Trang

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Học người Nhật

Nhắc tới nước Nhật người Nhật, nhiều người chả riêng gì ở xứ ta cúi đầu. Khen nước này thì có mà khen cả ngày, khen giời cao, khen phò mã tốt áo, khen mèo dài đuôi…

Tôi thích, kính nể họ ở khía cạnh này. Nước Nhật giàu nhưng người Nhật rất tiết kiệm. Họ sống thực tế chứ không se sua hình thức. Họ lấy giá trị thực tế làm chuẩn, làm thước đo chứ không trọng sự màu mè. Mọi phô bày hình thức không nằm trong mọi hoạt động của họ. Dân thế mà tầng lớp lãnh đạo quốc gia, thượng tầng cầm quyền cũng thế. Cả nhà vua, thủ tướng, các bộ trưởng đều gương mẫu về sự giản dị tiết kiệm. Khó mà săm soi tìm được những cờ kèn kèn trống, băng cờ khẩu hiệu, lễ lạt hoa hoét ở nước giàu có, văn hóa, văn minh bậc nhất này.

Ngay cái bộ máy điều khiển nước Nhật rộng hơn Việt Nam, dân đông hơn Việt Nam nhưng ngoài thủ tướng và các bộ trưởng thì không có phó thủ nào, mà bộ cũng rất ít. Đảng rất nhiều, nhưng đảng luôn ý thức “không có gì quý hơn độc lập tự LO”, không xài tiền ngân sách, không ăn bám dân. Anh nào lạm tiền dân là anh ấy tự loại mình ra khỏi đời sống chính trị.

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

Tên đường (kỳ 4)

Ở xứ này, mỗi tỉnh thành (hiện có 63 tỉnh thành, còn sắp tới gộp tách thế nào thì tôi không rõ, chứ trong đời mình tôi đã chứng kiến nhiều vụ khắc nhập khắc xuất rồi) đều có hội đồng đặt tên đường. Ấy là tôi nói dưới chế độ đương thời. Đủ ban bệ, thành phần, cứ nghĩ con ruồi chui không lọt. Cũng giống như những hội đồng xét giải thưởng (Hồ Chí Minh và nhà nước), xét danh hiệu (nhân dân và ưu tú), phong học hàm (giáo sư và phó giáo sư), giám khảo tinh những ông nọ bà kia, còn kết quả thế nào chắc thiên hạ đã rõ. Lúc nào rảnh, tôi sẽ biên mấy chữ về vụ bình chọn sắp đặt này.

Nước ta, mỗi lần có biến cố lịch sử lại thêm lần đặt lại tên đường. Đổi tên đường đi lối lại còn đỡ, chứ có thời phá sạch sành sanh. Thế kỷ 16, nhà Mạc ngoài chính đô Thăng Long còn xây hẳn trên đất thang mộc huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) bây giờ một kinh đô nữa gọi là Dương Kinh, vua tôi quần tụ và làm việc ở đây. Khi nhà Mạc thua trận phải rút lên Cao Bằng, chúa Trịnh Tùng đã kéo quân về phá sạch bách mọi thành quách lâu đài trên cả vùng rộng lớn, đến cái móng cũng đào đem đổ ra sông Văn Úc. Hoàng thành Thăng Long thời Lý thời Trần nằm dưới mấy mét đất cũng là một ví dụ về sự tàn phá.

Bạn khủng bố

Ông Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hôm 23.11 dẫn đầu đoàn biểu tình xuống đường ủng hộ Palestine, lên án Israel, kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza.

Cuba hoàn toàn lờ đi bọn khủng bố Hamas đang cầm đầu một phần Palestin, lờ chuyện bọn này khơi mào chiến tranh, bắn tên lửa tàn phá Israel, đang đêm đổ quân đánh úp giết chóc dân thường, và tệ nhất là bắt cóc con tin để ra điều kiện này nọ.

Tất cả những kẻ gây sự bằng cách bắt cóc con tin, lấy cái chết của người lương thiện ra để thực hiện mưu đồ đều cần phải bị trừng trị tận gốc, tiêu diệt đến cùng.

Dung túng cho chúng nó (như cách Cuba và LHQ đang làm), chúng được thể, lâu lâu lại bắt cóc con tin, lại ra điều kiện, đòi này đòi nọ, đó là trò của bọn khủng bố chuyên nghiệp.

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

Trĩu nặng hồn dân tộc

Hồi cuối tháng 10 vừa rồi, bác Nguyễn Duy biên nhắn vài chữ, báo rằng độ hạ tuần tháng 11 tây sẽ có cái Đông Kinh cổ nhạc, nhưng không phải ở Nha Trang như dự định ban đầu, mà Hà Nội.

Người nhắn, Nguyễn Duy, tức thi sĩ Nguyễn Duy của tre Việt Nam (cũng như cứ nhắc tới lão Đỗ Trung Quân là người ta vận luôn vào cây khế), ông con lừng lẫy của xứ Thanh lẫy lừng, từ khi vào ngưỡng 7 cổ lai hy ôm đủ các thứ bệnh nhưng ra bắc vào nam xoành xoạch bởi luôn có bao món nợ hồn dân tộc chưa trả. Nào những thúng mủng giần sàng, tranh tre nứa lá, thơ thiền thời Lý thời Trần, câu hò điệu múa dân gian, di sản chèo tuồng ả đào chầu văn… thứ nào cũng ấp ủ trong lòng như bị mang công mắc nợ. Không trả được (bảo tồn, xiển dương cái hay cái đẹp của nó) đời này thì trả tiếp đời sau. Nợ và người nợ đều cao quý chứ đâu phải thứ tín dụng tầm thường nhan nhản trong thế tục.

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

Tên đường (kỳ 3)

Trong bài kỳ 2, tôi có nhắc lại một thực tế khách quan mà hàng triệu người biết chứ không phải chuyện bịa, không phải nghe hơi bắc nồi chõ, là chính quyền Việt Nam cộng hòa (người ta quen gọi chính quyền Sài Gòn) trước năm 1975 đã rất công bằng, tôn trọng lịch sử khi đặt tên đường.
 
Ông anh trai tôi sinh thời từng bảo đâu chỉ tên đường, “nó” còn khá đàng hoàng, tử tế khi vẫn cho tồn tại, cho phép hương khói thờ tự mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp dù biết người nằm đó là ai. Rồi ở mấy tỉnh miệt Nam Bộ vẫn có nhà thờ cụ Hồ do dân tự lập năm 1969, dù có lúc binh lính thấy ngứa mắt định phá nhưng chả kiên quyết lắm nên vẫn cứ còn.
 
Hồi thập niên 60 - 70 đám chúng tôi còn nghe kể ông luật sư Trịnh Đình Thảo có khu biệt thự cực rộng ở trung tâm Sài Gòn, ông ngang nhiên đặt tên một con đường trong dinh cơ của mình là đường Hồ Chí Minh nhưng chính quyền cũng chỉ khó chịu chứ không làm gì. Khi ông ra R (rừng) làm chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (thực chất do Việt cộng lập ra), chính phủ cũng chỉ tuyên án tử hình khiếm diện và tuyên bố tịch thu tài sản nhưng thực ra cũng chả lấy gì, kể cả đường HCM bởi con cháu người nhà ông còn ở đó. Tội ai làm người nấy chịu. Sau tôi được biết, khi ở R về, mặc dù giữ chức trọng làm to nhưng ông Thảo lại bị mất nhà vào tay chính quyền cách mạng. Đòi mãi đòi mãi, khiếu nại các kiểu, rồi mất luôn, chả biết sang thế giới bên kia có đòi tiếp không.

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Tên đường (kỳ 2)

Đang nói chuyện tên đường, đặt tên đường, lại nhẩn nha vòng ra mạn bưu điện bưu chính, kể cũng lẩn thẩn, nhưng khổ nỗi những thứ liên quan tới thư từ, phong bì, tem, gửi thư, chuyển thư, “đánh” điện… ở xứ này một thời cũng lắm cái hay. Thôi, để kể sau, giờ nhà cháu quay về chuyện đường sá.

Nhân tiện đây, nhà cháu nói luôn có sự khác trong ngôn ngữ. Tiếng Việt phân biệt khá rõ, đường sá, phố xá. Khi đi với đường thì dùng “sá”, với phố thì “xá”. Đường sá mở mang, phố xá đông vui. Từ “sá” trong tiếng Việt để chỉ một mạch đất thẳng được bới lên, chẳng hạn “sá cày”. Còn từ “xá” có lẽ được đọc từ chữ “xa” là xe, trên phố nhiều xe cộ đi lại nên ghép thành phố xá. Cũng có thể từ chữ xá là nơi ở, đường có nhiều người ở thì thành đường xá. Ấy, nhà cháu cứ tạm hiểu vậy, bác nào kiến văn cao rộng xin chỉ giáo rộng mở giùm.

Đường và phố ở đô thị cũng có chút khác biệt. Ngoài bắc thường dùng từ “phố”, trong nam lại hay dùng “đường” mặc dù chúng đều là lối đi nơi đô thị. Ở Hà Nội, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Triệu Việt Vương, Trần Nhân Tông, Huế, Hàm Long… hầu hết là phố; thỉnh thoảng cũng có đường như Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh… Hình như ở thủ đô những đường nào vừa để đi lại, vừa nhà cửa san sát làm nơi sinh sống, buôn bán tấp nập, và tương đối ngắn, có từ xưa cũ thì gọi phố; còn đường mới, dài, ít nhà dân, ít buôn bán thì gọi đường.

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Nghề cao quý?

Ở những nước mắc bệnh sùng bái cá nhân, mà chủ yếu hơn chục nước theo chủ nghĩa cộng sản, trong phe xã hội chủ nghĩa trước kia, thứ bệnh này thuộc dạng mạn tính (mạn tính chứ không phải mãn tính như rất nhiều người dùng nhầm; mạn có nghĩa ngày càng nặng, bệnh ngày càng nặng, chứ không phải mãn là bệnh bị vĩnh viễn). Nó (sùng bái cá nhân) còn phát tác thành những triệu chứng lâm sàng khác, chẳng hạn sinh ra ngày này ngày khác, lễ nọ lễ kia, treo ảnh dựng tượng...

Có những ngày những lễ, lúc phe xã hội chủ nghĩa tồn tại thì rất rùm beng, sau khi phe tan gần như chết ặt, chả mấy ai ở nước cũ (cố quốc) nhớ đến nữa, như ngày quốc tế phụ nữ, quốc tế lao động, hiến chương nhà giáo, quốc tế thiếu nhi, hòa bình thế giới. Giờ may ra chúng chỉ còn hồn vất vưởng ở đôi nơi chưa dám đoạn tuyệt với cái cũ, trong đó có xứ này.

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Tên đường

Với người sinh sống ở nông thôn-nhà quê, đường đi lối lại có tên hay không, không quan trọng. Vài con đường ranh nối làng nối xóm, cần gì tên. Xã quê tôi giờ đây được coi là nông thôn mới kiểu mẫu, hơn 5.000 nhân khẩu, cả 3 thôn đã khác xưa rất nhiều, đường sá rộng mở khang trang, ngày mưa đi từ đầu làng tới cuối làng không bẩn chân, vẫn không có tên đường.

Nhưng ở phố thì khác. Lắm đường nhiều lối, như bàn cờ, ngã ba ngã tư chằng chịt, nhà nào cũng na ná giông giống nhà nào, nên đường phải có tên. Lớ ngớ là lạc, chả biết đâu mà tìm. Nhân viên bưu điện đi phát thư thuộc đường hơn lòng bàn tay.

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

Cái gì cũng lạm phát, mất giá, kể cả tham nhũng

Lão hàng xóm nhà tôi làu bàu (tôi biên nguyên văn), đèo mẹ, nhớ năm chưa xa mấy, hình như quốc hội khóa 11, 12 (thì phải) ra nghị quyết nếu tham nhũng 500 triệu đồng trở lên khép khung án tử hình.

Vừa rồi thằng Son bộ trưởng 4T nhận 3 triệu đô đã thấy khiếp, đám Việt Á, bay giải cứu, AIC cũng đút túi vài chục tỉ, gần trăm tỉ càng khiếp, thoắt một cái, con mẹ cục trưởng Ngân hàng nhà nước nhận hối lộ những 5,2 triệu đô (USD), tương đương 118 tỉ đồng. Chưa thấy chị thống đốc xinh đẹp có ý kiến gì, nhưng đừng nói là không liên quan nhá.

Ở quận 8 Sài Gòn, một căn nhà phố liên kế bình dân trong khu dân cư cỡ 5 tỉ đồng. Con mẹ kia chỉ 1 lần tham nhũng được gần 24 căn, cứ tạm hình dung nó tham một phát được cả một dãy phố dài gần trăm mét (24 căn mặt tiền ngang 4m).

Đèo mẹ (vẫn nhời lão hàng xóm), chỉ cỡ cục trưởng mà còn thế, thì đám cao hơn, quyền hống quyền hách, mỗi phát tham nhũng chúng làm nguyên cả phường chứ đùa.

Nếu chiểu theo nghị quyết của quốc hội (nhắc tới quốc hội lại chán ặt), thi hành án tử hình mệt nghỉ, chết cả lò nhà chúng nó, nhưng lại đéo chết đứa nào, thế mới tài.

Tham nhũng lạm phát phi mã thế này, chả trách doanh nghiệp chết như rạ, còn dân thì ngắc ngoải bên bờ vực đói nghèo.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

Nghe tin chẳng thấy bàng hoàng/Cán bộ đang tốt chuyển sang sắp tù

Chiều 16.11, báo chí cả trong lẫn ngoài lề đồng loạt đưa tin trung ương xử lý gần nguyên bộ sậu cai trị tỉnh Quảng Nam mấy nhiệm kỳ, còn đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật tay bí thư đương nhiệm. 

Xin nhớ rằng mỗi nhiệm kỳ của đám đảng lãnh đạo ở địa phương (tỉnh thành) kéo dài tới 5 năm chứ đâu ít. Hai nhiệm kỳ là 10 năm, 3 nhiệm kỳ thì 15 năm. Chúng nó hư hỏng cả thập niên, ăn tàn phá hại, đè đầu cưỡi cổ dân chừng ấy năm mới bị rờ, đủ biết sự khốn nạn tới mức nào.

Mấy tỉnh thành đám lãnh đạo nát như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Nam, Điện Biên, thậm chí cả Hà Nội... thì dân đen chúng tôi xin hỏi cửu trùng, triều đình, tứ trụ, ông này bà nọ: vậy thế đảng, các ông bà tồn tại để làm gì?

Chẳng nhẽ chúng nó tự bầu chúng nó lên, tự nắm quyền cai trị, tự tung tự tác, tự chịu trách nhiệm, ngoài vòng cương tỏa...

Dân không được lợi tí ti nào từ chúng nó, mà chỉ khốn khổ khốn nạn bởi chúng, hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác, mà thôi.

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Không bất ngờ

Báo chí mậu dịch hôm qua 15.11 đồng loạt đưa tin dựa theo thông báo của công an về việc bắt ông cựu dân biểu Lưu Bình Nhưỡng. Không còn làm đại biểu quốc hội nhưng Nhưỡng đương chức phó ban dân nguyện của Quốc hội, to ngang cấp thứ trưởng.

Có thời, một số vị đại biểu quốc hội như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Lê Thị Nga, Nguyễn Thị Hoài Thu, Lê Nam, Lê Thanh Vân, Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa... được chú ý bởi những chất vấn, phát biểu, góp ý được lòng dân, khiến thiên hạ bớt đi cái cảm giác coi nghị trường chỉ là chỗ xôi thịt, ngủ gật, mười rằm cũng ư mười tư cũng gật. Giờ người thế đã bặt vắng nhiều, cảm giác ấy lại cụ thể, rõ ràng.

Ông Nhưỡng (Lưu Bình Nhưỡng) cán bộ cấp cao của thể chế, của hệ thống chính trị đang cai trị xứ này, có dính dáng tới giang hồ, xã hội đen như công an và báo chí mậu dịch thông tin hay không thì tôi không rõ. Tự thâm tâm, nghĩ một người như ông Nhưỡng khó mà can tội ấy. Nhưng ở đất An Nam, ai đã được để ý, chiếu cố, thì không tội này sẽ bị tội khác, chẳng hạn trốn thuế, giống Hải điếu cày Nguyễn Văn Hải, hoặc luật sư Trần Vũ Hải. Xứ ta đứa nào chả... trốn thuế. Càng lắm tiền, đại gia, càng trốn thuế tợn.

Cũng đã kha khá lâu, hồi ông Nhưỡng lặn lội về làng Hoành xã Đồng Tâm đầu năm 2020, tôi có biên mấy chữ trên phây búc, rằng "đương sự" Nhưỡng sớm muộn cũng bị bắt, bởi can tội đứng về phía dân, bênh vực dân, đi ngược lại dòng chủ lưu.

Giờ thì đại biểu nhân dân Lưu Bình Nhưỡng đã trở thành bị can Lưu Bình Nhưỡng, tội trạng rất ỡm ờ, bí hiểm.

Chỉ có điều, không phải ai bị bắt cũng là người xấu. Nhưỡng là trường hợp vậy.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

Phân cục phân cục trưởng

Hồi tôi còn bé, nghe người ta nói trong hệ thống bộ ngành có cấp cục, dưới cấp này có cấp phân cục. Đứng đầu cục là cục trưởng, phân cục là phân cục trưởng. Bọn trẻ con thường đùa với nhau đứa này đứa kia là phân cục trưởng, hoặc phân cục phân cục trưởng.

Theo báo Tiền Phong hôm 13.11, tại hội nghị về di sản, "Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền chia sẻ liên quan đến dự án lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm biệt thự, nhà liền kề gây xôn xao dư luận gần đây.

Bà Lê Thị Thu Hiền nói rằng khu vực thực hiện dự án ở vùng đất đồi núi, đầm lầy, khu nuôi thả vịt, không có người dân, không có di sản, di tích, không có quy hoạch du lịch. Đây cũng là khu vực cuối vịnh Bái Tử Long đổ ra biển. Tuy nhiên việc triển khai vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật".
Như thế là quá rõ, bà cục trưởng cho rằng việc lấp biển quây đảo ở vịnh Bái Tử Long không phạm vào di sản, danh lam thắng cảnh gì, được pháp luật hiện hành cho phép.

Không hiểu bà này đã tới tận nơi có dự án xâm lấn đó, hoặc ít nhất cũng coi mấy tấm ảnh chụp khu biển với những hòn đảo nhấp nhô san sát (phải cả triệu năm mới hình thành) chưa, mà dám bảo đây chỉ là khu đầm lầy, chỗ nuôi thả vịt, đất hoang hóa. Ông hàng xóm nhà tôi đọc xong bảo "bà mẹ nó, chỗ này nuôi được vịt thì có mà vịt giời".

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Di sản thế giới hay ao làng? (kỳ 3)

Không chỉ ông trời lấn biển mở đất mà chính người cũng liên tục ăn biển. Cách nay cũng chưa xa, gần nửa thế kỷ chứ bao nhiêu, những năm 80 trở về trước, người ta ít quan tâm tới đất ven biển. Từ Móng Cái Quảng Ninh lần theo bờ biển qua Hải Phòng, Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hóa vào tít tận Vĩnh Linh, rồi sau 1975 kéo tới tận Cà Mau, Rạch Giá, đất ven biển rất hoang sơ, chả mấy ai để ý, không bị những khu du lịch, rì sọt, khách sạn chia năm xẻ bảy, xâm chiếm như sau này. Ông bạn tôi bảo, đến ngay cả Hoàng Sa, Trường Sa còn không được vào bản đồ, vào sách giáo khoa thì mấy vùng rừng ngập mặn, nước lợ, cửa sông, bãi bồi ai mà thèm để ý. Nhắc vậy để thấy rằng con cháu rất có lỗi với tiền nhân, tổ tiên, những người khai sơn phá thạch lấn biển mở mang và bảo vệ bờ cõi, như cụ Nguyễn Công Trứ chẳng hạn.

Năm 1974 đám sinh viên chúng tôi đi thực tế ở Thái Bình, tôi và anh Nguyễn Ngọc Xuân người Ninh Bình cán bộ đi học được phó về Tiền Hải huyện biển, trụ ngay xã Đông Minh sát biển. Hơn tháng trời, hai anh em lặn lội khắp vùng, cả ruộng lúa lẫn đồng cói. Tối về ở nhà ông cụ Tại đã 90 tuổi, da đỏ đắn, tiếng oang oang, nhà ven đê trông ngay ra bãi biển.

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

Di sản thế giới hay ao làng? (kỳ 2)

Dù vùng bảo vệ 1 hay bảo vệ 2 thì cũng phải bảo vệ nghiêm ngặt, đúng như khái niệm, tên gọi “bảo vệ”. Theo quy định của chính phủ, vịnh Hạ Long là vùng cốt lõi, bảo vệ 1; còn những chỗ bên ngoài, nhất là khu vực tiếp giáp, gọi là vùng đệm, bảo vệ 2. Chỗ biển đảo lô nhô thuộc phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả bị đổ đất đá làm cho nham nhở biến dạng chính là vùng đệm, bảo vệ 2. Muốn thay đổi nó phải có ý kiến từ chính phủ, được duyệt từ cấp trung ương, chứ chính quyền tỉnh Quảng Ninh không có quyền. Nếu đám Quảng Ninh tự ý cho phép, là xé rào, làm bậy, cần bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí khởi tố, truy tố. Khi bị lôi ra trước công luận lại còn đòi sửa "luật", sửa nghị định của chính phủ để cái sai được tồn tại bất hợp pháp. Nếu trung ương cho phép, chỉ đạo, bật đèn xanh, đồng ý vụ này, thì trung ương cũng có tội, còn khởi tố hay không thì tùy “lò”.

Di sản đặc biệt "biển đảo quê hương", khu vực di tích danh thắng quốc gia mà từ trên xuống dưới coi như cái vũng trâu đằm, chỗ con rồng lộn chứ hạ long hạ liếc chi. Đừng có cãi. Nó phá sờ sờ ra đó hơn cả năm rồi chứ có phải dấm dúi trong buồng đâu mà không thấy. Phạt 125 triệu đồng có khác gì gãi ngứa một con thú hung dữ đang say ăn đất, có khác chi bật đèn xanh mở đường cho nó rằng chúng mày cứ làm đi, không sao đâu.

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

Di sản thế giới hay ao làng?

Những ồn ào về việc lấp biển ở tỉnh Quảng Ninh những ngày qua cần được minh định cho rõ ràng, tránh những mắng mỏ sai lệch hoặc ỡm ờ bao che. Cách nào kiểu nào cũng không tốt.

Trước hết, cần thừa nhận nơi bị lấp không nằm hẳn trong vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, thậm chí được công nhận, “cấp bằng” những 2 lần. Cũng cần nói thêm, thứ danh hiệu do UNESCO cấp này cũng không đến mức hãnh diện lắm đâu. “Nó” ban phát tràn lan, dĩ nhiên phải nộp tiền kẹp vào hồ sơ, cũng như Đại học Đông Đô bán bằng vậy. Liên Hợp Quốc xôi thịt còn chả ăn ai, huống hồ đám trực thuộc như U nét, WHO, ủy ban nhân quyền… Họp xài tiền đóng góp là chính, chứ nên cơm cháo gì.

Di sản hay không là do mình, chứ chẳng phụ thuộc vào u nét u niếc. Sản là tài sản (vật chất hoặc tinh thần), di là truyền lại, để lại. Di sản là thứ do cha ông, tiền nhân để lại cho con cháu. Vịnh Hạ Long cũng như cả cõi đất Việt này là di sản truyền đời, ai cũng có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ. Nghiêm cấm việc dâng hiến cho ngoại bang, bán, cắt bỏ, tàn phá. Vua Lê Thánh Tông thế kỷ 15 dạy rằng “một thước núi, một tấc sông của nước ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được”. Vịnh Hạ Long là thứ di sản đặc biệt do thiên nhiên ban tặng cho đất nước, nó chỉ có ở Quảng Ninh nhưng bất cứ người Việt nào, từ ông to bà nhớn triều đình trung ương tới đứa dân thường đều có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ. Không phải chỉ Hạ Long, cả Bái Tử Long và vịnh Cát Bà đều cần được đối xử như thế, bởi đều là di sản cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Mẹo vặt (dành cho các chị nhà không có đàn ông)

Thời nay, đối tượng "nhà không có đàn ông" chẳng biết có còn không, chứ hồi hậu chiến (sau 30.4.2975) sẵn lắm. Ở miền Bắc, hàng vạn nữ TNXP không lấy được chồng, một phần do bị tàn phai tuổi xuân trong chiến tranh, bị nhiễm chất độc không thể sinh nở, phần khác đàn ông trai tráng hiếm hoi do chết quá nhiều. Ở miền Nam, cũng bạt ngàn đàn bà bị biến thành vọng phu, chờ ngóng chồng đang ở các trại tù (được mỹ từ thành nơi cải tạo) tưởng chỉ dăm bữa nửa tháng, vài ba năm, ai dè bặt luôn cả tin lẫn người.
Biên vậy để hiểu bất cứ điều gì xứ này cũng gắn với lịch sử, thứ lịch sử bị giấu diếm.

Mẹo 1: Hôm trước, tôi thấy nhiều chị ở những khu chung cư vùng ven nội thành thủ đô, khu Thanh Hà huyện Thanh Oai chẳng hạn, than thở vụ thiếu nước, nước bẩn, nước đầy tạp chất. Có chị bảo nếu lọc bằng vải cũng chặn được khá nhiều chất bẩn, nhưng thời nay kiếm mảnh vải vụn sạch không dễ, v.v..

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Một cuộc kéo lùi lịch sử phát triển nhân loại

Đó là sự kiện mang tên “cách mạng tháng 10” và những hệ quả mà nó gây ra 7 chục năm sau.

Năm 2023, tháng 10, hôm qua 7.11, cách đây đúng 106 năm xảy ra cuộc bạo loạn cách mạng tháng 10 ở Nga, cái nước đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo với người anh em Ukraine một thời môi răng trong thể chế Liên Xô. Bản chất thật của Liên Xô và Nga, cách mạng và chiến tranh, dù có che giấu khéo mấy, lâu mấy, cũng có lúc bật ra, phô bày. Cách mạng ư, chẳng qua là bạo lực, chém giết, say máu, tàn bạo, là “cách mẹ cái mạng chúng nó đi”. Trên quả địa cầu, những anh cộng sản hoặc đám thiên tả ưa làm cách mạng, thích dùng từ “cách mạng” nhất. Cách mạng thực chất là phá bỏ, thay đổi, chém giết, vậy mà thời nay họ cứ hô hào mọi người "phát huy tinh thần cách mạng", chả biết định phá cái gì, chém giết ai.

Tại sao xảy ra tháng 11 mà lại gọi cách mạng tháng 10. Đó cũng là sự oái oăm. Cứ tra Gu gồ thì rõ ngay, không cần giải thích lòng thòng. Vả lại Liên Xô nơi đẻ ra cách mạng, nó thích gọi thế thì đàn em phải chiều, nó mà phạt, không u đầu cũng sứt tai.

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Thành Bưởi và đấu tố kiểu “cải cách ruộng đất”

Điều cần khẳng định ngay từ đầu, Thành Bưởi là công ty tư nhân, một doanh nghiệp hàng đầu về giao thông, nhất là vận chuyển hành khách ở miền Nam trong vòng hơn hai chục năm trở lại đây. Nói không quá, Thành Bưởi là đại gia vận chuyển, nhiều công ty nhà nước (quốc doanh) về quy mô, hoạt động, sự phục vụ hành khách, việc đáp ứng như cầu của cuộc sống, v.v.. phải xách dép cho nó.

Hồi những năm thập niên 10 thế kỷ 21 này, khi Phương Trang, Thuận Thảo, Cúc Tùng, Cúc Tư… còn khiêm tốn, thậm chí chưa là gì thì cái tên Thành Bưởi đã nổi như cồn. Những người thường xuyên đi lại tuyến Sài Gòn - Đà Lạt chắc có nhiều kỷ niệm khó quên với Thành Bưởi, bởi nếu không có nó thì những nhà xe lặt vặt cả công lẫn tư sẽ hành mình không biết đến bao giờ. Khá nhiều tờ báo in có tòa soạn tại Sài Gòn, muốn phát hành sớm, tới tay bạn đọc kịp giờ ăn sáng uống cà phê ở các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã được Thành Bưởi hợp đồng, giúp đỡ nhiệt tình vận chuyển. Chỉ có điều, sau khi báo đã đủ lông đủ cánh, in tại chỗ không cần lụy Thành Bưởi nữa, không xin được quảng cáo nữa, lúc “bạn Bưởi” bị nạn thì quay ngoắt, bới lông tìm vết, đánh Thành Bưởi tới tấp, chẳng hạn thống kê trong 1 tháng có bao nhiêu vụ chạy quá tốc độ. Sống trả ơn mới khó, chứ vô ơn thì dễ lắm. Ông bạn tôi cười bảo, muốn được báo lờ đi hoặc lên tiếng bảo vệ, cứ phải nuôi quảng cáo, nhất là trên báo tết báo xuân.

Hôm qua 4.11, tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ, ông Xô phát ngôn bộ công an và ông thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bộ tài chính, người thì nói công ty Thành Bưởi có dấu hiệu trốn thuế, nặng nhất là “trả tiền cho người lao động nhiều hơn so với khai báo nộp thuế”, người thì hé lộ đã có nhiều tố giác tội phạm liên quan tới Thành Bưởi (cứ chung chung vậy thôi, còn tội gì thì có lẽ công an chưa thể công bố được). Quyền trong tay nhà chức trách, nói gì làm gì mà chả được, chỉ cần cứ đúng pháp luật.