Nhớ năm ngoái, sáng mùng 5 tết dọn bàn thờ tổ tiên ông bà, thay cốc nước, lau tàn nhang, bỏ bình hoa sắp tàn, xin các cụ cho đem đĩa trái cây xuống để con cháu hưởng lộc, tâm tưởng bất chợt sống lại một chuyện hồi xa lắc.
Trong đĩa trái cây có những quả táo tây. Quả nào quả nấy to mọng, căng tròn, ánh lên sắc hồng đỏ nâu tím. Cứ như tem của siêu thị ghi dán ịch trên vỏ thì đó là táo Úc, không phải táo Trung Quốc. Chẳng biết tự bao giờ đâm sợ táo Trung Quốc. Những quả táo kia, chỉ nhìn đã phát thèm.
Cuối những năm 70, đầu 80 thế kỷ trước cuộc sống thật thiếu thốn khó khăn. Mãi khi vào miền Nam nhận công tác năm 1977 tôi mới được nếm mùi vị táo tây, mà cũng chỉ một miếng nhỏ trong bữa tiệc cuối năm do nhà trường chiêu đãi. Nó có cái ngon riêng so với táo dai, táo xoan, táo Thiện Phiến xứ ta, nhưng về hình thức thì ăn đứt, sang trọng, hấp dẫn hơn nhiều.
Tôi có chú em rể họ, tên là Thọ, dân Kim Sơn kháng Nhật (thôn đầu tiên trên đất Hải Phòng nổi trống mõ phá ách cai trị của phát xít Nhật, ở xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy), lấy con cậu ruột tôi. Y làm thủy thủ tàu viễn dương Công ty Vosco. Thời ấy, thủy thủ Vosco được coi như tầng lớp quý tộc, thượng đẳng thần, giới kỹ sư bác sĩ cũng chỉ xách dép cho họ. Khi cả xã hội, trong đó có nhiều giáo sư tiến sĩ “vua biết mặt, chúa biết tên” gò lưng trên chiếc xe đạp thì các vị thần này thả sức lướt trên xe máy Nhật mới coóng, DD đỏ hoặc Cup 81 kim vàng giọt lệ. Mình vừa đạp vừa quệt mồ hôi vã ra, còn chúng nhẹ lướt qua, tiếng máy êm như ru, để lại làn khói xanh mỏng cay mắt. Ông anh con bác tôi cười bảo con gái nhà nào chớp được "thằng" viễn dương Vosco thì chả khác gì lấy được cả chục thằng A Phủ làm chồng. Làng trên xóm dưới nhìn vào mà thèm.
Chú Thọ nhà tôi quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển, mỗi năm chỉ lên bờ vài lần. Y là thủy thủ viễn dương nhưng không giống đa số Vosco mà tôi đã nhắc ở trên. Y rất giản dị, tốt tính, không lên mặt với đời, đối xử với người nhà và bạn bè chí tình chí nghĩa. Vợ y vẫn làm cô giáo, cần mẫn với nghề dù chồng kiếm ăn được. Tôi mỗi lần ra Bắc vào Nam, gặp trúng chuyến tàu của Thọ thì không khác gì trúng số độc đắc, gần 3 ngày hành trình Hải Phòng - Sài Gòn lênh đênh trên biển chẳng những không mất tiền (khi ấy vé tàu biển khách Thống Nhất 120 đồng) mà còn được ăn uống như ông hoàng. Gọi là ông hoàng nhưng ông hoàng thời ấy thôi, những năm đầu thập niên 80, bởi thường ngày tinh nhét hạt bo bo vào bụng, lâu lắm mới được chạy qua hàng thịt hàng cá, thì trên tàu cứ ngày 3 bữa cơm trắng muốt, thịt cá đầy đủ, ăn xong còn có đét-xe (tráng miệng) trái cây, khi nho, khi táo tây, rồi trà túi lọc, cà phê sữa đá, bia Nhật... Sướng không thể tả. Đứa tôi nguyên quả táo to tròn ửng hồng, giục anh ăn đi, rồi Thọ bảo tôi, anh đừng ngại, đừng sĩ diện, chả mấy khi có dịp hưởng thụ vậy đâu. Em sang Nhật một chuyến, chỉ mua con xe bãi rác đem về bán cũng đủ tiền anh em mình ăn nhòe.
Hè năm 1980, chiếc tàu viễn dương mang tên Thái Bình (các con tàu của Vosco đều đặt tên theo tên sông, chẳng hạn Cửu Long, Sông Cầu, Sông Thương, Sông Hương, Vàm Cỏ, Thu Bồn…) của Thọ đi Osaka (Nhật) cập bến Hải Phòng. Tôi khi ấy đang nghỉ hè từ Sài Gòn về thăm quê nhà, thăm thày bu tôi. Buổi tối Thọ chạy xe máy xuống, khệ nệ ôm một bọc rõ to. Thọ rất quý thày tôi, lần nào về cũng có quà. Biết thày tôi hay viết lách ghi chép, Thọ thường mua biếu bút bi Nhật. Lần này ngoài bút bi, giấy trằng, còn “cháu biếu bác chút quà hoa quả”, mở ra toàn táo tây và lê. Thọ bảo cháu mua từ Nhật nhưng là táo Mỹ, táo Úc, lê Nhật. Tôi đã đi làm giáo học, dạy cả sinh viên, nhưng chưa bao giờ thấy nhà tôi có nhiều hoa quả ngoại ngon đến thế. Thày tôi thì khác, cụ từng làm thư lại ở phủ Kiến Thụy thời Pháp, từng biết đến những thứ này, nhưng cũng qua lâu rồi. Thày tôi cảm ơn Thọ, sai các con sắp táo lê bày trên bàn thờ. Thắp hương xong, đã tàn hẳn, thày lấy hoa quả xuống chia đều cho mọi người trong nhà, bảo ăn lấy thảo, ăn cho biết. Em rể tôi khi ấy ở cùng nhà, nói quà của ông, để ông ăn dần, sao ông chia hết thế, thày tôi nói hồi xưa thày đã được ăn rồi, biết mùi vị rồi, miếng ngon quý hiếm nên chia cho mọi người, nhất là “chúng bay từ bé đến giờ chưa biết nó thế nào”.
Trong số táo mâm quả mùng 5 tết tôi vừa dọn có một quả táo tây hơi bị dập. Bà xã tôi bảo nếu nó hư thì bỏ đi. Tôi tỉ mẩn ngồi gọt, khoét bỏ chỗ hư, giữ lại chỗ còn ăn được. Tôi bần thần nhớ đến lát táo tây mỏng lần đầu được nếm năm 1978, nhớ những quả táo tây thày tôi chia đều cho cả nhà. Tôi nhớ thày tôi, miếng ngon chả bao giờ dành về mình, giữ riêng cho mình.
Nguyễn Thông