Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Liên minh ma quỷ

Hôm 29.12, còn 2 ngày nữa là hết năm, chuẩn bị đón năm mới, báo chí đăng tin Thanh tra chính phủ đã chỉ ra sự câu kết giữa Bộ GD-ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục về "tham nhũng" sách giáo khoa. Giờ mới vạch trần, lôi cổ chúng nó ra là đã khí muộn, quá muộn. Đó là thứ liên minh ma quỷ tồn tại, công khai tác oai tác quái cả nửa thế kỷ, bóc lột bóp nhặt từng xu của người đi học.
Khốn nạn nhất là sự bóc lột này lại có sự bảo kê của nhà cầm quyền (đảng, quốc hội, chính phủ, bộ GD-ĐT) nên mặc dù dân chúng kêu la than thở rầm rĩ, năm nào cũng như năm nào, nhưng bề trên đều bỏ ngoài tai, mặc kệ.

Nói thẳng ra, đối với cái khối ung nhọt Nhà xuất bản Giáo dục, và sách giáo khoa, nếu chỉ vạch trần bọn Bộ GD-ĐT thì chưa đủ, mà phải cả "hệ thống chính trị", chúng đều hưởng lợi, dây máu ăn phần. Nếu không phải vậy, sao nó lại dám ngang nhiên tác quái suốt mấy chục năm trời.

Cách nay 10 năm, cụ thể là ngày 7.6.2012, nhà cháu đã viết khi mới có phây búc thế này:

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Một công thần bị chôn vùi (kỳ 3, cuối)

Về sau, từ lời kể những người trong cuộc, từ con cháu Chu công, nhiều sự đã được phơi bày. Sau khi cách tuột hết cả chức vụ của ông Chu Văn Tấn, người ta ngầm lệnh cho báo chí truyền thông phải “quên” ông (cũng như sau này suốt gần chục năm người ta áp dụng triệt để đối với ông Giáp). Nếu bị cách làm thứ dân thì đã là may, đằng này người ta triệu tập ông tới “làm việc”, rồi an trí ông trong bệnh viện (Việt Xô, nơi dành riêng cho cán bộ cao cấp), như một dạng giam lỏng. 4 năm ròng rã bị cách ly với gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội, chỉ thỉnh thoảng con cái được vào trò chuyện đôi ba câu. Năm 1984, thượng tướng Chu Văn Tấn qua đời tại cái nhà tù không tên ấy, không một người thân nào bên cạnh khi hữu sự, giây phút cuối. Thật thê thảm. “Khi sao ong bướm rủ là/Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”.

Từ trường hợp thượng tướng Chu Văn Tấn, thấy cứ na ná số phận bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài bên Tàu, Trosky, Bukharin bên Liên Xô. Bi kịch cộng sản, những vết bùn khó rửa trên thượng tầng.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Một công thần bị chôn vùi (kỳ 2)

Sau năm 1975, đất nước thống nhất nhưng lòng người phân chia. Không phải chỉ giữa người Nam với người Bắc mà ngay trong nội bộ “bên thắng cuộc” đã nẩy sinh sự tranh giành, cướp công, trả thù cá nhân. Sự chia rẽ, bè phái, đố kỵ, ganh ghét, hãm hại nhau ngày càng nhiều trong bộ máy cai trị. Không còn ông Hồ, không còn gì để ngại ngần nữa, mà thực ra khi cụ Hồ còn sống, đám bề tôi đã lăng loàn coi thường, qua mặt, điều này ai sống trong thời ấy đều biết cả. Không hiểu Chu công đã làm chi để họ ghét, hay bởi tại danh tiếng ông quá lớn, nên tai họa chực chờ. Ngẫm câu thơ xưa của Ức Trai Nguyễn Trãi “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (họa phúc đều có duyên cớ chứ đâu phải chỉ một ngày/anh hùng để lại mối hận nghìn năm), vận chính xác vào con người Chu Văn Tấn.

Tập đoàn thống trị cộng sản ở những nước phe xã hội chủ nghĩa thường tự khoe, tự ca ngợi rằng họ luôn đoàn kết nhất trí, chia bùi sẻ ngọt, “thương nhau chia củ sắn lùi/bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”, “chết còn trút áo cho nhau” nhưng thực tế thì tàn bạo với nhau hơn cả thực dân phong kiến. Làm quái gì có cái gọi là tình đồng chí. Cứ nhìn cách đám cầm quyền cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc đối xử với nhau từ bấy tới nay thì biết. 

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Thời mạt

Khi một xã hội đã loạn chuẩn, vật chất đi lên, nhân cách đi xuống, thì những chuyện nọ kia trên đời là điều không tránh khỏi.

- Người ta đang chê cười chế nhạo một bà tự xưng là nhà thơ thế giới. Bị chê là phải, thậm chí chê nữa cũng chưa đủ. Cái thói háo danh, không cần biết mình là ai, ở đâu, thế nào. Tuy nhiên, bà thơ này tự xưng tự nhận, như bao kẻ trong đám thường dân háo danh. Còn có thứ háo danh kinh khủng hơn được nhà nước, chính quyền công khai bảo kê, ví dụ cả một lũ một lĩ tiến sĩ về cầu lông, bóng bàn, về thống kê thực hiện nghị quyết của đảng ở xã phường huyện quận. Cũng có người hướng dẫn, người phản biện, hội đồng chấm luận án cấp trường cấp viện. Tất cả diễn ra công khai, có khác gì nhà thơ thế giới kia đâu, mà bên trọng bên khinh. Đó là chưa nói có những kẻ ăn cắp luận văn nhưng vẫn chễm chệ làm ông nọ bà kia.

