Trang

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Nhân chuyện "Dư âm", nhớ lại...

Cụ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vừa qua đời, thọ 94 tuổi. Trong đội ngũ sáng tác nhạc sau cách mạng tháng 8 đứng về phía “cách mạng” thì cụ là nhạc sĩ nổi tiếng, thậm chí thuộc hàng top 5, top 10 của nền nhạc này.

Cụ Tý từng được giải thưởng Hồ Chí Minh của chế độ năm 2001, còn được xét trao trước cả nhạc sĩ Phạm Tuyên, không cần phải đặc cách, ưu tiên, xin xỏ gì. Ngay cả giai thoại cụ có dính tới nhóm Nhân văn giai phẩm cũng không ảnh hưởng bao nhiêu tới việc xét giải, mà thực ra, theo như tôi biết, cũng chả dính bao nhiêu. Bây giờ, trong mắt và suy nghĩ của dân chúng, những văn nghệ sĩ Nhân văn giai phẩm có thể được xem như những anh hùng, những con người có khí tiết, tử tế, đáng kính trọng nhất của một thời bi kịch văn nghệ.

Hôm trước, trong cuộc tụ họp vui vẻ nhân lễ Giáng sinh 2019, mấy anh em chúng tôi ngồi với nhau theo lời mời của CEO Công ty du lịch Hoàn Mỹ - anh Nguyễn Thế Khải, có cả người con rể của GS toán Đặng Đình Áng. Nhân nhắc tới GS Áng, lại quành sang người anh ruột cụ Áng là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, một “nhân văn giai phẩm”, cha ruột của tay đàn piano lừng danh Đặng Thái Sơn. Cụ Hưng cũng một thời chìm nổi, khổ vì cái tội “nhân văn”, cuối đời may nhờ ông con nổi danh mà bớt phần nào khốn khó. Một đàn anh của tôi trong nghề, anh Nguyễn Khắc Nhượng, người rất mê Nhân văn giai phẩm, tôi từng nghe anh đọc thơ Hoàng Cầm nhiều bài không sót một chữ, anh bảo trong những người có khí tiết thời ấy tớ chỉ phục nể nhất cụ Hữu Loan, dứt là dứt hẳn, chứ ngay cả Nguyên Hồng có giận dỗi bỏ về Yên Thế vẫn còn chút lừng chừng, còn những vị kia về sau đều ít nhiều “tự diễn biến” không được như cốt cách ban đầu. Có nhẽ trong số “những vị kia”, anh Nhượng gộp cả những người như Đặng Đình Hưng, Nguyễn Văn Tý, tất nhiên có cả Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao… Tôi thì tôi nghĩ, ẩn trong cái dấu 3 chấm kia chắc không có những tên tuổi Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán.

Chuyện xưa và nay về mây đen

Hồi những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước (ối giời, thế kỷ trước, nghe cứ như chuyện thời xưa, xa xôi quá), đã từng xảy ra chuyện này, tạm gọi chuyện xưa.

Khi ấy, chả biết quan hệ “Mối tình hữu nghị Việt Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”, đồng chí lục đục, anh em môi răng cắn nhau thế nào, nhưng quan hệ trở nên xám xịt. Hai bên chửi nhau tố nhau còn hơn hàng tôm hàng cá, ầm ĩ như đám mổ bò. Kỹ năng bôi xấu được nâng lên thành nghệ thuật. Phe ta còn ra cả cuốn sách trắng, phô bày trắng phớ thực chất cái gọi mối tình ấy, tên “Sự thật về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc” do Nhà xuất bản Sự Thật của đảng xuất bản (cái logo của nhà xuất bản là ST, bọn tếu táo đùa gọi thành Sờ Ti, Sờ Tí). Biết bao nhiêu điều giấu kín thì nay phanh phui ra hết. Ai muốn coi cuốn đó nội dung thế nào, cứ lên mạng hỏi bác Gu Văn Gồ. Tất nhiên bên Tàu cộng cũng chả vừa, sách báo đài cứ ra rả tố cáo tiểu bá Việt Nam, nào ăn cháo đá bát, nào vô ơn, nào xâm lược, về sau lại còn lôi cả ông Hoàng Văn Hoan lên đài Bắc Kinh nói suốt ngày này tháng nọ cho có vẻ người thực việc thực. Vụ này, cụ thiếu tướng đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh là rõ, tường tận nhất, nhưng cụ lại vừa qua đời thọ 104 tuổi mất rồi, chẳng biết có để lại di cảo gì không.

Té ra các bố cứ đồng chí đồng chiếc, nhưng tinh dững cầm dao đâm nhau, càng đồng chí càng đâm tợn. Chỉ khổ dân, cả dân Việt lẫn dân Hoa.

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Hương quê

Thiên hạ viết về quê hương đã nhiều, quá nhiều. Nếu chỉ cân số chữ chắc sơ sơ cũng phải nặng bằng núi Trà làng mình.

Hồi học văn học Trung Quốc, mình rất thích bài Trường Can hành của Thôi Hiệu mà thầy Lê Đức Niệm giảng, rằng “Gia lâm Cửu Giang thủy/Lai khứ Cửu Giang trắc/Đồng thị Trường Can nhân/Sinh tiểu bất tương thức” (Nhà anh ở bến Cửu Giang/Bên con sông ấy anh thường lại qua/Trường Can cùng quán đôi ta/Xa nhau từ nhỏ hóa ra lạ lùng - Ngô Tất Tố dịch). Chả là hôm mình về quê, lên chợ ông Ỷ mua mớ rau, mình chào cô bạn cũ nay cũng ngoài 60, “nó” sững sờ mãi mới nhận ra, nói nhỏ như gió thoảng “anh đã về”. Trả tiền mua rau, nhất định không lấy, sau còn cho thằng con đem biếu bác ký khoai tây ăn để nhớ hương vị quê nhà.

Trường Can ấy chính là làng Trà (tức thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), cố hương thân yêu của mình. Ai đó hát rằng “thiếu quê hương ta về đâu”, mình thì chả thiếu, chỉ hơi bị ít về thôi. Làm lụng cả đời, giờ lo mỗi chuyến đi về thăm quê sao vẫn thật khó khăn.

Về lần này, đủ mọi dự định. Nào việc họ, cúng tổ, khánh thành nhà thờ họ. Suốt 42 năm qua, mới lại cùng họ mạc cúng tổ. Vắng thưa thế là quá lâu rồi. Bề trên đã đi gần hết, chỉ còn lại mấy bà chị đều trên dưới 80, mái tóc như sương. Gặp nhau vui vẻ, mừng tủi, ấm áp. Sống giữa tình quê thật mặn nồng, tâm hồn nhẹ nhõm.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

Luật, dân đen và quan

Hồi tháng 10 năm ngoái, một người dân ở Cần Thơ có tờ 100 USD đem đến tiệm vàng đổi, bị người nhà nước bắt quả tang, bị phạt 90 triệu đồng theo đúng quy định pháp luật về ngoại tệ.

Thằng dân đen ấy không kêu vào đâu được, chỉ nhờ có dư luận, báo chí mà được giảm mức phạt, nhưng 100 USD thì bị cướp trắng. May mà nhà nước không bắt đi tù, chứ nếu bắt thì cũng căn cứ vào luật, khỏi cãi.

Ở xứ ta, pháp luật chỉ dành cho dân, những hạng thấp cổ bé miệng, dân đen. Bọn quan, nhất là quan trung ương, thì đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Rất khốn nạn.

Tòa đang xử đám Son Tuấn. Tôi chưa từng thấy cơ quan điều tra của công an, viện kiểm sát và tòa có ý kiến gì về việc hai tên này vi phạm pháp luật khi một đứa có tới 3 triệu, một đứa 200.000 đô la. Cứ cho là không phải của tham nhũng đi (như chúng chối) thì ở đâu mà có, mua bán thế nào, đã xài vào việc gì... không hề nhắc đến.

Chỉ riêng có được số đô la bất minh ấy cũng đủ khép tội chúng về vi phạm quy định ngoại tệ rồi, cần chó gì xử tham mí chả nhũng.

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Tòa

-Tòa xử vụ AVG-MobiFone nói đám Son Tuấn và đồng bọn gây thiệt hại của nhà nước gần 6.600 tỉ đồng, theo tôi là có căn cứ. Có người bảo thiệt đâu mà thiệt, số tiền ấy thằng Vũ AVG nó trả lại hết rồi. Xin nhắc lại, nếu vụ mua bán không vỡ lở thì thằng Vũ có trả không, còn bọn Tuấn Son lại chẳng ăn ngập mặt nữa, chứ ở đó mà bao che cho nó.

-Luật pháp quy định tội tham nhũng rất rõ, tới nay vẫn có hiệu lực. Đám này lẽ ra cứ căn cứ vào luật, phải bắn hết, nhưng nếu tòa có căn cứ vào chính sách nhân đạo này nọ, xét ABC này nọ mà tuyên án bỏ túi vớ án vẩn thì nên dẹp ngay tòa từ bây giờ, khỏi mất công xử xiếc.

-Tay Tuấn từng thét ra lửa, vậy mà ra tòa quá hèn, chối này chối nọ, quẩn quanh. Ai cũng biết y chính là đầu vụ mua bán ma quỷ này cùng với Son, vậy mà giờ chối không biết. Chữ ký còn rành rành, vẫn chối được, bố khỉ.

Hang đá

Cứ theo lịch sử Thiên Chúa giáo (còn gọi là đạo Gia Tô) thì Đức Chúa Jesus (Giê Su) sinh ngày 25.12, cách nay 2019 năm. Ngày sinh của ngài đã được cả nhân loại thừa nhận là khởi thủy, mở đầu cho công lịch, dù rằng thế giới cũng tồn tại song song Phật lịch (Phật đản) hoặc lịch Hồi giáo (ngày của thánh Muhammad)…

Dẫu mỗi người chúng ta theo hay không theo đạo Gia Tô, không thờ Đức chúa Jesus thì đạo của ngài vẫn gắn bó với mỗi người, ít nhất là ngày tháng năm sinh được ghi trong giấy khai sinh, chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu, lý lịch, v.v.. đều căn theo lịch tính ngày tháng năm liên quan tới ngày sinh của ngài.

Hôm nay 13.12, tức còn 12 ngày nữa mở lễ Giáng sinh. Sinh có nghĩa là sinh đẻ, sinh ra; giáng nghĩa là từ trên rớt xuống, bay xuống. Tiên giáng trần là tiên từ trên trời hạ xuống trần gian, xuống cõi trần tục của người đời. Vua (bệ hạ) giáng lâm để nói về con người có uy như thần thánh xuống chốn nhân gian vậy. “Giáng thế” nghĩa là thánh thần tiên phật bụt xuất hiện trên thế gian cứu giúp chúng sinh. Chúa Jesus sinh ra ở trên đời bởi Đức Chúa Trời cử xuống che chở cho con người, nên gọi cuộc sinh nở này gọi là Giáng sinh.

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Chả ra làm sao

Xứ này đầy chuyện ngược đời, nhố nhăng, chả ra làm sao. Nhưng chết nỗi chúng cứ nhơn nhơn bày ra trước mắt bàn dân thiên hạ, cứ được tâng thơm bốc giời, bắt người khác phải khen, phải chấp nhận, thần phục. Đó là bi kịch. Bi kịch của cái dở cái ác thắng cái hay cái phải.

Hai hôm nay (11 – 12.12.2019), có một “sự kiện” ít người để ý, ngoại trừ những người sinh ra nó, được chấm mút quyền lợi từ nó. Đó là đại hội của những người trẻ, có tên gọi Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam. Một vài ông to, trong đó có ông Trần Quốc Vượng nhân vật số 2 và ông Nguyễn Xuân Phúc nhân vật số 3 của triều đình, tới dự, răn dạy, khen ngợi, chỉ đạo, ràng buộc, giống như xưa nay các vị ấy thường làm. Cứ như lời người trong cuộc, thì hội này là tổ chức tuyệt đối không thể thiếu đối với người trẻ xứ ta.

Theo điều lệ và trên thực tế, hội thanh niên là nơi tập hợp tất cả các tổ chức và cá nhân thanh niên Việt. Dưới nó, trong nó là đoàn thanh niên, hội sinh viên, hội doanh nghiệp trẻ, v.v.. Ấy nhưng đó chỉ là lý luận, lý thuyết, bởi trên thực tế, cái gọi là đoàn thanh niên mới nắm thực quyền. Hội thanh niên chỉ là thứ bung xung, đoàn sai bảo gì nó cũng phải làm theo. Nực cười ở chỗ, sinh con rồi mới sinh cha/sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Đứa là con, nhưng nó sai phái chỉ đạo, cứ cun cút làm theo nó, cấm cãi.

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Người phố Bần (dành cho K17)

Mỗi năm, trên phây búc (Facebook), phần mềm quản trị tự động lại nhắc “Hôm nay là sinh nhật của Lê Thanh Nga”. Hôm nay mà phây búc nói, đó là ngày 26.11, tức… hôm nay.

Viết về bạn Nga, tôi đã tốn mấy cây bút bi rồi, mòn hết một bộ bàn phím rồi, cũng đã đăng lên trang nhà K17 đôi lần rồi, kể cả trang cũ lẫn trang mới. Viết nữa, sợ có ai đó bảo sao mày kể lể về “nó” nhiều thế. Nhưng giời ạ, tôi lẩn mẩn thêm là bởi có lý do riêng của mình.

Cho tới nay, tôi vẫn cực kỳ ấn tượng về cái địa danh quê bạn ấy, Bần Yên Nhân. Hồi xưa, thời chúng ta còn K17, mỗi lần đi về tuyến đường 5 Hà Nội - Hải Phòng, tôi đều phải qua Bần. Gần Bần là nông trường Tam thiên mẫu (rộng ba nghìn mẫu), là đại thủy nông Bắc Hưng Hải, là phố Nối… nhưng tôi chỉ nhớ, chỉ chú ý tới Bần. Cứ mỗi lần xe qua, ngồi lèn cá hộp trong cái xe khách Thống Nhất tòng tọc chạy long sòng sọc, hành trình có trăm cây số nhưng hơn nửa ngày mới tới nơi, mỗi khi tới gần phố Bần là tôi phải cố quay nghiêng quay ngả, thò bằng được cổ cò ra ô cửa xe đầy bụi, để ngắm phố Bần, để nhìn cho được hiệu ảnh đơn sơ trong ngôi nhà ngói hai tầng ven phố, lòng thầm bảo nhà Nga đây, nhà Nga đây.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Thương thời thiếu thốn (kỳ 2)

Nhớ hồi cách nay chưa lâu, khi cuộc sống đã khá hơn so với thời bao cấp, cứ có dịp dăm bảy đứa ngồi túm tụm với nhau, trà lá bia bọt, chuyện trên giời dưới bể chán chê, thế nào cũng có ông phun ra, rằng bây giờ thế này, chứ dạo ấy sao mà khốn nạn thế. Người ta thường gọi đó là ôn nghèo kể khổ, là bần cố nông hồi tưởng lúc cơ hàn. Kể xong, rùng mình bảo, sống được tới lúc này quả thật kỳ công.

Ở phần đầu (kỳ 1), khi kết thúc, tôi có biên rằng người dân miền Bắc cắn răng chịu đựng sự thiếu thốn suốt mấy chục năm trời và họ đã chờ được đến ngày thống nhất 1975. Và rồi lòng ai nấy lâng lâng niềm hy vọng sẽ đổi đời, ít nhất thì tiếp cận được cuộc sống vật chất mà họ suốt bao năm không dám khao khát. Đó là khi họ nhìn dòng hàng hóa từ miền Nam chảy ngược ra Bắc. Cũng phải thôi, buổi giao thời, người ta đang cần thứ mình thiếu, “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Chưa thấy cuốn sử chính thống nào dám ghi câu đúc kết đặc sắc ấy. Kể cả câu “Hoan hô Hồ Chí Minh, mua cái đinh cũng phải giấy. Đả đảo Thiệu - Kỳ, muốn cái gì cũng có”, người ta truyền tai nhau ngay sau khi bên thắng cuộc tràn vào Sài Gòn có mấy tháng.

Tôi chỉ dám biên kể ra đây những điều chính mình chứng kiến, mắt thấy tai nghe. Tất nhiên trong sự thực ngồn ngộn ấy, thứ mà mình biết chỉ như một vài nét khắc của lịch sử, của cuộc sống kéo dài mấy chục năm. Rồi sau này có những nhà tiểu thuyết trường thiên, họ sẽ ghi lại đầy đủ.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Không chửi mới lạ

Tối hôm qua, ông bà tử tế nào coi tivi mà không chửi, không văng tục thì tôi cứ đi bằng đầu.

Chả là, lúc 8:15 pm 26.11.2019 trên VTV1 có tiết mục Xây dựng đảng. Một đám giáo sư tiến sĩ, chủ nhiệm khoa, giám đốc viện... lên thuyết giáo về đảng. Đám này bảo rằng đa đảng đâu có gì tốt, thậm chí rất có hại, đa đảng thực chất cũng chỉ là độc đảng, v.v.. Họ lấy ví dụ, những nước đa đảng, khi một đảng nào đó thắng cử, nắm quyền thì những đảng kia phải đứng ngoài thể chế, có được can thiệp chút nào vào đường lối của đảng cầm quyền đâu... Vì vậy, để ổn định, tốt nhất là độc đảng. Như ở nước ta, như đảng ta. Một hình mẫu tuyệt vời. Không cần đa đảng đa nguyên...

Chúng nó làm quan, có quyền, siêu nịnh, lại có tivi, chúng nó nói gì chả được. Nhưng chúng ngu ở chỗ, không nhận thấy hoặc cố ý lờ đi, là có các đảng đối lập thì cái đảng đang nắm quyền mới biết sợ, nếu cầm quyền dở thì sẽ bị thay ngay tắp lự, chứ đâu cho kéo dài mãi hết nhiệm kỳ này tới nhiệm kỳ khác.

Hãy mở to mắt nhìn xem, những nước độc đảng đang đứng ở vị trí nào trong bảng xếp hạng về mọi mặt, cả về vật chất và tinh thần, cả hạnh phúc và tự do dân chủ.

Và chúng không dám chỉ ra một điều, có đa đảng thì đảng mới không dám trắng trợn chiếm đoạt tài sản, ngân sách của nước của dân làm của riêng, tạo ra thứ nhà nước song trùng, tốn phí không biết bao nhiêu mà kể.

Lão Maddox hàng xóm nhà tôi coi xong lầu bầu đèo mẹ nó, nói thế mà cũng nói được. Tôi cười bảo ai biểu coi chi rồi bực bội, lần sau tắt đi. Muốn khùng thì hãy coi tivi nhà nước.

Nguyễn Thông