Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Người tốt chợ Thái Bình (kỳ 2)

Chợ Thái Bình quận 1 như cách gọi phổ thông là chợ dân sinh, không được bề thế hiện đại sáng rỡ sạch sẽ như những trung tâm thương mại hoặc siêu thị, chẳng hạn siêu thị Coop Mart Cống Quỳnh cách đó vài trăm bước, thuê đất quốc phòng an ninh để kinh doanh thương mại. Thời nay bộ đội công an làm kinh tế khiếp lắm. Cũng cần nói thêm, cái Coop này là siêu thị đầu tiên được mở ở Sài Gòn sau 75, còn tính trên phạm vi cả nước thì nó chỉ đứng số 2 sau đại siêu thị Cora do tư bản Pháp xây dựng ở khu đất góc ngã ba Vũng Tàu, lối Biên Hòa đi Vũng Tàu. Món đặc trưng bình dân của nó (Cora) là bánh mì kiểu Pháp dài như chiếc đòn gánh. Năm 1998, nghe thiên hạ nức nở mãi, tôi không nén được thòm thèm, cưỡi ngựa sắt phi một mạch hơn 30 cây số lên đó chỉ để xếp hàng mua được mấy đòn. Còn xe đò xe khách từ Vũng Tàu về Sài Gòn, gấp mấy vội mấy cũng ghé vào đây cho khách mua bánh mì, khi ra ai cũng hể hả, cười như nghé. Giờ thì chuyện ấy đã là dĩ vãng, một phần ở Sài Gòn chỗ nào cũng có bánh mì Pháp, vả lại Cora sau khi bị tập đoàn Bourbon nhượng lại cho chủ khác, đổi tên thành Big C mở chi nhánh khắp nơi.

Xập xệ xấu xí thế nhưng chợ Thái Bình vẫn ăn nên làm ra, hút khách. Một lượng khách không nhỏ và cực kỳ quan trọng là du khách tây ba lô ở khu phố tây ba lô Phạm Ngũ Lão - Đề Thám - Bùi Viện sát nách nó. Đám tây lắm của nhiều tiền ở những khách sạn 4 sao 5 sao mạn trên chợ Bến Thành, còn tây ba lô cứ rỉ tai nhau mách nhau kéo về Đề Thám, Bùi Viện. Nườm nượp nườm nượp. Cứ mỗi đứa một ba lô, có cái to như chiếc tủ, nặng chắc phải vài chục ký, đeo sau lưng nghễu nghện đổ về phố tây. Đám tây trẻ bình dân ít tiền này biết thân biết phận nghèo (tây nghèo kiểu tây, chứ đâu phải chỉ An Nam mới có đối tượng xóa đói giảm nghèo, nghèo bền vững) nên thường la cà ra chợ Thái Bình ăn đủ các bữa sáng trưa tối. “Chúng” biết cầm đũa, xơi cả bún đậu mắm tôm, xì xụp hủ tiếu, chè xôi nước, bánh mì kẹp cá hộp, uống nước mía, lê la hàng quán trong chợ, nói chuyện nhặng xị. Không chợ nào vui như chợ Thái Bình. Đúng cái tên gọi. Có nhẽ bộ văn hóa nên đưa chợ Thái Bình vào di sản quốc gia. Chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc còn lọt vào được nữa là.

Một món bọn tây ba lô rất thích là xôi chè của cô Lam Thanh trong chợ, chỗ che dù ngoài sân chứ không phải nhà lồng. Nhà tôi cũng thường mua xôi chè của cô Thanh, nhất là khi có giỗ kỵ, lễ tết, rằm. Xôi vò, xôi gấc, chè đậu trắng đậu đỏ, chè xôi nước (trong này gọi vậy, còn ngoài bắc gọi là bánh trôi nước, thân em thì trắng phận em tròn) của cô Thanh còn ngon hơn cả ở tiệm xôi chè ngã ba Cống Quỳnh - Bùi Thị Xuân cách đó không xa. Hồi tôi còn tòng sự báo Thanh Niên đường Cống Quỳnh, hai chỗ hay ghé nhất là hẻm thịt chó cạnh trung đoàn 180 và quán xôi chè Bùi Thị Xuân. Nghe kể nhà này chỉ bán xôi chè mà sắm được mấy cái nhà lầu hoành tráng nơi quận 1. Cha truyền con nối. Cũng như tiệm nước mía trên đường Cách Mạng Tháng Tám gần góc Sương Nguyệt Anh, bán nước mía, mua biệt thự (tiệm này nay đã bị giải tỏa để làm đường trên cao từ ngã tư Bảy Hiền về tới khách sạn 5 sao New World).

Cô Thanh xôi chè có lần kể nhà cô 3 đời nấu xôi chè, đời bà cô, truyền mẹ cô, nay tới cô. Nhưng cô Thanh vẫn không phải nhân vật “người tốt chợ Thái Bình” mà tôi sắp kể. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét