Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Phục vụ dân

Hồi trưa, tôi dọn dẹp lau chùi tủ sách, rơi ra cuốn Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Buồn tay giở xem, trúng ngay đoạn chị Dậu ra đình lạy lục xin lý trưởng đóng triện vào cái giấy bán con bán chó để cứu chồng. Chị ta nói hết nước hết cái nó cũng không chịu đóng, cuối cùng phải mất cho nó cả thảy 2 hào, bởi "triện của ông không phải củ khoai" mà cho không mày.

Khi tôi học cấp 2, nhà trường lên án rất dữ bọn cường hào lý dịch này, nhất là chi tiết ăn cả mồ hôi nước mắt dân, chà đạp nỗi đau của dân. Các thầy giáo đồng thời liên hệ chế độ ta tươi đẹp, chính quyền và cán bộ phục vụ nhân dân vô điều kiện. Đó là ưu việt của chế độ XHCN. Chúng tôi tin như vậy. Mà thực, hồi tôi ra ủy ban xã xác nhận lý lịch và cắt hộ khẩu để đi học, ủy ban cũng đóng dấu và chả lấy xu nào.

Giờ thì khác. Vụ ủy ban phường Văn Miếu ở Hà Nội giống hệt tên lý trưởng củ khoai nói trên. Mà nói đâu xa, chúng ta cứ đem bất cứ thứ giấy tờ nào ra ủy ban phường-xã chứng nhận hoặc sao y là bị họ tính tiền, gọi là lệ phí. Chúng ta đóng thuế nuôi họ làm việc nhưng hở ra là họ móc túi ta. Họ nói là chính quyền nhân dân, phục vụ nhân dân nhưng họ bóp nặn dân từng tí một. Cái gì cũng phải tiền. Không có tiền thì đừng bước chân vào ủy ban.

Mà nhân vụ sao y này, tôi muốn hỏi các vị ủy ban về việc luôn bắt dân phải nộp 1 bản. Tôi sao y cho tôi chứ có sao cho các vị đâu. Còn nếu để kiểm tra trong trường hợp có xảy ra sự gì về sau thì cứ giở sổ sách ra, biên ghi đầy đủ, ký rõ ràng, làm sao phải giữ 1 bản cho chật tủ. Mỗi ngày giữ hàng trăm bản, chả mấy lúc lại réo bà ve chai xử lý hàng tồn, đó là chưa kể rất tốn phí tiền của dân, chỉ béo mấy anh photocopy thôi.

So với chính quiyền tôi biết hồi còn bé thì chính quyền bây giờ là bước thụt lùi. Suy thoái ở đấy chứ ở đâu mà cứ phải lý luận, hở mấy ông đảng.

Đấy, có nhiều thứ vô lý thế đấy mà đám dân chúng ta cứ nín nhịn chịu đựng, họ càng đè đầu cưỡi cổ, không bao giờ ngóc lên được.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Cái sảy nảy cái ung

Một việc tưởng nhỏ mà không nhỏ. Đã đành những vụ trộm chó diễn ra nhan nhản, hằng ngày trên khắp nước khiến dư luận lẫn cơ quan công quyền chép miệng bỏ qua, thì cái trò trộm vặt ấy mà, nhưng trường hợp này khá nghiêm trọng, gợi nhiều vấn đề.

Chả là sáng 28.7, hai tên trộm chó chuyên nghiệp (bởi có cả súng bắn điện, lúc bị phát hiện đã bắt được 6 con chó to kềnh) bị dân đánh trọng thương, đốt cháy cả xe máy xịn Exciter. Công an TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng như mọi lần, đang điều tra đầu đuôi, nguyên cớ, thủ phạm, người liên quan…

Trước hết nói về những kẻ trộm chó. Âu cũng là cái nghiệp, gieo gì phải gặt nấy. Biết là đi ăn trộm chó (thực ra là cướp) sẽ gánh hậu quả nhưng vẫn đi, hiểu tai họa chực chờ nhưng vẫn làm. Đây không phải dạng “đói ăn vụng, túng làm liều” mà là chấp nhận sự trả giá. Chúng liều lĩnh, hung hăng, sẵn sàng đánh trả những người ngăn chặn hành vi phạm pháp của chúng. Đã có nhiều vụ kẻ trộm bị dân chúng bắt quả tang, đánh cho tơi tả nhưng những kẻ khác vẫn không chừa. Đừng ai bênh những tên trộm cướp như thế. Gieo nhân nào phải gặt quả nấy, lẽ xưa nay là vậy.

Nhưng cũng rất đáng lo. Đã quá nhiều vụ trộm chó xảy ra trên khắp nước này, và cũng không ít vụ dân chúng không kiềm chế được bạo lực, đánh kẻ trộm chó bị thương, thậm chí chết, hủy hoại tài sản kẻ trộm. Một xã hội tiềm ẩn bất an, những đám đông sẵn sàng dùng bạo lực, bất chấp luật pháp, có thể đánh chết người, điều đó bất cứ người lương thiện nào cũng không mong muốn. Vấn đề còn rơi vào lúng túng, bế tắc ở chỗ dân chúng vẫn chưa biết cách hành xử kẻ trộm tài sản của mình thế nào cho thỏa đáng, nhất là khi cơn giận dữ nổi lên, không chỉ của một vài người mà cả cộng đồng.

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Không thể hiểu nổi cái bộ máy đúng quy trình này

Nói thế sợ có quá chăng. Đến cả không gian vô tận, biển sâu rộng mênh mông con người còn luôn tìm tòi tìm hiểu khám phá thì có gì mà không hiểu nổi. Nhưng sự dưới đây quả thực bắt chúng ta phải nghi ngờ những gì mà lâu nay ta vẫn cho rằng làm sao có chuyện như thế được.

Chả là cơ quan pháp luật Hà Nội vừa công bố danh sách 14 người bị truy tố do liên quan tiêu cực (lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tư lợi) đến tình trạng đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Tất cả đều là cán bộ, hầu hết đã bị kỷ luật, không còn giữ chức vụ. Trong 14 đương sự có tới 13 vị là “nguyên”, giờ bị lôi ra đối diện với pháp luật. Ngoài vài cán bộ huyện, phần đông là nguyên cán bộ xã, tất nhiên xã Đồng Tâm chứ không phải xã nào khác.

Nếu xét trong “ngạch” cán bộ thì cán bộ xã thuộc diện thấp nhất của bộ máy chính quyền. Quyền hành, vị thế, độ oai còn thua cả cán bộ phường thuộc chính quyền đô thị cơ sở. Thấp nhưng không có nghĩa biết thân biết phận, chỉ “hết lòng hết sức phục vụ nhân dân xã”, hết nhiệm kỳ vẫn giữ lòng mình trong sạch như khi chửa bước chân vào guồng. Ở tầm huyện, tỉnh, chứ chưa nói cả nước, thì cán bộ xã là dạng cán bộ “quèn”, nhưng ở tầm xã thì họ là vua, là đội ngũ lãnh đạo, đứng đầu, dẫn dắt, hét ra lửa. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, sau này do đặc thù công việc hay về những vùng quê, nên tôi biết khá rõ về các vị ấy. Tất nhiên không phải lúc nào cán bộ xã cũng “có vấn đề” khiến họ trở thành cái gai trong mắt dân sở tại. Tôi từng gặp những chủ tịch xã, bí thư đảng ủy, phó chủ tịch xã… rất gương mẫu, được bà con tin yêu, kính phục. Tuy nhiên, chẳng biết có phải do thời thế đổi thay, hay sự trau dồi đạo đức, rèn luyện bản thân của cán bộ xã kém dần đi mà ngày càng xảy ra nhiều chuyện không hay, thậm chí rất xấu trong đội ngũ lãnh đạo chính quyền cơ sở. Bản danh sách cán bộ xã Đồng Tâm bị truy tố là một minh chứng.

