Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Chuyện guốc dép (2)

Bữa trước, tôi kể đến đoạn sắm mãi cũng chả được đôi dép cao su đúc Tàu bởi đó là hàng chuẩn, phải những tay anh chị, máu mặt, sẵn tiền lắm thì mới dám diện. Phải công nhận thời  ấy đồ viện trợ của Trung Quốc tốt thật. Quần áo ka ki Tô Châu, mũ cối, dép đúc, cái bát cái ca tráng men để ăn cơm - đựng nước, xe đạp Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu, phích nước Trường Giang, đồng hồ con gà mái mổ thóc, đèn pin Thượng Hải… thứ nào cũng bền, dùng năm này qua năm khác mà cứ như mới. Ông Trác anh họ tôi hồi làm cán hộ hợp tác xã mua bán huyện Kiến Thụy được phân phối chiếc xe Vĩnh Cửu màu cánh chả (màu cánh chim chả), gớm, đi mãi không hỏng, cái vành sắt mạ của nó cả mười mấy năm cứ sáng bóng như vành inox bây giờ. Xe đạp mà đâm nhau đụng nhau, thường là mấy anh Sputnik Liên Xô, Thống Nhất Việt Nam, Favorit Tiệp, Mifa Đức, thậm chí cả Peugeot Pháp bị cong vành chết trước chứ bọn Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu cứ lì đòn chả sao, may ra có anh Con trâu đen sì của Liên Xô là chọi lại được.

Đang nói chuyện dép lại quành chuyện xe. Những năm 60 - đầu 80, dép nhựa Tiền Phong là thống soái trong hàng ngũ nâng niu bàn chân Việt. Cả miền Bắc có mỗn nhà máy nhựa Tiền Phong ở Hải Phòng, nằm trong hẻm trên đường Lạch Tray, gần khu Quán Bà Mau. Ban đầu nó chỉ sản xuất dép. Dép Tiền Phong nhựa trắng đương nhiên là loại 1, không cần xếp hạng. Nó cũng có dép nhựa màu nhưng không nổi tiếng bằng dép trắng. Do nhà máy đặt ở Hải Phòng nên tỷ lệ dân Phòng diện Tiền Phong trắng cao nhất nước, thủ đô cũng thua. Vẫn biết mọi sản xuất công nghiệp ở miền Bắc thời ấy là kinh tế kế hoạch có chỉ huy, sản phẩm bị nhà nước bao tất để sau đó giao cho thương nghiệp XHCN phân phối, tỉnh nào chả như nhau, nhưng ai cấm được dân phe đất cảng móc vào tận nhà máy tuồn dép ra. Chợ giời Hải Phòng, chợ Sắt cứ gọi là trên giời dưới dép Tiền Phong. Tôi mà làm chủ tịch Hải Phòng, tôi sẽ cho đúc tượng cái dép nhựa thương hiệu này bày ngay cổng phủ, đứa nào đến làm việc chỉ có phục lăn.

Cái giá của tự do

Sáu triệu người Do Thái xếp hàng trật tự không chen lấn xô đẩy nối đuôi nhau đi vào phòng hơi ngạt của quân Đức Quốc Xã để bị hóa kiếp bằng những làn hơi độc nghiệt ngã. Câu hỏi cho đến tận bây giờ là tại sao họ không chống trả???? Và đến cuối cùng khi những người Do Thái nhận ra rằng họ nên chống trả thì tất cả mọi chuyện đã kết thúc.
Đọc cái bài tinh thần dân tộc được biểu hiện qua sự yên lặng trật tự ở sân bay, tự nhiên cậu tưởng tượng đến một cảnh trong phim sự im lặng của bầy cừu. Những con cừu trật tự đi vào lò mổ từng con từng con một để rồi thét lên những tiếng thét xé lòng ám ảnh cả đời cô Clarice. Những nạn nhân của tên biến thái cũng từ từ bị siết thòng lọng để rồi chết trong sự hoảng loạn buông xuôi.
Cậu không thể hiểu nổi từ khi nào sự yên lặng và trật tự của một đám đông trước một sự cố kỹ thuật lại có thể đánh đồng với lòng yêu nước và khơi gợi lên cả một niềm hy vọng lớn lao và một lòng tự hào rần rần hào khí về tương lai của dân tộc.
Cậu còn nhớ cách đây không lâu, những người xuống đường phi chính trị nhằm mục đích bảo vệ môi trường đã bị đám đông ném gạch đá như thời Trung Cổ và tự hỏi có ai trong cái đám đông yêu hòa bình ổn định bằng gạch đá đó có mặt tại sân bay để tự trải nghiệm sự hoảng loạn của riêng mình.
Con người ta chỉ cam chịu buông xuôi khi nhận ra mình bất lực. Không ai có thể gào thét giãy nãy gây hấn tại một sân bay vì trễ giờ khi cái lỗi kỹ thuật làm tê liệt cả cái hệ thống. Không ai có thể bắt phone lên gọi ông này bà nọ nhờ can thiệp. Không ai có thể chen lấn đẩy người nhào lên phía trước vì biết có lên trước cũng chả đi được nhanh. Không ai cố hỏi những câu hỏi đến những người đáng ra phải trả lời nhưng lại không biết câu trả lời. Và dĩ nhiên là với bản tính hồn nhiên vô lo vốn có của dân Việt, người ta cũng chỉ bình thản móc phone ra selfie thảy hình lên fb.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Sửa xe ngẫm nghĩ

Đi sửa cái xe (máy), ngẫm thấy xã hội bây giờ cũng hệt cái xe cũ của mình. 

Định chỉ chà lại cái vành (niềng) cho nhẵn, lắp lốp vào kín khỏi ra hơi, ai dè khi tháo bánh sau mới tóe ra bố thắng đã mòn trơ, rồi thợ lại phát hiện 1 cây phuộc trước bị xì nhớt (nó bảo anh sửa hay không, tùy, em chỉ nói nếu sửa thì còn đỡ tiền, để lâu phải thay ti phuộc sẽ tốn gấp 3, vậy là OK sửa), bố thắng đĩa cũng phát lộ mòn tịt, cái bình ắc quy cũ quá đùn đầy muối lên, đề ậm à ậm ạch. Không thay là không xong.

Mình cười bảo thằng sửa xe, mày xem còn phải thực hiện công cuộc đổi mới chỗ nào nữa không, nếu tiếp tục chỉnh đốn mấy thứ nữa thì tao vứt mẹ nó đi, tao đi làm cách mạng, xây dựng chế độ mới, chứ kiểu này vừa chắp vá, vừa tốn kém, mất an toàn quá.


Cứ loanh quanh luẩn quẩn, xe chẳng ra xe, cũ không ra cũ, mới chẳng ra mới, bỏ thì thương vương thì tội. Chỉ tổ tố tiền mà xộc xà xộc xệch. Thế thì bỏ đi, làm lại từ đầu, mua cái mới, bác ạ. Thằng sửa xe bảo vậy.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Học kẻ khác

Xứ ta đang có phong trào bài Trung Quốc, lúc ngấm ngầm, khi lộ liễu nên nếu ai lỡ nói ra cái gì hay, thậm chí chỉ hơi hay hay của Tàu là cũng có thể bị ném đá tơi bời. Tôi phân định rành mạch, Tàu ngày xưa nó có nhiều thứ đáng để cho ta học, mà ngay cả việc quyết liệt chống tham nhũng, đả hổ không vùng cấm của Tập Cận Bình (Tàu nay) cũng cần được nhà cai trị xứ này lưu ý.

Tôi nhắc chuyện dưới đây bởi thấy mấy ông trùm trong bộ máy cai trị xứ ta cứ lúng ta lúng túng khi xử lý bọn cán bộ hư hỏng, không dám mạnh tay bởi sợ rút dây động rừng, xấu chàng hổ ai.
Trùng Nhĩ là công tử nước Tấn, bị nhà vua truy lùng tìm giết nên phải đi trốn, lang thang hết nước này nước kia 19 năm trời. Đi cùng Nhĩ (gọi là tòng vong) gắn bó, chia sẻ, ăn bờ ngủ bụi, nếm mật nằm gai là bọn Hồ Yển, Triệu Thôi, Giới Tử Thôi, Ngụy Thù, Điền Hiệt... Đó là những công thần dạng "bất khả xâm phạm" còn hơn cả ủy viên bộ chính trị hoặc đại biểu quốc hội bây giờ.

