Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Chuyện hằng ngày (4): Mùa xuân và đảng

Có nhiều câu khẩu hiệu tuyên truyền, người ta nghe mãi rồi cũng tin là như thế, ví dụ "Mừng đảng, mừng xuân", "Đảng cho ta mùa xuân".

Nhớ có lần, trong cái lạnh căm căm ở Hà Nội, ông bạn Đào Bình, một tay hoạt khẩu, hễ cứ nói ra điều gì là đều có vấn đề, y bảo "này các ông, chẳng hạn hồi ấy, nghĩa là cái đận năm 1930 ấy, đảng ra đời vào mùa đông thì chả biết bộ máy tuyên truyền của họ sẽ ca ngợi thế nào nhỉ?".


-Nhạc sĩ Phạm Tuyên cố tin rằng đảng đã cho ta mùa xuân, nhưng một ông cháu tôi (là cháu nhưng cùng tuổi) lại tủm tỉm, một năm có 4 mùa, đảng cho ta một mùa thôi, 3 mùa còn lại phải tự lo lấy, rồi cũng phải chịu ơn, chẳng thà đừng cho mùa nào, để tự lo tất có khi lại hay.


-Năm 2001, làm báo xuân, tôi được phân công biên tập mảng chính trị-xã hội, có bài của bác Lê Hiếu Đằng viết về kỷ niệm xoay quanh ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" của nhạc sĩ Văn Cao. Trong bài, tác giả nhắc lại những dư luận vì sao bài hát bị cấm một thời gian dài, trong đó có nguyên nhân bởi có vị trùm lãnh đạo tuyên huấn khi ấy giận Văn Cao dám bảo mùa xuân sau 75 là mùa xuân đầu tiên, trong khi đảng đã đem về bao nhiêu mùa xuân cho dân tộc rồi, nhạc sĩ cố tình phủ nhận công ơn đảng, lại còn khẳng định "từ nay người biết yêu người", xóa sạch cả công ơn của đảng... Tôi biên tập, cứ để nguyên chi tiết ấy, nhưng khi báo xuất bản thì đã bị kéo kiểm duyệt cắt bỏ, vừa buồn vừa tiếc.


31.1.2016
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Chuyện hằng ngày (3): Dạy và học

Trong bữa ăn, bà xã nhắc chuyện hôm qua các bà bạn nhóm Dã Quỳ (quỹ già) tụ tập với nhau. Cô Trinh giáo viên trẻ đang dạy một trường cấp 2-3 dân lập có tham gia cuộc vui, cô kể rằng bọn học trò bây giờ gớm và láo lắm. Mấy đứa học trường công thì ngoan, chứ trường tư - dân lập thì hết biết. Chúng không chịu học, không thèm làm bài, chỉ nguyệch ngoạc vào giấy kiểm tra vài dòng cho có. Tất nhiên là nhận điểm 0. Chúng ném trả bài trước mặt cô giáo, lại còn vặn "cho điểm thế này, vậy cả đống tiền ba má em trả nuôi các cô để làm gì?".

Cũng lời cô Trinh, có đứa con nhà giàu, bố mẹ nó là chủ hệ thống cây xăng rải khắp mấy tỉnh, lúc nào nó cũng đầy tiền, móc cho bạn bè như người ta cho giấy. Nó bảo bố mẹ nó chả thèm quan tâm nó có lấy tiền hay không, nó còn nói với cô "cô có cần tiền không, để em cho, em nhiều lắm". Tất nhiên là cô Trinh từ chối, nhưng cô nói thêm rằng dạy hết học kỳ 2 thì cô xin chuyển trường hoặc nghỉ.


30.1.2016
Nguyễn Thông

Hoa đào

Nhớ hoa đào da diết
Gió buốt bờ sông xa
Em, hoa đào sương khói
Sao bỗng dưng mắt nhòa.

20 tháng chạp, tiết đại hàn Ất Mùi
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Chuyện hằng ngày (2)

Hôm qua, báo điện tử VOV có đăng chuyện hàng chục hành khách bay chuyến bay từ Mạc Tư Khoa về Nội Bài đã phản ứng rất dữ bởi hành lý của họ bị rạch gần hết, bị moi móc lấy đồ bên trong. Chưa biết cơ quan quản lý sẽ xử lý ra sao.

Nhớ hồi nào, đi máy bay là an toàn nhất, hành lý được kiểm tra rất chặt, sau đó nó theo hệ thống có sự giám sát chuyển lên máy bay, chuyển xuống sân bay, chuyển ra băng chuyền cho khách. Không mấy khi nghe ai than thở bị mất cắp, thỉnh thoảng có vụ thất lạc nhưng cũng mau chóng được tìm ra.
Nay thì ngược lại, chỉ trừ phần hành lý xách tay, còn đã chả khác gì gửi trứng cho ác, dù bay từ nước ngoài về hay là bay đường bay trong nước. Trộm cắp như rươi. Mất tinh thứ đồ quý, cứ như bọn cướp này có mắt thần, rạch đâu trúng đó.


Chị bạn tôi có người nhà bên Mỹ, năm nào cũng về, kể hàng khi gửi ở Mỹ không xảy ra điều gì, cứ về tới Tân Sơn Nhất là nát như mặt Chí Phèo. Kiện cáo khiếu nại cũng như ném đá ao bèo, có khi còn mất thêm tiền. Khổ nỗi không biết đồ bị mất từ khi nào, ở đâu (lúc chuyển lên, trên máy bay, hay sau khi đã xuống sân bay), thường người chịu thiệt vẫn là hành khách.


Đừng tưởng trộm cắp chỉ có ở chợ búa, bến tàu bến xe, thời này những chỗ sang trọng nhất cũng tinh những ăn cắp.


29.1.2016
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Chuyện hằng ngày (1)

Từ giờ giở đi, mình sẽ có chuyện hằng ngày, rất ngắn, ghi lại những sự thực, điều tai nghe mắt thấy trong đời. Đảm bảo người thực, việc thực, lời nói thực.

28.1.2016
-Ông hàng xóm Maddox bảo thế nào bà tổ trưởng dân phố cũng đến nhắc treo cờ, vừa mừng đại hội thành công tốt đẹp, vừa mừng đảng mừng xuân. Ông chẹp miệng: Khổ, đưa dân tộc đi từ nỗi khổ này đến nỗi khổ khác thì mừng miếc cái gì.