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Bài của nhà văn Vũ Thư Hiên

Lời giới thiệu: Ông Vũ Thư Hiên, nhà văn, người dịch nhiều và rất hay những tác phẩm văn học Nga-Xô viết, đặc biệt các tác phầm của K.Paustovski, là nạn nhân trong vụ án "xét lại chống đảng" ầm ĩ những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Ông là con cụ Vũ Đình Huỳnh, một bậc lão thành cách mạng, Bí thư, trợ lý gần gũi của chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm sau cách mạng tháng 8. Cụ Huỳnh cũng bị bắt giam, cả hai cha con cùng chịu cảnh ngục tù, cụ đến chết vẫn không được giải oan.
Dưới đây là bài viết của nhà văn Vũ Thư Hiên. Chúng tôi lưu lại như một dạng tư liệu.


Vì lịch sử và công lý, chúng tôi lên tiếng
VŨ THƯ HIÊN (nhà văn)

Chúng tôi, những nạn nhân còn sống và thân nhân những nạn nhân đã qua đời trong một vụ án không được xét xử cách nay vừa tròn 50 năm được gọi tắt là “Vụ án Xét lại chống Đảng”, một lần nữa phải lên tiếng vì sự thật và công lý, vì lương tâm và nghĩa vụ, vì một đất nước thượng tôn pháp luật.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Năm 1956, tại Đại hội 20 Đảng cộng sản Liên Xô, Tổng bí thư Nikita Khrushev đã đọc báo cáo quan trọng về chống tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương “cùng tồn tại trong hoà bình” giữa hai hệ thống cộng sản và tư bản. Đường lối mới đã được hầu hết các đoàn đại biểu tán đồng tại Đại hội các đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Moskva với 81 thành viên tham dự năm 1960.

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) do Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh cùng với Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và các ủy viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh tham dự đã ký vào bản Tuyên bố chung Hội nghị trên. Đường lối mới này đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kịch liệt lên án, gọi là “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”.

Chuyện ngân hàng (kỳ 3, cuối)

Tháng 5.1977. Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở tại ký túc xá Nguyễn Chí Thanh, quận 5 gần trường, tôi bắt đầu lần mò tìm hiểu đất Sài Gòn. Việc đầu tiên là đến thăm bà cô họ nhà mãi tuốt quận Bình Thạnh. Lóc cóc xe đạp chạy tới đó phải cả tiếng đồng hồ. Bà cô tôi là bà Nguyễn Thị Thi di cư Nam năm 1954. Vào Nam mới lập gia đình, chồng bà là người Nhật, thời điểm trước 30.4.1975 ông là Tổng giám đốc Tokyo Bank (Đông Kinh ngân hàng) trụ sở trên đường Hàm Nghi, gần Cục Hải quan bây giờ. Bên thắng cuộc tràn vào Sài Gòn thì ông phải ra đi. Ông bà có mấy người con tôi cũng không hỏi kỹ, chỉ nhớ có đứa con trai tên Hiroshi, nhìn trong ảnh rất cao lớn đẹp trai. Sau ngày 30.4.1975 ông và đám con bay về Nhật, chỉ còn bà ở lại. Chắc sẽ có người hỏi tôi sao sau 30.4 mà ông vẫn được về, không bị đi cải tạo; sao bà không cùng đi với ông… Chả là người nước ngoài như ông Nhật Bản này không thuộc diện bị chính quyền mới bắt cải tạo giam giữ, ông cũng chỉ làm kinh tế thuần túy, không dính líu gì vào ta hay địch, và cơ bản nhất là vợ ông, tức bà Thi cô tôi, có tham gia hoạt động cách mạng, thành viên của Hội phụ nữ giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Bà là bạn thân, đồng chí của mấy bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), bà Ngô Bá Thành, bà Nguyễn Phước Đại… nên chính quyền mới cũng nể vì. Ông chồng hồi hương rồi, bà ở một mình. Ngôi biệt thự của ông bà trên đường Ngô Tùng Châu quận Bình Thạnh nằm giữa khu đất rộng cả ngàn mét vuông, cây cối um tùm xanh ngắt. Nhà của vị đứng đầu ngân hàng Nhật nổi tiếng Sài Gòn đương nhiên phải thế.

Tôi thỉnh thoảng đến thăm bà nhưng giữ ý. Bà là cô mình nhưng cực kỳ giàu có, tôi rất ngại mang tiếng “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng” nên mỗi lần tới chỉ hai cô cháu nấu nướng ăn uống, có hôm bà bảo bữa nay không nấu nữa, đi ăn phở, ăn hủ tiếu, chứ bà cho bất cứ thứ gì tôi đều lắc đầu, dứt khoát không nhận. Nhà bà tivi, tủ lạnh, quạt máy, bàn là, máy giặt, vải vóc… không thiếu thứ gì, mà những thứ đó tôi đều ao ước. Tôi sĩ diện, quyết không là không. Cho tiền cũng không lấy. Lúc đầu bà giận, sau hiểu ra, bà bảo cháu ạ, mày giống hệt tính thày mày, khái tính, tự trọng từ hồi trẻ.

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Chuyện thông tin

Chiều 21.7 tôi đọc cái tin công an đang “truy lùng” ai là người đã đưa tin “thất thiệt” máy bay rơi ở sân bay Nội Bài. Nếu tin này xảy ra cách nay vài chục năm thì cộng đồng xã hội sẽ tin sái cổ, nhưng bây giờ thì không thế. Chả ai tin, bởi đó là tin thất thiệt. Tại sao? Đơn giản là bây giờ những vụ việc nghiêm trọng như vậy chả thể nào giấu được. Xã hội lúc này trăm tay nghìn mắt, chuyện nhỏ như con kiến vừa xảy ra nơi thôn cùng xóm vắng cũng được lan truyền tức thì, huống hồ cái máy bay rơi ngay địa phận thủ đô. Loại tin như trên người ta gọi là tin đồn nhảm, tin vịt. Chỉ những kẻ khờ khạo mới tin. Công an mà bắt được đương sự, cứ buộc nó ngồi trong phòng kín vẽ 1 tỉ con vịt rồi hẵng thả, cho chừa.

Nhưng con người sống trên đời cần có thông tin. Tuyên ngôn độc lập của những nước văn minh như nước Mỹ, nước Pháp (hai đế quốc to mà nhà cai trị xứ ta đã nói rằng ta có vinh dự đánh cho cả hai bị bại) cũng như tuyên ngôn độc lập xứ này đều khẳng định “con người ta sinh ra có quyền tự do và bình đẳng”, trong các quyền ấy có quyền được thông tin và bình đẳng về thông tin. Nói lý luận vậy thôi chứ “áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam” thì nó lại khác, thậm chí ngược hoàn toàn. Viết đến đây, tôi thấy cần phải điểm lại một vài chuyện đã và đang xảy ra ở xứ này, liên quan đến thông tin.

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Dời núi và lấp biển kiểu Tàu

TRẦN NGỌC VƯƠNG (giáo sư)

Câu chuyện Trung Quốc "Ngu Công dời núi" đã được kể từ ngày xửa ngày xưa, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ người Hán, mà dần dần đã lan truyền ra ít nhất trong phạm vi bốn quốc gia "đồng văn", phổ biến đến mức rất nhiều người Việt tận nơi "hang cùng xóm vắng" cũng có thể thao thao kể lại.

Bài học dễ dàng rút ra qua câu chuyện đó là bài học về lòng kiên nhẫn, nghị lực bền bỉ cùng quyết tâm, ý chí phi thường của con người có thể làm được những chuyện cực lớn lao, thậm chí thoạt tiên dường như bất khả! 

Đó cũng là một câu chuyện phản ánh một nét đặc trưng trong " bản tính tộc người" của người Trung Quốc. Vì những " giấc mơ" to lớn ấy mà quốc gia của họ bao lần đổ vỡ, loạn ly, tan nát, nhưng cũng "vịn vào những giấc mơ mà đứng dậy", người Trung Quốc vẫn tiếp tục mơ những giấc mơ càng ngày càng kỳ vĩ hơn.

Dời núi, họ đã từng mơ, từng làm. Là một đế chế lục địa trong cả một trường kỳ lịch sử, loại hành vi dời núi được họ khuyến khích lẫn nhau và từng nỗ lực thực hiện. Chỉ có điều, họ dời núi theo cách " tiện lợi" là "san thành bình địa", chứ họ không mơ mang đất đá ấy đổ thẳng ra biển trong " câu chuyện Ngu Công" kia! 

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Chuyện ngân hàng (kỳ 2, tiếp theo)

Như đã biên ở bài trước, ngân hàng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa những năm trước 1975 ở miền Bắc chủ yếu làm nhiệm vụ giữ tiền, khi nào cần thì phát ra dưới dạng tín dụng. Gọi là cho vay để phát triển sản xuất chứ thực chất cũng chỉ bù đắp được chút ít cho các hợp tác xã nông nghiệp hoặc thương nghiệp lúc khó khăn về tiền bạc, có tạo được chuyển biến gì đáng kể về kinh tế đâu. Chính quyền miền Bắc không coi ngân hàng là một ngành kinh tế, chỉ coi nó là công cụ phụ trợ bởi theo họ kinh tế xã hội chủ nghĩa không cần sức mạnh của đồng tiền.

Hồi ấy cộng đồng vẫn truyền tai nhau quan điểm kinh tế đặc sệt cộng sản của ông Lê Duẩn, vị thống soái của bộ máy cai trị. Người ta kể rằng khi nghe cấp dưới than thở khó khăn do không có tiền, anh Ba kính mến rất bực, anh mắng “tôi hỏi thì nói không có tiền. Không có tiền thì in ra! Tư bản đế quốc nó mới sợ lạm phát, còn chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thì làm sao lạm phát mà sợ”. Có lẽ vậy, sau năm 1975, nền kinh tế đất nước bị chỉ huy điều hành bởi những bộ óc như ông Duẩn nên cứ đi thụt lùi, lùi mãi lùi mãi tới bờ vực, điều đó không có gì lạ.

Chuyện nghĩa trang

Tháng 7 ngày 27 tây hằng năm, theo lịch lễ lạt mới ở xứ ta, là ngày Thương binh liệt sĩ. Có lẽ trong vô vàn lễ mới được chế độ hiện thời xác lập, đây là ngày lễ được lòng người nhất bởi có nhiều lý do:

Vấn đề tâm linh. Ở một nước mà lòng tin, niềm tin của con người vào những điều tâm linh huyền bí còn sâu nặng thì lễ như thế này dễ được số đông ủng hộ.

Đạo lý. Người xứ ta trọng cái tình cái nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, biết ơn người đã ngã xuống cho đất nước là việc không bao giờ thừa.

Ảnh hưởng của lịch sử. Một đất nước suốt hơn nửa thế kỷ giặc giã chiến tranh, đánh nhau liên miên, thù trong giặc ngoài, hàng mấy triệu người lính bỏ mạng trên chiến trường, cũng không ít hơn số đó bị thương tật, tàn phế, ngoài ra vô vàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lái xe, chèo đò… ngã xuống, vậy thì có một ngày như thế là cần thiết.

Cứ đến ngày 27.7, dân chúng và đại diện chính quyền đều đến nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương viếng, tưởng niệm liệt sĩ, những người đã chết cho đất nước và dân tộc. Vòng hoa, hương khói, đồ cúng bái tạo một không khí tâm linh dày đặc trên khắp nước. Hầu như ai cũng thầm cầu mong liệt sĩ phù hộ, độ trì cho người còn sống, người được sống, người đang sống được yên vui, hạnh phúc hơn. Trong tâm thức bao người, liệt sĩ chính là những vị phúc thần bảo hộ cho họ, cho cộng đồng.

Lẩn thẩn tháng âm

XUÂN BA (nhà báo)

Cái làng Lon bé nhỏ của tôi 18 nóc nhà thèo đảnh nép bên chân núi góc xứ Thanh cũng chả thể yên hàn, bình lặng qua cuộc chiến tranh. Anh cả tôi thương binh hạng ¼ đánh trận Khe Sanh năm 1968. Anh thứ hai, bộ đội B2 Miền Đông Nam Bộ, thương binh 2/4. Thằng em út bệnh binh Mặt trận biên giới Tây Nam. Làng 18 gia đình nhưng có tới 6 liệt sĩ. Lứa chống Mỹ đầu có cậu Xuân đi bộ đội từ thời chính quy hiện đại những năm đầu sáu mươi. Tiếp lứa sau có những Quyền, Phụng, Sơn ( Ngọc) Vĩnh và Nguyệt, con gái ông chú đi TNXP. Trừ Nguyệt, còn 5 liệt sĩ kia đều xếp vào diện không tìm thấy mộ. Mỗi lần nhảo về quê ghé qua nhà len lét thấy như mình có lỗi bởi người thân đều có ý hỏi thăm tin tức phần mộ. Bởi nghe đài, coi ti vi thấy thiên hạ nơi này nơi kia tìm được phần mộ người thân nhưng người nhà mình thì cứ bặt tăm chả được tin tức gì!

Tháng bảy này vẫn là tháng 6 âm. Năm nay nhuận hai tháng 6. Nhưng hình như trời đất đã bắt vào cái tiết âm, tiết Ngâu của tháng 7 rồi? Mưa giăng giăng khắp xứ Bắc và dọc miền Trung có cả tháng. Trong mấy ngày mưa lướt thướt ấy tôi may mắn được nhập vào một đoàn đi theo vệt lộ trình tâm linh. Nghĩa trang liệt sĩ Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Mộ Tướng Giáp, Nghĩa trang liệt sĩ Miền Nam ở Quảng Bình, Hang Tám Cô, Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị.

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này. Chợt câu buồn ấy của Nguyễn Du ập về. Chưa đến mức tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/Toát hơi may lạnh buốt xương khô (chẳng hay cụ Nguyễn Tiên Điền khi viết Văn tế thập loại chúng sinh có vào cữ tháng 6, tháng 7 âm và nhuận dư lày không nhỉ?) Nhưng trời mưa lạnh qua các nghĩa trang thấy lòng dạ cứ chùng cứ trĩu xuống. Mặc dù những địa danh tâm linh ấy mình đã nhiều lần được ghé!

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Chuyện ngân hàng

Bây giờ thì ngay cả đứa trẻ con học lớp lá cũng biết đến ngân hàng, thế nào là ngân hàng. Đi trên phố, hoặc đến những huyện lỵ, nhìn những dãy nhà, tòa nhà cao nhất, đồ sộ nhất, hoành tráng nhất, bạn sẽ thấy đó là những trụ sở ngân hàng. Chả bù cho ngày xưa.

Thời những năm 60-70 ở miền Bắc, hầu như mọi người chỉ biết có mỗi Ngân hàng nhà nước, ngoài ra không còn gì khác. To thì Ngân hàng nhà nước Việt Nam đóng ngay tại tòa nhà của Ngân hàng Đông Dương cũ ở Hà Nội, còn nhỏ hơn chỉ có chi nhánh ngân hàng nhà nước ở các tỉnh thành, chứ xuống đến cấp huyện là không có. Thỉnh thoảng nghe “đài địch” thấy nói ở miền Nam, ở Sài Gòn nhan nhản những ngân hàng này nọ, có cả ngân hàng tư nhân, như ngân hàng Nguyễn Tấn Đời, Việt Nam thương tín… thì lạ lắm. Sao nó bày vẽ ra lắm ngân hàng thế để làm quái gì nhỉ.

