Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Chuyện đi buôn

Dường như trong đời, ai cũng có, ít nhất một lần, đi buôn. Cái câu “phi thương bất phú” của các cụ xưa nó ngấm vào não. Kiếm tiền bằng đi buôn chả có gì xấu, miễn không lừa đảo, gian dối cướp giật của người khác.

Có một thời cả nước đi buôn. Những năm sau 1975 công cuộc cả nước “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" ngày càng tệ hại. Đói vàng mắt. Rách như tổ đỉa. Dân Bắc còn đỡ, từ khổ chuyển sang khổ nên vẫn chịu được, quen rồi, tôi luyện thành thép, thép đã tôi như thế rồi. Nhưng dân Nam thì bi kịch, một bước xuống vực. Đang no đủ, sung sướng, thậm chí thừa thãi, đánh ùm một phát chui tọt xuống hố. Ban đầu còn ngơ ngác, hồ nghi, nghĩ cũng chả mấy bữa mà lại như xưa, ngờ đâu càng ngày càng tăm tối. Chịu riết không nổi, âm thầm đi vượt biên. Anh nào nhát sợ làm mồi cá mập thì ở lại và… đi buôn.

Tôi vào Nam đầu năm 1977. Làm nghề dạy học, mô phạm, chúa ghét dân buôn. Hồi nhỏ đã được giáo dục rằng chỉ có thương nghiệp quốc doanh là đàng hoàng, chứ buôn bán xấu xa lắm, không làm ra của cải cho xã hội, chỉ lừa đảo… Buôn gian bán lận. Cán bộ tuyên truyền bảo chúng tôi phải nhìn người buôn bán tư nhân như kẻ thù địch, phải luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng lao vào cấu xé nó cho hả giận. Đã có nhà nước thương nghiệp, mậu dịch quốc doanh rồi, mà nó còn buôn bán, tức là cố tình phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Một kiểu ăn vạ, thương vay khóc mướn

KIM VÂN (nhà báo)

Mấy bữa nay mình cứ thấy nhiều người share trên fb những bức ảnh bậc tam cấp Starbucks, khách sạn 5 sao bị đập, cảnh người dân bắc thang, bắc ghế vào nhà hay rút tiền máy ATM, v.v.. rồi khoái chí chửi chính quyền. Không chỉ là cá nhân trên fb mà ngay cả các bài báo của nhiều tờ có tên tuổi cũng thế. Thực sự mình không hiểu tư duy...

Mình thấy những cách làm đối phó như là bắc ghế, bắc thang sau khi bậc tam cấp lấn đất công bị phá bỏ chẳng khác nào hành vi ăn vạ. Đứa con nít hư, đánh nhẹ nó một cái là nó cũng khóc rống lên để người xung quanh cảm thấy nó bị oan ức lắm. Nhưng con nít thì đã là một lẽ. Toàn những người giàu (có nhà mặt tiền là không phải dạng vừa), rồi thì khách sạn, cafe sang chảnh, ngân hàng, v.v..

Nếu đã sai phạm thì xử lý là đúng rồi, sao phải giở trò khóc lóc, ăn vạ ra như thế. Họ hoàn toàn có thể xây lại bồn hoa, bậc tam cấp và đặt lại máy ATM vào sâu bên trong đất của mình mà, sao cứ phải lấn chiếm đất công thì mới chịu? Mấy người rút tiền nữa, thiếu gì máy ATM mà cứ phải đến cái máy bị phá bậc tam cấp mà rút cho khổ vậy? Không có khách rút tiền thì ngân hàng sẽ phải tự khắc phục thôi.

Mà cũng có thể bản thân người vi phạm không ăn vạ, một vài ngày sau sẽ cải tạo thôi, nhưng không ít người lại thích "thương vay khóc mướn". Mình nghĩ mãi không ra nguyên cớ. Là vì tiếc của do phần lấn chiếm được xây kiên cố, tốn kém quá? Hay lo nhóm khách sạn, ngân hàng, nhà hàng kia không có tiền để sửa sai?

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Khát vọng vĩ đại của người cộng sản

(Tôi viết bài này ngay sau ngày cụ Fidel Castro ở Cuba qua đời, và đã đưa lên. Tuy nhiên, dù bài không có ý gì xấu về cụ Fidel, nhưng theo lề thói phương Đông, nghĩa tử là nghĩa tận, tôi đã hạ xuống sau đó. Nay chuyện đã nhạt, tôi đưa lên lại, ít nhất cũng để những người CS xứ này sắp họp hội nghị T.Ư 5 tham khảo mà rút ra được điều gì chăng).

Ngày 25.11.2016, một nhân vật huyền thoại của phe cộng sản trên thế giới, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro Ruz qua đời, thọ 90 tuổi. Ông cầm quyền liên tục từ tháng 1.1959 sau khi làm cuộc lật đổ chế độ tư sản của Batista, theo đường lối cộng sản, chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô, mãi tới khi sức tàn lực kiệt, không trụ nổi vào năm 2011 ông mới chịu buông, nhưng không buông hẳn mà “nhường ngôi” cho người em ruột, khi ấy cũng đã hơn 80 tuổi.

Xung quanh nhân vật này, phe cộng sản tô vẽ thêm nhiều điều “khác thường” nên người ta nói “nhân vật huyền thoại” là do vậy. Đó cũng là cách dựng nên, tạo ra một idol, dù là Cuba idol nhưng cũng có ý nghĩa chung cho cả phe, mang tính quốc tế. Phe cộng sản thường tuyên truyền đề cao tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nhưng lại thường xuyên thần thánh hóa các cá nhân, dạng Stalin, Brezhnev, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Ceaucescu… để lôi cuốn dân chúng. Nhất thời, những idol này, thông qua bộ máy tuyên truyền, chả khác gì chúa trời, khiến dân chúng phải sùng bái, tụng niệm, làm theo. Tuy nhiên, điều tai hại là, khi thời thế thay đổi, thần tượng sụp đổ thì hình ảnh tan biến rất nhanh, thảm hại. Cuộc sống luôn có quy luật của nó chứ chả tuân theo ý chí chủ quan của một tổ chức hay cá nhân nào.

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Bí mật, hay là mèo giấu cứt

Nước này quá lắm bí mật, tinh bí mật muôn đời không thể lộ. Có bí mật quốc gia, có bí mật tỉnh gia, huyện gia, xã ấp gia. Đứa nào lộ ra chết với ông, "mẹc xà lù, cu xông" (hồi nhỏ tôi nghe mấy người học tiếng Pháp mắng vậy, nghĩa là: đồ con lợn bẩn thỉu).

Ấy là tôi đang nói đến chuyện chính quyền tỉnh (tôi hạ cấp xuống thành tỉnh) Đà Nẵng đang ráo riết truy lục xem đứa nào đã lộ ra bản kê khai tài sản của các nhà lãnh đạo tỉnh này, nhằm trị cho đến nơi đến chốn, bởi theo họ bí mật ấy bị những thế lực thù địch lợi dụng bêu xấu lãnh đạo.

Điều đáng nói, nhẽ ra cần phải làm rõ khối tài sản của ông ABC ấy có đúng là vậy không thì người ta lại phớt lờ, chỉ nhăm nhăm tìm xem thằng nào đã lôi cái bí mật mà chúng ông cố tình giấu ra cho mọi người biết.

