã “dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời”, chặt bỏ, rục hoa vào thùng rác. Có cả những gốc đào, theo người bán giá lên tới vài triệu bạc, những cây mai tiền triệu, rồi trùng trùng những cúc, hồng, hướng dưong, mẫu đơn, quất… chịu phận bạc. Vừa mới kiêu sa lung linh khoe sắc, thoắt cái đã thành rác, buồn không thể tả. Nếu hoa biết nói, chắc tiếng kêu của nó buồn bã ai oán lắm.

Cũng nhiều ý kiến trái chiều. Người bán hoa bảo rằng ghét cái thói khách dìm hàng, chỉ nhăm nhăm chực cướp mồ hôi nước mắt của người sản xuất, kinh doanh. Ai đời cứ năm nào cũng như năm nào, tinh đợi cho tới gần giờ G, tới phút 89 sắp dẹp chợ hoa mới thủng thỉnh ra chợ, mua rẻ cho bằng được. Mua thế thì bằng ăn cướp. Chẳng thà chặt bỏ, rục vào thùng rác chứ nhất quyết không bán. Bán cho họ, rồi họ được đằng chân lân đằng đầu, duy trì thành lệ cái thói ấy, chúng tôi có mà đi ăn mày. Không ai hầu các ông các bà ấy đón tết vui xuân theo giá rẻ tàn mạt được… Đại loại lời than thở, ca thán, phàn nàn kiểu này, có kể tới ra giêng cũng chả hết chả nguội.

Cần nhìn thẳng vào một thực tế, người bán phần nào đã nói đúng, có một bộ phận khách hàng nuôi sẵn tâm lý chờ đến những giờ cuối cùng, khi chủ hàng hoa đã hết hy vọng thì mới thủng thẳng mua. Giống như tôi mua làm ơn cho anh, chứ tôi đây cũng chả cần, chẳng tha thiết hoa hoét lắm. Bán đi, được đồng nào hay đồng ấy, không thì cũng đổ bỏ, có khi lại còn mất thêm cả công khuân vác về. Hàng đã ế lại còn tính chuyện đắt rẻ. Không bán thì tôi đi à, có mời lại cũng chẳng mua nữa đâu. Trăm người bán vạn người mua, đừng tính kiểu được ăn cả ngã về không, đây bảo cho mà biết nhá… Ấy, cứ tâm lý âm thầm vậy mà cũng kinh ra phết, người bán sợ là phải.

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Chuyện giò chả ngày tết thời bao cấp

(Bài cũ năm 2015, có bổ sung)

Bây giờ nói chuyện thèm ăn giò, bọn trẻ nó cười. Tưởng thèm gì, lại thèm giò. Khổ, nào chúng có bao giờ chết thèm chết nhạt như mình hồi xưa mà hiểu được.

Nhớ lần trong một bài viết về thời bao cấp, tôi kể rằng hồi bé có khi cả năm cũng chỉ được một đôi lần ăn giò (mà mỗi món giò lụa), cô em tôi đọc xong, giãy nảy lên anh viết thế sai toét rồi. Hỏi sao sai, cô bảo chính xác là chỉ một lần thôi, vào dịp tết âm lịch, chứ ngoài ra không còn lần nào nữa. Ngày rằm, ngày cúng giỗ cũng chỉ thịt lợn thịt gà luộc rán kho nấu, tôm cá trên mâm cỗ cũng đậm hơn ngày thường, nhưng tịnh không có giò nhé. Đó là món của những bậc thượng lưu, đại phú, làm chi mà đến được dân quê. Ừ nhỉ.

Không được ăn giò nhưng biết đến giò từ bé. Đầu thập niên 1960, lúc mới đi học, vào lớp vỡ lòng của cụ giáo Bạt (học cụ được nửa năm thì chuyển lên lớp tập chép của cụ giáo Mông ở làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng quê tôi), đám trẻ lên 5 lên 6 đứa nào cũng thuộc bài “giã giò, giỏ cá” khi cụ Bạt dạy đến dấu thanh hỏi và ngã. Âm o thì học ngay từ bài đầu tiên “Ò ó o” vẽ một con gà trống rõ oai vệ đang há mỏ cất tiếng gáy. Bài học văn hóa đầu đời thế hệ tôi bắt đầu từ con gà trống, từ tiếng gà gáy. Lâu nay người ta cứ cãi nhau đâu là âm đầu, thì đúng là âm a trong bảng chữ cái, nhưng học đầu tiên lại là âm o. Ấy, cái thời chúng tôi nó vậy, cãi cọ chi cho mệt.

