Trang

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Điểm tin ngày 28.9



Hà Nội “khẩn cấp” kiểm tra tòa nhà cao hơn lăng Bác
(hì hì, chả biết giải quyết được gì không, hay rơi vào sự đã rồi)

Bộ Công an điều tra vụ nữ doanh nhân chết nghi do đầu độc
(chuyện xảy ra ở bên Tàu, nó có chịu hợp tác không thôi)

Hoàng Thùy Linh mặc đẹp nhất tuần với váy siêu cúp ngực
(sực nhớ chim vàng anh xưa nổi tiếng một thời)

Hành khách mở cửa thoát hiểm làm máy nay chậm hơn 5 tiếng
(cả thế giới chỉ xảy ra ở nước mình, cười mà nước mắt tuôn rơi)

Bổ giám đốc sở tuổi 30, lãnh đạo tỉnh bảo không liên quan gì lý lịch
(nhưng xin thưa, với con nông dân thì phải phấn đấu 3 đời)

Một chân dài trèo lên nóc ô tô đánh ghen giữa phố
(ở thủ đô - thành phố hòa bình, sao lại làm chuyện giời ơi)

Tập thăm Mỹ về, quân cộng Tàu lại ngang nhiên xây đảo
(chú phát ngôn Bình đâu rồi, vung tay tuyên bố đi thôi).

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Quy hoạch theo kiểu ép buộc, độc quyền

BÁ TÂN
       Ngày 25.9, Bộ Thông tin - Truyền thông (bộ 4T) họp bàn thông qua quy hoạch báo chí, ấn nút thực hiện từ năm 2017.

       Với nhiều bất cập do chủ quan đẻ ra, kể cả sau khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, quy hoạch báo chí biết đâu sẽ phải sửa đổi. Đừng quên bài học nhãn tiền từ Luật bảo hiểm xã hội.

        Là luật, giá trị pháp lý cao hơn hẳn so với nghị định và quy định của chính phủ, một điều khoản trong Luật bảo hiểm xã hội chưa kịp thực hiện đã phải sửa đổi vì không phù hợp  nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người lao động.

         Bộ 4T đưa ra quy hoạch báo chí mang tính áp đặt, độc quyền, tạo điều kiện cho cá lớn nuốt cá bé.

          Tầm vóc, sức sống của tờ báo do chính nó tạo ra. Tờ báo như là cơ thể sống, nội lực giữ vai trò quyết định. Yếu tố bên ngoài chỉ là tác nhân phụ trợ, thậm chí có khi ghé vai chỉ để mà… ăn theo.

Tinh chuyện tào lao

1. Vẽ chuyện.
Lại ồn ào chuyện "con vua thì lại làm vua". Dạo nọ thiên hạ quan tâm đến mấy cậu con trai ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều được cơ cấu sắp xếp vào vị trí này nọ; rồi con trai ông Lê Thanh Hải, con trai ông Nguyễn Bá Thanh, con gái ông Tô Huy Rứa, rồi trước đó là con ông Nông Đức Mạnh, con ông Nguyễn Văn Chi... Có người bảo do ghen ăn tức ở, người thì bảo chuyện bình thường, chi mà rộn.

Thực ra cũng không ít trường hợp con ông cháu cha được tập ấm, nối gót cha làm quan mà chả ai eo xèo gì, chẳng hạn ông Phạm Bình Minh con cụ Nguyễn Cơ Thạch, ông Lê Mạnh Hà con ông Lê Đức Anh, ông Đoàn Mạnh Giao con cụ Đoàn Trọng Truyến... bởi họ là những người có thực tài.

Lần này thì con trai ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (vừa tự xin về hưu) được bổ vào chức Giám đốc Sở kế hoạch - Đầu tư. Tôi nghĩ, 30 tuổi mà có tài thì làm quan được rồi, thậm chí mười tám đôi mươi mà tài năng xuất chúng cho làm chủ tịch nước cũng được. Chỉ có điều đừng chia hạng con quan con dân. Xưa nay đéo thấy đứa nào con nông dân có tài được làm giám đốc sở cả. Chết ở chỗ ấy.

Bọn nội vụ, tổ chức cán bộ ngu. Đáng nhẽ lâu lâu phải lôi ra một đứa con dân, nếu khố rách áo ôm thì càng tốt, cất nhắc làm ông nọ bà kia để bịt miệng báo chí, dư luận. Sau đó con quan cứ cho cả tiểu đoàn vào cũng được, vị thành niên làm quan cũng được, chả đứa nào nói gì.
(Tin này có bản quyền, ai áp dụng phải trả tác quyền)

2. Luẩn quẩn.
Nhà cai trị cứ muốn độc quyền báo chí, "tất cả đều là con tao", tao sai phái, dạy bảo, đánh đập gì, mặc ý tao. Quy hết về một mối, đứa nào thắc mắc, la lối, kệ. Bản chất của báo chí CS là phải biết nghe lời, còn tất cả thứ khác muỗi hết. Đếch cho báo chí tư nhân, tòi ra là ông diệt.

Quy hoạch

ĐOÀN KHẮC XUYÊN (nhà báo)
Trong một hội nghị mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra con số 18.000 tỉ đồng lãng phí cho những bản quy hoạch duy ý chí, không khả thi của các bộ ngành. Nhưng cái ý chí "quy hoạch" để nắm, để quản, để bóp nghẹt đã ăn sâu vào máu của bộ máy này rồi nên không làm không được, dù vẫn luôn miệng đề nghị người khác công nhận mình là nền kinh tế thị trường, nghĩa là phải để cho thị trường quyết định.

Quy hoạch báo chí là một dạng như vậy. Có thể rồi người ta sẽ thành công với việc gom đầu mối để dễ quản lý nhưng cái giá phải trả sẽ là quyền được thông tin (đúng nghĩa) của người dân bị hy sinh, quyền giám sát của người dân thông qua báo chí bị thủ tiêu và báo chí bị thị trường quay lưng.

Đó là một loại quy hoạch. Loại quy hoạch thứ hai là quy hoạch "cấn kệ", tức kế cận. Là chuẩn bị ghế cho "đội ngũ kế cận", tức COCC. Thực chất đây cũng là một dạng chủ nghĩa lý lịch nhưng tinh vi hơn, màu mè hơn, chẳng hạn dưới chiêu bài trẻ hóa, nhưng đố có thằng trẻ con nông dân, công nhân bình thường nào lọt được vào cái quy hoạch "cấn kệ" ấy. Và phải công nhận là những quy hoạch "cấn kệ" này cho đến nay khá thành công. Dư luận thỉnh thoảng rộ lên phản đối cứ phản đối, đoàn lạc đà cấn kệ vẫn cứ đi.


Đoàn Khắc Xuyên
(theo Facebook Doan Khac Xuyen, https://www.facebook.com/doan.xuyen?fref=nf)

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Bài hát tặng bạn ngày chủ nhật: HÒ THẢ TRÂU

Người xưa có câu "Quân tử không nhắc lại chuyện cũ", thì vẫn biết vậy, bởi có ối chuyện cũ nếu nhắc lại chỉ tổ cãi nhau.
Nhưng mình không phải quân tử, vả lại có những chuyện cũ như thứ kỷ niệm về một thời đã qua, mỗi lần nhớ lại cứ cảm giác thế nào ấy, khó quên.
Lứa tuổi thiếu nhi những năm 60-70 ở miền Bắc hầu như đứa nào cũng nghe, cũng thuộc bài hát này, bài Hò thả trâu của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ông viết những bài cho người lớn thì không cần nói nữa bởi quá tuyệt rồi, nhưng bài hát cho thiếu nhi cũng rất "khiếp", bài nào cũng khiến bọn trẻ con thuộc làu, chẳng hạn bài "Học giỏi chăm làm cháu ngoan bác Hồ" có đứa thuộc lúc chưa biết chữ, thế mới ghê.
Tên bài hát, Hò thả trâu, nhắc lại đây có thể nhiều người chưa nhớ ngay, nhưng nếu tôi trích dẫn ra câu "Ơ, ta nhất định sẽ thắng, quân thù nhất định thua" thì nhiều người sẽ à lên ngay.
Nhà thiếu nhi Hà Nội thời ấy có đội ca thiếu nhi rất tuyệt vời, nổi bật là những giọng ca như Kim Lan (lĩnh xướng bài Tiến lên đoàn viên, Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm...), Lương Long (lĩnh xướng bài này), bây giờ các em ấy đã thành bà thành ông cả rồi nhưng giọng ca thì như trẻ mãi.
Những ai sống ở nông thôn miền Bắc thập niên 60-70 nghe lại bài hát của mình nhé.
Chúc các anh chị, bạn bè ngày chủ nhật yên bình.
Nguyễn Thông 


http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/ho-tha-trau-4528.html?from=search



Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu

Làm cách mạng thế này, dù có vào sinh ra tử, ai mà chẳng muốn làm. Dưới đây là một đoạn trên báo kienthuc.net nói về căn biệt thự cổ trên phố Hàng Chuối (Hà Nội), có lẽ gần chỗ Nhà xuất bản Phụ Nữ (bà bạn Nguyễn Thu Hà của tôi đã có thời gian dài làm sếp ở đây - khoe một tí - chắc biết rõ):
 
"Những năm gần đây, nhiều người dân đi qua khu vực phố Hàng Chuối không còn xa lạ với hình ảnh một ngôi biệt thự cổ bỏ hoang bên đường. Ngôi biệt thự này nổi tiếng trong khu vực bởi trước đây nó là tư gia của Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân. Người dân xung quanh cho biết, cách đây mấy năm gia đình ông Trân đã bán ngôi biệt thự cổ với giá 200 tỷ đồng để chuyển vào miền Nam sinh sống?".


Sực nhớ, dạo cũng khá lâu rồi, ở Sài Gòn xì xào chuyện ông Trần Bạch Đằng bán căn biệt thự do nhà nước hóa giá cho trên đường Phan Kế Bính được những 3.000 cây vàng.


 Kinh quá đi mất thôi. Tôi cũng muốn đi làm cách mạng.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Thành ngữ mới: NGĂN SÔNG CẤM CHỢ

Gọi là mới, nhưng thực ra cũng mấy chục năm rồi. Cụm từ này được sinh sau năm 1975, đầu tiên phổ biến ở miền Nam, rồi lan ra miền Bắc. Cũng phải thôi, bởi chung một gầm trời chế độ. Tôi đã cố công tìm hiểu, thấy có lẽ tình trạng ngăn sông cấm chợ tự mình hại mình hình như chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Cũng may nó chỉ tác oai tác quái gần 2 chục năm, nếu kéo dài thêm chút nữa, cả dân tộc và xứ này sẽ rơi xuống địa ngục.
Người cộng sản VN luôn tự hào thông minh sáng tạo, biết áp dụng sáng tạo những thứ du nhập từ nước ngoài vào hoàn cảnh Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin chẳng hạn, tên lửa SAM1, SAM2 chẳng hạn. Có những thứ thành công, như tên lửa SAM. Nhiều thứ thất bại, mà chủ nghĩa Mác-Lênin là điển hình. Thời còn Liên Xô, cứ Liên Xô có cái gì là họ bê nguyên xi về, nhất là tư duy kinh tế. Một nền kinh tế bao cấp, nhất cử nhất động theo chỉ đạo máy móc từ trung ương đã giết chết sản xuất và thị trường. Sống chủ yếu dựa vào bầu sữa viện trợ, đến khi bị cắt, giật mình nhìn lại, dường như chả tự làm được thứ gì ra hồn.
Chết ở chỗ, họ rất kiêu ngạo, đắc thắng. Nghĩ mình đã đánh thắng được cả hai đế quốc to thì việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội chỉ là chuyện nhỏ. Năm 1976, ông Lê Duẩn trong một bài phát biểu đã nói câu thể hiện cái ý ấy, giống hệt câu thơ của ông Tố Hữu, “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Họ làm cho dân chúng rơi vào cơn mê, chủ nghĩa cộng sản về đến ngõ rồi, chỉ cần long trọng ra rước vào nhà thôi.
Say quá nên họ làm càn, bất chấp tất cả quy luật. Không chịu nghe những lời phải trái, cứ quyết là làm. Tất cả chỉ có đúng, bởi cộng sản không bao giờ sai. Nền kinh tế miền Nam đang huy hoàng, phát triển vậy, chỉ vài nhát quét bằng chủ trương này nọ, họ mau chóng đưa về tầm ngang bằng miền Bắc để cùng nhau thụt lùi. Kinh tế bao cấp và chính sách ngăn sông cấm chợ đã kìm hãm đất nước, dân tộc này gần hai chục năm, nhưng tại hại là nó kéo lùi VN cả mấy chục năm so với nước khác, để bây giờ không thể nào đuổi kịp.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Nghĩ mà kinh

PGS-TS PHẠM QUANG LONG
Bàn về chuyện những thứ kinh dị kiểu này, có người sẽ bảo: vớ vẩn, ai chả biết mà còn bới ra làm gì, nặng đầu. Vâng, quả có thế. Nhưng nhà cháu thấy kinh quá, cũng chỉ dám "nói ở nhà mình", chả dám ba hoa ở đâu để khiến các bác phải mua thuốc tím để rửa tai.

Cách đây chưa lâu, mấy ông độc quyền những thứ thiết yếu của đời sống tăng giá đồng loạt vì lý do giá xăng dầu tăng. Đến khi giá xăng dầu giảm, các ông vẫn không chịu giảm. Nhà báo chất vấn, ông nói cứ xơi xơi: "sao nhà nước không bắt ông X., ông Y. giảm đi mà lại yêu cầu chúng tôi giảm? Chúng tôi cũng như các ông ấy". Cái đuôi đã lòi ra: họ chả phục vụ gì đâu, nói cho vui vậy thôi, chỉ lo thu lợi là chính, còn nói đến trách nhiệm xã hội hay đạo đức công dân chỉ là nói cho oai thế, cho ra vẻ mình đang làm để cho dân và vì dân đây. Mà ông này trước khi nghỉ hưu ở ngạch quản lý để sang làm ở một tổ chức nghề nghiệp cũng làm to đấy. Đó là giả dối ở tầm vĩ mô.

Hôm qua một bà lãnh đạo to của bộ Tài chính, kiêm phụ trách bảo hiểm tuyên bố: tăng đóng bảo hiểm y tế là do nhu cầu tăng chất lượng bảo hiểm, dân phải đóng góp thêm 1 đồng cũng kêu. Làm được thế là tốt nhưng tôi không tin vì tôi đang hưởng bảo hiểm y tế từ vài chục năm nay nhưng mỗi lần ốm, dù nằm bệnh viện, muốn dùng thuốc tốt hơn thì bỏ tiền túi ra mà mua bên ngoài về dùng chứ không được dùng thuốc theo bệnh. Bà ấy còn lý sự ở ta nộp thế mới bằng 1/3 của Sinhgapore, Đài Loan và Trung Quốc. Trời ơi, xem mức thu nhập của ta, của họ và điều kiện thế nào rồi hãy nói. Cứ so thế thì thà đừng nói còn đỡ dở hơn. Đó cũng lại là một kiểu giả dối trắng trợn và sự coi thường dân chúng ghê gớm. Sao lại có quan chức dám ăn nói theo kiểu "mục hạ vô nhân" thế nhỉ!

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Bài hát tặng bạn ngày chủ nhật: Áo mùa đông

Hôm qua đọc bản tin thời tiết, thấy bảo đợt gió lạnh đầu mùa đã về các tỉnh Bắc Bộ, tự dưng gai gai người, dù mình đang... cởi trần bởi cái nóng Sài Gòn. Thế mới biết, nỗi nhớ mùa đông đã lặn vào tiềm thức suốt gần 4 chục năm rồi, khó mà dứt được.

Bài hát này của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vị Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Ông Đỗ Nhuận viết Áo mùa đông năm 1948, chặng đường đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bộ đội khi ấy rất thiếu thốn, rách rưới, mà mùa đông miền Bắc thì rét mướt, cơ hàn. Những người phụ nữ ở hậu phương đã đan áo gửi ra cho chồng cho con, cho anh, em, người yêu đang chiến đấu ngoài mặt trận. Mỗi tấm áo là cả tấm lòng thương yêu, chan chứa nỗi lòng. Nghe bài hát này, tôi chợt nhớ đến truyện Mùa hoa dẻ của nhà văn Văn Linh rất nổi tiếng những năm đầu thập niên 1960, có cô gái đan áo cho người yêu, đọc xúc động lắm.

Những bài hát thời chống Pháp thường có giai điệu tình cảm, nhẹ nhàng mà sâu lắng, rất dễ nghe.


Hai giọng hát bản này là Thương Huyền và Trần Thụ, những nghệ sĩ nổi tiếng một thời, cái thời mà ca sĩ chỉ để lại danh tiếng bằng giọng hát chứ không phải bằng bất cứ thứ gì khác.


Nhớ hồi tôi còn bé, khoảng hơn 10 tuổi, mấy bà chị họ tôi ở nội thành về quê sơ tán, chị Hải, chị Bê, bác Chi, chị Hòa... lúc rảnh rỗi lại lẩm nhẩm hát mấy bài xưa cũ, trong đó có bài này. Thế hệ của các chị ấy lãng mạn và thật đẹp.


Chúc cả nhà ngày chủ nhật tốt lành.
Nguyễn Thông

http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/ao-mua-dong-4636.html 


Báo Đại Đoàn Kết thua kiện, bài học không chỉ cho làng báo



BÁ TÂN         
        Ngày 9.9.2015, tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm ( Hà Nội) xét xử vụ án dân sự xảy ra tại báo Đại Đoàn Kết. Nguyên đơn là chị Đặng Thị Kim Ngân, nguyên phó ban khoa giáo báo Đại Đoàn Kết. Bị đơn là tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.

       Luôn hoàn thành nhiệm vụ. Tích cực tham gia chống tiêu cực trong nội bộ cơ quan. Dũng cảm vạch ra những sai phạm của người đứng đầu  báo Đại Đoàn Kết. Thay vì biểu dương và khen thưởng, người đứng đầu báo Đại Đoàn Kết đã ra quyết định buộc thôi việc đối với nhà báo Kim Ngân.

        Nhiều lần gửi đơn và trực tiếp kiến nghị lãnh đạo cơ quan chủ quản (Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam) nhưng hoàn toàn bị phớt lờ, thậm chí họ còn có biểu hiện chống lưng cho tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết lộng hành, bất chấp luật pháp và đạo lý. Bức xúc cao độ nhưng không nản chí, nhà báo Kim Ngân buộc phải khởi kiện người đứng đầu báo Đại Đoàn Kết.

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Tùy tiện sa thải nhà báo, báo Đại Đoàn Kết thua kiện

Ngày 10.9, sau ba ngày xét xử và nghị án, TAND quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị Kim Ngân (nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo, báo Đại Đoàn Kết), tuyên bố quyết định kỷ luật số 56/2013 do ông Đinh Đức Lập (Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) ký với hình thức buộc thôi việc bà Ngân là sai.
Tòa tuyên buộc báo Đại Đoàn Kết phải thanh toán tiền lương và phụ cấp trách nhiệm cho bà Ngân trong 16 tháng nghỉ việc là hơn 72 triệu đồng, đồng thời phải khôi phục quyền lợi bảo hiểm xã hội cho bà Ngân trong 16 tháng bà bị cho nghỉ việc.
Vụ kiện của ba nhà báo báo Đại Đoàn Kết trong đó có bà Đặng Thị Kim Ngân kéo dài ba năm nay.

Cần thêm nhiều chị Phương

Đọc xong bài Nữ tướng bắt xăng gian trên Báo Thanh Niên hôm qua 11.9, tôi tò mò tỉ mẩn đếm những ý kiến của bạn đọc, coi xem họ viết gì. Gần như tuyệt đối bày tỏ sự phấn khởi, đồng tình, khâm phục và mong mỏi làm sao có thể nhân lên trong bộ máy công quyền thật nhiều cán bộ làm việc hiệu quả như vậy. Thậm chí có bạn đọc còn ao ước nơi đâu cũng có “nữ tướng” thì sự gian dối, tệ nạn sẽ hết đất sống, xã hội sẽ mau chóng tốt đẹp hơn.

Điều đáng nói, nhân vật chính của bài báo, chị Đỗ Ngọc Thanh Phương - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Đồng Nai còn khá trẻ, 36 tuổi, mới nhậm chức được hơn 4 tháng. Phải công nhận công tác tổ chức cán bộ đã có con mắt tinh đời, chọn đúng người cho bộ máy công quyền. Trẻ thế, lại là nữ, đứng đầu một cơ quan giám sát chất lượng cuộc sống, nếu không thực sự tài giỏi, có năng lực thì rất dễ chìm vào hằng hà sa số “sáng vác ô đi, tối cắp về”.

Nhưng lại đáng nói hơn nữa, là chị Phương không giống như rất nhiều sếp cơ quan  quanh năm suốt tháng chỉ gắn với bàn giấy văn phòng, nắm bắt công việc qua báo cáo từ cấp dưới. Thuật ngữ “công chức máy lạnh” hoàn toàn xa lạ với người phụ nữ năng nổ, hành động này. Miệng nói, tay làm, dấn mình vào thực tế cuộc sống để hiểu rõ, nắm bắt cụ thể, xử lý kịp thời, “nữ tướng” Chi cục trưởng đã lôi cuốn cả tập thể của mình làm việc thật hiệu quả. Một hình ảnh, tác phong rất đẹp về người cán bộ lãnh đạo mà dân hằng mong mỏi.

Thời xưa, nhưng bậc minh quân dù ngồi trên ngai vàng nhưng vẫn nắm bắt cuộc sống xã hội qua những cuộc vi hành. Sử sách còn ghi vua Lý Nhân Tông (triều Lý), nhiều vị vua triều Trần, vua Lê Thánh Tông (triều Lê)… thỉnh thoảng lại cải trang ra khỏi kinh thành vào chốn kẻ chợ, nơi thôn dã… để tận mắt thấy tai nghe những gì xảy ra trong xã hội. Cái ghế, dù ngai vàng chăng nữa, không phải là chỗ thích hợp cho con người hành động, biết chăm lo cho muôn dân. Bộ máy nhà nước có những vị vua như vậy thì tất nhiên quan lại, nhà chức việc không thể chây ì, lười biếng, ỷ lại.

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Hãy là lần hứa cuối cùng

Con cá cũng như con người, phải thở mới sống được. Người cần không khí trong lành, cá cần nước sạch. Người dân nuôi cá bè trên sông càng hiểu rõ điều ấy. Người không nuôi cá cũng biết nguyên tắc sơ đẳng ấy. Vậy mà dân buộc lòng phải đem mấy trăm ký cá trong số hàng chục tấn cá chết đến cổng trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để bắt đền, thì đó là việc chẳng đặng đừng.

Bà con nào đâu muốn vậy. Bằng chứng là họ đã nhiều lần, rất nhiều lần, thậm chí đã khá lâu rồi đệ đơn kêu lên các cấp chính quyền và cơ quan chức năng về việc môi trường bị ô nhiễm, đe dọa công cuộc làm ăn của họ. Dòng sông Chà Và (Bà Rịa-Vũng Tàu) bao đời nay là nguồn sống, thế nhưng cứ bị triệt dần khiến người sản xuất lao đao. Làm gì cũng vất vả, trăm ngàn khó khăn. Người nuôi cá bè cũng vậy. Nào con giống, thức ăn, thuốc men cho cá, đầu vào đầu ra, giá cả thất thường, và nguy nhất là nguồn nước, môi trường. Có khi chỉ qua một đêm là trắng tay do nước ô nhiễm, mà điều này thì họ không thể chủ động được.

Nói đâu xa, chỉ trên một tờ báo, Báo Thanh Niên, từ năm 2012 đến nay đã có cả chục bài báo về tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng trên sông Chà Và. Nội dung những bài báo đều xoay quanh bức xúc của người dân, mức độ ô nhiễm, nguyên nhân, lời hứa của chính quyền và cơ quan có trách nhiệm. Nhưng rồi đâu vẫn vào đó, nước đổ lá khoai, dân bức xúc, chính quyền cứ đủng đỉnh, thờ ơ. Lời hứa nhẹ hơn cả khói, bay đâu mất sạch. Để rồi dân phải cõng cá mồ hôi nước mắt đem đổ “ăn vạ” trước cơ quan công quyền.

Lần này thì đích thân ông chủ tịch tỉnh đứng ra giải quyết, nhận trách nhiệm, hứa với bà con. Hứa rằng sẽ rốt ráo tìm ra nguyên nhân (nhà máy xí nghiệp nào là thủ phạm gây ô nhiễm), trong vòng 20 ngày, sẽ bắt thủ phạm đền bù thiệt hại thỏa đáng..., bà con cứ yên tâm. Mong sao lần hứa này là lần cuối cùng cho “vụ việc sông Chà Và” chứ không phải giải pháp tình thế, tạm yên lòng dân rồi tính sau. Chỉ cần một lần này nữa thôi, nếu không làm đến nơi đến chốn, sự khủng hoảng lòng tin chắc không phải giảm dần như trước nữa mà có thể về số không. Lúc ấy thì chính quyền có nói với dân điều gì cũng khó.

Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Việt Nam 40 năm chưa qua khỏi cánh đồng

NGUYỄN MINH NHỊ (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

Bài này là nỗi buồn nặng trĩu tâm tư của người viết vì đã có đủ thời gian nếm trải. Tự hào là vì ông cha ta khôn ngoan mở mang bờ cõi về phương Nam, để lại cho con cháu làm chủ cánh đồng lúa nước rộng lớn và tốt thuộc hàng đầu Đông Nam Á. Còn nỗi buồn hay nói đúng ra là lời tự thán là ta đi 40 năm mà chưa thoát ra khỏi "cánh đồng nông nghiệp" và vẫn là nước nghèo, đang phát triển!

Tư duy tầm thế kỷ 19-20

Cách đây ít lâu, tôi đọc báo Tuổi Trẻ, Lao Động, Người Lao động...thấy đăng phát biểu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý...về tình hình kinh tế đất nước nói chung, nông nghiệp nói riêng thấy gần đúng với… sự thật.  Gần đúng vì theo tôi, là một người gần như suốt cuộc đời “bám” sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, tôi thấy bức tranh nông nghiệp nông thôn còn không ít  gam xám.

Như Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng Nguyễn Kim Khoa nói "Chúng ta cứ vẽ bức tranh đẹp quá mà thực ra QH hay nhà nước đều cần bức tranh tả chân". “Muốn đánh giá đúng tình hình phải xuống nông thôn xem đồng bào sống thế nào" - như ông vừa mới đi xuống 17 tỉnh, 3 quân khu mới trở về.

Việc Đoàn thanh niên cách đây ít lâu đi bán "giải cứu" dưa hấu, hành tím cho dân là câu chuyện thật rất nhân văn nhưng cũng đượm u buồn. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói: "Các nước tái cơ cấu cao, còn ta thì chậm, cho nên 6 tháng cuối năm 2015 gặp nhiều thách thức, khó duy trì mức 6,5%  nếu không có giải pháp đột phá". Vậy mà hàng ngày đọc báo nghe đài, thấy hội nghị nào từ các Bộ xuống tỉnh, huyện, xã cũng nói "tái cơ cấu" rất hay, bây giờ vậy là sao? Chính phủ và các Bộ đang "bàn chuyện giải cứu nông sản" thì giải cứu sao đây?

Bởi đây là vấn đề tích tụ dài lâu từ cơ chế quản lý chứ không phải do một cá nhân nào, cho dù là những người đứng đầu của hệ thống chính trị đất nước tài ba lỗi lạc đi nữa.

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Từ chuyện Đỗ Hùng, nhớ về hai bạn nghề xuất sắc



Trong cuộc mưu sinh của mình, tôi đủ thứ thứ nghề, thượng vàng hạ cám đủ cả, nào dạy học (có học trò sau này là ủy viên trung ương), làm thuê cho công ty nước ngoài, coi kho, tổ chức nhân sự, làm báo... Nghề nào cũng có bạn nghề, mà người ta quen gọi là đồng nghiệp. Có những đồng nghiệp rất giỏi, mình so với họ chả là cái đinh gì.

Nói thế bởi có lý do. Hồi tôi bỏ dạy học bởi đồng lương giảng viên đại học không đủ sống, tôi xin nghỉ một cục rồi đi coi kho, chức thủ kho, cho một công ty của Hồng Kông. Thủ kho nhưng rất trong sạch, không tơ hào cái kim sợi chỉ (đúng nghĩa đen bởi kho của công ty may mặc) nhưng được cái lương do ông chủ Hồng Kông trả cao gấp 3 lần lương giảng viên. Đừng tưởng giữ kho mà nhàn, mà đơn giản. Phải cực kỳ minh mẫn, tháo vát mới gánh được. Phải phân biệt hàng ngàn loại hàng hóa, có khi trong danh mục chỉ khác nhau cái dấu ký hiệu nhỏ xíu, sắp xếp phải thật khoa học, hô xuất một tiếng là có ngay. Trong đám nhân viên của tôi có những tay rất giỏi, thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa, thậm chí cả tiếng Anh, nghiệp vụ thì khỏi chê, sổ sách đâu ra đó. Những năm đầu thập niên 90 máy vi tính chưa phổ biến, họ đã xài thông thạo. Tôi học được rất nhiều ở họ.

Hồi dạy học cũng thế, bạn nghề rất nhiều người giỏi. Trường dự bị đại học TP.HCM sau giải phóng 1975 có rất nhiều giáo viên tại chỗ, gọi là cơ hữu. Nhiều thầy giỏi mà tôi có may mắn làm đồng nghiệp như thầy Cung Bỉnh Duyệt, Võ Thanh Long (dạy vật lý), Chu Đức Khánh, Trần Mạnh Hảo (toán), Nguyễn Văn Vy (văn), Dương Công Minh (hóa)... Trường dự bị một thời danh nổi như cồn là nhờ những giáo viên xuất sắc này, tôi rất phục.

Chả biết ông trời dun dủi thế nào, cuối cùng tôi về nghề báo, làm từ năm 1996 đến khi nghỉ được 19 năm. Lại một cục. Vợ tôi đùa, tưởng chồng làm ông to bà lớn gì, cả đời chỉ phân cục phân cục trưởng. Nghề báo đem lại cho tôi nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn. Ai đó bảo nghề nào chả thế, nhưng không phải, đi dạy học buồn ít vui nhiều; làm báo buồn nhiều vui ít. Buồn nỗi buồn thế sự. Càng biết nhiều nên buồn càng đậm.

Bù lại, trong nghề, tôi được gặp những người cực giỏi, đáng làm thầy mình, sư phụ mình, dù có những người ít tuổi hơn. Gần 20 năm làm phu chữ ở báo Thanh Niên, nếu không kể đến anh Nguyễn Công Khế, sếp của tôi, một nhà báo chuyên nghiệp cực kỳ giỏi về nhiều mặt, tôi luôn kính trọng, khâm phục, kể từ hồi đó cho đến bây giờ khi anh ấy không làm báo nữa, thì có 2 người với tôi, họ là những tay lão luyện, nói vui là tay bợm trong nghề. Theo tôi, đấy là hai bạn nghề giỏi nhất trong báo Thanh Niên.

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Thật thà là cha mách qué

Chả có gì bằng thật thà.

Diễu binh cũng đã xong. Thời tiết tốt, đội hình đẹp, cán bộ phấn khởi. Chỉ có chút lăn tăn của dư luận về hình thức: sao lắm huân huy chương thế, chú lính trẻ măng cũng ngực đầy huân chương; sao lắm sĩ quan thế, cô bộ đội non choẹt cũng hàm trung tá? Một vị tướng, ông Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng đứng ra giải thích rằng quy định diễu binh nó vậy.

Đành rằng "binh bất yếm trá" (việc binh không ngại sự giả dối) nhưng giả dối trong việc "binh" này thì quả là không nên. Nó chỉ tạo sự màu mè không thật. Nó tôn vinh sự dối trá một cách công khai. Nó hạ thấp giá trị của các huân huy chương và hàm sĩ quan, những thứ mà người ta cần phải đổ mồ hôi, máu, thời gian cuộc đời, thậm chí cả sinh mạng của mình mới có được, thì nay bị xem như thứ đồ hàng mã.

Thử hỏi, nếu cứ để những người lính mặc quân phục chỉnh tề, đeo đúng hàm lính hoặc sĩ quan của mình, đúng huân huy chương mà mình có khi tham gia diễu binh, thì mất gì nào. Chả mất gì cả, chỉ tôn vinh vẻ đẹp người lính.


Quy định là do con người đặt ra. Ai đặt ra thứ quy định này, đúng là ngu xuẩn.


Chả có gì bằng sự thật thà. Các cụ xưa đã dạy con cháu vậy.


Sáng 3.9, một ngày sau buổi diễu
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Ngắm sao


Nhà khoa học đặt cho ta câu hỏi
Bạn sẽ làm gì nếu rơi vào hố đen
Khi ngôi sao kia không chịu nổi sức đè nặng của chính mình
Thì nó tan ra, thành đám bụi li ti
Và hố đen xuất hiện

Tôi nghe đám dân chúng reo mừng
Họ đếm những ngôi sao đang tan dần thành bụi
Một ngôi, hai ngôi..., một hố, rồi hai hố...
Ai đó thở dài
Chẳng thà hố đen còn hơn thiên đường ảo
Còng lưng cõng ngôi sao, sức mấy cho vừa.

Ngó ra khoảng thiên hà xa tít tắp
Sao hay người, đã thắp sáng lên chưa?

Tối 2.9.2015
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Vị lãnh tụ có 2 ngày mất

BÁ TÂN
Không chỉ Việt Nam mà thế giới nói chung, từ cổ chí kim, người duy nhất có 2 ngày mất là cụ Hồ Chí Minh.

Cả hai ngày mất đều được công bố bằng văn bản hẳn hoi, chứ không phải truyền miệng.
Thời gian đầu, suốt khá nhiều năm, nhà nước công bố cụ Hồ mất ngày 3.9. Sau đó và cho đến nay, ngày mất của cụ được xác định là ngày 2.9.

Nhà cầm quyền lúc ấy sửa ngày mất của cụ Hồ để làm gì. Chẳng được gì cả, chỉ được mỗi thứ làm sai sự thật, bẻ queo lịch sử.

Ngày cụ Hồ mất trùng với ngày quốc khánh. Không vì thế mà ngày quốc khánh bớt vui. Đất nước giàu mạnh và dân chủ thực sự, ngày quốc khánh sẽ rất vui, cho dù trùng với ngày mất của cụ. Tham nhũng tràn lan, lòng tin lao dốc thì làm sao vui được, kể cả ngày quốc khánh.

Ngày cụ Hồ mất, nếu có buồn, chỉ buồn 1 ngày. Đất nước luôn trong tình trạng nguy kịch, rơi vào thảm cảnh ấy, nỗi buồn không phải thoáng qua mà trở thành… trường ca.