Ôi giời, cái cần công khai ra cho dân chúng thấy để tỏ rõ sự liêm khiết của lãnh đạo thì các ông lại giấu như mèo giấu cứt, đợi đến khi bung bét như ông Trần Văn Truyền, Trịnh Xuân Thanh, ông XYZ... thì còn ra thể thống gì. Kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa để chống tham nhũng. Thứ con số kê khai đó, phải cho toàn dân biết mà thực hiện giám sát, chứ kê khai xong dúi vào ngăn kéo thì khai làm gì. Dở hơi. Vậy mà đòi chống tham nhũng.

Cứ cái kiểu trong nhà dấm dúi với nhau, đẹp tốt phô ra xấu xa đậy lại như thế, của nả ấy rồi có giữ được mãi không.

Bọn Mỹ rõ dại, trước khi tranh cử chức này nọ phải công bố cho bàn dân thiên hạ biết mình đang có bao nhiêu đô la. Còn xứ ta thì giấu từ trung ương xuống địa phương.

Lão Maddox hàng xóm nhà tôi cười: cái đéo gì cũng giấu, cu xông.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Chuyện cũ về cái nghèo qua một từ đã mất

Hôm trước ăn cá kho, nồi cá nục kho với khế, với dưa chua thật ngon, tôi theo thói quen của kẻ nghèo khó còn cố quẹt quẹt đáy nồi. Vợ con thấy vậy cười bảo ông bố nhà này cả đời chả bao giờ giàu được là phải. Ngẫm “chúng hắn” nói đúng, mình khó mà “tự diễn biến” thay đổi bởi cái nghèo đã ngấm vào máu rồi, chỉ có đi thay máu thì may ra… Bần thần ngắm cái nồi cá còn trơ đáy, nhớ đến một chữ đã từng đi theo mình suốt thời niên thiếu, và cả sau này nữa.

Tôi lật giở hết các từ điển tiếng Việt, cả sách giấy lẫn sách điện tử để truy tìm chữ “bẫn” (bờ ân bân ngã bẫn) nhưng tuyệt nhiên không có, chỉ thấy bần (bần thần…), bẩn (bẩn thỉu, ở bẩn…), bấn (bấn bíu, bấn xúc xích, túng bấn…), bận (bận rộn, bận bịu…). Không có “bẫn”. Trong tiếng Việt, dấu ngã không hề lép vế so với các dấu thanh: huyền, sắc, hỏi, nặng, nhưng riêng trường hợp này thì không có ngã. Nhưng tôi cứ khăng khăng là có. Cái chữ “bẫn” ấy đã từng tồn tại khá phổ biến ở vùng quê tôi duyên hải Hải Phòng, thậm chí mở rộng ra cả nhiều tỉnh thành khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Vì không có trong từ điển nên tôi đành phải giải nghĩa. “Bẫn” để chỉ thứ vụn vặt, vụn, không mấy giá trị, như đồ bỏ đi. Đó là một dạng rác, phế thải, phế phẩm. Giữ lại chẳng đáng, dùng cũng chả có giá trị gì mấy, chỉ có điều không nỡ vứt, bỏ thì tiếc. Nói tóm lại, khi cuộc sống trở nên giàu có, sung túc rồi thì thứ bẫn ấy tự nó mất đi. À, thì ra là vậy, nó không tồn tại trong thực tế nên nó không còn trong từ điển. Qua sự phát triển, thay đổi của ngôn ngữ, chúng ta cũng có thể hình dung một cách khá cụ thể cuộc sống đã chuyển động, biến thiên như thế nào.

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Chuyện nâng tầm cao và đi vào chiều sâu

Không phải tình cờ, Việt Nam vừa có cuộc đón tiếp trọng thể, gần như cùng lúc, người đứng đầu của hai nước Israel và Singapore. Cũng giống như mọi cuộc đón khách cấp nhà nước, đủ nghi lễ trọng thị, hội đàm, hội kiến, bắt chân bắt tay, mời nhau sang thăm, nhận lời và cười vui vẻ.

Điều đáng nói, đây là hai nước nhỏ. Nhưng nhỏ mà không nhỏ, nhỏ mà có võ, bé hạt tiêu. Rất giàu và mạnh, vào loại hàng đầu thế giới, tiếng nói rất có sức nặng, giá trị. Cả hai nước được hàng trăm quốc gia trên quả địa cầu này coi là hình mẫu, đích phấn đấu của mình. Ở chừng mực nào đó, ngay cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, chứ chưa cần kể ra Nga, Trung Quốc, Pháp, Hàn, cũng phải học tập họ (Israel, Sing).

Để trở thành giàu có, Israel và Singapore chỉ trước sau đi theo con đường phát triển kinh tế tư bản, chưa có 1 phút vướng vào lối đi kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Hai nước này vốn cực kỳ nghèo tài nguyên. Không có rừng vàng biển bạc. Không có lợi thế núi tiền chôn dưới lòng đất. Chỉ có sa mạc, nắng cháy, cát bỏng (như Israel), đất đai chật chội, ngay cả nước cũng cực kỳ thiếu thốn, phải tiết kiệm từng giọt (cả hai nước). Dân ít, nguồn lao động không dồi dào. Luôn bị nước ngoài đe dọa đánh nhau, phải căng ra mà chống đỡ (Israel)… Có nghĩa là để đi lên được, trở thành giàu có, mạnh mẽ không dễ chút nào. So với họ, xứ này còn thuận lợi hơn nhiều.

Nay thì hai nước ấy nằm trong tốp đầu của những nước giàu có nhất thế giới, còn xứ ta thì ai cũng biết, chả cần nói ra đây.

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Rườm rà lễ tiết hơn thời phong kiến

Có cảm giác những nước khối XHCN trước kia, mấy nước CS (vỏ) bây giờ, cụ thể là Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, rất thích vẽ vời hình thức, nào duyệt binh đón khách, diễu qua lễ đài, duyệt đội danh dự, bồng súng giương lê, bắn đại bác chào mừng, hoa trên hoa dưới, hoa ngoài hoa trong, cùng tiếp một ông khách nhưng chia ra làm 3-4 cuộc chỉ chừng ấy lời lẽ..., tức là rất mất thời gian, tốn kém tiền bạc, cả chủ lẫn khách đều mệt mỏi.

Đành rằng trên đời trong mọi mối quan hệ, bang giao phải có lễ, có sự tôn trọng, có chút hình thức cho ra vẻ, nhất là ở tầm quốc gia, nhưng bày vẽ cờ đèn kèn trống súng gươm đi đều bước như lâu nay quả thật cổ hủ, chả khác gì phong kiến, cũng chả khác gì phát xít Hitler nửa đầu thế kỷ trước.

Nếu thực sự đổi mới, cũng cần phải đổi mới cả những thứ lễ tiết rườm rà. Tôi thấy nhiều nước văn minh đón khách rất thực tế, gọn nhẹ, giản đơn mà không hề kém sự tôn trọng. Sẽ có người mắng tôi bảo rằng lễ tân, quan hệ ngoại giao, quốc lễ nó phải vậy. Vâng, xưa nay nó là vậy, nhưng không có nghĩa là nhất thành bất biến. Tất cả mọi quy định, quy chế là do con người đặt ra mà thôi, đặt được thì đổi được.

Tôi cứ ếch ngồi đáy giếng rụt rè góp ý như thế, nếu thuận nhĩ thì nghe, nghịch thì kệ các vị.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Hàng rong làm sao ngồi một chỗ

Một trong những vấn đề đang nóng rẫy lúc này là công cuộc lập lại trật tự đô thị, mà cụ thể nhất là giải phóng vỉa hè, đang diễn ra trên nhiều đô thị cả nước. Nóng nhất ở TP.HCM và Hà Nội. Nóng hơn nhất nữa là quận 1 và quận Đống Đa ở hai thành phố trên.

Cũng như mọi sự kiện trên đời, luôn có ý kiến trái chiều, lời ra tiếng vào, khen chê đủ kiểu. Bài này không nhằm phê phán sự thực thi pháp luật của chính quyền mà chỉ nêu một khía cạnh tưởng như không gắn gì với “công cuộc giải phóng” ấy. Đó là vấn đề từ ngữ, ngôn ngữ được sử dụng khi xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Chả là chính quyền quận 1 (TP.HCM) có ý tưởng và đã đề xuất lập ra hẳn “phố hàng rong” để giải quyết nơi buôn bán cho những người buôn thúng bán bưng, người bán rong nhằm chấm dứt tình trạng “rong” tồn tại lâu nay. Phải nói ngay, mục đích là rất tốt, vừa tạo điều kiện cho người bán rong có thể mưu sinh, vừa từng bước dẹp hẳn sự nhếch nhác, tạp nham về bộ mặt đô thị. Lo cho dân, cho người nghèo, người dưới đáy xã hội là quá đúng, nhưng chỉ lấn cấn ở chỗ chính quyền không thấy hết cốt lõi vấn đề, đưa ra giải pháp phi thực tế, rất khó thực hiện, thậm chí không thể nào áp dụng được.

Đã lâu nay, về mặt thương mại, ở nhiều đô thị, ngoài những khu chợ truyền thống, mọc lên như nấm những siêu thị, cửa hàng tiện lợi, to nhỏ đủ cả, bày bán hàng vạn, hàng triệu mặt hàng, thứ gì cũng có. Cứ tưởng như thế thì thỏa mãn nhu cầu của người mua rồi nhưng thực ra vẫn tồn tại một kênh phân phối cực kỳ cũ kỹ, giản đơn: hàng rong. Kênh này sống được giữa nền kinh tế thị trường sôi nổi, đa dạng bởi nó vẫn phù hợp với hoàn cảnh của khá đông người mua kẻ bán.

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Những nghịch lý chết người hay bi kịch của một quốc gia

NGUYỄN QUANG DY

“Chính trong những khoảnh khắc đen tối nhất, ta phải tập trung để thấy được ánh sáng” (It is during our darkest moments that we must focus to see the light - Aristotle)

Một số nghịch lý chết người có thể làm chính trị suy đồi và kinh tế tụt hậu, dẫn đến bi kịch quốc gia. Nguyên nhân chính là do hội chứng cực đoan và ngộ nhận, vì cực đoan thường dẫn đến vô cảm và ngộ nhận thường dẫn đến vô minh. Vô cảm và vô minh vốn là bi kịch lớn của con người, như một căn bệnh mãn tính rất khó chữa.

Tại các nước đang chuyển đổi (nhưng “không chịu phát triển”), cực đoan và ngộ nhận cản trở cải cách thể chế và hòa giải dân tộc, bỏ qua những cơ hội sống còn để phát triển, làm đất nước ngày càng suy yếu, cạn kiệt, và phụ thuộc, dễ mất độc lập và chủ quyền. Vì vậy, muốn thoát khỏi vấn nạn đó, để “kiến tạo” và phục hưng đất nước, người Việt phải nâng cao dân trí và đổi mới tư duy, để cải cách thể chế và dân chủ hóa.

Nhưng trong bối cảnh phân hóa nội bộ hiện nay, ai ủng hộ và ai chống lại cải cách thể chế? Theo Lê Kiên Thành, “Nếu những người có chức có quyền giàu lên nữa thì đất nước này sẽ sụp đổ… Chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ thể chế hiện giờ... Đó là những nghịch lý mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Cực đoan và hận thù hay “tù nhân của quá khứ”

Khi xem xét lại chiến tranh Việt Nam, người ta nhận ra “một cuộc chiến sai lầm, sai lầm về địa điểm, sai lầm về thời điểm, và sai lầm về địch thủ” (a wrong war, at the wrong place, at the wrong time, with the wrong enemy – John Kennedy, Oct 13, 1960). Đó là một bài học lịch sử cho cả hai bên, vì ngộ nhận dẫn đến nghịch lý chết người. Phải chăng lịch sử có thể rẽ ngả khác, nếu John Kennedy nghe lời khuyên của George Ball (thứ trưởng ngoại giao, đã khuyên tổng thống đừng đưa quân vào Việt Nam). Những người “thông minh tài giỏi nhất” (the best and the brightest) cũng có thể ngộ nhận và mắc sai lầm.

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Đi tu cũng thích kỷ lục

Như một sự mặc nhiên, người ta thường ngại nói điều gì đó đụng chạm đến tôn giáo, nhất là Phật giáo. Kiểu: có thờ có thiêng, có kiêng có lành. 

Tôi không theo đạo Phật nhưng tôn sùng giáo lý nhà Phật, mến cảnh chùa chiền, trọng người chân tu. Chính vì vậy thấy thứ gì, việc gì, người tu hành nào mượn màu sắc Phật để trái với giáo lý, phật pháp là tôi tởn.

Một trong những thứ ấy là chuyện người đã chọn tu hành nhưng cứ thích huếnh kỷ lục này nọ. Nào là tượng lớn nhất, chùa to nhất, lễ hoành tráng nhất, tranh Phật khủng nhất. Ấy là tôi muốn nhắc đến vị sư ông người Ấn Độ còn khá trẻ được người ta phong là Pháp vương Drukpa cứ lâu lâu lại sang xứ ta truyền đạo bằng cách lúc thì bê tượng phật ngọc lớn nhất đi khắp nơi, lúc thì tranh phật to nhất. Tôi không dám có ý nghĩ không hay về ngài, nhưng những việc ngài làm, tôi thấy không hợp với đạo Phật xứ này. Phật giáo VN là sự gần gũi, giản dị, đời thường, không phô trương, đạo lẫn với đời, "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực", sư đi cày ruộng... chứ không ồn ào, hư danh như vậy.

Trong tôi, hình ảnh Phật giáo là ngôi chùa nhỏ cổ kính ngân vang tiếng chuông chiều, chứ không có kỷ lục nào hết.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Danh tướng cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai

Một bạn mấy hôm rồi gửi cho tôi cái video clip vị thiếu tướng công an nói chuyện nội bộ. Lúc đầu mình hãi, biết đâu người ta lừa, mở ra bọn vi rút ùa vào máy thì bỏ bà, sau kiểm tra kỹ lưỡng nhiều cách thấy cũng ổn, liền tò mò. Bệnh tò mò ai chả có, nhiều ông thân bại danh liệt cũng chỉ bởi tò mò. Mình thân và danh về mo nên điếc không sợ súng cứ tò mò nghe, xem nó thế nào.

Ông thiếu tướng Rồng này tôi có biết. Hồi tôi còn dạy học, ổng là sinh viên vào học tiếng Nga ở trường tôi 1 năm, sau được thầy Phương Văn Dần đưa đi Liên Xô, tốt nghiệp về nước dạy ở Trường đại học Kinh tế, sau chuyển qua làm ở tạp chí Cộng sản, lên đến chức trưởng cơ quan đại diện tạp chí này tại TP.HCM (tạp chí của đảng có khác, xây tòa cao ốc to đùng ngay góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch, lúc đầu làm cái biển hiệu rõ to, sau cho bọn ngân hàng Dầu khí thuê, thấy biển hiệu chướng quá nên sửa nhỏ lại, chả biết tiền cho thuê có làm nghĩa vụ thuế không). Đùng một cái, vị quan chức tạp chí CS được đánh sang Bộ Công an, phong hàm thiếu tướng, giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (rồi sau đổi thành Tổng cục Chính trị), kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND. Có người bảo cộng an họ gài người khắp nơi, lúc cần thì rút về; cũng có người nói tạp chí CS với Bộ CA thì cũng rứa, làm chỗ nào chả thế.

