Trang

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Những bài hát của một thời (34): Trên đường tiếp vận

Mình đang khá bận bịu với công việc, nhưng không vì thế mà sao nhãng lòng yêu mến "Những bài hát của một thời". Tuy nhiên, do ít thời gian nên mình chưa kịp ghi ra đây những điều thật kỹ về tác giả và tác phẩm, lúc nào rảnh sẽ bổ sung sau.

Ca khúc Trên đường tiếp vận của nhạc sĩ Y Na, cái tên nghe là lạ, nhưng đó là bút danh của cây đại thụ âm nhạc Hoàng Vân, bóng từng tỏa rợp sum suê che mát một thời. Ca sĩ trình bày là chị Thanh Hòa, một giọng hát cực hiếm trong tốp ca nữ đài Tiếng nói Việt Nam thời chống Mỹ. Khi nào có thời gian mình sẽ có bài riêng về chị Hòa, người mà mình rất quý, cũng như các chị Kim Oanh, Bích Liên, Tuyết Thanh.

Nghe cái tên bài hát, quá đơn giản, nhiều người dễ nhầm về độ hay của tác phẩm. Nhưng tên ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân thường giản dị thế, chằng hạn: Bài ca giao thông vận tải, Tôi là người thợ lò, Quảng Bình quê ta ơi... Nhưng bạn cứ nghe đi, sẽ thấy rất say lòng người, chẳng thể nào quên được.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

31.5.2012
Nguyễn Thông

1.Hò ơ ớ ơ…..
Dòng nước kênh xanh còn có khi vơi khi đầy
Hận thù giặc Mỹ trong lòng có bao giờ nguôi
Hò ơi…..
Dù cho sóng cả vẫn vững tay chèo
Ta đi tiếp vận sớm chiều xông pha

Hò khoan khoan hỡi dô khoan
Hò khoan khoan hỡi dô khoan

Trên những dòng sông,
Trên những nẻo đường
Chị em ta đã đi qua
Nào là đò là xe
Nào là gồng nào gánh
Nào là xuồng nào ghe
Ta ra đi trong nắng sớm chiều mưa

Cô gái Trường Sơn
Vai gùi chân bước
Miệng cười vui hát
Bên rừng hoa nở ớ ơ….
Cô gái Hậu Giang
Tay chèo thoăn thoắt
Đưa xuồng đi dưới đêm đầy sao
Đi nhanh ra chiến trường chị em ơi
Đi nhanh ra chiến trường chị em ơi

2. Hò ơ ớ ơ…..
Dòng nước kênh xanh còn có khi vơi khi đầy
Hận thù giặc Mỹ trong lòng có bao giờ nguôi
Hò ơi…..
Dù cho sóng cả vẫn vững tay chèo
Ta đi tiếp vận sớm chiều xông pha

Hò khoan khoan hỡi dô khoan
Hò khoan khoan hỡi dô khoan

Trên những dòng sông,
Trên những nẻo đường
Chị em ta đã đi qua
Nào là đò là xe
Nào là gồng nào gánh
Nào là xuồng nào ghe
Ta ra đi trong nắng sớm chiều mưa

Cô gái Trường Sơn
Vai gùi chân bước
Miệng cười vui hát
Bên rừng hoa nở ớ ơ….
Cô gái Hậu Giang
Tay chèo thoăn thoắt
Đưa xuồng đi dưới đêm đầy sao
Đi nhanh ra chiến trường chị em ơi
Đi nhanh ra chiến trường chị em ơi

Trên những dòng sông,
Trên những nẻo đường
Chị em ta đã đi qua
Nào là đạn là bom
Nào là lụt là bão
Vượt ngàn trùng đường xa
Bao anh em bao chiến sĩ chờ ta

Mỗi chuyến hàng qua
Như dòng sông lớn
Đổ về tiền tuyến
Không gì ngăn nổi
Dẫu có hiểm nguy
Ta nào có xá
Vẫn cười vui hát quên đường xa
Đi nhanh ra chiến trường chị em ơi
Đi nhanh ra chiến trường chị em ơi.

Lập hội vì Phước

HỒNG CHU

Phước mà tôi nói ở đây là nhà thơ Nguyễn Thị Phước ở Nghệ An, không phải Phước trong bài “Đi đi em” của Tố Hữu.

Lâu nay, trên mạng xuất hiện nhiều lời kêu gọi lập hội phát cuồng vì ca sĩ này diễn viên nọ. Thậm chí một số chính khách hay “chặt chém” cũng được cư dân mạng kêu gọi lập hội cuồng. Ở Nghệ An, hình như cũng đang có việc lập “Hội vì  Phước”. Để khẳng định đúng hay sai, có hay không, và có đến mức độ nào, hội này gồm những ai…xin hãy trở lại một chút với Hội VHNT Nghệ An và với giải thưởng lùm xùm Hồ Xuân Hương vừa qua.

Sau khi nhạc sĩ Mai Cường qua đời, Hội văn học nghệ thuật, mà có hội viên đề nghị đổi tên thành “Hội văn học võ thuật” như gà mất mẹ, tàu mất đầu. Đinh Thanh Quang được bổ làm phó chủ tịch thường trực nhưng anh em liệt vào hàng “sáng nắng, chiều mưa, trưa lâm râm” nên thường bị tiếm quyền.

Đến giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, nhiều người cho rằng Phước đã vượt mặt thao túng, đẩy Quang đến chỗ có cũng như không. Và cũng do từ việc tiếm quyền, thao thúng giải thưởng, ký công văn bậy bạ nên uy tín của Phước bị mất nhiều trong giới văn nghệ sĩ. Đặc biệt, khi tờ Lao Động Nghệ An chính thức cáo buộc Nguyễn Thị Phước thao túng giải thưởng, đổ vấy mọi tội lỗi cho cố chủ tịch hội Mai Cường, thì tên tuổi của chị ta coi như bị vùi lấp.

Thương tật tình cảm



BÁ TÂN
      Thời kỳ chiến tranh, thương tật xảy ra như cơm bữa. Kết thúc các cuộc chiến, kể cả hai phe, nhiều gia đình gánh chịu nỗi đau trọn đời khi người thân bị hy sinh hoặc trở thành thương tật.

     Chiến tranh đã đi qua. Thay vào đó là cuộc sống thời bình hiện hữu trên mọi miền quê, kể cả vùng giáp giới nhạy cảm. Không còn trận tuyến đầy bom đạn nhưng thương tật vẫn cứ xảy ra. Tai nạn giao thông. Tai nạn lao động. Và còn nhiều thứ “tai” khác làm cho không ít người bị thương tật. Nỗi đau thời bình vẫn tê tái, u buồn không thua kém thời chiến.

      Cuộc sống hiện thời còn có nỗi đau khác đau hơn nỗi đau thương tật thể xác. Đó là nỗi đau thương tật tình cảm. Nỗi đau này không có tên trong y bạ. Bệnh viện và giới lương y, kể cả người giỏi nhất trong những người giỏi, không có cách điều trị được nó.

       Thương tật tình cảm xảy ra trên nhiều phương diện, thuộc nhiều phạm vi. Gia đình, cơ quan, bạn bè… đều có loại thương tật này. Dân mất lòng tin cũng là một loại thương tật tình cảm. Không muốn mất nhưng một bộ phận không nhỏ người dân đành phải chấp nhận để cho lòng tin ra đi. Cái đáng mất thì giữ để làm gì. Mất cái cần mất đâu phải là nỗi đau. Lòng dân giống như biển rộng sông dài, có lúc vơi cạn, có lúc đầy tràn. Rồi sẽ có ngày không còn mất lòng dân. Phải chờ đợi và hy vọng, còn có cách nào hơn.

        Tôi cũng như nhiều người cầm bút, đang phải gánh chịu thương tật tình cảm. Là người gánh chịu chứ không phải do mình tạo ra. Làm nghề cầm bút không thể tránh được loại thương tật này. Dĩ nhiên ở đây còn do bản tính và động cơ cầm bút. Đối diện với tiêu cực cũng “vô tư” như khi hóa thân vào tích cực. Cán cân đúng-sai luôn ở thế cân bằng. Sống như thế, viết lách kiểu đó sẽ không bị thương tật tình cảm. Nhưng sống kiểu đó, sống để làm gì. Cầm bút kiểu đó chẳng thà về quê cầm cày đi sau đít bò còn hơn.

         Từ khi tham gia sân chơi blog Nguyễn Thông, tôi có thêm bạn đọc và bạn bè. Đó là sự gặp gỡ giao hòa của những giọt nước trên cùng dòng chảy. Niềm tin tăng lên, nỗi buồn bớt đi khi mỗi ngày có thêm người thân cùng chí hướng. Tham gia sân chơi blog Nguyễn Thông, kể từ đó, thương tật tình cảm đến với tôi. Có những bài viết làm cho một số phần tử tiêu cực khó chịu, thậm chí căm tức. Đối tượng đó tôi không quan tâm. Khác nhau trận tuyến, loại đó mà nó khen mình thì mới đáng lo sợ, báo hiệu cái đúng cái sai có nguy cơ trở thành nồi lẩu. Điều đáng nói là có những người quen (dù rất ít) tỏ ra khó chịu và bực bội khi tôi “bắn tỉa” đúng địch thủ qua những bài trên blog. Chưa đến mức khóc thuê nhưng đã có người giận tôi chỉ vì tôi mổ xẻ người thân của họ trên một số bài viết. Hóa ra ở đâu cũng có lợi ích nhóm. Cán cân, thước đo đều có thể sai lệch giá trị chỉ vì lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm len lỏi đến khắp nơi, gây ô nhiễm trong các quan hệ, kể cả bạn bè đồng chí.

         Gánh chịu thương tật tình cảm nhưng tôi không coi đó là mất mát. Thương tật này do người khác gây ra, ngoài ý muốn của tôi. Biết cách tránh nhưng tôi quyết không tránh loại thương tật này. Nếu tránh thì khác gì con nhộng chết thối trong tổ kén.

         Thương tật tình cảm của tôi với một số người chưa đến mức trầm trọng. Mọi vết thương đều có thể chữa khỏi. Thương tật tình cảm cũng không ngoại lệ. Không cần lương y. Chẳng cần thuốc. Chỉ cần cái tâm trong sáng, động cơ lành mạnh là tự mình trừ khử được loại thương tật tình cảm.

  Bá Tân

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Thông báo

Trong thời gian tới, để tập trung hoàn thành việc đột xuất cơ quan giao, nhà cháu sẽ dồn hết tâm trí vào công việc, không quan tâm đến điều gì khác, vì vậy blog này sẽ không có bài mới của nhà cháu trong thời gian ấy. Tuy nhiên, bài của bạn bè gửi gắm, chia sẻ thì nhà cháu chả hẹp hòi gì.

Chỉ có nguyên nhân duy nhất ấy thôi. Mong những bạn bè quan tâm đến nhật ký của nhà cháu thông cảm.

Lúc nào xong việc, nhà cháu xin tiếp tục.

30.5.2012
Nguyễn Thông

Hoan hô thủ tướng

Theo báo Thanh Niên, "Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam ngày 25.5.2012 đã ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ giải trình làm rõ vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Theo yêu cầu của Thủ tướng, trước ngày 31.5.2012, hai bộ nêu trên phải báo cáo Thủ tướng việc thực hiện quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trong khi Thanh tra chính phủ đang thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Vinalines".

Hoan hô Thủ tướng. (Viết thêm: Thủ tướng đã từng chỉ đạo sát sao những vụ việc nóng bỏng Vinashin, Tiên Lãng, Văn Giang, cháy xe...). Chỉ có chút khó hiểu là tại sao Thủ tướng đã sáng suốt chỉ đạo như thế (ít nhất là trước ngày 25.5), chính ông Đam cũng ký văn bản truyền đạt vào ngày đó thì mấy ngày sau ông bộ trưởng lại dám công bố rằng việc bổ nhiệm đúng quy trình. Cố ý làm sai chỉ đạo của Thủ tướng, tội nặng thế nào, biết không?

30.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Nghỉ chơi bọ Lập

Ấy là nói dỗi thế thôi chứ bọ Lập nào có tội tình gì. Mà nếu có tội, mình cứ quy bọ này tội yêu nước thương dân, hơn chán vạn kẻ đương thời hoặc mồm miệng leo lẻo những lời hoa mỹ nhưng tâm hồn tối như hũ nút, hoặc im thin thít ngậm hột thị, ai động đến thì cãi lý loanh quanh rằng mỗi người có sự lựa chọn riêng mình. Bọ Lập không thế. Gặp đứa xấu, điều xấu, bọ cứ nhổ cái toẹt vào mặt, rồi muốn đến đâu thì đến.

Đã lâu rồi, "cờ lốc" quechoa của bọ thành quê chung của nhiều người cùng tâm trạng, suy nghĩ, khát vọng, cùng mong mỏi về một xã hội tốt đẹp hơn. Họ từ bó thói quen đọc những tờ báo giấy chính thống để chuyển sang những "tờ" thông tin đầy đủ, khách quan, thiết thực hơn như basam, quechoa, nguyenxuandien... Có lẽ đó là bước chuyển tất yếu của một quá trình vận động, những gì cổ hủ, lạc hậu, cố tình đi ngược thời đại sẽ bị đào thải; còn những gì đáp ứng nhu cầu cấp bách của đông đảo con người sẽ được chấp nhận.

Trong một xã hội như thế, tất nhiên người kiểu bọ Lập sẽ gặp không ít kẻ thù. Chúng tấn công bọ bằng đủ mọi thủ đoạn, bằng cái sức mạnh đè nén, áp chế, cưỡng bức mà chúng đang tạm nắm trong tay. Quechoa đã bị hành hạ năm thôi mười hồi, bị vây trong thế trận chặn ngăn trùng trùng điệp điệp. Rất nhiều lần những người quý mến bọ Lập đã phải bó tay đầu hàng khi thăm nhà bọ. Riêng bọ không chấp nhận thúc thủ. Bọ đã tìm cách này cách nọ đến với mọi người. Nhưng hình như sức người tốt có hạn, nhất là khi thế lực thù địch đen tối đang chiếm ưu thế về lực lượng và phương tiện. Hình như họ đang tạm thời thắng bọ.

Khuya hôm qua, ông bạn tôi, một nhà báo nổi tiếng từ Hà Nội gọi điện cho tôi than tao mệt quá rồi, đéo leo trèo nữa. Mày có cách nào vào nhà thằng bọ Lập dễ dàng không. Tôi thưa với ông ấy rằng tôi cũng bó tay, dùng đủ cả Google translate lần Untrasurf lẫn gỉ gì gì đi chăng nữa... vẫn thua. Tôi cũng "chán" bọ rồi. Thế lực thù địch đã ít nhất cũng gạt được tôi và bạn tôi ra khỏi ngõ nhà bọ. Thế có buồn không.

Ngày xửa ngày xưa, khi dẫn quân ra Kỳ Sơn lần thứ 7, Gia Cát Khổng Minh đã chẳng tránh khỏi mệnh trời, cất tiếng than ai oán trên gò Ngũ Trượng. Nay hậu sinh cũng xin phép bắt chước ngài mà kêu lên rằng: Từ nay ta không thể trèo tường vượt lửa vào nhà bọ Lập được nữa (vì chúng chặn rát quá), trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi.

Nhưng vẫn hăm he, lúc nào sắm được cái thang tốt, là về thăm lại quechoa.

29.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Lời hay ý đẹp (8): Đúng quy trình

Hôm nay 28.5, báo chí chính thống rầm rộ đưa tin rằng trong buổi họp báo thường kỳ, khi nói về vụ giời ơi Vinalines, ông Vũ Đức Đam - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ quả quyết "việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng quy trình thủ tục". Nói chung thì chính phủ đã làm đúng, hay nói cách khác là chả có gì sai. Cán bộ có tốt đẹp thế nào thì mới được cất nhắc, bổ nhiệm chứ. Báo chí toàn nghe hơi bắc nồi chõ.

Thế thì bọn xấu và các thế lực thù địch nó vu oan cho đồng chí Dũng cục trưởng rồi. Hãy mau mau gọi đồng chí ấy về làm việc, đừng trốn nữa, nếu làm tốt có thể cất nhắc lên chức vụ cao hơn, chứ chức Cục trưởng mà nhằm nhò gì.

Lâu nay tôi cũng nghĩ ông Đam giỏi, có bản lĩnh (nhất là hồi ông ở Quảng Ninh), nhưng nay nghe ông phán vậy thì tôi đâm ra nghi ngờ chính mình. Và tôi càng chán tôi hơn vì được đọc những lời có cánh sau đây của hai vị đạo cao đức trọng thật sự.

Trước hết là ông Vũ Mão. Ông Mão từng là ủy viên Trung ương đảng, chủ nhiệm Văn phòng quốc hội, và là bí thư thứ nhất Trung ương đoàn khi tôi còn là đoàn viên. Ông bảo:
"Nhìn lại chuyện bổ nhiệm cán bộ ở cục Hàng hải, bộ Giao thông vận tải, rõ ràng còn có lỗ hổng dẫn đến lựa chọn cán bộ không chính xác. Theo tôi, nếu quy trình bổ nhiệm đảm bảo dân chủ, khách quan, chắc chắn không đến nỗi va vấp, thiếu sót đến như thế. Từ vụ việc này cho thấy công tác quản lý nhà nước của chúng ta còn có nhiều vấn đề. Những tồn tại nghiêm trọng tại Vinalines đã có từ lâu. Hằng năm, các cơ quan chức năng của chính phủ đều vào cuộc mà tại sao lại không phát hiện ra?". (theo báo Đại đoàn kết, trang 10, ngày 24.5.2012).

Và đây là ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, người có những phân tích sâu sắc, thuyết phục về rất nhiều vấn đề kinh tế-xã hội lâu nay. Ông Doanh nói:
"Khi Vinashin đổ vỡ, ông Trần Quang Vũ được bổ nhiệm làm tổng giám đốc nhưng được 3 tuần thì bị bắt. Còn ông Dương Chí Dũng, vừa được bổ nhiệm làm cục trưởng gần 3 tháng cũng bị bắt. Như vậy, cơ chế bổ nhiệm nhân sự ở đây có vấn đề". (theo báo Tiền Phong, trang 4, ngày 28.5.2012).

Nếu việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đúng quy trình như ông bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định thì đảng và chính phủ nên kiểm điểm hai ông Vũ Mão, Lê Đăng Doanh, vì phát ngôn như vậy rất dễ bị thế lực thù địch lợi dụng. Còn nếu hai ông nói đúng sự thực thì cũng nên xem lại cái ghế của ngài bộ trưởng Đam.

Riêng tôi, có tò mò hỏi 10 người xung quanh rằng ông Dũng làm cục trưởng có đúng quy trình hay không, cả chục người đều cười khẩy và bảo: đi mà hỏi thủ tướng ấy.

28.5.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Đừng thờ ơ với những "cột mốc sống" ở biển Hoàng Sa


Báo chí mấy tuần nay bận bịu chuyện thông tin về họp quốc hội, về vụ tham nhũng cộm tại Vinalines, về lạm phát giảm phát… toàn chuyện lớn, dường như quên hay ít để ý một chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng thực chất còn lớn hơn nhiều điều: Tàu cá của ngư dân Việt Nam ra vùng biển khu vực đảo Hoàng Sa đánh bắt bị tàu hải giám, hải quân Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ, ngược đãi, giam tàu giam người; tài sản, số phận sống chết không biết thế nào. Ngư dân đang chới với, kêu gọi, cầu cứu chính quyền giúp đỡ. Vụ mới nhất là tàu cá của ông Nguyễn Thành Nhất (xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt ngay tại vùng biển Hoàng Sa ngày 16.5, đến nay chúng vẫn cầm giữ tàu, không chịu trả.

Hoàng Sa, về bản chất, thuộc chủ quyền thiêng liêng bất di bất dịch của Việt Nam. Đó là điều không thể tranh cãi. Còn trên thực tế, hiện toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng, sau cuộc cưỡng chiếm phi pháp phi nhân của nhà cầm quyền Trung Quốc năm 1974. Việt Nam có bằng chứng lịch sử, còn Trung Quốc tạm có vật chất biển đảo cụ thể. Hai bên tranh qua cãi lại, chỉ riêng ngư dân Việt Nam chịu thiệt.

Ngày 14.5, Cục ngư chính Trung Quốc ngỗ ngược ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Năm nào họ cũng cấm, năm nào người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối, rằng “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, lệnh cấm là vô giá trị”. Đồng thời với sự khẳng định hùng hồn đanh thép ấy là việc động viên ngư dân Việt tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản, vừa làm kinh tế, vừa thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên biển. Chỉ tiếc rằng lời động viên ấy chưa kèm theo sự đảm bảo hữu hiệu. Bất chấp sự phản đối của ta, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn ngang ngược xua đuổi tàu Việt Nam, tịch thu ngư cụ, bắt bớ ngư dân Việt Nam.
Đã là ngư dân thì phải ra biển để mưu sinh. Họ đánh bắt cá trước hết vì cuộc sống của mình và gia đình

Sản phẩm để đời của quan thượng Thăng

BÁ TÂN

Nói cho công bằng, từ khi giành được ghế Bộ trưởng, ông Đinh La Thăng làm được không ít việc, cho dù có những việc bị chê nhiều hơn là khen. Khen với chê đối lập tính chất nhưng có những trường hợp nổi tiếng chỉ vì được chê nhiều. Giả dụ như học sinh cá biệt, đi đến đâu nổi tiếng ở đó với những hành vi khác thường.

Chính khách với nông dân xuất thân với nhau nhưng sau đó một bên là quả núi, một bên là hòn sỏi về mặt tiền bạc. Một bên ngồi trên tầng cao chót vót, một bên lầm lũi với đất bùn. Khác biệt như thế nhưng chính khách với nông dân vẫn có điểm chung của bổn phận làm người. Đó là sự tồn tại của bản thân gắn liền những sản phẩm của chính mình làm ra.

Ông nông dân tạo ra nhiều loại nông sản. Không có bia rượu, người ta vẫn sống, thậm chí sống khỏe. Chẳng cần chân dài người ta vẫn vui tươi ấm cúng với hạnh phúc gia đình. Không có nông sản, đố ai mà sống được, cho dù họ có cả núi tiền và la liệt chân dài. Chưa một ngày nghe giảng triết học, nhưng từ xa xưa, ông cha ta đúc kết chí lý hơn cả triết học: phi nông bất ổn.

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Điểm tin ngày cuối tuần 26.5


Một ngày trong cõi Việt ta
Rõ là lắm chuyện, rõ là hài bi

Nghị gái Yến một đi không lại
Đọc Paven ngay tại hội trường
Công an mật phục cái nhoàng
Bắt ngay người mẫu quả tang tụt quần

Em Hồng Hà được nhà bảo lãnh
Quang Thanh khoe Mỹ chánh sắp thăm
Lãi suất giảm 1 phần trăm
Chồng mặc con khóc, nhắn tin cho bồ

Vẫn lình xình chuyện em gái cháy
Trường Hồng Bàng cuốn máy chạy mau
Trọng tài Trí bị đánh đau
Chưa tìm ra kẻ cú đầu ông ta

Con bí Quyến xây nhà trăm tỉ
Dinh thượng quan chẳng dễ sánh bằng
Ông Nghị nói chuyện nhân quyền
Rằng Hoa Kỳ thiếu khách quan đấy mà

Bác Chế Linh không chừa vụ trước
Nay dính đòn chăng phướn thủ đô
Gái Trinh lộ lộ nhũ hoa
Vình Long khoai chẳng ai mua, thúi ình.

26.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Đòi

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc sớm trả tàu cá

6:57 PM, 24/05/2012
(Chinhphu.vn) - Việc Trung Quốc cản trở và bắt giữ ngư dân và tàu cá Việt Nam hoạt động nghề cá hợp pháp, bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 24/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua Trung Quốc  bắt giữ 2 tàu cá cùng 14 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động nghề cá tại vùng biển Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho biết:

“Ngày 21/5/2012, phía Trung Quốc thông báo ngày 16/5/2012 cơ quan ngư chính nước này đã bắt giữ 2 tàu cá QNg50003TS và QNg55003TS cùng 14 ngư dân Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Lúc 13h ngày 21/5/2012, phía Trung Quốc đã thả tàu QNg50003TS và 14 ngư dân, tịch thu tàu QNg55003TS, toàn bộ hải sản và ngư cụ của hai tàu trên.

Ngay sau khi nhận được thông báo của phía Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp và trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ:

Việc Trung Quốc cản trở và bắt giữ ngư dân và tàu cá Việt Nam hoạt động nghề cá hợp pháp, bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng trả lại tàu cá QNg55003TS và toàn bộ tài sản mà Trung Quốc đã thu giữ ngày 16/5 và chấm dứt các hành động tương tự. Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc trả lại tàu cá QNg66101TS mà Trung Quốc bắt giữ ngày 4/3/2012.

(theo baodientu.chinhphu.vn)

Điều không muốn nói

Nhưng phải nói ra điều này:

Một số tờ báo, nhà báo khi viết về ngư dân, dường như để động viên họ bám biển, thực hiện chủ quyền biển đảo, thường có đoạn như sau: hỏi ông A, ông B rằng bị Trung Quốc bắt tàu, thu lưới, giữ người hoài vậy, có dám ra khơi nữa không; ông A, B liền hăng hái rằng biển Hoàng Sa là của ta, cứ ra đó đánh bắt, nào có sợ gì.
Xin thưa, đừng tuyên truyền, xúi họ một cách vô trách nhiệm như thế. Họ ra đó, tàu bị tịch thu, ngư cụ bị cướp, về với hai bàn tay trắng, thử hỏi các vị giúp lại cho họ được mấy đồng.

Khi nhà nước chưa có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn cho ngư dân yên tâm ra biển xa thì đừng xúi khơi khơi như thế.

25.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

"Cậu đéo lào mà lịnh thối thế"

HỒNG CHU
Bản quyền danh ngôn nói trên thuộc về chị buôn gà ở chợ Bắc Qua (Hà Nội) khi chị nhận xét về ý kiến của ông Mặt trận trên cao Nguyễn Đình Thi. Nhưng chuyện cũng qua lâu rồi, không nhắc đến nữa, chỉ bàn chuyện hôm nay thôi.

Rảnh rỗi, được ông bạn cho mượn cuốn tạp chí Sông Lam (do Nguyễn Thị Phước làm Tổng biên tập) số 110/2012, đọc đến bài bình thơ Phương Việt của nhà thơ Lê Quốc Hán và Bùi Thanh Tường thì muốn ói quá. Mở đầu bài, ông Lê Quốc Hán viết: “Vài chục năm gần đây, trên thi đàn xứ Nghệ xuất hiện khá nhiều bài thơ, tập thơ khá hay của các cán bộ lãnh đạo, vì vậy khi nhận được tập thơ Ta vẫn là ta thôi của tác giả Phương Việt tôi không lấy làm ngạc nhiên”.

Vậy, Phương Việt là ai? Xin thưa, đó là bút danh của ông Trần Hồng Châu - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An. Ông Châu nổi hứng, in một tập thơ có tên như trên (NXB Văn học). Ông Lê Quốc Hán “mượn” tạp chí Sông Lam để bình về tập thơ này.

Loạt bài về biết ơn liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma

Lời giới thiệu:
Một trong những tác giả loạt bài này trong lần trò chuyện thân tình đã cho tôi biết: để đem được sự giúp đỡ của cộng đồng đến với thân nhân liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma cũng lắm nỗi gian nan, trầy vi tróc vẩy lắm. Báo TN đứng ra tổ chức, vận động; đã tìm được những nhà tài trợ nghĩa hiệp; đã báo cáo lên các cấp cao nhất; được cả vị lãnh đạo ở bộ quốc phòng động viên, hướng dẫn thân tình; lịch đã lên, kế hoạch đã xong, chỉ cứ việc triển khai. Vậy mà chả biết ngăn trở từ đoạn mấu nào, đùng một cái, thay đổi hết. Không cho tập trung, chỉ cho phép trao quà xé lẻ. Những người thực hiện rất bối rối, khổ tâm. Vì tiền bạc có trong tay rồi, mà thân nhân liệt sĩ thì đang hết sức thiếu thốn, các bậc cha mẹ, các anh chị, các cháu đang nóng lòng chờ. Và cuối cùng, sự giúp đỡ cũng đến được tay người cần nhận như tường thuật trong những bài báo dưới đây.

1.Tri ân liệt sĩ Gạc Ma

Mẹ Phan Thị Đay
Mẹ Phan Thị Đay, mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn ở Ninh Hòa, Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung

Hôm nay, ngày 15.5, tại Đà Nẵng, Báo Thanh Niên gặp mặt tri ân và trao quà cho các gia đình có con hy sinh tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa từ 24 năm trước (14.3.1988).

Đồng hành cùng Báo Thanh Niên trong đợt 1 này là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và bà Dương Minh Liễu, ở số nhà 34 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, những người bạn thân thiết, luôn đứng bên cạnh và chia sẻ với chúng tôi trong nhiều hoạt động từ thiện từ nhiều năm nay. Họ cũng là những nhà tài trợ cho cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này.
Hơn 24 năm trước, Trường Sa dậy sóng. Những cái tên Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đã trở nên thân thuộc và nhói buốt hơn bao giờ hết với tất thảy những người Việt Nam. Ngày ấy, với trái tim thiết tha giữ đất cùng bầu máu nóng và lòng căm giận ngút trời trước họa xâm lăng, 64 người lính đã ngã xuống dưới làn đạn tàn bạo. Các anh đã nắm chặt tay nhau như những tràng hoa muống biển, giăng ngang trời làm cột mốc biên cương trước khi vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Nhân dân cả nước đã nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả đó. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, thân nhân của 64 người lính ấy rất cần một lời tri ân công khai, rất cần một câu trả lời minh bạch về số phận thân xác của con em họ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nằm ngoài ý muốn của rất nhiều người vẫn thường quan tâm đến trận hải chiến năm ấy, kỳ vọng đó đã không trở thành hiện thực.

Bổ nhiệm, bổ chửng


Phàm những chức này chức nọ quan trọng, ngoài một vài trường hợp phải bầu bán, lấy ý kiến số đông, thì phần lớn là do bổ nhiệm.

Cứ hiểu nôm na, bổ nhiệm là quy trình từ trên xuống dưới, nghĩa là nhằm đặt ai vào chiếc ghế nào đó, ví dụ thủ trưởng cấp trên ký quyết định chuẩn y cho Nguyễn Văn Mỗ được giữ chức này nọ. Theo lẽ thường, Mỗ phải là người tài giỏi, xứng đáng; còn quyết định của thủ trưởng là sáng suốt, khó phản bác. Ấy vậy, vẫn cứ có ngoại lệ, mà nhiều ngoại lệ là đằng khác, hoàn toàn ngược lại lẽ thường nói trên.

Thiên hạ đang rất mất công xì xào chuyện ông Cục trưởng cục Hàng hải Dương Chí Dũng. Ông ta tài ba giỏi giang điều gì chả biết, chỉ biết suốt bao năm ông ấy nắm cái doanh nghiệp nhà nước Vinalines, lúc thì Tổng giám đốc, lúc thì Chủ tịch HĐTV, nó cứ triền miên thua lỗ, nợ đầm đìa, chết lên chết xuống. Nhà nước bơm tiền cứu, nó vẫn ngắc ngoải, biến thành cái lò đốt tiền thuế do dân đóng góp. Đùng một cái, đáng lý phải ra trước vành móng ngựa để giả nhời về “tài quản lý kinh tế” hại nước hại dân ấy, ông ta lại được phóng một phát lên chức cao hơn, chễm trệ hơn, oai hơn, bổng lộc nhiều hơn. Tất nhiên không phải do ông ta bắc thang tự trèo mà phải có người nâng đỡ. Cái người nâng đỡ trực tiếp, rõ nhất chính là người đã ký quyết định bổ nhiệm Dương Chí Dũng vào chức cục trưởng. Chưa biết vì lý do gì mà đến giờ không thấy báo chí công khai danh tính của vị này. Và hết sức nực cười, sau khi ông cục trưởng bị khởi tố, một vị thứ trưởng bộ giao thông vận tải vẫn quanh co bảo rằng ông Dũng được bổ nhiệm trước khi có quyết định thanh tra. Chả còn gì để nói nữa. Nghị quyết 4 cũng nên xem xét luôn ông này cùng với cái ông ký quyết định kia một thể.

Trường hợp nữa cũng liên quan đến bổ nhiệm khiến dư luận dở khóc dở cười là chuyện thành lập nhà hát kịch quốc gia. Bộ Văn hóa-thể thao-du lịch ra quyết định đàng hoàng, sáp nhập 2 nhà hát Kịch Việt Nam và Tuổi Trẻ thành nhà hát quốc gia, bổ nhiệm NSND đạo diễn Lê Hùng làm giám đốc. Anh chị em nghệ sĩ phản đối rầm trời, thậm chí còn gửi đơn lên tận thủ tướng để bày tỏ sự không đồng ý quyết định trên. Thấy không ổn, lãnh đạo bộ tìm cách xuê xoa, giải thích căn nguyên “vì quá tin ông Lê Hùng”, sau đó rút lại quyết định, không nhập thì thôi, có gì mà ầm ĩ. Giời ạ, chuyện đại sự quốc gia mà các vị ấy coi như chuyện đùa, cứ nhắm mắt ký bừa, thây kệ thiên hạ ra sao thì ra. Khi biết sai chỉ cần quanh co vòng vèo vài đường ảo thuật, rồi đâu lại vào đó, đã chết ai mà rộn. Xin thưa với các vị, chả chết đứa nào đâu, chỉ chết dần chết mòn niềm tin của dân vào những người cầm cân nảy mực như các vị thôi.

Ở xứ này, xưa nay công tác cán bộ được coi là khâu then chốt, quyết định mọi thành bại. Chả thế mà từ trung ương xuống địa phương, về phía chính quyền có bộ Nội vụ, bên đảng có hẳn ban Tổ chức trung ương (thậm chí quyền hành còn hơn bộ Nội vụ), cứ thế từ trên xuống dưới là cả bộ máy tổ chức chặt chẽ, cồng kềnh, tầng tầng lớp lớp, tưởng con kiến cũng không chui lọt. Họ có đủ cả quy trình, quy định, quy tắc, quy chế, sàng sảy kỹ hơn sàng tấm, lúc nào cũng rêu rao chọn người tài đức, vừa hồng vừa chuyên. Bao năm nay người dân vẫn tin thế, nhưng khi phát hiện ra ông to bà nhớn móc ngoặc với nhau đưa con cháu, quý tử vào bộ máy công quyền bất chấp tiêu chuẩn thì họ đã nghi ngờ, rồi lại chứng kiến thêm những vụ hài kịch như bổ nhiệm ông Dũng, ông Hùng thì họ thực sự thất vọng. Và họ càng bi quan, thất vọng hơn khi những vị quyền cao chức trọng đã coi rẻ niềm tin của dân, cầm cây bút dân trao ký bổ nhiệm cái rẹt rất vô trách nhiệm, lúc có sự cố phủi tay như không có chuyện gì xảy ra.

Có người bảo rằng bây giờ bổ nhiệm bộ trưởng, thứ trưởng hoặc người đứng đầu cục này vụ nọ ban kia còn dễ hơn bầu trưởng thôn. Chỉ có điều, trưởng thôn mà không làm việc ra trò là dân truất ngay, còn những người được quan trên bổ nhiệm dù dở dù tồi vẫn cứ phây phây.

Viết đến đây, tôi lại nhớ câu nói để đời của con khỉ Tôn Ngộ Không trong bộ tiểu thuyết lừng danh Tây du ký “làm vua phải thay phiên nhau mà làm”. Không xứng đáng thì xuống đi, trả chỗ cho người khác, kể cả anh ký lẫn anh được ký.

22.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Điểm tin ngày 21.5


Năm trăm vị chúi đầu vào họp
Có tìm ra lối thoát cuối hầm
Bốn phương trộm giặc như ong
Biển tan đằng biển, rừng tan đằng rừng

Đống sắt rỉ Vinalines nghìn tỉ
Chửa tìm ra đầu sỏ phương nao
Tín nhiệm Hoàng Yến thấp cao
Phen này khó giữ nghị đào chốn vui

Lại thêm xe chở người bốc cháy
Nguyên nhân xăng hay tại gỉ gì?
Indo thuê mỏ lời to
Khác chi bóc lột thời mồ ma Tây

Á hậu khoe chân dài sàn nhảy
Tổng bí thư chẳng thấy đăng đàn
Ô sin bị chủ hiếp dâm
Tràng Tiền kem nhái khắp cùng mọi nơi.

21.5.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Chuẩn bị đi là vừa

Nếu tin những điều nêu trong bài báo dưới đây là đúng thì rõ ràng cơn khát của Trung Quốc đã không có điểm dừng, sắp qua giới hạn chịu đựng của họ. Không chóng thì chầy, Trung Quốc sẽ công khai tuyên chiến để giành biển Đông, vứt vào sọt rác mọi lời hoa mỹ, trong đó có 4 tốt và 16 chữ vàng với Việt Nam. Tôi tin chắc thế. Và tôi nghĩ nhiều người cũng tin như thế. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không nhắc nhở nhân dân chuẩn bị cầm súng bảo vệ biển đảo đất nước mình. Những ai còn cầu mong ở Trung Quốc sự chiếu cố, hãy xê ra, cho nhân dân được yêu tổ quốc mình. Tôi xin được đứng trong hàng ngũ đó.

Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông

Bắc Kinh đang điều động một lực lượng hùng hậu gồm nhiều loại tàu cùng những thiết bị hạng nặng để tận lực khai thác biển Đông.

Gần đây, Học viện Nghiên cứu quốc phòng quốc gia Nhật Bản (NIDS) vừa đưa ra báo cáo mang tên China Security Report 2011 đánh giá tiềm lực an ninh của Trung Quốc. Trong đó, báo cáo cung cấp những thông tin chi tiết về sự phát triển của lực lượng ngư chính, hải giám và cảnh sát biển mà Bắc Kinh đang triển khai.
 Tàu Trung Quốc tràn ngập biển Đông 1
Tàu Hải Nam Bảo Sa 001 có 500 tàu cá kèm theo - Ảnh: Xinjunshi
Lực lượng hùng hậu
Theo NIDS, Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch tăng cường số tàu tuần tra và khu vực biển Đông trở thành trọng tâm mà nước này hướng đến. Tháng 10.1998, Cơ quan giám sát hàng hải (CMS) Trung Quốc chính thức được thành lập, chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn lợi ở các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và khu vực biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Khi đó, CMS đã được biên chế một số tàu hải giám cùng trực thăng tuần tra.

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Điểm tin truyền hình, báo chí hôm nay 19.5

Trăm kênh chỉ một bác Hồ
Trăm tờ chỉ một lá cờ vàng sao.

Nhận xét: Nặng bệnh hình thức, nhạt.

19.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Điểm tin cuối ngày


"Thương binh" đến “hỏi thăm” tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Xe khách rơi xuống sông Sê-rê-pốc cướp đi 36 mạng người
Bộ chính trị yêu cầu các ủy viên trung ương kiểm điểm
(chả biết bắt đầu lúc nào và bao giờ thì chấm dứt cuộc chơi)

Lại thêm anh chàng sếp nhất Vinalines tra tay vào còng số tám
Em nữ hoàng xu chiêng dù bị ném đá tơi bời vẫn hút khách nam nhi
Lãnh đạo cấp cao xếp hàng vào lăng viếng Bác
Đội Chelsea đổ về Munich làm ối kẻ say mê.

18.5.2012
Nguyễn Thông

Những bài hát của một thời (33): Quà tháng năm dâng người


Hôm nay là kỷ niệm ngày sinh cụ Hồ, cứ theo công bố xưa nay là 19.5. Còn nếu thực vào ngày khác thì có chỉnh sửa, đính chính cũng chả cần thiết.

Tôi có người anh vợ là nhạc sĩ, sinh ra để làm lính. Đang ngon đang lành, chuyển qua dân sự ngành văn hóa, rồi về hưu. Giá mà đi hết binh nghiệp chắc cũng dư sức quan năm. Thôi thì đời nó vậy, chả ai vẽ được số phận mình. Nhớ có lần đến chơi trà lá với ông anh, anh nhắc đến đồng nghiệp Hồng Đăng, bảo rằng y viết nhạc giỏi mà coi tử vi cũng tài. Mình thì chả biết sở đoản tài tử vi của bác ấy đến đâu, chứ nhạc thì đúng là giỏi, quá giỏi. Hồi còn làm nghề dạy học, mình rất thích bài Quà tháng năm dâng người của nhạc sĩ Hồng Đăng. Ngoài ra nhiều bài khác của bác ấy mình cũng thích như Hoa sữa, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Biển hát chiều nay…

Nhạc sĩ Hồng Đăng quê Nghệ An, sinh năm 1936, được tặng thưởng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Trong những bài hát về giáo viên, về ngành sư phạm, sau gần hai chục năm dạy học, bây giờ mất dạy đã lâu rồi, mình vẫn nhớ vẫn thuộc 2 bài: Bài ca người giáo viên nhân dân (Hoàng Vân) và Quà tháng năm dâng người (nhạc Hồng Đăng, lời Hồng Đăng-Thế Bảo). Thời ấy, những năm 80 trở về trước, hầu như người nào dính nghề dạy học cũng thuộc hai bài ấy. Nay thì các thầy cô có nhiều thứ để quan tâm hơn, họ không hát bài ca của một thời đâu, cũng chả trách họ được.

Có người bảo, nghe cặp song ca Quý Dương-Trung Kiên hát Quà tháng năm… thích lắm, nhưng mình đã bỏ khá nhiều thời gian ngồi nghe cùng lúc bản ấy với bản do hai ca sĩ Ngọc Tú-Minh Quang (đoàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam) thì thấy có nhẽ họ đã nhầm. Đúng thực các bác Quý Dương, Trung Kiên là giọng đỉnh, nhưng chẳng hiểu sao họ không qua mặt được Ngọc Tú, Minh Quang ở bài này.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

19.5.2012
Nguyễn Thông
Nhìn bầu trời quê hương lung linh nắng nhuốm cành hoa xoan
Rộn ràng chân bước, bước đến lớp các em nhỏ quàng khăn.
Lòng ngày đêm mong sao Bác sống muôn ngàn năm
Kính yêu người luôn nhắc nhau nhớ bao lời người
Luôn khuyên ta vì nhân dân nâng cao văn hóa
Ngày đêm ta vun muôn ngàn hoa
Quà tháng năm kính dâng người cha
Từng tiếng hát khắp xa gần thiết tha dâng người.

* *
Nhìn bầu trời xanh tươi tung tăng tiếng hát đẹp thơ ngây
Đàn em ta đó nắng chói lóa những chiếc khăn quàng bay
Từng mùa xuân măng non đã lớn lên từ đây
Núi sông này luôn vẫn ghi nhớ công ơn người
Hy sinh suốt đời sao cho nhân dân no ấm
Người thương dân thao thức từng đêm
Đường khó khăn có người dìu ta
Lòng chúng cháu kính dâng người lời hát thiết tha.


Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Vua cũng không bằng tiền

BÁ TÂN

Bọn tham nhũng thời nay luôn gắn bó máu thịt với dự án... Chạy dự án. Xin dự án. Cho dự án. Cái gì cũng có thể nâng cấp thành dự án. Kể cả vua cũng bị biến thành dự án. Đúng là thời loạn.

Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, người ta dành cho đức Đinh Tiên Hoàng một cái dự án. Về danh nghĩa, đó là tôn vinh vị vua anh minh của dân tộc. Dự án này gồm 2 hạng mục chính: Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế. Xây dựng quảng trường và làm tượng đài danh nhân của dân tộc là chính đáng. Việt Nam gần đây mới lẽo đẽo làm theo thế giới. Đó là sự nhạt nhòa với lịch sử. Thiếu tôn trọng và không công bằng với lịch sử thì hiện thời cũng như tương lai không tránh được quy luật của ngọn sóng (sóng trước đổ vào đâu, sóng sau đè lên đó).

Công trình ấy được dư luận đón nhận hồ hởi, bằng cả tấm lòng tôn kính. Kể từ đấy, ngay tại cố đô, Đinh Tiên Hoàng được tạc tượng cùng với việc xây một quảng trường. Kể cả người xấu bụng nhất cũng không dám nghĩ sẽ có chuyện bẩn thỉu dính dáng đến công trình này. Sự thật không như tấm lòng người dân mong ước. Cái dự án thiêng liêng trở nên vui ít, buồn nhiều. Cái người ta cần không phải đẳng cấp công trình. Cái đích họ cần là số tiền vô tội vạ ném vào cái dự án này.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Chim trong lồng


Trên cây sấu xanh đường Bà Triệu
Trước cổng đài Tiếng nói Việt Nam
Có ai đó thật là ý nhị
Treo trong tán lá chiếc lồng chim

Hai con chim sống giữa chiếc lồng
Không gian hẹp, khung trời cũng hẹp
Chim dù hót vẫn là chim trong lồng
Mắt nó buồn ngước về miền xanh biếc

Người ta cho ăn thì nó hót
Những hạt kê hạt thóc đổi âm thanh
Tiếng buồn tiếng vui cũng từ người khác
Thương con chim khao khát trời xanh

Biết bao giờ chúng được như đàn sẻ
Ríu rít bay, ríu rít chuyền cành
Rũ tất cả lồng son tù túng
Hót vang âm điệu của loài chim.

16.5.2012
Nguyễn Thông
 Ảnh của cụ bà Lê Hiền Đức (lấy từ blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện)

Hóa ra đếch phải đất nhà mình

Lâu nay mình nhầm, nhầm to.

Bố mẹ mình hồi xưa có gần 9 sào ruộng do ông bà khai phá để lại, sau bị hợp tác xã cướp trắng 7 sào, giờ chỉ còn hơn 2 sào thổ cư (nhà và vườn). Cứ nghĩ đó là của nhà mình, do mồ hôi nước mắt ông bà cha mẹ dựng lên, truyền cho con cháu, có quyền sở hữu vĩnh viễn, té ra không. Đất ấy nhà mình có từ trước khi có đảng CS và chế độ này. Vậy mà theo ông Nguyễn Phú Trọng thì đảng, nhà nước có thể cướp bất cứ lúc nào cũng được bởi nó "thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Đểu nhất là ý "và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật", hiểu thế nào cũng được. Thế hóa ra nhà mình chả có cái đếch gì. Luôn bị đặt trong nguy cơ có thể phải lưu vong ngay trên quê hương đất nước mình.

Đề nghị nhà văn Anh Đức viết lại truyện ngắn Đất phê bình ông tám Xẻo Đước đã giữ đất không đúng luật nhé.

16.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Cái giây phút ấy (thơ Thái Kế Toại)

Vài người hỏi mình đã đọc bài thơ của anh Toại chưa, mình bảo rồi. Bạn nói mày lưu lại đi, sau này cần đấy. Vậy thì mình xin chép lại đây bài thơ của anh ấy (tức nhà thơ Lê Hoài Nguyên), tức Thái Kế Toại, vị đại tá của A25.
Bản này được lấy theo blog của bác nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com). Xin cám ơn bác Tạo và anh Toại.

CÁI GIÂY PHÚT ẤY
LÊ HOÀI NGUYÊN


Cái giây phút
Anh nhà báo đàng hoàng bấm ảnh cuộc cưỡng chế
Có thể anh vẫn còn tin
vào sự minh bạch của cầm quyền tỉnh Hưng Yên
(những tên như Nguyễn Khắc Hào).

Cái giây phút
Lũ người mặc sắc phục công an, cảnh phục bảo vệ
Xông vào anh đánh hội đồng
Như một bầy chó dữ.

Có thể chúng ngu xuẩn, mù quáng vì thứ đức tin cũ rích
Có thể chúng đang được giáo dục chó hóa dần
Làm tay sai cho những kẻ lắm tiền
Sẵn sàng nhảy vào cắn xé Nhân dân.

Cái giây phút
Những đòn đánh có nghiệp vụ bài bản
Bằng dùi cui, bằng cả chân tay
Nhằm vào những nhà báo tay không
Cũng đánh vào tôi
Một đồng nghiệp nhà báo
Đã từng quay phim, đã từng viết bài ca ngợi những đồng đội công an hy sinh vì đất nước, vì nhân dân
Một nỗi đau nhục nhã…

Cái giây phút ấy
Vợ con chúng sẽ xấu hổ
Bố mẹ chúng sẽ xấu hổ
Dòng họ chúng sẽ xấu hổ
Cả dân tộc xấu hổ
Rồi một ngày chúng cũng xấu hổ
Khi lịch sử vất lũ chúng ra lề đường.

Cái giây phút đi vào lịch sử của báo chí nhân loại
Không phải của thời trung cổ
Mà là Việt Nam thế kỷ XXI
Đã được ghi lại
Như một vết nhơ…

Tháng nóng 2012

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Cần thay đổi tư duy về đất đai

Dưới đây là bài phân tích khá sâu sắc về một trong những cấn đề nóng bỏng nhất hiện nay ở xã hội ta: quyền sở hữu đất đai. Mặc dù có vài ba ý kiến trong bài mình chưa nhất trí nhưng có thể nói tác giả đã chỉ ra được thực trạng, nguyên nhân dẫn đến những bất ổn xã hội vừa qua.

CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ ĐẤT ĐAI
NGÔ NGỌC QUANG


Trong quá trình hình thành và phát triển của xã hội loài người, đất đai được sở hữu một cách tự nhiên mang tính bản năng, và bởi những con người cụ thể.

Quyền sở hữu một vùng đất được hình thành và ghi nhận thông qua quá trình sống và lao động của con người. Khi con người ta sống ở một vùng đất nào đó, đổ mồ hôi, tranh giành với thú hoang và cỏ dại quyền sở hữu vùng đất đó. Thế rồi, vùng đất có được nhờ mồ hôi và công sức đó được truyền lại, đời này qua đời khác. Dựa trên vùng đất tổ tiên để lại con người ta trồng trọt chăn nuôi, kiếm sống cho bản thân và gia đình. Từ đó hình thành quyền sở hữu đất đai của con người.

Gốc rễ của quyền sở hữu này không tự nhiên mà có, không phải do ai ban phát mà tự nó được khẳng định bằng mồ hôi công sức của người dân, một điều hiển nhiên của công lý, ai cũng phải thừa nhận.

Quyền sở hữu đất đai bị thay đổi
Trải qua biến thiên của lịch sử, rất nhiều vùng đất đã bị tước đoạt bằng bạo lực, bị thay chủ sở hữu sau những cuộc binh đao khói lửa chiến tranh. Điều bất công này xảy ra trong xã hội loài người đã hàng ngàn năm, và nó gây nên điều lầm tưởng cho kẻ có cường quyền bạo lực rằng: Họ xứng đáng là chủ của vùng đất mà họ cướp được bằng bạo lực.

Thông báo của nhà văn nhân dân Nguyễn Quang Lập (tức bọ Lập)

QUÊ CHOA THÔNG BÁO!

Quê choa bị chặn tứ tung. Bà con muốn vào Quê choa phải vượt tường lửa. Cách thức như sau: Vào google đánh chữ anonymouse.orgrồi bấm vào Tìm kiếm, một lá cờ Anh với chữ English và một lá cờ Đức với chữDeutsch hiện ra. Bấm vào lá cờ Anh, lập tức sẽ xuất hiện một cửa sổ có mấy chữ:http:// và một khoảng trống. Điền vào khoảng trống ấy những chữ kế tiếp:quechoablog.wordpress.com, sau đó bấm đúp vào cửa sổ bên phải, nơi có đề: Surf Anonymously.Thế là bà con lại đọc Quê choa he he!
NHỜ BÀ CON ĐĂNG THÔNG BÁO NÀY TRÊN BLOG CỦA MÌNH CHO MỌI NGƯỜI ĐỀU BIẾT. XIN CẢM ƠN VÀ XIN CẢM ƠN!

Nếu vẫn chưa vào được thì vào đây cho mau

Sau khi mình đăng thông báo này, bọ Lập có bổ sung 1 cách nữa, và một bạn đọc tốt cũng bày cho cách nữa, mình xin chép lên đây:

*Đây là cách vượt tường lửa thông qua Google Translate :
1. Vào http://google.com.vn/translate
2. Nhập : http://quechoablog.wordpress.com/ vào khung bên trái. Click vào link http://quechoablog.wordpress.com/ tự hiện ở khung bên phải
3. Ở góc trên bên trái cho chọn XEM (Viêw) ở dạng Bản dịch (translation) hoặc Bản gốc (Original) : chọn Gốc (Original)
Tóm lại vào đây: Quêchoa 1 hoặc vào đây: Quê choa 2.

*Có cách khác nhanh và đơn giản hơn, đó là dùng chương trình vượt tường lửa của ultrasurf. Cách làm như sau:
1) Vào http://ultrasurf.us
2) Bấm vào cửa sổ ultrasurf free download để tải về bản u.zip mới nhất về máy.
3) Mỗi lần muốn vượt tường lửa thì mở file này chạy, nó sẽ tự động mở IE và mở cửa sổ tìm kiếm của Google.
4) Ta gõ tên cần tìm kiếm như bình thường để tìm. 

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Hai đám cưới (dành cho K17)

Mõ làng xin thông báo tin vui với các cụ, các ông các bà vốn ngày xưa được bố mẹ cho đi học, và đã trót mài đũng quần gần 5 năm khóa 17 khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội: Trong 2 ngày liên tiếp, 11 và 12 tháng 5 có hai đám cưới của con cái khóa ta, lần lượt như sau:

Đám cưới con trai ông bà Trịnh Xuân Ba (nhà báo Xuân Ba) - Trần Thị Khánh, tổ chức hôm nay 11.5.2012 tại Hà Nội. Cặp này có hai con, gái đã lấy chồng, còn trai thì nghe bố nó nói là "thằng này được", du học ở Úc về báo chí truyền thông, nay về lấy vợ quê VN. Ông Xuân Ba nhắn tin cho bạn bè (nguyên văn): "Thứ sáu, ngày 11 tháng 5 dương 2012, tức 21 âm lịch, lúc 11h, Xuân Ba cưới vợ cho con trai tại nhà khách chính phủ 10 Chu Văn An, Hà Nội. Trân trọng kính mời ông bà chiến hữu đến dự. Xin cám ơn". Miềng cứ hình dung bên cạnh thằng Ba bắng nhắng là cái Khánh dịu dàng, chỉn chu. Chả biết mụ Khánh có hát bài nào trong hôn lễ cậu con trai cưng không nhỉ, bởi nó hát hay lắm, giọng Khánh Ly ẩn dật đấy.

Đám thứ hai là đám vu quy của con gái út ông bà Nguyễn Thị Ngụ - thủ tướng Nghiêu (tớ đếch nhớ họ của bác Nghiêu nên tạm cơ cấu bác ấy làm thủ tướng, chứ đáng nhẽ phải cao hơn). Hai bác không có đứa trai nào, chỉ sinh hai cô con gái, nhưng phải công nhận con gái nhà bác Ngụ-Nghiêu thì cả đống con trai nhà khác xếp lại cũng không bằng. Cả hai học cực giỏi, ra trường sớm thành đạt, lương cao. Và đặc biệt đứa nào cũng rất xinh đẹp (gien lặn của bố mẹ). Cháu nhớn Hương Ly đã lấy chồng (Việt kiều Úc), đã cấp chứng chỉ ông bà ngoại cho bố mẹ. Cô út Hương Lan ngày mai 12.5.2012 lên xe hoa. Chị Ngụ bảo Thông ơi, khỏi cần gửi thiệp mời nhé, cứ đến trung tâm tiệc cưới trên đường Mạc Đĩnh Chi, Q.1, lúc 7 giờ nghen.
Lại nhớ hồi đám cưới cô chị Hương Ly, ông nhạc Nghiêu lên phát biểu, có lẽ do xúc động quá nên đến câu kết thúc, bác ấy bảo "thay mặt hai gia đình, tôi xin cám ơn quý vị đã đến dự cuộc họp hôm nay", quan khách vỗ tay quá trời.
(Cái Hương Lan kém thằng cu nhà mình 2 tuổi, mình đã ngắm nghía và bắn tiếng với bác Ngụ rồi, nhưng khổ nỗi thằng cu chỉ mải tưng tửng vừa làm vừa chơi, không có ý định lấy vợ, phần nữa (quan trọng nhất) nếu cạnh cái Lan thì cu này không xứng, nên mình đành lặng lẽ rút lui, cứ tiếc mãi).

Nhân hạnh phúc của các cháu, mình tự thay mặt mình, và thay mặt những ông bà K17 nào tín nhiệm mình, chúc các cháu cuộc sống hạnh phúc. Bố mẹ các cháu muốn hạnh phúc nữa, bọn mình cũng chúc luôn.

11.5.2012
Nguyễn Thông

Điều khó tin nhưng có thật

Lâu nay mình vẫn nung nấu viết một cái gì đó thật tích cực, tươi sáng, dạng "người tốt việc tốt" nhưng sao khó kiếm, cứ như đốt đuốc tìm giữa ban ngày. Cũng muốn cân đối những điều này nọ, kẻo ai đó vô tình vào xem nhật ký cá nhân (gọi theo kiểu Ăng-lê là blog) của mình lại bảo sao mình nhìn đời u ám thế. Nào có muốn vậy đâu.

Nay thì mừng hú. Trăm lần, nghìn lần cám ơn báo Thanh Niên đã giúp mình giải thoát bế tắc. Điều này, người này (như dưới đây) mà không được coi là đẹp thì mình xin cam đoan rằng chỉ có những vị quá thù ghét xã hội hiện tại mới nghĩ vậy thôi. Đọc cái mẩu tin nho nhỏ mà mình cảm kích lắm, cứ muốn hát vang: Cuộc sống ơi, ta mến yêu người.

Chả là bản tin như sau (nguyên văn, chẳng sai dấu phảy nào):

HỒ SƠ TRỄ HẸN, CHỦ TỊCH QUẬN XIN LỖI DÂN

Trong khi nhiều nơi có những "cửa quan" hành dân, thì tại UBND Q.1 (TP.HCM), việc cải cách hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ công chức đã bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn tại UBND Q.1 đạt gần 100%. Một số hồ sơ (chủ yếu về nhà đất có phức tạp về mặt thủ tục) chậm trễ tiến độ thì đích thân chủ tịch UBND Q.1 Trần Vĩnh Tuyến gửi thư xin lỗi người dân, trình bày lý do trễ hẹn và nêu thời gian giải quyết cụ thể. Từ đầu năm 2012 đến nay, Chủ tịch UBND Q.1 đã gửi 16 thư xin lỗi và những hồ sơ trễ hẹn đã được giải quyết dứt điểm.
(theo báo Thanh Niên ngày 11.5.2012, trang 13).

Bản tin ngắn thôi nhưng thật ấn tượng. Cứ tưởng chuyện xảy ra ở Singapore hoặc Đan Mạch, Thụy Điển chứ không phải ở xứ này. Thế mới biết, chả cần làm điều gì to tát, hoành tráng, chỉ cần thực hiện được những điều bình thường như nó vốn phải thế đã là công tích rồi. Vậy mà ở nước ta lại thuộc loại quý hiếm. Rất đáng biểu dương.
Cán bộ như ông chủ tịch Q.1 Trần Vĩnh Tuyến lại càng quý hiếm. Trong khi khắp nước nhan nhản những người bị mất lòng dân như Nguyễn Trường Tô, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Hiền, Bùi Huy Thanh, Nguyễn Khắc Hào..., thậm chí cả ông Nguyễn Văn Đua ở Sài Gòn, thì ông Tuyến là một kiểu mẫu thân dân, vì dân, thực hiện đúng lời cụ Hồ "cán bộ là công bộc của dân". Tôi chưa gặp ông Tuyến, chưa biết ông tài giỏi đến thế nào, cũng không ở Q.1 nhưng qua bản tin trên, tôi hiểu ông là người có cái đức cái tâm trong sáng của người lãnh đạo. Ai đó thử chỉ cho tôi xem xưa nay có ông bà cán bộ nào xin lỗi dân bao giờ chưa, hay toàn những hoạnh họe, quát mắng dân. Có ai làm sai hoặc cán bộ của mình làm sai mà gửi thư xin lỗi dân chưa, hay chỉ tìm cách quanh co, ỉm đi, sợ xấu chàng hổ ngươi. Tôi khâm phục ông Tuyến ở những điều hết sức cỏn con mà vĩ đại ấy. Những người như ông Trần Vĩnh Tuyến nhẽ ra phải giữ những cương vị cao hơn, quan trọng hơn, có tầm phủ việc rộng hơn cho dân được nhờ.

Không vì nhân dân, có giỏi đến đâu cũng vứt.

10.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Tôi không tin...

Vâng, tôi không tin, nhất quyết không tin.
Cái gì vậy, chắc ai đó hỏi tôi như thế. Xin nói thực lòng, thấy xã hội nhốn nháo, bất an suốt thời gian qua mà lo lắng.

Chỉ trong vòng mấy tháng, cứ liên tiếp, từ Tiên Lãng, đến Văn Giang, và ngay sau đó là Vụ Bản, như những phong trào nổi lên dồn dập. Người dân hoang mang, căm phẫn, mất lòng tin, thậm chí chia rẽ, nghi ngờ, phân hóa; còn chính quyền loay hoay, bịt được chỗ này xì chỗ nọ, trên bảo thế này, dưới làm thế khác, ý kiến không thuận, lãnh đạo không thông, cấp cao nhất e dè kín tiếng khó hiểu...

Đó là sự mất ổn định xã hội, đẩy người dân vào thế đối đầu với nhà nước, tạo những mâu thuẫn nội bộ ngày càng sâu sắc, có nguy cơ phải giải quyết bằng bạo lực. Nguyên do gì? Từ đâu?

Tôi không tin rằng một lực lượng tự nhận mình là nắm quyền lãnh đạo, luôn khoe từ dân mà ra, vì dân mà phục vụ lại có thể điều động công an, cảnh sát đi đàn áp nhân dân. Nếu chỉ một lần thì còn có thể bảo rằng do nóng vội, nông cạn, hời hợt... để rồi rút kinh nghiệm không xảy ra tương tự. Nhưng đây hoàn toàn ngược lại, càng về sau càng nóng, càng nghiêm trọng, càng ghê gớm hơn lần trước. Thế thì rõ ràng phải có bàn tay nào đó chỉ đạo, điều hành, mà phải là thế lực kinh khủng lắm mới tạo được sự đối đầu giữa nhà cầm quyền với nhân dân. Hay là bọn thù địch nhân dân, thù địch nhà nước đã chui sâu, trèo cao lên những chỗ ấy rồi. Nguy lắm thay.

Bất giác liên hệ đến thời gian gần đây nhà cầm quyền Trung Quốc gia tăng chóng mặt những hoạt động khiêu khích, xâm lấn, khai thác tài nguyên ở biển Đông, tích cực nhòm ngó những vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, cả kín đáo âm thầm lẫn công khai trắng trợn, để chuẩn bị cho cuộc bành trướng sắp tới. Trong khi ấy, dư luận nội bộ Việt Nam mấy tuần qua chỉ hoay hoay với chuyện đất đai, khiếu kiện, cưỡng chế, quên phắt bọn Tàu. Liệu có mối liên quan nào không nhỉ?

Con ngựa đã vào được thành Tơ-roa thì thành cao hào sâu có nghĩa lý gì.

9.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Điểm tin sáng nay

Giá vàng về ngưỡng bốn hai (42)
Tiền Phong thay tổng, kịch hài về quê
Biểu tình tuốt tận Chi Lê
Đảng còn bận họp bàn mê việc đời
Gỗ sưa chúng cướp sạch rồi
Có hai gái điếm bị lôi vào đồn
Văn Giang nhà báo no đòn
Quốc lộ tắc bởi xe đòn đám ma...

8.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Lời hay ý đẹp (8): Tất cả đều là con tao

Dư luận xã hội, nhất là các kịch sĩ, đang lùm xùm điều nọ tiếng kia về vụ sáp nhập Nhà hát kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ thành Nhà hát kịch quốc gia Việt Nam theo bàn tay đạo diễn của NSND Lê Hùng. Thậm chí cô NSND Lan Hương (vợ đạo diễn Tất Bình) còn làm dững 3 lá đơn khiếu nại, gửi lên tới tận thủ tướng, đến nỗi bị Bộ Nội vụ phê bình là khiếu nại vượt cấp (chuyện này kể cũng buồn cười, bởi cô Hương mà không táo tợn xé rào, cứ ngoan ngoãn xếp hàng gửi từ dưới lên trên thì có mà đến mục thất cũng chả ma nào quan tâm).

Trước kia, mình cũng thích ông Lê Hùng và những vở kịch do ông đạo diễn, thích cả Nhà hát kịch Việt Nam lẫn Nhà hát Tuổi Trẻ, và cả Đoàn kịch nói Hà Nội nữa, mỗi đoàn có phong cách riêng, rất hấp dẫn, từng tạo nên thời hoàng kim của kịch Bắc kỳ. Nhớ hồi năm 86, bạn mình, anh Vũ Quang Vinh tác giả vở kịch Tấm Cám cùng đoàn Tuổi Trẻ vào Sài Gòn diễn, có cho vợ chồng mình cặp vé xem Tuổi Trẻ diễn, thích lắm, mê lắm. Hồi ấy văn nghệ sĩ thương yêu gắn bó với nhau, "tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào", các lãnh đạo đoàn, đạo diễn, diễn viên, nhạc công, hậu đài hầu hết đồng cam cộng khổ, ít có sự phân biệt cả danh lẫn lợi. Giờ thì, nói ra mà chua chát. Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu.

Xoay quanh vụ lùm xùm nói trên, mình thấy nhiều ý kiến trái chiều, nhưng xem ra cái lý không thuộc về bác đạo diễn Lê Hùng. Mới nhất là nỗi niềm của NSƯT Tuấn Hải (đạo diễn-diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam) trên báo Tiền Phong ngày 7.5.2012. Ông Hải thở than:
"Một năm nhà hát dựng 3 vở thì anh Hùng làm cả 3. Dựng 4 vở anh ấy làm 4. Nếu dựng 5 vở thì anh ấy làm cả 5. Không chia bát cơm cho ai cả. Chỉ có anh ấy là thu nhập nhiều mà thôi".
(trích trong bài Hai câu hỏi dành cho Bộ Văn hóa, trang 8, Tiền Phong 7.5.2012).

Mình chỉ biết nói: thế thì chán nhỉ. Kịch miền Bắc đến hồi mạt vận rồi. Thương thay.

7.5.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Danh (bài 1): Hội đồng xét giải thưởng còn tùy tiện, vô trách nhiệm


Cuối cùng thì bản danh sách những người xứng đáng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đợt năm 2011 đã gút lại, Hội đồng cấp nhà nước đã thông qua và trình lên cấp có thẩm quyền (Chủ tịch nước) phê duyệt. Sau những khiếu nại, thắc mắc lùm xùm dẫn đến sự giải quyết kéo dài, khiến lui lại thời điểm trao giải hơn nửa năm, thì đó là kết quả đáng mừng. Những người có công lao to lớn, đóng góp xuất sắc với nước với dân, với sự nghiệp cách mạng đã được ghi nhận, tuyên dương, dù có nhiều trường hợp quá muộn màng, chậm trễ. Tuy nhiên, sau 4 lần trao giải thưởng Hồ Chí Minh (vào các năm 1996, 2001, 2006 và lần này 2012), sau nhiều lần trao giải thưởng Nhà nước cũng như phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, có thể lưu ý đôi điều.

Theo pháp lệnh về giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, việc xét giải cho các công trình sẽ được hội đồng bình chọn cấp cơ sở bỏ phiếu, sau đó chuyển danh sách lên cấp trung ương (Hội đồng cấp nhà nước) để xem xét kỹ càng. Tiêu chuẩn xét chọn rất chặt chẽ, thậm chí ngặt nghèo nhằm đánh giá chính xác các công trình, tác phẩm của những cá nhân, tập thể xứng đáng nhất. Đã bao lần các hội đồng bình chọn chuyên ngành, và nhất là Hội đồng cấp nhà nước phải nâng lên đặt xuống, phân vân cân nhắc không ít trường hợp. Nhưng có lẽ vì quá kỹ, quá khắt khe hoặc quá câu nệ vào tiêu chí này nọ, thậm chí kém trách nhiệm, thiếu công tâm mà đã phát sinh điều vô lý, thậm chí bỏ sót những trường hợp rất xứng đáng, gây nên những chậm trễ không đáng có, đáng tiếc. Xin dẫn ra vài trường hợp:

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Ông Thăng la nhiều quá

BÁ TÂN

            Trong các thành viên chính phủ, nhất là dàn tân bộ trưởng, ông Đinh La Thăng là người được dư luận nhắc đến nhiều nhất. Nhiều nhất. Hay nhất. Dở nhất. Đó là những cái nhất có khi trùng khớp nhau, có khi lại đối nghịch trái ngược.

            Dư luận nhắc đến nhiều nhất. Là người có cái nhất ấy, ông Thăng hay nhất hay là dở nhất? Đây là vấn đề của xã hội, cá nhân tôi không dám mạo muội xếp hạng, xin để dư luận đánh giá. Tôi thấy nhiều người bảo rằng ông Thăng la nhiều nhất. Ngẫm nghĩ đến nơi đến chốn, nhận ra nhiều người nói không sai. Ông la lên nhiều chuyện, nhiều vấn đề gây bức xúc cho dư luận xã hội. Và dân chúng cũng (kêu) la về ông nhiều lắm. Về khoản đó, trong giới quan chức đương thời, khó có ai vượt qua ông Thăng.

            Bộ trưởng Thăng la lên nhiều thứ, kể cả những thứ chưa thể làm, thậm chí có những cái không được phép làm. Phí chồng lên phí. Bác nông dân chân lấm tay bùn, học chưa hết phổ thông, biết tường tận và bức xúc các loại phí vô lý. Là bộ trưởng, thành viên của chính phủ, thế mà ông Thăng lại không biết hoặc cố tình không biết cái mà người lao động trong các khu ổ chuột nói ra vanh vách. Nếu phí là một mặt trận, ông Thăng với người dân đang đối nghịch nhau.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Ám ảnh

NGUYỄN TUẤN THI

Nếu sự thật là không có thơ
ta đâu mất công đâm đầu vào ám ảnh
Nếu sự thật là không có dối trá
ta đâu có đau nỗi ám ảnh sự thật
Nếu sự thật là không có tự do
ta đâu cần tìm nó
(Nếu sự thật là không có bi phẫn
ta đâu cần lịch sử)

Nếu có tự do và sự thật
thì câu thơ đâu quặn mình bi phẫn
và lịch sử phải lật sang trang mới.
N.T.T

Đôi lời giới thiệu:
Nguyễn Tuấn Thi (sinh năm 1982, ở Hà Nội) một doanh nhân trẻ thành đạt. Anh là con trai nhà thơ Từ Ngàn Phố (Nguyễn Tuấn), vì vậy thơ ngấm vào máu anh như lẽ tự nhiên. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, đăng nhiều trên các báo Văn Nghệ (Hội nhà văn VN), Giáo dục và thời đại, Người Hà Nội, tạp chí Thơ... Thơ anh mang giọng điệu riêng biệt, có xu hướng cách tân; tải những suy nghĩ gân guốc nhưng sâu sắc, thể hiện nhiều trăn trở của một lớp trẻ sống trong thời đại tuy bế tắc nhưng ẩn chứa đầy biến động.

4.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Lời hay ý đẹp (7): Phải chỉ ra cụ thể đứa nào, ở đâu

Trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ về công cuộc chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, ông Trương Tấn Sang- ủy viên bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã khá thẳng thắn như vầy:


"Từng cá nhân phải tự liên hệ xem mình có khuyết điểm hay không. Nếu chỉ nói anh này, anh kia có khuyết điểm mà bản thân mình hay cấp mình chẳng có khuyết điểm gì là không được. Chúng ta đang nói đến “một bộ phận không nhỏ...” thì bộ phận này ở đâu phải được chỉ ra cụ thể. Nhóm lợi ích nằm ở đâu cũng phải được chỉ ra. Đó là nhìn thẳng vào sự thật, không được né tránh. Tư tưởng của nghị quyết trung ương 4 lần này đòi hỏi như vậy".
(trích chính xác nguyên đoạn trong bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 3.5.2012, trên trang điện tử http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/489985/Tham-nhung-khong-giam-nghi-quyet-khong-thanh-cong.html).

Hoan hô ông chủ tịch nước. Mong sao lời nói đi liền với hành động. Dân đang chờ từng ngày.

3.5.2012
Nguyễn Thông

Nhất sinh đê thủ...

Trước người ấy là Bọ Lập, Nguyễn Quang Lập. Đọc bài tỏ thái độ thẳng thắn, dứt khoát, khinh bỉ của bọ đối với ông phó chủ tịch Hưng Yên về vụ Văn Giang (http://quechoa.info/2012/05/03/hon-dat-ma-biet-noi-nang/#more-23945) xong, mình chỉ biết nói thế. Mình không đăng nguyên vẹn bài bọ Lập lên đây, là bởi mình muốn chứng minh rằng trong hàng triệu người dân bình thường có cùng suy nghĩ thái độ như bọ, nhưng không mấy ai dám thẳng thắn thế, họ giống mình, tốt nhưng hèn, chỉ đăng lại bài của người khác mà cũng sợ. Nỗi sợ ấy còn tồn tại, những người như bọ Lập còn đơn độc.

Khi chưa được như bọ Lập, đừng quá hèn mà mất cả nhân cách. Mình tự nhủ mình như thế.

3.5.2012
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Lời nhắn thầy quyền

Sau một buổi chiều bận rộn, giờ mới kể chuyện này:

Lúc trưa nắng, mình lên dốc cầu Nhị Thiên Đường (Q.8), nóng hầm hập như cái lò than Phấn Mễ. Một chú trang phục dân phòng, với sự hỗ trợ của một chú khác cùng trang phục, rút dùi cui đánh tới tấp lên đầu lên cổ một thằng dân trạc ngoài 20 gầy gò, dắt xe đạp. Nó vừa giữ xe vừa van (nguyên văn) "con chỉ buôn bán lề đường thôi, có gì mà chú đánh con". Bỏ qua các chi tiết: bộ dạng thằng dân, đi xe đạp, cách xưng hô của nó (đã đủ biết nó là người thế nào), mình chỉ định nói với tay dân phòng: "này cu, trưa nóng thế này chỉ có những thằng lương thiện sắp chết đói mới mò ra đường kiếm ăn thôi, mày đánh nhầm người rồi" nhưng cầu đông quá không chen vào được.

Nay nếu cu có đọc dòng này thì tỉnh ngộ đi nhé. Chúng mi thích đánh người quá đấy, dân nó không thích đâu.

Lúc ấy khoảng 12 giờ, dốc cầu phía bùng binh đường Tùng Thiện Vương, bác chức việc nhà nước nào muốn kiểm tra cứ lại hỏi mấy người bán bánh tiêu bánh bò dốc cầu là biết, tớ không vu cho ai.

2.5.2012
Nguyễn Thông