Nghĩ như vậy bởi trong đầu óc lứa chúng tôi lúc ấy thì ngân hàng chỉ có mỗi việc trữ tiền, khi cuộc sống thiếu tiền, cạn tiền thì lại tung ra. Gần như người dân chỉ nghĩ ngân hàng làm mỗi nhiệm vụ của đơn vị tín dụng. Ai có tiền rảnh rỗi thì gửi vào ngân hàng, gọi là tiền tiết kiệm, hằng tháng lĩnh tiền lời (hoặc sau vài tháng, sau 1 năm, vài năm) để mà sống. Nhiều cụ về hưu, tiền bạc chả có bao nhiêu, chế độ bảo hiểm xã hội nào có được như bây giờ nên lương hưu chẳng đủ ăn trầu hút thuốc. Vậy là gom góp, vét voi bán thứ nọ thứ kia, cả nhẫn cưới, hoa tai, lấy tiền gửi ngân hàng. Cũng được mấy đồng tiền lời thêm vào tiền chợ, khỏi phiền con cháu.

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Xảo thuật ngôn từ

Chiều 14.7, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) họp tổng kết 6 tháng đầu năm 2017. Đây là sự kiện bình thường bởi chả riêng bộ này mà nhiều bộ ban ngành khác cũng vào mùa sơ kết ấy. Tuy nhiên đã xảy ra chuyện không bình thường là lãnh đạo Bộ dứt khoát không cho giới báo chí truyền thông vào dự. Dư luận xì xào hay là có tật giật mình, đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại chứ có nhẽ đâu thế.

Cái lý để cấm cửa báo chí có thể một phần do những lùm xùm xung quanh vụ Bộ TN-MT cho phép Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được phép “nhận chìm xuống biển gần 1 triệu mét khối vật chất” (từ “nhận chìm” và “vật, chất” là nguyên từ trong giấy phép cấp ngày 23.6.2017 của Bộ TN-MT do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc thay mặt Bộ trưởng ký). Dư luận xã hội phản đối dữ quá, báo chí săm soi ghê quá nên dường như họ ngại bị vặn vẹo, khó trả lời.

Nói không quá, vấn đề môi trường đang là chuyện hằng ngày nóng hổi nhất trong đời sống cũng như trên mặt báo. Nỗi lo môi trường bị hủy hoại thành mối quan tâm của mọi người, từ vị lãnh đạo cao nhất quốc gia đến người dân vô danh tiểu tốt. Cách đây ít ngày, trên ngay chính tờ báo điện tử Một Thế Giới này, trong mục này đã có bài (Xả thải và tự sát của tác giả Đoàn Đạt) phân tích sâu sắc nguy cơ nói trên, cho thấy môi trường biển đang đứng trước sự tận diệt vô cùng kinh khiếp bởi con người. Chính vì vậy, tôi không nhấn sâu vào điều đó nữa mà quành sang chuyện khác có liên quan.

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Kẻ đại gian đại ác

Hai ngày nay không có thông tin gì mới về việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tự đáy lòng mình, tôi thầm cầu mong liệt sĩ sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho đội quy tập sớm tìm thấy các anh, mỗi người dù chỉ một mảnh xương (điều này thật khó bởi chôn không có áo quan, mà đã gần 50 năm rồi) để đưa về nghĩa trang, cho linh hồn các anh có nơi nương náu, chấm dứt cảnh lang thang vật vờ suốt nửa thế kỷ.

Có điều này tôi nghĩ nhiều người biết nhưng ngại nói ra, nhưng tôi thấy cần phải nói: Trong 2 ngày đầu tết Mậu Thân 1968 (mùng 1 và 2 tết), bộ đội hy sinh rất nhiều (không phải là thắng lợi rực rỡ, vẻ vang như lâu nay họ tuyên truyền). Dù những người chết là kẻ thù, là đối phương nhưng người Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã gom các thi thể chiến binh CS lại và chôn cất khá tử tế, dựng hẳn bia mộ rất to, ghi rõ trên bia, dường như để đánh dấu nhằm sau này dễ việc tìm kiếm. Rồi chiến tranh chấm dứt 7 năm sau đó, người CS đã chiến thắng, họ làm chủ miền Nam, tất nhiên làm chủ cả sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau ngày 30.4.1975, không phải ai cũng có thể ra vào khu vực sân bay, nhất là nó được quân đội quản lý. Vậy có thể đặt ra câu hỏi: Ai (những ai) đã ra lệnh, đã phá 2 tấm bia mộ đánh dấu mộ tập thể chôn cất hàng trăm liệt sĩ kia. Họ phá đi để làm gì, liệu có phải nhằm xóa một dấu tích không lấy gì hay lắm đối với họ? Cứ cho là phá cũng được đi, nhưng tại sao không tiến hành cất bốc hài cốt liệt sĩ ngay lúc đó? Hàng trăm chiến sĩ mấy năm trời bị vùi trong đất, nếu lúc ấy mà cất bốc đưa về nghĩa trang có thể xương cốt vẫn còn nguyên vẹn. Vậy mà người ta nỡ lòng nào ỉm đi, xóa sạch dấu tích, để các anh nằm mãi trong đất lạnh tới nửa thế kỷ, không nén nhang, không hương khói, không vòng hoa tưởng niệm; để nhiều gia đình hàng mấy chục năm trời ngóng chờ tin tức con em mình. Nhà nước cứ tổ chức đi tìm hài cốt liệt sĩ ở khắp nơi, cả bên Lào và Campuchia nhưng ngay giữa thành phố Sài Gòn, nơi mà người ta biết từng có rất nhiều chiến sĩ hy sinh chưa tìm được thi thể thì người ta lại lờ đi không tìm.

Tôi cho rằng kẻ nào đã ra lệnh phá 2 tấm bia mộ tập thể nói trên, cố tình san lấp mộ phần chiến sĩ là những kẻ đại gian đại ác, trời không dung, đất không tha. Thiết nghĩ dù hơn 40 năm đã trôi qua nhưng tìm ra kẻ đại gian ác đó không phải là khó, để chuộc lỗi với các liệt sĩ, chỉ có điều chế độ này chẳng dại gì vạch áo cho người xem lưng.

14.7.2017
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Tôi vừa về quê nông thôn một tháng, có chút việc nhà, bận rộn nên bỏ bê cả bờ lốc bờ liếc. Nay lại ngứa mồm.

Gớm, thiên hạ đang bàn rộn chuyện võ, xung quanh chuyện hai ông võ sư thách đấu (một ông là Đoàn Bảo Châu, võ sư nhưng cũng đồng nghiệp với tôi, còn ông kia dân Tây lông, tận Canada sang). Tôi không biết tí ti về võ nên không dám hé lời. Cả đời chỉ cày cuốc, thì võ viếc gì. Chỉ kể lại 2 mẩu này.

Hồi bé, tôi có nghe nói anh Lãng con bác Đúng ở làng tôi có võ. Anh ấy học võ từ sư ông chùa Trà Phương, từng đấu với chú tiểu Minh Tồ bất phân thắng bại. Anh có võ nên thích đánh nhau, lại còn dạy võ cho em trai anh là anh Lượng nữa, bởi vậy bọn trẻ đứa nào cũng sợ hai anh em nhà ấy. Bác Đúng biết chuyện, bác bảo hai anh: Chúng mày có võ nhưng chúng mày có biết câu "3 năm võ tàu không bằng một chầu củ đậu" không? Củ đậu tức là gạch nửa viên, hoặc viên đá to bằng củ đậu (củ sắn). Nó tương cho cục củ đậu vào đầu thì võ cũng toi. Anh Lãng năm 1967 đi bộ đội, vào Nam đánh nhau, hy sinh "tại mặt trận phía nam", tên anh khắc trong bia đá nghĩa trang liệt sĩ xã tôi.

Hồi đầu thập niên 1980, trường tôi có mời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện về nói chuyện dưỡng sinh. Cụ Viện nhắc đến tập võ, cụ bảo có võ cũng tốt thôi nhưng đừng cho rằng võ công cao thì nghếch mặt với đời. Cụ dí dỏm bảo rằng tôi già yếu hom hem thế này nhưng tôi thách 10 ông đai đen thượng thặng đấy, chỉ cần cho tôi một... khẩu AK đầy đạn.

Thế là hết chuyện mon men võ.

Nguyễn Thông