Tôi cũng chả nhớ cụ giáo Bạt làng Trà có giải thích gì thêm về giò chả không bởi khi ấy còn bé quá. Lớn lên, lớn mãi suốt nhiều năm sau vẫn chỉ biết tới thịt lợn kho hoặc luộc, con tôm con cá kho mặn, họa hoằn con gà luộc, chứ không biết giò chả. Bọn trẻ con thỉnh thoảng hỏi nhau mày thèm món gì, đứa bảo chỉ thích thịt gà luộc, đứa thì thèm cá chép rán chấm mắm loại 1, đứa muốn ăn ruốc (thịt chà bông)... Nhưng chẳng đứa nào thèm giò, đơn giản bởi không biết món ấy mặt mũi nó ra sao. Phải nhớn chút nữa mới được nếm mùi vị giò. Giò lụa hẳn hoi, tự làm lấy.

Tết với trẻ con không chỉ là tết

Mươi năm trở lại đây, cứ tới gần Tết âm lịch, cụ thể cữ khoảng tháng một tháng chạp là lại dậy lên ý kiến của ai đó về việc nên bỏ Tết ta. Không chỉ người bình thường, mà cả những người có chút ít tiếng tăm, cả nhà khoa học, cả trí thức cũng phân tích khá thuận nhĩ rằng chả cần duy trì, giữ Tết Nguyên đán làm gì. Họ chỉ ra, nào là xu hướng thời đại, nào là phù hợp với những bước đi xã hội, rồi thì tiết kiệm, rồi nước Nhật cũng từng ăn Tết âm lịch như ta nhưng đã bỏ hẳn mà có chết ai đâu, v.v..

Tất nhiên lời ra phải có tiếng vào. Xã hội tôn trọng sự phản biện, tranh luận nên người này nói thế này thì có người khác nói thế khác. “Phe” bảo vệ, đòi giữ lại Tết ta chả lý luận gì nhiều, chỉ bảo đó là phong tục cổ truyền của dân tộc, được lưu giữ từ đời này qua đời khác, tuổi tết có khi phải tính bằng mấy ngàn năm, nó còn tồn tại tới giờ là sức sống mãnh liệt lắm, cớ sao phải bỏ.

Đó là lý luận, lý sự của người lớn, chỉ quan tâm tới những khía cạnh của người lớn. Còn với trẻ con, Tết như một bức tranh đẹp, sinh sắc, tươi vui, đầm ấm, nhiều ước mơ, tràn sức sống. Dạo xưa, chả mấy ai trong thời hoa niên, dù khi cảnh đời còn nghèo khó thiếu thốn, lại không giữ cho mình những ký ức đẹp về Tết ta. Có khi rất đơn giản, chỉ là chiếc áo mới, đôi guốc gỗ in hoa, phong bao mừng tuổi, bữa ăn đậm thịt cá hơn so với ngày thường, không khí sum họp gia đình hiếm có trong năm…, tất cả đều in đậm vào trí óc con trẻ. Trẻ con cần Tết. Tết với trẻ con không thể bỏ được. Nếu chỉ ăn Tết tây, chỉ có một ngày mùng 1 tây đầu năm làm sao có thể chuyển tải, chứa đựng hết những gì trẻ con dồn nén lại trong năm. Lý của trẻ con khác lý của người nhớn, nhưng không phải là vô lý.

Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

Đặc quyền quan cách mạng (phần 3, cuối)

Thời thập niên 80 trở về trước, vừa trải qua cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm, thiệt hại vật chất không biết bao nhiêu mà kể, miền Bắc dù thắng cuộc nhưng gần như chỉ còn cái xác. Những anh cả anh hai Liên Xô, Trung Quốc thấy Việt Nam thắng được Mỹ có vẻ vênh váo nên cũng ghét, cắt dần viện trợ. Tôi còn nhớ những năm 76-77 chi đó, báo Nhân Dân hãnh diện ca ngợi sức mạnh quân sự của Việt Nam giờ đây mạnh nhất khu vực, riêng hải quân có thể đứng đầu châu Á bởi thu được của hải quân Việt Nam cộng hòa (mà họ gọi là ngụy) cơ man tàu chiến hiện đại, đó là chưa kể đám quân dưới quyền đề đốc Chung Tấn Cang đã lấy không ít chiếc để chạy trốn, chứ nếu không hải quân ta sẽ vào nhóm mạnh nhất địa cầu. Cứ như cách mô tả của tờ báo lớn này thì so với tàu chiến lợi phẩm của ta, tàu dạng Hải Ưng (trong một bộ phim Trung Quốc tôi xem thời niên thiếu) chỉ là con muỗi so với đại bàng. Liên Xô cũng giảm viện trợ và bắt đầu đòi nợ, khi “bạn chí cốt trên tuyến đầu chống Mỹ” chưa có tiền trả thì lấy bằng phương tiện chiến tranh do Mỹ bỏ lại, vơ bèo vạt tép, gom cả hạt điều, tiêu, cà phê, cao su, quần áo may sẵn…, lấy tất. Dùng máu người Việt ngăn được Mỹ rồi, thế là xong nhiệm vụ quốc tế, không cần giúp theo tình hữu nghị anh em nữa. Mỹ thì ngày càng cấm vận gắt gao. Người tài bỏ nước đi từng đàn dù biết có thể bỏ mạng trên hành trình gian khổ. Đất nước vì vậy càng xơ xác, kiệt quệ. Chính ông Nguyễn Văn Linh tại đại hội 6 của đảng cầm quyền cũng phải thừa nhận tình hình đang trên bờ vực.

Thực tế là vậy, nhưng tư duy đặc quyền đặc lợi đã ngấm vào máu cán bộ mất rồi. Sau bao năm chiến tranh gian khổ, giờ phải là lúc được tận hưởng, chia phần. Không thế, ai thèm dấn thân làm cách mạng. Ngay cả những vị từng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, cùng sống chết với dân, ngọt bùi chia sớt “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” thời chống Pháp, chống Mỹ cũng ngày càng chễm trệ như ông lớn. Ra đường phải ngựa ngựa xe xe, đến công sở đòi bàn này ghế nọ. Một mặt họ tuyên truyền ca ngợi tấm gương lão thực, giản dị, tiết kiệm của cụ Hồ, kêu gọi dân hãy noi gương cụ, mặt khác họ lên chương trình, kế hoạch chia bôi, giành phần cho cá nhân. Họ mặc nhiên coi đó là chủ trương của đảng, của nhà nước, chứ mình trong sạch, vô can. Dân có thắc mắc lăn tăn điều gì, cứ tìm hiểu chính sách của đảng và nhà nước. Mà dân chúng an phận, ngại đụng đến chính sách (bởi bao tấm gương tày liếp đang đếm kiến trong tù còn sờ sờ ra kia) nên cán bộ cứ ung dung hưởng lợi. Dần dà, đặc quyền đặc lợi trở thành nếp, anh nào nhảy vào bộ máy cai trị cũng nghiễm nhiên ngồi “chiếu hoa cạp điều” vênh váo với làng nước.

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Tòa án làm trò rởm

Dẹp tòa, dẹp luôn cả những cấp trên giật dây tòa.

Ấy là tôi muốn nói đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như mà tòa đang xử. Cứ lúng túng như gà mắc tóc trong việc xác định ai phải đền số tiền lừa đảo của khách hàng, Huyền Như đền, hay Vietinbank đền. Tòa có vẻ muốn làm theo chỉ đạo của nhà nước, bảo vệ cho nhà băng nhà nước nên lý sự bảo rằng khách hàng tham lam, hám lời, mắc mưu của Huyền Như thì khách hàng ráng chịu, chứ ngân hàng vô can trong vụ này. 

Thế tôi hỏi:
-Mụ Huyền Như có phải cán bộ có cỡ của ngân hàng Vietinbank không, một Phó trưởng phòng quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP.HCM không, hay nó chỉ là đứa cha vơ chú váo?

-Huyền Như hằng ngày có ngồi làm việc, lãnh đạo chỉ đạo này nọ ở trụ sở Vietinbank không, hay chỉ là con mụ lê la đầu đường xó chợ?

-Mọi giấy tờ được coi là lừa đảo của Huyền Như có phải là giấy lộn xé ra từ tập học trò, ghi bằng viết tay kiểu chơi hụi không, hay là đều dùng các loại chứng từ hóa đơn hợp pháp của Vietinbank?