Sau này, Ngụy Thù và Điền Hiệt cậy mình công to, cố tình vi phạm pháp luật, lệnh vua, phép nước (giết Hi Phụ Cơ) nên Tấn Văn công Trùng Nhĩ dù biết là khó xử nhưng quyết không tha. Khi nhiều quan chứ can ngăn, tâu rằng hai người ấy ngày xưa đi tòng vong khó nhọc vất vả chịu đói khát hiểm nguy để bảo vệ chúa công 19 năm trời, lại lập nhiều công trạng lớn, xin chúa công thương tình mà dung thứ cho, cùng lắm là chỉ cảnh cáo trong đảng, nhà vua liền bảo:

Ta sở dĩ thủ tín với dân chúng được là nhờ có pháp luật, giữ pháp luật nghiêm minh. Bề tôi dù có công hãn mã như Thù như Hiệt nhưng không theo pháp luật thì sao gọi là bề tôi. Vua không thi hành nghiêm chỉnh pháp luật với bề tôi được thì sao gọi là vua, làm sao thi hành được với dân. Một triều đình, vua chẳng ra vua, bề tôi chẳng ra bề tôi thì làm sao giữ được nước, tiến lên được CNXH. Các cán bộ chức quan đại phu có công với ta nhiều lắm, ai cũng được quyền làm trái pháp luật, ai cũng được tha thì ta còn thi hành pháp luật được với ai, chả nhẽ chỉ với bọn dân đen.

Nói rồi, Nhĩ sai bắt ngay bọn Ngụy Thù, Điền Hiệt, cách tuột Thù làm thứ dân, chém đầu Hiệt, khiến ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Họ bảo nhau, Thù và Hiệt mà còn bị chém, bị trung ương xử lý nghiêm khắc thế, đó mới thật là phép nước, công minh, công bằng, chống tham nhũng thế mới là chống triệt để, vậy bọn ta phải đàng hoàng mới được.

Nước Tấn ngày xưa mạnh được là nhờ có ông vua trọng phép nước, nói thế nào làm thế ấy, chứ không như xứ ta bây giờ, chỉ leo lẻo cái mồm rồi ủ cứt trâu hóa bùn.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Chuyện bão

Đang có cơn bão số 1, nó nhăm nhe xông vào vùng duyên hải từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Hải Phòng chính giữa. Tôi gọi điện về cho ông em rể, hỏi thăm tình hình thế nào. Y giả nhời yên tâm, cũng chưa to lắm, nhà cửa chằng buộc kỹ lưỡng rồi. Không yên tâm thì cũng đành chịu chứ xa xôi thế này, cách chi mà cùng cả nhà lo chống bão.

Xứ ta, hầu như năm nào cũng trên dưới chục trận bão lớn nhỏ. Về đặc sản bão, An Nam mình có nhẽ chỉ kém Philippines và Nhật Bản. Được vinh dự ở vị thế đất địa chiến lược, một thời từng là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, tuyến đầu chống đế quốc…, nên ông trời bắt ta phải trả giá, bù lại phần gánh vác thiên tai cho nơi khác.

Cứ vào khoáng từ tháng 7 tây trở về sau đến cuối năm là ai nấy chuẩn bị tinh thần chống bão. Nhiều năm bão dồn dập, vừa dứt cơn này là nối trận khác. Có những cơn bão gây kinh hoàng, bão Chanchu ở miền Trung năm 2006 chẳng hạn, hơn 200 người chết, mất tích, vùi thân đáy biển. Sợ bão, nếu người trên bờ sợ một thì ngư dân sợ mười. Nhưng không ra biển, ngại bão thì lấy gì bỏ vào mồm.

Miền Bắc và miền Trung thường chịu nhiều bão nhất. Chịu riết rồi quen, thậm chí xem như cơn gió thoảng. Cũng như dân miền Tây Nam Bộ chịu lũ, năm nao không có lũ thì nhớ, kêu toáng lên. Nhưng phải nói đất Nam Bộ được trời ban phước, chả bão biếc gì. Nhà cửa nhiều nơi tuềnh toàng, chỉ cơn gió vừa vừa cũng hất phăng, ấy vậy mà cứ trụ hết năm này qua năm khác. Bà con bảo, làm đủ ăn thôi, làm ra để ăn chứ không phải để đắp vào cái nhà. Chả bù cho xứ Bắc, nhà chưa xong thì chưa yên tâm. Dạo xưa, ông anh họ tôi đổ được cái nhà mái bằng, khoái quá trèo lên thách bão, từ nay tao đố mày làm gì được tao đấy.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Một cách học sử

Mình nghĩ học sinh chán môn sử, đó là điều sai lầm. Thày giáo không biết cách dạy sử, cũng là điều sai lầm. Phải đổi mới cách học sử.

Mình vừa đọc phần đầu "Đại Việt sử ký toàn thư" của nhóm tác giả Lê Văn Hưu - Phan Phu Tiên - Ngô Sĩ Liên, sau đó đọc phần "Truyện họ Hồng Bàng" trong "Việt Nam sử lược" của cụ Trần Trọng Kim, về cuộc hôn nhân số 1 của hai cụ Lạc Long Quân - Âu Cơ. Ngoài chuyện hai cụ là anh em con chú con bác ruột lấy nhau (sau này nhà Trần bắt chước) hôn nhân cận huyết khiến giống nòi suy nhược dần, có mấy điều làm mình ngộ ra:


- Không sống được với nhau là chia tay chứ không phải hòa giải, kiện cáo lôi thôi. Nói chung hai cụ rất dứt khoát.


-Phân chia tài sản sòng phẳng, công bằng, không ai đòi phần hơn. Có 100 con, cứ mỗi người 50 em, không theo kiểu tỷ lệ quá bán hoặc 49 - 51%. 


-Chia đất đai bất động sản phù hợp với khả năng của vợ hoặc chồng, chọn nơi công tác đúng sở trường. Chồng rồng xuống biển, vợ tiên lên núi, phát huy được tiềm năng thế mạnh.


-Không cần tòa án, không cần quốc hội, chả thiết họp hành bàn bạc mất thì giờ, nói xong một câu "ta là giống rồng, nàng là giống tiên vốn chẳng hợp nhau, chi bằng ta xuống biển, nàng lên núi" là vui vẻ chia tay, mà cũng chỉ cần 1 người nói, vợ OK ngay. Phải nói là rất giản dị, thiết thực, hiệu quả.


Nói chung, con cháu hậu sinh phải học các cụ nhiều.


Nguyễn Thông

Chuyện nghĩa trang

Hôm nay là ngày 27 tháng 7 tây, theo lịch lễ tế mới ở xứ ta, là ngày thương binh liệt sĩ. Có lẽ trong vô vàn lễ mới được chế độ đương thời xác lập, đây là ngày lễ được nhiều lòng dân nhất bởi có nhiều lý do:

1.Vấn đề tâm linh. Ở một nước mà lòng tin niềm tin của con người vào những điều tâm linh còn sâu nặng thì lễ như thế này dễ được số đông ủng hộ. 2.Đạo lý. Người xứ ta trọng cái tình cái nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, biết ơn người đã ngã xuống cho đất nước là việc không bao giờ thừa. 3.Ảnh hưởng của lịch sử. Một đất nước suốt hơn nửa thế kỷ đánh nhau liên miên, thù trong giặc ngoài, hàng mấy triệu người lính bỏ mạng trên chiến trường, cũng không ít hơn số đó bị thương tật, tàn phế, ngoài ra vô vàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lái xe, chèo đò… ngã xuống, vậy thì có một ngày như vậy là cần thiết.

Cứ đến ngày 27.7, dân chúng và nhà cai trị đều đến nghĩa trang để thắp hương viếng, tưởng niệm liệt sĩ, những người đã chết cho cách mạng. Vòng hoa, hương khói, đồ cúng tạo một không khí tâm linh dày đặc trên khắp nước. Hầu như ai cũng thầm cầu mong liệt sĩ phù hộ, độ trì cho người còn sống, người được sống, người đang sống được yên vui, hạnh phúc hơn. Trong tâm thức bao người, liệt sĩ chính là những vị phúc thần bảo hộ cho họ, cho cộng đồng.

Ở nước ta, gần như xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài nghĩa trang chung cho mọi người bình thường qua đời, thì nghĩa trang liệt sĩ chỉ dành riêng cho những người đã hy sinh, được chọn đặt ở những nơi cao ráo, rộng rãi, cuộc đất đẹp nhất. Nghĩa trang được xây cất cẩn thận, có tường rào bao quanh, có đài liệt sĩ làm trung tâm sừng sững uy nghi, xung quanh là mộ liệt sĩ châu về, quần tụ. Xã nào, phường nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Có những xã, số liệt sĩ lên đến hàng trăm người, mộ hàng ngang hàng dọc ken dày, nghĩa trang như một thế giới mênh mang của linh hồn. Rồi quận huyện nào cũng có, nghĩa trang đương nhiên còn lớn hơn. Cấp tỉnh, thành phố lại lớn hơn nữa, hoành tráng bề thế hơn. Và cuối cùng là cấp quốc gia. Một nước đánh nhau nhiều như thế, chết nhiều thế không thể không có nghĩa trang quốc gia. Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 (cùng ở tỉnh Quảng Trị), nghĩa trang Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) là những nghĩa trang quốc gia. Ở Hà Nội chỗ gần nhà quốc hội, góc quảng trường Ba Đình còn có một đài tưởng niệm quốc gia các anh hùng liệt sĩ, tuy nhỏ nhưng hầu như vị lãnh đạo nào lên cầm quyền cũng phải ra đó khấn để các liệt sĩ phù hộ cho đường công danh thuận buồm xuôi gió. Những nghĩa trang lừng danh khác như Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nghĩa trang Điện Biên, nghĩa trang liệt sĩ Tám cô ở Quảng Bình...

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Văn hóa quan chức cán bộ

Trong xã hội ta lâu nay, những người được dân lựa chọn hoặc được cấp trên tuyển dụng, cất nhắc vào bộ máy lãnh đạo đều được gọi bằng cái tên chung là cán bộ. Từ trung ương xuống đến địa phương đều là cán bộ. Có cán bộ lãnh đạo cao cấp, có cán bộ cấp phường xã. Về đội ngũ này, dân chúng và dư luận thường gói gọn trong hai chữ “quan chức”.

Ngày xưa, nhất là dưới thời phong kiến, việc lựa chọn “cán bộ” cho triều đình, cho bộ máy nhà nước quân chủ rất khắt khe. Tạm gác bên lề chuyện cha truyền con nối mà triều đại nào cũng thực hiện, thì việc chọn người ngoài đều thông qua sự tuyển dụng, xem xét đầy đủ về các mặt: tài năng, trình độ học thức, đạo đức nhân cách, tức là đủ cả nhân nghĩa lễ trí tín. “Cán bộ” ấy, xét theo tinh thần Nho giáo, mang phẩm chất của người quân tử. Đã là quân tử thì luôn phải gương mẫu, trau dồi, sáng như gương, nhất cử nhất động, từng lời nói, từng hành vi đều phải ý tứ bởi còn “quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Đó là nhân cách của người quân tử.

Thực tế cho thấy, những triều đại nào có nhiều “cán bộ - quân tử” dù lớn dù nhỏ giúp rập, phò tá thì đời thái bình thịnh trị, thế nước vững vàng; còn thời nào bộ máy lãnh đạo bị chi phối điều hành bởi đám quan chức “cán bộ - tiểu nhân” nhũng nhiễu, hư hỏng, thoái hóa thì xã hội loạn lạc, dân chúng khổ sở, vận nước mong manh.

Chuyện guốc dép (1)


Đến nhà bà chị chơi, đang ngồi thần ra chả biết làm gì, chợt nghe đứa cháu họ mắng con nó sao không đi dép vào. Quái lạ, nhà thành phố, nền gạch men sáng bong thế kia, ngày nào cũng lau, lại phải đi dép. Sực nhớ mình hồi nhỏ, tinh đi chân đất.

Nông thôn miền Bắc những năm 1960. Trước đó nữa thì hơi xa bởi lúc ấy tôi còn bé, mới mấy tuổi nên không nhớ lắm. Vùng huyện Kiến Thụy ngoại thành Hải Phòng giống như bao miền thôn dã ngoài ấy. Nghèo. Thiếu thốn. Nhà mái rơm rạ tường đất nền đất, họa hoằn mới có nhà tường gạch hoặc xây bằng đá núi Chè. Nhưng dù tường gạch tường đá cũng vẫn nền đất. Làm gì có gạch men như bây giờ. Đi lâu, cái bàn chân cứ miết mãi trên nền, nó trở nên đen bóng, mịn màng như da lưng con trâu. Áp chân xuống đất cứ mát rười rượi.

Hồi nãy nói nghèo, nên chủ yếu đi chân không. Cũng có guốc dép đấy nhưng đi học mới xỏ vào, vừa về đến nhà là văng vào xó ngay, lại chân trần. Đúng là chân trần chí thép, như một nhà báo Mỹ viết. Cũng phải thôi, ngoài buổi học, phần lớn thời gian còn lại là làm đồng, đi đánh dậm, vớt bèo cho lợn, cắt rạ, đi câu, guốc dép làm gì cho vướng víu. Chả nhẽ lội bùn thì bỏ dép trên bờ. Anh Lượng con bác Đúng còn tuyên bố tao đéo cần đi dép, đi làm đéo gì cho nó mòn ra. Hóa ra anh rể của bác ấy là thầy Phất giáo học trường cấp 2 cho cậu em vợ đôi dép nhựa Tiền Phong, đồng chí Lượng nhà ta nâng niu trân quý quá, chỉ khi nào dịp đặc biệt lắm mới xỏ vào. Nhiều đứa thấy vậy bảo Lượng hà tiện nên Lượng phải ra tuyên bố. Mà cũng phải, đôi dép nhựa Tiền Phong quai hậu nhựa màu cũng đã hơn 3 đồng bạc, còn nhựa trắng thì ít nhất 5 đồng, mua ngoài chợ giời bị con phe chém cả chục bạc, nó mà mòn hoặc đứt quai thì tiếc đứt ruột.

Lứa trẻ con nông thôn thập niên 60 như tôi hầu như chỉ đi dép cao su, gần như không đứa nào có giày, dù giày vải. Giày là thứ xa xỉ. Nhìn bọn thành phố về sơ tán có những đứa đi giày, thèm lắm, nhất là vào mùa đông. Có lúc ao ước bao giờ lớn lên đi làm, lĩnh tiền, việc đầu tiên là mua đôi giày bata mấy lị cái xanh tuya (thắt lưng) nhựa mềm. Thì cứ ao ước vậy thôi.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Lý sự cùn

MẠC VĂN TRANG (TS giáo dục-tâm lý học)

Hôm nay một bạn trẻ kể, khi CA bắt người biểu tình, mấy người này cự lại: Chúng tôi yêu nước đấu tranh đòi bọn bành trướng Trung Quốc cút khỏi biển Đông; các anh đàn áp, chính các anh là tay sai cho Tàu. Đồ hèn với giặc, ác với dân! Một anh CA trả lời: Ừ thì tao hèn đấy, mày giỏi ra Trường Sa mà đánh nhau xem nào, võ mồm ở đây thằng đéo nào chả làm được… Lại nhớ, khi nhà báo hỏi: Vì sao Quốc hội chưa ra Nghị quyết về biển Đông, Phó chủ tịch QH-thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn cũng giải thích lòng vòng rồi bảo: “Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không?". Đây là thứ lý sự cùn, tất cả các DLV đều dùng cái lý sự cùn này để trấn áp người khác.

Lại nhớ, năm 1284 thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão tại điện Diên Hồng để hỏi về chủ trương HÒA hay CHIẾN, khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. “Các phụ lão điều nói "ĐÁNH", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”. Nhà vua và các cụ chỉ ra “nghị quyết” rồi hô hào tướng sĩ và toàn dân kháng chiến, chứ vua và các cụ có đánh nhau đâu. Nói dại, ông Huỳnh Ngọc Sơn mà là vua Trần, nghe các cụ hô “đánh”, ông sẽ bảo: Cụ nào giỏi ra sông Bạch Đằng mà đánh nhau với nó!

Lại xin hỏi mấy anh lý sự cùn, Năm 1946, Cụ Hồ kêu gọi “Toàn dân thi đua giết giặc”, nhưng suốt 9 năm kháng chiến, Cụ có trực tiếp giết tên giặc nào không? Có ai bảo “Cụ có giỏi ra giết giặc đi”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt những năm chống Mỹ có vào miền Nam không? Khi quân ta Tổng tấn công, Đại tướng ngồi trong hầm ở Hoàng thành Thăng Long ra lệnh “Thần tốc, Thần tốc hơn nữa! Táo bạo, Táo bạo hơn nữa!”, sao không ai bảo: “Ông vào đó mà thần tốc với táo bạo”?

Lại hỏi ông Sơn và mấy nhà lý sự cùn: Thế Tổng thống Philippines và Quốc hội của họ quyết định kiện Trung Quốc, thì họ đã ra ngoài biển đánh nhau với Tàu khựa chưa? Đấy, họ chỉ dùng tinh thần mà thắng đẹp, thắng lớn, làm nức lòng dân tộc họ và cống hiến cho nhân loại một bài học quý giá.

Lời cha ông ta vẫn văng vẳng trên đầu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; “Đem đại nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo”… Vậy mà mấy cái đầu củ chuối, lý sự cùn cứ đem chuyện hù dọa, với mấy đồng tiền và dùi cui, đấm đá ra để “an dân” (!?).

Các anh bêu riếu trí tuệ của dân tộc này đến thế là cùng rồi!

Thôi, đủ rồi! Quá đủ rồi nhé!

18/7/2016
M.V.T

Theo Facebook Mạc Văn Trang, https://www.facebook.com/macvan.trang/posts/616006865234597

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Đến chịu thua những lý sự cùn

Giá như vào lúc khác, vụ việc mà tôi nhắc dưới đây chắc sẽ gây sự chú ý, thu hút đặc biệt bởi nó rất nghiêm trọng. Nó vừa được cơ quan chức năng và nhân dân phát hiện, báo chí phản ánh, nhưng có lẽ cả xã hội đang chú mục quan tâm đến những chuyện còn nghiêm trọng, còn nóng hơn, như chuyện xả thải của Formosa, chuyện đại biểu quốc hội gian lận, nên nó hơi bị chìm.

Chuyện rằng lực lượng điều tra liên ngành (công an, kiểm lâm) vừa khám phá vụ phá rừng, tàng trữ gỗ quý pơ mu với số lượng lớn ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Có thể nói ngay, số gỗ cực nhiều này là gỗ bất hợp pháp bởi không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc. Theo những thông tin ban đầu trên báo điện tử Một Thế Giới, “qua kiểm tra có đến 30 cây pơ mu đường kính từ 1 đến 2m bị triệt hạ và cưa ra thành phẩm với 280 phách, khối lượng 28m3. Số gỗ này thuộc khoảnh 10 và tập kết về khoảnh 5 tiểu khu 351 gần cột mốc biên giới 717, giáp ranh giữa huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào)”. Còn báo Đất Việt cho biết thêm, chiều 19.7 (khi tôi đang viết bài này), công an lại thông báo “phát hiện thêm 66 phách gỗ pơ mu có khối lượng hơn 2,7m3”. Cứ đà thêm như vậy, chưa thể hình dung khối lượng gỗ pơ mu bị chặt hạ phi pháp sẽ khủng đến mức nào.

Có rất nhiều điều đáng nói xung quanh chuyện tòi ra gỗ quý đang còn nhiều gay cấn.

Trước hết, vụ việc được phát hiện chỉ sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh kiên quyết đóng cửa rừng không lâu. Chúng ta đều rõ, ngay sau khi nhậm chức, chỉ thị quan trọng đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là đóng cửa rừng tự nhiên (ngày 20.6.2016). Điều đó cho thấy chính phủ đã nhận thức tình hình phá rừng, hủy hoại rừng đang cực kỳ nghiêm trọng, cần chặn ngay, không thể chậm trễ. Chỉ thị của thủ tướng là một dạng pháp lệnh, phải được mọi người, không loại trừ bất cứ ai, triệt để chấp hành. Và gương mẫu, đi đầu phải là những cơ quan chức năng (kiểm lâm, hải quan, biên phòng, công an, nông nghiệp - phát triển nông thôn…) có liên quan đến rừng chứ không phải lực lượng... lâm tặc. Lâm tặc mà liều lĩnh bất tuân thượng lệnh, đã có pháp luật để trừng trị. Cuối cùng thì lâm tặc đâu chưa thấy, lại chỉ thấy dính dáng đến những lực lượng đang cầm thanh gươm pháp luật.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Các ông bà cho tôi hỏi

-Báo chí bữa ni nói thủ tướng không phê chuẩn ông Lê Khắc Nam, có báo lại bảo không có chuyện ấy. Vậy thủ tướng có phê chuẩn ông Lê Khắc Nam làm Phó chủ tịch Hải Phòng không? Ông Mai Tiến Dũng chánh VP Chính phủ vội khẳng định không có chuyện không phê chuẩn, mà còn... đang trong quy trình phê duyệt chứ không phải không phê chuẩn. Lạ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố ông Nam và một số ông khác ở HP sai phạm nghiêm trọng gây dư luận xấu, khiến dân mất niềm tin với đảng và nhà nước, thế mà còn lừ khừ chuyện phê chuẩn thì kể cũng lạ. Theo tôi, đã thế cứ để cho ông ấy làm, thậm chí vài nhiệm kỳ nữa kẻo dở dang "sự nghiệp gây mất niềm tin".

-Ông Cục trưởng Cục tần số Đoàn Quang Hoan bác bỏ chuyện Trung Quốc chèn sóng phát thanh, bảo dứt khoát không có. Ông ấy giải thích lòng vòng, khó lọt lỗ tai; thậm chí cho rằng đó chỉ là nhiễu sóng, chuyện thường thôi, cũng như ở sát biên giới người ta vẫn xem tivi của Lào hoặc Campuchia được ấy mà. Nói thế chó nó nghe, bởi 2 chuyện hoàn toàn khác nhau. Lại còn khuyên dân chúng đừng gắn đó vào vấn đề chính trị. Kiểu nói như ông Hoan, người ta có thể hiểu rằng Trung Quốc nó đàng hoàng, nó tốt lắm, chả làm chuyện bậy bạ thế đâu. Chắc phải đợi thần Kim Quy hiện lên bảo "giặc ngồi sau lưng nhà vua kìa", ông nhỉ.


-Tay tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, thú thực tôi chả có cảm tình tí nào, chả biết các bác ra sao. Ông ta dọa sẽ trả thù khủng khiếp không thương tiếc đối với những người đảo chính. Tôi dám cam đoan, ông này ba bảy hai mốt ngày nữa sẽ bị quân đội hoặc dân chúng ăn thịt. Kẻ ác và độc tài như thế (ở xứ người) không tồn tại lâu đâu.


Nguyễn Thông

Xuyên tạc

Tối 18.7, gần như đồng loạt báo chí nhà nước cùng lúc thông tin (nói theo kiểu của nhà nước là ra quân, mở chiến dịch) "đính chính" nội dung cuộc trao đổi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Trrung Quốc Lý Khắc Cường. Họ gặp nhau tại Mông Cổ, thảo nguyên bát ngát bao la tận chân trời, từ ngày 14.7 cơ, nhưng hôm nay 18.7 báo chí xứ mình “mới được phép” thông tin phản bác “những thông tin sai lệch” của báo chí truyền thông Trung cộng.

Nói như nguyên văn đoạn đầu của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN): “Ngày 18-7, TTXVN được quyền tuyên bố bác bỏ nội dung sai sự thật của báo chí Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14-7-2016 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ)”. Sau khi TTX “được quyền” thì báo chí, tivi, đài phát thanh mới được ăn theo TTX, luật xứ ta nó thế.

Phải nói là quá chậm, quá bị động, luôn bị đặt vào thế chống đỡ. Nếu có cuộc chiến tranh về dư luận, cứ kiểu như vậy thì thua cái chắc. Nhất là trước một kẻ thù đầy mưu mẹo, kinh nghiệm và xảo trá như Tàu.

Cũng một phần bởi cái thói dấm dúi xưa nay, thiếu sự đàng hoàng, công khai, minh bạch, coi thường dân chúng của nhà cầm quyền xứ này. Mình gặp nó, nói ra những điều đạo lý, nhân nghĩa, vì nước vì dân thì có chi phải giấu, phải ỡm ờ. Nó bắt được thóp giấu diếm của mình, nó đưa mình vào thế khó xử là đương nhiên. Cách tốt nhất bây giờ không phải là gân cổ cãi chung chung mà là trưng ra bản video clip cuộc gặp ấy (thế nào mà chẳng có) làm bằng chứng. Còn cứ một mực bảo nó xuyên tạc (do mình sai, mình cãi lấy được), đợi nó trưng ra bằng chứng thì lại bị nó cho vào tròng, rơi vào sự đã rồi, chỉ loay hoay chống đỡ cũng đủ mệt.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Một mình một chợ

BÁ TÂN (nhà báo)

Nếu không gặp trắc trở, bài viết Không thể một mình một chợ của nhà báo Hữu Nguyên đã trình diện trên mục thời luận của báo Đại Đoàn Kết.

Báo Đại Đoàn Kết không đăng, vì lý do tế nhị, không phải do chất lượng bài viết, vì thế bài của Hữu Nguyên có cơ hội gia nhập... báo lề trái.

Lề trái đầy sức sống. Nằm trong dòng chủ lưu và chiếm phần lớn của thế giới phẳng. Nếu lấy ta làm chuẩn, đại bộ phận thế giới thuộc về lề trái.

Sau phán quyết của PCA, dư luận thế giới cũng như báo chí trong nước rầm rộ đưa tin. Một số tờ báo khai thác nguồn thông tin đa chiều, dĩ nhiên theo đúng định hướng. Bài viết của Hữu Nguyên chỉ là hạt cát trong bãi sa mạc ấy.

Kết hợp chứng với luận, bài của Hữu Nguyên, viết cho mục thời luận, vạch ra thói hành xử theo kiểu một mình một chợ của Trung Quốc. Mặc kệ phán quyết của PCA, Trung Quốc quay lưng với luật pháp quốc tế, vẫn ngang nhiên hành xử theo kiểu một mình một chợ.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Chuyện đảo chính

Hôm qua ở nước Thổ (Thổ Nhĩ Kỳ) có đảo chính, nhưng đến tối nay 16.7, chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ quân đảo chính đã thất bại, bởi nhiều lý do, đã buông súng đầu hàng nhà cầm quyền. Theo báo chí trong nước và nước ngoài, gần 200 người thiệt mạng, viên đại tá cầm đầu bị bắt, tình hình đã tạm yên. Tổng thống Erdogan tuyên bố thiết quân luật. Nhiều sĩ quan và binh lính tham gia đảo chính đã chạy sang Hy Lạp (đương nhiên là sang Hy Lạp bởi hai nước này luôn gầm ghè nhau, nhất là xung đột về 2 cộng đồng dân cư Thổ, Hy ở quốc đảo Síp).
Nhiều tờ báo xứ ta đưa tin dân chúng Thổ đã anh dũng chặn đứng xe tăng quân đảo chính, trèo lên cả xe tăng bắt trói quân đảo chính. Dân như thế cũng khiếp, nhưng tôi đồ rằng có một phần do những binh lính tham gia đảo chính họ còn cái tình người, chứ rú ga lăn bánh xích dễ ẹt. Quân đảo chính mà có trái tim đá như lính tăng Trung cộng ở Thiên An Môn thì bắt được nó hàng cũng còn khướt.
Một chi tiết nữa là nhà cầm quyền Thổ sử dụng triệt để lực lượng cảnh sát vào cuộc trấn áp phe đảo chính. Cho nên dễ hiểu bây giờ nhà cai trị của nhiều nước trên thế giới tổ chức bộ máy cảnh sát (có nước gọi là công an, công an nhân dân) rất ghê gớm, chủ yếu để đàn áp dân, nhưng một phần cũng để làm đối trọng với quân đội, răn quân đội rằng đừng có linh tinh tưởng chỉ mình có súng.

Đúng quy trình nhưng vẫn hỏng bét nhè

Theo đúng chỉ đạo của Tổng bí thư và Bộ Chính trị, và cũng là nhiệm vụ thường xuyên thường kỳ, ngày 11.7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã công bố kết quả kiểm tra những vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, đến công tác cán bộ. Điều rõ ràng là không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao, người đứng đầu tỉnh thành, thủ trưởng cơ quan đơn vị nhà nước đã có cả quá trình vi phạm nhưng vẫn ngang nhiên được cơ cấu, bổ nhiệm vào bộ máy lãnh đạo, được thăng chức, được nhận những trọng trách cao hơn, quan trọng hơn so với lúc sai phạm.

Bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề cập đến một số trường hợp, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh – Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016; ông Dương Anh Điền – nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng. Lẽ dĩ nhiên những sai phạm của ông Thanh, ông Điền đều khi còn đương chức chứ không phải lúc “nguyên”, ông nào cũng có cả quá trình: quá trình sai phạm, quá trình lọt lưới, quá trình thăng quan tiến chức, và sau rốt mới là bị phát hiện và hạ cánh bay.

Cứ như những điều mà bản kết luận công bố thì ông Trịnh Xuân Thanh có bề dày, rất tiếc không phải thành tích mà là sai phạm. Ông là người đứng đầu cả về đảng và sự nghiệp một tổng công ty hàng đầu của kinh tế nhà nước, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), thành viên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo “tài tình” của ông Thanh, theo như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đơn vị này “thua lỗ triền miên, thiệt hại kinh tế cực kỳ nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và nhà nước”. Cụ thể, chỉ từ năm 2011-2013, PVC đã thua lỗ thiệt hại 3.298,27 tỉ đồng, nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Là người đứng đầu, chắc chắn ông Thanh phải chịu trách nhiệm chính, không thể thoát kỷ luật, thậm chí khởi tố, truy tố ra tòa. Nhưng đó là lý thuyết, bởi cuối cùng vị tổng này được đá hất lên, chuyển về Bộ Công Thương giữ trọng trách mới, nhận chức to hơn, quyền hành sâu rộng hơn. Và chưa dừng ở đó, “người lọt lưới” còn được điều chuyển (luân chuyển cán bộ), bổ nhiệm về tỉnh Hậu Giang, vào Ban Chấp hành đảng bộ, nhậm chức Phó chủ tịch UBND tỉnh, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 (và đã trúng với số phiếu cao, vụ việc vỡ lở mới bị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét lại tư cách). Cứ như chuyện hoang đường, nhưng có thật. Tất cả đều đúng quy trình.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Cả xã vỡ nợ vì cán bộ... đi hát suốt

HOÀNG LINH (nhà báo)

Mấy anh làm báo nông nghiệp khéo đến thế là cùng, lần ra câu chuyện kỳ cục thuộc loại chuyện lạ thế giới về trình độ và văn hóa quản trị ở chính quyền cấp xã.

Đồng Thái là xã nằm ở phía tây bắc huyện Ba Vì (TP.Hà Nội). Trong số 3.126 hộ dân thì có 411 hộ nghèo (13,1%) và 67 hộ cận nghèo (0,02%). Chức danh Chủ tịch UBND xã Đồng Thái được ông Phùng Trần Anh, nguyên Chủ tịch UBND xã bàn giao lại cho người kế nhiệm là ông Phùng Trần Ngọ kèm theo số nợ trên 38 tỉ đồng từ ngân hàng và vài trăm triệu tiền ăn nhậu và đi… hát sau khi ăn nhậu của cán bộ xã… Biên bản bàn giao ghi rõ đây là các khoản nợ từ năm 2014 trở về trước và 6 tháng đầu năm 2015 .

Một nhân viên ở xã chia sẻ rằng 38 tỉ đồng này chủ yếu là nợ xây dựng cơ bản, xây dựng nông thôn mới, ngoài ra còn 3,5 tỉ đồng là những khoản nợ mà hiện nay vẫn đang treo lơ lửng, khoanh trong sổ kế toán. Việc chi tiêu chẳng có kế hoạch, dự toán gì cả. Đáng chú ý là những khoản chi ăn uống, lễ hội, du lịch, đình đám… bị chủ nhà hàng đến làm rùm beng ở trụ sở để hỏi. Có 3 nhà hàng mà lãnh đạo xã hay đến tổ chức ăn uống là Tư Lùn, Phượng Ớt và Nga Nguyên. Không chỉ ủy ban nợ mà các ban ngành, đoàn thể cũng nợ. Dù ai nợ thì cũng nhìn vào túi ngân sách xã mà thôi.

Có vị cán bộ còn nói cho dù 3 tháng không nhận lương nhưng anh em vẫn đi hát suốt. Sau mỗi sự kiện hay ăn uống xong là anh em lại kéo nhau đi hát. Chủ yếu hát nợ, tên người nợ ăn nhậu là… ủy ban xã.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Nhan nhản sứ quân

Hơn tuần nay, dư luận chăm chú theo dõi, lắng nghe, bàn luận về vụ nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) có hành động bất nhân ngăn xe cứu thương. Báo chí viết đã nhiều, số bài đếm không xuể, phần lớn bày tỏ sự tức giận của công chúng. Nhiều vấn đề được đặt ra, đào xới lên xung quanh sự việc này, nào là y đức, thái độ trách nhiệm, tư cách người lãnh đạo, sự dối trá quanh co, lỗ hổng y tế, v.v.. Tôi không nhắc lại nữa, mà muốn bàn thêm vài khía cạnh khác.

Bệnh viện là nơi cứu người, chạy chữa bệnh tật, bảo đảm sức khỏe cho con người. Cơ sở vật chất (nhà cửa, máy móc, thuốc men), nhân lực (đội ngũ thày thuốc, nhân viên) đương nhiên phải có, ngoài ra không thể thiếu những lực lượng phụ trợ, trong đó có xe cứu thương, xe cấp cứu làm nhiệm vụ chuyên chở kịp thời. Trong cuộc sống xã hội, có 2 loại xe mặc nhiên được cộng đồng coi là ngoại hạng “ưu tiên 1”: xe cứu thương và xe cứu hỏa. Nó chỉ có thể dừng khi đã hết xăng chứ không ai, thế lực nào có quyền ngăn chặn nó, kể cả đèn đỏ.

Nói đến xe cứu thương, có lẽ đừng quên những câu chuyện đẹp. Đó là ở khá nhiều vùng quê tại khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có những nhà hảo tâm tự bỏ tiền riêng sắm xe ô tô, đăng ký với cơ quan chức năng để làm xe cứu thương, nuôi tài xế, chi tiền xăng dầu, chuyên giúp những bệnh nhân nghèo, gia đình nghèo khi người bệnh cần chuyển viện, nhất là lên những bệnh viện tuyến trên ở Sài Gòn. Họ làm điều tốt cứ như không, chả đòi hỏi người được phục vụ phải đền đáp thứ gì. Họ lấy cái sự yêu thương đùm bọc nhau, cứu người làm lẽ sống của mình. Những chiếc xe cứu thương ấy sao thật đẹp, thật dễ thương.

Đối lập với xe cứu thương dân sinh đó là không ít kiểu xe cứu thương do bệnh viện quản lý.

Có kiêng có lành

BÁ TÂN (nhà báo)          
          Cha ông ta luôn căn dặn con cháu: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.
          Niềm tin chế độ và sự thờ cúng thường là tỷ lệ nghịch với nhau.
          Thờ cúng thời này trở thành phổ cập hóa. Nhà nhà thờ cúng. Người người thờ cúng. Không chỉ cung kính đều đặn hương khói gia tiên, dòng tộc, người ta còn tìm đến thờ cúng khắp mọi nơi:  chùa, đền, khu tưởng niệm…
           Dân cầu an.
           Quan  cầu đủ thứ.
           Cứ nghiệm mà xem, cha ông ta nói đâu có sai. Có kiêng có lành.
           Không phải cuồng tín mê muội. Mà là có căn nguyên, rất khoa học.
           Quan hệ kiêng với lành thực chất là quan hệ nhân – quả. Kiêng là nguyên nhân, lành là kết quả. Kiêng những cái cần kiêng sẽ cho kết quả tốt, và ngược lại.
           Đạo lý làm người. Sinh hoạt ăn uống thường ngày. Cách kiếm tiền v.v và v.v. Tất cả diễn ra theo đúng quy luật: có kiêng có lành.
           Sau thảm họa Formosa, người dân đang làm theo lời căn dặn chí lý của cha ông. Dân chúng không ăn cá có xuất xứ từ các tỉnh miền Trung. Kiêng ăn cá là tự bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa trọng bệnh.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Thế lực thù địch nguy hiểm

Nhìn mấy người nông dân giữ đất trước tòa đại hình của chính quyền nhân dân trong vụ Ecopark Hưng Yên, tôi chỉ thấy thương họ, mặc dù nhà cai trị gán cho họ tội gây rối. 

Trong số 8 bị can, có hơn một nửa đã ngoài 70, cái tuổi mà người xưa bảo rằng 'cổ lai hy". Chả nhẽ họ nguy hiểm đến mức ngay tại tòa (phiên xử hôm 12.7) vẫn được ưu ái ăn còng số 8. Và không thấy người nhà, chỉ có công an tầng tầng lớp lớp. Phiên tòa này, cũng theo lệ xưa nay của họ là xử công khai nhưng không cho nhân dân vào chứng kiến để nắm được "tội ác" của các bị cáo.

Nếu đất, nhà của tôi bị cướp, có lẽ tôi cũng trong cảnh ưu việt ấy. Không thể nào khác được.

Nhờ có mấy phút họ cho nhà báo vào tòa chụp ảnh mà mới có được tấm ảnh chụp phiên tòa công khai này. Ảnh của báo VnExpress.

Nguyễn Thông

Nhạy cảm

Bây giờ, quá nhiều thứ, nhiều chỗ nhạy cảm, chứ không phải là độc quyền của đàn bà.

Nhạy cảm bởi dù biết rằng nó phải như thế nhưng ngại nói ra, không muốn nói ra, nói nửa chừng, ngại khác ý lãnh đạo, ý cấp trên, ý đám đông.


-Vụ Formosa, hình như bây giờ cứ đụng đến Formosa là bị chửi ngay. Thứ gì lấy từ khu nhà máy Formosa đều độc, kể cả bùn. Nếu đúng là chất thải từ sản xuất thép của Formosa thì việc nghiêm cấm, lên án tay giám đốc công ty có trang trại đem bùn về là đúng rồi, nhưng nếu quả thật đó là bùn, là đất mặt bằng thải bỏ không dùng đến (như ông ta phân trần) ông ta đem về thì chỉ nên chửi ông ta ở khía cạnh lợi dụng chức vụ quyền hạn để mưu lợi riêng, bởi không phải ai cũng dễ dàng xin được bùn như vậy. Nhưng bở vì Formosa và vấn đề môi trường đang nhạy cảm nên chưa cần biết bùn ấy độc hại hay không, ùa vào mắng ngay. 


-Vụ Tòa trọng tài PCA phán quyết, nhiều người thừa hiểu rằng có tòa giời chăng nữa thằng Tàu nó cũng chả sợ, chả chùn bước, thậm chí còn kích thích nó làm bậy thêm, nhưng lúc này là cứ phải ca ngợi tòa và mừng, chứ nói ra cái thực chất vô tác dụng với Tàu cộng cũng sẽ bị mắng ngay. Cũng nên hiểu rằng Philippines có lợi từ phán quyết chứ xứ An Nam chả lợi bao nhiêu, bởi công nhận cho Phi tức là ít nhiều mất chủ quyền biển đảo cho Việt, vả lại càng nhắc nhiều đến vụ kiện thì chỉ tổ thiên hạ khen Phi, nhân đó chửi lãnh đạo Việt hèn, thế cho nên chỉ nói, chỉ mừng nửa chừng, vừa phải thôi.


-Báo chí xứ này tường thuật khá nhiều phiên tòa của nhà nước, nói là xử công khai các bị cáo nhưng lại thường dấm dúi, cấm cản hạn chế này nọ. Ngay cả nhà báo, luật sư cũng không được vào, phải ngồi ở phòng tivi cách ly để theo dõi, còn dân chúng thì bị cấm tiệt. Thế mà không báo nào dám nêu ra sự trái khoáy đó, sợ đụng vào chỗ nhạy cảm. Tôi đề nghị, với phiên tòa nào ngại lộ bí mật an ninh quốc gia, hoặc cần đảm bảo cho cuộc sống bị cáo về sau này (chẳng hạn xử gái bán dâm, trẻ em có liên quan), cứ xử kín, có nhẽ không ai thắc mắc. Nhưng với những bị cáo khác phạm tội, dù là dân chúng hay cán bộ, phải xử công khai, thậm chí đem ra sân vận động, quảng trường dựng tòa, mở rộng cửa cho dân chúng vào theo dõi để biết được "tội" của bị cáo. Dân với nhà nước là một, sao nhà nước cứ độc quyền công lý. Nhà nước ngại dân theo dõi tòa tức là công lý có vấn đề, bị bẻ queo, mờ ám, sợ bị dân thấy. Theo tôi, chả có lý gì để cấm dân chúng vào dự cả nếu nhà cai trị đàng hoàng, minh bạch, trong sạch, làm đúng luật pháp. Còn không thì đừng gọi là tòa án nhân dân nữa.


Nguyễn Thông

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Còn đâu biển bạc

Ngày tôi còn bé, được người nhớn dạy rằng nước ta rừng vàng biển bạc. 

Nhớn lên một chút, nghe những bài hát về ngư dân ra khơi đánh cá, làm chủ biển khơi, "gió lên đi cho thuyền ta ra khơi, thênh thang trên biển rộng lòng ta như biển trời. Buồm thẳng ra khơi tung chài tay ta kéo lưới, vượt sóng trở về thuyền ta khoang cá đầy...", lòng trẻ thơ thêm yêu biển và ngư dân lắm.

Giờ đây, tất cả niềm kiêu hãnh ấy đã xa rồi. 

Nói gì thì nói, lúc này ở xứ ta chả ai khổ như ngư dân. Dồn biết bao nhiêu tiền của vào đóng cái tàu ra biển đánh cá, chỉ mong sống được nhờ biển khơi. Tài sản của họ là biển, cũng như của nông dân là ruộng đất, của công nhân là xưởng máy, của thày giáo là bục giảng, của người mua ve chai là đòn gánh quang sọt... Không còn biển thì hết sống.

Giong buồm ra bắc thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm, kéo buồm vào nam thì bị tàu quân sự Thái Lan bắn chết người, liều về đông nam thì Indo nó bắt tàu tịch thu đốt cháy, còn loanh quanh ven bờ cốt nhặt nhạnh được mấy con tép riu, cá vụn thì nước bị nhiễm độc cũng chết cả, cùng đường lên bờ thì không có đất làm ăn. 


Một đất nước có bờ biển dài hơn 3.000 cây số, cuối cùng chỉ còn trông vào mấy con cá tra nuôi hầm ở Nam Bộ. Bi kịch.


Nguyễn Thông

Vẫn ngồi xó bếp nhìn ra ngoài

Thời nay thế giới cũng na ná như thời Tam quốc bên Tàu ngày xưa. Thiên hạ đại loạn. Đám quân phiệt nổi lên xâu xé tranh giành. Thế chân vạc Mỹ - Trung Quốc - Nga đang nắm quyền quyết định, nhưng Nga cũng chẳng khác gì bọn Lưu Bị suy yếu dần, chỉ còn Tào Tháo Mỹ và Tôn Quyền Trung Quốc nhăm nhe chia đôi thiên hạ.

Trung Quốc ngày càng mạnh và táo tợn, cũng chả khác Đông Ngô xưa dựa vào địa lý hiểm trở để thủ thế và bành trướng. Mỹ chỉ còn ngại một mình nó. Đừng mong gì chuyện Mỹ đối đầu với Trung Quốc lúc này. Mỹ xem việc hòa với Trung Quốc là chiến lược lâu dài, căn bản. Cứ phải nhân nhượng nhau chia đôi thiên hạ đã rồi sau hãy tính. Trung Quốc biết thóp ấy nên cũng chả dại chiến tranh với Mỹ, chỉ yêu cầu Mỹ không can thiệp vào chiến lược của mình. 


Tôi cam đoan, dù ngày mai 12.7 tòa quốc tế có phán quyết gì về biển Đông thì Trung Quốc nó cũng chả thèm quan tâm, việc nó nó cứ làm. Cũng như Việt Nam, Nam Phi, Israel, Triều Tiên từng ngổ ngáo coi những phán quyết của tòa quốc tế không bằng cái đinh rỉ, làm chi được nhau. Nó sẽ sớm có những động thái quyết liệt xâm chiếm mới ở biển Đông, thậm chí trong năm nay. Nó biết Mỹ sẽ không can thiệp bởi Mỹ cũng ngầm có quyền lợi trong hành động của nó. Chuyện đi lại trên biển Đông chỉ là chuyện vặt với cả hai nước, thỏa thuận với nhau rồi thì không đứa nào mất gì. Đưa tàu này tàu nọ đến đó chỉ để diễn thôi.


Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Góp thêm đôi lời về thi cử

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa kết thúc. Cứ như những theo dõi, đánh giá của dư luận xã hội, nhất là của thí sinh và phụ huynh - những người liên quan sát sườn đến kỳ thi này, cuộc thi năm nay có nhiều tiến bộ so với các năm trước. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có những thay đổi rất đáng kể để giảm gánh nặng về thi cử, vất vả cho thí sinh, tốn kém cho xã hội. Đó là điều cần được ghi nhận trong sự đổi mới quyết liệt, thực sự, chứ không phải nửa vời, quanh quẩn, lúng túng như vài năm trước.
Hầu như năm nào cũng vậy, đã thành thông lệ, cứ sau mỗi kỳ thi, ngành giáo dục lại tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm có được phương án thi cử tốt nhất cho những năm sau. Tinh thần chung là đạt tới phương thức thi cử nhẹ nhàng, ít căng thẳng, ít tốn kém, gọn gàng, hiệu quả, tính tự chủ cao hơn so với trước. Mục đích ấy không chỉ của ngành giáo dục mà là của chung toàn xã hội.
Nhớ lại những kỳ thi vài năm trở về trước, vừa hết thi tốt nghiệp THPT lại nối tiếp ngay thi tuyển sinh đại học, cứ mỗi năm càng thêm nặng nề, tốn kém, trở thành tai ách cho cộng đồng. Cả xã hội nháo nhào lên, hàng chục triệu người dồn hết tâm lực cho thi cử. Bao nhiêu tiền của, công sức đổ vào thứ thủ tục hành xác vĩ đại ấy. Lời ra tiếng vào khá nhiều nhưng dường như những nhà quản lý giáo dục quốc gia mấy nhiệm kỳ cứ lúng ta lúng túng, không thoát ra khỏi được tư duy cũ kỹ đã bám chặt trong đầu. Suốt bao năm, giáo dục đồng nghĩa với thi cử nặng nề, trọng bằng cấp, bung ra phát triển hệ đại học một cách máy móc mà không tính đến hệ lụy của nó.

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

Thế sự

Tướng Đặng Dung thời hậu Trần viết "Thế sự du du nại lão hà" (việc đời dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm sao đây". Tôi chán nản thế sự đương thời nên biên ra chuyện cũ.

Thời Tam quốc bên Tàu, Đổng Trác chỉ là gã thái thú Tây Lương nhưng nhiều tham vọng và độc ác. Y chuyên quyền, dối trời lừa dân, khinh vua bỉ quan, làm nháo loạn triều đình, phá hoại xã tắc. Nhưng y có súng (súng đẻ ra chính quyền), lại được bọn Lý Nho giúp rập phò tá, chả ai làm gì được.

Tư đồ Vương Doãn thấy vậy rất căm tức, mời các quan đại thần đến nhà tâm sự. Doãn kể lể than thở một hồi rồi khóc hu hu. Thương lắm. Trăm quan mũ cao áo dài nghe xong cũng khóc lóc, sụt sịt. Thương lắm.

Bỗng dưng có người cười to. Nhìn xem, hóa ra quan kiêu kỵ hiệu úy Tào Tháo. Tháo cười bảo: Các quan cứ khóc đi, khóc từ sáng đến tối, rồi khóc từ tối đến sáng, lên cả phây búc mà khóc, xem có trừ được Đổng Trác không?

Mọi người nhìn nhau, thẹn thùng. Quả thật, thằng Tháo nó nói đúng.

Chỉ có điều, Tháo cũng không làm gì được Trác, lại mất luôn con dao quý. Cuối cùng xã tắc phải nhờ đến một thành viên của hội liên hiệp phụ nữ là đồng chí Điêu thị Thuyền, mới lập lại được trật tự. Rõ chán.

(Thôi, chỉ kể đến đây, bởi nói nữa thì thêm ngượng các quan).

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Chỉ có ở xứ ta

Tôi không tin vào con số sau đây lắm bởi cho rằng nó chưa chính xác, có nghĩa là còn lớn hơn nhiều. TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách và pháp luật cho biết mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi đến 68.000 tỉ đồng (sáu mươi tám nghìn tỉ) cho các hội hoạt động. Mà hội thì các cụ biết rồi đấy, đó là mấy thứ lăng nhăng tầm gửi như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Người cao tuổi, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Luật gia, Hội Nuôi ong, Hội linh tinh vô tích sự... Mỗi năm xơi của dân chừng đó nhưng, theo tôi biết, có nhiều hội vẫn kêu như vạc, bảo rằng không đủ kinh phí hoạt động (chắc là đi hát karaoke) nên sự phục vụ tổ quốc và nhân dân còn hạn chế. 

Đó mới chỉ là hội thôi đấy nhé, chứ đụng vào đoàn thể thì các ông bà (đang xem cái tin ngắn này) mà đọc được con số chi phí ngân sách cho đoàn thể (đảng, đoàn, mặt trận, phụ nữ...) chắc tử bất cập ngáp hết, tôi không có muốn xảy ra án mạng nên chả dại nêu ra, cứ hỏi cụ Gu gồ thì biết.


Cho nên tôi ít nhiều tán đồng với nhà cai trị là cấm tự do lập hội, quyết không thông qua luật về hội, bởi ông bà nào cũng nhảy ra lập hội, kiểu hội những người ưa thích thịt chó chẳng hạn, hội cựu hoa hậu chân dài, hội sợ vợ... chẳng hạn rồi bú vào vú ngân sách, có mà bỏ bà dân.


Nhưng lại lăn tăn, sao cứ phải cấu véo vào ngân sách nhỉ. Thế giới người ta có cấm lập hội đâu, đầy những tổ chức phi chính phủ, chả lấy của dân đồng xu teng nào, nhưng hoạt động rất hiệu quả. Sao cứ phải ôm đồm, rồi cấm, rồi tốn kém, rồi kêu than, rồi lo lắng sợ sệt phù thủy không trị được âm binh, rồi cái con khỉ gió...


Nghe tôi phàn nàn, lão Maddox cười khỉnh, ném cho một câu, thế mới là xứ thiên đường.


Nguyễn Thông

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Giáo dục răn đe giáo dục

Thú thực, tôi cũng chả định nói gì về chuyện này bởi ban đầu thấy nó cũng bình thường, thậm chí còn thinh thích. Mấy đứa học trò, mà học trò thì mọi người biết rồi đấy, nhất quỷ nhì ma thứ ba chúng nó, nghịch phải biết. Với bọn trẻ học trò, chuyện gì cũng có thể lôi ra vui đùa được. Có thế mới là học trò.

Nhưng có không ít vị, nhất là quan chức, lại không nghĩ thế. Dưới mắt họ, trong suy nghĩ, phán xét của họ, bất kỳ ai, kể cả học trò, lúc nào cũng phải nghiêm túc, chín chắn, đứng đắn, đường hoàng, chuẩn mực, chỉn chu, gương mẫu… Tức là học trò phải như... ông già. Nghĩa là tuổi trẻ phải luôn lập nghiêm kính cẩn nghiêng mình cứ như đang trong cuộc tế lễ nào đó. Cấm nhảy nhót, vui đùa. Cấm vui tươi dí dỏm, tếu táo hài hước. Không được sờ đụng vào điều nhạy cảm, không được làm ảnh hưởng đến công cuộc trật tự an toàn xã hội, thậm chí là an ninh quốc gia. Rất nghiêm trọng.

Tôi đang nhắc đến chuyện 4 em học trò trẻ trung, rất hài hước (mà xưa nay những người biết hài hước thường là người thông minh), vui nhộn đầy chất thanh niên vừa chế ra cái clip tếu táo về thi cử. Mấy cô cậu xứ Huế ấy phải nói là nhanh nhạy (giá những người làm báo, làm truyền hình xứ ta đều nhanh nhạy như thế), vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia xong là có ngay “sản phẩm”. Lúc đầu tôi chưa kịp coi clip, cơm không ăn thì vẫn còn đó chứ mất đi đâu mà vội, nhưng khi nghe thiên hạ ồn lên chuyện ông Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thừa Thiên-Huế, tiến sĩ Phạm Văn Hùng ra ngay công văn khẩn cấp gửi các trường học trên địa bàn, yêu cầu hiệu trưởng và đoàn thanh niên điều tra xác định có phải học sinh của mình “phạm tội” hay không, và căng hơn nữa là chính ông Hùng còn đề nghị Công an tỉnh "vào cuộc điều tra xác minh" sớm tìm ra những người tham gia clip này, làm rõ lý do mục đích thực hiện clip, hay nói một cách thời thượng thì chế ra clip ấy với động cơ gì, thì vội coi ngay. 

Đang từ chuyện bé, những người có trách nhiệm xé ra thành to, nâng lên thành quan điểm này nọ. Một việc rất cỏn con, có thể thấy nhan nhản trong cuộc sống đời thường hằng ngày, bỗng được hình sự hóa để thành nghiêm trọng. Đáng tiếc là cơ quan công an địa phương cũng đã “vào cuộc” thể theo đề nghị của vị đứng đầu ngành giáo dục tỉnh. Một người bạn tôi ngoài Huế cho biết chiều 5.7 công an đã xác định được danh tính đương sự và mời lên trụ sở để làm việc phục vụ công tác điều tra.

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Lôi dần ra ánh sáng

Đã đến lúc cần điểm lại, lôi dần từng thủ phạm ra cho dân ném đá theo luật "dân làm chủ" (dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra), giờ bổ sung: dân lôi cổ thủ phạm ra, không cho trốn trong đống rơm nữa:

-Những tay cầm đầu ngành đường sắt từ mấy chục năm trước đến hiện nay, chúng làm gì mà để đến bây giờ trình độ ngành này vẫn như thời thuộc Pháp, thậm chí còn thua kém. Đường sắt vẫn khổ đường cũ, vẫn đái ỉa trực tiếp xuống đường tàu, vẫn ì ạch hết một ngày rưỡi chặng HN-SG, vẫn chen nhau dịp lễ tết, vẫn phụ thuộc vào hạ tầng đã có cả trăm năm trước (vụ cầu Ghềnh là ví dụ rõ nhất); chỉ riêng giá vé là rất cao. 


-Bọn phụ trách công nghiệp cơ khí, ô tô. Từ trước năm 1975, miền Nam đã tự sản xuất được xe ô tô, còn nay thì chủ yếu là lắp ráp, gia công cho nước ngoài. Giá xe ở VN cao gấp 5-7 lần ở Ấn Độ, Indonesia; gấp 3 Thái Lan; gấp đôi Campuchia, Lào. Dân ta muốn mua xe phải cắn răng chịu giá cắt cổ, chỉ riêng chúng nó đi đủ loại xe do nhà nước cấp. 


Những kẻ như vậy, chúng chỉ biết bản thân, cẩu đầu trảm hết đi. (còn tiếp)


Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Cá hay thép?

HUY ĐỨC (nhà báo)

Dân chúng có hài lòng với kết quả điều tra thảm họa cá chết công bố hôm qua? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này. VN đang thiếu một tổ chức độc lập điều tra xã hội học để biết mức độ hài lòng của công chúng trước những quyết định của các cơ quan lãnh đạo quốc gia.

Lâu nay, ban tuyên giáo vẫn nắm “dư luận quần chúng” thông qua bộ máy của họ từ trên xuống dưới. “Quần chúng” của ban tuyên giáo thường chủ yếu là cán bộ hưu trí.

Chúng ta chỉ có thể cảm nhận về một luồng “dư luận quần chúng” khác thông qua FB.

Cho dù cách đây ít hôm, nhiều facebookers vẫn nghi ngờ khả năng Chính phủ công bố được nguyên nhân cá chết trong tháng Sáu như đã hứa. Và, cho dù hôm qua, vào ngày cuối cùng của tháng Sáu, Chính phủ không những đã tìm được nguyên nhân, tóm đúng thủ phạm (là Formosa như quần chúng facebookers mong muốn) và có được cam kết bồi thường. Nhưng, nếu căn cứ vào những gì được viết trên FB thì câu trả lời có thể nói là “KHÔNG” (hài lòng).

Chính trị là như vậy.

Vụ cá chết: Dân và "lề trái" xác định đúng thủ phạm ngay từ đầu

BÁ TÂN (nhà báo)
                           
Bài toán cá chết vùng biển miền Trung đã có đáp số.
Chiều tối qua 30.6 và hôm nay 1.7, báo chí chính thống rầm rộ đưa tin vụ cá chết.  Họ đưa tin sau gần 3 tháng im lặng, hoặc có nói cũng ngắc ngứ, thậm chí phản ánh theo kiểu cứt gà một nơi bỏ tro một nơi.
Dân chúng và thông tin “lề trái” thì hoàn toàn ngược lại. Từ đầu, cách đây gần 3 tháng, ngay sau khi xảy ra thảm họa cá chết ở Hà Tĩnh, dân chúng và thông tin lề trái gọi đúng tên thủ phạm: Formosa.
Thời điểm đó, mặc cho cá chết trắng biển miền Trung, Formosa bỗng dưng trở thành vùng cấm với báo chí lề phải. Bị ngăn cấm phanh phui sự thật nhưng dân chúng và thông tin lề trái tạo ra bão tố dư luận, gây chấn động cả thế giới. 
Tuy không biết tên gọi độc tố hóa học phun ra từ Formosa là gì, nhưng ngay từ đầu, dân chúng vạch mặt chỉ tên đích danh thủ phạm.
Cá chết hàng loạt khởi đầu từ vùng biển Vũng Áng, Kỳ Anh, nơi ngự trị của đại dự án Formosa. Đó là sự thật hiển nhiên, chẳng cần xét nghiệm cũng có được câu trả lời như đinh đóng cột.
Dân chúng mộc mạc như là sự thật. Sự thật và dân chúng có cùng bản chất: không bị khuất phục trước bất cứ thế lực nào.
Những kẻ máu mê chức quyền, tham lam tiền bạc dễ bị mờ mắt trước sự thật. Dân chúng thì không. Formosa đổ trộm chất thải độc hại tận đáy biển, dân chúng vẫn nhìn ra và được hệ thống thông tin lề trái tiếp sức lôi ra ánh sáng.