-Anh Tấn, một hiệu trưởng về hưu hỏi tôi nghỉ việc cơ quan có chuyển sinh hoạt đảng về địa phương không. Tôi thưa em may mắn không phải đảng viên nên không bị lôi thôi gì. Anh bảo tớ đem hồ sơ về nhưng cứ lờ đi, mà dạo này "chúng nó" cũng thoáng, thế là mình rút lui an toàn, đỡ phải ra phường nghe những điều chả muốn nghe.


Nguyễn Thông


Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Vắng anh hùng

Hôm qua 25.1, với số phiếu chưa quá bán, đại hội 12 đã chính thức loại thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi cuộc tranh đua giành ghế đầu đảng, kết thúc con đường chính trị đầy tai tiếng của ông ta.

Tôi cho rằng không ít người ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ bởi vì họ muốn thay đổi cái bộ máy cầm quyền đã quá nát ở xứ này. Họ đã tỏ ra thất vọng khi ông ấy bị loại. Nhưng tôi hỏi thật, với một người như thế (hoặc hèn, hoặc không đủ bản lĩnh, hoặc mưu mẹo thỏa hiệp với kẻ khác để bền cho con cái, hoặc quá trung thành với cái đảng của ông ấy), thì vậy có đáng để cho các vị thất vọng không.

Các cụ xưa bảo: Ở đời muôn sự của chung/Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.


Xứ ta mặc dù ra ngõ gặp anh hùng nhưng lại rất hiếm anh hùng, đành chịu vậy thôi.


Nguyễn Thông

Biên lại kẻo quên

Vào giữa tháng chạp (tức tháng Kỷ Sửu) năm Ất Mùi, nhằm nửa cuối tháng 1 tây lịch, triều đình Nam Việt họp đại hội chọn vua mới. Không có hoàng tử kế vị nên hoàng thượng dù đã quá già vẫn xung phong đứng ra gánh vác việc triều đình thêm nhiệm kỳ nữa. Nghe nói quần thần cũng nhiều phe phái lắm, tuy nhiên vì đại cục, cuối cùng đã thỏa thuận được với nhau để "còn đảng còn mình".

Khi văn võ bá quan đã tề tựu về kinh đô đông đủ, trước ngày khai mạc hội quần hùng, tự dưng con ba ba (mà người đời quen gọi là rùa) già lăn ra chết. Dân kinh thành náo loạn. Quan tổng trấn Bắc thành tên Chung vốn là phú lít phải vội trấn an bảo không có gì, mặc dù trước kia hồi rùa này còn sống mỗi lần nổi lên thì bảo có gì, thiêng lắm, còn nhà chức việc của triều đình vội gọi tê lê phôn hoặc nhắn tin cho báo chí ra lệnh cấm thông tin, nếu đã trót đăng phải bóc ngay, khoảng 10 phút sau lại cho đăng, với điều kiện phải thế này thế nọ. Thiên hạ cứ tủm tỉm cười cái sự sợ hãi vớ vẩn ấy.


Đang lúc triều đình căng về việc chọn vua thì trời cũng giở chứng. Chưa năm nào rét buốt băng giá như tháng chạp năm nay. Mạn Sa Pa, Đồng Văn gần nước Tàu, rét xuống dưới 2 độ âm, cây cối sông suối đóng băng hết cả, tuyết phủ trắng xóa chả ai dám ra đường, trừ đám đi phượt. Vùng Ba Vì xưa nay thiêng thế, được thần Tản Viên bảo hộ, nay cũng thấy tuyết rơi. Trâu bò có nguy cơ chết rét bởi quá lạnh và hết thức ăn. Dân chúng thì thầm bảo nhau trời cũng chả chiều lòng người, trời cũng ghét..., khiến họ vạ lây.


Chính sự đã rối ren phiền hà vậy, giặc Tàu ô phía Bắc lại giở chứng, mồm thì nói hữu nghị 4 tốt bạn vàng nhưng tay động binh không ngừng, xua tàu chiến, giàn khoan đến cướp bóc ở vịnh Bắc Bộ, cắm lỗ dò tìm hút dầu ngay sát đảo Cồn Cỏ của ta, đổ cát đổ đá xây mấy cái đường lên xuống cho tàu bay ngoài đảo Trường Sa khiến lòng dân khắp trong Nam ngoài Bắc sục sôi uất hận. Nhiều người đòi quyết chiến nhưng 1.510 quan văn quan võ còn mải đấu đá tranh ghế chốn triều đường cứ làm thinh, mặc kệ. 

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Những con sâu tệ hại


    Ai cũng hiểu rằng xây thì khó chứ phá thì dễ và nhanh lắm. Có những thứ, những điều phải mất cả trăm năm, nghìn năm, phải bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau dày công mới tạo dựng được, nhưng kẻ phá nó chỉ cần một sớm một chiều, chỉ bằng vài hành vi cá nhân là tan hoang, không biết bao giờ mới khôi phục được.

    Tôi muốn nói đến mấy vụ trộm cắp vừa xảy ra, cả ở trong lẫn ngoài nước, mà thủ phạm đều là người Việt. Chuyện trộm cắp, kẻ đạo chích thì ở đâu cũng có, nhưng có những hành vi trộm cắp không chỉ gây thiệt hại về tài sản vật chất mà còn kéo theo tác hại khôn lường về nhiều mặt, nhất là những giá trị tinh thần, danh dự.

    Là người Việt tử tế, chắc ai cũng đau lòng khi nghe những thông tin về công dân nước mình ra xứ người thực hiện hành vi trộm cắp, bị nhà chức trách nước sở tại bắt giữ. Gần như 2 vụ liên tiếp hồi đầu tháng 1 này, vụ đầu xảy ra ở Thái Lan, cảnh sát theo dõi và bắt cả băng đạo chích 5 người Việt chuyên ăn cắp hàng ở những cửa hàng, khu du lịch, chỗ đông người, tang vật là bóp tiền, điện thoại, túi xách. Theo nhà chức trách Thái, những người này sang Thái Lan không phải để du lịch hay công tác gì cả, chỉ có mỗi mục đích trộm cắp.

    Vụ thứ 2 xảy ra ở Singapore cũng rất đáng xấu hổ, nhục nhã. Hai người Việt ăn mặc bảnh bao, ở nơi sang trọng (khách sạn nổi tiếng nhất Singapore, Marina Bay Sands) nhưng lại đào tường khoét ngạch, thực hiện vụ trộm gần 500.000 đô la Sing. Cảnh sát đã theo dõi và bắt với đầy đủ tang vật, nếu bị truy tố những người này phải đối mặt mức án 14 năm tù bởi luật pháp Singapore rất nghiêm, nước này rất ghét thói trộm cắp.

    Vụ thứ 3 là vụ trong nước, như báo chí tường thuật rất rõ, xảy ra ở khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM), cả băng nhóm trộm cắp suốt bao năm rút ruột một công ty nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, ăn cắp hàng nghìn đôi giày Nike đắt giá, gây thiệt hại cho chủ đầu tư nước ngoài hàng chục tỉ đồng.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Thế sự du du nại lão hà


Rùa đã chết rồi, có tiếc thương thì cũng thế thôi
Cũng có thể do ô nhiễm môi trường hoặc đói ăn, nhưng già thì phải chết
Chưa năm nào rét như năm nay, lo cho đám trâu bò trên vùng cao Việt Bắc
Hoa đào miệt Quảng Bá, Nhật Tân run rẩy đợi xuân về.

Hơn nghìn rưởi ông bà kiêu hãnh chui vào phòng điều hòa bàn chuyện giời chuyện đất
Hết đại hội này tiếp đại hội kia chưa tìm ra lối thoát cuối đường hầm
Đổi mới mấy chục năm, giờ vẫn gào đổi mới
Thí nghiệm học thuyết búa liềm trên mồ hôi nước mắt nhân dân

Nên dễ hiểu vì sao dân chúng hò reo khoái ông Bùi Quang Vinh đến thế
Bởi ông ấy nói ra điều họ ấm ức bấy lâu
Hỡi lão cầm cờ kia, hãy lắng nghe dân hỏi:
Bao giờ thì ném vào sọt rác cái bánh vẽ chủ nghĩa xã hội đã ngả màu

Tàu giặc, giàn khoan đang rập rình ngoài kia, gần Cồn Cỏ
Ngồi đó mà bàn Mác-Lênin, sao chẳng thẹn với người
Hãy thò bàn chân xuống ruộng cày đang nước đồng buốt giá
Sẽ nếm được vị mặn mòi từ hạt gạo dân nuôi.

Nguyễn Thông

Những cô gái thời chị Ba tôi

NGÔ THỊ KIM CÚC (nhà văn, nhà báo)

    Chị Ba của tôi sinh vào nửa sau thập niên 1940, trưởng thành thời kỳ chiến tranh Việt Nam trở nên cực kỳ tàn khốc sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, với sự tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ. Đó là thế hệ thiếu nữ mà trái tim trẻ trung và cuộc đời mới hé mở của họ đã bị dày vò tàn nhẫn. 

    Cùng với đám con trai thời loạn, họ chia sẻ bi kịch nội tâm đầy dằn vặt bi thương bởi ý thức quê hương đang bị phân ly từ những tranh chấp quốc tế, mà dù chọn chỗ đứng ở đâu thì phía đối địch bao giờ cũng vẫn là những người ruột thịt cùng nòi giống… 
    Mà đâu cần chờ tới lúc lớn. Tuổi thơ chị Ba tôi cũng đã bị chiến tranh cướp sạch bao niềm vui lẽ ra chị được hưởng ở cái làng Phú Bông nổi tiếng phong lưu với nghề canh cửi tằm tơ. Khi lệnh tản cư loan ra, cánh đàn ông lo đi làm nhiệm vụ công dân. Một mình mẹ tôi tự thu xếp con cái, nhà cửa, tài sản thu gọn trong đôi bầu sẽ gánh trên vai, chen chúc trong đoàn người tản cư chạy bộ lần vào phía nam, ngày càng rời xa quê hương bản quán. 
    Chị Bốn chưa tới 2 tuổi được đặt ngồi trong một đầu gánh, đầu bên kia là gạo mắm quần áo các thứ tối cần cho cả gia đình trên đường lưu lạc. Còn chị Ba mới lên 5, chưa tới tuổi đi học, đã phải níu theo sợi gióng của mẹ mà tự chạy trên đôi chân bé bỏng của mình. Từ Điện Bàn (Quảng Nam), đoàn người tản cư cứ tiếp tục chạy mãi vào phía nam, tới vùng “tự do” xa nhất là Bình Định, cách Quảng Nam hơn hai trăm rưỡi cây số thì đứa bé 5 tuổi là chị Ba cũng đã chạy bộ cùng mẹ chừng ấy cây số.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Đảng bảo thủ cầm quyền

BÁ TÂN           
    Ở Việt Nam, nếu nói đảng bảo thủ cầm quyền là không thể chấp nhận, có khi còn bị kỷ luật, thậm chí bị phạt tù như chơi.
     Tuy nhiên, trên thế giới không hiếm những nước, nhất là nước phát triển, đảng cầm quyền ở đó lại là đảng bảo thủ.
      Chẳng hạn tại vương quốc Anh, một trong những quốc gia thuộc tốp đầu thế giới về nhiều mặt, bộ máy cầm quyền thường thuộc về đảng bảo thủ. Thủ tướng hiện thời của vương quốc Anh là chủ tịch đảng bảo thủ.
        Đặt tên đảng là bảo thủ. Công khai danh tính đảng cầm quyền là bảo thủ. Thế mà trong cuộc bỏ phiếu cạnh tranh nảy lửa nhiệm kỳ 2015-2020, đảng bảo thủ của thủ tướng Anh vẫn chiến thắng giòn giã.
       Số đông cử tri của Anh vẫn dồn phiếu cho thủ lĩnh của đảng bảo thủ, mặc dù tại đây có hàng chục đảng tranh cử quyết liệt.
       Bỏ phiếu cho đảng bảo thủ không phải là người dân Anh không muốn phát triển. Dồn phiếu cho đảng bảo thủ là bởi vì người dân chấp nhận chương trình tranh cử của đại diện đảng bảo thủ.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Môi trường

Nhà báo NGUYỄN CÔNG KHẾ

Tôi có quen một chị bạn. Chị là một phụ nữ mẫu mực và có nhan sắc vào những thập niên 70-80. Chị từng tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh từ rất sớm và sau này đã lên chức rất cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Một người của phong trào sinh viên - học sinh đấu tranh ở đô thị miền Nam nổi tiếng xinh đẹp, lại lên đến hàng nhất nhị phẩm trong chế độ. 

    Bỗng dưng đến một hôm tôi nghe tin về chị bây giờ, chị có mặt ở các nhà chùa để thiền và tụng niệm, ít khi chị có mặt ở chốn đông người, ít có mặt ở những chỗ gọi là gợi lại kỷ niệm xưa cũ hoặc hội hè. Một người phụ nữ khác mà tôi cũng từng biết, cũng từng rất danh tiếng, giờ đây chị ấy cũng đã cắt lìa khỏi mọi thứ có mối dây liên hệ với cuộc sống hiện đại này, kể cả internet và điện thoại di động. 
    Cuộc sống càng hiện đại của chúng ta hiện nay càng dẫn đến những hệ lụy khó tưởng tượng nổi. Tôi muốn nói tới một môi trường sống của chúng ta hiện nay. Tôi thường nói với các bạn bè tôi ở bên Mỹ và châu Âu rằng, Việt Nam có một cuộc sống mà tôi cho rằng thanh bình nhất và dễ chịu nhất có lẽ là thời niên thiếu của tôi: thời ông Ngô Đình Diệm. Thời đó cũng có thể đã diễn ra một số cuộc bắt bớ và “tình nghi” nhắm vào những người kháng chiến cũ nhưng tôi cho “diện” của nó không rộng lắm. 
    Chiến tranh lúc đó chưa lan ra tới mức: hàng ngàn tấn bom trút xuống đầu làng (nhạc Trịnh Công Sơn) như những năm về sau này. Cánh cò bay, ruộng lúa xanh trên những cánh đồng thẳng tắp, những dòng sông chảy qua những cánh đồng, những con cá rô đồng mập bởi được ăn những đòng đòng của mùa lúa Trì... với câu hát thanh bình văng vẳng đâu đây: đây phương Nam, đây ruộng Cần Thơ no lành. Tôi đi học trên những con đường làng mát rượi bởi bóng của những cây tre và hàng dương liễu. Rau quả chưa bao giờ bị bón chất độc hóa học.

Cách ứng xử với tiền

    Một trong những phát minh vĩ đại của con người là tiền. Cứ thử hình dung, không có đồng tiền, người ta mãi khệ nệ ôm con cừu đi trao đổi lấy mấy chục ký ngô. Dù rằng trong quá trình tồn tại và phát huy tác dụng, đồng tiền cũng không tránh khỏi bị lời ra tiếng vào, thậm chí bị lên án kịch liệt, nhưng rốt cục, cho đến tận bây giờ, nhân loại vẫn phải cần đến nó.
 
    Tiền là một thực thể, một thứ giá trị trong đời. Đối với con người, tiền còn là thứ thước đo, thuốc thử, một thứ giấy quỳ để đánh giá độ pH tư cách, đạo đức, nhân phẩm của mỗi ai đó. Có rất nhiều trường hợp, con người bại hoại, mất tư cách, bị chôn vùi bởi đồng tiền. Nhưng cũng không thiếu con người ánh lên vẻ đẹp, bộc lộ phẩm chất cao đẹp trước đồng tiền.

    Tôi vòng vo rườm rà vậy do đọc được cái tin liên quan đến cuộc xổ số cực kỳ hoành tráng Powerball ở Mỹ. Nói hoành tráng bởi giải độc đắc lên tới hơn 1,5 tỉ USD. Tạm hình dung số tiền ấy lớn thế nào khi ta biết một căn hộ chung cư cao cấp ở ta khoảng 2 tỉ đồng, tức gần 100.000 USD. Giải độc đắc ấy tương đương 1.500 căn hộ, thứ mà phần đông người dân xứ ta cả đời mơ ước vẫn không đạt được.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Quan ngại điều quan ngại

Đầu tuần mà nói ra điều này, quả không phải chút nào.

Hầu như không mấy ai quan tâm đến cái tin Trung Quốc xây thêm 2 đường băng mới sau khi vừa đưa vào hoạt động "sân bay" ở đá Chữ Thập. Hai cái mới này, 1 ở đá Vành Khăn, 1 ở đá Xu Bi, đều ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đều sắp hoàn thành.


Bây giờ, việc Trung Quốc chiếm đất chiếm biển của ta đã trở nên bình thường không đáng quan tâm rồi sao? Sự dửng dưng trước nỗi nhục mất nước bắt đầu từ bao giờ vậy?


Cả một bộ máy cầm quyền, cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, và cả nhân dân nữa, đã làm gì khi Tàu cộng cứ tằm ăn rỗi vậy? Không thể nói là không biết những hành vi của nó.


Ngồi đó mà đại hội với đại hiếc, tự sướng khen rất tốt đẹp với nhau, rồi đến lúc như An Dương Vương "giặc ngồi sau lưng mà nhà vua không biết", nhưng nó không thèm sau lưng đâu, nó trắng trợn trước mặt mà vẫn nhắm mắt làm ngơ.


Lão Maddox cạnh nhà tôi văng tục, lão bảo rồi thế nào cũng nghe thằng bé hói đó nó nói quan ngại cho mà xem, ngại ngại cái lồn.


Nguyễn Thông

Bài trên báo Dân Trí đăng ngày 17.1, http://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-sap-hoan-thanh-them-2-duong-bang-phi-phap-tai-truong-sa-20160117080212449.htm

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

Chuyện Đài Loan

Hôm 16.1, 18 triệu cử tri ở Đài Loan đã đi bầu cử trong một cuộc lấy phiếu dân chủ để bầu vị tổng thống của xứ này. Quốc dân đảng (từng có vị cầm đầu nổi tiếng Tưởng Giới Thạch khi xưa) đã thất bại thảm hại sau khi có những biểu hiện quy phục Trung Quốc. Dân chúng đã chọn bà Thái Anh Văn, người của đảng Dân tiến làm tổng thống bởi đảng này bộc lộ được ý nguyện của đại đa số người Đài Loan, không chấp nhận hòn đảo là một tỉnh của Trung Quốc. 

Một điều rất rõ, ở Đài Loan, thằng đảng nào thân Tàu cộng là dân đá đít ngay. Quốc dân đảng là một minh chứng. Bao năm tách cộng thì còn, chỉ cần có ý định bắt tay cộng là bị phốc luôn. Nhưng họ là dân ra dân nên chả ngại đít thằng nào.

Bao lâu nay, kể từ năm 1949 đến giờ, Đài Loan đã tồn tại như một nước độc lập, ngay cả khi bị đưa ra khỏi Liên Hợp Quốc. Chính trị và kinh tế cũng như các mặt khác đều hơn hẳn Trung Quốc, nói trắng ra là ưu việt hơn nhiều. Thế thì tại sao lại cứ phải nhập vào Trung Quốc để làm chậm bước phát triển, để dân khổ hơn. Liên Hợp Quốc nếu muốn chứng tỏ là một tổ chức đàng hoàng thì cần công nhận lại chủ quyền độc lập của Đài Loan. Những nước muốn làm ăn với Đài Loan hãy xây mối quan hệ tử tế với họ chứ đừng chơi kiểu lợi dụng, lá mặt lá trái.

Những nhà làm chính trị xứ ta cần phải hiểu thực tế này: thà cứ để Đài Loan độc lập, tồn tại tách ra khỏi Trung Quốc thì còn có lợi hơn nhiều so với việc hòn đảo sáp nhập vào Trung Quốc. Nó xong việc ấy, rảnh tay, nó có chịu để yên cho mình không?

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Thật vô phúc

Hôm nay 16.1, ngày kìa sẽ là 19.1, trúng vào thời điểm cách đây 42 năm Tàu cộng chiếm trái phép Hoàng Sa của VN từ tay chính thể VN Cộng hòa. Một phần máu thịt của đất nước đã bị mất vào tay kẻ bạn bè của đảng cầm quyền xứ này.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị khởi công khu tưởng niệm các nghĩa sĩ liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa, trong đó có 74 người lính VN Cộng hòa, tổ chức và xây dựng tại đảo Lý Sơn đúng ngày 19.1. Một công trình thật nhiều ý nghĩa, tầm cao hơn hẳn nhiều tượng đài chúng ta thấy nhan nhản trên khắp nước.

Đành rằng đây là chủ trương của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhưng thật vô phúc nếu trong lễ khởi công đó không có mặt những vị đứng đầu đảng và nước này. Đó mới chính là chỗ, là lúc họ cần xuất hiện chứ không phải đi thăm thú nọ kia, xúc xẻng đất trồng vài ba cái cây cổ thụ. Tôi lấy ví dụ, tôi mà là thủ tướng, đúng sáng 19.1 tôi sẽ có mặt ở Lý Sơn trong lễ động thổ công trình tâm linh thiêng liêng vô tiền khoáng hậu ấy, không phải để làm màu mà là để chứng tỏ với dân tấm lòng của mình.

Nhân đây, tôi đề nghị cơ quan an ninh điều tra ngay xem có thực kẻ viết cái stt mà tôi kèm ảnh dưới đây đúng là người mà dư luận gọi là Quang lùn hay không. Lỡ ra không phải, do có kẻ giả danh thì tội nghiệp người ta, dù cái tư cách của người ta lâu nay cũng đã kém lắm. Nhưng nếu đúng, đề nghị xử lý, bắt ngay, không thể để một kẻ hung hăng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phỉ báng chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ của đảng và nhà nước ngang nhiên tác oai tác quái vậy được. Đây mới chính là thế lực thù địch, là quả bom nổ tung chế độ đương thời chứ không phải bọn thù địch mơ hồ nào cả.

Nguyễn Thông
 

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Nghĩ vụn lúc ban trưa

Trưa. Trời nóng, mệt, không chợp mắt được. Đầu cứ hoạt động, bèn ghi biên ra đây những điều vụn vặt.

1. Hôm qua, ông Nguyễn Thế Kỷ phó ban Tuyên giáo trung ương đăng đàn, ông ấy khẳng định rằng ở hội nghị 14 vừa qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất đoàn kết nhất trí, những dư luận bên lề chỉ là xuyên tạc, vu cáo, bố láo bố toét.
Tôi nghĩ rằng ở vào địa vị ông ấy thì ông ấy phải nói thế. Nhưng người khôn thì không bao giờ dại vậy. Lỡ vài hôm nữa xảy ra chuyện này nọ thì chả khác gì ông ấy tự vả vào mồm mình, rồi có nói chi nữa cũng chả ai nghe, tự mình làm mất giá trị lời nói của mình. Nhưng thôi, tuyên giáo mà, có bao giờ khôn.

2. Trong bài về đại gia tổ chức sinh nhật cho vợ ở Thái Bình, có chi tiết rằng buổi lễ "có sự góp mặt của 50 nghệ sĩ gồm danh hài, diễn viên, ca sĩ, người mẫu từ trong nước đến hải ngoại như NSƯT Quang Tèo, NSND Trần Nhượng, Lệ Rơi, ca sĩ Quang Hà...". Mừng cho Lệ Rơi, nhưng cũng hơi lăn tăn cho các NSND, NSƯT. Quá chán. Sau thì tặc lưỡi, dào, cũng phải kiếm tiền mà sống, sĩ hão làm gì. Thời này nó bình đẳng thế, Lệ Rơi có thể chung chiếu với NSND là chuyện thường.

3. Phải nói thẳng, nhiều người phê sự trang trí lòe loẹt của đường phố Hà Nội là chưa được công bằng cho lắm. Sài Gòn-TP.HCM cũng vậy thôi, chỉ có điều trông thẩm mỹ hơn, khéo hơn. Nhưng người ta không chê Sài Gòn, thậm chí còn khen, trong khi cứ chê thủ đô, có lẽ một phần do họ ghét cái chính quyền Hà Nội đã làm nhiều việc bạo ngược, nhố nhăng (chặt cây xanh chẳng hạn). Nhà cai trị đã mất lòng dân thì có đổ màu lên mặt cũng chả ai muốn coi.

4. Một bác sống đã khá lâu ở Mỹ cam đoan với tôi giải xổ số Powerball bên ấy nó đàng hoàng, đâu ra đó, không có chuyện gian dối với người mua vé số. Ai may thì trúng. Tôi lại sực nhớ những vụ dối trá tạo ra kết quả xổ số ở không ít công ty xổ số xứ ta (Long An chẳng hạn). Ở Mỹ mua có thể trúng, còn ở ta mua cầm chắc trật. Tôi nghĩ đó mới chính là sự khác biệt cơ bản chứ không phải là chuyện tiền bán vé số được sử dụng làm gì.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Xưa nay vẫn thế

    Chúng ta đều biết mười mươi rằng ở xứ này cái gì mà đảng đã chọn rồi thì cấm cãi, cứ thế làm theo, sai cũng phải làm. Đó là quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Hay dở thế nào, bàn sau.

     Hôm qua đảng kết thúc hội nghị trung ương 14, ra tuyên bố rõ ràng là đã nhất trí cao trong việc chọn các chức danh lãnh đạo cao cấp của quốc gia, cụ thể là chọn đề cử chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội (mà ta quen gọi là thuộc tứ trụ). Hội nghị 14 đưa danh sách ra đại hội 12, chắc sẽ được thông qua thôi bởi xưa nay ít khi có chuyện ngược lại. Đại hội đảng mà thông qua thì bố bảo quốc hội khóa 14 sắp tới dám từ chối. Xưa nay vẫn thế.

     Lúc nào cũng bảo quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, là người đại diện của nhân dân, đại biểu quốc hội là đại biểu của dân (vì vậy còn có tên dân biểu), nhưng dân lại không có quyền chọn những vị lãnh đạo đất nước bởi đã có lực lượng khác tiếm quyền làm thay rồi. Nếu có bầu chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội thì đó cũng chỉ là thủ tục hình thức vẽ vời. Đảng đã làm thay quốc hội, bầu bán chi nữa.


     Vậy thì cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân vào cuối  tháng 5 tới cũng chỉ để cho vui thôi. Ai còn nghĩ nó là cơ quan quyền lực cao nhất nước thì hãy đi khám thần kinh xem có vấn đề gì không.


Nguyễn Thông

Chuyện hải quan


    Báo chí vừa rồi đưa tin công an bắt được một cha cán bộ hải quan cỡ kha khá của hải quan TP.HCM, chỉ riêng hơn chục cái phong bì mà y mới thu nhận trong 5 ngày đã sơ sơ 1 tỉ đồng. Đọc tin, ai cũng lắc đầu lè lưỡi.
    Dù báo chí bảo rằng cha này bị công an bắt do các doanh nghiệp bị bóp nặn quá nên ức, không chịu được đã tố cáo. Nhưng dư luận cũng nói có lẽ y ăn dày, không chịu chia cho các đồng chí đồng nghiệp, nhất là cấp trên, nên trở thành kẻ chịu nạn của sự ghen ăn tức ở. Điều này chả biết có đúng không nhưng có bằng chứng là y không bị bắt quả tang, người ta đã làm rõ tài sản phi pháp của y khi y còn ở nước ngoài, về nước mới bị bắt. Nhiều người bảo: cho chết.
    Ở xứ ta, ai cũng biết hải quan là một ngành đặc biệt dành cho con ông cháu cha, cho những kẻ có tiền chạy chọt vào làm. Hải quan là vùng cấm địa, không có chỗ cho bọn dân thường. Hải quan là đất vàng, chỉ con cháu các cụ mới được hưởng lộc. Hải quan là đất ác, người lương thiện đừng hòng ngó vào.
    Đã nói đến hải quan là nghĩ ngay đến làm tiền, tống tiền, làm giàu phi pháp, tiêu cực, tham nhũng. Nó mang cái án chung thân ấy không oan tí nào.

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Học Thái Lan

Chứ cần học ở đâu xa. Mấy ông có làm đại hội thì nên lưu ý đưa nội dung này vào, chứ cứ lý luận ba lăng nhăng chán bỏ mẹ.

Xứ ta cũng nhiệt đới, thổ nhưỡng như đất Thái nhưng hiện nay trong Nam ngoài Bắc đều tràn ngập trái cây Thái, dân ta rất chuộng. Đơn giản bởi nó ngon hơn: sầu riêng, xoài, mít, cam, nhãn, thậm chí cả trái me cũng me Thái. Thôi thì cứ lý sự bảo tại đất nó, giống nó tốt hơn, cũng được đi, cho qua.


Nhưng đồ công nghiệp của Thái Lan, từ cái xe ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng... phần lớn đều chất lượng hơn. Đơn cử cái xe máy Honda SH chẳng hạn, nếu hàng Thái bán ở VN sẽ cao hơn hàng Việt cùng loại vài chục triệu mà người ta vẫn mua. Bởi nó tốt chứ không phải sính hàng ngoại. Đó là chưa nói, hàng Thái tại Thái rất rẻ, chỉ xuất sang VN chịu đủ thứ thuế mới bị đắt thôi. Cái này không thể bảo do thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng được, mà do con người và bộ máy quản lý, đường lối kinh tế. Vứt mẹ nó cái câu thòng định hướng XHCN đi, cứ kinh tế thị trường tư bản mà tiến. Lúc nào cũng tự hào ta thế này thế nọ, thua Thái thì phải biết nhục chứ.


Ông anh vợ tôi người miền Nam bảo trước năm 1975, hàng Thái đéo là cái đinh gì so với hàng SG (ông ấy nói vậy, tôi biên nguyên vậy).


Ngay cả chê bai nó hay đảo chính, biểu tình, mất ổn định, vậy mà xã hội nó cứ phát triển, đứa nào không lãnh đạo được thì nghỉ, phế xuống, để người khác lên thay. Có đâu cái thứ tham quyền cố vị trét keo vào đít dính ghế cai trị hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác như xứ ta.


Ấy, lẩn mẩn mấy thứ đó cũng đã giật mình. Còn phải học "nó" nhiều, theo được "nó" còn khướt.


Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Bài hát tặng bạn chủ nhật: Em yêu đất mỏ quê em


    Tôi nghe bài hát này lúc mới hơn chục tuổi. Giờ thì nó già đến nỗi nhiều người không nhớ nữa, thậm chí cả những đứa trẻ ở vùng than mà tôi có dịp hỏi, chúng cũng bảo cháu không biết. Chả sao, mỗi tác phẩm văn nghệ sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sẽ chết trong lòng bạn đọc, người nghe, người xem. Giờ có mấy ai nhắc đến kịch Lưu Quang Vũ đâu, ngoại trừ những khi người ta kỷ niệm tròn năm ngày mất của anh ấy. Bài hát cũng vậy.

    Bài hát “Em yêu đất mỏ quê em” được nhạc sĩ Bùi Đức Huyên viết năm 1963. Phải nói ngay rằng thời những năm 1960 ở miền Bắc, vùng mỏ than Quảng Ninh (hồi ấy gọi tắt là Hồng Quảng bởi gồm Hồng Gai, Quảng Yên, Cẩm Phả, Uông Bí…; lúc bấy giờ tên gọi Hạ Long chỉ dùng để nói về cái vịnh chứ không phải vùng đất) được người ta nhắc đến nhiều lắm. Bộ máy tuyên truyền đề cao ngành than, gọi than là vàng đen, thợ mỏ là những đứa con yêu của tổ quốc. Hầu như cả nền kinh tế trông chờ vào than, sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Cái gì cũng phải nhập khẩu, từ nhúm bột mì, cái kim sợi chỉ, lâu lâu mới xuất được vài buồng chuối, mấy con lợn sữa, dăm quả cà chua sang Hồng Kông, Cuba, Liên Xô, Tiệp Khắc… Còn lại là nhờ than, cũng như bây giờ nhờ cậy vào dầu mỏ. Cộng sản đỏ sống nhờ vào than đen là vậy.

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

Không thể vớ vẩn, ngu xuẩn hơn

Rất vớ vẩn. Ngu bỏ mẹ.

Hôm nay 7.1 ở Hà Nội, họ diễn tập chống khủng bố để bảo vệ đại hội đảng. Ừ thì cứ diễn tập, "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu", cho chân tay lính tráng nó thuần thục, cũng được đi. Nhưng sao không chọn mấy đứa có vẻ đầu trâu mặt ngựa (hoặc đóng giả đầu trâu mặt ngựa, giả Bin Laden chẳng hạn) để diễn, để tập, lại lôi dân ra mà diễn tập. Hóa ra chống khủng bố là chống dân à. Dân là quân khủng bố, là kẻ thù của đảng à? Lúc nào cũng nói đảng với dân như cá với nước, của dân vì dân do dân, nhưng khi cần dè chừng, cần đối phó, lại lôi dân ra làm đối tượng trừng trị đầu tiên.

Dân không đùm bọc nuôi đảng thì thôi, "lòng dân yêu đảng như là yêu con", có cha mẹ nào lại phá đại hội của con bao giờ.

Đứa nào tham mưu vụ này, chỉ làm xấu chính quyền, lôi ra đánh bỏ mẹ nó đi. Tôi nói thực đấy.

Nguyễn Thông


 Ảnh của báo Dân Trí

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

Bộ tứ

HUY ĐỨC (nhà báo)
"Bộ Tứ" sẽ chính thức được quyết định vào đầu tuần tới. Xin chưa đề cập đến các vị trí khác. Chỉ mong các bạn đừng quá thất vọng nếu ông Nguyễn Phú Trọng thì ở lại mà ông Nguyễn Tấn Dũng lại ra đi.
Ông Trọng đã làm mỏi mệt chúng ta bởi những tuyên bố rất lỗi thời. Nhưng, cũng như các tổng bí thư khác, người đứng đầu đảng cộng sản làm sao có thể tuyên bố từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho dù trong số các tổng bí thư gần đây ông là người thuộc lòng cái "lý luận" ấy nhất, lẽ ra, ông chỉ nên nói điều đấy trước các đồng chí của ông trong Đảng.
Ông Trọng, rất tiếc đã "buông lá cờ cải cách". Ở Đại hội XI, khi đa số biểu quyết bỏ "Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu" (đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội viết trong Cương lĩnh 1991), ông ở phái thiểu số, hứa sẽ "phục tùng đa số". Nhưng ông vẫn đưa "quốc doanh chủ đạo" vào Hiến pháp và không đa sở hữu hóa đất đai.
Nhưng khác với những gì dân mạng mắng mỏ, ông Trọng đã rất khôn ngoan trong đối ngoại (trừ phát biểu ở Cuba mà có lẽ ông tưởng là ở nhà - và, ông sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu sau những thành tựu rất đáng ghi nhận, bao gồm cả việc loại bỏ [nếu thành công] một nhà độc tài, tham nhũng, ông nên vui thú điền viên, tiếp tục sống cuộc đời thanh bạch).
Khi tôi hỏi về các chuyến thăm Hà Nội - Bắc Kinh và ngược lại, Đại sứ của một nước EU nói: "Việt Nam hiểu Trung Quốc". Còn các nhà ngoại giao phương Tây mà tôi tiếp xúc đều cho rằng, không có phe thân Mỹ hay thân Tàu trong các nhà lãnh đạo Việt Nam, họ tin là chính sách ngoại giao sẽ vẫn như thế bất luận ai lên, ai xuống.

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Thông báo dành riêng cho K.17

Tin buồn
Mình vừa nhận được tin mẹ của bạn Lê Thanh Nga, biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng, hội viên Hội Nhà văn VN, người bạn hiền lành trong lớp mình, cụ bà đã quy tiên vào chiều nay 5.1.2016, tức ngày 28.11 Ất Mùi.
Xin thông báo với các anh chị đồng môn khóa K.17 (1972-1976), khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và các đồng nghiệp NXB Kim Đồng.
Cầu cho cụ siêu thoát miền cực lạc.
Xin chân thành chia buồn cùng bạn Lê Thanh Nga và gia đình.

Các bạn K.17 và Nguyễn Thông

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Thế thì nó là cái gì.ì.ì.ì...?

Rất buồn cười.

Có mấy cái cục tròn tròn bằng sắt từ trên giời rơi xuống ở, cục thì rơi ở Tuyên Quang, cục thì Yên Bái, đã 2 ngày trôi qua, mỗi ông nói một phách. Ông thượng tướng Phó tổng tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn bên Bộ Quốc phòng thì khẳng định dứt khoát nó không phải của VN, Bộ còn đang... chờ báo cáo; ông đầu đảng Tuyên Quang thì bảo nó là mảnh vỡ của khinh khí cầu; ông khí tượng lại bảo nó không liên quan gì đến ngành khí tượng của tôi; thậm chí còn có một bạn trẻ trên FB tên là Phạm Nam Phong còn tỏ ra rất am hiểu, khẳng định dứt khoát đó là một phần của tên lửa S-75 do Nga Xô chế tạo, "mắng" tôi không biết thì đừng bàn ra tán vào gì. Cứ thông tin rối như tổ cú thế này, đám dân đen chúng tôi chóng mặt quá.


-Trước hết, vị đại diện Bộ Quốc phòng bảo không phải của VN, vậy nếu là tên lửa gì đó như bạn Phong kia nói, vậy ai phóng mà rơi ra cục tròn ấy? Không khẩn trương xác minh ngay lập tức, xem nó có liên quan gì đến an ninh quốc gia hay không, lại còn ngồi đó mà chờ báo cáo, đến khổ.


-Tôi không tin nó là mảnh vỡ của khinh khí cầu bởi đó không phải là mảnh mà là một bộ phận rõ ràng. Vậy khinh khí cầu có cái cục tròn này không? Nếu là của khinh khí cầu, nó bay từ đâu vào? Cần biết rằng ở xứ ta mọi phương tiện bay đều phải thông qua Bộ Quốc phòng, được quản lý rất chặt chẽ (bằng chứng là một anh nông dân ở Tây Ninh chế ra máy bay nhưng đếch được bay thử nghiệm, bởi Bộ Quốc phòng không cho phép), mà dân ta thì chưa đến mức chơi khinh khí cầu. Ông đảng trưởng Tuyên Quang khẳng định nó là của khinh khí cầu, vậy hãy cho biết khinh khí cầu ấy của ai?

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Nhớ "những người muôn năm cũ" ở báo Thanh Niên

    Hôm nay 3.1.2016, Báo Thanh Niên tròn tuổi 30.
    30 năm tuổi, với một tờ báo cũng chưa phải là nhiều, nhưng với một đời làm báo thì là khoảng thời gian đáng kể, thậm chí gói ghém trong đó cả cuộc đời người này người khác. 30 năm biết mấy vui buồn, kỷ niệm, gắn bó với nhau.
    Tôi bỏ nghề dạy học thâm niên gần 20 năm và đầu quân về Báo Thanh Niên năm 1996. Về báo như một sự tình cờ và từ cái khởi điểm ấy thấm thoắt đã 20 năm gắn bó với thương hiệu nức tiếng này. Và điều để lại trong tôi nhiều lắm, nhất là những gương mặt, những con người, đầy chất Thanh Niên.
    Trong những ngày này, báo tràn ngập niềm vui, tôi vẫn bâng khuâng nhớ những bạn bè, anh chị đã cùng mình đi trên con đường sôi động ấy. Người còn sống, người đã khuất. Có những người rời báo, rời ta làm cuộc đi xa mãi mãi nhưng dường như còn quanh quất đâu đây. Tôi “ăn cơm mới, nói chuyện cũ” nhắc đến một số trong những con người đó, chả phải là ôn nghèo kể khổ gì, đơn giản chỉ bởi là kỷ niệm khó quên.
    Như đã nói, tôi lính mới tò te về báo khi tờ báo đã hơn 10 tuổi. Thập niên đầu vất vả gian nan thế nào, tôi không được chứng kiến, chỉ nghe kể lại. Nghĩ mình thật may. Nhà 248 Cống Quỳnh bấy giờ xập xệ cũ kỹ lắm, chỉ nửa căn biệt thự chật chội. Cả tòa soạn chỉ hơn 3 chục người. Vài người khá giả có xe máy, còn lại diện xe đạp tuốt. Vài vị ăn ngủ ngay tòa soạn, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, cơm bụi vỉa hè Cống Quỳnh, đánh vật với sự nghiệp chữ nghĩa, thông tin. Ban đầu, tôi hơi thất vọng, tưởng làm báo oai như thế nào, nhưng “ra đi là sự đã liều, mưa mai chẳng quản nắng chiều cũng cam”, thầm nhủ ráng thêm chút nữa xem sao.

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Hết độc quyền

Nhiều người không để ý, 2 năm nay không ai quan tâm đến việc xuất bản lịch (lịch tờ và lịch bloc), giá cả rẻ, hàng hóa đa dạng, thuận mua vừa bán. Đơn giản là đã theo đúng quy luật kinh tế thị trường, cứ anh nào làm ra hàng tốt, rẻ, đẹp thì có khách. 

2 năm nay không còn chuyện nhà nước thò tay can thiệp, độc quyền, hiệp hội xuất bản này nọ gồm các nhà xuất bản móc ngoặc nhau, chia bôi thị phần, định đoạt giá cả, giành nhau miếng ăn quá đám cường hào ngày xưa. 

Công đầu cho sự tử tế ấy chính là NXB ĐH Tổng hợp TP.HCM (sau là NXB ĐH quốc gia), dám xé rào, cưỡng lại quy định phát xít, cứ làm theo cơ chế thị trường.

Điều đó cũng chứng minh, nhà nước này cứ can thiệp vào chỗ nào là chỗ ấy khốn nạn, lên bờ xuống ruộng, nhân dân chả được lợi gì. 
Nhà báo Hoàng Tư Giang nhắn với tôi rằng "Nhà nước rút đến đâu, cái tốt tràn đến đấy, anh ạ".

1.1.2016
Nguyễn Thông


Rau ngót

Nấu nồi canh rau ngót
Đón năm mới sắp về
Ngại ngần thương tờ lịch
Cuối một mùa u mê.


Chiều cuối năm 2015
Nguyễn Thông
(Ghi chú: Sài Gòn sát tết dương lịch vẫn nóng 34 độ, nấu bát canh rau ngót ăn cho mát, cảm nhận thời gian ngót đi nhanh quá. Mai đã năm mới rồi)