Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Nghỉ hưu

Về vụ tuổi nghỉ hưu, quốc hội bàn ra tán vào rất vớ vẩn. Nói vớ vẩn bởi các ông bà cứ lằng nhằng dây điện, có ông còn giãi bày tăng tuổi hưu không phải để giữ ghế, có bà thì sổ toẹt tăng hưu cứ ngồi mãi đó thì bọn trẻ chầu chực tới bao giờ, v.v..

Theo tôi, cứ thế này: Công nhân viên chức, người lao động bình thường, để sống được chỉ trông mong vào việc bán sức lao động, thu nhập bèo bọt, vậy nếu họ còn sức khỏe, còn khả năng hoàn thành nhiệm vụ, "phục vụ đất nước, đảng và nhân dân lâu hơn nữa" thì cứ để cho họ làm. Tới lúc muốn nghỉ thì cho nghỉ, miễn là phải ngoài ngưỡng lục thập hoa giáp (tròn 60) chứ đang sung sức 40-50 lại cứ ầm ầm đòi về hưu thì ai mà chiều được.

Nhưng đám cán bộ, nhất là lãnh đạo, lương cao, bổng lộc nhiều, hưởng lắm, ăn chơi quá đà nên sức khỏe mau suy yếu, cứ dứt khoát đủ 60 là nghỉ, về mà thụ hưởng những gì đã vơ vét được, không lằng nhằng bám vào ghế này ghế nọ. Các ông bà đừng tưởng nếu các ông bà nghỉ sẽ không có người thay, công việc sẽ bị đình trệ, sẽ khó khăn này nọ. Xin lỗi đi, không có ông bà, đảm bảo tốt hơn là cái chắc bởi các thế hệ sau đương nhiên phải trẻ hơn, thông minh hơn, đầu óc thông thoáng hơn. 

Làm to, to mấy cũng nghỉ hưu tuổi 60, không ngoại lệ. Càng to càng phải làm gương, tới chủ tịch nước, thủ tướng cũng thế. Đâu có cái thói tự đặt ra quy định số đông phải nghỉ ở tầm này độ này, còn "một bộ phận không nhỏ" được quyền làm tới khi nào muốn nghỉ, tới 70, 80, thậm chí 90, già cốc khú đế rụng mẹ nó hết răng cũng cứ đòi nhai gân gà. Đầu óc nhớ nhớ quên quên, chân tay run lẩy bẩy, ngồi cũng không vững, thì nghỉ đi, ai bắt tội mà cứ phải tự nguyện phục vụ cống hiến mãi.

Còn không nghe theo tư vấn của tôi, thì hãy nhìn ra thế giới, xem người ta làm thế nào hay nhất, tốt nhất có lợi cho số đông người lao động mà bắt chước, chứ ngồi đó mà bàn mãi, sốt cả ruột. Mỗi ngày tốn hơn cả tỉ bạc chứ có ít đâu.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Quần đùi

Một tờ báo tiếng Việt (chứ nếu báo tiếng Anh thì nói làm gì) viết bài kể rằng có vị Phó giáo sư mặc quần đùi lên phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế. Tút này không bàn tới chuyện khen chê mặc quần gì là hợp, mà chỉ lưu ý tới quần đùi.

Phải nói ngay rằng không phải mặc loại quần cứ lộ đùi ra thì gọi đó là quần đùi. Trong tiếng Việt ta đã có đủ từ ngữ để chỉ từng loại quần, chả cần phải sáng tạo thêm làm gì.

Nói toẹt ngay, từ "quần đùi" để chỉ loại quần lót, ngắn, bằng vải mỏng, dùng mặc lót bên trong trước khi mặc quần dài. Nó chỉ là quần lót, dùng cho đàn ông. Miền Nam gọi là quần xà lỏn. Ngày xưa ở miền Bắc, đàn ông không mấy ai mặc quần xi líp, quần xì, mà chỉ mặc quần đùi. Đối lập với quần đùi là quần dài.

Nói chung quần đùi-xà lỏn chỉ để mặc lót, còn nếu mặc nó không có quần dài phủ ngoài thì chỉ lúc nào ở nhà. Ngay đám trẻ con nông thôn khi xưa, dù rách rưới, thiếu thốn, không mấy đứa dám mặc quần đùi tới trường hoặc ra đường. Ngượng bỏ mẹ. Hồi tôi học lớp 5 (bằng lớp 6 bây giờ), một lần cả hai cái quần dài vải xanh kaki Nam Định đều bị ướt, tôi tặc lưỡi liều mặc quần đùi đến lớp. Đang thập thò ở cửa lớp nơi sơ tán bên làng Phương Đôi, tôi định lẻn vào cuối lớp nhưng cô Cúc giáo viên địa nhìn thấy, hiểu ngay ra "vấn đề", cô bảo hôm nay hình như em bị ốm (bệnh), cô cho em nghỉ, em cứ về đi. Một lần mà nhớ mãi. Trăm sự cũng tại cái nghèo.

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Chuyện làng: Chuyện bác Ỷ

Làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) quê tôi thuần nông, dân làng chỉ tinh những nông dân cày cuốc chăm chỉ việc ruộng đồng, không có ai làm quan to, tướng lĩnh, nghệ sĩ này nọ. Nghe người ta ca ngợi “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” (nói về những làng quê nổi tiếng xứ này, làng Hành Thiện (Nam Định) ở miền Bắc, làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) ở miền Trung có nhiều danh nhân), hoặc làng Cổ Am bên huyện Vĩnh Bảo ngay quê Phòng mình, nhiều lúc cũng hơi ngậm ngùi, làng mình chả có gì. Ấy là mặc cảm thoáng chốc thế thôi, chứ yêu làng lắm. Làng mình dù nghèo, chẳng mấy ai biết nhưng “không phải dạng vừa đâu”, tại thiên hạ không tường tận đấy thôi.

Lớn lên trong chốn làng quê, sống với những người bình dị chân đất quê mình, mãi tới khi “thoát ly”, đi học xa tận thủ đô, rồi tốt nghiệp vào làm công cho nhà nước tận Sài Gòn, tôi mới ngẫm rằng làng Trà đã thành một phần không thể thiếu trong tình cảm, suy nghĩ của mình. Thứ ký ức tày tặn, chặt chẽ lâu lâu lại trồi lên, nhất là những khi chiều mưa ngồi miết trong nhà như thế này.

Ông em rể tôi, người bỏ ra khá nhiều công phu tìm hiểu về làng Trà, coi cái thế đất của làng rồi bảo, anh ạ quê mình vùng trũng, lưng tựa núi Chè, trông ra đầm bãi, có khoảnh ruộng đất hình gương lược, chỉ sinh ra đàn bà con gái đẹp thôi, chứ không phải đất phát tích quan. Mà thế thật. Con gái làng Trà ngày xưa đẹp nổi tiếng, tới mức thành điển tích “Trà Phương công chúa”. Tuy nhiên, sự học hành thì cũng bình thường, ít người đậu đạt cao, phần lớn làng nhàng, “hàm, vị” chủ yếu tú tài, cử nhân thời mới, còn “phẩm” đạt tới công nhân viên chức là quá lắm rồi. To như ông Trần Văn Sỹ xóm trong làm tới vụ phó hơi bị hiếm. Chiến tranh suốt bao năm, hết lớp này tới lớp khác lên đường ra trận, chẳng có ai tướng lĩnh, chỉ liệt sĩ là nhiều. Làng Trà tới năm 1975 khoảng hơn 1.500 khẩu nhưng có tới gần trăm liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ và đánh quân Tàu. Coi tấm bia đá khắc danh sách liệt sĩ đặt bệ vệ trong nghĩa trang liệt sĩ mới, thấy cả tên cậu em họ, Ngô Duy Lại, nhập ngũ tháng 1.1978, hy sinh năm 1979, ngày 6.3. Tức là bọn Trung Quốc gây chiến ngày 17.2, thì chỉ hơn nửa tháng sau Lại hy sinh. Hồi còn nhỏ chúng tôi chơi với nhau, cứ chế thằng Lại thò lò mũi xanh. Ngay cái khuôn mặt và nụ cười của Lại, bặt nhau kể từ năm 1972 tới giờ, vậy mà còn nhớ như in, chỉ tiếc mình không có khả năng truyền thần mà họa lại những khuôn mặt xưa, cứ chập chờn chập chờn trong ký ức.

Học một sàng khôn

Tôi nhận thấy, qua tất cả những gì mà báo chí quốc doanh thông tin (có lợi) về chuyến xuất ngoại "thăm cấp nhà nước" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nga, Na Uy, Thụy Điển, có một điều rất đáng quan tâm.

Riêng anh Nga ngố không nói làm gì, vẫn nặng phô trương, màu mè, hoa hòe hoa sói, một thứ di sản còn đậm của triều cộng sản Liên Xô chưa dễ gì xóa được, thì ở 2 nước Na Uy, Thụy Điển, những điều diễn ra của nước chủ nhà khiến ta phải ngẫm nghĩ kính phục.

Hai nước này vẫn còn duy trì thể chế quân chủ lập hiến, tức là còn vua, còn hoàng gia, dưới hoàng gia là chính phủ. Cứ tưởng phong kiến đặc sệt thế, họ sẽ màu mè cờ đèn kèn trống, tiền hô hậu ủng, hoa hoét ngập tràn. Ai ngờ, đón tiếp, trò chuyện, hội đàm với thủ tướng của một nước "từng đánh thắng hai đế quốc to", "đất anh hùng của thế kỷ 20", cả đức vua lẫn thủ tướng hai nước quá giàu này đã tổ chức rất mực giản dị, thân mật, không rùm beng hoa hoét mà vẫn lịch sự, trọng thị. Căn phòng tiếp khách, chỗ ngồi, cái bàn cái ghế đều chỉ như ở một công sở hạng thường xứ ta. Và đặc biệt, hầu như không bày biện hoa này hoa nọ. Chả hạn trên cái bàn tiếp đón của vua Thụy Điển chỉ có mỗn bình hoa bé tí xíu, để gọi là có. Đón tiếp cũng không có cảnh bắt đám trẻ con ngơ ngác cầm hai tay hai cờ vẫy rối rít. Nếu ta bất chợt nhìn thấy cảnh này thì hóa ra do Đại sứ quán VN tổ chức, xuất khẩu cả đặc sản ra xứ người.

Chuyện đi lại (kỳ 3)

Nhắc tới sự đi lại, không thể không nhớ tới cái ô tô.

Hôm trước tình cờ coi trên trang “báo địch” BBC thấy chùm ảnh tư liệu của các phóng viên AP, AFP, NYT, và tất nhiên của BBC nữa, về cuộc sống ở miền Nam, ở Sài Gòn những năm trước “giải phóng”. Khá nhiều ảnh chụp từ hồi cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, thời ông Ngô Đình Diệm. Coi chán chê, mới ngớ ra, những gì mình từng được tuyên truyền, được giáo huấn (mà người cộng sản gọi phương thức này của kẻ địch là nhồi sọ) hồi tuổi thiếu nhi và thanh niên lại khác hẳn với những bức ảnh sống động này. Không có gì gọi là chìm đắm, rên xiết, màn đêm đen tối… của cái chế độ Mỹ ngụy tàn bạo. Trong ảnh vẫn phảng phất đâu đó bóng ma chiến tranh nhưng rõ ràng cuộc sống miền Nam khởi sắc, giàu có, vật chất đầy đủ hơn hẳn những gì mình tưởng tượng. Hay là đám phóng viên nước ngoài nhận tiền của “bọn” Ngô Đình Diệm, Thiệu - Kỳ rồi tô hồng cho cái cuộc sống mà miền Bắc định nghĩa là bơ thừa sữa cặn. Có nhẽ đâu thế.

Điều rất sửng sốt trong những sự bất ngờ là phương tiện đi lại. Nó nói lên sự khác biệt của hai miền. Như đã nói trong những bài trước, mãi tới tận thập niên 70 phần đông dân chúng miền Bắc đến cái xe đạp cũng không có mà đi. Xe công cộng như xe khách (trong Nam gọi là xe đò), xe buýt rất hiếm. Lứa chúng tôi, đám sinh ra giữa thập niên 50, từ sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, “bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi”, lớn lên giữa chế độ mới, không hề biết taxi là gì. Trên đường phố miền Bắc, những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… lọt vào mắt là những chiếc xích lô xộc xệch với dáng đạp uể oải của tấm thân gầy còm. Xe ô tô con rất hiếm, chủ yếu đám Volga, Moskvic, Lada do Liên Xô sản xuất chỉ để dành cho cán bộ cấp trung ương trở lên. Ngay cả những thầy nổi tiếng ở trường Đại học Tổng hợp hà Nội hồi nửa đầu thập niên 70, duy nhất có Giáo sư Ngụy Như Kontum hiệu trưởng được cưỡi xe Moskvic, còn thầy hiệu phó Dương Hữu Thời, thầy bí thư đảng ủy Nguyễn Đình Tứ, thầy Hoàng Xuân Nhị giáo sư chủ nhiệm khoa Văn, thầy Phan Hữu Dật giáo sư chủ nhiệm khoa Sử, những vị trí thức nổi tiếng từ thời Pháp thuộc (không kể thầy Tứ đi Liên Xô về) đều phải nói “không” với ô tô. Các vị sư biểu ấy có người chạy xe gắn máy (như thầy Nhị), còn phần lớn đều diện xe đạp.

Những nẻo đường miền Bắc thời ấy trông thật nghèo nàn, thiếu thốn, xơ xác. Chúng phô bày ra trên từng mét đường, có muốn giấu, muốn che đậy cũng không giấu nổi.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Diễn viên hài

Thú thực lúc đầu tôi cũng không có cảm tình với ông ứng cử viên tổng thống Ukraine Zelensky cho lắm, bởi có mặc cảm ông ấy là diễn viên, mà lại diễn viên hài. Bầu ông ấy làm tổng thống, khác gì dân Đại Việt ta bầu anh diễn viên Bắc đẩu Công Lý (chồng cũ của cô Thảo... Mai) làm chủ tịch nước. Thế thì có mà diễn trò cười suốt ngày.

Nhưng rồi dân chúng U Cờ Ren (hồi chúng tôi còn bé, thường hát bài ca về đất nước này, mở đầu là câu "đồng xanh bát ngát mênh mông U Cờ Ren/dòng sông lắng trôi trong xanh êm đềm/bạch dương tươi tốt lá xanh cành vươn bên bờ/là nơi cố hương thân yêu thanh bình..." đã bầu ông diễn viên hài làm người chèo lái để họ "đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác". Tôi có thể nhầm chứ chả nhẽ hơn 30 triệu người Ukraine lại nhầm. Vả lại nước Mỹ từng có vị tổng thống Ronald Reagan lừng danh chẳng xuất thân từ diễn viên đó sao. Vậy thì chúc mừng họ.

Diễn viên thường ăn nói khéo. Ông Zelensky cũng vậy. Nhưng khi ở cương vị tổng thống thì lời nói không phải của diễn viên nữa mà của chính khách. Tôi thích cái sự thiết thực (mà một số người bảo là dân túy) của ông Dê (Zelensky) khi ông đề nghị đừng có treo ảnh ông ở bất cứ nơi nào.

Chỉ một câu cũng đủ hạ bệ thói sùng bái cá nhân phổ biến ở rất nhiều nước, nhiều chính thể, nhất là mấy anh cộng sản. Tôi đảm bảo trong triều đại Zelensky, xứ U Cờ Ren sẽ vắng bặt cờ quạt, băng rôn, kèn trống, đón rước, diễn văn dài dòng, đít cua tràng giang đại hải, thưa thốt ông nọ bà kia, khẩu hiệu giăng đầy ngõ xóm. Vâng, cái bệnh hình thức ấy, dẹp, dẹp ngay, thì đất nước mới phát triển được. Lễ lạt kỷ niệm cho lắm vào, chỉ kích cầu vào túi mấy ông bà cán bộ chứ dân chả ăn bà ăn giải gì.

Thực ra, không phải chỉ ông Dê xứ U Cờ Ren mới biết dẹp thế. Nhớ hồi năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng mới lên tổng bí thư, một trong những việc đầu tiên mà cụ tổng yêu cầu là dẹp hết những băng rôn, khẩu hiệu, màn trướng đón rước khi cụ tới nơi đâu đó làm việc. Thực hiện được đôi ba bận, báo chí ghi nhận, khen nức nở, rồi đâu lại vào đó, lại cờ đèn kèn trống linh đình, như chưa hề buột mồm nói.

Xứ này, cứ nhìn vào chỗ làm việc, tiếp khách thì thấy ngay. Cái ghế ngồi cũng phải bệ vệ, cao to hơn, rồng phượng hơn, uy nghi hơn người khác, thì đừng nói gì tới chuyện không treo ảnh. Có khi không có ảnh thật đó, bởi đã có ảnh của lãnh tụ kính mến rồi, treo thêm nữa ngại đụng chạm, nhưng nhìn chỗ nào cũng thấy "ảnh", thấy dấu ấn cá nhân khoe khoang của các vị ấy.

Vậy chưa chắc, xứ ta và U Cờ Ren, nơi nào nhà cai trị hài hơn.

Nguyễn Thông

Phải khách quan

Tôi cứ công bằng, có sao nói thế. Dư luận có ý chê trách chính quyền ở TP.HCM thiếu kiên quyết, để thành phố này thành một đô thị rác, bẩn thỉu, hôi hám, ô nhiễm, môi trường càng ngày càng tệ, không xanh sạch đẹp...

Tôi cho rằng, dân chúng hãy tự trách, tự vấn mình trước. Không khó gì bắt gặp người chạy xe vừa đi vừa ăn chôm chôm vứt vỏ xuống đường, một ông nào đó quảng vỏ bao thuốc lá ra giữa đường khi lấy xong điếu cuối cùng, một phụ huynh cầm cái giấy gói xôi hoặc hộp nhựa đựng trà sữa của con khi con ăn xong uống xong ném toẹt xuống đường, một bà chủ nhà ven đường quét gom rác tuồn xuống cống, một chị chở bịch rác to mắt trước mắt sau tới giữa cầu ném tùm xuống kênh rồi vọt lẹ, một ông sáng nào cũng xách rác ra để ngay lỗ ga mặc cho trời mưa có thể cuốn trôi vào, v.v..

