Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Bắt chước (phần 4)

Một trường hợp bắt chước điển hình, gây nên đại bi kịch là cải cách ruộng đất. Cuộc “cách mạng long trời lở đất” ấy đã được nhập nguyên xi từ Trung Quốc và Liên Xô. Sau này cũng có những người phân trần rằng trung ương không muốn nhưng Trung Quốc và Liên Xô cứ ép phải làm. Ông Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Trung ương đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, một người rất gần gũi thân cận cụ Hồ, có những điều tâm sự cụ không nói với bất kỳ ai, trừ với ông Tùng) kể rằng cũng có cán bộ lãnh đạo cấp cao không muốn tiến hành cải cách nhưng số đông thuận theo Trung Quốc bởi không làm thì họ… cắt viện trợ. Vậy mà cứ nói các nước trong phe cộng sản luôn tôn trọng độc lập tự chủ, có tình hữu nghị quốc tế vô sản trong sáng. Bê nguyên thứ của nợ cải cách ruộng đất về, chủ nhà đã phải trả cái giá quá đắt, tới bây giờ sau gần 2/3 thế kỷ vẫn chưa dứt được hội chứng của cuộc đấu tố tàn hại lẫn nhau.

Vài chục năm trước, khi chưa có internet, chưa có nhiều kênh thông tin đa chiều, gần như người dân không hề biết sự kiện ấy xảy ra như thế nào, hậu quả của nó ra sao, chỉ biết gọn thùi lụi trong 5 chữ “cuộc cải cách ruộng đất”. Nhà cai trị nắm hết cơ quan báo chí ngôn luận nên không có bất cứ thông tin sự thực nào được công bố, đến với người dân. Năm thì mười họa, vài ba bài báo nửa kín nửa hở nói rằng đảng, bác Hồ, nhà nước đã rút ra bài học kinh nghiệm trong cải cách ruộng đất, đồng thời vẫn khẳng định cải cách ruộng đất đã đem lại điều tốt đẹp này nọ cho nông dân. Nhà nước xứ này rất quán triệt chủ trương “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Và cho tới nay, ngoài vài giọt nước mắt xin lỗi của đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt chính phủ và cụ Hồ trong cuộc kiểm thảo trên sân vận động Hàng Đẫy năm 1956 thì chưa hề có văn bản chính thức nào của đảng, nhà nước, chính phủ thừa nhận sai lầm về cải cách ruộng đất, nhận trách nhiệm về những oan sai, trước vong linh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân là nạn nhân của cải cách ruộng đất.

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Bắt chước (phần 3, có bổ sung)

Sự bắt chước dễ thấy nhất của những nhà cai trị xứ này sau khi làm cách mạng vô sản thành công là gần như bê nguyên xi, đầy đủ những hình thái tổ chức, đoàn thể rườm rà, cồng kềnh, lằng nhằng dây điện của Liên Xô, Trung Quốc về áp dụng vào Việt Nam. Bộ máy cai trị của các đàn anh thế nào, của thằng em cũng đủ mâm bát như vậy. Đứng đầu và ôm trùm là đảng (đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo), tụt thấp dần xuống dưới thì có nhà nước, chính phủ, quốc hội, mặt trận, và đám đoàn thể, hội đoàn láo nháo gồm công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội thanh niên, hội sinh viên, hội cựu chiến binh… Đứng đầu các hội đoàn luôn là một đảng viên do đảng chỉ định. Liên Xô có đoàn thanh niên cộng sản Lênin (Komsomol) thì Việt Nam có đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; ông anh Trung Quốc có Chính hiệp (Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc) thì ông em đẻ ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tất cả đều châu tuần về đảng, chịu sự lãnh đạo của đảng. Dù có đề cử, bầu bán gì cũng cứ do đảng giới thiệu, đảng duyệt, mọi quy trình khác chỉ là hình thức cho có vẻ độc lập, tự do, dân chủ. Sinh ra nhiều tầng lớp nắm quyền, vẽ ra nhiều hội đoàn, chỉ thấy lắm họp hành, hội nghị hội thảo quanh năm, đẻ đủ thứ nghị quyết. Dân chúng cười với nhau rằng, nếu đi thi môn nghị quyết, Việt Nam vô đối, thậm chí vượt mặt các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, kể từ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội (tứ trụ) xuống tới phường xã cũng đủ bộ tứ thế, đông như quân Nguyên. Xứ người ta, dàn lãnh đạo cấp cao chỉ cần tổng thống, phó tổng thống, hoặc nơi không có tổng thống thì thủ tướng, là đủ, chả hề thấy những kiểu hội đoàn ăn bám ngân sách như mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn…, còn ta (cũng như các anh Liên Xô, Trung Quốc), không những bày đủ tứ trụ mà vẽ thêm một lô xích xông cấp phó, nào phó chủ tịch nước, các phó thủ tướng, trưởng các ban đảng, chả khác gì phố Hàng Song trong thơ Tú Xương “Ở phố Hàng Song thật lắm quan/Thành thì đen kịt đốc thì lang…”. Lắm quan như thế chỉ tổ tốn gỗ đóng ghế cho họ ngự ăn trên ngồi trốc chứ đất nước thì vẫn lệt bà lệt bệt không ngóc đầu dậy nổi. Người ta nói vui với nhau rằng, muốn thoát nghèo nhanh, cách nhanh nhất là giải tán ngay mấy thứ mặt trận, hội đoàn bắt chước Liên Xô, Trung Quốc, dẹp bà phó chủ tịch nước, sai thải bớt mấy ông phó thủ tướng, chỉ sau một đêm lại không vượt cả Thái Lan, Mã Lai chứ chả đùa. Nhiều quan quá, người ta hát chế chọc nhau “Tiến lên ta quyết tiến lên/Tiến lên ta gọi cấp trên bằng thằng”.

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Bắt chước (phần 2, có bổ sung)

Trong bài phần 1 tôi đã kể rằng các thế hệ cộng sản cầm quyền xứ này gần như bê nguyên xi bộ máy tổ chức của Liên Xô hoặc Trung Quốc về nước mình, cứ nhắm mắt nhắm mũi áp dụng, họ có gì thì mình y như thế, chả cần xem có hợp hay không, hay dở thế nào. Cái tâm lý đàn em, nhược tiểu cũng một phần quyết định sự bắt chước này, ngại nhỡ ra các đàn anh thấy mình khác, rồi không hài lòng thì phiền. Vậy nên, anh có thế nào, em cứ sao chép tỉ mỉ cho đủ cho đúng, bao giờ anh sửa thì em lại sửa theo, anh bỏ thì em bỏ, anh giữ thì em giữ. Như thằng tiểu đồng lon ton hầu hạ người trên, không dám làm điều gì trái bao giờ.

Điều rất dễ thấy, về tổ chức đảng, khi Liên Xô quy định tên gọi người đứng đầu đảng là tổng bí thư thì VN cũng có tổng bí thư, lúc Liên Xô đổi thành bí thư thứ nhất thì đảng VN cũng bí thư thứ nhất, rồi Liên Xô chán thứ nhất thứ nhì lại quay về tổng bí thư, thì VN cũng chán, chức tổng bí thư lại khứ hồi. Các ông Khrushov và Brezhnev là bí thư thứ nhất thì đương nhiên ông Lê Duẩn bên này cũng chức danh vậy, bí thư thứ nhất. Khi Andropov, Chernenko, Gorbachov làm tổng bí thư thì ta đâu có chịu kém, các cụ Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười cũng tổng. Về chính phủ, anh cả Liên Xô gọi bộ máy hành pháp là Hội đồng bộ trưởng thì VN chơi luôn Hội đồng bộ trưởng, người đứng đầu hội đồng ấy Liên Xô có chức danh chủ tịch thì ta cũng chẳng kém, cũng chức danh chủ tịch. Liên Xô chán hội đồng bộ trưởng và chủ tịch, đổi lại thành chính phủ, lập thủ tướng, VN vội đổi ngay thành chính phủ, đứng đầu là thủ tướng. Ông Phạm Văn Đồng trong 31 năm đứng đầu chính phủ, hết làm thủ tướng lại làm chủ tịch hội đồng bộ trưởng, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ một ghế. Dường như Liên Xô có thứ gì thì các vị nhà ta phải nhanh nhảu có ngay thứ đó, chẳng cần biết điều kiện, hoàn cảnh của gấu Nga khác trâu An Nam ta rất nhiều. Thời ấy, dân gian cười truyền miệng nhau rằng khi Hồng trường Moskva có mưa tuyết thì ở quảng trường Ba Đình Hà Nội dù đang giữa lúc nắng hè chảy mỡ vẫn cứ phải mặc áo tơi cho đúng điệu.

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Bắt chước (phần 1, có bổ sung)

Trong tiếng Việt, bắt chước có nghĩa là làm theo người khác một cách máy móc. Đó là hành vi lặp lại những thứ của người khác, sao chép thụ động, chả thể hiện được cái gì của riêng mình, ngoài "tài" bắt chước.

Trong thế giới tự nhiên, con khỉ được xem là vua bắt chước. Ai làm cái gì, nó cũng làm theo, nhưng dù giỏi mấy thì vẫn là trò khỉ. Con vẹt, con sáo cũng bắt chước được tiếng người, thậm chí rất giỏi. Lại nhớ hồi năm 1997 tôi đến thăm nhạc sĩ Phan Vân, tác giả bài hát nổi tiếng “Tình thương mến” thời kháng chiến chống Pháp, trò chuyện để viết một bài chân dung về ông đăng trên báo Thanh Niên, hai bác cháu đang rôm rả, chợt nghe ngoài cửa có tiếng rao mời “Ai bánh tiêu nào”. Tôi dừng chuyện ngó ra, bảo bác ơi có ai kêu cửa, ông Phan Vân cười, bảo con két kêu đó, nó nghe hoài người rao nên nó thuộc, bắt chước i xì.

Nhưng con vật bắt chước có giỏi mấy chăng nữa cũng chỉ xách dép cho người. Trên đời này, có những siêu bắt chước, khỉ hay vẹt phải gọi bằng cụ.

Lớp tôi thời sinh viên (72-76) có thằng (hồi ấy chúng tôi tinh gọi nhau thân mật bằng thằng) Ba, nó bắt chước giọng của các danh sĩ, yếu nhân thì thôi rồi. Giọng ai nó cũng bắt chước được, bất kể phát âm Bắc, Trung, Nam, như Xuân Diệu đọc thơ tình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện cùng văn nghệ sĩ, cụ Hồ vui với thiếu nhi, thầy Hoàng Xuân Nhị dạy thơ bác Hồ rồi khóc… Cứ mỗi lần nó “hóa thân” là cả lũ lại há hốc mồm nghe rồi bò lăn ra cười. Chả hiểu sao nó không đi diễn kịch mà lại mò sang làm báo.

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Ngư lôi hay thủy lôi?

Nhiều tờ báo không phân biệt được nghĩa của 2 từ "ngư lôi" và "thủy lôi".

Đây là 2 từ dịch từ tiếng Hán để chỉ 2 dạng vật thể vũ khí khác nhau. Lôi tiếng Hán nghĩa là mìn, thứ vật thể nổ. Hồi tôi còn bé được coi một cuốn phim Trung Quốc có tên "Chiến dịch địa lôi", dạng phim ta thắng địch thua, mìn (lôi) cài khắp nơi trên đất (địa), bọn Nhật đi tới đâu cũng bị mìn nổ tan xác, rất ghê.

Thủy lôi là mìn thả dưới nước (thủy). Thả ở vùng nào thì nổi lững lờ ở vùng đó, tàu thuyền đối phương chạm phải sẽ nổ. Hồi giữa năm 1972, hải quân Mỹ thả thủy lôi dày đặc vùng biển Hải Phòng quê tôi, phong tỏa cảng tới mức chiếc thuyền thúng bơi ra cũng không lọt. Có chiếc tàu Cuba chở hàng vào cảng rồi, bốc hàng xong không tài nào ra được nữa, tiện thể ở lại chiến đấu cùng bà con ta luôn, một thủy thủ Cuba đã hy sinh khi máy bay Mỹ đánh vào bến Sáu Kho.

Ngư lôi là dạng mìn (lôi) nhưng chuyển động được ở dưới nước. Ngư là con cá, "lý ngư vọng nguyệt" là con cá chép ngóng mặt trăng, ngư dân là người dân đánh cá, ngư nghiệp là nghề đánh cá. Quả "mìn" này phóng bơi như con cá, có điều khiển, giống như tên lửa (hỏa tiễn) chỉ có điều tên lửa thì bay bằng chất đốt (hỏa), còn ngư lôi phóng tới bằng cánh quạt gắn dưới đuôi chạy bằng động cơ điện. Ngư lôi có hình dạng ống, dài, còn thủy lôi thường tròn, hình khối.

Cái quả đạn của Tàu cộng còn mới tinh mà bà con ta vừa vớt được là ngư lôi chứ không phải thủy lôi. Nó có ý răn đe những chiến hạm nổi (tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa) và chìm (tàu ngầm Kilo) của ta đó thôi.

Nguyễn Thông

Thế hệ thứ ba

TRƯƠNG HUY SAN (Huy Đức, nhà báo)

BCT giới thiệu nhân sự quy hoạch hai năm trước đại hội là một cách làm mới nhưng để kết quả không như cũ thì Đảng phải công khai ngay danh sách cho dân giám sát.

Nếu "nhà nước thực sự là của dân" như Đảng tuyên bố thì nhân sự không phải là công việc nội bộ của Đảng. Phần lớn trong 200 con người được quy hoạch đó đang hoặc sẽ nắm giữ những quyền lực then chốt nhất của nhân dân. Nên nhớ là những Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Đinh La Thăng, Tất Thành Cang... đều được quy hoạch từ rất sớm.

Nhưng bản chất của "quy hoạch vẫn là sự lựa chọn của các bậc cha chú. Ông Võ Văn Kiệt thường nói, "Lãnh đạo phải hơn người khác một cái đầu; nhưng khi không hơn người khác, họ thường có khuynh hướng chọn người kém mình một cái đầu". Bộ máy cũ không những đẻ ra chính nó mà còn đẻ ra một thế hệ kế tục kém xa hơn nó. Đó là kết quả sinh sản của những cuộc hôn nhân cận huyết.

Hơn 70 năm qua đã có 3 thế hệ nắm quyền, cả ba thế hệ đều không có vai trò của dân thông qua những thiết chế thực quyền.

Thế hệ các bậc "công thần khai chế độ", bao gồm những người cho dù xuất thân là vô sản, giang hồ hay trí thức, thì cũng đều là những người có khát vọng. Lựa chọn của họ có thể quăng quật đất nước qua biết bao tao loạn nhưng tham vọng của họ không tủn mủn như vàng bạc hay chức tước cho vợ con. Họ biết chuẩn bị một thế hệ kế tục "con đường" của mình.

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Đối tượng xấu

Tôi đọc bản tin TTXVN vừa phát, nội dung về "Yêu cầu đảm bảo an ninh tại trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài". Trong đó có đoạn (trích nguyên xi): 

"Theo Bộ Giao thông Vận tải, trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí đường bộ để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Đây là một trong ba dự án nằm ngoài phạm vi dự án (trạm Cầu Rác, Hà Tĩnh; Tào Xuyên, Thanh Hoá; Bắc Thăng Long - Nội Bài, Hà Nội).
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT.

Công điện nêu rõ, việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư); trong đó có hợp đồng BOT, giúp hệ thống hạ tầng giao thông có nhiều thay đổi tích cực. Các dự án góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân ủng hộ. Việc thu hút đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương nhất quán cần tiếp tục triển khai.

Tuy nhiên, một số dự án BOT giao thông còn tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục. Các bất cập này đang bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá... làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư".

Chỉ xin nêu 2 điều:
-Không lôi thôi, tuyến tránh là tuyến tránh, đầu tư làm tuyến nào thì cứ đặt trạm BOT ở tuyến đó. Đừng lấy uy nhà nước ra để tùy tiện móc túi dân. Thói đéo đâu lại đường làm một nơi, đặt trạm một nẻo. Cứ thiếu tiền là lôi dân ra khảo. Vớ vẩn.

-Chả nhẽ chính ông thủ tướng không phân biệt được thế nào là người dân bị bóc lột và "đối tượng xấu". Dân đang yên đang lành, tự dưng bị chặn lại vô cớ móc túi, không phản đối mới là lạ. Nếu cứ coi những người không đồng tình với chính sách vơ vét, bóc lột của chính phủ là đối tượng xấu thì dân cả nước này sẽ là xấu hết, kẻ thù hết, rồi lúc ấy các ông lấy đâu ra dân để mà cai trị.

Mất an ninh trật tự ư? Chính các vị gây ra, nguyên nhân là từ các vị, lại cứ trút cả vào dân là thế đéo nào.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Thói xấu chiếm đoạt thứ không phải của mình

Con người vốn có lòng tham, một thứ “bản chất ẩn náu” không mấy ai tránh khỏi. Theo quan niệm của nhà Phật, “tham sân si” là 3 thứ tạo nghiệp chướng cho chúng sinh. Trong 3 trạng thái tinh thần, ý thức vô cùng nguy hại này, không phải ngẫu nhiên mà nhà Phật đặt “tham” lên hàng đầu. Nó là dạng chất độc nguy hại nhất, làm méo mó nhân cách, đạo đức, hủy diệt con người ghê gớm nhất.

Nếu phân tích, cắt nghĩa sâu, chỉ cần làm rõ chữ “tham” thôi cũng phải không biết bao nhiêu trang mới đủ. Vậy hiểu một cách thật đơn giản mà trúng nghĩa rằng “tham” là sự tham lam, muốn vơ vét mọi thứ về cho mình, không điểm dừng, không khi nào đủ. Lòng tham của con người không có giới hạn, càng đáp ứng thỏa mãn nó, con người càng trượt sâu vào bể khổ, ác nghiệp, vô đạo vô luân.

Tuy nhiên, sống trên đời không dễ gì diệt dục (từ bỏ được lòng tham, ham muốn). Chỉ có bậc thánh hiền, bậc chân tu giác ngộ mới đạt sự vô vi-giải thoát. Người bình thường sống giữa thế giới vật chất, trong cuộc đua tranh, với nhiều cám dỗ, nên việc từ bỏ, giảm bớt lòng tham là điều cực kỳ khó khăn. Lâu nay ta hay nhầm lẫn cho rằng những người có địa vị, quyền thế càng cao thì càng tham, và càng thấp thì càng ít tham. Dân gian nói “được voi đòi tiên” cũng là cách chê trách con người lòng tham vô độ, tham vô giới hạn. Thực ra, trong cõi nhân sinh này, luôn có dạng người giàu tham kiểu giàu, nghèo tham kiểu nghèo, quan tham kiểu quan, dân tham kiểu dân. Người đặc biệt hay người bình thường đều chung nhau sự tham lam cả.

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Tỉnh Thanh một chút tò mò (kỳ 2)

Họp lớp, họp khóa, kéo nhau tới tận Sầm Sơn biển lặng cuối thu, kể ra có gì đó hơi vênh. Đi biển mùa hè thì chẳng cần phải bàn, chứ bữa ở Sầm Sơn nhìn cảnh mấy đứa đàn bà sồn sồn ngồi trên con thuyền úp ngược trên bãi cát thế kia, bà nào bà ấy nổi cả gai ốc, mình lại lẩn thẩn nghĩ chả biết các mợ hôm lên đường có chuẩn bị bikini không. Nếu có, thì các mợ cần phải cảm ơn ông trời đã cho lý do chính đáng để không phải diện chiếc áo tắm hở hang ấy lội xuống biển. Suốt cả đợt vui chơi Sầm Sơn, mình chỉ thấy có hai thằng liều là ông Ba và ông Tửu xuống vày nước, lúc lên bờ ông nào ông ấy tái xanh tái xám, như con mèo ướt.

Nhưng công nhận biển Sầm Sơn đẹp và sạch, xanh trong, cát mịn trải dài. Trên phố, dưới biển, giống như ở Nha Trang. Không như Đồ Sơn quê mình chỉ được cảnh quan trên bờ, chứ nước thì thôi rồi. Bãi tắm như bãi rác bãi bùn. Nhớ cái lần cả bọn K17 kéo nhau leo núi thăm đảo đèn Hòn Dấu xong, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, trở về khách sạn Điện lực, mình rủ hai lão Xuân Ba, Ngọc Tân đi tắm. Bãi biển đen sì, tinh dững đá và lổn nhổn vỏ hến vỏ sò. Nước đục ngầu, hơn cả nước ruộng cày. Thằng Ba và thằng Tân phải lội xa tít phía ngoài để tìm nước sạch, mình đứng trên bờ nhìn thấy chúng nó bé như con kiến vùng vẫy trong sóng. Nhẽ ra chúng cần hiểu rằng ở biển Đồ Sơn, tìm nước sạch không khác gì mò kim đáy biển. Mấy dòng sông Cấm, Văn Úc đều tải phù sa đổ về vùng này, nước ngầu quanh năm. Mình quẩn quanh “tắm” gần bờ xong, lúc dội lại nước ngọt, thấy cả cục đất trong lỗ tai. Khiếp quá đi mất. Câu “Không đi không biết Đồ Sơn” cứ văng vẳng, lần ni thì biết quá cụ thể.

Nhưng Sầm Sơn thì khác, trời và nước trong xanh, chỉ tiếc rằng tiết trời cuối thu khiến bãi cát vắng tanh vắng ngắt. Mấy đứa nhân viên khách sạn Điện lực (lại Điện lực, cũng là nhờ công của mụ Huệ) bảo, chú ạ, từ mùa này tới cuối xuân chúng cháu chỉ chơi, ngồi ngáp, đói. Mà thế thật. Lúc mình la cà uống cà phê ở quán ven đường dọc bờ biển, hỏi cô chủ quán xinh xinh, này em, hàng họ bán được không. Nó tủm tỉm cười buồn, bác không thấy mấy nhà hàng, khách sạn lớn sừng sững kia à, ngay cả cái cục nóng của máy lạnh họ cũng lấy bao ni lông bịt kín lại, phải 4 - 5 tháng sau mới mở ra, lấy đâu khách mà được mí chả được.

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Chuyện thương binh (kỳ 2)

Ở một nước trải qua hết cuộc chiến tranh này tới cuộc đánh nhau khác, hết trong nhà đánh nhau lại tới đánh “bạn” ngoài, đội ngũ thương phế binh nhiều vô kể. Chỉ kể riêng cuộc nội chiến 1954-1975, khi chiến tranh kết thúc, bên thắng cuộc đương nhiên có chính sách đãi ngộ thương binh, còn thương binh phe bại trận tuyệt đối không chút gì. Nếu có chăng, chỉ là được vào trại tù học tập cải tạo, sau đó tự lang thang bến tàu bến xe kiếm sống bằng sự què cụt của mình. Nhiều năm sau “giải phóng”, ở miền Nam nhan nhản những hình ảnh thương phế binh quân đội Sài Gòn chịu thân phận sống dưới đáy xã hội như vậy.

Rồi sau này lịch sử sẽ đánh giá lại những nguyên nhân cuộc chiến. Nếu chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống Trung cộng xâm lược biên giới phía bắc thì chính nghĩa đã đi một nhẽ, đằng này nhiều khi chỉ vì để thực hiện ý chí nhất thời của một ai đó, một ý thức hệ sai lầm nào đó mà họ lôi cả dân tộc vào vòng binh đao, gây bao nhiêu mất mát, tang tóc đau thương, cuối cùng cũng chỉ để “góp thây trăm họ nên công vài người”, thì cần được bạch hóa dần, trả lịch sử về đúng sự thật của nó. Có những sự thật phải mất trăm năm, thậm chí vài trăm năm mới phô bày như nó vốn có. Rồi tới ngày dân xứ Việt sẽ cùng nhau ngẫm lại lời của một nhà lãnh đạo nước láng giềng Thái Lan “Các ngài (Việt Nam) tự hào đánh thắng hai đế quốc to, còn chúng tôi thì tự hào không phải đánh nhau với đế quốc nào cả”.

Thời tôi sống, suốt nhiều thập niên, ngoài chuyện “ra ngõ gặp anh hùng” thì còn “ra ngõ gặp thương binh”. Không cần nói đâu xa, làng tôi trai tráng cứ vừa đủ tuổi 17 là lũ lượt ra trận, có năm vài ba lần. Chiến trường A, B, C, D đều khát lính. Bao nhiêu cũng không đủ. Ông anh họ tôi ngậm ngùi bảo các bà mẹ đẻ con không kịp cho người ta bắt lính. Huyện đội về tuyển quân, khám qua loa xong rồi trai làng về chia tay gia đình, thịt con gà làm mâm cơm tiễn biệt rồi đi. Nhiều người đi mãi không về, không bao giờ về nữa. Làng tôi bé tí, chỉ vài ngàn khẩu nhưng nghĩa trang liệt sĩ hơn trăm ngôi mộ. Và trong số những người may mắn thoát khỏi định mệnh “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (xưa nay ra trận mấy ai trở về), rất nhiều người thành thương binh.

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Phép thử

Tôi chưa đến cơ ngơi của họa sĩ Thành Chương ở Sóc Sơn bao giờ nhưng nghe nói về cái công trình tư nhân ấy từ lâu. Ngay cái tên "Việt phủ Thành Chương" tôi biết chính xác một đàn anh đồng nghiệp của tôi, nhà báo-nhà văn Nguyễn Viện là người đặt tên, gợi ý và được họa sĩ chấp nhận. Anh Viện nói cho tôi biết điều ấy trong một ca trực báo vào cuối năm 2001 (cách nay đã 17 năm), khi biệt phủ mới hình thành. Ai không tin cứ hỏi nhà văn Nguyễn Viện.

Chưa tới đó bao giờ nên tôi không dám nhận xét nó (biệt phủ) có đáng được bảo tồn hay không, chỉ lẩn thẩn nghĩ rằng, nếu không có gì vi phạm pháp luật thì cho tồn tại, nếu đã vi phạm thì không nên đặc cách, chiếu cố, ưu tiên. Pháp luật xưa nay chỉ được tôn trọng và có sức mạnh khi những gì làm tổn hại nó đều bị xử lý công bằng. Pháp luật mà không có công lý thì không hơn gì cái nồi lẩu, ai cũng khua đũa khoắng thìa vào được.

Phủ của họa sĩ Chương nếu sai mà vẫn cho tồn tại thì đương nhiên cô ca sĩ Mỹ Linh cũng sẽ không cho ai phá nhà mình, rồi cơ ngơi của những tướng tá, nhà văn, nhà báo, đại gia nhan nhản ở Sóc Sơn, Ba Vì đều đòi phải được giữ nguyên. Tất cả đều có thể tồn tại, chỉ có pháp luật là mất. Một nước đã không có pháp luật tử tế (chứ không phải những thứ luật nhăng nhố như luật an ninh mạng chẳng hạn) thì đừng trách con người làm loạn.

Chính quyền Hà Nội đang chứng tỏ họ có biết luật hay không chính là qua việc giải quyết những vụ kiểu Sóc Sơn này. Độ pH pháp luật là bao nhiêu còn tùy thuộc vào miếng giấy quỳ trong tay nhà cai trị. Có khi bằng 0.

Trong thâm tâm, tôi chỉ cầu mong việc xây biệt phủ của ông họa sĩ là đúng pháp luật, không vi phạm gì.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Đi bão và đèn đỏ

Ở xứ ta, tìm được niềm vui, nhất là niềm vui chung cho cộng đồng, cho cùng lúc hàng vạn, hàng triệu người vui, là cực hiếm. Chính vì vậy, cần thông cảm với người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, có những bốc đồng khi họ say với bóng đá, mê đội tuyển, dù quân ta chỉ mới cầm hòa chứ chưa ở thế thắng. Xin ai đó đừng đào sâu tới mức, kiểu trách dân mình biển đảo bị mất chẳng lo, lại đem ném sự nồng nhiệt vào niềm vui thoáng chốc. Cái nào ra cái nấy. Tâm lý "thương nữ bất tri vong quốc hận" (cô kỹ nữ kia không biết nỗi hận mất nước) cũng nên tùy lúc tùy hoàn cảnh thôi.

Vui say quá, trong nhà chật chội không chứa nổi, thì kéo nhau ra đường. Dân gian gọi là đi bão. Tôi vừa có việc từ quận 3 chạy về nhà tận Bình Chánh (Sài Gòn), chen mãi mới qua được bão, rồi cũng tới nhà an toàn. Người đâu mà lắm thế. Gần nửa đêm mà nóng hừng hực, đỏ ối rừng cờ. Kèn, trống, thanh la, tiếng mồm inh ỏi. Có muốn buồn cũng không thể nào buồn nổi. Tôi chạy xe máy chở bác Nguyễn Duy ngồi sau, chen giữa đám đông, tranh thủ nói với bác, anh ạ, dân mình hiếm hoi niềm vui, bao nhiêu khí thế chả biết đổ vào đâu, giờ chỉ biết trút vào bóng đá. Bác thi sĩ gật gật, ừ, thương dân mình.

Trên đường về, suốt bao con phố, bao nhiêu ngã ba ngã tư ngã năm, tôi thấy điều lạ kỳ và cũng hết sức bình thường, là dù đang hừng hực khí thế xung trận, vui quên trời quên đất như vậy nhưng đám đông cuồng nhiệt kia rất tự giác, cứ thấy đèn đỏ là dừng ngay tắp lự. Đợi tín hiệu đèn xanh bật lên lại lao đi. Cực kỳ nghiêm túc. Ta vẫn biết khi vui quá con người thường quá trớn, nhất là cả khối người cuồng nhiệt lại càng dễ "tự quên mình", coi trời bằng vung. Vậy mà những người tôi vừa chứng kiến thật tuyệt vời. Họ là những công dân văn minh, tôn trọng pháp luật. Nếu chỗ này chỗ kia, lúc này lúc khác trong cuộc bão có xảy ra những hành vi phi pháp này nọ, theo tôi, chỉ là những xé rào rất nhỏ so với ý thức công dân đáng quý kia.

Dân mình còn nhiều điều đáng trân trọng lắm, nhà cai trị cần nâng niu, gìn giữ, đừng để điều tốt bị lụi tàn theo năm tháng.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Chuyện thương binh

Hai hôm nay (10 - 11.12), vụ thương binh (chẳng biết thật hay giả) “tấn công” trụ sở Liên đoàn Bóng đá VN – VFF trên đường Lê Quang Đạo ở Hà Nội khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Không phải do máu đánh nhau, mà chỉ để… mua vé xem bóng đá. Máu thể thao hừng hực. Hồi xưa dùng xe tăng T54 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập bắt tổng thống Sài Gòn đầu hàng thì nay dùng xe công nông tự chế tiến thẳng vào phòng làm việc của chủ tịch VFF khiến liên đoàn phải phất cờ trắng, van vỉ bộ tư lệnh thủ đô giải cứu. Công nhận thương binh kinh thật, thời nào cũng máu, cả đánh nhau lẫn xem bóng đá.

Coi cái clip mấy bác ấy quân hàm quân hiệu đủ cả, huân huy chương lủng lẳng, vung tay giơ chân, mình cũng khiếp, nói chi mấy cha đang nắm giữ chiếc két chứa vé coi bóng đá. Thôi thì nhè ra một ít cho các bác ấy, chứ ém lại phân phối ngầm cho nhau hết trọi để rồi đưa ra chợ đen, có khi cái sẩy nẩy cái ung lại chả dại hối không kịp. Nhưng các bác thương binh (nếu đúng là thương binh), nhà cháu bảo thật, giả dụ được ưu tiên cặp vé cũng cần hiểu rằng đó là giá xương máu của mình được đền đáp, đừng “được voi đòi tiên”, đem ra bán chợ đen, thì lần sau có húc đổ cổng nhà quốc hội cũng chả ai chịu lùi các bác đâu.

Thời thế đổi thay ghê quá. Hồi còn bé, đọc truyện “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan thấy lính lệ, trương tuần cầm roi quất túi bụi vào đít dân bắt dân đi coi bóng đá, nhiều antifan còn lẩn như chạch, còn nay chưa đá mà đã sút thủng lưới nhà, tiền đạo ghi bàn là thương binh, quá ghê.

Xứ ta thời hậu chiến, lực lượng thương binh là một dạng vết thương xã hội, lâu lâu gặp khi trái gió trở trời lại sưng tấy, mưng mủ, đau nhức. Một loại đối tượng rất nhạy cảm, nếu không có chính sách đối xử hợp lý hợp tình sẽ dễ sinh chuyện. Điều ấy cắt nghĩa vì sao chính quyền phải có hẳn một bộ gọi tên “Lao động - Thương binh - Xã hội”, tức là thương binh được xem như một đơn nguyên ngang hàng với “lao động” và “xã hội”.

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

Hàng Tàu

Đồ (hàng hóa) Trung Quốc không phải không tốt, mà thậm chí quá tốt. Thời tôi còn nhỏ, những chiếc xe đạp hiệu Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu, phích nước Trường Giang, vải Tô Châu, bút máy Kim Tinh, đồng hồ Con gà mổ thóc, chậu thau tráng men Quảng Châu, máy khâu Con bướm... đều là những thứ hàng đỉnh, xài không biết đến bao giờ mới hỏng, mà lại rất đẹp. Năm 1975, từng xảy ra những trường hợp người ngoài Bắc đem chiếc xe đạp Phượng Hoàng vào miền Nam đổi ngang được cả chiếc Honda 67 rất quý hiếm đối với dân bắc bấy giờ. Khi ấy, hình như người Tàu chưa nhồi nhét âm mưu, ý đồ xấu của họ vào trong hàng hóa nên dùng đồ do họ sản xuất rất yên tâm.

Nay thì khác. Xứ ta lúc này đa số dân cứ thấy đồ Tàu là sợ. Không phải do tâm lý bài Tàu mà do chính hàng Tàu từng gây ra bao nỗi khiếp đảm. Trái cây, vải vóc, bánh kẹo, đồ ăn thức uống, thậm chí cả quả trứng gà, củ khoai tây... luôn có khả năng gây độc hại; đồ công nghiệp, đồ điện tử tiềm ẩn đầy nguy cơ bị theo dõi, bị lén thu thập thông tin. Ngay cả mấy thứ hàng nhựa, hàng sứ Tàu vốn danh tiếng lâu nay cũng khiến người tiêu dùng khiếp sợ bởi chứa độc tố. Nói chung là rất khiếp hàng Tàu, dù nó rất rẻ so với hàng các nước khác.

Vì vậy, dễ hiểu vì sao Mỹ và nhiều nước trên thế giới tẩy chay hàng điện tử của hãng Huawei (Hoa Vi). Nếu không muốn lộ hết bí mật (quốc gia, đơn vị, cá nhân...) thì hãy vẫy tay chào vĩnh biệt Hoa Vi. 

Chỉ có mỗi nhà quản lý cai trị xứ ta là còn mặn mà với Hoa Vi, chưa hề có động thái nào ngăn chặn nó. Tàu thích chính quyền ta là ở chỗ mặn mà ấy. Mà người cai trị cũng còn theo kiểu Tàu thì chặn cái quái gì.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

Góp ý với các nhà báo: Bài hay bày?

Sau trận thắng của đội tuyển Việt Nam trước đối thủ to khỏe Phi Luật Tân trên sân nhà Mỹ Đình, một không khí cuồng nhiệt, phấn khởi tràn ngập trong đời thực lẫn trên mặt báo. Sẽ còn đá 2 trận chung kết với đội Mã Lai để giành vòng nguyệt quế, tức là còn phải thử sức thử tài, mưu mẹo nhiều nữa. Vậy nên rất nhiều báo đã nhanh nhảu làm công việc dự báo, tiên đoán, hình dung, cầm đèn chạy trước ô tô, với cái tít “Thầy phù thủy Park sẽ bày binh bố trận sắp tới như thế nào?”.

Đang máu bóng đá, người đọc rất dễ bỏ qua cái sai của từ ngữ trên tít và trong bài. Sai ở từ “bày binh”, một lỗi nhầm lẫn, dùng tùy tiện từ Hán Việt và thuần Việt.

Trong thành ngữ cổ có câu “bài binh bố trận”, thường được dùng khi nói tới nội dung quân sự. Xét về mặt ngôn ngữ, thành ngữ này hoàn toàn từ Hán Việt (bài, binh, bố, trận), không có từ thuần Việt chen vào. Từ “bài” và từ “bố” đều có nghĩa là sắp xếp, sắp đặt, bày ra, bày đặt, dàn xếp, bố trí, xếp đặt… Người cầm quân (binh) khi tổ chức trận đánh (trận) thường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là về địa hình, lực lượng, thời gian, tìm hiểu đối phương… để tránh mọi sai sót, nắm chắc phần thắng. Công việc ấy là bài và bố. Thuật ngữ quân sự gọi đó là “bài binh bố trận”. Cũng có trường hợp người ta ra trận, đi đánh nhau mà không cần bài binh bố trận, chẳng hạn dân binh nghĩa sĩ trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Đồ Chiểu: “Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn/Chín chục trận binh thư, không chờ bài bố”, tuy nhiên đánh kiểu “lấy tinh thần làm sức mạnh” như vậy thì rất dễ thua, nhất là trong những cuộc chiến tranh hiện đại.

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Chuyện ăn đòn thời đi học

Mấy hôm nay xã hội sục sôi về những vụ học trò bị đánh. Hết chuyện cô giáo ở Quảng Bình chỉ đạo học trò tát bạn cùng lớp những 231 cái, lại tới cô giáo Hà Nội lệnh cho các cháu học sinh lớp 2 tát bạn, bị phụ huynh biết được, tố lên cấp có trách nhiệm. Cũng nên kể thêm một vụ ngược lại, bà phụ huynh ở Bạc Liêu mắng thầy giáo làm mất quần của con gái mình, may mà ông thầy này chưa dọa tát con bà, chứ không sẽ thành vệt tát trên khắp nước.

Tôi không đồng tình với chuyện đánh đập, đấm đá tát thụi nện con trẻ. Không nên đánh trẻ con, lại càng không nên dùng trẻ con đánh trẻ con. Cứ đặt mình vào vai cha mẹ, ông bà của học trò, thấy con cháu mình bị đánh bị tát, thậm chí bị dọa tát, ai chả thương chả giận. Khi đã không kìm được cơn tức, chẳng lành làm gáo vỡ làm muôi thì hãy cứ đưa lên phây búc, đưa lên mạng xã hội bêu đã, cho biết tay nhau.

Nhưng (nói nhỏ thôi), nhà cai trị có vẻ khoái tận dụng những vụ tát học đường này. Làm um cả lên, và hơi quá đà. Đám nhà báo đói tin, bị nhẹ dạ đã đi một nhẽ, đằng này cả xã hội cùng thổi vào cái bong bóng dư luận cho nó phình to. Này, tôi bảo thật, bọn học trò bây giờ, dù mới chỉ lớp 2, lớp 3, nhưng chúng cũng gớm lắm. Không phải dạng vừa đâu.

Thôi kệ, tôi chả hơi đâu phê cả đám trẻ con lẫn mấy thầy cô giáo, tôi chỉ lẩn mẩn kể lại chuyện ngày xưa đi học và bị đánh. Tát tiếc đã ăn nhằm gì.

Tội của học trò thời chúng tôi, nếu đốt đuốc lật giở tìm, có nhẽ chỉ ra được 2 tội: một là trốn học, hai là nói chuyện riêng trong lớp. Hai tội này đủ để ăn đòn rồi.