Trang

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Chuyện lương thực

Ngẫm lại tiếng Việt ta, trải qua năm qua tháng có những từ, những cách nói gần như mất hẳn trong đời sống, nếu muốn tìm hiểu nó chỉ có thể lục ở từ điển. Ví dụ, cùng nói về ăn, xưa có những từ ghép: ăn dè, ăn mặn, ăn độn, ăn vã… nay chả ai nhắc tới hoặc dùng theo nghĩa từng phổ biến nữa. Cũng phải thôi, ngôn ngữ là hình chiếu của cuộc sống, nó phản ánh, thể hiện những gì có trong đời thực, nay đời thực không còn thứ ấy thì nó cũng lịm nhạt dần đi, sau biến thành tử ngữ. Khi người ta mặc quần jean, quần tây thì không ai nhắc tới quần lá tọa, quần dây rút. Phải chấp nhận thôi.

Đã kể ra thì cũng nên nói cho rõ. Ăn dè bắt nguồn từ chữ dè, dè sẻn. Chữ ấy thể hiện sự tiết kiệm, chi dùng hạn chế, hoàn toàn trái ngược với sự thả cửa, hoang phí. Ăn dè tức là ăn có mức độ vừa phải, thậm chí tằn tiện, thòm thèm. Cũng không hẳn do quá thiếu thốn thì mới ăn dè, mà có khi ăn hôm nay còn nghĩ tới ngày mai, lo tháng ba ngày tám đói kém, lo hạn hán, lụt lội, chiến tranh, lo cả khi đau yếu bệnh tật có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu hoang phí buông tuồng, khi sự ấy xảy ra lấy gì mà sống. Chi bằng cứ dè sẻn, kể từ miếng ăn. Hồi tôi còn nhỏ, cơm chưa tới mức phải dè nhưng luôn được người nhớn quán triệt rằng thức ăn (con tôm con cá, miếng thịt, quả trứng) phải ăn dè, miếng thịt kho chẳng hạn chỉ đáng cắn làm hai thì ráng chia làm ba làm bốn, có thế mới đủ “phương tiện” tải cơm vào bụng. Có lần tôi thử ăn vã (chỉ ăn thức ăn, không kèm cơm) hẳn một con tôm giảo rang để tận hưởng miếng ngon xem nó ngon ra sao nhưng sau đó phải trả giá bởi và (lùa) miếng cơm không vào mồm nó cứ nhạt nhẽo thế nào ấy. Người nhớn nhắc nhở ta điều nọ điều kia bằng kinh nghiệm đã trải qua, không phải không có lý của họ.

Góp ý với các nhà báo

-Vụ cái thằng côn đồ xăm trổ đầy mình (dạo ni nhiều "vị" xăm trổ gây án quá, nào là vụ giật dây chuyền của nhân viên ngoại giao Nga, vụ xin đểu thợ gặt ở xứ Thanh, vụ trộm xe và đâm người ở Sài Gòn, quên, ở TP.HCM, đều do những thủ phạm có yếu tố xăm trổ thực hiện), cái thằng ngoài xứ Huế cầm dao nhọn vào công sở bắt cóc con tin, rồi bị vây bắt (sau hơn 1 tiếng đồng hồ gây án, kể ra hơi bị chậm chạp) quả tang, vậy mà nhiều tờ báo, trong đó có báo Tuổi Trẻ, lại giật tít "Khởi tố nghi can khống chế nữ nhân viên làm con tin ở Huế".

Vẫn hiểu, đây là báo viết theo văn bản, theo cách dùng chữ của công an, nhưng công an viết thế nào kệ họ chứ, có phải công an cái gì cũng đúng đâu, sai tè le là đằng khác. Bắt quả tang ngay tại sân công sở trong giờ làm việc, tay nó còn cầm dao nhọn hoắt, có đầy đủ video clip quay lại cảnh gây án, thì còn nghi nghiếc cái gì. Nó là thủ phạm, hung thủ, nghi gì mà nghi.

-Nhiều báo đang tường thuật các buổi họp quốc hội. Quốc hội có đưa ra bàn thảo, trao đổi, lấy ý kiến cho vài dự thảo luật (luật an ninh mạng, luật đặc khu, luật phòng chống tham nhũng sửa đổi...). Những luật này do cơ quan chuyên trách soạn nhưng nó mới chỉ là dự thảo, chưa hoàn chỉnh, cần được mọi người góp ý cho đầy đủ. Nói chính xác, nó ở dạng bản thảo gần đầy đủ chứ chưa phải bản chính thức. 

Vậy nhưng rất nhiều nhà báo (được cấp thẻ vào dự các phiên họp quốc hội không phải là hạng tầm thường), lại cả một số nghị sĩ nữa, cứ gọi đó là dự án. Họ không phân biệt được dự thảo là gì, dự án là gì, khác nhau thế nào. Dự án cũng có khi được chuẩn bị ở dạng văn bản nhưng nó chỉ trình bày cái khung, chương trình, kế hoạch, hướng thực hiện, thành phần tham gia... của một điều, một vấn đề gì đó, không nhất thiết phải ở dạng sắp hoàn chỉnh, tỉ mỉ như dự thảo). Dự thảo có khi chỉ là mấy cái gạch đầu dòng, nhưng một dự thảo quan trọng, nhất là dự thảo luật, khi được đưa ra lấy ý kiến thì nó đã tỉ mỉ đến 90 phần trăm rồi, kể từ dấu chấm dấu phẩy. Viết rằng dự án luật an ninh mạng, nghe cứ như trình bày với các doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư chứ không phải lấy ý kiến của các nhà làm luật.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Vua và triều đình

Nước Nam ta khi xưa, dưới thời phong kiến, ở chế độ quân chủ chuyên chế, thì cao nhất là vua, rồi mới tới quan và thứ dân.

Vua tự xưng thiên tử, con trời, thay trời trị dân (ấy, vua cứ nhận xằng như thế nhưng bọn vua có gươm đao nên dân phải chấp nhận thứ lý luận ấy). Có được vua sáng thì dân và nước hưởng phúc, nếu gặp phải vua ngu hèn thì dân nước tàn mạt.

