Trang

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 6)

Thời chúng tôi học phổ thông (hồi ấy, từ lớp 1 tới lớp 10 gọi là hệ phổ thông, sau lớp 10 là hệ trung cấp hoặc đại học), ở cấp 1 và cấp 2 chưa được học ngoại ngữ, lên cấp 3 (từ lớp 8 tới lớp 10) nhà trường bắt đầu dạy cho học trò. Hình như có thứ quan niệm bất thành văn bấy giờ rằng ngoại ngữ là thứ trang trí không cần thiết, có cũng được, không có cũng chả sao, dạy chi cho lắm. Chỉ số ít người được xã hội phân công làm ngoại giao, ngoại thương thì cần đến ngoại ngữ, chứ công nhân nông dân bộ đội biết ngoại ngữ để làm gì. Ngay cả làm lãnh đạo cũng vậy, thở ra một câu một chữ đã có đứa dịch lại, hơi đâu mà học mà biết ngoại ngữ cho mất thì giờ. Báo chí và bộ máy tuyên truyền thỉnh thoảng lại bơm lên khen cụ Hồ biết tới hơn 2 chục ngoại ngữ, nhưng chỉ để thần tượng, thần thánh hóa lãnh tụ thôi, bởi thực ra ngoại ngữ và người biết ngoại ngữ có vị trí rất thấp kém trong một xã hội đề cao công nông binh.

Năm 1969, tôi lên học cấp 3, lớp 8 trường huyện (Kiến Thụy, Hải Phòng). Ban đầu mỗi huyện chỉ có một trường cấp 3 (riêng huyện Thủy Nguyên to nên được ưu tiên mở thêm trường nữa, trường Thủy Sơn), học sinh mười mấy xã xúm vào học. Nói đúng ra, khi ấy đám học trò các xã lên học cấp 3 ít lắm, mỗi xã chỉ non chục đứa. Xã tôi năm đó có 5 mống chứ bao nhiêu. Lên lớp 9 lại rơi rụng, chả hạn chị Mua hết lớp 8 thì nghỉ đi học trung cấp y tế, mau có tiền hơn. Học trò trường huyện, tiếng rằng cả huyện, khi thi hết cấp 3 chỉ còn chưa đầy 5 chục đứa, bởi trước đó bị chiến trường Quảng Trị vét hết non nửa vào bộ đội rồi.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải Sách hay 2020 (kỳ 4)

 Ví dụ 9:

Tiếng Anh: While I am capable of engaging in doubt about its reality, I am obliged to suspend such doubt as I routinely exist in everyday life. (p. 23)

Tiếng Việt: Nếu tôi có khả năng bắt đầu hoài nghi về thực tại này, thì tôi bị buộc phải gác lại sự hoài nghi đó vì tôi vẫn phải tồn tại theo nề nếp thông thường trong đời sống thường nhật. (tr. 42)

Nhận xét: “While…” ở đây không được chuyển nghĩa là “khi” như các ví dụ 3 và 8 ở trên nữa, mà bị người dịch bịa đặt ra nghĩa “nếu” theo cách hiểu riêng và kỳ quái của mình rồi gán cho nó (nghĩa này hoàn toàn không có trong Từ điển Anh – Việt và Oxford), còn mệnh đề đầu của câu bị biến dạng thành kết cấu “nếu…thì…”. Do đó ý nghĩa của mệnh đề này trong câu dịch đã sai hẳn với nguyên ngữ.

Tương tự như đã nêu ở nhận xét trong các ví dụ 3 và 8, theo Từ điển Oxford (Thompson, 1995: 1596), cần dịch “while” là “mặc dù” (hoặc “tuy”) mới lột tả đúng ý tác giả, vì đây là câu có kết cấu hai vế nhằm nhấn mạnh sự khác biệt, thậm chí tương phản giữa hai vế đó (“mặc dù…nhưng…”). Ý định nhấn mạnh sự tương phản giữa hai mệnh đề (mặc dù … hoài nghi nhưng…) nổi bật lên rất rõ rệt.

Gợi ý đọc: Mặc dù tôi có khả năng hoài nghi về sự có thật của nó, nhưng tôi buộc phải gác lại sự hoài nghi đó vì tôi vẫn phải tồn tại theo nề nếp thông thường trong đời sống thường nhật.

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Sách giáo khoa

Thiên hạ đang nhao nhác bàn về sách giáo khoa, nhất là sau phát ngôn của ông thượng thư bộ dục. Xưa như trái đất.

Cách nay 10 năm, cụ thể là ngày 7.6.2012, nhà cháu đã viết khi mới có phây búc thế này:

"Năm nào cũng như năm nào, cứ trước năm học mới, phụ huynh đến khổ vì sách giáo khoa. Nội dung đổi thay xoành xoạch, cách sử dụng tốn kém, lãng phí. Và điên nhất là giá cả. Một ông bạn làm bên ngành xuất bản bảo rằng với số lượng in khổng lồ, không có thứ ấn phẩm nào so sánh được với nó, sách giáo khoa là món hời béo bở cho đám làm sách và Bộ Giáo dục. Nếu đấu thầu đàng hoàng, không cho nhà xuất bản Giáo dục độc quyền nữa, giá thành sách giáo khoa sẽ chỉ còn một nửa, tức là bớt được một nửa gánh nặng chi phí mua sách cho người có con em đi học. Biết thế thôi, dễ gì họ nhả. Không có đứa nào chê tiền cả".

Dư luận nói bã bọt mép, mấy chục năm rồi, giờ vẫn y nguyên. Bọn lãnh đạo giáo dục xứ này nhẽ ra phải bị xử bắn vài thế hệ nhưng chúng vẫn sống nhăn. Tiền móc túi dân từ việc bán sách giáo khoa, chúng đâu có ăn một mình, nên chúng sống.

Đám quan chức không quan tâm tới giá sách giáo khoa bởi có tăng giá mấy đi nữa thì tiền với chúng là muỗi. Chúng không đếm xỉa tới chất lượng sách giáo khoa bởi con cái chúng dù không học hành vẫn được làm quan. Chúng ngó lơ sách giáo khoa bởi con cháu chúng đâu có thèm học ở xứ này.

Sách giáo khoa, nói cho cùng, là thứ công cụ bóc lột tàn bạo bao nhiêu năm nay, mà thủ phạm và kẻ bảo kê chính là nhà cai trị.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 5)

Tôi có ông anh ruột năm 69 học xong phổ thông, chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp cấp 3 thì làm nghĩa vụ quân sự, gọi ngắn gọn là đi bộ đội. Hồi ấy, bọn con trai học xong lớp 10 phần lớn cầm chắc đi bộ đội. Chết như ngả rạ, nghĩa trang xây không kịp, lính biết bao nhiêu cho đủ. Đánh nhau chán chê khắp chiến trường, hết Hạ Lào lại xuôi về khu 5, thần chết chê nhưng tặng cho vài vết thương, năm 1974 ổng bị đưa về trại thương binh Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Năm 75 ổng thi đại học, điểm cao, được học ngoại ngữ ở Thanh Xuân Từ Liêm Hà Nội, năm 76 sang Liên Xô, học luật tại thủ đô Kishinov nước cộng hòa Moldavia (Moldova bây giờ), cùng khóa với đám Nguyễn Văn Hiện từng làm chánh án tòa án nhân dân tối cao. 

Năm 1980, chú em họ là Đinh Văn Thọ thủy thủ phó tàu Thái Bình viễn dương cập cảng Odessa nhận hàng lúa mạch (dân ta gọi là hạt bo bo) về cứu đói, nhắn ông anh tới chơi. Nửa vòng trái đất, anh em gặp được nhau thì còn gì bằng. Moldavia sát nách Ukraine, đi xe lửa tới Odessa chả mấy hồi. Tay bắt mặt mừng. Anh đi học, nghèo, chẳng có gì tặng em, còn em chiêu đãi anh mấy chầu lúy túy trên tàu, lại hào phóng tặng anh chiếc đồng hồ Orient thủy quân lục chiến SK 3 sao mới cứng mua tận gốc ở Nhật. Cũng phải nói thêm thế này, Liên Xô khi ấy dẫu được coi là thiên đường của phe cộng sản nhưng cũng nghèo, ông anh tôi học bổng 70 rúp (sau được chỉnh lên 90) nộp tiền ăn uống chi phí sinh hoạt gần hết, phải tiết kiệm từng kopek, chú Thọ biết vậy nên ra sức đãi anh. Thọ bảo Liên Xô so với chúng em chả là cái đinh gì. Mà thế thật, những năm ấy là thời hoàng kim của dân Vosco viễn dương.

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Ghi chép những ngày Ukraine (kỳ 10)

24.4
Bạn Hải Phương, một cô gái Việt đang sống ở Ukraine, đã có 18 năm gắn bó với nước này, mắt thấy tai nghe, trực tiếp chứng kiến và trải qua những ngày chiến tranh, viết trên phây búc, nhắn những người đồng bào ở Việt Nam:
 
Cháu cầu xin mọi người, hãy cẩn thận khi xem tin tức. Ở Ukraine, có quyền truy cập vào bất kỳ tin tức nào! Mọi thứ ở đây đều là quyền truy cập mở. Intagram, YouTube hoặc Twitter không bị cấm ở đây. Mọi thứ ở đây đều mở.
 
Cả thế giới đều biết chuyện gì đang xảy ra! Có chiến tranh ở Ukraine! Nga tấn công Ukraine!

Đây không phải là một câu chuyện cổ tích hay một giấc mơ! Bây giờ đơn giản là Nga đang hủy diệt Ukraine, bởi vì Ukraine đang tự vệ và chỉ muốn sống. Nhiều tin tức từ Nga là vô lý và ngu ngốc. Và không hiểu làm thế nào mà có rất nhiều người có thể tin vào những tin bậy bạ đó. Chỉ cần suy nghĩ một chút.

Tại sao lại có thể bảo vệ ai đó bằng cách tấn công họ, giết họ? Ukraine là một quốc gia độc lập. Không ai yêu cầu Nga đến!

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải Sách hay 2020 (kỳ 3)

 Ví dụ 6:

Tiếng Anh: Furthermore, we have so far ignored developments that might theoretically be relevant to the sociology of knowledge but that have not been so considered by their own protagonists. In other words, we have limited ourselves to developments that, so to speak, sailed under the banner “sociology of knowledge” (considering the theory of ideology to be a part of the latter). (p. 12)

Tiếng Việt: Hơn nữa, cho đến giờ, chúng tôi đã bỏ qua không nói đến những bước tiến triển có thể có liên quan về mặt lý thuyết đến môn xã hội học nhận thức nhưng lại không được những người chống đối chúng coi là như vậy. Nói cách khác, chúng tôi chỉ đề cập đến những bước tiến triển phải nói chỉ mang trực tiếp nhãn hiệu “xã hội học nhận thức” (vốn coi lý thuyết về ý thức hệ là một phần của môn xã hội học nhận thức). (tr. 25)

Nhận xét: Dù tạm gác tranh luận về cách dịch tên bộ môn xã hội học nhận thức sang một bên song độc giả không thể bỏ qua đoạn này. Từ “protagonist” được Từ điển Anh – Việt (Viện ngôn ngữ học, 1992: 1316) giải nghĩa là “người tán thành, người bênh vực”, nhưng nó đã bị dịch là “người chống đối”.

Như vậy quá trái ngược – tán thành bị hiểu là chống đối – tức dịch phản nghĩa! Thật đúng y câu “dịch là phản”!

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

Nhớ lần gặp cụ Đĩnh (kỳ 2)

Như đã biên và kể, lứa chúng tôi được thày bu sinh ra giữa thập niên 50 lúc đầu biết đến tên tuổi, danh tiếng Trần Đĩnh qua kênh chính thống, cụ thể là sách giáo khoa và báo mậu dịch. Cũng chỉ tới mức biết đó là một nhà báo, một người chấp bút hồi ký có tài. Vậy thôi. Bao nhiêu năm, cái tên ấy bị chìm khuất giữa cả rừng yếu nhân chính trị và văn nghệ nổi tiếng hơn, thậm chí dần dà người ta không nhớ không nhắc tới nữa.

Nghĩ vậy mà không phải vậy. Tới đầu thập niên 70, chúng tôi lại được nghe cái tên Trần Đĩnh, nhưng không phải qua kênh “chính thống” mà từ những cuộc nhỏ to, lén lút, thì thầm, xì xào. Cuộc nội chiến Bắc Nam đang rất ác liệt cuốn hút tất cả mọi thứ, dường như khiến người ta quên đi biết bao điều ghê gớm đã và đang diễn ra. Chúng tôi nghe trong những cuộc rỉ tai về chuyện thanh trừng nội bộ đảng và chính quyền, nghe những cái tên Hoàng Minh Chính, Lê Liêm, Nguyễn Minh Cần, Vũ Đình Huỳnh (cha) - Vũ Thư Hiên (con), Đặng Kim Giang, Nguyễn Kiến Giang, Ung Văn Khiêm, Bùi Ngọc Tấn, và cả Trần Đĩnh nữa. Cái người từng ghi dấu ấn đỏ chói rực rỡ cho thể loại hồi ký với cuốn “Bất khuất”, nay cũng bị lôi ra đấu tố. Không một ai dám can, dám bênh vực người bị hàm oan. Đến cụ Vũ Đình Huỳnh đấng bậc mà còn rơi vào “làm cho cho hại cho tàn cho cân, đã đày vào kiếp phong trần, sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”, người tri kỷ của cụ còn làm ngơ ngoảnh mặt, thì Trần Đĩnh đã là “thá” gì. Chỉ may mắn hơn, ở chỗ cụ Đĩnh không bị bắt, không bị giam như những đàn anh Chính, Huỳnh, Kim Giang, Kiến Giang, hoặc ông anh ruột Trần Châu.

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Tri chứ không phải trí, các bố ợ

Hình như hôm nay (21.5) là ngày hạn của tiếng Việt hay sao í. Một tờ báo to, dẫn lời một ông to, mà dám nói dám viết là "ánh sáng trí thức", thì nói thật, nhà cháu lạy các bố cả nón.

Người ta có thể nói ánh sáng tri thức, ánh sáng lý luận, ánh sáng chủ nghĩa Mác, ánh sáng của nghị quyết, ánh sáng gì gì đó, chứ đếch ai nói ánh sáng trí thức.

Hình như các bố không phân biệt được tri thức và trí thức.
 
Tri nghĩa là biết, tri kỷ là người biết mình hiểu mình, tri túc là tự biết thế nào là đủ (túc), bất khả tri là không thể nào biết được, tiên tri là biết trước, lương tri là sự hiểu biết từ tấm lòng. Cổ nhân có câu "tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã" (biết thì bảo là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là người biết vậy).
 
Thức là sự nhận biết, suy luận, thức giả là người giàu hiểu biết, suy nghĩ sâu sắc.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Nhớ lần gặp cụ Đĩnh

Hôm rồi, cách nay (ngày 19.5) đúng một tuần, mạng xã hội dày đặc thông tin về một người đầy vết tích lịch sử, cụ Trần Đĩnh - nhà văn, nhà báo, dịch giả, người chấp bút cuốn hồi ký nổi tiếng “Bất khuất” ghi lại những ngày tháng lao tù của nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận. Chỉ có điều, gần như không hé một chữ nào trên báo chí truyền thông chính thống, trên hơn 800 tờ báo và tạp chí, trên gần trăm đài truyền hình, mà người ta quen gọi là báo chí tivi quốc doanh, mậu dịch.

Tôi cũng không biên ngay về sự cụ Đĩnh khuất núi, bởi muốn tránh cái tiếng "đu trent", chả hạn ai đó chê đã biết về cụ được bao nhiêu mà khoe...
 
Cụ Trần Đĩnh mất ngày 12.5.2022, thọ 92 tuổi tây tròn (thực ra dư vài ngày, bởi theo tiểu sử ghi trên cuốn “Đèn cù” thì cụ sinh ngày 9.5.1930). Thế hệ tôi, ra đời giữa thập niên 50, sống ở miền Bắc, đều ít nhiều biết đến cái tên rất danh tiếng Trần Đĩnh. Cả trên kênh công khai lẫn kênh thì thào. Cụ Đĩnh là nhà báo nổi tiếng, lại làm ở tờ báo Nhân Dân chúa trùm, thuộc lớp làm báo cộng sản tiên phong từ thời kháng chiến chống Pháp, khi đã được “vua biết mặt, chúa biết tên” thì những hậu sinh như Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh… chưa là gì. Có chăng, chỉ những đấng bậc Hoàng Tùng, Thép Mới, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Phan Quang… thì xem như Trần Đĩnh bằng vai phải lứa, sàn sàn nhau.

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải Sách hay 2020 (kỳ 2)

 Ví dụ 2:

Tiếng Anh: And insofar as all human “knowledge” is developed, transmitted and maintained in social situations, the sociology of knowledge must seek to understand the processes by which this is done in such a way that a taken-for-granted “reality” congeals for the man in the street. (p. 3)

Tiếng Việt: Và trong chừng mực mà toàn bộ “kiến thức” của con người được phát triển, chuyển giao và bảo tồn trong các hoàn cảnh xã hội, thì môn xã hội học nhận thức phải tìm cách hiểu được các tiến trình diễn ra điều này như thế nào khiến cho một “thực tại” được-coi-là-đương-nhiên trở nên lắng đọng chắc nịch dưới mắt người bình thường. (tr. 10)

Nhận xét:  - Ông Quang chuyển ngữ “sociology of knowledge” là “xã hội học nhận thức”, nhưng cách dịch này dễ gây tranh cãi. Vì đây là tên gọi của cả một bộ môn, một chuyên ngành, nên tôi sẽ dành một bài riêng để chỉ ra sai lầm trong cách dịch của ông. Tôi tạm thời giữ nguyên cách dịch của ông trong lúc này, nhưng đặt trong ngoặc kép.

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

Đảng kỷ luật chơi

Ông hàng xóm nhà tôi bảo đảng điếc cho lắm vào, để khi có chuyện lại mất thì giờ họp bàn, loay hoay kỷ luật, nào là khai trừ, khiển trách, cảnh cáo, cách chức vụ trong đảng, kể cả những cái chức từ hồi con của đương sự còn cởi truồng. Rất vớ vẩn.

Mà có phải thế đã xong đâu. Đảng nâng lên đặt xuống chán chê, xong mới đến lượt chính quyền, pháp luật ra tay. Nhiều khi chưa kịp rờ đến thì nó đã mất hút con mẹ hàng lươn rồi, làm quái gì nhau.

Cứ như xứ văn minh người ta, đảng điếc hay không, mặc kệ. Tài giỏi thì làm quan, đổ đốn yếu kém thì bị đá đít, đảng hay không đảng cũng kệ. Chẳng hơi đâu mà cảnh cáo khiển trách này nọ.

Đâu có cái thói như ở xứ này, muốn làm lãnh đạo thì điều kiện tiên quyết cứ phải là đảng viên. Vơ bèo vạt tép cho lắm vào, để khi ra cơ sự lại ngồi bàn kỷ luật. Bộ máy tổ chức cán bộ kiểu cú đỉn man rợ ấy đã cố tình gạt ra khỏi hệ thống lãnh đạo từ ấp tới quốc gia biết bao người tài giỏi với lý do duy nhất họ không phải đảng viên.

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

Công của Putin

Cứ hiểu một cách thật giản dị, mỗi đất nước/quốc gia cũng như con người vậy. Người có người này người nọ, nước có nước ấy nước kia. Có những nước rất hiền lành, chả thích đánh nhau tẹo nào, Ấn Độ chẳng hạn, to và đông dân như thế nhưng không xâm lược ai bao giờ, có đứng lên giành độc lập cũng chỉ bằng biện pháp hòa bình, mà thánh Gandhi là tiêu biểu.
 
Nhưng có nước quanh năm suốt tháng chỉ ra rả tự hào về truyền thống... đánh nhau, hạ gục ba bốn đế quốc to, thực dân phát xít loại bự, ngay cả cờ cũng hãnh diện cờ pha máu, hằng năm điên cuồng kỷ niệm sự choảng nện, hình như không đánh nhau thì không chịu được, cứ phải đánh đã, dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng đánh, rồi muốn ra sao thì ra, khi không có kẻ địch bên ngoài thì tạm đánh người trong nhà, gọi là thế lực thù địch...

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Một dịch phẩm mắc nhiều sai sót vẫn được giải 'Sách hay 2020'

Lời dẫn của chủ blog:

Người viết bài này là tiến sĩ Phạm Văn Bích, một nhà nghiên cứu, chuyên gia xã hội học. Tôi có may mắn học chung với anh Bích những năm đại học (Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 17, 1972-1976). Anh rất giỏi, đặc biệt về ngoại ngữ, rất nghiêm túc chỉn chu trong nghiên cứu, học thuật. Chúng tôi giống nhau ở điểm khi thấy cái sai thì không chịu được, phải làm cho rõ, hắc bạch phân minh. Xin giới thiệu bài của TS Phạm Văn Bích cùng bạn đọc.


Theo tin đã đưa trên nhiều tờ báo (như Tuổi trẻ, Thanh niên, Thể thao văn hóa, v.v..) thì dịch phẩm “Sự kiến tạo xã hội về thực tại” (tác giả P. Berger và T. Luckmann, dịch giả Trần Hữu Quang và nhóm dịch giả) được giải Sách hay 2020, hạng mục sách nghiên cứu của Viện giáo dục IRED. Cụ thể xin xem bài của Lam Điền (2020), Thanh Vũ (2020), Thiên Anh (2020). 

Tuy nhiên, cần vạch rõ rằng bản dịch mắc không ít lỗi. Sau khi sách in ra, năm 2016 tôi đã thử đọc đối chiếu một phần (tổng cộng 46 trang tiếng Anh) trong nguyên ngữ của hai học giả Mỹ (Berger, P. and Luckmann, T. 1966. The social construction of reality: a treatise in the sociology of knowledge. New York: A Doubleday Anchore Book) với bản dịch tiếng Việt (Berger, P. và Luckmann, T. 2015. Sự kiến tạo xã hội về thực tại – Khảo luận về xã hội học nhận thức. Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức).

Ghi chép những ngày Ukraine (kỳ 9)

24.4
Nửa đêm về sáng, lúc gần 3 giờ, nhà báo Đỗ Hùng chắc không ngủ được, đưa lên phây bài thật dài về những cuộc trao đổi với cô Ruslana. Cô là ca sĩ, nhân vật nổi tiếng người Ukraine, cô kể lại những gì chứng kiến ở đất nước mình. Cũng xin nói thêm, tôi từng có mười mấy năm chung cơ quan với anh Hùng. Anh rất giỏi, thạo nghề, đặc biệt tiếng Anh cực siêu, thạo như tiếng Quảng Trị quê ảnh, có lần tôi chứng kiến và nghe anh Nguyễn Văn Phước chủ công ty sách Trí Việt tâm sự rằng cuốn nào hóc nhất thì giao cho anh Hùng dịch, hoàn toàn yên tâm. Hùng từng đi hàng chục nước trên thế giới, viết ký sự nóng hổi, rất nhanh và hấp dẫn, đã từng vài lần tới Ukraine, mò vào tận nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (tiếng Việt phiên âm là Tréc nô bưn)… Những liên lạc và trao đổi của anh Hùng với cô Ruslana được ghi lại tỉ mỉ. Xin trích lại một số đoạn của cô Ruslana:
 
“Kharkiv cũng bị tàn phá. Kharkiv là thành phố rất lớn, như Kyiv vậy. Kharkiv từng là thủ đô đầu tiên của Ukraine thời Xô viết. Thế nên thật kinh khủng khi Nga tuyên truyền rằng chúng tới đây để giúp người Nga tại Ukraine. Đó là dối trá. Thực tế là chúng tới để giết chóc.

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Ghi chép những ngày Ukraine (kỳ 8)

7.4
Liên Hợp Quốc họp và bỏ phiếu loại Nga (thực chất là đuổi) ra khỏi Hội đồng nhân quyền sau khi xảy ra vụ phát hiện hố chôn gần 400 xác chết dân thường Ukraine tại thành phố Bucha bị Nga tạm chiếm. Buồn cười nhất là đám Bu tin cãi, nói rằng hố chôn người ấy do Ukraine dàn dựng để vu cáo Nga, lừa bịp dư luận thế giới. Thiên hạ bảo, thế chả nhẽ chính quyền Ukraine tự giết dân của họ nhằm bôi xấu Nga. Vậy mà ở xứ An Nam này vẫn có những kẻ cuồng Bu tin lý sự rằng biết đâu đấy, cái gì mà chẳng làm được. Một số tờ báo mậu dịch còn giữ thể diện cho Nga bằng cách rút tít “Nga tuyên bố rời Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc” khi đã biết chắc chắn kết quả Nga bị đuổi.

Rốt cục 93 nước bỏ phiếu thuận. Việt Nam cùng các bạn bênh Nga bỏ phiếu chống (24 phiếu). Tưởng ai, Nga và Trung Quốc chống thì tất nhiên rồi, còn lại chỉ tinh đám độc tài, nghèo đói, như… Cuba, Belarus, Triều Tiên, Iran, Syria, Congo, Etiopia, Nicaragua, Zimbabwe, Lào, Kazakhstan… Xứ ta có câu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, thực đúng với vụ bỏ phiếu, không trật li ông cụ nào.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

Ghi chép những ngày Ukraine (kỳ 7)

21.4
Ông anh khả kính ngoài Hà Nội gọi vào, bảo chú có rảnh không, anh em nói chuyện chút. Mình bảo em rảnh, chơi nhởi suốt ngày, đầy thì giờ, chỉ thiếu mỗn tiền. Ông kể, em ạ, đọc báo cũng như theo dõi dư luận xã hội, thấy buồn lắm. Có rất nhiều người Việt ta, từ tầng lớp cầm quyền cao nhất tới những hạng bình dân, họ công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ bọn Nga, tức là ủng hộ bọn xâm lược, bọn phát xít, bọn đểu giả lừa dối, bọn giết người. Chúng nhiếc móc chê bai cuộc chiến đấu của đất nước, nhân dân, con người Ukraine. Chúng dửng dưng trước cảnh quân Nga tàn phá đất nước Ukraine, chúng không một chút rung động trước cảnh nhà tan cửa nát, dân chúng vô tội bị giết… Vậy thì chúng hãy thử hình dung, nếu cảnh đổ nát tàn phá ấy, dân chúng bị giết thê thảm ấy, không phải ở Ukraine mà ở quê hương đất nước mình, là những nhà hát lớn, phủ chủ tịch, cầu Nhật Tân, cầu Bãi Cháy, khu Văn Miếu, những dãy nhà cao tầng, khu đô thị mới hiện đại… bị ăn bom, tên lửa của quân Nga, liệu có chịu được không, hay lại tớn lên xắn váy quai cồng mà rủa xả, mà chửi bọn độc ác vô lương tâm phi nghĩa.

Thói đâu có thói của mình thì đau xót, của thiên hạ thì không đáng đồng xu. Vậy nhưng mở miệng ra là cao giọng lương tâm, chính nghĩa.

23.4
Càng gần cuối tháng 4, cái tháng gắn liền với câu nói của ông Võ Văn Kiệt, nếu có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn, người ta lại xả ký ức về chiến tranh. Đang nóng rẫy cuộc chiến tranh ở Ukraine nên chiến tranh Việt Nam lại càng được nhớ tới, khơi dậy. Bên thắng cuộc tất nhiên làm rùm beng nhất, trên tivi, đài phát thanh, báo chí đủ loại, cả trên những con đường, công viên chăng băng rôn khẩu hiệu đỏ lòe. Trên mạng xã hội cũng nhiều chả kém.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Đất và quyền

Tại hội nghị trung ương (đảng cầm quyền) vừa rồi (hội nghị 5), ông tổng bí thư, trên danh nghĩa chỉ đứng đầu một đảng, nhưng thực tế không khác gì hoàng đế, ông vua, thiên tử, cầm đầu bộ máy cai trị, đã khẳng định "quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu". Làm vua thì nói gì làm gì chả được. 

Muốn biết quyền sử dụng đất có phải là quyền sở hữu đất không, chả cần hỏi đâu xa, cứ túm bà con Thủ Thiêm mà hỏi. Họ sẽ cho câu trả lời chính xác nhất, bằng nỗi thống khổ của họ.

Lại nhớ, trước khi vào hợp tác xã, thày bu tôi cần cù làm lụng, tiết kiệm chi dùng từng xu, sau bao nhiêu năm mới mua được 7 sào ruộng, cộng thêm 2 sào của tiền nhân để lại là 9 sào (mỗi sào 360 mét vuông). Đất ấy phải trả bằng mồ hôi nước mắt, công sức lao động mới có, chứ chẳng ai cho không, ai ban phát, chẳng có ơn đảng ơn chính phủ gì sất.

Bị buộc vào hợp tác xã nông nghiệp năm 1964, nhà tôi bị sung công gần hết số đất đang có quyền sở hữu chính đáng ấy để làm ăn tập thể, họ chỉ chừa lại cho gần 2 sào thổ cư, nơi có căn nhà và vườn tược. Khi hợp tác xã nông nghiệp tan rã, không một hộ xã viên nào được trả lại đất, dù chỉ một mét vuông. Thực chất hợp tác hóa là cuộc cướp đất trắng trợn vĩ đại.

Bây giờ, lại nghe các ông ấy họp, nhắc phải củng cố hợp tác xã, phủ nhận quyền sở hữu đất, càng thấy rùng mình. Họ không thay đổi tâm địa tí nào, dù thời cuộc đã đổi thay.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Giáo sư, tiến sĩ

Trên báo chí mậu dịch và mạng xã hội "phản động" đang nóng hôi hổi bàn ra tán vào chuyện xứ này đào tạo đại trà phổ cập tiến sĩ đủ các kiểu. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo giờ mà nhặt được trong đám đông đứa nào không phải tiến sĩ là việc hơi bị khó. Giáo sư, tiến sĩ nhiều hơn lợn con, nhất là tiến sĩ ngành xây dựng đảng, cám ngân sách có chất như núi cũng chả đủ nuôi.

Chuyện ấy bàn sau, nhà cháu chỉ rụt rè ý kiến ý cò rằng đang có sự nhầm lẫn khi dùng các danh từ: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; nhiều nhà báo không phân biệt được sự khác nhau của những từ này.

Giáo sư, theo nghĩa Hán Việt, giáo là dạy, sư là thầy, giáo sư là thầy dạy. Xưa thì vậy, nhưng giờ tùm lum tà la. Ở xứ ta hiện thời, giáo sư, phó giáo sư là những từ để chỉ học hàm (hàm là bậc, cấp bậc, học hàm là cấp bậc trong học vấn), chức danh, chức vụ trong khoa học. Nó cũng giống như những từ chỉ chức danh chức vụ khác, chẳng hạn thủ tướng, bộ trưởng, hiệu trưởng, tổng biên tập, giám đốc… Do giáo sư, phó giáo sư là chức danh nên hệ thống tổ chức cán bộ căn cứ vào đó để sắp xếp chức vụ, địa vị trong bộ máy nào đó.

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Sực nhớ Liên Xô, Nga, Ukraina trong cõi lờ mờ (kỳ 4)

Nói tới Liên Xô, sực nhớ một cụm từ viết tắt quen thuộc suốt mười mấy năm ở miền Bắc, là CCCP. Trên những thùng hàng viện trợ của Liên Xô luôn có dòng chữ bằng tiếng Nga, "Сделано B СССР", dịch ra nghĩa Việt là Chế tạo tại Liên Xô. CCCP tức Liên Xô, viết tắt phiên âm tiếng Nga của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết. Các kho bãi ở cảng Hải Phòng, ven đường sắt các ga ở Đồng Đăng, Yên Viên, Gia Lâm hoặc dọc đường 5... luôn chất đầy hàng Liên Xô. Dân chúng nhỏ to với nhau rằng đó là nhờ những chuyến bị gậy sang Mạc Tư Khoa của ông Lê Thanh Nghị. Ông này ủy viên bộ chính trị, phó thủ tướng nhưng chỉ có mỗi việc ra nước ngoài xin hàng viện trợ. Gia đình ông ở Hải Phòng, là cậu ruột của người bạn học cùng lớp với tôi, chị Nguyễn Ngọc Trâm. Tốt nghiệp phổ thông năm 1972, chị Trâm được đi học ở Liên Xô, về làm ở Bộ Giáo dục, sau mất sớm do bệnh nan y.

Ngoài vũ khí, quân nhu, lương khô, còn là cơ man hàng sinh hoạt như vải vóc, nồi nhôm, sách giấy, thức ăn, xe đạp, đồng hồ, đường sữa, bột mì, giấy dầu lợp nhà..., tức là một dạng "bơ thừa sữa cặn" nhưng không phải từ đế quốc thực dân mà của anh em phe XHCN. Tuy là hàng viện trợ (thứ thì không hoàn lại, thứ thì cho nợ, khi nào đánh nhau xong sẽ trả) nhưng không phải ai cũng được hưởng, bởi đã có quy định bất thành văn của trung ương, cứ theo nguyên tắc phân phối "xẻng cuốc từ dưới lên, đường sữa từ trên xuống" mà thi hành.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Ghi chép những ngày Ukraine (kỳ 6)

17.4
Cách nay hơn 11 năm, vào tháng 3.2011, hai nước Việt Nam - Ukraine ký tuyên bố về quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện. Trong ngoại giao và quan hệ quốc tế, các quốc gia ký kết với nhau về tầm mức quan hệ này nọ tức là đã tìm hiểu nhau chán chê, nâng lên đặt xuống rồi mới thò bút. Khi đã xác định rồi thì phải có trách nhiệm thực hiện, trách nhiệm với nhau. Tất nhiên, một nước như Ukraine, còn lâu mới có thể đạt được những tầm mức cao và trọng, như quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đấy là chỗ của những soái ca, những môi răng, anh em thân thiết, sống chết có nhau, lợi dụng được nhau. Nhưng gì thì gì, cũng không thể sống chết mặc bay, quay lưng bỏ rơi toàn diện, thậm chí còn đứng về phía kẻ thù của “bạn” đối tác và hợp tác toàn diện.
 
Trong vụ Ukraine, thiên hạ càng rõ hơn giá trị của những ký kết từng được bốc lên lên tận giời. Lại nhớ chuyện dân gian xứ này: Một anh “vô phúc đáo tụng đình” bèn hối lộ cho quan để được thắng kiện. Quan nhận lời. Hôm sau xử, quan cho đứa kia thắng. Anh chàng đút lót quan kêu, bẩm quan, hôm qua quan nói con có lý mà, sao quan xử con thua. Quan cười bảo, mày có lý, nhưng thằng kia nó còn có lý bằng mấy mày. Tin vào những tuyên bố, văn kiện cũng vậy, chỉ có nước đi ăn mày.

Đất hỡi

Hội nghị trung ương lần này (hội nghị 5) của đảng cầm quyền không phải tự dưng bàn về luật đất đai. Nó đã nhận thấy cái luật ấy "giết" của nó biết bao nhiêu cán bộ đảng viên "ưu tú" rồi, nên hoảng. Em ơi, muộn rồi em ạ, không cứu chữa được gì đâu. Bệnh đã ăn vào đến xương tủy cao hoang mà lại cứ loay hoay cạo gió, xức dầu, dán cao, bôi thuốc đỏ, châm cứu thì có mà giời cứu.

Muốn tiệt hẳn tình trạng ung thư ấy, cách duy nhất là phải dẹp ngay cái luật đất đai vô lý bất nhân ác độc. Dẹp ngay cái thứ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân lừa đảo lừa mị đi. Toàn dân sở hữu, mượn tiếng dân, nên muốn cướp lúc nào thì cướp. Ngày xưa, bao nhiêu năm dài, đất đai ở đất nước này do con người khai phá mở mang tạo lập là thuộc sở hữu tư nhân chứ làm chó gì (cứ phải nói toẹt ra vậy) có sở hữu toàn dân, mà vẫn hình thành nên đất nước.
 
Xác quyết sở hữu toàn dân thực chất là cuộc cướp đất công khai, cướp tài sản mồ hôi nước mắt của dân chúng do bao đời truyền lại. Không dẹp nó, xóa nó đi, sẽ còn xảy ra nhiều Đồng Tâm, Dương Nội, Văn Giang...; còn chết như ngả rạ đám quan đất tham tàn như từng xảy ra ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai...

Cái mấu cái chốt cái gốc thì chả bàn, chỉ lo bày thêm mưu mẹo để củng cố sự bóc lột, dẫu có họp một nghìn cái hội nghị nữa cũng chỉ là công cốc. Tôi nói thật.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Rác, và những tội đồ

Rác
Dư luận đang chê cười phát ngôn sặc mùi sống trên mây của ông tổng bí thư. Nói lạ, đảng của các ông, đảng viên do chính các ông lựa chọn cẩn thận theo quy trình chặt chẽ rồi kết nạp vào, các ông độc quyền sở hữu, giờ lại ráo hoảnh nói "những đảng viên hữu danh vô thực thì có cho không chúng ta (đảng) cũng không cần". Ai cho? Ai mà có loại đặc sản đảng ấy để cho các ông? Ăn nói linh ta linh tinh.

Thế các ông định đổ trách nhiệm, đổ tội cho dân chắc. Dân làm quái gì có những thứ tào lao vô tích sự ấy. Ông không dùng, ông cứ gom ném mẹ hết xuống biển, chứ đừng có cái thói bắt dân phải gánh chịu. Dân không phải là cái hố rác, nhá.

Chỉ lý luận vớ va vớ vẩn.

Tội đồ rởm
Chuyện giáo sư tiến sĩ nhiều như lợn con, vô tác dụng ở xứ này lâu nay được bàn nhiều rồi, thậm chí rác tai, chán, đéo muốn nghe nữa. Mấy hôm nay lại rộ lên chuyện tiến sĩ nghiên cứu về chơi cầu lông, tiến sĩ nghiên cứu hoạt động đảng ở xã ở huyện, tiến sĩ nghiên cứu tinh dững thứ tào lao xích đế...

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Loay hoay như con kiến cành đa

Việc đảng cầm quyền xứ này phải quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng xuống tới cấp tỉnh, có nghĩa là tham nhũng đã phổ cập tràn lan, điều này nói lên cái gì? Đó là: công cuộc phòng thống tham nhũng của các ông bà ấy đã thất bại, càng chống càng nhiều, tham nhũng càng bất trị.

Một thể chế, bộ máy cai trị mà suốt ngày, quanh năm suốt tháng chỉ mải loay hoay chống tham nhũng thì còn thời gian đâu để phục vụ cho dân cho nước. Năm nay nó hạ xuống mức cấp tỉnh, ai dám bảo rằng sang năm nó không hạ xuống tới cấp huyện, rồi cấp xã, sẽ có ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng xã. Đám quan xã quan huyện sẽ thắc mắc tham nhũng đâu phải đặc quyền của trung ương, của tỉnh. Quan nào chả là quan, trong cái thể chế này, các ông bà tham nhũng được, sao lại cấm chúng tôi, v.v..

Hôm tôi về quê, đứa cháu bảo bây giờ chỉ có trưởng thôn là tạm trong sạch thôi, bởi nó do dân bầu, nó không có điều kiện để tham nhũng. Chính quyền đã tham nhũng, cấp ủy càng tham nhũng tợn.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

Ngẫm về Ukraine và...

Ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vừa có cuộc tới Ukraine, tận mắt chứng kiến những tàn phá giết chóc của quân xâm lược Nga đối với đất nước và con người nơi đây, thậm chí ông ta còn phẫn nộ về những hành vi vô đạo đó. Xem xong rồi... về, cuối cùng chưa thấy tổ chức này có bất cứ hành động nào ngăn chặn bàn tay đẫm máu của quân xâm lược.

Hằng ngày, báo chí An Nam vẫn đăng Nga phóng tên lửa vào chỗ này, dội bom chỗ kia, không kích dồn dập, chiếm chỗ nọ, chiếm chỗ khác. Người vẫn chết, máu dân thường Ukraine vẫn đổ. Đám Putin còn ngoạc mồm dọa dẫm những nước cung cấp vũ khí cho Ukraine phải trả giá đắt, dọa tiến hành chiến tranh hạt nhân, dọa hủy diệt Kiev, Mariupol, Odessa... Và chúng không chỉ dọa, chúng đang làm thật.

"Một bộ phận không nhỏ" ở An Nam cũng đang lên án phương Tây, nói rằng giúp vũ khí cho Ukraine không khác gì đổ thêm dầu vào lửa, có những kẻ còn bày mưu rằng cách tốt nhất là Ukraine nên đầu hàng để chấm dứt chiến tranh, để tránh đổ máu. Chúng không nhớ rằng chính cha ông chúng đã nhận không biết bao nhiêu súng đạn từ phe xhcn để tiến hành cuộc nội chiến ý thức hệ cốt nhục tương tàn, đã từng tuyên bố đánh đến người cuối cùng.