Bữa trước, tôi kể đến đoạn sắm mãi cũng chả được đôi dép cao
su đúc Tàu bởi đó là hàng chuẩn, phải những tay anh chị, máu mặt, sẵn tiền lắm
thì mới dám diện. Phải công nhận thời ấy
đồ viện trợ của Trung Quốc tốt thật. Quần áo ka ki Tô Châu, mũ cối, dép đúc,
cái bát cái ca tráng men để ăn cơm - đựng nước, xe đạp Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu,
phích nước Trường Giang, đồng hồ con gà mái mổ thóc, đèn pin Thượng Hải… thứ
nào cũng bền, dùng năm này qua năm khác mà cứ như mới. Ông Trác anh họ tôi hồi
làm cán hộ hợp tác xã mua bán huyện Kiến Thụy được phân phối chiếc xe Vĩnh Cửu
màu cánh chả (màu cánh chim chả), gớm, đi mãi không hỏng, cái vành sắt mạ của
nó cả mười mấy năm cứ sáng bóng như vành inox bây giờ. Xe đạp mà đâm nhau đụng
nhau, thường là mấy anh Sputnik Liên Xô, Thống Nhất Việt Nam, Favorit Tiệp, Mifa
Đức, thậm chí cả Peugeot Pháp bị cong vành chết trước chứ bọn Phượng Hoàng,
Vĩnh Cửu cứ lì đòn chả sao, may ra có anh Con trâu đen sì của Liên Xô là chọi lại
được.
Đang nói chuyện dép lại quành chuyện xe. Những năm 60 - đầu 80,
dép nhựa Tiền Phong là thống soái trong hàng ngũ nâng niu bàn chân Việt. Cả miền
Bắc có mỗn nhà máy nhựa Tiền Phong ở Hải Phòng, nằm trong hẻm trên đường Lạch
Tray, gần khu Quán Bà Mau. Ban đầu nó chỉ sản xuất dép. Dép Tiền Phong nhựa trắng
đương nhiên là loại 1, không cần xếp hạng. Nó cũng có dép nhựa màu nhưng không
nổi tiếng bằng dép trắng. Do nhà máy đặt ở Hải Phòng nên tỷ lệ dân Phòng diện
Tiền Phong trắng cao nhất nước, thủ đô cũng thua. Vẫn biết mọi sản xuất công
nghiệp ở miền Bắc thời ấy là kinh tế kế hoạch có chỉ huy, sản phẩm bị nhà nước
bao tất để sau đó giao cho thương nghiệp XHCN phân phối, tỉnh nào chả như nhau,
nhưng ai cấm được dân phe đất cảng móc vào tận nhà máy tuồn dép ra. Chợ giời Hải
Phòng, chợ Sắt cứ gọi là trên giời dưới dép Tiền Phong. Tôi mà làm chủ tịch Hải
Phòng, tôi sẽ cho đúc tượng cái dép nhựa thương hiệu này bày ngay cổng phủ, đứa
nào đến làm việc chỉ có phục lăn.