Nhưng chỉ mình vua không thể cai trị nổi dân nước. Vua phải dựa vào triều đình. Đó là tập hợp những quan lại cao cấp giúp vua thực hiện quyền cai trị. Nhiều khi vua, nhất là mấy anh vua tầm thường kém cỏi, chỉ có nhiệm vụ gật, chuẩn tấu, còn vai trò của triều đình mới quan trọng, quyết định đường đi nước bước, tiến hay lùi, ngẩng đầu hoặc cúi đầu của cả dân tộc. Triều đình có được những vị quan tài giỏi, ngay chính, sáng suốt, vua có những kẻ bầy tôi xuất chúng, cứng cỏi, trí lự hơn người thì dân nước cũng có phận nhờ, xã hội thịnh trị, yên ổn. Triều đình mà chỉ tập hợp những kẻ gian nịnh, hèn hạ, luồn cúi, ngu đục thì việc nước việc đời đều hỏng.

Nay nước ta thực hiện chế độ dân chủ nên triều đình được thay bằng quốc hội. Vua tuy không còn nhưng đảng chẳng khác gì vua. Nhận xét về vua về triều đình thời nay thế nào là tùy góc độ, quan điểm, cảm nhận của mỗi người. Tôi chỉ nói rằng trong triều đình mà nhan nhản các quan như Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Văn Thể, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Thiện Nhân... (sao họ Nguyễn nhà tôi nhiều quá) thì việc nước hư hỏng là điều không tránh khỏi.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Nửa thế kỷ dậm chân tại chỗ

Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường sắt đang bao biện về những vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp thời gian qua, nào là thế lọ, nào là thế chai... 

Kể từ khi người Pháp mở đường sắt và đưa vào hoạt động ở xứ An Nam, tới nay đã hơn 1 thế kỷ mấy chục năm (chính xác từ năm 1881). Tàu xuyên Việt của người Pháp lúc thịnh nhất chạy chỉ mất ngày rưỡi là từ ga Hàng Cỏ Hà Nội đến ga chợ Bến Thành Sài Gòn. Đường sắt được kéo về tận thị xã Mỹ Tho (thuộc tỉnh Tiền Giang bây giờ), là tuyến đường sắt đầu tiên trên cả nước. Họ còn đục bằng tay cả núi Hải Vân để cái hầm hỏa xa trở thành một kỳ quan suốt bao nhiêu năm, tới tận bây giờ...

Chỉ có điều, do bị hạn chế về cái gì đó, có thể là khoa học kỹ thuật chưa phát triển, toa tàu của người Pháp không có cái hố xí kín, cứ mặc cho hành khách xả thẳng xuống đường ray đủ thứ xú uế (phân, nước đái). Hậu quả: Mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường; buộc nhân viên bảo quản đường ray phải làm việc trong môi trường bẩn thỉu; mau hư hỏng đường ray và tà vẹt; gây ấn tượng xấu về ngành giao thông hiện đại...

Nhưng đánh đuổi Pháp xong rồi, chính quyền cách mạng tiếp thu mọi thứ do người Pháp để lại (sau này ở miền Nam thì từ VN cộng hòa), đã cố gắng tạo dựng cơ đồ, trong đó có cơ sở vật chất ngành giao thông. Không ai phủ nhận, với gần nửa thế kỷ sau khi khi kết thúc chiến tranh, nhà nước mới đã làm thêm nhiều đường sá, cầu cống, xe cộ, tàu bè. Việc đi lại so với những năm đầu hậu chiến (chứ không so với thời Pháp và thời VN cộng hòa) ngày một dễ chịu. 

Nhưng chỉ riêng ngành đường sắt là dậm chân tại chỗ. Hơn hai phần ba thế kỷ chỉ dậm chân mốt hai mốt, sau đó theo "hướng chuồng lợn, quay".

Đường sắt tới tận bay giờ vẫn dùng khổ đường cũ, thời gian hành trình vẫn sên bò cả tàu khách lẫn tàu chợ tàu hàng, còn chậm hơn cả tàu thực dân Pháp, tai nạn đường sắt vẫn thường xuyên xảy ra, vé thì giá đắt trên giời, tết nhất không năm nào không hành hạ người đi lại đến mửa mật, toa tàu vẫn cũ kỹ lạc hậu, và nhất là vẫn còn những đoàn tàu trổ cái toilet xuống đường ray, xả thẳng xú uế xuống đường. 

Trong bộ máy của chế độ vẫn đủ cả bộ giao thông, cả tổng cục đường sắt, các công ty hỏa xa... nhưng dường như họ chẳng làm gì, cứ để mặc ngành đường sắt dậm chân trong mùi xú uế. Cái đó họ gọi là quản lý nhà nước. Chán.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Cào vào mặt đứa thu giá

Tức quá, nên đã định đếch nói nữa, lại cứ phải chửi bố chúng nó lên.

“Giá” là từ để chỉ giá trị bằng tiền của thứ gì đó, dùng trong trao đổi, mua bán. Khi đã bỏ tiền ra mua một vật thì món đó là của mình. 

Dịch vụ là công việc, hoạt động phục vụ cho nhu cầu nào đó, ví dụ nhu cầu học tập thì có dịch vụ dạy học, nhu cầu đi lại thì có dịch vụ chuyên chở, dịch vụ giao thông, muốn đi du lịch thì có dịch vụ du lịch, thậm chí vì lý do nào đó không lấy vợ lấy chồng được thì có dịch vụ hôn nhân... Dịch vụ không thể mua được, bởi nó vô hình nên không trả tiền theo giá, mua đứt bán đoạn để sở hữu riêng được. 

Vì vậy, dịch vụ chỉ có thể trả phí (tính bằng tiền, theo mức nhất định), gọi là phí dịch vụ. Chỉ cần hiểu chi phí tính trả cho dịch vụ thì gọi là phí. Tiền trả dịch vụ dạy học là học phí. Vào đảng để được hưởng dịch vụ thăng quan tiến chức, tiền trả cho dịch vụ ấy gọi là đảng phí, v.v.. Đéo ai lại gọi là giá dịch vụ bao giờ, chỉ có cu Thể và đám ngu dốt, tham lam, coi thường dân trí, cưỡng hiếp tiếng Việt thì mới gọi thế. Lại cứ bảo đã có luật về giá và phí dịch vụ từng được quốc hội thông qua và thủ tướng ký ban hành, vậy cứ quốc hội và thủ tướng là đúng tuyệt đối chắc, là không bao giờ sai chắc.

Đường sá làm bằng ngân sách nhà nước thì là công sản, của chung toàn dân, dân đi lại trên đó phải được miễn phí, nếu có hư hỏng sụt lún gì thì nhà nước phải lo sửa chữa, không thể áp thứ dịch vụ bố láo vào được. Cu Thể bảo là thu giá dịch vụ đi lại, thế dân bỏ tiền ra mua thì có quyền đào một đoạn đường đem về không. Giá là để bán thứ gì đó, mà đã bán thì người mua phải được sở hữu riêng. Tất nhiên không ai được quyền chiếm riêng quốc lộ bán thu tiền, chỉ có thằng khùng mới làm vậy.

Mọi thứ rõ ràng thế nhưng cả quốc hội cũng không mấy ai dám mở mồm. Lại cả hệ thống chính trị đui mù điếc cứ để quân ngu đục ngang nhiên treo cái biển trạm thu giá khắp nước, coi thường pháp luật, khinh bỉ nhân dân, phỉ báng ngôn ngữ, thật chả ra thể thống gì.

Có nhẽ phải dẹp hết, không phải chỉ những tấm biển, không phải chỉ lão Thể...

Nguyễn Thông

Lần cuối về thu giá

TRẦN ĐĂNG TUẤN (nhà báo)

1- "Thu giá" là sự ngu độn về ngôn ngữ. Nhưng đây chẳng phải sự ngu độn thật thà. Ngu cái này nhưng cáo già trong cái khác. Bởi vì: 

2- 'Thu giá" là sự trí trá về lập luận. Đường BOT không phải là "sản phẩm của doanh nghiệp". Nếu doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất, làm đường riêng không dính gì vào các tuyến đường của nhà nước, thì đó mới là sản phẩm doanh nghiệp, họ định giá vé thế nào, có ai đi là việc của họ. Còn BOT là sản phẩm của hợp tác công tư. Doanh nghiệp làm đường trên đất nhà nước cho, cải tạo đường vốn có của xã hội, được khai thác trong thời hạn nhất định để hoàn vốn và có lãi trong khuôn khổ được định ra qua phương án tài chính. Hiện nay đa số các dự án đó ký với nhà nước là hợp đồng "mở". Nghĩa là thời gian họ được thu tiền căn cứ vào lưu lượng xe đi qua và mức phí xe đi qua phải trả. Cho nên họ mới được kêu ca là thu thấp thì phải thu lâu hơn. Bây giờ nói là sản phẩm của họ tức là phủi cái phần của dân của nước trong BOT đó. Thử hỏi nếu nó là sản phẩm của doanh nghiệp sao lại phải kiểm soát xác minh số tiền thực đầu tư, số tiền thực mỗi ngày thu vào như vừa qua đã buộc phải làm?

3- "Thu giá" là sự xảo quyệt về ý đồ. Việc thu tiền vé đi đường BOT theo cách thực hiện ở Việt Nam thời gian qua xung đột với quy định về phí theo pháp luật. Tách nó ra khỏi phí là để hợp pháp hóa việc thu tiền lần thứ hai đối với người dân trên nhiều đoạn đường BOT, đánh bật khỏi tay người dân vũ khí pháp lý hợp pháp để phản đối sự bất công thiếu minh bạch.

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Thủ Thiêm (phần 3, cuối)

Một vùng đất nghèo khó và khá yên bình như Thủ Thiêm (Sài Gòn) sẽ cứ lặng lặng cựa mình chuyển đổi dần nếu nó không mắc phải cái nghiệp. Nghiệp không tránh khỏi bởi nằm sát nách nội ô Sài Gòn, nơi đô thành hiện đại, hoành tráng, sôi động bậc nhất nước. Nhưng nếu chỉ có thế thì cũng chưa đủ thành nghiệp chướng, chưa bị nghiệp hành, bằng chứng là suốt trăm năm trải qua thời Pháp, thời Mỹ - Việt Nam cộng hòa (một thời gian dài vẫn bị chính quyền mới gọi là ngụy), nó vẫn cứ khá bình yên, lầm lụi với những phận đời thương khó, với nhà thấp nhỏ lè tè ẩn sau sắc xanh mênh mông của ngút ngàn dừa nước, ô rô, bần đước.

Tới khi cả nước này hăm hở kéo nhau vào sự đổi mới, mở cửa, chuyển mình từ đất đai và tài nguyên, thì nghiệp của Thủ Thiêm không còn mù mờ, ẩn hiện, sương khói ảo ảnh gì nữa, mà hiển hiện thành những thứ rất cụ thể. Vùng đất nghèo bỗng nhiên như gặp trận động đất, bị xâu xé tan tác chia lìa. Những đổ vỡ, tang thương, đau đớn, uất ức, căm giận, dồn nén, mất mát, khiếu kiện, chùa bị đập, nhà thơ bị đe phá, cây cối bị chặt, mồ mả động dời… được che giấu phía sau vẻ ngoài thay đổi bằng nhà cao chót vót mọc lên chỗ này chỗ nọ, đường sá mở mang, cầu cống nối thông kênh rạch. Người ngoài nhìn vào sẽ dễ có cảm tưởng một vùng đất thay da đổi thịt, hạnh phúc, sung sướng, thỏa mãn sự thèm thuồng mơ ước. Không phải người trong cuộc sẽ khó biết cái giá phải trả đau đớn và uất ức thế nào.

Hồi còn tòng sự ở báo Thanh Niên, tôi thân tình với một anh ở phòng kỹ thuật, Lương Quốc Hưng. Nhà Hưng bên Thủ Thiêm, nằm ngay trong vùng mà dân Sài Gòn quen gọi là bán đảo. Nhớ hồi cuối thập niên 90 gì đó, gia đình y có việc hiếu, chúng tôi kéo nhau sang thắp nén hương cho người đã khuất. Đi vào buổi tối, qua cầu Sài Gòn rồi rẽ phải, cứ vòng vèo lặn lội trong rừng cây lá mãi mới tới nơi. Ếch nhái ì ọp tưởng không bao giờ không dứt. Cả nhà cả vườn cả ruộng nhà y rộng mênh mông, phải vài nghìn mét vuông. Đủ thức cây trái, gà vịt thả đầy. Chẳng bõ cái công chạy xe gần chục cây số mới tới cơ quan, chịu tiếng dân vùng sâu vùng xa. Chúng tôi đùa gọi Hưng là địa chủ, y cười bẽn lẽn, thật thà bảo chừng ấy đất cũng chẳng bằng một cái nền nhà ống trên đường Cống Quỳnh (nơi cơ quan đóng).

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Sóng Hùng (kỳ 2, cuối)

Năm 1975, tình hình có vẻ căng hơn. Từ đầu năm đã nghe loáng thoáng sắp có đợt nghĩa vụ quân sự. Ai nấy hồi hộp chờ, liệu có tên mình. Rồi cuối tháng 3 thì văn phòng khoa thông báo danh sách những người sẽ đi đợt này. Anh Lê Quốc Lập lớp phó họp khoa xong về truyền đạt lại, lớp mình có anh Lê Văn Sơn, rồi Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Sóng Hùng, Phạm Văn Bích, có Trần Nhật Chính lớp ngữ nữa, trúng tuyển. Cả thầy Đinh Xuân Dũng dạy môn lý luận văn học cũng đi. Hình như K17 còn vài người nhưng lâu quá rồi mình không nhớ hết.

Đầu tháng 4, các tân binh tập trung ở huyện đội Thanh Trì, từ chỗ khoa văn ở Mễ Trì bên huyện Từ Liêm qua đó không xa mấy. Gần như cả lớp đi tiễn các bạn lên đường. Lâu nay cứ nghe mãi những câu “Con đường ra trận là con đường vui”, “Những ngày vui sao cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” v.v.. nhưng hôm nay thì hiểu hoàn toàn không phải vậy. Ai cũng bùi ngùi, buồn bã. Cả thầy Dũng cũng buồn. Tôi nhác thấy đám con gái nhiều đứa nước mắt lưng tròng, cứ ầng ậc chỉ chờ hồi trống giục chia ly là tràn ra. Tôi nắm tay thằng Phạm Văn Bích, cố ra vẻ ta đây lạc quan, đọc đùa cho nó nghe đoạn thơ của Tố Hữu “Tôi bảo mày đi/mày lo cho khỏe/Đừng lo nghĩ gì/Ở nhà có mé”, nhưng nó chẳng cười, nó bảo mày có nhớ bài "Lương Châu từ" của Vương Hàn không “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Nói thêm một tí, cứ như anh Sơn, thằng Đại, thằng Hùng, ngay cả thầy Đinh Xuân Dũng đã đành một nhẽ, các vị ấy đều trai tráng, khỏe mạnh, mắt mũi tinh tường, giọng nói oang oang (nhất là thầy Dũng), chứ thằng Bích bạch diện thư sinh, trông hơi to con nhưng yếu lắm, đặc biệt nó cận thị nặng, hai cái mắt kính dày như đít chai, nếu rơi kính thì chẳng khác anh mù, vậy mà chả biết hội đồng khám sức khỏe nhận xét ra sao vẫn trúng tuyển mới lạ.

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Thủ Thiêm (phần 2)

Kể sau cái đận cùng ông anh sĩ quan biên phòng đồn Nhà Rồng đứng bên bờ tây sông Sài Gòn nhìn sang mạn đông vào tháng 4.1977 ấy, vùng đất Thủ Thiêm trong tôi rất mờ nhạt, có lúc bặt hẳn đi. Cũng khá nhiều lần từ Chợ Lớn đạp xe mò lên chơi tận bến Bạch Đằng, ngắm coi những bảng quảng cáo đèn lập lòe xanh đỏ ven kia sông, thấy phía sau đám nhấp nháy ấy vẫn là màn đêm tối thẫm mênh mông. Sau tháng 4.1975 bản đồ hành chính không có quận 2, vùng Thủ Thiêm quận 2 bây giờ suốt bao năm một phần thuộc quận Thủ Đức, một phần thuộc huyện Nhà Bè. TP.HCM thời đó các quận số chỉ có 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, chưa có 2, 7, 9, 12 như hiện nay. Nhiều lúc tôi thắc mắc tại sao các bác nhà ta lại đánh số nhảy cóc thế nhưng rồi cuộc mưu sinh bận rộn, chưa có lúc rảnh rỗi lật tìm tài liệu để giải đáp sự tò mò.

Bẵng đi gần chục năm, chính xác là mãi tới năm 1985 tôi mới có dịp lần sang đất Thủ Thiêm. Chả là có ông em rể họ, Đinh Văn Thọ, thủy thủ phó tàu Thái Bình thuộc công ty vận tải viễn dương Vosco. Tàu y vừa đi Nhật về, nhưng không cập bến cảng kho 5 đường Trịnh Minh Thế - Nguyễn Tất Thành như mọi bận mà neo tận ngoài sông, phía bờ Thủ Thiêm. Hình như chuyến ấy anh em khuân đồ “sì cơn hen” Nhật về hơi nhiều, hơi lố nên bị ách lại chưa cho vào bờ, để mấy chú hải quan thuế vụ lên kiểm tra kiếm chút ít đã.

Thọ bắt đò vào bờ, khệ nệ khuân lên cho tôi một bọc quà tướng đủ món ăn chơi của bọn tư bản, những sô cô la, thuốc Dunhill, 3 số, bia Asahi, dầu nóng hiệu đại bàng, lố ly thủy tinh Nhật… Dù Thọ bảo chả đáng bao nhiêu, em chỉ cần bán con 81 kim vàng giọt lệ kia thì anh em mình ăn nhòe, nhưng thú thật những sơn hào hải vị ấy vợ chồng tôi chỉ dám ngắm cho thỏa thuê rồi sau đó đem ra ngã sáu Chợ Lớn tham gia thị trường tự do. Cái mồm mình mà ăn sô cô la, hút thuốc 3 số, thuốc Dunhill nó phí đi, trong khi hai gói 3 số ấy có thể đủ tiền mua gạo cho cả tuần. Suốt tháng vừa rồi, cả nhà chỉ có 5 ký gạo hẩm lẫn tinh hạt cỏ, số tiêu chuẩn khẩu phần lương thực còn lại bị thay bằng hạt bo bo, củ sắn, nên thèm cơm lắm. Bà xã tôi thì thầm, mỗi lần chú Thọ đi cứu nước cứu nhà về, nhà mình cũng được thơm lây, lại có mùi cơm, anh ạ.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Lưỡi bò

Dư luận nhiều khi rất không công bằng. Không ít ý kiến chê trách lực lượng chức năng ở sân bay Cam Ranh tại sao lại để người Trung Quốc mặc áo khoác khi nhập cảnh, để đến nỗi họ giấu được cả áo có đường lưỡi bò mặc bên trong.

Ai đã đi máy bay đều biết, hành khách chỉ bị cởi áo khoác khi làm thủ tục kiểm tra an ninh trước khi lên tàu bay chứ không phải cởi áo sau khi xuống sân bay bao giờ. 

Vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ khác. Tức là bọn Tàu cộng có hẳn chiến lược tấn công toàn diện ta trên mọi mặt trận, bằng mọi cách có thể, bằng mọi lực lượng. Nếu chỉ 1 người mặc áo có hình lưỡi bò thì chỉ mang tính cá nhân, nhưng đây là cả tập thể đồng phục, mặc áo và cởi áo theo hiệu lệnh, phô bày có tổ chức. Chúng không giấu diếm ý định chỉ cần xuất hiện trên đất Việt 1 phút thôi, có chụp ảnh ghi lại, thế là đạt mục đích. Chúng thừa hiểu những vi phạm như vậy sẽ bị đuổi về, bị trục xuất ngay nếu ở nước khác nhưng vẫn cứ làm bởi chúng biết đây là VN. Chúng cứ nhơn nhơn, biết tỏng nhà cai trị xứ này đang mềm mỏng, khôn khéo, không dám trị chúng thẳng tay. 

Tới thời điểm này, không hề nghe nói bọn xâm lược bằng lưỡi bò đó đã bị xử lý như thế nào. Lỗi để lọt áo lưỡi bò không phải ở mấy anh an ninh sân bay mà là ở cấp cao hơn.

Đọc báo thấy nói nhà cầm quyền ở tỉnh Khánh Hòa đang lúng túng không biết xử lý ra sao với 14 người Tàu ngang nhiên mặc áo lưỡi bò trên đất ta, lại sực nhớ cách nay hơn chục năm, có một chiến dịch của nhà nước ráo riết truy quét những công dân Việt mặc áo hoặc đội mũ bảo hiểm in chữ "Hoàng Sa của Việt Nam". Cứ ai mặc áo ấy, đội mũ ấy đi ngoài đường là bị tóm liền, bị quy là phản động, thế lực thù địch. Rồi sau vài năm, cứ anh chị nào mặc áo có hình vẽ NoU với 2 cái gách chéo phản đối đường lưỡi bò của Tàu cộng cũng đều bị công an theo dõi, làm khó, thậm chí quy là thế lực thù địch, cho rằng mượn cớ yêu nước để chống đối chế độ.

Nói chung, chống Tàu xâm lược vi phạm chủ quyền Việt Nam rất khó, bị coi là nhạy cảm. Hình như chỉ cán bộ, đảng viên mới được thực hiện quyền này, còn dân phải đứng bên lề cuộc yêu nước khi nhà cai trị chưa cần tới xương máu họ.

Cuộc đời như sân khấu bi hài.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Sóng Hùng

Tút này gửi riêng cho nhóm K17 (mà hiện tại tớ không vào được bởi FB cũ bị khóa đóng, tớ là quản trị viên (admin) duy nhất của nhóm nên giờ không ai có thể kết nạp cho tớ, đúng là dao sắc không gọt được chuôi), gửi các anh chị Triều Nguyệt, Lê Thanh Nga, Minh Hue Nguyen, Nhật Chính Trần, Ta Van Thong... nhờ các anh chị chuyển vào trang K17 giùm. Xin cảm ơn ạ.

Chẳng ai khác, chính bác Trần Nhật Chính lớp Ngữ nhắn tin cho mình xin số điện thoại của đại ca Trần Triều Nguyệt, rằng Thông ơi cho tớ số anh Nguyệt, thằng Sóng Hùng nó cần liên lạc với anh ấy.

Trời, nghe Chính nhắc tới cái tên mà cả lớp đã bị bặt hơn nửa thế kỷ, tôi thoáng rùng mình bởi không ngờ. “Thằng” Sóng Hùng, Nguyễn Sóng Hùng, lâu nay K17 vẫn biết nó còn sống (chứ nếu chết thì đã um lên rồi) nhưng cả đám không đứa nào lần mò ra manh mối nó, chẳng biết nó phiêu bạt chốn đâu. Nước nam ta nào có rộng dài gì cho cam, mỗi tỉnh thành đều bé như mắt muỗi, có trốn cũng chả thoát, nói chi đời lưu lạc. Phải có ai đó, lúc nào đó phát hiện ra nó chứ, chẳng hạn ở quán cà phê, nơi bến tàu bến xe, ấy nhưng gần nửa thế kỷ đã trôi qua, mấy lần họp lớp xôm tụ hoành tráng vẫn vắng Sóng Hùng.

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Hộp đen

Một nhà khoa học nổi tiếng của đất nước, Giáo sư Phan Đình Diệu vừa ra đi. Nói theo văn mẫu, đối với nền khoa học nước nhà, "tổn thất này vô cùng lớn lao, đau thương này thật là vô hạn".

Trong số những nhà khoa học lừng danh miền Bắc mà thế hệ 5X tôi biết, những là Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Hiệu, Phan Đình Diệu, Vũ Tuyên Hoàng... thì cụ Diệu kín tiếng cá nhân nhất bởi cụ không thích lập thân chốn quan trường. Tôi không dám chê bai gì các cụ kia bởi cụ nào cũng giỏi, nhưng phải nói cứ dính tí quan trường là uy tín khoa học bị kém ngay, con mắt người đời nhìn vào không còn ngưỡng mộ như trước nữa.

Cụ Tứ thời tôi còn sinh viên là Bí thư đảng ủy, Hiệu phó trường tôi (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội). Cụ được tiêu chuẩn xe Volga trắng, trong khi cụ Hiệu trưởng Ngụy Như Kontum chỉ được diện xe Moskovic. Sau đó cụ Tứ được cất nhắc lên ủy viên trung ương, làm Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp thay cụ Bửu, rồi tới đại hội 8 năm 96 được bầu vào Bộ Chính trị, tuy nhiên cụ chưa được ngồi ghế nóng ấy phút nào, đơn giản vì cụ mất đột ngột nhưng 2 hôm sau người ta vẫn cứ máy móc bầu cụ bởi danh sách lựa chọn nhân sự đã được các ông Lê Phước Thọ, Nguyễn Đức Tâm, kể cả ông Lê Đức Thọ đã chết, và đảng duyệt. Lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đảng độc quyền cai trị xứ này đã bầu một người chết vào bộ chính trị.

Cụ Hiệu cũng diện vua biết mặt chúa biết tên. Thời sinh viên, chúng tôi nghe rằng cụ là số 1 về vật lý lý thuyết xứ ta (tất nhiên lúc đó chỉ giới hạn ở miền Bắc), và khiếp nhất ở chỗ cụ nghiên cứu tại Viện vật lý hạt nhân Dubna lừng lẫy bên Liên Xô. Ngày đó, ai dính tới hạt nhân cũng đều khiếp bởi chỗ ấy chỉ dành cho những bậc phi thường. Mình loại cú đỉn suốt đời chỉ cắm mặt vào hạt gạo củ khoai, làm sao mà tưởng tượng nổi hột nhưn nó như thế nào. Cụ Hiệu sau nữa rất nhiều khóa được đảng trưng tập vào trung ương, giữ chức này chức nọ oai lắm. Thời cụ phỉ chí chưa có cách mạng mấy chấm như kiểu 4 chấm 0 bây giờ nhưng do ông Lê Duẩn phán rằng "khoa học kỹ thuật là then chốt" nên cụ Hiệu cũng được đà bay lên.

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Chuyển lửa

Sáng nay 13.5 bác cả Trọng với tư cách đại biểu quốc hội đi gặp gỡ tiếp xúc cử tri.

Phải công nhận cụ này khỏe. Mấy hôm vất vả săm sắn như thế, hôm qua còn đọc cái văn bản chốt hội nghị dài hơn nửa tiếng đồng hồ, mặt vẫn tỉnh như không, tôi phải thốt lên rằng tôi chịu cụ. Được, sâm nhung quế phụ tẩm bổ thế nào tôi không biết, nhưng sức đó là thứ chứng minh thuyết phục nhất. Phen này cụ còn chiến đấu dài dài, đám XYZ còn lo ngay ngáy chuẩn bị lên thớt, vào lò.

Phải công nhận vừa dứt họp xong đi tiếp xúc cử tri ngay là cụ cực khôn. Vừa thời sự nóng hổi, tha hồ nói, vừa dễ lấy lòng đám đông đang háo hức nghe chuyện chính trị mà quên cả những âu lo thường nhật. Thật là nhất cử tam tứ tiện.

Một bác cử tri quân xanh quân đỏ gì đó đề nghị lò trung ương đã nóng, lửa cháy rừng rực, đề nghị đảng nên cho chuyển lửa về các địa phương. Bác cả gật đầu, hứa sẽ chuyển nhanh đốt nhanh. 

Tôi cho rằng cái sự hỏi và trả lời đó có thông điệp rõ ràng. Ối anh ở các tỉnh thành (địa phương) đang ngồi trên đống lửa, nhất là TP.HCM, Thanh Hóa, Đồng Nai, rồi thậm chí cả Phú Quốc, Vũng Tàu, quận 2... những địa phương đang nóng.

Chuyển lửa về đó, thực ra không cần chuyển, lửa những nơi ấy đã quá nhiều, chỉ cần quạt gió vào thôi, cho cháy bùng lên.

Chỉ hơi lăn tăn. Nghe đề nghị chuyển lửa về tỉnh, lại sực nhớ cái hồi đi đâu cũng thấy các bác ấy tuyên truyền chống lại những cuộc "chuyển lửa về quê nhà". Nhìn Việt kiều về nước giống như nhìn đám thù địch, rất đáng ngờ. Hình như đứa nào cũng giấu bùi nhùi hộp quẹt trong túi áo, trong hành lý. Lửa thì dứt khoát phải ngăn phải dập, nhưng chuyển tiền thì được. Tiền, càng nhiều càng ít, bao nhiêu cũng không đủ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Tự diễn biến

Hồi những năm đầu thập niên 80, giờ không nhớ cụ thể năm nào, một hôm GS Nguyễn Mại (Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư) tới trường tôi nói chuyện. GS nói nhiều thứ, nhưng tôi nhớ nhất là bác ấy liệt kê trên thế giới có 3 anh lì lợm, coi trời bằng vung, chả sợ ai, đó là Việt Nam, Israel, Nam Phi.

Nam Phi bị cả thế giới lên án về việc duy trì chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid nhưng nó cứ trơ ra, chả chịu thay đổi. Israel thì bé cỏn con mà nay đánh nước này, mai trêu nước khác, LHQ mắng mỏ cũng cứ như thằng điếc. Còn VN, Mỹ cứ cấm vận, ta cứ hiên ngang xốc tới, Trung Quốc mò sang bị ta quất cho tơi bời... Cả hội trường vỗ tay rầm rầm.

GS Mại chốt lại rằng trong 3 anh hùng nhất khoảnh ấy, chỉ có ta chính nghĩa ngời sáng, còn hai anh kia là dạng chí phèo, nói theo kiểu bây giờ là xách dép cho ta. Vài năm nữa, như đồng chí Lê Duẩn tiên đoán, ta sẽ vượt Nhật, sánh ngang với Liên Xô, khi ấy Mỹ lại chả năn nỉ ta cho bình thường hóa chứ ở đó mà làm eo làm sách. Lại vỗ tay. Khoái lắm. Tôi nói với thầy Vy ngồi bên cạnh, giá như mỗi tuần bác Mại về nói chuyện một lần thế này thì anh em mình giác ngộ mau phải biết.

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Thủ Thiêm

Có lẽ tra trên Gu gồ thời điểm này, Thủ Thiêm là từ nóng sốt nhất. Nóng cháy mạng.

Thằng con tôi bình luận toàn dân đang quan tâm đến những gì đã và đang xảy ra ở Thủ Thiêm. Giống như người ta từng hồi hộp, lo âu, buồn đau theo dõi những thứ diễn ra ở tỉnh Thái Bình năm 1997, Tiên Lãng Hải Phòng năm 2012, Dương Nội Hà Đông năm 2013, Văn Giang Hưng Yên năm 2014, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở Hà Nội năm 2017... Những trang sử viết bằng đất thấm máu và nước mắt người dân cứ nối ngày một dày, không biết bao giờ mới chấm dứt. Tất cả đều xảy ra dưới chính thể treo câu slogan “của dân, vì dân, cho dân, do dân” được cả bộ máy cai trị tụng niệm hằng ngày. Đổ bao nhiêu xương máu cốt xóa được một đồng Nọc Nạn nhưng sau đó lại sinh ra muôn nghìn đồng Nọc Nạn khác.

Tôi tận mắt thấy Thủ Thiêm cách nay vừa đúng 41 năm, hình như hơi bị sớm so với nhiều người bắc. Chả là cuối tháng 4.1977 tôi khăn gói ba lô (toàn bộ hành trang chỉ có một chiếc ba lô lép kẹp, đựng 2 bộ quần áo, cái màn đơn và chăn đơn, vài quyển sách quý) xuống tàu biển khách Thống Nhất trực chỉ Sài Gòn. Lên bến Nhà Rồng được ông anh trung úy biên phòng Nguyễn Quốc Vương bạn của anh trai tôi đón, cho tắm rửa ăn uống tử tế, sáng hôm sau đưa đi một vòng chiêm ngưỡng Sài Gòn hoa lệ trước khi về nơi nhận việc. Tôi khoác ba lô ngồi sau ba ga, hai anh em rong ruổi xe đạp trên đường Hàm Nghi, vòng tới chợ Bến Thành, ngược lên đường Nguyễn Huệ, ra bến Bạch Đằng. Chỉ cái cột cao cao, anh Vương bảo đó là cột cờ Thủ Ngữ, nhích xuống dưới tí nữa là bến đò Thủ Thiêm. Ngó sang bên kia sông, anh nói đó là Thủ Thiêm, đò nối sang bên ấy. Ôi cái con đò Thủ Thiêm mà tôi từng được nghe từ hồi nảo hồi nào.

Tôi ngắm Thủ Thiêm trong lúc mặt trời đã lên hơn con sào, cả một vùng mênh mông chỉ um tùm cây cối xanh ngắt, vài ba căn nhà thấp lè tè, đường ven sông thưa thớt người đi. Giống như một vùng đất bị bỏ hoang, đất chết, thiếu sinh khí. Thật lạ, bên này, bờ tây sông Sài Gòn nhà cao cửa rộng, lô nhô chọc trời, phố phường xe cộ người ngợm chen chúc đi lại nườm nượp như mắc cửi, còn bên kia, chỉ cách một con sông rộng gần 200 mét lại là xứ đìu hiu xơ xác nghèo nàn thảm hại. Anh Vương bảo bên ấy là đất của Việt cộng, làm sao mà phát triển như bên này được. Phải công nhận Việt cộng giỏi, bám ngay sát nách thủ đô mà chính quyền Sài Gòn không làm gì được. Giờ bần thần nhớ lại lời bác cựu sĩ quan biên phòng, sực nghĩ hóa ra dân bên ấy phần lớn đều có công với cách mạng cả, họ đã chở che mấy anh giải phóng, biệt động, đặc công; nay con cháu thế hệ kế tiếp mấy anh lại xuống tay chiếm đất đuổi họ ra khỏi nơi đã “che bộ đội, vây quân thù”. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Đồng chí

Hôm kia, đọc bản tin của Thông tấn xã nhà nước thấy có câu, đại loại "xét sai phạm của đồng chí Đinh La Thăng, trung ương biểu quyết khai trừ đảng đồng chí Đinh La Thăng".

Nghe họ nói với nhau bằng đồng chí, thú thực tôi giật cả mình. Sức nhớ hồi nẳm có được đọc cuốn "Đêm giữa ban ngày" của bác Vũ Thư Hiên Thư Hiên Vũ, rồi sau có nghe tận tai từ bác Trần Đĩnh kể lại (cả bác Hiên và bác Đĩnh đều là người trong cuộc cái gọi là "vụ án xét lại chống đảng") thì từ "đồng chí" thiêng liêng và ghê gớm lắm.

Bác Hiên và bác Đĩnh kể rằng, khi công an của các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Lê Quốc Thân... tới tận nhà bắt cụ Vũ Đình Huỳnh (cụ Huỳnh là thư ký lâu năm, trợ lý thân tín, gần gũi của cụ Hồ, là cha ruột ông Vũ Thư Hiên), cụ Huỳnh thấy họ xô đẩy dữ quá, liền ôn tồn bảo "các đồng chí thư thả, cho tôi vào ôm hôn các con tôi, để từ biệt các cháu". Một đồng chí công an quát lên "Đi ngay, ai đồng chí với mày", đẩy dúi cụ Huỳnh ra cửa, không cho vào từ biệt vợ con. Một người từng vào sinh ra tử, suốt bao năm là đồng chí với cụ Hồ lặng người đi sửng sốt, không tin ở tai mình. Sau này được đảng và nhà nước "mở lượng khoan hồng" tha về, cụ Huỳnh tâm sự với các con và bạn bè "ngày xưa tôi từng bị mật thám Tây nó bắt mấy lần nhưng cũng chưa khi nào nó đối xử độc ác khốn nạn như thế".

Và có điều, cụ Huỳnh bị bắt oan nhưng chả thấy người ta lên tiếng bênh vực. Rõ ràng là cụ bị oan, bởi sau này chính nhà nước còn truy tặng cho cụ huân chương Độc lập.

Nghe các đồng chí ấy cư xử với nhau tại hội nghị 7, tôi lại sực nhớ sự giật thột ngỡ ngàng của cụ Huỳnh năm ấy.

Nếu ai còn thắc mắc chuyện này có thật không, xin hãy hỏi con trai cụ Huỳnh, nhà văn Vũ Thư Hiên Vũ, ông hãy còn sống, như một nhân chứng xác thực.

Nguyễn Thông 

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Thế thượng phong

Tính tới tháng 5 này, vừa tròn 50 năm Hội nghị Paris về Việt nam. Sau nửa thế kỷ, có những thứ vẫn chập chờn trong ký ức.

Hồi bắt đầu hội nghị Paris về Việt Nam năm 1968 tôi đang học lớp 7, lớp cuối cấp của hệ phổ thông 10 năm. Tuổi ấy chưa hẳn khôn ngoan hiểu biết gì nhiều nhưng cũng đã rạo rực khi ngồi bên cô bạn gái cùng lớp cơ thể đang mỗi ngày mỗi khác, biết lắng nghe thông tin từ nhiều phía về cuộc chiến tranh. Nghe người nhớn nói với nhau bọn Mỹ ngụy bị ta đánh cho tơi tả, chịu không nổi phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán thì hơi ngờ ngợ nhưng thú thực là khoái lắm. Thậm chí sướng vô cùng. Sắp kết thúc chiến tranh rồi.

Hai phía bốn bên cùng bàn bạc cách kết thúc sự thù địch, “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, ai mà chẳng thích. Tôi hình dung ra ngay sắp tới các anh trai cày làng tôi sẽ không phải vào bộ đội, không phải ra trận nữa, nghĩa trang liệt sĩ không cần mở rộng theo kế hoạch nữa, huyện đội và ủy ban xã không phải vất vả khó xử khi trao giấy báo tử cho gia đình ai đó nữa. Rồi trận địa tên lửa ở Mả Đò lại đêm đêm chiếu phim miễn phí cho dân làng tới xem. Hết cảnh đám máy bay Mỹ từ hạm đội 7 hằng ngày theo cửa sông Văn Úc bay vào cứ nghễu nghện lừng lững qua bầu trời làng, như vào chỗ không người. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Bắt đầu từ hội nghị Paris.

Ấy, lòng trẻ thơ sớm bị già dặn bởi chiến tranh cứ ngổn ngang trăm mối, hồi hộp, mừng vui, chờ đợi như vậy. Nghe thơ Tố Hữu, “sức ta là sức thanh niên/thế ta là thế đứng trên đầu thù” thấy hởi lòng hởi dạ. Những thông tin ít ỏi về tiến trình hội nghị Ba Lê (mấy cán bộ huyện, xã khi tuyên truyền trong đám dân chúng thường gọi như vậy) qua báo Nhân Dân, đài tiếng nói Việt Nam và cán bộ (chỉ có 3 kênh ấy thôi) khiến ai cũng tự hào. Bọn đế quốc và tay sai đúng là loài dơi hốt hoảng bay trong đêm tàn, còn bên ta oai vệ, hiên ngang, ngẩn cao đầu. Có cảm giác phái đoàn của ông Xuân Thủy, của bà Nguyễn Thị Bình đã đè bẹp bọn Harriman, Trần Văn Lắm từng giờ từng phút, không cho chúng ngóc đầu dậy. Hòa bình ơi, mi đang ở trong tầm tay, do công lao của những người cộng sản miền Bắc.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Khen lố

Báo chí và dân chúng cực kỳ nhẹ dạ. Vừa nghe bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong cuộc gặp gỡ cử tri ở Cần Thơ (ngày 2.5.2018) nói những lời có cánh là vội vỗ tay, khen nức nở. Tôi thấy cả có gì phải khen.

Trước hết, bà ấy nói "chống tham nhũng không có vùng cấm, dù cấp tướng, ủy viên trung ương, ủy viên bộ chính trị... nếu vi phạm cũng bị xử lý nghiêm" là nói về những người, những việc đã xảy ra chứ có phải chuyện sắp tới đâu. Té nước theo mưa, nói vuốt đuôi như vậy, ai chả nói được. Giả dụ bà ta nói rằng nếu chủ tịch nước, thủ tướng, cựu thủ tướng mà vi phạm cũng sẽ bị xử lý nghiêm thì mới đáng được nhận cái vỗ tay.

Tiếp nữa, những câu vùng cấm vùng kiếc như thế, dân nghe mãi cũng chán rồi, tới bây giờ vẫn chỉ biết lên giọng điệu đó, chứng tỏ chỉ như con vẹt, hay ho gì mà khen.

Đó là tôi chưa bắt lỗi bà này còn xưng xưng nói với cử tri rằng "quốc hội chúng tôi", quốc hội là quốc hội, của toàn dân chứ quốc hội nào của riêng ai, của người nào mà dám lôi "tôi, chúng tôi" vào. Đầu óc như thế mà đứng đầu quốc hội thì quả thật đại bi kịch.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

Que diêm Cai Lậy

Tôi vừa có dịp đi qua trạm BOT trấn lột nổi tiếng Cai Lậy. Xuống sâu miệt miền Tây Nam Bộ, theo lối đường bộ tới thời điểm này thì chỉ có mỗi cách rong ruổi trên quốc lộ 1 và bắt buộc phải qua trạm Cai Lậy. Người ta gọi đó là độc đạo. Trên ngả đường độc nhất ấy, nếu đứa nào đó điên khùng chặn lại một chỗ là huyết mạch bị nghẽn ngay, giống như những bệnh nhân bị chứng mỡ máu, tự dưng có cục mỡ chẹn động mạch lại, máu không được lưu thông nuôi cơ thể, chỉ còn nước chờ chết.

Gớm, người đâu mà lắm thế. Xe nối đuôi nhau dài vài cây số là chuyện thường. Từ ngã ba Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) tới bên kia cầu Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long), thời điểm đầu lễ 30.4 chịu cảnh tắc chiều về, cuối lễ lại tắc chiều lên Sài Gòn. Xe nhích từng mét. Nắng chang chang. Đội lửa để đi chơi, hãi thật.

Tôi về quê không phải ham vui lễ liếc gì. Có việc nhà nên phải mò ra đường. Khổ nỗi lại trúng vào dịp lễ trọng nên đành đày cái thân tội nợ. Nhưng cảm thấy lâu lâu cũng cần tự bốc mình ra khỏi miếu thổ công để giải ngố. Và nay lại có dịp băng qua Cai Lậy, ngó cái số phận trạm BOT nổi tiếng kia.