Không ít ông bà ngồi trong xe ô tô lịch sự nhưng mở cửa xe ném vụt rác ra ngoài rồi mau chóng đóng cửa lại. Có cả vạn ông chạy xe trước người khác bất chợt khạc một nhát thật mạnh và phun ngang cái phì bất kể trúng mặt mũi thân thể người phía sau.

Nhiều lắm, không thể kể ra hết được.

Chính quyền đương nhiên có lỗi của chính quyền trong việc tổ chức và thực hiện. Nhưng đừng quy hết trách nhiệm cho chính quyền. Đừng chỉ ra quân, làm phong trào này nọ nhặt rác, dọn cỏ, vớt bèo, thông cống... ngoài đời bởi nhặt xong lại có. Hãy nhặt rác trong đầu đã. Người chưa sạch rác thì đừng mong gì cuộc sống hết bẩn.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Ngồi xó bếp nói chuyện thế giới

Tập Cận Bình có giỏi không? Giỏi. Không giỏi mà lại cầm đầu được quốc gia cả tỉ rưỡi dân, trong số ấy có hằng hà cơ man bọn anh hùng cái thế cỡ Tào Tháo, Trần Bình, Trương Lương, Quản Trọng, Tư Mã Ý...

Nhưng không may cho y, giá như nước Mỹ vẫn còn dạng lãnh tụ kiểu Obama thì tới thời điểm này y có lẽ đã ngoi lên ngôi bá chủ thiên hạ. Chính Obama đã tạo cho Tàu cơ hội có một không hai là khoảng thời gian gần chục năm quý hơn vàng để đè Mỹ, ra oai với thế giới. Tội của Obama và đảng dân chủ còn lâu dân Mỹ mới tha cho, mới rửa được.

Trời đã sinh Tập, sao còn sinh Trump. Nếu bắn nhau đùng đoàng, chưa biết bên nào thiệt hơn bên nào, nhưng đây lại là chiến tranh thương mại. Dẫu quỷ kế như Tập và đám quân sư Tàu thì vẫn không thể nào chịu nổi, đương nổi kẻ cầm đầu chiến tranh thương mại của phe đối phương lại là một người mà gien buôn bán ngấm vào từng tế bào như Trump. Coi cái cách Trump chỉ đạo, điều hành, phát ngôn về vụ này, thấy rõ đây không phải là chiến tranh mà là cuộc buôn bán. Mà buôn bán thì ông ta thắng.

Trung Quốc lâu nay sống và phát triển được là nhờ đánh hàng ra ngoài, dù thị trường nội địa có dân số bằng gần 1/4 toàn thế giới. Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Nay Mỹ không mua nữa, chỉ có chết. Còn Mỹ sẽ không chết, bởi ối anh đang năn nỉ cầu cạnh thị trường Mỹ, trong đó có VN.

Tới lúc này mà con khư khư theo Tàu, còn kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội ở VN theo kiểu... đặc sắc Trung Quốc thì chỉ có từ chết tới bị thương. Nhân cơ hội này, đổi ngay (chứ không phải là tuyên bố chưa đặt vấn đề đổi), dù đã quá muộn, nhưng may ra còn kịp.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Háo danh

Tôi muốn nói với mấy ông lãnh đạo Học viện Báo chí - Tuyên truyền rằng: Mấy ông cứ xuê xoa bao che cho đương sự háo danh PGS-TS viện trưởng viện Báo chí Đỗ Thị Thu Hằng thì chỉ tổ làm xấu cái học viện của các ông thôi.

Ở xứ văn minh và biết lễ nghĩa, chỉ cần có một đương sự sai phạm, giả dối như thế là đủ phăng teo ngay rồi, không cần lôi thôi ỡm ờ gì cả.

Từ vụ này, tôi nghi mấy thứ học hàm học vị, chức danh của bộ máy cai trị xứ mình quá.

Cứ như ông Phó giám đốc học viện cho biết, nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn tự chụp bìa báo, rồi dàn trang, rồi ghép thành tờ báo, thế mà lừa được cả đội ngũ giảng viên, giáo sư tiến sĩ, vậy thì một là các vị ấy quá ngu, nhìn thứ đồ giả mà không phân biệt được, hai là háo danh nên biết bị lừa cũng cứ lờ đi.

Chỉ tội cho các học viên của cái học viện này, được thụ giáo "thầy Tuấn" và các thầy cô tư cách như vậy. Xấu hổ quá đi mất.

Cơ quan chức năng cũng cần khởi tố vụ nhà báo quốc tế Tuấn làm hàng giả hàng dỏm để trục lợi.

Mà chính cái học viện nói trên cũng háo danh. Là nơi đào tạo người làm báo, dạy cho học viên, thì gọi là khoa đã chết ai, cũng phải nâng lên thành "viện" (viện báo chí), viện trưởng viện phó này nọ, đủ mâm bát cờ phướn, rất phường tuồng. Nâng lên một cấp như thế là nâng một cấp chi ngân sách, chỉ chết tiền dân.

Lão hàng xóm nhà tôi bảo cả hệ thống cai trị xứ ta háo danh chứ riêng gì học viện. Lão lấy dẫn chứng, chỉ làm ông chánh văn phòng một bộ mà cũng phải trung tướng, làm anh cảnh sát giao thông ra đường múa múa cái gậy cũng trung tá, thượng tá, khiến bội chi ngân sách, thâm hụt tài chính quốc gia, thế thì hết mẹ nó tiền là phải rồi.

Nguyễn Thông

Đổ qua đổ lại, chỉ nhà thờ Bùi Chu là thiệt

Đức giám mục Giáo phận Bùi Chu Thomas Vũ Đình Hiệu vừa có văn bản trả lời Hội Kiến trúc sư Việt Nam và cũng là gián tiếp bày tỏ với các cơ quan thông tấn báo chí, cùng dư luận xã hội, về “vụ nhà thờ chính tòa Bùi Chu”. Ngài cảm ơn những đóng góp có tính xây dựng với giáo hội về việc “hạ giải” nhà thờ, khẳng định sẽ tiếp thu những đóng góp để công việc mục vụ tốt hơn.