-Ngân hàng nhà nước cũng như Vietinbank có cấm mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đem tiền tới gửi ở Vietinbank để lấy lời không, hay là khách hàng ẩu tả tự chui đầu vào thòng lọng?

Hãy trả lời những câu hỏi đó, rồi tòa hãy xù tiền của khách hàng.

Nguyễn Thông
Ghi thêm: Con mụ Huyền Như ấy, ai cũng biết nó phạm tội tham ô chứ không phải lừa đảo. Nếu xử nó tội tham ô, mà những hơn 4.000 tỉ đồng, thì nó phải bị tử hình. Nó mà chịu án tử nó sẽ khai tùm lum. Khép nó vào tội lừa đảo, khung hình phạt cao nhất chỉ có chung thân, vừa cứu được ngân hàng nhà nước khỏi bị đền tiền, vừa bịt mồm Huyền Như bằng cái ơn tha mạng. Bắt nó đền cho khách, nó còn cái lồn mà đền. Cuối cùng chỉ khách hàng chịu thiệt.

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Quả táo tây năm xa lắc

Nhớ năm ngoái, sáng mùng 5 tết dọn bàn thờ tổ tiên ông bà, thay cốc nước, lau tàn nhang, bỏ bình hoa sắp tàn, xin các cụ cho đem đĩa trái cây xuống để con cháu hưởng lộc, tâm tưởng bất chợt sống lại một chuyện hồi xa lắc.

Trong đĩa trái cây có những quả táo tây. Quả nào quả nấy to mọng, căng tròn, ánh lên sắc hồng đỏ nâu tím. Cứ như tem của siêu thị ghi dán ịch trên vỏ thì đó là táo Úc, không phải táo Trung Quốc. Chẳng biết tự bao giờ đâm sợ táo Trung Quốc. Những quả táo kia, chỉ nhìn đã phát thèm.

Cuối những năm 70, đầu 80 thế kỷ trước cuộc sống thật thiếu thốn khó khăn. Mãi khi vào miền Nam nhận công tác năm 1977 tôi mới được nếm mùi vị táo tây, mà cũng chỉ một miếng nhỏ trong bữa tiệc cuối năm do nhà trường chiêu đãi. Nó có cái ngon riêng so với táo dai, táo xoan, táo Thiện Phiến xứ ta, nhưng về hình thức thì ăn đứt, sang trọng, hấp dẫn hơn nhiều.

Tôi có chú em rể họ, tên là Thọ, dân Kim Sơn kháng Nhật (thôn đầu tiên trên đất Hải Phòng nổi trống mõ phá ách cai trị của phát xít Nhật, ở xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy), lấy con cậu ruột tôi. Y làm thủy thủ tàu viễn dương Công ty Vosco. Thời ấy, thủy thủ Vosco được coi như tầng lớp quý tộc, thượng đẳng thần, giới kỹ sư bác sĩ cũng chỉ xách dép cho họ. Khi cả xã hội, trong đó có nhiều giáo sư tiến sĩ “vua biết mặt, chúa biết tên” gò lưng trên chiếc xe đạp thì các vị thần này thả sức lướt trên xe máy Nhật mới coóng, DD đỏ hoặc Cup 81 kim vàng giọt lệ. Mình vừa đạp vừa quệt mồ hôi vã ra, còn chúng nhẹ lướt qua, tiếng máy êm như ru, để lại làn khói xanh mỏng cay mắt. Ông anh con bác tôi cười bảo con gái nhà nào chớp được "thằng" viễn dương Vosco thì chả khác gì lấy được cả chục thằng A Phủ làm chồng. Làng trên xóm dưới nhìn vào mà thèm.

Chú Thọ nhà tôi quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, mỗi năm chỉ lên bờ vài lần. Y là thủy thủ viễn dương nhưng không giống đa số Vosco mà tôi đã nhắc ở trên. Y rất giản dị, tốt tính, không lên mặt với đời, đối xử với người nhà và bạn bè chí tình chí nghĩa. Vợ y vẫn làm cô giáo, cần mẫn với nghề dù chồng kiếm ăn được. Tôi mỗi lần ra Bắc vào Nam, gặp trúng chuyến tàu của Thọ thì không khác gì trúng số độc đắc, gần 3 ngày hành trình Hải Phòng - Sài Gòn lênh đênh trên biển chẳng những không mất tiền (khi ấy vé tàu biển khách Thống Nhất 120 đồng) mà còn được ăn uống như ông hoàng. Gọi là ông hoàng nhưng ông hoàng thời ấy thôi, những năm đầu thập niên 80, bởi thường ngày tinh nhét hạt bo bo vào bụng, lâu lắm mới được chạy qua hàng thịt hàng cá, thì trên tàu cứ ngày 3 bữa cơm trắng muốt, thịt cá đầy đủ, ăn xong còn có đét-xe (tráng miệng) trái cây, khi nho, khi táo tây, rồi trà túi lọc, cà phê sữa đá, bia Nhật... Sướng không thể tả. Đứa tôi nguyên quả táo to tròn ửng hồng, giục anh ăn đi, rồi Thọ bảo tôi, anh đừng ngại, đừng sĩ diện, chả mấy khi có dịp hưởng thụ vậy đâu. Em sang Nhật một chuyến, chỉ mua con xe bãi rác đem về bán cũng đủ tiền anh em mình ăn nhòe.

Hè năm 1980, chiếc tàu viễn dương mang tên Thái Bình (các con tàu của Vosco đều đặt tên theo tên sông, chẳng hạn Cửu Long, Sông Cầu, Sông Thương, Sông Hương, Vàm Cỏ, Thu Bồn…) của Thọ đi Osaka (Nhật) cập bến Hải Phòng. Tôi khi ấy đang nghỉ hè từ Sài Gòn về thăm quê nhà, thăm thày bu tôi. Buổi tối Thọ chạy xe máy xuống, khệ nệ ôm một bọc rõ to. Thọ rất quý thày tôi, lần nào về cũng có quà. Biết thày tôi hay viết lách ghi chép, Thọ thường mua biếu bút bi Nhật. Lần này ngoài bút bi, giấy trằng, còn “cháu biếu bác chút quà hoa quả”, mở ra toàn táo tây và lê. Thọ bảo cháu mua từ Nhật nhưng là táo Mỹ, táo Úc, lê Nhật. Tôi đã đi làm giáo học, dạy cả sinh viên, nhưng chưa bao giờ thấy nhà tôi có nhiều hoa quả ngoại ngon đến thế. Thày tôi thì khác, cụ từng làm thư lại ở phủ Kiến Thụy thời Pháp, từng biết đến những thứ này, nhưng cũng qua lâu rồi. Thày tôi cảm ơn Thọ, sai các con sắp táo lê bày trên bàn thờ. Thắp hương xong, đã tàn hẳn, thày lấy hoa quả xuống chia đều cho mọi người trong nhà, bảo ăn lấy thảo, ăn cho biết. Em rể tôi khi ấy ở cùng nhà, nói quà của ông, để ông ăn dần, sao ông chia hết thế, thày tôi nói hồi xưa thày đã được ăn rồi, biết mùi vị rồi, miếng ngon quý hiếm nên chia cho mọi người, nhất là “chúng bay từ bé đến giờ chưa biết nó thế nào”.

Trong số táo mâm quả mùng 5 tết tôi vừa dọn có một quả táo tây hơi bị dập. Bà xã tôi bảo nếu nó hư thì bỏ đi. Tôi tỉ mẩn ngồi gọt, khoét bỏ chỗ hư, giữ lại chỗ còn ăn được. Tôi bần thần nhớ đến lát táo tây mỏng lần đầu được nếm năm 1978, nhớ những quả táo tây thày tôi chia đều cho cả nhà. Tôi nhớ thày tôi, miếng ngon chả bao giờ dành về mình, giữ riêng cho mình.

Nguyễn Thông

Đặc quyền quan cách mạng (kỳ 2)

Tối 6.2, tôi coi tivi nhà nước thấy cảnh ông Võ Văn Thưởng, yếu nhân phụ trách mảng văn hóa tư tưởng của đảng cầm quyền (họ gọi là tuyên giáo) đi thăm 2 lực lượng quan trọng lúc này: Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (của quân đội) và Cục An ninh mạng (của công an). Ông này thì tôi biết tương đối rõ bởi hồi là người đứng đầu Trung ương Đoàn ông không để lại được dấu ấn, ấn tượng gì cho đám lính lác chúng tôi. Giờ may mắn làm tuyên giáo, ông phải ăn nói như bất cứ anh tuyên giáo nào. Ông ca ngợi này nọ. Ông làm nhiệm vụ bảo vệ đảng của ông.

Tôi biên điều ấy ra để nói rằng người ta thấm nhuần ý thức “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, chả bao giờ tự phơi bày cái xấu của chính họ. Bệnh đặc quyền quan cách mạng là một thói xấu, thậm xấu, có bề dày lịch sử, ông Thưởng biết mà không thể nói, nhưng chúng ta cần chỉ ra cho mọi người thấy, cũng để những người như ông Thưởng biết rằng chẳng có gì giấu được mãi.

Đa số những người cộng sản mắc chứng nói một đằng, làm một nẻo. Thế gian này, nếu tất cả mọi điều như chính người cộng sản nói thì đẹp vô cùng. Các quan hệ xã hội, cách đối nhân xử thế, nếu cứ theo họ tuyên bố, thì mọi thể chế, hình thái xã hội khác đều phải bái phục, vác bút nghiên đến mà học mệt nghỉ.

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Bài hát kỳ này: Mùa xuân làng lúa làng hoa

Lứa ra đời nửa sau thập niên 50 chúng tôi quen với những bài hát chiến tranh ùng oàng bom đạn, hừng hực “tinh thần cách mạng tiến công” chứ mấy khi được nghe những ca khúc trữ tình. Nói công bằng thì ngay cả những bài trữ tình nhất hồi ấy như “Tình ca” của Hoàng Việt, “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ cũng cứ phải đúng luồng, chảy theo dòng định sẵn, phải phả ra chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cái riêng tư mà đứng một mình thì chết ngay, bị quy là làm yếu tinh thần dân tộc, mất sức chiến đấu. Thôi thì thời thế nó vậy, biết làm sao.

Vì vậy, tới khi được nghe bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, tôi sững sờ. Cái phần tưởng như đã chai sạn, hóa đá, chết lặng trong con người mình lại được khơi ra. Hóa ra mình vẫn có nhu cầu yếu đuối, yêu bằng thứ tình yêu nhẹ nhàng, giản dị, yêu đất, yêu người, yêu những cái hết sức gần gũi, quen thuộc.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê viết bài này năm 1982, tức là khi ấy đám chúng tôi văng vào đời đã được gần 6 năm. Thời nớ, chả biết các bạn thế nào chứ tôi trong cảnh đời giáo Thứ sống mòn, chỉ lo kiếm cơm đổ vào mồm, nào có quan tâm tới cái gì. Nhưng rồi một ngày được nghe cô ca sĩ trẻ Trung Anh hát về làng lúa làng hoa, tự dưng ứa nước mắt, thầm nghĩ đời mình rồi sẽ thay đổi chứ lẽ đâu mãi chịu thế này.

Lại nhớ một lần, năm 1975 tôi cùng nhóm bạn đến chơi nhà một người bạn ở khu làng hoa Ngọc Hà phía sau lăng cụ Hồ. Bạn chủ nhà hiếu khách mời chúng tôi ngồi chơi, nhờ tôi bật giùm cái quạt máy Trung Quốc nhưng thằng thộn tôi cứ loay hoay chả biết phím bật nó ở chỗ nào. Hương hoa ngoài vườn thoảng thoảng vương vít hiên nhà như cười trêu vị khách vụng về quê kệch.

Nay tất cả đã xa rồi, cả làng hoa, hương hoa, cả người, cả những vụng về của một thời trẻ dại.

Nhiều người hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa” nhưng mình nghĩ có lẽ ca sĩ Thanh Hoa hát hay nhất, tình cảm nhất.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Đặc quyền quan cách mạng

Thiên hạ đang ồn ào về cái dự án nghĩa trang Yên Trung dành cho quan chức cấp cao định mở ở ngoại thành Hà Nội. Rộng hơn trăm mẫu tây, dự chi ngân sách tròm trèm 1.400 tỉ đồng.
Lâu nay, nhà cầm quyền đã tự mặc định chỗ chôn ông to bà lớn ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhắc tới cái tên này, một thời đồng nghĩa với sự kính cẩn, khiếp sợ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bởi đất vàng chỉ dành cho một hạng người nhất định. Nhưng rồi Mai Dịch, phần thì chật chội hết chỗ, phần kém thiêng, nên nhà nước đang tính phải có nơi thay thế, “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

Nếu ai còn chút lăn tăn, giở từ điển tiếng Việt thì từ “đặc quyền” được giải thích là “quyền, quyền lợi đặc biệt dành cho cá nhân, tập đoàn, hay một giai cấp nhất định”. Muốn tin cậy hơn nữa, bởi đây là từ gốc Hán Việt, thì mở thêm cuốn “Từ điển Hán Việt” của cụ học giả Đào Duy Anh thì đặc quyền tức “quyền lợi đặc biệt”. Thế là rõ.

Trong xã hội loài người, xét về lý thuyết, chỉ khi nào tiến lên tới hình thái cộng sản, khi ấy mọi người đều bình đẳng, thì mới hết đặc quyền. Ấy, cứ nghe bộ máy cai trị dóng dả tuyên truyền vậy chứ đã ai biết cái xã hội cộng sản nó mặt ngang mũi dọc thế nào. Giá có sống lâu như cụ Bành Tổ cũng chả mong nhìn thấy thiên đường “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Câu này thế hệ chúng tôi sinh vào thập niên 50 thế kỷ trước đứa nào cũng thuộc, khoái lắm, nhiều đứa còn mơ mộng sau một đêm ngủ dậy, ngỡ ngàng thấy sự nghèo đói đã lùi xa tít tắp, ngay cả ăn ngon mặc đẹp cũng không thèm, chả cần làm gì vẫn có ăn. Xã hội cộng sản là thế, chỉ nghĩ tới người đã tràn cảm giác lâng lâng.

Chữ ký

Nửa tuần nay, phải công nhận các chàng trai cầu thủ U.23 và ông thầy Park ký tên mệt nghỉ. Ký lên cờ, lên áo, ký lên quả bóng, ký vào sổ tay... Ai cũng muốn có chút kỷ niệm chữ ký của những con người nổi tiếng ấy.

Tôi rất trân trọng cả người ký lẫn người xin chữ ký. Đó là nét văn hóa khá mới mẻ trong xã hội hiện đại.

Nhưng tôi không cố chen lấn để xin cho được chữ ký của ai đó, những yếu nhân, văn nghệ sĩ, ca sĩ, cầu thủ, đại gia, nói chung là những người nổi tiếng. Tôi tự biết, mình quý trọng họ là được rồi, bởi trên thực tế thấy những chữ ký lưu niệm, kỷ niệm bị đối xử hắt hủi, lãng quên, thật tội.

Tôi mê sách, thường la cà ở những tiệm bán sách cũ đường Trần Nhân Tôn (quận 5), hoặc Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), không ít lần mua được những cuốn sách hay, giá rẻ, trang đầu có chữ ký trân trọng của tác giả ký tặng người này người nọ. Sách quý như thế mà trôi nổi lưu lạc, cũng có thể chủ nhân cuốn sách gặp cảnh khốn khó tang thương đến nỗi phải bán cả sách mà sống qua ngày, nếu vậy thì thật đáng thương, dễ thông cảm. Nhưng cũng có thể họ cũng chả tha thiết gì với kỷ niệm của người khác. Những cuốn sách ấy, sau khi mua về, bao giờ tôi cũng lấy kéo cắt cẩn thận tờ có chữ ký bỏ đi. Mình dễ bị hiểu nhầm là mượn sách của người khác nhưng không trả. Nhưng cái chính là giữ gìn cái tiếng cho ai đó từng là chủ nhân cuốn sách.

Hồi đầu năm ngoái, chị Ái Vân về nước giới thiệu cuốn hồi ký của chị, tôi được chị ký tặng một bản. Đối với tôi, chữ ký ấy có giá trị ngang cuốn sách. Mỗi lần mở ra đọc lại, ngắm nghía chữ ký chán chê rồi mới lật từng trang, thấy thú vị vô cùng. Cuốn Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, có chữ ký của cụ Khánh, rồi bộ sách Bạn Văn, Ký Ức Vụn của nhà văn Nguyễn Quang Lập, cuốn nào bọ Lập cũng đề tặng rất cẩn thận nắn nót, nét ký thật đậm phía dưới, những cuốn ấy, tôi bảo các con "đứa nào cho mượn làm mất mấy cuốn này của bố, phải đền 1 tỉ", chúng lắc đầu lè lưỡi.