Lại nói về cái video clip. Thực ra cũng chỉ loanh quanh những thứ gọi là nửa kín nửa hở. Lừa được mấy ông già về hưu ôm sổ hưu. Buồn cười nhất là đến thời này mà từ mồm một vị tướng công an vẫn còn phát ra thứ tư duy cũ kỹ, đúng ra phải vứt vào sọt rác từ lâu rồi. Tinh dững khoe khoang, khen ta khéo léo, tài giỏi, giữ thế thượng phong, biết chuyển bại thành thắng, biết xoay chuyển tình hình, đảo ngược bàn cờ, bắt bọn này bọn kia phải làm theo ý mình... Kiểu như Tổng bí thư sang thăm Mỹ, ta bắt nó phải tiếp đón ở Nhà Trắng chứ không được ở nơi khác, nó cũng phải tuân theo... Thật ra cũng có thể xảy ra những điều như thế, mà thực chất đó chỉ là mấy thứ trò trẻ ranh, mưu mẹo vườn, láu tôm láu cá, dằn dỗi ăn vòi. Nghe những chuyện kiểu ấy, tôi lại nhớ có một thời suốt mấy chục năm người ta ca ngợi thắng lợi ở hội nghị Paris, nào là bắt kẻ thù phải ngồi bàn tròn để tư thế ngang nhau, từ 2 bên thành 4 bên để chính thức hóa mặt trận DTGP mà nó phải chịu, nào là đi cửa trước chứ không bao giờ theo cửa sau, nào là nó nói một câu thì mình cũng quật lại một câu, nó bắt tay mình thì ngay lập tức mình rút khăn mùi xoa lau luôn... Tức là tinh những trò vặt vãnh láu cá nhưng lại được tôn lên thành thắng lợi, vinh quang, đứng trên đầu thù...

Nghe xong video càng chán, tưởng thế nào, hóa ra tướng cũng không hơn tầm chủ nhiệm hợp tác xã ngày xưa.

Nguyễn Thông

Khi nào còn có thể hát lên?

NGUYỄN XUÂN HƯNG (nhà văn)

Trả lời: tự nhiên thôi.

Có những bài hát không cấm, có khuyến khích cũng không hát nổi. Ví dụ 1: chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê, tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành. Đó là bài hát của một thời. Ca từ thô thiển. Mất tính thời sự. Hát lên tự thấy không ổn chứ không chính chị chính em gì.

Nhưng có bài hát qua thời gian rồi vẫn hát và thấy ổn. Ví dụ 2: em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày. Giai điệu đẹp, tình yêu mẹ trong gian khó... Nói ra thì thế, chứ cứ hát thôi, mấy khi tách bạch rõ. Nay, có người giả sử tìm hiểu chi li, hỏi đi cày là đi cày ở đâu, à cày HTX, HTX thì bỏ lâu rồi, làm HTX chỉ có chết đói nhé. Mà sao phải đưa cơm cho mẹ? Thế là lạm dụng lao động trẻ em...

Đó là giả sử một điều hấp hơi như trên. May thay các em thời cơm hộp, máy cày, vẫn hát bài hát ấy. Vì sao? Không biết, bài hát hay tự nó không chết.

Có một số bài hát ca từ rất vô nghĩa, nếu nghiêm túc ngẫm thì nên không hát nữa. Ví dụ 3: bài Tiếng đàn ta lư, đi đánh nhau vui như hội, hát mà đếm xác chết khoái chí. Không cấm. Nhưng người làm chương trình tự thấy được vấn đề mà thôi, chỉ thế thôi.

Một số bài hát của Trịnh bị cấm một thời, giờ hát mãi, hay vẫn hay, nhưng lứa trẻ chả hát nữa, vì chúng nó có bài hát thời của nó. Hát rap thì nói lải nhải gì đó, lứa cha ông không sao sực nổi. Những kiểu hát ấy có lẽ không ai bảo cấm thì rồi chả sống lâu được.

Vậy thì, cuộc sống nếu mà hát lên được thì người ta hát thôi. Cái gì động đến sâu thẳm tâm can thì còn, cấm cũng không được. Đó gọi văn vẻ là tính nhân văn. Chính chị không nhân văn thì chết, chỉ còn chính em. Ở nước ta, từ lâu ít giáo dục nhân văn, hòa bình, dân chủ. Toàn những thành tựu hàng nghìn năm của thế giới thì mình sợ...

Con tôi hát: tóc bà trắng bà trắng như mây. Bà nó thời nay tóc xanh mướt, vẫn hát và vẫn hay. Vì người ta hát lên cái tình, chứ không hát cái mầu tóc thô thiển.

Nguyễn Xuân Hưng 
(Facebook Nguyễn Xuân Hưng, https://www.facebook.com/nguyenx1/posts/1626979790648793)

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Gặp nhau tại đám tang văn sĩ Nguyễn Quang Thân (kỳ 2)

Lại nói chuyện hôm đến thắp hương tiễn biệt bác Thân về nơi cực lạc. Mặc cho mấy cậu “dân phòng” lúc đầu còn bắc ghế ngồi xa xa, sau có lẽ thấy phía trong này chuyện gì rôm rả quá nên tò mò nhích lại gần, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cứ thoải mái kể chuyện cũ. Ông già 76 tuổi tiếng vẫn rổn rảng như chuông khánh nhắc lại chuyện ông bị “anh em mình” giám sát như thế nào, đi cà phê với tướng Hưởng ra sao; chuyện ông từng đề ra chương trình đào tạo 300 tiến sĩ có chất lượng cao cho Việt Nam với sự giúp đỡ của nhiều trường đại học hàng đầu châu Âu; chuyện ông từng bị một ông trí thức Việt kiều Nhật vu cáo vớ vẩn; chuyện bỏ thuốc lá rất kỳ công; chuyện tự tập luyện bền bỉ để chữa những bệnh của người già… Ở ông lão U80 này, người đã từng là giáo sư, sau khi về hưu là giáo sư danh dự của Đại học Liège (Bỉ) cứ hiện rõ mồn một trong bộ trí nhớ ngồn ngộn dữ liệu có vẻ chả lão chút nào. Tôi thầm nghĩ, thứ chất xám này, cũng như của khá nhiều vị trí thức già và sồn sồn người Việt đang “lang thang” ở xứ người, nhà nước này mà không biết cách khai thác, sử dụng thì quả thật uổng biết bao nhiêu.

Đang ngồi chăm chú ngắm bác giáo sư, tôi nghe tiếng chào nhẹ bên cạnh, ngước lên thấy cặp kính cận dày cộm, con mắt cực sáng, khuôn mặt quen như đã gặp ở đâu rồi. Chợt nhớ ra ngay, bộ râu quai nón phớt xanh kia, cặp kính kia gặp hoài trên Phây búc, ừ, Nguyễn Quang Thạch. Tôi ôm lấy Thạch, chào Thạch, may quá, được gặp nhau ở đây. Thạch bảo em đây, Thạch đây, em hằng ngày cũng vẫn “gặp” anh, hôm nay mới “người thực việc thực”.

Tôi quý Thạch, bắt đầu không phải từ người mà từ… sách. Tôi là kẻ mê sách, như đám hủ nho mê sách. Sách theo tôi từ bé đến giờ. Nấu cám lợn cũng đọc sách. Đi coi dưa cũng lôi sách ra lều chong đèn đọc suốt đêm, kệ bọn trộm. Tối 29 tết được giao ngồi trông nồi luộc bánh chưng (lần đầu tiên nhà tôi gói bánh chưng tết trước khi vào HTX, chứ sau bị vào rồi thì chả mấy khi gói nữa) cũng lôi sách ra đọc trong ánh lửa bếp bập bùng. Mải quá, cứ thúc củi vào mà quên châm thêm nước, cháy mất đáy cái nồi đồng to, sau thày tôi phải đem sang làng Du Lễ nhờ chú Giả hàn lại. Thày bu tôi chả đánh đòn bởi tết nhất đến nơi rồi, nhưng cả nhà tiếc nồi và bánh, ăn tết năm ấy mất ngon.

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Đừng quên ký ức bị nguyền rủa của tuần báo 'Văn'

LẠI NGUYÊN ÂN (nhà phê bình)

Trong năm 2017 này, cụ thể là đến đầu tháng 4/2017, sẽ là tròn 60 năm kể từ hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam, diễn ra trong vài ba ngày đầu tháng 4/1957 tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, ngay cạnh sân Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong số những người cầm bút viết văn bằng tiếng Việt, hẳn đã và sẽ có không ít người hoặc ngấm ngầm hoặc công nhiên bày tỏ thái độ không thật sự kính trọng cái tổ chức mà suốt trên nửa thế kỷ tồn tại, tuy số thành viên ngày càng đông đảo, nhưng chưa bao giờ tỏ rõ ra được là một tổ chức độc lập, tự lập của nhà văn Việt Nam. Đây quả là một trong những vấn đề căn bản hiện tại và tương lai của tổ chức này. Song tại đây, xin tạm gác điều vừa nói để nêu một sự kiện thuộc lịch sử Hội nhà văn Việt Nam: vấn đề danh dự của tuần báo “Văn” (1957-1958).

Những thế hệ cầm bút mới bước vào văn đàn vài chục năm nay có thể thậm chí không có ý niệm gì về tờ báo này, hoặc thậm chí đã bị sang tai những lời giải thích nào đó ít nhiều bóp méo hình ảnh thật của nó.

Tuần báo “Văn”, được xuất bản tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, từ ngày 10/5/1957, hơn một tháng sau hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam; chủ nhiệm báo là Nguyễn Công Hoan (1903-1977), chủ tịch đầu tiên của Hội; thư ký tòa soạn là Nguyên Hồng (1918-1982), ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội.

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Mâu thuẫn

Chính phủ cũng như chính quyền một số thành phố đang có chủ trương thu hồi, hạn chế lưu thông, thậm chí phạt những chiếc xe máy mà họ cho là cũ nát. Nhiều lý do: gây nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn, mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo môi trường, dẹp bỏ để kích thích sản xuất...

Những điều họ nói ra đều đúng cả. Chỉ có điều trong một xã hội còn nghèo đói, thiếu thốn mà vội "tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" thì đó lại là sự lãng phí, nhất là khi người sử dụng những chiếc xe "cũ nát" ấy 100% người nghèo. Đó là phương tiện kiếm sống chính của họ.

Dẹp lề đường, chính quyền đã nghĩ đến việc tìm chỗ buôn bán cho những người buôn thúng bán bưng, ông chủ tịch quận 1 gọi là "phố hàng rong" (thực ra cái đầu của mấy ông rất ngắn, đã bán rong thì phải lê la đây đó, rong cơ mà, chứ tập trung lại một chỗ thì thành siêu thị à; hàng rong bún riêu, xôi sáng, quả cóc quả ổi... bán một chỗ có ma nó ăn). Vấn đề là phải tìm được công ăn việc làm thích hợp cho họ cơ, bây giờ thu hồi cấm đoán xe cũ nát cũng cần phải tính đến những thân phận nghèo đói lâu nay dùng cái xe đó. Cấm thì dễ, nhưng đẩy người chạy xe vào cảnh vô công rỗi nghề, không có việc mưu sinh lương thiện thì chỉ bổ sung nhân lực cho đám trộm cướp thôi.

Tại sao bài này lại được đặt tên là "Mâu thuẫn"? Lý do là các vị quan quyền định dẹp xe cũ nát, tước cần câu cơm của đám dân nghèo, nhưng lại vừa thanh lý, hóa giá xe ô tô "siêu cũ nát" cho cán bộ đem về sử dụng. Ô tô mà giá chỉ có 30-40 triệu/chiếc thì khác gì cục sắt vụn, chạy thế quái nào được. Vậy nhưng xe vẫn phăng phăng trên đường. Theo giá tiền thì siêu cũ nát, nhưng theo thực chất vẫn là siêu xe. 

Chả biết đường nào mà lần với chính sách của các ông các bà ấy.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Quẩn quanh lý sự

-Vụ thanh lý xe công, do bị phản ứng dữ quá, Bộ Tài chính bảo đó chỉ là giá thanh lý tính bình quân, chứ trong số gần nghìn xe ấy có nhiều xe cũ đã... 20 tuổi, thậm chí có xe đem tháo dỡ làm mô hình để học cơ khí, v.v.. 

Xin thưa với quý bộ, vấn đề không phải là xe cũ hay mới (cần nói thêm, có những xe cũ kiểu Uoát, Jeep... không rẻ đâu nhá) mà là chuyện các vị bán dấm bán dúi nội bộ, bán rẻ như cho, chia bôi tài sản công, gây thiệt ngân sách. Cứ thanh lý bằng cách công khai đưa ra đấu giá, ai thèm thắc mắc làm gì.

-Nhiều vị phát ngôn của tỉnh này nọ bảo "chúng tôi nhận xe sang của doanh nghiệp để làm công vụ thăm đồng bào miền núi, phục vụ chống thiên tai, đi thăm các đối tượng chính sách". Mẹ khỉ, siêu xe đi chống bão lụt, nói cho ma nó nghe.

-Cái nhà thờ Trà Cổ ở Móng Cái, Quảng Ninh đẹp thế, sau khi bị phá dỡ, dư luận bức xúc, chính quyền lên tiếng bảo đấy là do giáo xứ họ tự phá chứ chính quyền không liên quan. Lạ, cái bọn giáo xứ này quyền to đến thế, phá cả công trình kiến trúc di sản văn hóa. Lâu nay bất cứ ai, đoàn thể nào làm cái gì cũng phải báo cáo chính quyền, chính quyền có cho phép mới được làm, vậy mà vụ này lại thoải mái thế.

-Vụ xét giải thưởng Hồ Chí Minh, các quan cứ giải thích quẩn quanh, nói tại không có giải thưởng nên bị găm, rồi ra vẻ khách quan bảo thời chiến tranh thì lấy đâu ra giải thưởng... 

Vấn đề không phải là chuyện có được giải thưởng về văn học nghệ thuật hay không mà là sự cố tình nhắm mắt làm ngơ hoặc ngu dốt không biết đến sức sống mãnh liệt của những tác phẩm đã ăn sâu vào cuộc sống, con người, tạo tiếng vang suốt bao nhiêu năm. Đóng góp của Phạm Tuyên (đợt trước được xét vớt), Thu Bồn, Thuận Yến, Đinh Ngọc Liên, Xuân Quỳnh, nếu nói ra, 10 người thì 9 người biết, thừa nhận, chỉ có mấy ông hội đồng xét giải là không chịu thừa nhận thôi. Có lẽ họ chỉ xét theo lý lịch, chẳng hạn ông Đinh Ngọc Liên từng chỉ huy đội kèn Bảo an binh của Pháp, ông Thu Bồn "ương bướng", ông Phạm Tuyên có cha là quan phong kiến, chị Xuân Quỳnh bỏ chồng... Xin các vị hội đồng nhớ cho, tác phẩm có tiếng vang, có giá trị lớn là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu chứ không phải mấy cái giải thưởng vớ vẩn hoặc lý lịch nhé.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Xe công đặt không đúng chỗ

Vụ xe công lãng phí đang gây xôn xao dư luận. Người dân bất bình bởi tất cả những thứ gì của công đều được mua sắm bằng tiền thuế do họ đóng góp, sử dụng lãng phí có khác gì chà đạp lên mồ hôi, công sức dân.

Lâu nay nhà cầm quyền xứ này luôn tự ý bày đặt ra những quy định và bắt mọi người phải thừa nhận, tuân theo. Họ lúc nào cũng cho rằng mình là đúng, kể cả cái sai cũng... đúng. Ai phản đối thì bị quy chụp vi phạm pháp luật. Pháp luật trong tay họ trở thành thứ công cụ riêng để trấn áp những người không đồng tình, ủng hộ. Ở xứ này, pháp luật không phải công lý, không phải để vì mọi người. Nó chỉ phục vụ cho thiểu số.

Chính vì vậy, cái quyết định về xe công số 32/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 4.8.2015, theo tôi, cũng là sự áp đặt chủ quan như vậy. Hãy đọc điều 3, chương 2: "Các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá cụ thể:
1. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
2. Chủ tịch nước.
3. Thủ tướng Chính phủ.
4. Chủ tịch Quốc hội".
bạn sẽ thấy cực kỳ vô lý.

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Khéo vẽ "điều chuyển"

Vụ Thủ tướng và Bộ Công Thương ra quyết định "điều chuyển" ông trùm Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Quốc Khánh về Bộ, cái đứa dân ngu nhất như tôi cũng hiểu rằng đó là cách chức và sắp tới sẽ có chuyện.

Riêng việc cứ rập rà rập rình, bắn tiếng này nọ, thăm dò phản ứng, thăm dò dư luận cũng đủ nói lên mưu mẹo của các vị công quyền, còn dân gian thì bảo "giấu như mèo giấu cứt". Nhưng coi thường dân chúng đến mức này thì quả là quá thể, và sẽ khiến cho chính các vị ấy bị khó khi ra tay xử lý (bởi nói một đằng, làm một nẻo). "Việc sắp xếp, bố trí cán bộ là để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong hoạt động của Bộ Công Thương, chứ không liên quan tới vấn đề kỷ luật", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đồng thời chúc ông Nguyễn Quốc Khánh tiếp tục đóng góp cho Đảng, Nhà nước trên cương vị công tác mới" (trích từ báo Phunu news).

Thưa với ông Dũng bộ trưởng, dân đen đang chống mắt chờ xem ông Khánh sẽ tiếp tục "đóng góp" như thế nào. Vụ ông Nguyễn Xuân Sơn, người tiền nhiệm của ông Khánh đó, hồi năm 2015 vừa cặp kè đi với tổng bí thư tuần trước thì tuần sau bị tóm. Hay là vẫn bài cũ, đánh lạc hướng đương sự. "Không liên quan đến vấn đề kỷ luật", nói vậy mà không phải vậy, haha.

Ai cũng biết lĩnh vực dầu khí xứ này là ổ tham nhũng, là nơi một bộ phận không nhỏ vơ vét tài nguyên của đất nước làm giàu cho cá nhân, ăn thủng nồi trôi rế. Những chỗ ngon ăn như ghế mà ông Khánh ngồi là nơi "quần ngư tranh thực", chả đứa nào chịu nhả ra bao giờ, chỉ có ăn no thì tránh ra nhường chỗ cho đứa đói vào thôi. Dân biết thừa, họ chưa nói ra thôi, khi đã nói thì các ông đi quét chùa.

Vậy có thơ rằng:
Khen ai khéo vẽ sự đời
Chuyển đi chuyển lại để người thành ma.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Nhà văn Nguyễn Quang Thân qua lời kể của Ngô Thị Kim Cúc

NGÔ THỊ KIM CÚC (nhà văn)

Sáng 3 tháng 3.2017, không thấy anh Nguyễn Quang Thân có mặt trong lễ trao giải Văn Việt lần II, mọi người đều hỏi nhau, không rõ anh bận việc hay có buồn việc gì.

Đó là vì qua phiếu bầu ở Hội đồng Văn xuôi, không tác phẩm nào được tối thiểu 4/5 phiếu để có giải chính thức. Anh là thành viên Hội đồng Văn xuôi và đã có một bản nhận xét viết kỹ, để bảo vệ tác phẩm mình đề cử.

Không ai nghĩ anh đau ốm, vì như anh vẫn thường nói một cách tự hào: Từ nhỏ tới giờ, anh chưa từng phải vào bệnh viện. Và hiện giờ, ở tuổi 82, anh vẫn có thể bơi sáu, bảy cây số mỗi ngày…

Xong lễ trao giải, trừ những người có việc nhà cần kíp, mọi người đều ngồi lại thêm mấy tiếng để hàn huyên, vì những dịp gặp nhau đông vui như thế này không dễ có.

Khi chia tay nhau thì trưa đã thành chiều. Ai cũng rất vui và nhẹ nhõm trong lòng vì công phu hàng năm trời của nhiều người, cả trong nước lẫn ngoài nước đã không phí uổng: những tác phẩm được giải quả thật xứng đáng, và buổi lễ đã có mặt đông đảo nhà văn trong Nam ngoài Bắc lẫn nước ngoài, trong đó có những người hầu như rất ít khi xuất hiện.

Một chuyện đáng ghi nhận: buổi lễ đã không bị cản ngăn như lễ trao giải lần đầu, hồi năm ngoái, khi buộc phải tiến hành ở nhà riêng của chị Ý Nhi, lại còn bị cắt điện.

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Gặp nhau tại đám ma văn sĩ Nguyễn Quang Thân

Lần chần dây dưa bởi có mấy việc không thể đừng, mãi tới chiều tối 6.3 tôi mới vọt ra khu cư xá Thanh Đa nằm trên cù lao sông Sài Gòn bên quận Bình Thạnh để thắp nén hương tiễn biệt văn sĩ Nguyễn Quang Thân. Ngày mai bác ấy chính thức “hóa”, lên đường qua thế giới bên kia, theo khói lò hóa thân lẫn cùng mây trắng. Sẽ chả còn dịp nào gặp soái ca đất Phòng ngay tại nhà nữa.

So với hồi tôi từng đến những năm 80 thì khu Thanh Đa giờ đã sầm uất như một Singapore thu nhỏ của Sài Gòn (nói thế cho nó sướng chứ cũng còn không ít nhếch nhác). Tuy nhiên, những dãy nhà cũ vốn là khu gia binh, khu cư xá sĩ quan quân đội Sài Gòn vẫn còn, gồm những lô nhà ký hiệu chữ A, B, C… Bác Thân thì ở bên khu mới, ký hiệu đánh số 1, 2, 3… Dù được xây sau nhưng nó vẫn đậm dấu ấn kiểu xây dựng thời bao cấp, tường xi măng thô ráp sần sùi, kiến trúc xấu, cầu thang thô thiển, loại nhà chỉ cốt làm chỗ ở, chui ra chui vào chứ không phải sự hưởng thụ. Dọc lối vào tang gia, rải rác có những chú dân phòng mặc trang phục xanh có phù hiệu bắc ghế ngồi để ý người qua lại. Càng gần nhà có tang, dân phòng và “người lạ” vẩn vơ bên ngoài càng nhiều, nhưng kệ, ai hơi đâu mà quan tâm. Mình đi đám ma cơ mà, chứ có phải đi khủng bố, đặt mìn cầu Sài Gòn đâu mà ngại.

Phần xác văn sĩ Nguyễn Quang Thân được quàn ngay trong căn phòng ông từng sống lâu nay, trên lầu 2 (tức tầng 3 tính theo kiểu miền Bắc). Nhác thấy một ông già còn phong độ chậm rãi từng bậc cầu thang lên trước, tôi lần theo. Nhìn quen quen nhưng mình không dám dấn lên hỏi sợ thất lễ. Nhà văn Dạ Ngân phu nhân bác Thân đang đứng ở cửa phòng đón khách, cất tiếng “Em chào giáo sư Nguyễn Đăng Hưng”. Té ra giáo sư Hưng, một nhân vật nhiều người biết tiếng, mình cũng may mắn diện kiến đôi lần.

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Xét giải thưởng Hồ Chí Minh: Hội đồng máy móc, quy trình vô cảm

Chữ “máy móc” được nêu trong tiêu đề bài này không phải của người viết mà từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 1.3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.2017, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch báo cáo về những vấn đề đang ồn ào xoay quanh Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt xét duyệt lần 5 (sắp trao giải), nhất là có những điều khiến thân nhân văn nghệ sĩ và dư luận bức xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngay “không được để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh những tác giả có các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc”.

Và cũng thời sự hơn nữa, chỉ 1 ngày sau đó, chính Chủ tịch Trần Đại Quang thông qua thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước đã lên tiếng rằng việc xét duyệt giải thưởng chưa thật phù hợp với thực tế, cần phải có sự xem xét, điều chỉnh.

Những điều hệ trọng như thế, lâu nay cứ “đúng quy trình”, dưới đưa lên, trên xét duyệt, tưởng như đã thành luật thành lệ, đã chặt chẽ đến mức con kiến không chui lọt, vậy mà hầu như lần nào cũng “có vấn đề”. Chả phải do tâm lý “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” mà là cần một sự đánh giá công bằng, khách quan, nhất là ở tầm quốc gia.

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Chuyện riêng nhưng phải nói ra để tránh hiểu nhầm

Tôi theo nghiệp làm báo đã hai mươi mấy năm. Thời gian qua, dù đã "nghỉ chế độ" sau thời gian phục vụ ở báo Thanh Niên, tôi có cộng tác với báo điện tử Một Thế Giới, một tờ báo trẻ nhưng phát triển nhanh. Nay đến lúc tự cảm thấy sức khỏe không đáp ứng được công việc chữ nghĩa nặng nề, tôi đã chính thức xin nghỉ, không làm công việc sự vụ gì nữa, từ ngày 1.3.2017. 

Tôi thỉnh thoảng viết trên blog này bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm của mình, xin nói ngay đó hoàn toàn là quan điểm cá nhân, tôi tự chịu trách nhiệm về những điều mình viết, không có liên quan gì đến báo Một Thế Giới cả. Tôi thấy cần phải nói rõ như vậy để không ảnh hưởng đến ai hoặc tờ báo mà tôi từng phục vụ, tôn trọng.

Chúc cho báo ngày càng có nhiều bạn đọc.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Nhà văn Nguyễn Quang Thân đi thật ư?

Thật sững sờ không tin được khi nghe gia đình văn sĩ Nguyễn Quang Thân thông báo ông vừa qua đời sáng sớm nay. Cụ thể ông đi lúc 3 giờ 15 ngày 4.3.2017 (mùng 7 tháng 2 Đinh Dậu) sau cơn đột quỵ tại nhà riêng (cư xá Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thọ 82 tuổi.

Tang lễ nhà văn Nguyễn Quang Thân cử hành tại tư gia ở khu cư xá Thanh Đa, Q.Bình Thạnh, lễ viếng bắt đầu lúc 15 giờ chiều 4.3. Hỏa táng ngày 7.3.2017  tại đài hỏa táng Phúc An Viên, Q.9, TP.HCM.

Ông ra đi để lại cho đời di sản văn chương khá đồ sộ, nhiều thể loại, viết cho nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau. Có thể kể: Truyện ngắn: Nước về (sáng tác năm 1957), Hương đất (1964), Cô gái Triều Dương (1967), Ba người bạn (1970), Những người chinh phục (1977), Nếp gấp (1978), Những chùm các biển (1979), Người không đi cùng chuyến tàu (1989), Vũ điệu của cái bô (1991), Hoa cho một đời (1996), Giao thừa trắng (1996), Giữa những điều bình dị (Amongst and in the simple things) - tập truyện ngắn song ngữ Anh – Việt... Tiểu thuyết: Chú bé có tài mở khóa (1983), Lựa chọn (1997), Thời hoa mẫu đơn (1988), Ngoài khơi miền đất hứa (1990), Con ngữa Mãn Châu (1991), Hội thề (2009). Kịch bản phim: Cây bạch đàn vô danh (1993), Hội thề (2005)…

Nhà văn Nguyễn Quang Thân sinh ngày 15.4.1936 (Bính Tý) quê Sơn Lễ, H.Hương Sơn, đất học Hà Tĩnh. Ông viết văn từ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, đã in rất nhiều tác phẩm, nhiều thể loại... mà có lẽ nổi tiếng nhất là tập truyện ngắn Vũ điệu cái bô. Thế hệ trẻ thơ hồi thập niên 80-90 hầu như không mấy đứa không đọc cuốn Chú bé có tài mở khóa của ông.

Ông sống bản lĩnh, ngoan cường, ngay thẳng, không chấp nhận sự vênh váo, không thỏa hiệp với cái tầm thường nên đời văn của ông cũng khá nhiều lận đận, truân chuyên. Ông không chức tước gì, đến khi ra đi chỉ là nhà văn đúng nghĩa. Sáng tác rất nhiều, tác phẩm hay rất nhiều, đóng góp phục vụ cho dân cho nước không ít nhưng ông vẫn chưa được nhận những giải thưởng danh giá như Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước. Có lẽ bộ máy này không ưa khí phách kẻ sĩ của ông.


Nhà văn Nguyễn Quang Thân từng 26 năm sống và sáng tác ở Hải Phòng quê tôi. Ông thuộc lớp người khai phá, tạo dựng nên một thời văn chương lừng lẫy của đất Hải Phòng. Những cái tên Nguyễn Quang Thân, Trần Tự, Đào Cảng, Thanh Tùng, Trần Hoài Dương, Thi Hoàng, Nguyễn Xuân Thâm, Nguyễn Tùng Linh... gắn liền với mảnh đất này.

Cách nay 2 tuần, bác Nguyễn Quang Thân từ khu Thanh Đa (Sài Gòn) lò dò chậm rãi tới nhà ông bạn Phúc Vinh đồng nghiệp tôi ở quận Bình Thạnh cà phê, ới gọi tôi, Thông ơi đến nhé. Tôi đang dở tí việc, nhà cách đó khoảng 15 cây số, thưa bác cứ nhâm nhi đi, em đến chậm một tí. Xong việc vội đi ngay, gặp cái đám kẹt xe chết tiệt lại chậm thêm mươi phút nữa. Tới nơi Vinh bảo bác Thân mới kêu taxi đi được vài phút, hay mình xin bác quay lại. Tôi có lỗi quá, bảo không thế được, mình phải đến thăm cụ, chứ ai lại thế. Nay vừa mới thu xếp được rảnh cái thân, chưa kịp rủ Vinh đến thăm đại ca đất Phòng thì nhận tin dữ, bác lặng lẽ đi rồi.

Những người tử tế cứ lần lượt ra đi. Cách nay không lâu là ca sĩ Quang Lý người Phòng, nay lại bác Thân. Đất Phòng ngày càng trống vắng những con người oanh liệt.

Cầu cho bác Thân của chúng em (những chú bé chưa biết mở khóa) thanh thản cõi thiên đường.
Xin chuyển đến nhà văn Dạ Ngân phu nhân văn sĩ Nguyễn Quang Thân lời chia buồn không thể nói thành lời.

Nguyễn Thông



3 chuyện cảm động

Lấy từ Facebook

1. ĐỪNG ĐÁNH GIÁ NGƯỜI KHÁC QUA VẺ BỀ NGOÀI
Có một bà mẹ đơn thân nọ vừa mới chuyển nhà, bà ta phát hiện hàng xóm là một gia đình nghèo khó, gia đình đó có một bà mẹ góa chồng và hai đứa con. Có một hôm mất điện, bà ta đành phải thắp nến lên cho sáng.
Một lúc sau, có tiếng người gõ cửa. Bà ra mở cửa, thì ra đó là con của nhà hàng xóm. Đứa bé hỏi: “Con chào dì, dì cho con hỏi nhà dì có nến không ạ?”.
Bà ta thầm nghĩ: “Cái gia đình này nghèo đến nỗi ngay cả nến cũng không có sao? Tốt nhất không cho, cứ như thế họ sẽ ỷ lại mất”.
Nghĩ rồi, bà liền nói to một tiếng: “Không có!”. Đúng lúc bà ta đang chuẩn bị đóng cửa, đứa bé đó liền cười rạng rỡ và nói: “Con biết ngay là nhà dì không có nến mà!”.
Nói xong, đứa bé liền lấy ra hai cây nến: “Mẹ và con sợ dì sống một mình không có nến nên con đem sang tặng dì hai cái để thắp sáng ạ!”.
Lúc này, bà ta vừa tự trách bản thân, vừa cảm động rơi nước mắt, sau đó liền ôm chặt đứa bé vào lòng.

2. CHÚNG TA CHỈ BẤT TIỆN 3 TIẾNG THÔI.
Ngày hôm đó, tôi may mắn đặt được vé về quê ngoại cùng với chồng, nhưng sau khi lên xe thì nhìn thấy có một quý cô đang ngồi ở vị trí của chúng tôi. Chồng tôi bảo tôi ngồi ở cạnh vị nữ sĩ đó nhưng lại không mời bà ấy nhường chỗ.

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Chuyện cầu cống (phần 2)

Nhân kể chuyện cầu Nhị Thiên Đường ở Sài Gòn - Chợ Lớn do người Pháp làm, vừa bền vừa đẹp, dùng cả gần trăm năm mà bê tông vẫn chắc nình nịch, sực nhớ lan man một thứ siêu phẩm cầu cống khác của Pháp gắn bó với tuổi thơ tôi.

Quê tôi huyện Kiến Thụy, đất Hải Phòng. Cứ nói đến Kiến Thụy là nhớ tới con sông Đa Độ. Đây là một nhánh của sông Văn Úc, chảy qua huyện, xuôi về Bàng La qua cống Cổ Tiểu rồi ra bể. Hình như chưa có con sông nào nước trong xanh đến thế (đấy là tôi nhớ lại hồi xưa), sau này có dịp ghé đất thần kinh Huế thì nghĩ sông Hương đoạn ngang chùa Thiên Mụ có thể sánh với sông Đa Độ quê mình. Bơi ra vài chục mét, lặn sâu xuống nhìn rõ tận đáy. Nhà tôi ở cách sông khoảng 3 cây số nhưng tuần nào đám trẻ trâu làng cũng rủ nhau lên tắm sông huyện ít nhất 1 lần. Hồi học lớp 10, máy bay Mỹ đánh rát quá, đi lại khó khăn vất vả, cần tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tôi khăn gói lên huyện trọ học, ở nhà bác Mẳn phố Thọ Xuân, chiều chiều mấy đứa con trai bác, thằng Hùng thằng Cường rủ đi tắm sông. Đỡ phải múc nước giếng, lại mát, tập bơi. Hùng, Cường vừa tắm vừa ra cống câu cá bống. Sao mà lắm cá bống thế, chiều nào chúng nó cũng giật được lưng giỏ, cả mấy chục con, nhiều con to bằng cổ tay. Có hôm còn câu được rùa, có con hơn 2 ký.

Cùng học lớp 10 với tôi có thằng Hoàng Trung Khuông, bố nó làm ở Viện kiểm sát huyện nên nó được tá túc ngay khu tập thể của cơ quan bố, sát bờ sông. Có lần tôi nghe nó rủ bọn thằng Ngọ, thằng Vinh người phố huyện đến nhà nó, đợi ban đêm nhìn ra chỗ bậc thềm đá ven sông ngắm mấy chị khu liên cơ (ủy ban, huyện đoàn, bưu điện, bách hóa…) ra tắm, thích lắm. Công nhận các bố ấy gớm thật.

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Không dứt điểm lần này, sẽ không bao giờ nữa

Hơn 2 tuần nay, dư luận xã hội, báo chí truyền thông đặc biệt quan tâm đến vấn đề thời sự nóng bỏng: “Chiến dịch” lập lại trật tự đô thị, cụ thể là giải tỏa tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Khởi ra từ quận 1 (TP.HCM), sau đó lan đi các quận, và đang có thể thành phong trào trên đô thị cả nước. Lúc đầu chỉ có chính quyền quận 1 đứng mũi chịu sào (mà tiêu biểu nhất là vị Phó chủ tịch quận Đoàn Ngọc Hải), rồi cả lãnh đạo thành phố vào cuộc. Mới đây nhất, chiều 28.2, đích thân Bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Tô Lâm đã có công điện chỉ đạo công an toàn quốc thực hiện công tác xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm vỉa hè, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng và giữ gìn trật tự đô thị... Và cập nhật nhất, ngay trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ sáng nay 1.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần "quyết liệt trả lại vỉa hè cho người đi bộ", coi đó là tin vui đầu năm, thúc giục phải làm đến nơi đến chốn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, một tình trạng vi phạm pháp luật từng ngang nhiên tồn tại lâu nay, biết bao nhiêu lần “vững như bàn thạch” sau khi nhà chức việc ra quân, tưởng sẽ cứ ngoài vòng cương tỏa mãi, thì nay với đợt lập lại trật tự kiên quyết, dứt điểm, mạnh mẽ, đồng loạt này, nó sẽ chấm dứt, không còn đất sống. Một đô thị văn minh, một xã hội văn minh văn hóa nhiều khi được nhìn nhận, đánh giá từ chính những thứ bình thường, như cái vỉa hè chẳng hạn, chứ đâu phải chỉ những điều cao vọng.

Cũng có không ít ý kiến, quan điểm trái chiều. Với một sự kiện xã hội mang tính cộng đồng cao như vậy, đó không phải chuyện lạ. Những gì chưa được, chưa phù hợp, bị phê phán… trong suốt 2 tuần qua đã được chính quyền tiếp thụ, sửa chữa, điều chỉnh để làm cho tốt hơn. Cũng có thể thấy rõ đông đảo người dân đang theo dõi từng ngày, đồng tình ủng hộ chủ trương này. Tất nhiên những người lấn chiếm vỉa hè phản ứng, nhưng đó chỉ là số ít trong cộng đồng. Vỉa hè nói riêng, không gian đô thị nói chung phải là của chung, của cộng đồng, dứt khoát không thuộc về riêng ai. Ai lấn chiếm thì phải trả. Ai không chịu trả thì buộc phải trả, dù đó là cá nhân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước.