Cụ Tý từng được giải thưởng Hồ Chí Minh của chế độ năm 2001, còn được xét trao trước cả nhạc sĩ Phạm Tuyên, không cần phải đặc cách, ưu tiên, xin xỏ gì. Ngay cả giai thoại cụ có dính tới nhóm Nhân văn giai phẩm cũng không ảnh hưởng bao nhiêu tới việc xét giải, mà thực ra, theo như tôi biết, cũng chả dính bao nhiêu. Bây giờ, trong mắt và suy nghĩ của dân chúng, những văn nghệ sĩ Nhân văn giai phẩm có thể được xem như những anh hùng, những con người có khí tiết, tử tế, đáng kính trọng nhất của một thời bi kịch văn nghệ.
Hôm trước, trong cuộc tụ họp vui vẻ nhân lễ Giáng sinh 2019, mấy anh em chúng tôi ngồi với nhau theo lời mời của CEO Công ty du lịch Hoàn Mỹ - anh Nguyễn Thế Khải, có cả người con rể của GS toán Đặng Đình Áng. Nhân nhắc tới GS Áng, lại quành sang người anh ruột cụ Áng là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, một “nhân văn giai phẩm”, cha ruột của tay đàn piano lừng danh Đặng Thái Sơn. Cụ Hưng cũng một thời chìm nổi, khổ vì cái tội “nhân văn”, cuối đời may nhờ ông con nổi danh mà bớt phần nào khốn khó. Một đàn anh của tôi trong nghề, anh Nguyễn Khắc Nhượng, người rất mê Nhân văn giai phẩm, tôi từng nghe anh đọc thơ Hoàng Cầm nhiều bài không sót một chữ, anh bảo trong những người có khí tiết thời ấy tớ chỉ phục nể nhất cụ Hữu Loan, dứt là dứt hẳn, chứ ngay cả Nguyên Hồng có giận dỗi bỏ về Yên Thế vẫn còn chút lừng chừng, còn những vị kia về sau đều ít nhiều “tự diễn biến” không được như cốt cách ban đầu. Có nhẽ trong số “những vị kia”, anh Nhượng gộp cả những người như Đặng Đình Hưng, Nguyễn Văn Tý, tất nhiên có cả Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao… Tôi thì tôi nghĩ, ẩn trong cái dấu 3 chấm kia chắc không có những tên tuổi Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán.