Không bàn chuyện chính trị. Chỉ quan tâm các vấn đề xã hội. Đá để xây chứ không để ném. nguyenthong8355@gmail.com
Trang
Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011
Cha con anh hề
Chuyện không chỉ ở xứ củ sâm.
Người Việt có câu "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", ý rằng muốn nắm muốn biết cái gì chân thực, ra đầu ra đũa thì cứ chọn đúng đối tượng (không phải đối tượng chính sách), cụ thể ở ngoài thì người lớn có kinh nghiệm, trong nhà thì trẻ con nó chân thực. Thế mới có chuyện đứa con khi thấy mẹ về vội chạy ra khoe "bu ơi, hôm nay thày không xúc thóc đem đi đánh xóc đĩa đâu" (chả là ông bố xúc thóc nhưng dặn con đừng nói với bu mày rằng tao xúc thóc nhé).
Nhưng đó là chuyện gia đình, chuyện xã hội ở tầm vi vi mô, tức bé tí ti, còn tầm dân tộc, quốc gia lại khác. Đứa trẻ, dù con ông trời cũng vẫn là đứa con nít, để nó dạy dỗ thì chả khác gì báng bổ cả dân tộc, cả nước. Nó có thần đồng như Lê Quý Đôn, siêu nhân như Macaulay Culkin cũng cứ phải rút roi phết vào đít mỗi khi nó hư nó hờn, chứ đâu có cái thói người lớn đi đêm bắt tay móc ngoặc chia chác ghế cho nó, đem quyền uy hống hách của cha để đàn áp thiên hạ bắt tôn sùng con. Trò ấy thực trò hề, phường tuồng. Thiên hạ xem họ diễn, nặng thì chửi cho vài câu bõ tức, nhẹ thì khinh bỉ, xem thường.
Cha con nhà Kim Jong-il xứ Triều Tiên quả thật siêu hề. Thằng con Kim Jong-un vắt mũi chưa sạch, bắn súng cao su chưa trúng đít con chim, thế mà nhảy phóc một phát lên đại tướng (xứ ta cũng có một vài vị lên tướng kiểu này, tuy nhiên đã qua thời bắn bi nên được châm chước). Nay lão cha biết mình ốm yếu chả đọ được mệnh trời bèn vội vã tăng tần suất cho thằng con dại xâm nhập thực tế. Nhìn tấm ảnh mà mình phì cười. Quá thể.
Cười xong muốn mếu. Thương hại cho những người đã đầu hai, ba thứ tóc, trải đời gấp mấy bố con nhà nó, mà đành lòng quỵ lụy xun xoe.
Bất giác nhớ câu bất hủ của Cao Chu Thần tiên sinh: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (cả đời, ta chỉ cúi đầu trước hoa mai).
Thế mới là người.
30.9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011
Ôi nước Nga, người đã khuất sau dãy đồi
Thương thay nước Nga. Có một thời mình rất yêu quý Liên Xô, nay vẫn quý dù nó đã mất, dù mình chưa được đi Liên Xô bao giờ. Mà chả riêng mình. Năm 1930, cụ Hồ viết cuốn Nhật ký chìm tàu từng đặt cược hết hy vọng vào nước Nga, trong đó có câu trứ danh:
"Nước Nga có chuyện lạ đời
Đem người nô lệ thành người tự do
Sung sướng thay thợ thuyền Nga
Những ngày nghỉ việc đều là ăn lương", hihi
Năm 1936, đệ tử ruột của cụ, thi sĩ Tố Hữu cũng "há mồm khoan khoái/ngồi mơ nước Nga", vậy thì mình mê nước Nga là chứng tỏ lập trường cách mạng ra phết.
Thế mà Putin làm hỏng cả.
Chỉ muốn nhắn gửi tơ-va-rít-xơ Putin vài lời: Chả lẽ hơn hai trăm triệu người Nga không còn ai đáng mặt anh tài hay sao? Nhìn bậc tiền nhiệm Eltsin mà học hỏi điều tốt, đồng chí ạ. Nếu không, nhìn vào gương Gaddafi đó.
Hồi còn đi học, thầy Đỗ Hồng Chung dạy bài Trường ca về đạo quân Igor, đọc cho tụi mình nghe câu kết "Ôi nước Nga, người đã khuất sau dãy đồi". Nay nghiệm thấy đúng quá.
Tức khí mình làm mấy câu cóc thi:
Nước Nga hết mẹ nó người
Quanh đi quẩn lại trò cười Putin
Nghĩ mình đấng bậc siêu nhân
Ghế cao chót vót trị dân nhiều hồi
Bọn bay một lũ chết toi
Đừng hòng hó hé, hận đời nghe em
Cho ăn thì mới được ăn
Cho chơi cho thở cho lăn cho quỳ…
Quyền ông, ông bắt phải nghe
Thủ tiêu dân chủ, làm gì được nhau
Độc tài khoác áo mỹ miều
Putin ơi hỡi, xế chiều nước Nga
Dãy đồi đã khuất xa xa.
9.2011
Nguyễn Thông
Công an Tàu chịu chơi
Sáng nay đọc trên BBC thấy cái tin này, mình phải buột mồm khen bọn TQ cởi mở, chịu chơi. Cứ tưởng công an của nó chỉ làm nhiệm vụ theo dõi hoặc phá các blog, dằn mặt bloggers, té ra cũng biết sử dụng blog làm phương tiện hữu hiệu. Tay thứ trưởng Hoàng Minh nhận xét mấy câu có lý ra phết.
Sau đây là bản tin trên BBC ngày 28.9.2011:
Công an Trung Quốc được khuyến khích tăng cường sử dụng các trang mạng xã hội để tăng cường cởi mở và “xóa tan hiểu lầm”.
Ông Hoàng Minh, thứ trưởng công an, phát biểu như vậy tại một hội nghị hôm thứ Hai nhằm giúp nhân viên công lực sử dụng microblog - tương tự Twitter.
Bản thân vị thứ trưởng cũng viết trên trang microblog của Sở Công an Bắc Kinh: "Người dùng internet là một trong những nhóm chính trong xã hội và họ không hài lòng."
Dân số mạng của Trung Quốc - lớn nhất thế giới với 485 triệu người - ngày càng dựa vào thông tin trên mạng như microblog thay vì đọc báo chính thống.
Microblog, mà tiếng Hoa gọi là weibo, đã trở thành diễn đàn để lật tẩy những hành vi xấu của công an và chính quyền.
Gần đây, chuyện một du khách Trung Quốc bị kéo ra khỏi phòng khách sạn và bị đánh ở Bắc Kinh đã khiến dân cư trên mạng tức giận.
Theo thứ trưởng công an, lực lượng của ông đã mở hơn 4000 tài khoản và hiện 5000 công an trên toàn quốc đang sử dụng microblog.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/09/110927_china_police_microblog.shtml
Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011
Tục ngữ, thành ngữ mới
Xin đa tạ.
1.Tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen
Câu tục ngữ nói trên khá mới, tuổi đến thời điểm này chỉ vài năm là cùng. Nó ra đời trong chính thể nước VN cộng hòa xã hội chủ nghĩa, triều đại do ông Nguyễn Tấn Dũng người gốc tỉnh Kiên Giang làm thủ tướng. Đương thời, theo nhà cầm quyền VN thì quan hệ hai nước VN-Trung Quốc rất nồng ấm, phát triển tốt đẹp; nhưng thật lạ, phía TQ luôn gây sự, khiêu khích, nói một đằng làm một nẻo. Biểu hiện rõ nhất là họ công bố đường lưỡi bò chín đoạn đòi độc chiếm biển Đông, vi phạm trắng trợn chủ quyền và quyền chủ quyền của VN, không chỉ biển xa (vùng đặc quyền kinh tế) mà cả biển gần (lãnh hải) của ta. Chúng cho tàu quân sự núp bóng tàu cá hoặc kiểm ngư xâm nhập biển VN, cứ gặp tàu thuyền bà con ngư dân ta là đâm là húc, thu ngư cụ cá tôm, thậm chí bắn giết bắt bớ đòi tiền chuộc. Chiêu chúng thường giở ra nhất là tấn công vào ban đêm, sau đó chuồn mất dạng, khiến bao tàu thuyền ngư dân VN bị chìm, thủy thủ mất xác nơi bể khơi, ai oán không kể xiết. Vụ việc ngày càng dày, nhất là từ năm 2009 đến nay. Lạ là hầu như ai cũng biết thủ phạm chính thằng TQ dã man nhưng nhà nước VN phản ứng yếu ớt, báo chí thông tin mù mờ, thường chỉ định danh bằng cái tên cực kỳ trừu tượng "tàu lạ". Xem riết, đọc riết, người dân buột miệng có gì nói mẹ nó ra đi, lạ với chẳng lạ. Dân gian truyền nhau câu "tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen" để nói về trường hợp trên. Cũng có vị tỏ ra hiểu biết thời cuộc, ra vẻ ta đây theo dõi kỹ lưỡng các loại báo chí đương thời, cả tả ngạn lẫn hữu ngạn, thì khẳng định câu này xuất xứ từ nhà báo Huy Đức (còn có tên gọi nổi tiếng trong giới blog, facebook là Osin) trong một bài viết hồi tháng 7.2009. Mình chưa kiểm chứng, cứ tạm đưa vào đây để thêm chứng lý. Thì văn học dân gian (folklore) mà, của riêng cũng thành của chung thôi.
27.9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011
Thế mới thực vĩ đại
Bữa qua chủ nhật, nhân có thằng em rể Nguyễn Công Kha đang chuyến du lịch ở lại chơi, hai anh em mình làm phát lên thăm ông anh cả ngụ tại Đạ Huai, Lâm Đồng.
Xe Thành Bưởi chạy hết đúng 4 tiếng tới nơi, chơi với anh chị và các cháu 4 tiếng nữa, rồi kéo nhau về. Cha chả, cứ tưởng dễ xe, ai ngờ chiều chủ nhật thiên hạ đi nghỉ Đà Lạt khứ hồi, vẫy mỏi tay hỏi mỏi mồm không được bác tài nào OK. Chán quá, nhìn lên núi ngó ông cột hơi cong trong làn mây, tự dưng thấy phấn khích hy vọng, tiếp tục chờ.
Cột đá này, thằng cháu mình bảo, cao ít nhất cũng khoảng 50m, đường kính mười mấy hai chục mét, nó từng trèo lên đi vòng quanh mãi chả hết chu vi. Hỏi tên gì, nó nói không biết. Mình đặt cho cụ cột đá cái tên xứng đáng là... "Yoni" (ghi chú: lúc ấy mình nhầm, do nhớ lõm bõm, phải là linga mới đúng). Quả thực một... yoni vĩ đại. Của trời có khác, cái gì cũng to, đại to. Thế mới thực vĩ đại, còn mọi sự mệnh danh vĩ đại khác là gán ghép tuốt tuồn tuột.
Mình thầm khấn, vái cụ yoni phù hộ cho hai anh em mình bắt được xe về Sài Gòn sơm sớm. Ra trạm dừng của xe Thành Bưởi, thấy một chiếc loại giường nằm, mình hỏi còn chỗ không, bác tài tre trẻ đẹp giai bảo còn một, mình năn nỉ chúng tớ hai người, cứ cho lên ngồi chung vậy, không cần nằm, bác ta đồng ý, nói ngồi chờ vì xe còn nghỉ 30 phút. Nhìn sang chiếc Thành Bưởi ghế ngồi màu trắng bên cạnh, khách đang lục tục lên, hỏi cậu phụ xe còn chỗ về Sài Gòn không, nó hỏi mấy người, bảo hai, y giục lên luôn đi còn đúng 2 ghế hàng cuối, xe chạy ngay. Mình đẩy cậu em lên, mắt dáo dác tìm bác tài giường nằm để xin lỗi nhưng bác ta biến đâu mất rồi, về được mà cứ áy náy mãi bởi phụ lòng tốt của người khác. Cậu em rể bảo anh em mình không đi thì lại nhường may phúc cho kẻ khác, thế nào xe cũng lấp đầy mà. Nghe có lý.
Xe lăn bánh, nhìn lên ông cụ "Yoni" mờ trong mây chiều, mình thêm lần chắp tay lạy tạ. Thiêng thật. Thế mới thực là vĩ đại.
26.9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011
Thủ đô nên ôm tập vở vào Sài Gòn mà học
Trên đường Nguyễn Văn Trỗi, hướng từ sân bay về trung tâm Sài Gòn, xe loại nào chạy vào đường loại ấy, không mấy khi lộn xộn (ảnh chụp chiều 25.9)
Suốt mấy tháng qua, cụ thể là cuối tháng 6 đến giờ, dư luận cứ râm ran chê Sài Gòn kém cỏi so với Hà Nội về… lòng yêu nước. Người Sài Gòn nhiều lúc cũng ngậm ngùi, chỉ biết than thở cùng nhau. Rồi tự an ủi, kém nơi nào chứ kém thủ đô thì cũng chả đến nỗi xấu hổ lắm.
Nhưng nay thì có cái để người Sài thành vênh mặt được rồi. Mà hơn hẳn, rất cụ thể, rất đáng để người Hà Nội, nhất là các vị lãnh đạo, những cơ quan công quyền, chức năng của thủ đô phải xấu hổ thực sự. Mà là cái gì vậy?
Chả là hơn tuần nay, Hà Nội thí điểm phân làn tuyến giao thông trên phố nội đô, mới tạm áp dụng trên vài tuyến phố thôi (Hàng Bài, Bà Triệu, Phố Huế, Giải Phóng…). Xe nào vào đường ấy, ô tô có đường ô tô, xe máy theo đường xe máy, chỉ thế thôi. Chả hiểu sao một quy định rành mạch thế mà cứ lúng ta lúng túng, thực hiện rối tinh rối mù, như gà mắc tóc. Đường được phân làn rõ ràng, người hướng dẫn có mặt ở khắp mọi nơi nhưng bà con thủ đô thanh lịch văn minh vẫn chạy ào ào, bất chấp còi toét toét. Anh em cảnh sát, thanh niên xung phong, giao thông công chính bở hơi tai với người vi phạm. Vẫn biết bỏ một thói quen nào đó là khó nhưng qua vụ việc này tôi thấy lăn tăn có vấn đề. Cũng có thể cách phân làn chia tuyến chưa hợp lý, lưu lượng xe cộ quá đông, lực lượng hướng dẫn điều tiết chưa đủ, chính quyền chưa kiên quyết xử lý… Nhưng, theo tôi, cơ bản là do con người thủ đô thiếu ý thức cộng đồng, ứng xử chưa theo kịp những quy tắc đô thị văn hóa, văn minh.
Nói thế, có ai đó mắng tôi, cho rằng đừng vơ đũa cả nắm. Hột vịt còn có hột lộn nữa là người. Tôi chả tự dưng bêu xấu người Hà Nội làm gì bởi từng sống và học tập tại thủ đô suốt 4 năm nên rất yêu mảnh đất và con người nơi đây. Tôi ở Sài Gòn đến nay đã hơn 34 năm, cứ coi như gần nửa đời người, có lẽ thế nên hiểu người Sài Gòn rõ lắm. Sự lịch lãm, ăn chơi, điệu đà, văn gừng văn nghệ, dường như thủ đô ăn đứt Sè goòng. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng cộng đồng, ứng xử văn minh, thái độ thân thiện, thẳng thắn, bà con thủ đô còn phải học người phương nam nhiều. Tôi đã trải hàng chục hội hoa xuân ở thành phố cả chục triệu dân này, chưa mấy khi phải chứng kiến cảnh người đi hội đạp lên bờ cỏ, xô đổ chậu hoa chứ đừng nói gì chuyện cướp hoa cướp quả, vặt lá bẻ cành. Nửa đêm đi làm về, tôi luôn gặp cảnh những tốp thanh niên dù rất ồn ào, chạy xe bặm trợn nhưng cứ thấy đèn đỏ là dừng, cực kỳ nghiêm túc. Ít khi gặp người chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm. Mọi điều diễn ra tự nhiên như nó vốn phải thế.
Lại quay về chuyện phân luồng giao thông. Xin thưa với Hà Nội đang lúng túng, ở Sài Gòn người ta làm lâu rồi, đâu vào đó, nhanh gọn, không hề rắc rối. Tôi thấy từ hồi nảo hồi nào các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Châu Văn Liêm, Trường Chinh… xe chạy đâu ra đó. Gần đây nhất là đại lộ Đông-Tây, nay đặt lại thành Võ Văn Kiệt, khi cơ quan chức năng quyết định phân tách làn xe là chỉ sau 2 ngày lực lượng cảnh sát giao thông chịu cảnh thất nghiệp. Không ai bảo ai, đường ta ta cứ đi, tuyệt nhiên không lao sang đường khác.
Thế thì Hà Nội nên tự xem lại mình chút xíu đi.
9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011
Những bài hát của một thời (4)
Bài hát có tên "Nguyễn Bá Ngọc, người thiếu niên dũng cảm" của nhạc sĩ Mộng Lân, viết năm 1965, sau này có sách nhạc đặt cho tên mới là "Ngợi ca anh Nguyễn Bá Ngọc".
Thời chống Mỹ, xứ Thanh Hóa có nhiều bài hát hay lắm, như Thanh Hóa anh hùng (Hoàng Đạm), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Cây lúa Hàm Rồng (Đôn Truyền)... và bài này. Anh Nguyễn Bá Ngọc là nhân vật có thật, tháng 4.1965 anh đã cứu, lấy thân mình che cho 2 em nhỏ khỏi bị mảnh bom, và hy sinh khi 13 tuổi. Hồi đó đọc bài trên báo Nhân dân, mình rất kính phục anh ấy (hơn mình 3 tuổi), nhưng vẫn nhớ cứ buồn cười mãi cái chi tiết hai em bé được cứu tên là Oong và Đơ. Anh Uy bảo chắc bố hai đứa này biết tiếng Pháp bởi Oong (une) là 1, Đơ (deux) là 2.
Lại nhớ, lúc ấy mình học lớp 3. Mỗi lần thầy Lập vào lớp, lớp trưởng hô "học sinh đứng", tất cả vụt đứng, miệng hét "lên", thầy vẫy tay một nhát, lớp trưởng lại hô "học sinh ngồi", tất cả đồng thanh "xuống"; tiếp theo lớp phó quản ca (cái Cày con cụ Bột thì phải) cầm càng "trên đất nước anh hùng, hai ba", cả lớp gào lên "trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công, gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông...". Ngày nào cũng như ngày nào, bài hát ngấm vào máu, vào tâm hồn. Mình nghĩ, những ai đã ngấm bài hát như thế thì cả đời chỉ một dạ yêu nước, yêu con người chứ không thể nào khác được.
Lại nhớ nữa, hồi năm 2006 họp lớp Văn tổng hợp ở Hà Nội, mình hỏi Đào Lê Bình có máu văn nghệ không, hắn cười tít mắt, gào "trên đất nước anh hùng ngày ngày thêm những chiến công...". Cha ấy nghệ sĩ thế mà cầm đầu quản tờ báo công an thì thật lạ.
23.9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011
Ối giời, tiền tỉ
Dân giàu nước mạnh, nhiều tiền thì tốt chứ sao. Nước Mỹ lâu lâu lại làm phép tổng kết xem có bao nhiêu tỉ phú để vênh váo với thế giới. Forbes đã đưa anh nào vào danh sách chẳng khác gì đeo cho cái huân chương công trạng làm giàu. Xưa K.Marx coi đồng tiền là con đĩ nhân loại, nay con cháu Marx tôn tiền thành tiên thành phật. Ở xứ ta cũng chẳng ngoại lệ.
Bất cứ nơi đâu trên quả đất này, dân đều phải có nghĩa vụ đóng thuế, nộp vào ngân sách nhà nước. Ngân sách là tiền mồ hôi nước mắt của dân, thậm chí là máu, là sinh mạng. Chi một đồng ngân sách cũng phải cân nhắc, hợp tình hợp lý thì dân mới ủng hộ, chứ đâu có cái thói ném tiền qua cửa sổ. Vì vậy, thật chả ra sao khi người dân cứ ồn ào lên với vài vụ chi tiền, mất tiền tỉ gần đây.
Xa một chút là vụ Vinashin, không phải mất toi tiền tỉ bình thường mà gần trăm ngàn tỉ. Khiếp. Nháo nhác như nhà bị cả trung đoàn ồ vào cướp. Rồi người ta dàn xếp, cơ cấu lại, tính toán trừ chỗ này bớt chỗ kia, tóm vài lão tốt đỏ vào nhà đá để hạ hỏa, nay thì “tạm ổn” nhưng mình đoan chắc tiền tỉ tỉ ấy toi rồi.
Gần, thật gần là vài vụ điển hình.
Theo báo Dân Trí, tòa nhà Bảo tàng Hà Nội vừa được đưa vào hoạt động có tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỉ đồng. Với số tiền ấy, mình cứ nghĩ nó phải to như quả núi, nguy nga lộng lẫy không kém gì cung điện Burmingham. Vậy mà chả phải, giới kiến trúc nhận xét ra sao chứ mình coi nó là khối xi măng thô kệch, xấu vào loại nhất Đông Dương từ xưa đến nay. Báo chí cũng phàn nàn, bảo tàng bảo tiếc gì mà lèo tèo vài ba món đồ, người thăm cũng lèo tèo. Hay là đặt lại cho nó cái tên bảo tàng Bà Đanh. Món tiền gần 3 ngàn tỉ nói trên mua được nỗi thất vọng.
Cách nay hơn tuần, người ta choáng khi biết chính quyền quận Ba Đình lập dự án tu bổ tôn tạo chùa Một Cột. Cái chùa cổ ấy (thực ra thì được phục dựng lại hoàn toàn năm 1955 sau khi bị Pháp giật mìn phá hủy) mình biết lắm, kiến trúc đẹp, vị trí đẹp, nhưng về quy mô, có lẽ to chưa bằng căn hộ loại thường của chúng sinh. Nó cũ thì làm cho mới hơn, hư thì sửa, xuống cấp thì nâng cấp. Nhưng những 31 tỉ tiền, lạy Phật, chả biết người ta đắp chừng ấy tiền vào cái gì. Hay họ định dát vàng, nạm kim cương. Có xây hẳn một cái chùa mới toanh to gấp 10 chùa cũ cũng không xài hết chỗ tiền mồ hôi nước mắt đó, các ông bà ạ.
Chùa Một Cột (ảnh chụp tháng 6.2008, Nguyễn Thông)
Cầu Long Biên bắc qua sông Cái nối Hà Nội tỏa đi khắp nơi. Hơn trăm năm nay nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giờ về hưu non bởi nhiều em con cháu nó đứng thay gánh vác. Mình thấy mừng khi bà kiến trúc sư Việt kiều Nguyễn Nga tuyên bố đang lập dự án biến nó thành công trình văn hóa-lịch sử, lưu lại cho đời sau ngắm nghía. Nhưng mừng hụt. Bà Nga bảo phải tốn những 5.000 tỉ đồng, không nhờ ngân sách nhà nước, tuy nhiên sẽ sử dụng hết số tiền 80 triệu euro mà chính phủ Pháp hứa tài trợ nhà nước ta. Tưởng giỏi giang gì, vẫn bấu vào nhà nước. Xin thưa với bà, nếu bà tự xin được tiền của người Pháp đi một nhẽ, còn đây nhà nước cho nhà nước thì nó là tiền của dân. Bà có biết để làm cây cầu Mỹ Thuận hoành tráng cực kỳ quan trọng với đồng bằng sông Cửu Long, hết bao nhiêu không, chỉ 67 triệu USD thôi đấy. Hay lại tính mạ vàng cầu qua sông Cái?
Vụ tiếp này thì hơi nhạy cảm, nói ra sợ bị mắng. Đó là tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ban đầu là ý tưởng, sáng kiến của đài Tiếng nói Việt Nam, chắc định làm nhỏ thôi. Có phát mà không có động (đậy) nên tiền thu được chả bao nhiêu, đài liền pát-xê qua cho tỉnh Quảng Nam. Sau bao nhiêu lận đận, tỉnh nghèo gắng sức nhưng đuối, mà chả dám kêu. Nay chốt lại, vừa địa phương vừa nhà nước trung ương cùng làm, bổ sung 330 tỉ đồng, thành tổng dự toán 410 tỉ đồng. Tiền đó nhiều ít thế nào so với công trình, mình không có chuyên môn nên không dám bàn, chỉ rụt rè ngỏ rằng giá cứ làm vừa vừa phai phải, đừng dựa vào oai linh mẹ anh hùng để thỏa bệnh thích hoành tráng thì hợp lý hợp tình biết bao nhiêu. Rất nhiều mẹ anh hùng trên cả nước này đã gần đất xa trời, chăm lo các mẹ chưa chu đáo, nhiều mẹ miếng ăn chả đủ, nhà tranh vách nát, sống buồn bã cô đơn. Dành phần lớn số tiền ấy nuôi chăm các mẹ có hơn không. Và nói liều thêm: xem ảnh chụp khối tượng phác thảo, lại vẫn đường nét gồ ghề, vuông thành sắc cạnh, mình thấy chả cảm tình tí nào. Xếp hạng, có lẽ cỡ Bảo tàng Hà Nội. Thế mà có vị dám so sánh sản phẩm chưa ra đời ấy với tượng bà mẹ Tổ quốc trên đồi Mamaiev ở Liên Xô. Nhà cháu xin bái phục.
Dành tiền tỉ để chăm sóc các mẹ còn sống, bớt chút ít cho các cháu đến trường, có lẽ hợp lý hơn
Nhắc đến tiền tỉ, nhớ thêm vụ 42 tỉ bay hơi ở cục Điện ảnh. Hai ông cục trưởng, cục phó mất chức chưa đủ đâu nhé. Tiền dân đóng thuế, đưa cho các ông làm phim phục vụ nhân dân. Phim chửa thấy đâu, tiền bay vụt mất. Liệu tay kế toán kiêm thủ quỹ ấy có ăn một mình, kệ, các ông cứ phải đền. Không đền là dân đốt phim.
Kể từ 1.10 tới, người lao động sẽ được tăng lương tối thiểu lên đến 1,4 triệu đồng/tháng (mức thấp nhất). Sau khi trừ thuế thu nhập 5%, còn lại hơn triệu bạc. Một tháng 30 ngày, sống ra sao với số tiền ấy, nghĩ nát cả óc. Bình quân hơn 30 ngàn đồng gánh đủ thứ bà rằn trong ngày, ối giời, không dám nghĩ nữa.
Tiền tỉ vẫn cứ đi đằng tỉ, bạc cắc vẫn hoàn bạc cắc. Giá mà hoán đổi được để xứ này thêm nhiều nhiều tỉ phú. Bằng không thì phải dùng biện pháp của Zimbabwe thôi.
Nguyễn Thông
Thêm: Mình viết xong bài này post lên chưa đầy tiếng đồng hồ thì thấy trên báo điện tử VnExpress có bài về mẹ Thứ (nguyên mẫu tượng mẹ VN anh hùng), xin lưu kèm đây làm tư liệu, mong VnExpress lượng thứ. http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/09/me-toi-chac-khong-vui-neu-tuong-dai-ton-kem/
'Mẹ tôi chắc không vui nếu tượng đài tốn kém'
"Ban đầu khi nghe tỉnh chọn hình ảnh mẹ tôi làm mẫu để xây dựng tượng đài, tôi xúc động lắm. Nhưng mà bây giờ xây tượng đài tốn nhiều tiền quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui", mẹ anh hùng Lê Thị Trị tâm sự.
> 410 tỷ đồng xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng / Quảng Nam trần tình về 410 tỷ đồng xây tượng đài mẹ Việt Nam
Quần thể tượng đài tượng trưng cho khoảng 50.000 mẹ VN anh hùng trong cả nước xây dựng tại Quảng Nam lấy nguyên mẫu hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ tại xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ Thứ có 9 con ruột, một con rể và 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh.
Con gái mẹ Thứ là bà Lê Thị Trị (nay đã ngoài 80 tuổi) cũng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu bà mẹ VN anh hùng vì có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Nói về việc xây tượng đài tốn hàng trăm tỷ đồng, mẹ Trị bộc bạch: "Ban đầu khi nghe tỉnh chọn hình ảnh mẹ tôi làm mẫu để xây dựng tượng đài, tôi xúc động nhiều lắm. Nhưng mà bây giờ xây tượng đài tốn nhiều tiền quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui gì đâu".
Rồi mẹ Trị nói tiếp: "Có xây tượng đài thì cũng nên làm vừa sức thôi, đừng phung phí nhiều tiền mất đi ý nghĩa sâu xa của nó".
Mẹ VN anh hùng Võ Thị Khá đang được con gái là chị Trần Thị Khen chăm sóc. Ảnh: Trí Tín |
Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Khá 90 tuổi ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, có chồng và 2 con trai tuổi 18, 20 đã ngã xuống trong chiến tranh, chỉ còn con gái duy nhất ở bên mình. Ngày hòa bình, mẹ lại gánh chịu thêm nỗi đau khi con gái bị di chứng chất độc da cam nên mất khả năng sinh con phải ly hôn sau chưa đầy một năm lập gia đình. Hai mẹ con nương tựa nhau trong căn nhà trống vắng, hàng ngày chị Khen vừa bươn chải bán rau mưu sinh, vừa chăm sóc phụng dưỡng mẹ già trong những năm cuối đời.
Ngồi trầm ngâm cho con gái chải mái đầu bạc trắng, mẹ Khá nói nhỏ nhẹ: "Làm tượng đài gì mà tốn kém nhiều thế, xây vừa tiền thôi, số còn lại nên dành để chăm sóc trẻ mồ côi, tàn tật, giúp các cháu nghèo đến trường thì có ích nhiều hơn. Nước mình còn nhiều địa phương nghèo khổ lắm".
Con gái của mẹ Khá là bà Trần Thị Khen cho biết, mấy năm trước Nhà nước định tặng nhà tình nghĩa nhưng mẹ từ chối, nhường cho mẹ VN anh hùng khác nghèo khổ hơn. Giờ đây may mắn là hài cốt cha và các anh đã được tìm thấy, chôn cất hương khói ở nghĩa trang liệt sĩ. "Thế là mẹ mãn nguyện rồi không mong gì hơn", mẹ Khá nghe kể chuyện, chép miệng.
Các mẹ Việt Nam anh hùng cũng bày tỏ ước nguyện cuối đời thật giản dị, chẳng hạn: mong hài cốt của chồng con sớm được quy tập, an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà; muốn con cháu học hành đỗ đạt trở thành người có ích cho xã hội; hay sửa chữa lại mái nhà tình nghĩa "nắng rọi, mưa dột" cho cháu gái có nơi thờ phụng ông, bà, các chú là liệt sĩ.
Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ lúc mẹ Trần Thị Phẩm tuổi còn trẻ, sau đó đứa con trai duy nhất cũng hy sinh, suốt gần 50 năm qua mẹ sống cô đơn ở huyện đảo Lý Sơn. Hàng ngày mẹ vẫn dè sẻn, tiếm kiệm chi tiêu từng đồng để giành tiền góp vào quỹ khuyến học giúp trẻ nghèo của xã có tiền mua sách, vở đến trường.
Trong những năm tháng tuổi già, mẹ ước mong hài cốt của con trai được đưa từ huyện Sơn Tịnh quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của huyện đảo để hương khói. "Xây tượng đài cho mẹ làm chi, các chú hãy giành tiền giúp tụi nhỏ ở vùng sâu, vùng xa đến trường thì tốt hơn", mẹ Phẩm nói.
Còn mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thư quê ở xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, đang sống quê chồng ở Quảng Ngãi cho rằng: "Nếu Nhà nước làm tượng đài tri ân các mẹ thì xây nho nhỏ thôi, nên dành tiền để chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ sống neo đơn trong tuổi già". Suốt mấy chục năm qua, mẹ Thư côi cút một mình giữa TP Quảng Ngãi, chồng chết sớm, con trai duy nhất hy sinh vào năm 1968. Mẹ Thư ao ước, khi nhắm mắt lìa đời mẹ được đưa về gần con ở nghĩa trang liệt sĩ xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, quê nhà.
Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Thư quê ở xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, đang sống ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Trong khi đó lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết vẫn quyết tâm xây dựng công trình tượng đài mẹ VN anh hùng theo hướng vừa làm vừa vận động kinh phí và chờ Trung ương xem xét hỗ trợ.
Trao đồi với VnExpress.net chiều nay, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, 411,2 tỷ đồng là con số dự toán về công trình tỉnh đang kiến nghị Trung ương xem xét quyết định, hỗ trợ đầu tư.
"Trung ương hỗ trợ bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, số còn lại tỉnh tiếp tục kêu gọi các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước cùng chung tay góp sức; đây là công trình văn hóa cấp quốc gia chứ không riêng gì của tỉnh Quảng Nam", ông Thu nhấn mạnh.
Quần thể tượng đài bà mẹ VN anh hùng ban đầu Quảng Nam dự định chỉ xây quy mô cấp tỉnh với kinh phí 55 tỷ. Sau đó, tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh vốn lên 81 tỷ đồng, trong đó trung ương cấp 50 tỷ, tỉnh chi 20 tỷ và nguồn đóng góp từ các đoàn thể, tổ chức xã hội là 11 tỷ đồng.
Tháng 11/2007, Thủ tướng đồng ý đưa dự án vào danh sách công trình văn hóa cấp quốc gia và yêu cầu tỉnh Quảng Nam xem xét tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp với quy mô. Đầu năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh tính toán lại tổng mức đầu tư để phù hợp với quy mô mới. Sau đó Quảng Nam đã điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư lên 411,2 tỷ đồng.
Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011
Chuyện nọ xọ chuyện kia
Mình cứ bị mang tiếng viết này viết nọ chê (thực ra là không khen) nhà nước chính phủ nên kỳ này tính làm một thiên ra trò, ngợi ca nức nở. Mà cũng phải thôi, cái gì đáng khen nên khen, còn nếu nó đã xấu chả ai ưa thì cứ chê, có rán rặn ra lời ca cũng chẳng ngợi ca được.
Chuyện rằng thế này: tối qua phiên trực được đọc bài của phóng viên tường thuật buổi tranh cãi quyết liệt giữa những ông cầm đầu hai bộ Tài chính, Công thương. Tả phù hữu bật ông quan công thương bảo vệ quyền lợi ích kỷ nhóm lợi ích và lợi ích cá nhân (ai dám bảo là không) còn có mấy ông sĩ quan trùm sò mấy tập đoàn, tổng công ty chi phối thị trường xăng dầu cả nước, nhất là Petrolimex. Mình rất thích thái độ, lời nói thẳng thắn, quyết liệt thẳng ruột ngựa của ông thượng thư tài chính Vương Đình Huệ. Ông này trẻ, cương nghị, dân xứ Nghệ, đúng chất Nghệ chứ không như mấy ông Nguyễn Sinh Hùng, Lê Doãn Hợp chán mớ. Mến phục ông Huệ quá, mình định viết khen ngay trong đêm nhưng xong việc về quá khuya, sáng ra chưa kịp mò chuột thì đọc trên mạng đã có nhiều bác khen ông Huệ quá trời. Âu cũng là trời đất tổ tông phù hộ cho dân Nam có được con người như vậy. Theo mình, bao nhiêu năm rồi, bao nhiêu kỳ chính phủ rồi, nước trôi tỉ tỉ mét khối dưới gầm cầu rồi, nay bỗng xuất hiện ông thượng thư đáng mặt thượng thư. Ai làm quan cũng như ông Huệ (tạm tính đến thời điểm này của ông) thì dân kêu ca làm quái gì, chỉ khuyên điểm son cũng đủ mỏi tay, hơi đâu mà kêu.
Bọn Nghệ cá gỗ bạn mình, như Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Sĩ Đại, Thu Hà, Minh Huệ, Hoàng Xuân Bối… phen này tha hồ mà tự hào. Kể từ thời cụ Hồ còn sống đến giờ, nay chúng mày có thêm người Nghệ ra trò, chúc mừng chúng mày, hơi ghen tị đấy, chả bù cho ông cựu bí thư Nguyễn Văn Thuận người Phòng quê tao.
Mà người ta viết rồi, khen rồi thì mình nên thôi, kẻo vướng dây về hùa, ăn theo, bầy đàn. Nhưng thế thì phải viết cái gì chứ. Thực ra có đấy, cũng tờ báo hôm qua (mình đọc trước khi in nên gọi hôm qua) đăng tiếp bài của anh Hoàng Hải Vân (Huỳnh Kim Sánh) về bí mật thủy quân nhà Nguyễn. Anh Sánh nghiên cứu công phu, nhiều chi tiết cực hay, lập luận sắc sảo (đúng phong cách anh ấy xưa nay), nhưng mình thích nhất chi tiết này: thủy quân thời Nguyễn ra biển, nhất là đi Hoàng Sa, không ăn gạo mà ăn cám.
Cám là tinh hoa của hạt thóc, những chất dinh dưỡng tốt nhất ở cám chứ không phải gạo (điều này thì khoa học đã chứng minh). Nói một cách sòng phẳng, ăn cám mới khôn, xơi gạo là ngu. Xơi gạo càng trắng, vo càng kỹ càng ngu, ngu thậm tệ.
Khổ nỗi, xưa nay truyền đời, không biết tự bao giờ, gạo được dành cho người, cám đổ cho lợn heo. Người ăn gạo được gọi là khôn, thông minh, hạt gạo xem như hạt ngọc (ngọc thực). Heo xực cám bị coi là ngu đần, cổ ngữ có câu “ngu như lợn”, ngu như heo. Cám và lợn là một cặp phạm trù. Con lợn bệnh bị gia chủ phàn nàn “lợn chê cám”. Cứ áp đặt thế, trái khoa học, trái quy luật, làm cái chuyện đảo điên quái đản, con người tự cho mình khôn ngoan mà nào biết thực ra ngu hơn lợn.
Cũng có thể có đám người nào đó không muốn vậy, định chứng minh ngược lại bằng cách…ăn cám, quyết không xực gạo nữa nhằm chứng tỏ chân lý. Đâu dễ, hỡi đám nhăm nhe cách mạng ăn uống kia. Gì thì gì, vấp ngay phải định kiến mà bầy đàn đang tung hô: cứ ăn gạo mới khôn, ăn cám là ngu. Vậy là băn khoăn, hầu hết đám đông kia ai cũng và cơm hằng ngày, tự dưng mình chén cám, chả phải định bô bô trước thiên hạ rằng mình trí tuệ kém à, đồng bọn với lợn à. Tặc lưỡi, thôi, em chã. Em cứ ăn gạo, tự lừa mình, biết là ngu nhưng ngu trong cái ngu của thiên hạ, thế là hưởng thái bình rồi.
Bọn lợn ăn cám (chúng rất khôn, chưa hề định đổi đòi măm gạo) mà biết ai đó định giành món khoái khẩu mà loài người ngu dốt phân phối cho, chắc chúng lo lắm. Nhưng tao nói cho mày biết, lợn nhá, phần đông loài người chúng tao quen ăn gạo rồi, dù đắng nghét cái miệng nhưng vẫn chả dám nhả ra đâu.
9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011
Chuyện nhà
Mình bảo:
-Các con ạ, đời bố đến tuổi này coi như tiểu thuyết sắp sang hồi kết, hay dở đã rõ, đoạn vĩ thanh muốn viết hoặc không đều được. Nói chung là thất bại, yếu kém toàn diện làm khổ lây cả vợ lẫn con. Ngẫm lại có nhiều nguyên nhân, nhưng hình như chính yếu là mình thiếu lòng tin vào đoàn vào đảng, thiếu sự phấn đấu, nên mấy chục năm cứ giữ nguyên xi cái danh hiệu cảm tình và đối tượng của tổ chức. Đáng trách lắm. Mà ở xứ ta, cứ đảng lãnh đạo dân, làm chủ nhà nước, quản lý. Làm chủ thì bố làm chủ chán vạn rồi. Vậy hai đứa, tuổi còn trẻ, muốn làm ông nọ bà kia, ráng phấn đấu vào đảng...
Hai đứa chỉ nghe đến thế đã giãy đành đạch, ngắt ngay lời bố, chối đây đẩy, xua tay rối rít:
-Thôi, thôi.
Chả biết chúng thôi thôi cái gì. Mình chán chúng nó quá.
Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011
Vừa ngu vừa ác
Trên báo Sài Gòn tiếp thị hôm nay có 2 điều làm mình chú ý.
Thứ nhất, trong phần lưu chiểu (dưới cùng trang áp chót tờ báo) đã mất bay cái tên của Tổng biên tập Đặng Tâm Chánh, thay vào đó là quyền tổng biên tập Nguyễn Xuân Minh. Thực ra vụ này đồn đại râm ran lâu rồi, nhưng công tác tổ chức-cán bộ cứ phải làm từ từ, chặt một phát nhiều ghế dễ gây dư luận xấu, vả lại kỷ luật hết lấy ai đứng ra lãnh đạo (ông Nguyễn Sinh Hùng từng khuyên thế). Dư luận xì xào rằng anh Chánh Tâm này không giỏi chạy, không có người chống lưng như anh Chánh Văn, đi là phải. Mình chả biết thế nào, tuy nhiên nhớ lại chuyện Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, đã trả lời Ngọc Hoàng thượng đế “làm vua phải thay phiên nhau mà làm”, đừng khư khư độc tôn ông từ giữ đền mãi. Lẽ thường sự đời là vậy.
Thứ hai, cái này mình chú ý hơn, là tờ báo đăng lời xin lỗi bạn đọc bởi số báo trước đó cho in bài ca ngợi món ăn làm từ con cá lòng ròng (miền Bắc gọi là ròng ròng hoặc rồng rồng), tức cá lóc (cá quả) bé xíu mới nở. Chắc bạn đọc chửi quá, chịu không thấu nên phải xin lỗi ngay. Vụ này, mình thấy:
-Báo Sài Gòn tiếp thị (dù có Tâm Chánh hay không còn Tâm Chánh) rất đàng hoàng, biết phục thiện, biết mình sai thì sửa, và sửa ngay, thật lòng, tôn trọng bạn đọc. Chả như nhiều tờ báo (đài) nhớn, kênh kiệu, lúc nào cũng ra vẻ ta đây, sai gì thì sai cứ mất hút con mẹ hàng lươn, đến khi bị chửi rát quá thì khụng khiệng vòng vo chữ nghĩa làm tí nói lại cho rõ hoặc đính chính cốt cho có. Kiếm được lời xin lỗi của các vị nhớn ấy quả thực khó, đừng mong gì đến lời xin lỗi chân thành.
-Người nước Nam ta, xưa nay cứ tự hào nhân nghĩa, nhưng trên thực tế, mình thấy rất ác. Đối với con người, ác; đối với con vật, lại càng ác. Ai đời con cá ròng ròng mẹ nó mới sinh, nhỏ tí ti thế mà cũng bắt ăn, rồi còn khen ngon. Cá rô ron cũng vậy, nhưng rô ron không theo đàn, chứ ròng ròng trẻ thơ phải theo mẹ. Cá chuối đắm đuối vì con, con người tình mẫu tử thế nào thì cá chuối (cá lóc) chắc cũng thế. Chuyện cá mẹ quăng mình lên bờ nằm cho kiến bu đầy rồi nhảy xuống nước đem mồi về cho con, không mấy ai không biết. Và chuyện này thật trăm phần trăm: hồi mình còn bé đi câu, gặp tổ ròng ròng, bắt ngay con cá mại cờ móc vào lưỡi câu thả trúng giữa đàn cá con đông đặc, cá mẹ tưởng con bị nguy lao vào đớp ngay. Mình đem con cá quả mẹ to đùng về khoe với cả nhà, không quên mô tả đã mưu mẹo thế nào. Thày mình chả nói nhiều, chỉ bảo con hãy tìm tổ ròng ròng đang ở đâu thả cá mẹ về đó. Đàn cá con, nếu không có mẹ nuôi nấng bảo vệ sẽ chết hết, đừng tận diệt nó. Mình đem cá đi thả mà lòng thật vui, chả chút lăn tăn tiếc rẻ; sau lớn rồi thì hiểu việc gì phải đạo, hợp lẽ trời đều như vậy cả.
Nay thì người ta đang tận diệt, cả cá mẹ lẫn con. Bằng chứng như báo Sài Gòn tiếp thị đã nêu. Ngoài ra, mình còn thấy những chỗ bán cá cảnh, trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3 chẳng hạn, người ta gom đầy cá ròng ròng để bán làm mồi cho người nuôi cá. Khẩu thì hô hào bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn môi trường sinh thái nhưng tâm thì độc địa rắn rết, tàn phá không còn chút tính người. Người bắt cá con ác, người bán cũng ác, người mua ác chả kém gì. Cứ vừa ngu vừa ác thế, nếu có luân hồi, thử hỏi đấng nào dám duyệt cho các ông bà ấy tiếp tục kiếp người nhỉ.
Nhưng một ông bạn tôi cứ khăng khăng rằng, giờ đây cùng chung một bọc (đồng bào) mà con người còn ác với nhau thì đòi họ sống thiện, đừng tận diệt thiên nhiên, liệu có ai nghe.
Quả thật buồn, chua chát. Chả lẽ bây giờ làm người tốt, người tử tế khó vậy sao?
9.2011
Nguyễn Thông
Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011
Thần y hay gian y?
Mấy bữa nay, dư luận đặc biệt quan tâm đến điều lẽ ra phải quan tâm chú ý từ lâu: các phòng khám Trung Quốc (cách gọi vắn tắt chỉ những phòng mạch do thầy thuốc từ bên Tàu sang hành nghề ở Việt Nam). Chả biết có sự chỉ đạo thống nhất tập trung từ trên gì không nhưng súng dư luận bắn như vãi đạn vào các phòng khám này, thôi thì đủ cả báo in, báo hình (tivi), báo nói (đài), báo điện tử, lề phải, lề trái, chính thống, không chính thống, thậm chí cả mấy chú bờ lốc cũng ăn theo, chủ yếu là bày tỏ sự nghi ngờ vào trình độ ba lăng nhăng và tài chữa khó tin của các thần y. Kể cũng lạ, mà không lạ, theo mình thậm chí hơi bị muộn là khác.
Hồi xưa nghe các cụ dạy, trên đời có hai thứ nghề cao quý nhất (ngôn ngữ thời thượng bây giờ gọi là Top 2): dạy học và làm thuốc. Một thì dạy dỗ con người nên người, một thì cứu người thoát khỏi bệnh tật, cái chết. Đời còn chán vạn nghề khác nhưng quý nhất chính là hai nghề ấy. Vậy mà người ta bỏ quê hương bản quán, xa vợ xa con, lặn lội đến nước mình bốc thuốc chữa bệnh, coi các bệnh ung thư, tim mạch, yếu sinh lý... nhỏ như con thỏ, ta chả biết ơn lại còn xỉa xói, đay nghiến này nọ, liệu có quá lắm không? Mình khi viết những dòng này cũng lăn tăn tự vấn thế, hay là đang làm điều gì không nên không phải, sau nghĩ kỹ hơn thì thở phào, chả quá lắm đâu. Không có lửa làm sao có khói.
Lúc mình còn bé được nghe kể về tụi Nhật Bản khôn ranh như thế nào khi dọn đường chuẩn bị cho cuộc xâm nhập xứ An Nam để đảo chính Pháp. Người họ có mặt khắp mọi nơi, đủ vai đủ dạng: thợ cắt tóc, hoạn lợn, chữa kính chữa bút, kéo xe, đồng nát ve chai, nhà thầu, tay chơi… chả hang cùng ngõ hẻm nào không lần mò đến. Khi chính quốc động binh, đùng một phát tất cả vào vị trí, bọn Pháp trở tay không kịp, những nơi trọng yếu bị vô hiệu, Nhật thắng dễ như trở bàn tay.
Lại nói về chuyện phòng khám của thầy Tàu. Trên xứ này, giờ hầu như nơi nào cũng có. Thành phố lớn nhan nhản đã đành, ngay cả thôn cùng xóm vắng mà anh thầy Tàu cũng mò tới nơi. Mấy tỉnh phía bắc nhiều đã đành, nhưng khu vực Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long xa thế mà các thầy "thần y, danh y" vẫn chịu khó đến hành nghề, 3 cùng với bà con người Việt. Chợt nhớ thời sau hòa bình lập lại 54 và thời chiến tranh chống Mỹ, mấy thầy cô giáo do chính phủ điều lên vùng cao, miền ngược hoặc nông thôn xa xôi (nay gọi là vùng sâu vùng xa) được bà con đặt cho cái tên thầy giáo cắm bản, dân thương dân mến hết sức. Mình bé thường ê a “cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, tích tình tang đàn cô hát trên nương trên bản Mèo…”. Liệu các thầy Tàu chữa bệnh này có giống các thầy cắm bản không nhỉ. Chỉ có điều, cắm thì cắm thật nhưng không phải để 3 cùng mà để cài cắm chăng. Vì đại cục, sá gì gian nan vất vả. Cứ vừa chữa bệnh bốc thuốc vừa thu vào tầm mắt muôn trùng nước non, ghi nhận điều này điều nọ, đường đi nước bước, hàng phục nhân tâm, nhiệm vụ đó chứ đâu. Ngô vương phá được trăm vạn quân Tào, lừng danh trận Xích Bích đâu dễ quên công Hoàng Cái khổ nhục kế mà sử còn ghi.
Trộm nghĩ, nếu giặc Trung Quốc tràn sang thì cái đám trá hình (xin lỗi những lương y, thầy thuốc chân chính) kia có thể bỗng chốc biến thành ngay các quân y sĩ, và phòng mạch của họ, ai dám bảo không thành những trạm quân y tiền phương. Đại quân kéo đến đâu đã có sẵn ngay cơ sở hậu cần, dù chốn thành thị hay nông thôn đều đủ cả, quá tiện.
Nhân vụ phòng mạch, lại sực nhớ vài vụ khác na ná. Báo chí ta hồi đầu tháng um sùm vụ ở Phú Yên cơ quan an ninh ngày 5.9 bắt được những 59 đàn ông Trung Quốc, Đài Loan xâm nhập trái phép, đem toàn phương tiện máy móc kỹ thuật công nghệ cao vào để “gây án”, rồi mấy ngày sau tiếp ở Sài Gòn cũng túm được 11 tên tương tự. Lạ là chúng phạm pháp rành rành, bắt quả tang nhưng không bị giam giữ như bọn tội phạm khác mà phải trục xuất chúng ngay về nước. Gớm cho bọn này, định núp bóng chăng?
Viết đến đây, sực nhớ đến câu kết trong bài “Nói hay đừng” của bác Lý Sinh Sự (nhà báo Trần Đức Chính) trên báo Lao Động khi nhắc đến những phòng khám Trung Quốc. Bác ấy bảo rằng “Tớ không rõ chuyện bên họ lắm, chỉ thấy cần cảnh giác với các thầy đang hành nghề bên ta thôi!”, khuyên chớ quá tin thầy mà tiền mất tật mang, bệnh thêm nặng. Mình thì muốn đem lời khuyên ấy chuyển đến những nhà quản lý và an ninh chứ không phải cho bệnh nhân.
9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011
Những bài hát của một thời (3)
Nhưng thôi, thông cảm cho chị Lê Dung (nay chị đã xa cõi đời), có những thời người ta không được làm điều mình muốn, dù rất đúng.
Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011
Nhà văn Lê Lựu làm em sợ quá
Lại nhớ cái thời tờ này có lúc đỉnh phát hành lên tới hơn nửa triệu (có người còn chắc như đinh đóng cột rằng tới 700 ngàn) bản/kỳ, thiên hạ phát rồ với An ninh thế giới, ngồi quán cà phê nào cũng thấy những anh chị vừa nhâm nhi cà phê vừa mải miết gò mắt vào từng trang báo khổ A4. Làng báo phục thượng tá Hữu Ước quá trời, nghĩ tay này có bùa ngải gì mà mê hoặc người ta đến thế.
Dạo ấy văn phòng đại diện phía nam của An ninh thế giới đặt trong khuôn viên doanh trại lực lượng công an vũ trang trên đường Phạm Viết Chánh, Q.1, Sài Gòn, gần cơ quan mình, cách nhau chỉ vài trăm bước chân. Người phụ trách là Trương Nam Hương, nhà thơ. Nói chả phải khoe, Hương với mình là chỗ thân tình, vốn học trò mình, có tập thơ nào ra đều nhớ tặng thầy với những lời hết sức tình cảm. Hương sống có trước có sau, đàng hoàng, mình rất quý. Hồi đó cùng lớp Hương còn có Nguyễn Quốc Chánh cũng tay thơ cự phách, giọng điệu rất ngang tàng độc đáo, phá cách. Hương và Chánh chọn 2 lối đi khác nhau, chả thể bảo ai thành công hơn ai.
Lại kể, làm báo như Hương quả thật đắc ý. Đận World Cup 1998, nghe anh Nguyễn Viện bảo thằng Hương nó dám bỏ ra một phần ba tháng lương mua hẳn 1 cái tivi màu mới để coi riêng với anh em bạn bè, khỏi làm phiền vợ con, mình cứ lắc đầu lè lưỡi. Khiếp quá đi mất, tivi những mấy triệu một cái, thu nhập cả tháng của mình chưa được nửa chiếc mà hắn chỉ cần xuất chi 1/3 đã giải quyết xong nhu cầu nhất thời, sao chả lè lưỡi. Lại thêm lần anh Xuân Hòa viết bài về cụ Đống Ngạc, trợ lý của Tổng bí thư Lê Duẩn, kể chuyện chính cụ Ngạc là người thảo bản điếu văn nổi tiếng đọc trong tang lễ cụ Hồ ngày 9.9.1969, bài dài mấy ngàn chữ, anh Hòa gửi báo nhà nhưng chả biết sao báo nhà không chịu đăng, mình biết chuyện bảo anh Hòa, ông cứ chuyển cho tôi. Mình sang đưa Trương Nam Hương, Hương bảo thầy cứ để em. Tuần sau y gọi điện báo tin đã đăng, nguyên xi không cắt chữ nào. Tuần sau nữa Hương gọi sang lĩnh nhuận bút, trả hẳn 1 triệu, mình gửi cho anh Hòa, anh còn không tin.
Lê thê tí ti để thấy lịch sử của tờ báo ấy có những vết son, không đến nỗi tệ như bây giờ. Dạo này thì mình chán hẳn, ít khi nhòm đến nó. Vậy chả biết trời xui đất khiến gì mà hôm qua lại đọc số 1093 ra ngày 10.9.2011. Trang 14-15 đăng trọn bài "Điều gì ám ảnh nghệ sĩ", phỏng vấn một số nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ. Chị Nết- Như Quỳnh nổi tiếng một thời của "Đến hẹn lại lên" than phiền chuyện đi đâu cũng thấy người ta ăn uống xì xụp nhếch nhác, anh nhạc sĩ Lê Minh Sơn thở dài trước thói chụp giật cả tiền bạc lẫn tình yêu, cô diễn viên "Tôi và chúng ta" Hoàng Cúc thì hô lên tại sao giờ mạng người rẻ rúng đến thế... Đại loại nhiều chuyện bức xúc lắm, không thể chịu nổi, không nói ra được thì hóa điên mất, chết mất. Nhưng mình để ý nhất đoạn bộc lộ của nhà văn Lê Lựu. Bác này mình ngưỡng mộ lâu rồi, cũng có lúc nhạt phần nào, nhưng nói chung đàng hoàng đứng đắn tư cách hơn nhiều bác khác, bác Chu Lai chả hạn, nổ hơi to. Đọc mấy nhời của bác Lựu, giật mình, nghĩ sao mà tướng Hữu Ước dám cho đăng nhỉ, hay là bữa ấy đi công tác vắng, cấp dưới nó không báo cáo, xin phép. Mà cũng có lý, bởi giờ đây mình sợt tìm trên bản điện tử báo An ninh thế giới thì không có chữ nào, kết quả báo rằng không tìm thấy.
Sau đây là lời của bác Lựu:
"Trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi và những người bạn tâm giao nói về những vấn đề của xã hội, nghĩ về nhân tình thế thái. Tôi không hiểu sao bây giờ con người không tốt với nhau. Trong chiến tranh hy sinh nhiều, cuộc sống khổ cực, nhưng lòng mình thanh thản, lòng dân vô tư lắm. Đi chiến trường hy sinh mà lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ thời bình không còn tiếng bom đạn nhưng tâm con người cứ lộn nhào hết cả. Không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không biết thế nào là lim (giới hạn-NV). Mỗi con người phải có một cái lim nhất định thì mới thành xã hội. Con người có nhiều tính cách thì cuộc sống mới phong phú và đa dạng. Nhưng mà phải có lim và có luật lệ.
Trong chiến tranh, tâm tính con người ta hiền lành, không mưu mô xảo quyệt. Chứ thời nay, trong cơ chế thị trường này, luật lệ cũng lung tung. Xử lý công việc cũng lung tung. Sống nặng về vật chất, thực dụng, chụp giật. Bây giờ sáng ra đọc báo toàn những chuyện giật mình. Con kiện cha chỉ vì mười mét vuông chỗ ở. Một đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên giết mấy mạng người không ghê tay. Một đứa trẻ khác chỉ vì thiếu tiền chơi game ra tay sát hại cả em mình, bà mình. Người ta thiếu tiền nên giết người chỉ vì vài trăm nghìn đồng. Trong làm ăn thì lừa đảo nhau nhiều lắm. Cứ lợi dụng nhau sơ hở vài chữ trong văn bản, thậm chí từ một cái dấu phẩy trong bản hợp đồng để lừa nhau hàng tỉ. Trong doanh nhân cũng nhiều người tốt, nhưng rồi cũng có rất nhiều người nhăm nhăm để lừa nhau.
Chính thời nay là thời loạn, chứ không phải chiến tranh là thời loạn".
Đọc xong bác Lựu mình toát hết mồ hôi. Nếu anh Giang Minh Sài này mà "chỉ được cái nói đúng" thì sợ quá, nhất là bác lại kết cho câu "chính thời nay là thời loạn", phủ toẹt cả an sinh xã hội, dân chủ công bằng văn minh.
Bác Lựu ơi, có chỗ nào sống tốt, bác cho em theo với.
Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011
Vẫn tư duy cũ, mưu mẹo vặt
Ngày 14.9.2011, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã trao công hàm ủng hộ việc Hội đồng dân tộc chuyển tiếp tiếp quản ghế của Libya tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị ngày 14.9 về việc Việt Nam ủng hộ việc Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) tiếp quản ghế của Libya tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nêu rõ:
Việt Nam tôn trọng mọi quyết định của nhân dân Libya và hy vọng quá trình chuyển giao quyền lực tại Libya sẽ diễn ra suôn sẻ; độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Libya được bảo đảm.
Chúng tôi mong rằng Hội đồng dân tộc chuyển tiếp và các lực lượng chính trị tại Libya sẽ có những biện pháp hữu hiệu nhằm sớm khôi phục hòa bình, ổn định và nhanh chóng tiến hành tổng tuyển cử để bầu ra chính quyền hòa hợp, hòa giải dân tộc, đại diện cho ý chí và quyền lợi của toàn thể nhân dân Libya.
Việt Nam mong muốn hợp tác với chính quyền mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và sẵn sàng tham gia vào quá trình tái thiết tại Libya trong khả năng của mình.
Bộ Ngoại giao Việt Nam
Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011
Chả nhẽ Trung Quốc là cái sọt rác?
Không biết tự bao giờ, ở xứ ta nảy nòi ra cái thói đổ thừa - nhận vơ. Mà càng ngày càng nặng, căn bệnh mạn tính đến thần y cũng phải bó tay.
Triệu chứng rõ nhất của căn bệnh là điều xấu do mình gây ra thì đổ cho người khác, và tất nhiên vơ cái tốt từ người khác vào mình, bảo của mình. Đại loại “những gì tốt đẹp của mày thì thuộc về tao, những gì xấu xa của tao thì thuộc về mày”.
Ngày nào đó, lúc dân trí còn thâm thấp, làm lãnh đạo cũng dê dễ, cách tốt nhất, phổ biến nhất là cứ đổ tất tần tật cho trời. Trời ở xa, có cãi đằng trời. Làm ăn dở hơi, kinh tế lụn bại, nông thôn xơ xác tiêu điều, nông dân đói rã họng tha phương cầu thực, chỉ thiếu điều như năm Ất Dậu 45, nhưng giờ không còn thằng Nhật phát xít để quy cho nó, vậy thì gán cho trời. Có chạy đằng trời. Ai bảo ông gây hạn hán lũ lụt. Dù năm mưa thuận gió hòa nhưng chúng tớ làm dở thì cũng cứ đổ cho ông nhé, hehe. Rồi sai bọn văn nghệ sĩ chế ra khẩu hiệu “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “nghiêng đồng đổ nước ra sông”… cứ nói mãi dân đen cũng hồ hởi tin theo. Nhưng có vài ba đứa đểu, chúng dám nói xấu sau lưng “mất mùa là bởi thiên tai/được mùa là tại thiên tài đảng ta”, kệ chúng nó, chịu khó gánh vác chút xíu, trời nhé. Sau này mâm cao cỗ đầy, ghế bàn vững chắc, sẽ nhớ công ơn, chả gì cũng lệnh cho Vụ thi đua khen thưởng ban cho trời cái huân chương vì góp phần che giấu.
Trải thêm nhiều mùa mưa nắng, thằng dân khôn hơn, mà trời cũng khôn hơn. Chắc trời nghĩ, bọn mày ngu dốt, làm ăn dở ngô dở ngọng, đừng khôn lỏi đổ thừa tao nhé. Ông lại cho cú lũ quét, ngập lụt, bão cấp 14, thậm chí động đất như Nhật Bản thì trắng mắt ra.
Nhưng không đổ cho trời thì biết cho ai bây giờ. A, có rồi, thằng Trung Quốc, phen này thì chết mẹ mày, con ơi. Mày có trốn sang Liên Xô ông cũng tìm bằng được lôi về bắt phải nhận.
Nhiều vụ lắm, không phải Hoàng Sa Trường Sa gì cả (ở đây không nói chuyện chính trị), nào nhà máy nhiệt điện Hải Phòng ì ạch, dự án Nhiêu Lộc Thị Nghè dở dang, xi măng lò đứng lò ngồi lạc hậu không ra được sản phẩm xi-moong mà chỉ ra đất, gây ô nhiễm môi trường hạng nặng, rồi dưa hấu miền Trung, vải thiều Lục Ngạn, khoai lang miền Nam chịu bỏ thối nơi cửa khẩu, ối giời nhiều lắm, kể ra thì có mà trúc Lam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa hết mùi. Thôi thì đơn cử chuyện này làm ví dụ.
Mấy lần mình đi Bình Thuận thấy bạt ngàn những là thanh long. Hình như ở đây trên giời dưới thanh long hay sao ấy. Nhớ lần gặp ông Nguyễn Văn Thu, Phó chủ tịch tỉnh, cả lần gặp ông Huỳnh Văn Tý, Bí thư tỉnh, các ông đều rất tự hào về điều này. Mình quý hai ông bởi trong trò chuyện trao đổi thấy các ông làm quan đầu tỉnh nhưng giản dị, chân thật, nói năng thoải mái. Lãnh đạo mà được như thế cũng hiếm. Báo chí ca ngợi Bình Thuận lên ngôi vương quốc thanh long, thủ đô thanh long. Theo mấy bạn của mình ngoài đó, hiện cả tỉnh có tới 15.000ha loại đặc sản này, mỗi năm thu hoạch tròm trèm nửa triệu tấn. Đầu vào phải có đầu ra. Bán trong nước hay xuất ra nước ngoài cũng là bán. Chết nỗi làm ăn đã không có kế hoạch, lại kèm thêm chèn ép, mưu lợi cá nhân, coi thường thị trường nội địa… nên nông dân chịu khổ lây. Lúc trái được giá, người trồng bán ngay tại ruộng cũng được 15-17 ngàn đồng/ký, mấy bữa nay tụt thảm hại xuống còn 3-4 ngàn, thậm chí 1-2 ngàn. Nhiều chủ vườn nhìn trái chín mà khóc ròng. Chỉ đàn bò được phen ăn trái thanh long è ra, thèm cỏ muốn chết. Người ta họp tới họp lui bàn tìm nguyên nhân, tìm mau lối ra kẻo thanh long thối hết. Và tìm ra rồi, do Trung Quốc. Bọn Tàu thâm lắm, làm ăn tráo trở. Nó cố tình mua giá cao, đến khi mình ào ào lao theo đáp ứng thì nó dìm nó ngưng. Thế là chết đứ đừ đự. Thứ lý thuyết, quy kết đó, trường hợp vụ việc nào đúng sai chả biết, nhưng vụ thanh long này thì tôi không tin. Chính ta làm ăn dở, ta hại nhau thì có. Bằng chứng là sáng qua tôi ghé chợ mua ít trái cây cúng rằm. Tới lui hai ba chỗ, hỏi mua thanh long, giá chót cũng 15 ngàn/ký, nhiều chỗ chém sắc đến 20 ngàn. Hỏi sao thanh long đang mùa, rẻ thối mà lấy đắt thế, bảo rằng rẻ ở nơi trồng chứ đây không rẻ, muốn rẻ ra Phan Thiết mà mua. Giời ạ, cùng máu đỏ da vàng mũi tẹt mắt hai mí với nhau mà chẹt nhau đến tận hẻm. Thương lái Tàu nó không sang mua, kệ nó; nhưng thương lái Việt chả những không ra tay cứu giúp bà con mà còn siết thêm thòng lọng. Từ Bình Thuận về Sài Gòn chưa đầy 200 cây số, cứ rộng rãi tính chi phí chuyên chở, bảo quản, phân phối 1 ký thanh long thêm ngàn bạc nữa đi thì nếu chủ vườn bán 5-7 ngàn/ký, đến tay người ăn hơn chục ngàn, nhà buôn cũng lời chán rồi. Ăn dày trên mồ hôi nước mắt nông dân chả biết xấu hổ. Tôi đi guốc trong bụng các ông các bà rồi: “mày không bán cho tao thì cứ để thối chứ dân nơi khác tao phải quất giá cao. Chả có tình nghĩa, hạch toán gì ở đây cả”, đúng không.
Thật nực cười, thanh long Bình Thuận bắt bò phải xơi, còn dân Sài Gòn và những nơi khác không có mà ăn. Ta ngu ta ác nhưng ta cứ đổ cho thằng Tàu cái đã. Bọn Tàu mà biết, chắc chúng chắp tay “con cắn rơm cắn cỏ lạy các ông bà Việt Nam, các ông bà tha cho con, đừng đổ tiếng ác cho con”.
Bao giờ bọn Trung Quốc ngu dại thành tâm hối cải, nhận lỗi không phá phách chúng ông nữa, sẽ tạm tha cho mày. Ông biết còn lâu ông mới làm ăn đàng hoàng giỏi giang được, vậy thì sắp tới sẽ đổ cho thằng Mỹ. Bọn đế quốc sài lang về bản chất vẫn cứ là đế quốc sài lang. Chơi với nó có chừng mực thôi, cứ nêu cao cảnh giác cách mạng. Khi cần thì “đánh đích đáng, đánh đích đáng, bọn đế quốc Mỹ phải cho chúng nếm đòn đau”.
9.2011
Nguyễn Thông
Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011
Làm sao
"Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao".
(Phan Khôi)
11.9.2011
Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011
Gật gù cùng Nguyễn Việt Chiến
Mình có tật cái gì thích thì viết dài, dài ơi là dài; vậy nên báo nhà đất chật người đông chả có chỗ đăng, cắt bỏ cho gọn lại tiếc. Đành giấu vào "báo mình" vậy, xin các anh chị thông cảm, đại xá cho thằng em dại.
Mình chúa ghét thói đời, thế mà vẫn không thoát được cái thói “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Bằng cứ chả chối cãi được là đang “quàng” viết về lão Nguyễn Việt Chiến, một người (theo ý mình) sang, thậm chí rất sang.
Ở tòa soạn Hà Nội, mình thân nhất với hai lão: Nguyễn Việt Chiến và Lưu Quang Phổ. Với anh Quốc Phong, dù bạn đồng môn thật đấy nhưng anh ấy là sếp nên mình cứ kính nhi viễn chi, chả ra thân sơ. Anh Phong hiền lành tốt tính lắm, nhiều người tôn làm ông phật, mình cũng tôn làm ông phật, vì vậy lại càng không dám nhí nhố đùa cợt bá vai bá cổ. Lần nào anh ấy vào Sài Gòn họp mình cũng định mời về cho biết nhà hoặc rủ đi ăn uống gì đó nhưng cứ rụt rè ngài ngại nên đến giờ sếp vẫn chả ăn được của mình miếng nào. Tên Phổ thì dễ gần bởi hắn vừa kém tuổi mình vừa đồng hương, cứ gặp nhau là tán đủ thứ chuyện trên giời dưới bể, nhảm hết sức nhưng khoái. Hắn là tay phó nháy có hạng, nhiều ảnh đẹp, đạt nhiều giải cao nhưng mình thích nhất hai tấm ảnh, một tấm chụp em bé bú mẹ (người mẫu là vợ và con hắn) đẹp tuyệt vời, còn tấm kia thì thôi rồi, không bao giờ có được cơ hội thứ hai, cực kỳ lắm, mà thôi, nói ra sợ sinh chuyện.
Nguyễn Việt Chiến hơn mình những 3 tuổi, lão sinh năm 1952, tuổi Thìn, vậy mà chả bao giờ lên mặt đàn anh khệnh khạng với mình. Nhiều lúc tự thấy mình cũng tệ, sống không biết điều. Lão vào Sài Gòn, ghé chỗ bàn làm việc của mình mà không thấy là phôn liền, ông ở đâu, Chiến đây. Lần thì cho sách, cho thơ, ra quyển nào mình cũng có suất, ghi đề tặng đàng hoàng, chữ viết tháu, xâu xấu khó đọc nhưng nhất quán phong cách Nguyễn Việt Chiến, rất phóng khoáng, chả chịu gò vào quy tắc nào. Lần thì ô mai, lần chè Thái Nguyên chính hiệu cả ký. Bao nhiêu lần lão vào vào ra ra, mình chưa biếu chưa cho được cái quả chuối khô miền Nam làm quà, xấu hổ thế không biết.
Thơ của Nguyễn Việt Chiến không dễ đọc như thơ nhiều người khác, tỉ dụ những đồng hương Sơn Tây của anh như nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn. Cũng phải thôi vì giãn cách thế hệ tuy không xa cũng chẳng gần. Nhưng thơ Việt Chiến chả gai góc trúc trắc phá phách quá đáng như thơ Nguyễn Quang Thiều (cũng đồng hương, sao cái xứ Đoài đẻ ra lắm nhà thơ thế), thơ Chiến nhiều bài hiện đại nhưng vẫn mang hồn cốt truyền thống, dễ cảm nhận. Nhớ một lần mình giở tờ báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày chủ nhật, chỉ vào ngày này mới đăng thơ, có thơ của hai nhà thơ gốc lính là Trần Thế Tuyển và Nguyễn Việt Chiến. Ông Tuyển dạo ấy chưa về lĩnh chức tổng biên tập, đang là cục phó cục báo chí-xuất bản, thơ ông ấy muốn nằm đâu, đậu đâu chả được. Mình đọc thơ ông Tuyển từ hồi ổng còn chức lính trơn bên chiến trường 479 Campuchia cơ, anh hai nhạc sĩ Lê Khiêm nhà mình phổ nhạc mấy bài thơ ông ấy cho đoàn ca múa quân khu 7 hát um sùm, nội dung toàn mùi binh đao chết chóc. Mình bảo anh Khiêm, cứ bao giờ hết chiến tranh ở Campuchia thì nhạc của anh và thơ ông Tuyển cũng tắt. Về sau đúng y chang.
Trên tờ báo ấy có bài “Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ” của lão Chiến. Đọc cái tít bỗng dưng thấy bập vào ngay, có nhẽ cái ga này, con đường này cũng gợi nhiều kỷ niệm gắn bó với mình. Người lính, số phận người lính trong thơ Việt Chiến, theo mình, rất ấn tượng, mình còn thầm so sánh lão ấy như một Bảo Ninh trong thơ (còn Bảo Ninh “Nỗi buồn chiến tranh” có ai đó coi là Việt Chiến trong văn xuôi hay không thì tùy).
Ba mươi năm trước
Tiễn con từ ga Hàng Cỏ
Mẹ về
Nước mắt dọc đường Nam Bộ
Đứt từng khúc tàu đêm…
Con của mẹ
Vẫn mãi mãi mười tám tuổi
Như chuyến tàu ngày ấy không về
Mẹ ở lại một mình
Không phố, không ga, không tất cả
Còn gì để nhớ
Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ
Nguyễn Việt Chiến cùng đi trên chuyến tàu ấy nhưng may mắn được trở về với mẹ. Mình cũng có ông anh ruột đi bộ đội, năm 1969 lên tàu vào Nam từ ga Hàng Cỏ và năm 1975 khoác ba lô về, mình đầy vết thương. Nhưng rất nhiều người lính trẻ chưa đầy đôi mươi đã tạm biệt ga Hàng Cỏ xuôi nam và chuyến tàu đưa họ đi là chuyến cuối cùng trong đời. Đọc bài thơ ấy của lão bạn xong, bất giác mình nhìn trang báo thấy nó thấm nhòe nước mắt.
Thơ Nguyễn Việt Chiến là vậy.
Đận tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi thơ 2007-2008, mình thấy lão tham gia một chùm, có bài “Thời đất nước gian lao”, chắc mẩm thế nào lão cũng gặt hái ra trò. Rồi năm 2010 tạp chí công bố Nguyễn Việt Chiến đoạt giải nhì (B, không có giải nhất) chính bài đó. Trong khoảng thời gian trên, ông bạn tôi vừa mang thêm danh hiệu cao quý “cựu tù nhân vụ chống tham nhũng PMU18”. Ít bữa sau nhà thi sĩ cựu tù nhân tuyên bố không nhận giải, nghĩ có chuyện rồi. Sau nghe chính anh kể lại, rằng thương mấy lão bên Văn nghệ quân đội quá, cấp trên xài xể cằn nhằn, góp ý điều nọ tiếng kia nên Việt Chiến chủ động tháo gỡ. Giải có cũng được, không có chả chết ai. Bài này sau báo Thanh Niên nhà mình đăng lại, dư luận khen quá trời. Chỗ này phải nói thêm cho cả nghĩa, đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, ngoài ba người lính, có ma nào đọc, nhưng trên Thanh Niên thì khác nhá. Tiếng tăm thi sĩ cựu tù nhân nổi như cồn.
Hồi giữa năm này, cả nước ồn ào vụ tàu Trung Quốc vào biển Việt Nam cắt cáp dầu khí tàu Bình Minh, quấy phá chặn tàu khảo sát Viking. Gớm, cứ sôi sùng sục. Sài Gòn, Hà Nội dân chúng xuống đường biểu tình, cờ đỏ sao vàng khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ chủ quyền biển đảo rợp đường. Chính quyền nửa bằng lòng nửa không. Cái đầu óc nhanh nhạy của lão nhà thơ bạn tôi nghĩ ra ngay điều cần làm. Lão lục lại được bài viết từ hồi hơi xa, năm 2009, nhưng vào lúc này lại cực kỳ thời sự. Chiếc lò vi sóng cuộc sống đang nóng giãy đành đạch, bỏ vào là thành món ngon ngay. Nội dung chả chê được chỗ nào, trên thích dưới ưa, hài hòa nhà nước nhân dân. Chỉ riêng cái tít “Tổ quốc nhìn từ biển” đã ăn giải rồi. Anh em bộ đội hải quân thích mê tơi. Ban tuyên giáo thích mê tơi. Mở gu-gồ sợt cái tên bài thơ và tên thi sĩ thì có mà đếm mệt nghỉ. Mình nghĩ lẩn thẩn, mấy tờ báo nếu biết điều nên gom ít tiền thu được xung quanh vụ này mà trả tác quyền cho lão Chiến mới phải. Giới văn nghệ văn gừng ăn theo kẻ ít người nhiều. Nổi nhất là cái cô nhạc sĩ Quỳnh Hợp của đài phát thanh ở Sài Gòn, cũng từng viết khá khá bài nhưng ít người biết, nay phổ “Tổ quốc nhìn từ biển”, mình đã nghe, thực thà thấy chả hay lắm, nhưng báo chí biết đến ầm ầm, quân chủng hải quân bao sô tổ chức cho cả một đêm nhạc giữa Sài Gòn, tướng lĩnh lẫn lính tráng thủy thủ kéo nhau ngồi coi chật rạp, vỗ tay rầm rầm, khoái cực.
Đầu tháng 3.2008, mình đang đứng ở hành lang tầng 3 cơ quan thì có người vỗ vai cái bộp. Chiến đây, vẫn kiểu thông báo ngắn gọn như thế. Trông lão phờ phạc, mái tóc không được quan tâm chăm sóc nhuộm nên trắng phớ. Suốt nhiều tháng qua, PV Việt Chiến, có sự trợ giúp của đàn em Káp Thành Long, là tay chiến tướng, chủ công chủ lực của báo nhà trong chiến dịch chống tham nhũng, đặc biệt là vụ PMU18. Cuộc chiến thông tin giữa các báo cực kỳ căng thẳng, chỉ cần chậm một nhịp cũng mất bạn đọc, mất nhiều là đằng khác, như chơi. Với mối quan hệ rộng rãi, khéo léo, chân thành của mình, lão Chiến đã đem về cho báo Thanh Niên nhiều thông tin nóng hôi hổi, vô cùng giá trị. Báo tăng lượng phát hành từng ngày. Nhưng…, chả cần nói nữa, ai cũng tỏ tường cả rồi.
Từ trái sang, hàng ngồi: Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Quang Lập (bọ Lập), hàng đứng: Hoàng Hải Vân (Huỳnh Kim Sánh), Phạm Xuân Nguyên (Nguyên đầu bạc)
Ông bạn tuổi rồng nhả khói thuốc, ghé tai tôi, ông ạ, chắc chúng nó bắt tôi, chuyến này thì đi tù chứ chẳng chơi. Cũng như nhiều anh em khác của cơ quan đang say chiến thắng, tôi hậm hừ làm đếch gì có chuyện đó. Người hùng chống tham nhũng làm tôi tin ngay: anh K. cho tôi vào chuyến này đi chơi đã đời, Đà Lạt, Phan Thiết… đâu cũng được, xong rồi ra cho nó bắt. Anh ấy còn nói, nó mà bắt ông thì tôi sẽ làm nhiệm vụ thăm nuôi ông, ông cứ yên tâm. Thế thì có chuyện thật rồi. Nhưng thoắt một cái, người thơ trong Việt Chiến trỗi dậy, dường như xóa sạch mọi lo lắng, quên tiệt cả việc mình sắp phải đi tù. Lão móc túi lấy ra mảnh giấy nhàu nát đọc cho tôi nghe bài thơ mới nhất, lão bảo đặt tạm tên là “Thơ viết trên máy bay”, giọng thơ và giọng đọc hơi buồn, tâm trạng u ẩn, tôi nghe mà chả nhớ được câu nào bởi lúc đó hồn vía tôi đang nghĩ đến cái Hỏa Lò mới ở Hà Nội.
Ngày 13.5.2008, nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt, thân thể tại ngục trung. Báo Thanh Niên giật con tít to đùng trên trang nhất, chiều cao chữ cỡ hai ngón tay, gây xôn xao một thời. Tôi lính lác nên chả được suất ra thăm bạn, nghe anh em về bảo tinh thần vững lắm, chỉ phải cái phát sinh đủ thứ bệnh. Thì nhà tù mà. Cùng bị bắt với anh có nhà báo Nguyễn Văn Hải báo Tuổi Trẻ, là con rể bạn cùng lớp với tôi. Cứ hồi hộp chờ ngày Chiến, Hải ra tòa. Ngày 14.10.2008, một lần nữa tôi thêm yêu ông bạn già Nguyễn Việt Chiến. Trước tòa, anh không chối quanh co, không đổ cho người này người khác, anh nhận những gì anh làm và khẳng định không có tội. Tôi thấy buồn cho Hải, cho bạn gái của tôi (mẹ vợ Hải) khi Hải chọn cách ứng xử khác anh Chiến, mặc dù Hải bữa đó có rất đông đồng nghiệp cùng cơ quan trong Nam ngoài Bắc đến chứng kiến, động viên anh. Án 2 năm tù chứ hai mươi năm, tôi nghĩ, ai chẳng biết, chứ Nguyễn Việt Chiến của tôi coi nhẹ tựa lông hồng.
Cả Chiến và Hải đều được ra tù sớm. Thực ra nhà lao chế độ cũng chả muốn giam giữ mấy ông loại này lâu làm gì. Càng kéo dài càng phiền phức, chi bằng phóng thích sớm chừng nào hay chừng ấy. Cuối năm 2009, lão vào Sài Gòn, phôn tôi ra chỗ nhà hàng đầu đường Trần Phú, Q.5 làm vại bia. Tôi tới nơi thì lão đã yên vị rồi, tóc đen nhánh, thẳng thớm, mặt mũi hồng hào, đang cười khơ khớ với luật sư Trần Vũ Hải. Chúng tôi chúc mừng cuộc sống đầy những bất ngờ. Giữa đám ồn ào như chợ vỡ, tôi hét lên vào tai lão Chiến, này, các ông tướng Phạm Xuân Quắc, thượng tá Đinh Văn Huynh phải chịu ơn anh đấy. Ai chả biết những tài liệu đó, nhà báo các ông nếu không được các vị ấy xì cho thì ma nào xớ rớ nổi. Nhà thơ của tôi cười khớ khớ, nào, uống chúc mừng ông Quắc, ông Huynh.
9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011
Những bài hát của một thời (2)
Bài hát trên đã thấm vào tâm hồn những người cùng thế hệ mình, qua giọng hát của tốp ca lừng danh, tốp ca nữ đoàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam. Mình cũng thắc mắc, tại sao người ta có thể khen thưởng, ban phát giải này giải khác, danh hiệu nọ danh hiệu kia, cao quý và gần cao quý, một cách rộng rãi, thậm chí dễ dãi, mà sao không nhớ đến đội hát tuyệt vời ấy. Những Kim Oanh, Thương Huyền, Mộng Dung, Thúy Hà, Tường Thụ, Diệu Thúy, Thanh Hòa, Trần Khánh, Trần Chất, Trần Thụ, Quý Dương, Mạnh Hà, Kiều Hưng... khiến hàng triệu người ngất ngây, say đắm. Nói công bằng, các tốp ca nữ, tốp ca nam, tốp ca nam nữ và không ít người trong số họ xứng đáng được phong anh hùng, được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, được mang danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Nhưng thôi, đó là chuyện của mấy ông nhà nước, làm hay không làm, tùy các vị.
Mình cũng muốn nói thêm rằng, thời ấy, chả cần nhiều ban nọ ban kia tuyên truyền giáo dục, chỉ cần nghe những lời ca tiếng hát như bài mà mình sẽ giới thiệu sau đây là con người, bất kể già trẻ gái trai có thể quên mình vì cuộc sống, vì con người, vì chế độ, chả cần đến thứ tuyên giáo tuyên úy gì. Một bài hát tác dụng bằng nghìn ban tuyên giáo.
Bản clip này chất lượng rất tốt, nhưng khi bạn truy cập có thể nghe chập chờn. Đó là do mạng quá tải khi giờ cao điểm nên chậm. Bạn hãy click vào nút Pause để tạm ngưng 1-2 phút cho mạng dowload trước chút đã, sau đó Play tiếp tục thì nghe đều, rõ hơn.
9.9.2011
Nguyễn Thông
Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011
Kiếp người phận văn
Đầu giờ chiều nay mình nhận được tin một người bạn đã ra đi, đi mãi.
Anh Cao Vũ Trân là đồng môn đồng tuế với mình, biết nhau dưới mái trường Tổng hợp Hà Nội, mình khóa trước anh khóa sau (1973-1977). Đó là chàng trai hoạt bát, tài hoa, riêng khoản ăn nói thì mình càng thêm bái phục. Cùng ở chung ký túc xá Mễ Trì, Trân ngụ tầng dưới đất (trệt), mình tuốt tầng 3, vậy mà tiếng oang oang của anh chàng cứ như vang 6 cõi.
Cao Vũ Trân người Nam Định, dân trường chuyên Lê Hồng Phong nức tiếng. Hồi những năm 60-70 mà ai nói học Lê Hồng Phong Nam Định cả trăm người nghe đều cúi đầu lè lưỡi khâm phục. Chả đâu xa, cùng và sát thế hệ mình là những cái tên dữ dội Vũ Đức Nghiệu, Phạm Văn Bích, Nguyễn Quốc Phong, Đoàn Đức Phương, Cao Vũ Trân… từ lò đó mà ra. Chỉ có chuyên văn Hà Tĩnh, Thanh Hóa thì may ra mới đọ được Nam Định.
Cao Vũ Trân để lại ấn tượng đẹp trong giới chuyên văn bởi anh từng đoạt giải nhất văn cấp 3 (lớp 10) toàn miền Bắc, mình nhớ không lầm là năm 1972, có bài đăng trong sách tuyển những bài văn đoạt giải. Hồi ấy, ai có bài như thế, khác gì thò được một chân vào chốn hàn lâm. Dân mê văn vô cùng thần tượng các anh Nguyễn An Định, Nguyễn Văn Thạc, Đỗ Tương Như, Trần Nho Thìn, Cao Vũ Trân… bởi vậy đó. Giải nhất văn toàn miền Bắc đâu phải chuyện đùa. Bài của Trân, mình vẫn nhớ là cái bài viết dưới dạng lá thư gửi cho các bạn Cuba nói về cuộc chiến đấu chống Mỹ của dân tộc, về vẻ đẹp sâu thẳm tâm hồn con người Việt Nam. Viết được cỡ vậy, thì treo giải nhất chi nhường cho ai, chả có gì phải bàn cãi.
Trân học giỏi, tốt nghiệp được giữ lại trường, làm giảng viên khoa Văn. Mình vào nam 1 năm trước, xa cách, từ đó mình cũng ít liên lạc, nhưng nghe nói do tính khí hơi đặc trưng nên anh cũng lận đận đường công danh, giống như ông bạn Trần Ngọc Vương cùng khóa cùng lớp với mình vậy.
Sáng nay anh đi khám bệnh. Một cơn đau tim đến đột ngột. Không qua khỏi, ra đi ngay tại bệnh viện lúc 1 rưỡi chiều. Đã qua cái hạn 49-53, vậy mà tai ương định mệnh vẫn còn rình rập, thật thương.
Nhắc đến Cao Vũ Trân, mình cứ nhớ mãi cái thời môn văn được tôn trọng hết mực. Tươi sáng, lành mạnh, nguy nga như tòa lâu đài. Người viết văn, dạy văn, học văn lúc nào cũng cảm thấy được xã hội đeo trên ngực mình tấm huân chương danh dự. Văn khoa Tổng hợp với rất nhiều thầy đại cổ thụ trên giảng đường là niềm mơ ước của bao thế hệ học trò yêu say văn chương. Tiếc rằng mình cũng mon men được vào chốn đó nhưng không tận tâm cố gắng nên chả gặt hái được gì. Nhiều năm trở lại đây, văn suy giảm dần giá trị, bị xem thường, thậm chí coi rẻ coi khinh. Âu cũng là kết quả của thời buổi nhiễu nhương, giá trị đảo lộn, đồng tiền lên ngôi. Kiếp người phận văn tủi hổ, biết làm sao bây giờ.
Mình chỉ ao ước một ngày nào đó người ta lấy lại cái tên oai hùng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, và khoa Văn lại về vị trí đẹp đẽ quyến rũ ngày xưa.
Cao Vũ Trân bay đi, nhớ để chút gì phù hộ cho niềm mơ ước ấy của bọn mình, Trân nhé.
8.9.2011
(tranh thủ viết trong giờ chờ việc cho số báo ngày mai)
Nguyễn Thông
Đá và người
Hai hòn đá trên sao Hỏa sau 36 tỉ năm câm nín tự dưng mở mồm:
-Này cụ, hình như bên Trái đất có sự sống hay sao ấy.
-Có. Tôi còn nghe loáng thoáng ở bển chém giết, giành giật, dối trá lừa đảo, hám danh, cướp tiệm vàng, nhậu phà chết đuối, biểu tình gì đó... tùm lum. Sự sống mà thế thì tồn tại được mấy hồi.
-Té ra cứ câm như đá giống chúng mình lại được lòng tạo hóa bề trên, chả sợ gì, cụ nhỉ.
-Trái đất nó gọi thế là “ngu si hưởng thái bình”, thưa cụ.
-Phải, cụ nói chí phải.
-À, mà xưa ông tạo hóa cứ bảo “lặng câm như đá”, có nhẽ giờ phải xin đổi lại cho hợp là “lặng câm như người”, cụ ạ.
-Cụ chỉ được cái nói đúng.
8.2011
Nguyễn Thông
Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011
Trung thu trăng sáng
Hầu như suốt tuổi thơ, mình chỉ biết tết trung thu mà không mấy khi được hưởng hương vị ngọt ngào của nó. Cũng dễ hiểu, bởi mình ở nông thôn, nhà nghèo, bố mẹ làm ruộng, thời thơ ấu lại trúng vào đận nghèo đói, chiến tranh, miếng cơm độn khoai chả đủ, nói gì đến bánh trung thu.
Trong ký ức lưu đến giờ, mình vẫn coi trung thu là tết đón trăng của trẻ con. Ngày ấy chỉ tụi trẻ mới khao khát chờ đón rằm tháng tám, chứ người lớn mải lo làm ăn cày cấy, hơi đâu mà thu với chả đông. Với người lớn, đến rằm, dù tháng tám hay tháng mấy đi nữa, thì cúng rằm, vậy thôi. Chỉ có khác là rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng tám mâm cúng nhỉnh nhao hơn một chút, và tháng tám cúng tối là chính. Vẫn xôi chè làm đầu, thắp nén hương lên bàn thờ ông bà, khấn chung cả trời đất tổ tiên phù hộ. Ấy là chuyện của người nhớn.
Bánh trung thu, như đã nói, mình trải bao mùa trăng tháng tám nhưng có biết hình dạng nó thế nào. Mãi sau, đến hơn 10 tuổi, khi nhà mình đã vào hợp tác, tối rằm tháng tám năm xa xôi năm nảo năm nào, mình mới được cùng bọn trẻ con, có cả cô Ngọt em mình nữa, vào sân nhà ông Thám đội trưởng sản xuất lĩnh bánh trung thu. Đó là cái bánh nướng, nhân gồm thịt, bột, mứt bí, lạp xường… hình tròn hoặc vuông, nướng ngả màu vàng xém, to cỡ lòng bàn tay. Nhà mình được 4 chiếc, hai bánh nướng, hai bánh dẻo, chỉ cho bọn thiếu nhi thôi, còn anh Uy chị Khoắn lớn rồi, thanh niên rồi không có suất. Hương vị của chiếc bánh trung thu ấy cứ theo mình mãi, cũng chả phải vì nó ngon mà vì lần đầu tiên mình được biết thế nào là bánh trung thu.
Trung thu nông thôn phụ thuộc vào trăng. Tháng tám miền Bắc trời hay mưa. Rằm năm nào trăng sáng thì vui, còn tổ chức trống ếch rước đèn chỗ này chỗ khác. Gặp phải rằm mưa hoặc trời nhiều mây, trung thu buồn thiu buồn thỉu. Nông thôn nửa đầu nhưng năm 60 trở về trước chưa có điện, nên trăng là niềm vui con trẻ. Mà hầu như cũng chỉ kéo nhau tập trung ở sân kho hợp tác chứ chả mấy khi rước đèn đi nhong nhong đường này ngõ nọ như bây giờ.
Đèn trung thu tự làm lấy là chính. Tre pheo sẵn, nhưng giấy bóng kính đỏ hồng xanh vàng phải lên phố huyện mua, mà hiếm lắm, có năm nhặt nhạnh mãi chả được bao nhiêu. Đứa nào khéo tay thì làm đèn kéo quân, đèn lồng, còn loại vụng về như mình chỉ ra được hình ngôi sao 5 cánh hoặc con cá là đã ghê gớm lắm. Kiếm dây thép cuộn thành lò xo gắn vào giữa để nhét ngọn nến. Nhưng có thứ nến khác không phải bằng sáp ong mà rất tuyệt vời, bằng nhân hạt bòng hạt bưởi. Ngay từ tháng 7 ta, nếu ăn bòng bưởi là phải giữ lại hạt, bóc vỏ ra, xỏ vào que tre thật thẳng, xếp khít nhau, đem phơi nắng thật khô. Đêm rằm, lôi những ngọn đuốc ngọn đèn nhỏ xíu xinh xinh bằng hạt bưởi ra đốt thật thú vị. Hạt khô nhưng có tinh dầu, cháy đượm, sáng, nổ lách tách, tỏa mùi thơm dễ chịu, và đặc biệt ra gió chẳng mấy khi tắt.
Mình lớn lên, học hành rồi xa quê, trung thu chỉ còn là hình ảnh nhạt nhòa giữa cuộc mưu sinh đầy vất vả. Mà lớn rồi, quan tâm làm gì. Sau lúc lập gia đình, có con mới lại nghĩ đến trung thu. Tụi trẻ ở thành phố có dạo chỉ quan tâm đến bánh, vì chúng thèm, nhưng khi no đủ rồi chỉ thích đi chơi. Mà cũng chả rước đèn đuốc gì, toàn kéo nhau đàn đúm xem kịch xem phim, hết suất thì về. Trung thu thành phố dường như thiếu hẳn thứ quan trọng nhất: ông trăng. Trăng thành phố chịu lép dưới ánh điện nên vô vị lắm. Cứ mờ mờ nhàn nhạt, dường có dường không. Và buồn làm sao ấy.
Hồi rằm tháng tám năm ngoái, mình hứng chí về quê Hải Phòng đón tết trung thu với mẹ già, các em các cháu. Đầu hai thứ tóc, tuổi vượt ngưỡng tri thiên mệnh, ngồi bên cạnh mẹ đã 94, khung cảnh đầm ấm, chợt bồi hồi như ngày xửa ngày xưa.
Còn 5 đêm nữa là trung thu
Nguyễn Thông