Nói chung, lời lẽ của những người thay mặt giáo hội Thiên chúa thường mềm mỏng, khôn khéo, biết điều như vậy.

Điều cũng không khó nhận ra là đức chủ chiên vẫn khẳng định “nhà thờ Bùi Chu là tài sản của giáo hội” (tức là thuộc toàn quyền giáo hội), nó đã hư hỏng, xuống cấp nặng (tức cần phải sửa chữa, thay thế, thậm chí phá đi để xây mới), và quan trọng nhất, do cũ kỹ, mục nát, hư hỏng vậy nên “rất nguy hiểm tới tính mạng bà con giáo dân” tới hành lễ hằng ngày, và với “khách tham quan” thỉnh thoảng tới chiêm quan ngưỡng mộ.



Đặt ra vấn đề sinh mạng con người, quả thật đức chủ chiên đã nêu được vấn đề cực kỳ hệ trọng. Hàm ý rằng, vì quan tâm tới con người nên chúng tôi buộc lòng phải phá và làm lại, chứ thực ra cũng chả muốn, cũng tiếc lắm. Các vị (ngoài giáo hội) mà ngăn cản, mà không đồng ý cho chúng tôi làm, mà điều nọ tiếng kia, sau này lỡ xảy ra chuyện sập đổ, chết người, các vị nhớ chịu trách nhiệm. Mạng người là quý. Chúng tôi đã cảnh báo trước rồi.

Cha Hiệu cũng có ý trách những người (đại diện Bộ Văn hóa, các kiến trúc sư, các nhà văn hóa) xuống tận nơi (nhà thờ chính tòa Bùi Chu) khảo sát mà không có bất cứ ai tới trực tiếp gặp giám mục và những người có trách nhiệm đối với nhà thờ này. Nếu quả thật như vậy thì quá tệ.

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Chuyện hát chèo (kỳ 2)

Như đã nói ở bài đầu, chèo ngấm vào người dân xứ bắc, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ như một lẽ tự nhiên. Có không ít người, cả già lẫn trẻ, mở miệng ra là có thể hát được cả bài chèo cổ dài dằng dặc, ngân nga í a ì a, a í a, í ì i, biết đủ làn điệu với những tên gọi khó nhớ như hồi văn, cách cú, sắp qua cầu, xẩm xoan, lới lơ… Cũng giống như món cải lương quen với người Nam Bộ vậy. Hồi tôi mới vào Nam, năm 1977, thỉnh thoảng trong đám đông đồng nghiệp hoặc bạn bè mới, thấy ai đó đứng lên góp vui văn nghệ ngâm mấy câu vọng cổ hoặc hát một trích đoạn cải lương khá dài, lúc đầu nghe phục lắm, sau chợt hiểu rằng “đất lề quê thói”, mỗi vùng một sản vật, một nét đặc trưng.

Miền Bắc nhiều chiếu chèo, mỗi “chiếu” mang dáng vẻ riêng, tuy nhiên hồn cốt chèo thì hầu như đâu cũng thế. Phải công nhận, giữa bao nhiêu chiếu chèo, vùng chèo, tỉnh chèo, huyện chèo, thậm chí cả xã chèo có tên có tuổi, thì nổi tiếng, lừng danh nhất là đất chèo Thái Bình. Ông anh tôi bảo rằng Thái Bình, vùng đất thuộc trấn Sơn Nam Hạ khi xưa, là tỉnh duy nhất ở miền Bắc không có núi đồi, nhưng bù lại chèo của quê lúa này thì không đâu bằng. Nghe rằng đây chính là cội nguồn của chèo, nơi sản sinh ra chèo. Đoàn chèo tỉnh Thái Bình đi tới đâu làm rộn ràng sống động chỗ ấy. Được coi các diễn viên chèo Thái Bình diễn những vở kinh điển Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Nghêu Sò Ốc Hến… một lần thôi cũng đủ hả dạ, biết thế nào là chèo đặc sản, đẳng cấp, chèo chất lượng cao. Ấy, nói chuyện ngày xưa thì vậy, chứ bây giờ không biết thế nào, chả dám bàn.

Lại nhớ, hồi máy bay Mỹ mới ra đánh phá miền Bắc những năm 1964 - 1965, tôi chưa được mười tuổi, đang học lớp 4 trường làng. Một hôm đám trẻ cùng xóm rủ nhau kéo bộ sang tận xã Đại Hà cách gần 2 cây số để coi chèo. Có đoàn chèo nghiệp dư tư nhân, nhớ láng máng tên Bình Minh hoặc Ánh Dương chi đó (lâu quá quên) diễn vở Quan Âm Thị Kính. Vé vào cửa 1 hào. Diễn viên không chuyên, kiểu văn nghệ quần chúng, nhưng với đám khán giả nông thôn thèm khát coi nghệ thuật thì vẫn cứ hay. Nghệ sĩ hát trên sân khấu, khán giả bên dưới cũng í a ì a theo. Sau này học lên lớp 8, trong sách Trích giảng văn học có hẳn đoạn trích cảnh “Nỗi oan giết chồng”, cô Thị Kính bị bắt quả tang. Tôi vẫn còn nhớ đoạn trò chuyện của đôi vợ chồng, anh chồng (Thiện Sĩ) thì “Nàng ơi, đã bao lần soi kinh bóng quế/Ta dùi mài đợi hội long vân/Đêm nay mỏi mệt tâm thần/Mượn kỷ này ta nghỉ lưng một lát”, xong thiu thiu ngủ. Cô vợ (Thị Kính) thương chồng, lại gần ngắm chàng, thấy sợi râu mọc ngược cho là điềm xui định lấy dao may vá cắt đi, dao vừa kề cổ, ai ngờ chồng choàng tỉnh kêu la. Bà mẹ chồng xông ra đay nghiến “cái con mặt sứa gan lim kia, gái bất nghì bà phó giả mẹ cha/ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo”, v.v.. Coi mà tức chết đi được. Bà chị tôi xem xong thủng thẳng kết luận thế mới là oan Thị Kính. Vãn cuộc chèo, nghe đoàn thông báo đêm tiếp theo sẽ diễn vở Ngao Sò Ốc Hến.

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Chuyện đi lại (kỳ 2)

Những năm chiến tranh và thời bao cấp ở miền Bắc, nếu không kể tới chuyện chết chóc đạn bom vốn rình rập thường ngày, thì trong những cái khổ, khổ nhất là đói ăn và rách rưới, khổ nhì là việc đi lại. Những sự khổ sở bất hạnh khác, chỉ đáng xếp sau hai “đặc sản” ấy.

Đói và rách, đương nhiên không thể tránh khỏi. Nền kinh tế tập trung, quốc doanh tuyệt đối, nhất nhất theo sự chỉ đạo điều hành của nhà nước đã đẩy con người vào chân tường cùng quẫn. Loại trừ một bộ phận cán bộ được nhà nước chăm lo ưu đãi, thì hầu như cả phần sinh mệnh còn lại của xã hội, của cuộc sống đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, kể cả cán bộ và dân chúng, rơi vào thảm cảnh đói rách. Khổ nhất là nông dân và dân tự do ở thành thị. Tôi từng chứng kiến, từng nghe người ta khi trò chuyện vãn với nhau, họ chả ao ước gì, chỉ ước được ăn no, được bát cơm không có độn. Chỉ cần no thôi, không cần ngon, bởi bị đói quanh năm chứ đâu phải chỉ đận giáp hạt, tháng ba ngày tám, nên cốt no đã, ngon mà làm gì cho phí lời ao ước, khó thành hiện thực.

Và quần áo, cũng chỉ ước ao lành lặn, đừng rách rưới là được, chưa cần đẹp. Ai đời tới lúc máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được cả chục năm, rồi 15 năm, rồi 20 năm mà vẫn cứ vá chằng vá đụp. Ông anh rể tôi có chiếc áo sơ mi vải pô pơ lin trắng Liên Xô, mặc sà sã hơn chục năm, lộn cổ đi lộn cổ lại, đứt cúc mấy lần, áo dài tay phải cắt thành ngắn tay bởi không thể vá mãi chỗ khuỷu bị dầy quá, màu trắng chuyển thành màu cháo lòng vàng khè, thế mà vẫn không dám bỏ. Tôi bảo, bác cứ giặt sạch, cất vào đáy rương, giữ như thứ kỷ niệm về một thời hãi hùng, đừng bỏ nhé, sau này lấy ra cho con cháu nó ngắm nếu đời nó khá hơn đời anh em mình. Chả biết bây giờ chiếc áo đầy dấu ấn “lịch sử thời đại” ấy có còn không.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

Hạ giải, trùng tu, phá dỡ, hay… (kỳ 2)

Trong mấy ngày bận bịu việc nhà, tôi chưa kịp gõ nốt kỳ 2 thì hôm 9.5 đọc tin “Giáo xứ Bùi Chu thông báo ngưng hạ giải nhà thờ Chính tòa” (theo dự định là ngày 13.5) để bàn bạc kỹ hơn. Dù gì đi chăng nữa thì cụ đại lão nhà thờ 134 tuổi này tạm thời thoát nạn, bởi một khi những máy móc và đội thi công mà giáo xứ thuê về cứ đúng hạn ngày 13 đen nói trên làm ầm một phát, chắc chả còn gì phải bàn tới bàn lui.

Nhưng, vấn đề là ở chữ “nhưng” này, nếu chỉ là “tạm ngưng hạ giải” thì vẫn còn khả năng sẽ tiếp tục tháo dỡ công trình trăm tuổi, khiến nó vẫn có nguy cơ phải “kết thúc nhiệm kỳ” cho một ý định nào đó. Vậy nên cần bàn cho ra nhẽ, nếu nó có hy sinh thì cũng là hy sinh xứng đáng, còn thấy không hợp thì nên chấm dứt “hạ giải” ngay.

Trên khắp đất nước này, trải qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm, các tôn giáo đã bắt rễ vào đời sống, nhất là đời sống tâm linh, tinh thần, đạo đức của con người. Đã có tôn giáo thì đương nhiên phải có cơ sở thừa tự, am miếu, đền thờ, chùa chiền, nhà thờ, nơi tu hành, giảng đạo. Hai dòng đạo lớn nhất là Phật giáo và Thiên chúa giáo đã tạo nên vô số chùa và nhà thờ, chúng trở thành phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhiều chùa, nhà thờ không chỉ nổi danh trong dòng đạo mà còn được biết tới như thứ di sản lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc của toàn xã hội. Qua những biến thiên, tao loạn, những ngu dốt của con người, nhiều chùa, nhà thờ đã bị phá hủy, không chỉ tạo nên vết sẹo khó hàn gắn về tinh thần mà còn làm biến mất những giá trị vật chất vô giá. Chùa và nhà thờ, nói gì thì nói, vừa là của riêng tôn giáo, vừa là của chung cộng đồng (đất nước, dân tộc, nhân dân, vùng miền). Gìn giữ, bảo vệ, tu sửa các cơ sở tôn giáo này không thể chỉ của riêng bên đạo.

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

Chế tạo tại Liên Xô

Tôi tự học tiếng Anh mới có... 5 lần, lần nào cũng khởi đầu, từ cuốn Streamline English 1 - Departure, cứ chăm chỉ được hai phần ba là... tự tốt nghiệp, để lần sau lại departure. Nhưng dù vốn liếng nông cạn tôi vẫn một mực tin vào đảng và chính phủ, cho rằng ông bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng dùng cụm từ "Make in Vietnam" là chẳng sai. Ông này nghe nói còn thạo tiếng Anh hơn cả ông Nguyễn Thiện Nhân nên dễ gì sai. Cách dùng chữ make ấy lấn cấn ở chỗ lâu nay xứ An Nam quen nghe ma re in Việt Nam (Made in VN) lâu rồi nên cứ thấy gờn gợn.

Hôm qua nghe bác thủ tướng Phúc nói mếch (make) xong, tôi sực nhớ một cụm từ viết tắt quen thuộc suốt mười mấy năm ở miền Bắc, là CCCP. Trên những thùng hàng viện trợ của Liên Xô luôn có dòng chữ bằng tiếng Nga, "Сделано B СССР", dịch ra nghĩa Việt là Chế tạo tại Liên Xô. CCCP tức Liên Xô, viết tắt tiếng Nga của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Các kho bãi ở cảng Hải Phòng, ven đường sắt các ga ở Đồng Đăng, Yên Viên, Gia Lâm hoặc dọc đường 5... luôn chất đầy hàng Liên Xô. Dân chúng nhỏ to với nhau rằng đó là nhờ những chuyến bị gậy sang Mạc Tư Khoa của ông Lê Thanh Nghị. Ông này ủy viên bộ chính trị, phó thủ tướng nhưng chỉ có mỗi việc ra nước ngoài xin hàng viện trợ. Ông người Hải Phòng, là cậu ruột của người bạn học cùng lớp với tôi, chị Nguyễn Ngọc Trâm. Tốt nghiệp phổ thông năm 1972, chị Trâm được đi học ở Liên Xô, về làm ở Bộ Giáo dục, sau mất sớm do bệnh nan y.

Ngoài vũ khí, quân nhu, lương khô, còn là cơ man hàng sinh hoạt như vải vóc, nồi nhôm, sách giấy, thức ăn, xe đạp, đồng hồ, đường sữa, bột mì, giấy dầu lợp nhà..., tức là một dạng "bơ thừa sữa cặn" nhưng không phải từ đế quốc thực dân mà của anh em phe XHCN. Tuy là hàng viện trợ nhưng không phải ai cũng được hưởng, bởi đã có quy định bất thành văn của trung ương, cứ theo nguyên tắc phân phối "xẻng cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống" mà thi hành. Chừng ấy năm chiến tranh, nhà tôi chưa bao giờ được mua một thứ hàng gì chế tạo tại CCCP theo giá phân phối, mà muốn có, cái nồi nhôm, cái chậu men chẳng hạn, chỉ có cách ra chợ giời, ra chợ Sắt, mua với giá cao gấp nhiều lần. Dường như hàng Liên Xô đối với phần đông dân chúng phổ biến nhất chỉ là những chiếc thùng gỗ thông và những cái đai thùng bằng thép mỏng mà người ta ưu đãi bán cho dân để đem về đóng bàn ghế và làm rút dép.

Mấy ông anh tôi thường cắt nghĩa chữ CCCP thành "các chú cứ phá" hoặc "càng cho càng phá". Phải nói thẳng rằng thời ấy có "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên đã sống khá đầy đủ bằng hàng chế tạo tại CCCP. Sau này, khi Liên Xô cắt dần viện trợ, mức sống thiếu thốn nghèo khổ cào bằng trở lại ít nhiều, dân mới có dịp "sướng" bằng cán bộ.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Chơi tem

Tivi, báo chí vừa cho biết nhân đại lễ Phật đản Vesak năm nay tổ chức ở xứ ta, Bưu điện VN cho phát hành bộ tem về đại lễ, tất nhiên trong tem có hình đức Phật, hình chùa, hình nhà sư.

Mà không chỉ lần này, những khi xứ An Nam có sự kiện gì nhớn, bưu điện lại phát hành tem, chẳng hạn tổng thống Mỹ qua thăm, hội nghị quốc tế ở Đà Nẵng, anh cu Ủn đi tàu tới Đồng Đăng làm cú đúp vừa gặp đối tác vừa thăm bạn hiền... Bộ tem nào cũng rất hoành tráng, đẹp như tranh.

Mình vốn nông dân, sinh ra ở nông thôn, chỉ biết cày bừa, đập nương, nhổ mạ, gặt lúa, tát nước, chứ không biết chơi tem. Hồi bé, nghe bảo rằng phải là tay chơi lắm, có nghề lắm mới chơi tem được. Lại nghe có con tem bán tới mấy trăm đồng, đắt hơn cả chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, khiếp quá, trợn tròn mắt, giãy đành đạch bảo không tin, không tin, làm đếch gì có cái tem 6 xu mà mua được xe đạp. Đại loại không biết cứ hay nói liều.

Hồi dân thành phố sơ tán về làng Trà mình, mấy anh em anh Tuấn cháu cụ Xe đã đem về làng cả một cuộc sống văn hóa cao, đẳng cấp. Anh Tuấn, các em anh là Sơn, Hải... người nào cũng chơi tem, nuôi cá cảnh (cá vàng, cá vạn long, cá kiếm...). Anh Tuấn có những cuốn album tem dày cộm, đủ loại tem cổ kim, nội ngoại. Phải cầu cạnh, năn nỉ lắm mới được xem. Mình chỉ nhớ, có lần anh ấy bảo không phải tem nào cũng chơi được, mà tem phải có dấu bưu điện, tem được sử dụng rồi thì mới có giá trị. Đắt nhất là những con tem bị lỗi, hoặc tem đã gần "tuyệt chủng", càng hiếm càng đắt. Nghe anh nói vậy, mình lén về nhà đốt hết bộ tem mà mình đã "sưu tầm". Chả là nhà mình gần ủy ban, cứ mỗi khi có thư từ nhà dây thép huyện chuyển về, mình lại năn nỉ với anh Hạ "gù" phụ trách văn hóa cho mình lột tem, thượng vàng hạ cám lấy tuốt, hóa ra chả có giá trị gì. Tinh những tem Lê Nin, Các Mác, cờ búa liềm, cách mạng tháng 10, bác cùng chúng cháu hành quân, tết trồng cây, làm phân xanh, chiến thắng Mậu Thân... Anh Tuấn bảo tem như thế đầy rẫy, ai mà thèm chơi, vứt là phải.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

Nguyên

Hồi mình còn bé, theo người nhớn ra trận địa tên lửa Mả Đò coi đoàn văn công Tổng cục chính trị về biểu diễn phục vụ bộ đội. Có tiết mục tấu (để rồi mình sẽ viết cụ thể tấu là gì), một người đóng vai chiến sĩ mới nhập ngũ ra đọc-hát:

Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?

(Trong hậu trường có tiếng đế: Không xưng danh thì ai biết là ai)

Họ tên tôi cũng chẳng ngắn chẳng dài

Nói tóm lại, gọi là Huy cũng được...

Đại loại là cứ kể lể, xung quanh chuyện đi lính, ở nhà dân, làm vỡ chiếc nồi đất của chủ nhà, sắp vào B rồi mà chưa biết sẽ đền bù ra sao thì cô Lý con gái chủ nhà bảo (hát) anh ơi, anh cứ "yên tâm vững bước mà đi, hỡi người mà em yêu, việc nhà việc nước dẫu có bao nhiêu em gắng làm tròn, anh cứ yên tâm vững bước anh lên đường", đừng lăn tăn cái nồi đất nữa, em sẽ chờ anh, anh nhé...

Ông anh họ tôi, cũng tên Huy, dạy học, đi coi về bảo tấu vớ tấu vẩn, tên thì ai cũng phải có tên thật của mình, do cha mẹ đặt cho, chứ đéo gì mà "nói tóm lại gọi là Huy cũng được", cô Lý kia yêu phải đứa lừa rồi.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Hạ giải, trùng tu, phá dỡ, hay…

Thiên hạ đang lao xao chuyện nhà thờ Bùi Chu 134 tuổi sắp “hy sinh”. Chừng ấy năm kể ra cũng bằng hai kiếp người. Đức cha quản nhà thờ này giải thích rằng không phải phá, mà chỉ là trung tu, làm mới, bởi nó cũ quá rồi, nhiều chỗ đã mủn, hư hỏng, dột nát. Còn báo chí, tờ thì bảo sắp bị phá, tờ thì nói bằng chữ hạ giải. Dư luận mạng miếc cũng chia làm nhiều phe. Có người thì than thở tiếc thương, kiểu ối nhà thờ Bùi Chu ơi, thế là sắp vĩnh biệt mi rồi, có người ra vẻ ta đây hiểu biết chân tơ kẽ tóc bên công giáo thì mắng rằng phá đâu mà phá, chỉ vớ vẩn, người ta trùng tu chứ phá phiếc gì. Mệt.

Tôi người ngoại đạo Gia Tô. Mà cũng chẳng theo Phật giáo, chỉ cúng tổ tiên, các cụ, ông bà, thày bu. Cũng biết sợ quỷ thần và người hiền. Còn nếu có ai cố vặn vẹo tôi hỏi chả nhẽ không theo đạo gì thì tôi đành thưa thật, chỉ theo đạo ăn. Dĩ thực vi tiên (lấy ăn làm đầu) hoặc Dĩ thực vi thiên (lấy ăn làm trời, ăn to bằng giời).

Nói thế nhưng tôi rất mê, rất có cảm tình với các công trình kiến trúc chùa chiền (Phật giáo), nhà thờ (Thiên Chúa giáo). Đó là những kiến trúc đẹp, uy nghi, sắc sảo, đường nét đầy ấn tượng. Nhất là nhà thờ. Những nhà thờ đủ kiểu to-nhỏ, cũ-mới trên khắp nước, nhà thờ nào cũng đẹp, mỗi cái một vẻ “mười phân vẹn mười”.

Tôi đã từng nhìn tận mắt, tới chiêm ngưỡng, cúi đầu trước nhà thờ Lớn Hà Nội, nhà thờ chính tòa Thái Bình, nhà thờ đá ở Nha Trang, nhà thờ Cù Lao Giêng ở An Giang, các nhà thờ Tân Định, Huyện Sĩ, Đức Bà, Cha Tam, và cả nhà thờ Mông Triệu mới xây mươi năm nay… ở Sài Gòn. Ngôi nào cũng đẹp, quyến rũ, đường nét tuyệt vời. Càng cổ càng tuyệt. Có những ngôi tuổi chả kém bao nhiêu so với chính tòa thánh địa Bùi Chu, nhưng tới nay vẫn chắc chắn, kiêu hãnh vươn cao lên trời xanh biếc, tháp chuông trôi lãng đãng trong mây.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Làm gì có đăng cơ

Thế giới hai ngày qua nhiều sự kiện nóng. Nóng nhất là tình hình chính trị biến động ở xứ Venezuela tận Nam Mỹ khiến những ai quan tâm thời sự quốc tế phải theo dõi từng giờ từng phút. Và chuyện nữa ở nước Nhật Bản, dân ta quen gọi là xứ Phù Tang, hoặc xứ Mặt trời mọc, là nhà vua thoái vị, nhường ngôi cho con.

Đối với nước Nhật và dân Nhật, đó là sự kiện trọng đại, lễ trọng, mấy chục năm, thậm chí hơn nửa thế kỷ mới xảy ra một lần. Điều rất đáng lưu ý về sự kiện này ở chỗ hoàng gia, chính quyền và người Nhật tổ chức lễ trọng rất giản dị, gọn gàng mà vẫn nghiêm trang, gây ấn tượng mạnh về tính cách Nhật. Lễ thoái vị của cựu vương, Nhật hoàng Akihito rời ngôi báu, chỉ diễn ra trong 10 phút vào ngày 30.4, rất cảm động. Lễ đăng quang, lên ngôi vua của tân vương, Nhật hoàng Naruhito cũng rất ngắn gọn, chỉ 10 phút, ngày 1.5, mở đầu một triều đại mới có tên Lệnh Hòa (sự tươi đẹp).

Ở Việt Nam, hầu hết các tờ báo, trong mục thời sự đều thông tin về sự kiện Nhật Bản hiếm có này. Chỉ có điều, không biết xuất phát, xuất xứ từ đâu, mà rất nhiều báo, kể cả những tờ lớn có uy tín hoặc đông đảo bạn đọc như Thanh Niên, Zing, Thế Giới, Dân Trí, Ngôi Sao… đều tường thuật, miêu tả sự lên ngôi của thái tử Naruhito bằng từ “đăng cơ”, chẳng hạn lễ đăng cơ, tân vương đăng cơ, thái tử Naruhito đăng cơ, v.v..

Rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có từ “đăng cơ” ấy. Ít người đọc quan tâm tới nghĩa của từ đó nên cứ vui vẻ chấp nhận. Chả nhẽ đây là một kiểu cách sáng tạo ngôn ngữ, bổ sung từ vựng vào kho tiếng Việt?