- Vụ tổ chức Gala tôn vinh nhà thơ thế giới nói lên điều gì? Đó là thời nay sự rởm đời được công khai lôi ra khoe, không cần giấu diếm, đẹp khoe xấu che nữa. Họ tổ chức rùm beng như thế, hoành tráng như thế, đương nhiên phải có sự đồng ý của bộ máy chính quyền, của nhà chức việc. Giờ bị bung bét ra, lại quay ngoắt chối bai bải, rằng không thế này, rằng chưa thế nọ. Cứ tung vài cái video quan khách, long trọng viên ngồi hàng đầu là thấy ngay, có mà chối đằng giời. Khi nhận vi thiềng (tiền đút, tiền “bồi dưỡng”) của nó, sao không chối, giờ lại bai bải bai bải em chã em chã.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Một công thần bị chôn vùi

Không phải thứ gì được phát trên tivi mậu dịch đều “bỏ qua”, nói như ngôn ngữ chơi trò trên tivi. Có những thứ quái gở vẫn được thiên hạ quan tâm, chú mục vào, thậm chí săm soi, như vụ cô á hậu vừa xuất hiện trong veo vậy. Nhưng, trong đống rác tivi, vẫn có những cái không thể "bỏ qua", tạo được sự chú ý của người tử tế.

Tôi nói thế, bởi hôm 23.12 vừa rồi, trong chương trình buổi tối, kênh Truyền hình quốc hội phát bộ phim tài liệu về nhân vật lịch sử, ông Chu Văn Tấn.

Người xứ này, ở miền Bắc, thế hệ sinh vào thập niên 50 - 60 không mấy ai không biết tên tuổi ông Chu Văn Tấn. Lẽ đơn giản, học môn lịch sử quốc doanh, phần về thời kỳ trước cách mạng tháng 8, cả phần biên chép về lịch sử quân đội nữa, cái tên Chu Văn Tấn luôn nổi bật, có nhẽ chỉ sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Rồi 3 cuộc khởi nghĩa tiền cách mạng là Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, đáng chú ý nhất là khởi nghĩa Bắc Sơn do ông Chu Văn Tấn cầm đầu. Rồi bài hát “Bắc Sơn” của nhạc sĩ Văn Cao được phát thường xuyên trên đài tiếng nói Việt Nam tới mức nghe riết ai nấy đều thuộc, “Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/còn vang khe núi tiếng quân oai hùng”... Tất cả đều gắn với ông Chu Văn Tấn. Ông Tấn hiện diện lừng lững bên hình ảnh ông Hồ ông Giáp, là một thứ tên tuổi, idol, biểu tượng, thậm chí bạt mờ cả những Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, nói gì tới những Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Lê Trọng Tấn…

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Chuyện bộ đội

Khi ta lớn lên bộ đội đã có rồi. Ấy là tôi nhại câu thơ của thi sĩ chính trị Nguyễn Khoa Điềm người Huế. Hồi đi học (cấp 3 và đại học) đám lứa chúng tôi đã trầm trồ cái tên Nguyễn Khoa Điềm qua những “Đất ngoại ô”, “Mặt đường khát vọng”, về sau lại càng nắc nỏm hơn khi biết đó là con giai cụ Nguyễn Khoa Văn, tức Hải Triều, người đã cãi nhau kịch liệt với nhóm Nghệ thuật vị nghệ thuật cầm đầu là Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư (cha của phây búc cơ nổi tiếng Lưu Trọng Văn). Ở Sài Gòn hiện có đường/phố Hải Triều tại quận 1, nơi ăn chơi nổi tiếng, sinh thời trùm Năm Cam và đàn em thường tụ tập ở đây.

Hồi bé còn quần đùi cửi trần đánh dậm, nghe người làng nhắc tới bộ đội là lũ trẻ con kính nể lắm. Những năm đầu thập niên 60, làng Trà quê tôi có bao nhiêu bộ đội, người xóm nào, con nhà ai, bọn đánh dậm đều biết. Chẳng hạn bà cụ bếp Thoái (cụ Thoái ông từng làm đầu bếp dưới tàu Pháp, đi Pháp như đi chợ, dân làng căn vào nghề bếp để phong hàm cho cụ) có 3 người con giai, ông Chức, ông Khoái, ông Sức, ai nấy đều đẹp trai lừng lững, đều nhập ngũ. Ông Khoái vào Vệ quốc quân từ năm 1950. Ông Chức đăng lính muộn hơn, hy sinh khi cuộc chiến tranh chống Mỹ trở nên ác liệt, máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc. Ngay sát vườn bà cụ bếp qua cái ngõ duối là nhà cụ Chút. Cụ Chút người nhỏ tí nhưng đẻ tinh con giai, ai cũng như tây, các chú thậm chí còn cao to hơn con cụ bếp, tôi nhớ có chú Bịch sau đổi thành Bích), chú Bồ, chú Khiên, chú Khiến, chú nào cũng râu quai nón, vào bộ đội tất. Làng xóm rất nể trong hai gia đình này, ngầm tôn làm gia đình quân nhân tiêu biểu.

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Vụ bay giải cứu

Cái ác nhất của những kẻ trong bộ máy cai trị cầm quyền là khi người dân bị rơi vào sự khốn cùng bế tắc tận đáy thì chúng vẫn nghĩ vẫn tìm đủ mọi cách để móc đồng xu cuối cùng trong túi dân, bất cần biết dân sau khi được chúng "cứu" sẽ sống dở chết dở thế nào. Chúng sung sướng phè phỡn trên sự đau khổ của dân.

Ác nhì là đám lãnh đạo cấp cao "có mắt như mù có tai như điếc có mồm như câm" để đàn em hoành hành tác oai tác quái kéo dài, nếu người dân phàn nàn thắc mắc chê cười chủ trương bóc lột ăn cướp ấy thì lại quy kết người ta là thế lực thù địch dám bịa đặt xuyên tạc lòng tốt của nhà nước.

Ác ba là đám báo chí mậu dịch tung hô sự giải cứu bóc lột, coi những thằng móc túi như những anh hùng, tới khi sự việc vỡ lở, trắng đen phơi bày thì quay ngoắt làm như mình vô tội.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

Bênh

Lão hàng xóm nhà tôi bảo nếu tao là Bùi Thanh Sơn, tao sẽ cãi, tội giải cứu có phải riêng tao đéo đâu, mãi tới tháng 4.2021 mới ngồi ghế bộ trưởng, mà cứu kiếc ăn tiền dân thì đã diễn ra từ đời tám hoánh rồi, ít nhất cũng từ tháng 9.2020.
 
Ăn thì thằng nào cũng ăn, vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì thằng nào cũng vô trách nhiệm, sao lại chỉ gọi tên tao. Đèo mẹ, tối nay ông làm cái đơn xin thôi việc lại chả nát đám cỏ gà với nhau, lại năn nỉ ông bằng chết để giữ tiếng thơm cho thể chế, chứ ở đó mà kỷ với luật...

Tôi nói với lão, đừng lấy tình đồng hương mà bênh thằng Sơn (gọi bằng thằng bởi hai đứa tôi đều hơn nó cả giáp), thằng Sơn đầy tội, mà những thằng kia cũng đầy tội, bênh đéo gì.

Còn cả cái thằng trên phây búc ca ngợi bay giải cứu ngạo nghễ VN, "tự hào quá VN ơi" nữa, cả cái đám nhà báo tán tụng bay giải cứu nữa, lôi chúng ra mà tẩn cho bằng chết chứ để nó ngạo nghễ trong bóng tối là không công bằng với thằng Sơn.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

Quá kinh

Hôm qua (19.12), giả nhời dư luận, ông giám đốc Công an Hà Nội, trung tướng Nguyễn Hải Trung “vô tình” lộ ra con số đáng kinh ngạc: Hiện công an Hà Nội có 20.000 cán bộ, chiến sĩ.
 
Nếu kể cả những người vừa bị thải loại hoặc tự xin nghỉ thì có lúc tới 23 - 24 nghìn người, con số khuyết đó cũng tướng Trung gián tiếp thừa nhận chứ không phải tôi bịa.

Mới nghe qua thấy bình thường. Đã lâu nay người xứ này thờ ơ với các con số bởi nó ít tính chân thực, khi được thổi phồng, lúc bị giảm bớt. Công bố số liệu là cả một nghệ thuật của người cộng sản, nhất là họ có thứ tư duy “ta thắng địch thua”, “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Đành rằng thủ đô Hà Nội sau khi sáp nhập Hà Tây vào đã khá rộng nhưng một địa phương cấp tỉnh thành mà có tới 20.000 công an thì quả thật choáng. Theo biên chế phổ biến lâu nay của quân đội, bằng 2 sư đoàn. Một thủ đô hòa bình mà có tới 2 sư đoàn cảnh sát công an, không biết đông như thế để làm gì, nhưng nuôi số ấy quả thật rất tốn kém.

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Lộn xộn địa danh (kỳ 2)

Thôi, không cãi về cái tên Vĩnh Mốc, địa đạo Vĩnh Mốc ở Vĩnh Linh đã đi vào lịch sử nữa, chỉ nói thêm tí ti rằng một số người cho rằng Vĩnh hay Vịnh do phát âm theo âm sắc địa phương, chả phải, bởi đây là ghi trên văn bản chứ không phải văn nói; lại có bác bảo đã có sự xác định lại tên gọi gốc (là Vịnh) và công bố, cũng chẳng thuyết phục bởi chỉ nói chung chung, còn ai xác định, ai công bố thì không thấy chỉ ra.

Cái lỗi lớn nhất là những cấp có trách nhiệm, từ quốc hội giở xuống chính phủ, bộ ngành, ban này bệ nọ, chính quyền địa phương… biết sự lộn xộn, nhầm lẫn, sai lạc, tùm lum tà la nhưng cứ kệ, thờ ơ, không thèm quan tâm. Họ bỏ thời gian ra bàn thế nào là biển số xe đẹp, đấu giá bao nhiêu, nhưng tên gọi liên quan tới lịch sử, truyền thống, hành chính, thậm chí cả chủ quyền đất nước suốt bao năm nhì nhằng, không rõ ràng thì họ dửng dưng.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Lộn xộn địa danh

Địa danh, nôm na là tên gọi (danh) của một vùng đất (địa), nhỏ thì xóm ấp, làng xã, lớn thì huyện, tỉnh, lớn nữa thì nước, lớn nữa thì châu lục. Quê tôi làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, nước Việt Nam, châu Á (tự dưng chẳng ai khảo mà xưng lý lịch, khai báo “nơi sinh”). Đó là cái tên, nhưng không chỉ tên. Bên trong nó, đằng sau nó hàm chứa nhiều vấn đề, nhất là lịch sử, phong tục, nỗi niềm…, không thể cứ viết thế nào, nói thế nào cũng được.

Vừa rồi, trên tivi phát phóng sự về di tích lịch sử nổi tiếng ở Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, địa đạo Vĩnh Mốc. Địa đạo này, ai ở miền Bắc đã trải qua thời chiến tranh phá hoại hầu như đều biết đều nghe, bởi nó quá nổi tiếng. Một biểu tượng cho cuộc sống anh hùng và đời thường trong chiến tranh. Điều đáng nói, đáng ghi nhận, phóng sự ấy luôn gọi đúng tên đất, tên di tích là Vĩnh Mốc, địa đạo Vĩnh Mốc.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Chuyện tây chuyện ta

Chuyện tây

Không ít người đã hết sức nhầm lẫn khi đánh đồng 2 cuộc chiến tranh tại Ukraine và Việt Nam, cho rằng như nhau.

Nhầm to. Cuộc chiến do người Ukraine đang tiến hành là cuộc chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc, chính nghĩa sáng lòa. Họ không nhằm mục đích "ngày mai sẽ chiếm được cả đất nước" mà chỉ quét sạch quân xâm lược Nga đang gieo tang tóc đau thương ra khỏi đất nước mình. Dù Ukraine có được phương Tây giúp đỡ vũ khí thì đó là sự ủng hộ của quốc tế đối với chính nghĩa chứ không phải ủy nhiệm ủy nhiếc gì hết như có những kẻ cố tình xuyên tạc. Họ đổ máu không vì thứ học thuyết vớ vẩn nào mà chỉ vì nước vì dân.

Ukraine phải thắng, nhất định thắng.

Chuyện ta

Khi xưa, nhà văn Nguyễn Công Hoan có truyện ngắn Oẳn tà roằn viết về chuyện đời mà chính ông không biết gọi là gì, cho rằng nó chả ra làm sao, tiếng Việt không có tên, nên tạm gọi là oẳn tà roằn, hì hì.

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Ghi lại buổi uống chè

Sáng se lạnh. Ngồi đàn đúm. Một ông bảo bọn Qatar giàu, dân nó sung sướng nhất thế giới bởi chúng nó có dầu khí, nhiều dầu khí, cứ hút lên bán đi làm chi chả giàu chả sướng.

Lão Maddox hàng xóm cười, ông nói như đám dư luận viên, đúng một mà chửa đúng hai. Thế An Nam ta không có dầu khí chắc, không hút lên bán chắc. Xin nhớ là nghiện... hút đã gần nửa thế kỷ rồi nhé. Xin nhớ thời ông Duẩn làm vua, một ông rất to (không phải ông Duẩn) từng khoe trữ lượng dầu khí của ta nhất thế giới, so với ta thì của Ả Rập Xê Út chỉ như chiếc tem dán lên con voi. Quá kinh. Còn ông Duẩn thì nổi tiếng với câu nói chỉ 10 năm nữa VN sẽ vượt Nhật Bản. Còn kinh hơn.

Maddox nói tiếp, đèo mẹ, đám Qatar ấy, từ vùng đất nghèo kiết xác, không có lấy một túp lều ra hồn, chúng biết cách hút dầu và biết cách chia tiền nên nước giàu dân sướng, nửa thế kỷ mà thay đổi hoàn toàn, từ ngoi ngóp vực sâu đến chễm chệ đỉnh cao. Đéo chủ nghĩa xã hội gì sất.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Bác đi nhé

Tối qua 15.12, nhà văn Phan Thúy Hà (có thể coi là hiện tượng của văn học xứ này những năm qua) nhắn cho tôi ngắn gọn "Bác Quang mất rồi, chú ạ".

Bác Quang mà Hà nói, là nhà văn Trần Huy Quang, người Quỳnh Lưu xứ Nghệ, từng nổi tiếng một thời, cái đận được người ta gọi là "văn học thời đổi mới", với những "Chuyện về ông vua lốp", "Lời khai của một bị can"..., và nhất là "Linh nghiệm".

Đời văn, chỉ cần viết được cái "Linh nghiệm" như bác Trần Huy Quang là đủ, thể hiện được cả tài năng, đức độ, bản lĩnh, hay nói theo kiểu xưa là tài - đức - dũng.
 
"Linh nghiệm" bị nhà cai trị cộng sản bóc ra khỏi đời sống văn nghệ nước nhà, nhưng nó lại đoạt được giải Nobel của lòng dân.

Không phải cứ giải thưởng HCM, giải thưởng nhà nước mới thành ông nọ bà kia. Tôi nói thật, càng giải đó, văn càng nhạt, càng mau chóng bị lãng quên.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Học ngay đi, còn chần chừ gì nữa

Thiên hạ đang chú mục, mồm năm miệng mười vào chuyện đánh gôn gãy gậy ở Quảng Nam, chuyện bóng đá tại Qatar sẽ ai nhất ai nhì. À, nhà cháu mắc cái tội hay thức khuya, tối qua định thức một lèo tới 2 giờ để coi chú em Messi, cứ thao láo con mắt đến gần 1 rưỡi thì nản, tặc lưỡi, đèo, còn nửa tiếng nữa, nằm chút cho khỏe, rồi dậy coi cho hưng phấn. Ai dè, chợp bà nó tới gần 4 giờ sáng, tỉnh ra bật tivi thì Mét Si về rồi, cho nên cấm dám viết nửa chữ về trận này.

Không bàn gôn, bàn bóng đá không có nghĩa chẳng có chuyện gì để nói.

Những vị cầm quyền xứ này thời gian qua dồn dập công du nước người. Ông Trọng sang Trung Quốc, ông Chính đi Nhật, hiện đi mấy nước châu Âu, ông Phúc tới Hàn Quốc, Thái Lan, ông Huệ qua Úc, Tân Tây Lan, ông Thưởng thăm Trung Quốc, Campuchia, ông… Nói túm lại, đi rất nhiều, mắt thấy tai nghe rất nhiều, thậm chí nghĩ ngợi “sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì” cũng rất nhiều, nhưng họ có “đi một ngày đàng học một sàng khôn” không thì chưa chắc.

Là một công dân đóng thuế nuôi các ông, là cha của những đứa con tiếp tục đóng thuế nuôi bộ máy cai trị xứ này, tôi thẳng thắn nhắc nhở rằng, các ngài tới xứ người ta, học được cái gì, tôi không rõ, nhưng phải học ngay đức tiết kiệm, giản dị, thực chất, không màu mè hoa hòe hoa sói, lòe loẹt hoa hoét, cờ đèn kèn trống của họ.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Thích thì làm

- Cái bến xe miền Đông mới ở Sài Gòn, nói toẹt, đang như cục xương mắc trong cổ, khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào. Thử hỏi, chỉ đi Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước lại phải bắt xe ôm, taxi, grab lặn lội mười mấy cây số lên bến mới, chẳng thà ở nhà hoặc đi thẳng mẹ nó xe ôm cho rồi. Xe buýt thì bất tiện, chạy rề rà, nhan nhản trộm cắp móc túi; xe đưa rước được chăng hay chớ, chuyển qua chuyển lại lích ca lích kích; xe sắt trên cao chửa thấy đâu mới chỉ có mấy cột xi moong; vậy mà đòi, bắt người dân phải mò ra bến mới, không khác gì cuộc đày ải, hành xác. Đến khổ với cách làm ăn của các ông các bà, kiểu như tao thích thì tao cứ làm đấy, ế hay không kệ mẹ tao, can gì tới chúng mày.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Một vụ mất củi tươi

Báo chí mậu dịch, và cả dư luận mạng xã hội nữa, đang chê cười tay giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khi y “ní nuận” giải thích về vụ đá lát vỉa hè kém chất lượng. Lão hàng xóm nhà tôi cười bảo thằng í vừa ngu vừa thật thà, chắc nó nghĩ cứ đổ cho trời là xong, trời ở xa, ai leo lên đó mà hỏi được.

Nhưng báo chí (của chế độ) và mạng (của dân chúng) lại rất thờ ơ hoặc nhanh chóng cho qua vụ lắp camera trăm tỉ ở Bình Dương. Cũng có thể người ta ngại đụng vào “thanh kiếm và lá chắn”, mà cũng có thể họ hiểu rằng công an (chủ đầu tư) đã cãi thì ngược cũng thành xuôi, kiểu như đầu va vào gậy quơ lên (chứ không phải vụt), chân giơ quá cao (chứ không phải đá), bắn chỉ thiên không may trúng (chứ không phải cố ý)…, đôi co làm chi cho mất công dã tràng.

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Cuộc thử nghiệm tai ách (kỳ 2)

Phàm bất cứ việc gì, nếu có bước làm thử, gọi là thử nghiệm, thì sau đó sẽ tốt hơn, bởi ít nhất cũng tránh được sự dở, thậm chí bỏ luôn để tìm cách khác. Việc nhỏ đã vậy, việc lớn càng phải vậy. Biết dở sai mà vẫn cố kéo dài, chống chế; đi từ thất bại này tới thất bại khác nhưng vẫn “kiên định”, không tỉnh để thoát ra, chỉ có thể gọi là lú lẫn u mê. Một đất nước, một dân tộc vướng phải sự ấy, là đại bi kịch. Xứ này cũng như một số “anh em” của nó đang đắm chìm trong tấn đại bi kịch.

Có lẽ cần nhắc tới trước hết là Cuba. Đảo quốc nhỏ bé nằm sát nước Mỹ, theo cách nói bây giờ, có vị trí địa chính trị đặc biệt. Một thời gian khá dài, nó được phong tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa, ngọn cờ đầu chống chủ nghĩa tư bản bóc lột, chống đế quốc. Anh em nhà Fidel sau khi nắm quyền (tháng 1.1959) đã thiết lập chế độ độc tài gia đình trị còn tệ hơn cả chính quyền Batista mà họ gán cho chữ “độc tài”, được trang trí màu mè bằng “cộng hòa, dân chủ”. Họ thay nhau anh truyền em nối, già cốc đế đại vương vẫn cố giữ ghế cai trị, chẳng chịu nhường ai, xem người cả nước không ra gì. Họ bắt toàn dân phải cùng với họ tôn thờ cộng sản, thờ Liên Xô, kiên định theo chủ nghĩa xã hội, bất kể phải chịu phận chư hầu dễ bảo, phụ thuộc, đói nghèo. Họ vênh vang với thứ danh hão tiên phong chống đế quốc, bảo vệ thành trì chủ nghĩa xã hội.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Cuộc thử nghiệm tai ách

Cho tới lúc này, trên thế giới gồm hơn 200 quốc gia chỉ còn lèo tèo vài nước tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, cắm cúi nhắm mắt, bước thấp bước cao kiên định “tiến lên” trên con đường chủ nghĩa xã hội, mặc dù không biết nó ở đâu, khi nào mới tới nơi. Vô cùng mờ mịt, ảo tưởng.

Còn những “ai”? Đếm trên đầu ngón tay: Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên, Lào, Venezuela, Nicaragua, Eritrea. Bọn Tàu khôn lỏi, chúng cứ bô bô danh nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội nhưng thực ra đã lẻn theo đường khác, mà chúng láu cá gọi bằng cái tên “chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc”. Tại sao phải giữ danh nghĩa ấy? Không phải để vì chúng mà là giữ cái vòng kim cô thít lên đầu những thằng ngu dại khác.

Trong danh sách trên, trừ thằng Tàu đạt được điều này điều nọ, thì bói không ra, đốt đuốc giữa ban ngày cũng chẳng tìm được nước giàu, quốc gia giàu có văn minh dân chủ. Chỉ rặt thấy nghèo bền vững, cầm cờ chạy sau trong hành trình nhân loại. Giỏi ảo tưởng, nói phét, và rất hung hăng.

Tôi nhớ hồi còn bé, thập niên 60 có đọc đâu đó truyện cổ tích với cái tên “Đi tới nơi vô tăm tích, đem về một vật vô tri”. Giờ nghiệm lại, thấy đúng y chang cuộc hành trình tiến lên chủ nghĩa xã hội ở xứ này và mấy nước kia. Cứ mải miết đi mãi, không biết đi tới đâu, chẳng đem về được thứ gì ngoài lạc hậu, nghèo đói, chậm phát triển, phí thời gian, nhưng cứ đi. Như dân gian cười cợt “hàng đầu không biết đi đâu/đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”.

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Uôn cúp và tiền

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) là đài quốc gia, được nhà nước nuôi, cấp cho cả đống tiền ngân sách (do dân và doanh nghiệp nộp thuế đóng góp) để phục vụ nhân dân, cả về đời sống văn hóa văn nghệ, thể thao. Dân được phục vụ thỏa đáng thì dân lại còng lưng làm để trả công cho nhà nước. Chả ai cho không nhau cái gì, mà cũng chẳng ai phụ bạc công ơn. Đó là quan hệ sòng phẳng giữa dân với chính quyền.

Nay VTV lấy danh nghĩa kinh tế thị trường, bỏ tiền ra mua bản quyền phát sóng World Cup. Tiền ấy từ đâu, có phải của nhà nước không thì chưa rõ, nghe nói có doanh nghiệp mua, chuyển giao cho nó, được trả lại bằng chương trình quảng cáo. Nhưng nó bộc lộ thói con buôn, cứ phải bán-mua, tiền trao cháo mới múc, không còn chút gì cái tinh thần "vì nhân dân phục vụ" như đảng và chính phủ rao giảng lâu nay.

Người dân/khách hàng đã trót sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nào đó, nếu nhà mạng ấy không thương lượng mua bán được với VTV là bị cắt uôn cúp không thương tiếc, mà trường hợp công ty truyền hình cáp HTVC là rõ nhất. Người dân mua dịch vụ của HTVC không có tội gì, nhà nước không thể lấy cớ kinh tế thị trường thuận mua vừa bán của các cơ quan, doanh nghiệp mà bỏ mặc bỏ rơi họ.

Sảy nảy ung

Ấy là tôi muốn nói vụ “nơi sinh” liên quan đến mẫu hộ chiếu mới, được Bộ Công an trần tình giãi bày trước quốc hội, được các ông bà nghị bàn ra tán vào, mười rằm cũng ư mười tư cũng gật, rồi biểu quyết thông qua, nhất trí cao. Chẳng có ai dám mở mồm đặt lại vấn đề tại sao lại thế, tìm ra căn nguyên của lỗi hệ thống này, tìm biện pháp xử lý sai phạm cho tử tế.

Thôi, cứ nói ngắn gọn toạc móng lợn như thế này:

- Tấm hộ chiếu của nhà nước XHCN đã được dân xứ ta dùng lâu rồi, ít nhất cũng gần nửa thế kỷ, cái mẫu cũ ấy. Dù nó trải vài lần thay đổi mẫu mã, kiểu cách, màu sắc, hình dáng, nội dung… nhưng về cơ bản được cả thế giới chấp nhận, thừa nhận. Nó là con lợn lành. Nếu có gì không hay không phải về nó (mẫu cũ) thì cộm nhất ở chỗ, như đức cha Ngô Quang Kiệt nhận xét, nó bị nhiều nơi xem thường coi thường. Nhưng lỗi không phải do nó mà do cái chính thể, đất nước mà nó đại diện.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Hàng rào trong đầu mới là thứ cần dỡ bỏ

Hôm 5.12, báo chí mậu dịch thông tin việc chính quyền Hà Nội sau rất nhiều bàn tính, nâng lên đặt xuống, đã quyết định dỡ bỏ hàng rào bao quanh công viên Thống Nhất. Dư luận báo chí quốc doanh coi đó là sự đổi mới, đột phá, tiến bộ, cởi mở, là điều đáng khen ngợi.

Nếu Hà thành lịch sử cổ xưa có biểu tượng nổi tiếng hồ Gươm thì thời hiện đại công viên Thống Nhất xứng đáng được coi là “logo” của Hà Nội dưới chế độ mới. Suốt một thời gian dài, tôi chứng kiến và luôn nghe nói, rằng cứ đến Hà Nội, về Hà Nội, thăm Hà Nội… là người ta quyết đi chơi công viên Thống Nhất bằng được, chứ không phải viếng lăng như sau này.

Công viên Thống Nhất có lai lịch khá hay, ai muốn biết cứ vào Gu gồ gõ mấy chữ “công viên thống nhất” thì đọc mệt nghỉ. Chỉ vắn tắt rằng nó được khởi công năm 1958, hoàn thành giữa năm 1961. Khi ấy tôi còn bé tí, đang học lớp vỡ thình, nghe người nhớn kể về nó, chỉ ao ước sau này có dịp lên Hà Nội sẽ đi chơi công viên Thống Nhất. Ao ước ấy chẳng giống văn mẫu phần kết luận các bài văn nghị luận “là thanh niên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, em ước nguyện sau này sẽ đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần”.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Phiếu trắng, trắng tay

Những người đang đại diện xứ này trên trường quốc tế đã bao lần bỏ phiếu trắng, hầu như ai cũng biết cả rồi, không cần nhắc lại.

Nhà kia có hai đứa con trai. Ông bố là người cẩn thận nên làm gì đều hỏi ý kiến con. Việc nào cũng vậy, hỏi thằng lớn, nó ậm ừ rồi bảo tùy bố, bố muốn làm thế nào cũng được, con chả ý kiến ý cò. Hỏi thằng bé, nó luôn nghĩ ngợi đôi chút rồi đề nghị bố phải làm thế này thế này, có lúc còn cãi lại chê bố sai. Ông bố ban đầu hơi phật ý, thậm chí còn mắng nó mày chỉ giỏi lý sự, dám cãi bố, chả như anh mày ngoan, tao làm gì cũng gật. Khi sắp về với ông bà, ông gọi cả hai đứa lại, nói rành rọt của cải tài sản nhà này bố trao hết cho thằng bé, bởi nó đâu ra đấy, rõ ràng đúng sai, chứ vào tay cu nhớn ba phải thì đội nón đi hết.

Nhớ chuyện xưa bởi ngẫm chuyện nay. Liên Hợp Quốc quá rành chuyện Việt Nam bỏ phiếu trắng, chả biết vừa rồi ông tổng thư ký qua chơi có nhắc nhở gì không. Mà nhắc cũng chả xi nhê gì. Những anh chống và trắng hầu hết đều dị ứng với giá trị chung của nhân loại.

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Pháp luật trước khi thực hiện sự trừng trị, hãy là thứ pháp luật tử tế

Ấy là tôi muốn nhắc tới vụ việc liên quan ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên. Ổng vừa được tòa sơ thẩm “ưu ái” 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
 
Tội này, án này chỉ dành cho ông, là người thực hiện, thừa hành nghị quyết của tập thể, lệnh của cấp trên, còn những kẻ chủ mưu quyết định thì pháp luật đã cố tình không rờ tới, chỉ giao cho đảng xử lý theo cách của đảng. Người ta cứ nói luật pháp nghiêm minh, công bằng, không có vùng cấm, nhưng qua vụ xử ông Hiến hẳn không phải thế. Dân Nam Bộ có câu “dzậy mà không phải dzậy”, rất đúng với trường hợp này.

Tôi không có quan hệ gì với ông phó Hiến, cũng chả lợi ích gì ở Phú Yên. Tôi chỉ thấm cái tinh thần “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”, thấy có người bị oan sai, có kẻ gây tội được bao che, cuộc sống bất công… thì lên tiếng, cũng như từng nói về Đoàn Văn Vươn huyện Tiên Lãng, làng Hoành xã Đồng Tâm, về cướp đất ở Văn Giang, về trạm BOT trấn lột Cai Lậy… vậy.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Trường

Các bố xứ này cứ vẽ chuyện.

Thực ra, trường nào cũng là trường, chỉ khác nhau lớn hay nhỏ. Trường nhỏ thì một mình, trường lớn thì có những trường con. Vậy thôi.

Với trường hệ đại học, gọi đầy đủ thì nó là trường đại học, gọi tắt thì là đại học. Hồi tôi đi học (gớm, cũng khoe đi học), trường tôi tên đầy đủ là Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng người ta nói với nhau ngắn gọn thì chỉ cần Đại học Tổng hợp Hà Nội, thậm chí Tổng hợp Hà Nội, thậm chí gọn lỏn Tổng hợp, nhưng ai cũng hiểu, mà chả sai gì sất.
 
Ví dụ đi tán gái (tuổi trẻ đứa nào chả biết tán), ẻm hỏi anh gì ơi, anh học trường nào, bẩu, em à, anh học Tổng hợp, thế là đi được 2/3 chặng đường. Vậy đó.
 
Hồi ấy, tất nhiên ở miền Bắc, chỉ có Trường đại học Bách khoa mới dám lườm trường Tổng hợp, được cái con gái Tổng hợp xinh hơn, bởi Bách khoa đã vốn ít nữ, mà những cô xâu xấu (thì hay giỏi về công nghệ, chứ đẹp thường học dốt, do mải liếc giai), mới chọn vào Bách khoa.

Thông báo

 Đã hơn 1 tháng, nhà cháu bị đơn vị cung cấp dịch vụ mạng chặn đứng không cho truy cập blog, kể từ ngày 28.10. Trước đó họ chỉ chặn BBC hoặc Boxit... Chịu không nổi, nhà cháu đã thông báo và hủy hợp đồng với họ và chuyển sang đơn vị cung cấp dịch vụ mạng khác. Và từ trưa nay chủ nhà đã vào lại được nhà mình.

Xin thông báo để chư vị biết và thông cảm cho sự im vắng hơi bị lâu.

Bài đang rất nhiều, có những nội dung của ngày đã qua, nhưng nhà cháu sẽ lần lượt đưa lại hết lên blog.

Chào tất cả mọi người ạ.

Chim sổ lồng ký tên: Thông cào

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp (kỳ 4)

Trước tháng 4 năm 1975, tất nhiên là ở miền Bắc, khi xe máy hầu như rất ít, đám Simson - Mokick từ Đức, Minsk (còn gọi là Min khơ) từ Liên Xô chưa về thì Pơ giô cá vàng là đỉnh, chỉ đứng sau Vespa (Ý). Nhớ độ năm 74 - 75 chi đó, tôi đến thư viện quốc gia trên đường Tràng Thi tìm tài liệu cho thầy Hà Minh Đức, gọi là đi thực tế, thấy trong quầy kính của Công ty Xe đạp Thống Nhất bên kia đường, phía đối diện thư viện, bày chiếc Vespa màu xanh nhạt, hình như tên đầy đủ là Vespa Piagio, đề giá 4.000 (bốn nghìn) đồng, đọc xong phát khiếp, choáng như bị say nắng. Cả Hà Nội thời đó có lẽ số lượng xe máy Vespa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bốn nghìn đồng thì mua được mấy căn nhà, hoặc bao nhiêu là ruộng. 

Cùng cặp với Pơ giô cá vàng những năm đó còn có loại xe máy nữa là Mobylette cá xanh, giá rẻ hơn chút. Năm 1976, vợ chồng ông Giễ anh họ tôi cùng vợ chồng cô em gái ông là cô Nộm chú Lộc ở thủ đô về quê chơi, 4 người diện trên 2 chiếc xe máy, một Pơ giô cá vàng, một Mobylette cá xanh, oai có kể, trong họ ngoài làng ai thấy cũng khiếp, trợn tròn mắt. Lạ là chiếc xe nhỏ như thế mà chất lên đó 2 người, chạy hơn trăm cây số, vừa đi vừa về hơn hai trăm cây, vẫn không sao. Nhớ năm 1982, trong Sài Gòn, anh Nguyễn Bác Chính trưởng phòng hành chính trường tôi mua được chiếc xe máy Tiệp Babetta, anh khoe đã có lần chạy từ Sài Gòn tới Vũng Tàu hơn 120 cây số, nghỉ dọc đường đôi lần, mà xe vẫn không bị… cháy, thế cũng khiếp.

Những loại xe đẳng cấp khác, phải kể tới Diamant, Mifa (Đức), Favorit (Tiệp), đều đẹp cực kỳ, giá rất đắt, chỉ những tay chơi sẵn tiền mới dám sắm. Ông Tế anh họ tôi thời làm phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp được phân phối chiếc Favorit, năm 67 - 68 gì đó, giá hơn 400 đồng. Chạy được vài năm, lốp mòn nhẵn thín, băng bó chằng buộc đủ kiểu, chờ mãi vẫn không tới lượt được phân phối mua vỏ mới, có lúc phải xếp xó. Đã có câu ca gắn với chiếc xe đỉnh này, “Làm trai cho đáng nên trai/Có Favorit có đài Ori” (đài Ori là chiếc radio Orionton của Hungary). Cỡ chủ nhiệm hợp tác xã thì phải ráng sắm được chiếc Orionton mặc dù nó rất tốn pin, chứ đeo Xianmao của Tàu thiên hạ họ cười cho.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

Chống tham nhũng, có mà chống vào mắt (kỳ 3)

Vậy tôi hỏi ông ấy và các ông các bà đang nắm quyền cai trị: Cả thế giới có nước nào suốt ngày, quanh năm suốt tháng loay hoay chống tham nhũng như ta vậy không? Ngay cả những thể chế ù lì, ngược chiều hành trình đi lên của nhân loại như Triều Tiên, Cuba, Lào, Nicargua, Venezuela… cũng không đến nỗi vậy. Chắc chỉ tòi ra Trung Quốc và xứ này, hai anh em đang dắt tay nhau theo tấm biển chỉ đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thằng Tàu nó diệt nhau, mặc mẹ nó, xưa nay truyền thống “củi đậu nấu hạt đậu” của nó ăn vào máu rồi. Học nó cái gì chả học, chỉ bắt chước tinh trò ngược đời. Tham nhũng từ đâu ra? Loay hoay chống suốt bao nhiêu năm rồi, có biết không? Càng chống càng nhiều tham nhũng, có biết không? Cả bộ máy đã rệu rã hư hỏng gỉ sét, mà tham nhũng là phần hỏng nặng nhất, dột nát từ trên xuống dưới, cứ trừng trị kỷ luật đứa này lại tòi ra đứa khác, đứa chưa bị thì ngó đứa bị nhưng không hề biết sợ biết chùn lại, các vị định chống đến khi nào? Khi nào mới để cho xã hội, cuộc sống, dân chúng được yên ổn, được sống bình thường như bao người, bao nước, không bị cuốn vào cái vòng đấu đá thảm khốc ấy?

Nhìn ra thế giới, không phải không có tham nhũng nơi này nơi nọ, nhưng một năm 365 ngày miệt mài diệt trừ, chống tham nhũng, trừng trị, kỷ luật đội ngũ hư hỏng, chắc chỉ có xứ này.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Chống tham nhũng, có mà chống vào mắt (kỳ 2)

Chiêm quan dinh thự của Trần Đình Thành bí thư Đồng Nai, lại nhớ xứ này quá nhiều điển hình quan tham, như dinh thự của Lê Viết Chữ bí thư Quảng Ngãi, biệt thự của Trần Văn Truyền tổng thanh tra chính phủ, dinh cơ đồ sộ của Phạm Hồng Hà chủ tịch TP.Hạ Long, biệt phủ của giám đốc sở TN-MT Phạm Sỹ Quý em trai bà Trà bí thư Yên Bái… “Thôi, kể làm sao hết được anh/Buồn vui muôn nỗi của quê mình”, nhưng cần hiểu rằng lương cán bộ dù là quan đầu tỉnh phải vài trăm năm mới tậu nổi cơ ngơi vậy. Chỉ biết sau mỗi cuộc chống tham nhũng xong, lôi được đương sự ra kỷ luật, đã mấy khi xử lý được số tài sản bất minh ấy trả về cho đất nước nhân dân. Hầu hết vụ, tài sản đen vẫn thuộc về những kẻ bị kỷ luật. 

Nói thật, tôi rất thông cảm và thương ông Y Luyện Niêk Đam cựu bí thư ở Đắk Lắk cao nguyên, cái trại nuôi bò trong rừng đó trị giá chưa bằng chiếc cánh cổng dinh cơ Trần Đình Thành. Thấy báo chí phanh phui ghê quá, ông già (chắc có họ với cụ nhân sĩ nổi tiếng Y Ngông Niêk Đam) vội thu vén dọn dẹp trả lại ngay, nghĩ cũng tồi tội. Ngay cả căn nhà mà Vũ nhôm cho bí thư Đà Nẵng Xuân Anh ở cũng thế, so với của nả của đám Trần Đình Thành, Phạm Hồng Hà… chỉ là muỗi, nhưng cũng đã bị thu hồi. Tất nhiên sẽ có ai đó bảo chẳng oan gì, nhưng tôi nghĩ thế nào cứ biên thế.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Chống tham nhũng, có chống vào mắt

Mới hôm 19.10 tây vừa rồi chứ đã lâu lắc gì, nhà cai trị bắt cùng lúc 2 ông từng là quan đầu tỉnh của vùng đất trọng yếu Đồng Nai. Giá như 15 - 20 năm trước, những vụ pháp luật hỏi thăm kiểu vậy phải gây chấn động như động đất 7 độ rích tơ, thì nay ngoài báo chí mậu dịch ra, chả mấy con dân quan tâm. Thể chế này mà không bắt cán bộ “bị cáo tiềm năng” mới là lạ. Cán bộ đảng viên hư hỏng đã là thứ đặc sản của chế độ, của bộ máy cai trị đương thời. Đất Bần có tương, làng Láng có rau húng, cộng sản có cán bộ tham nhũng.

Đồng Nai trước năm 1975 là vùng đất phát triển mạnh bậc nhất của miền Nam. Giữa năm 1977 tôi theo đứa học trò lên Biên Hòa, cảm giác choáng ngợp, không tin ở mắt mình. Mạnh nên giàu có, chỉ sau Sài Gòn. Bên thắng cuộc đã tiếp thu nó, rồi làm cuộc “giải phóng” tiếp theo khiến mấy chục năm nó phú quý giật lùi, dần dà nghèo ngang nơi khác, thậm chí thua cả Bình Dương vốn vùng sâu vùng xa. Mà ở nước này, Đồng Nai chỉ là một trong vô vàn xã huyện tỉnh lớn nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội nghèo đói. Cách mạng đã tước của Đồng Nai cũng như miền Nam, cũng như cả nước mấy chục năm quý báu mà nhẽ ra có nó thì nước này không phải chịu nỗi thẹn thùng trước nước khác.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức (kỳ 3)

Xe đạp Peugeot là thương hiệu nổi tiếng của Pháp, thời Pháp còn cai trị xứ ta loại này khá phổ biến, nhưng sau 1954 mất dần. Nó là cái tên gây ấn tượng sâu đậm trong cuộc sống, giống như những năm 70 - 80 người ta gọi chung xe máy bằng cái tên Honda. Xe Pơ giô (Peugeot) là thứ bằng chứng về đẳng cấp con người trong xã hội miền Bắc trước 1975. Người ta truyền nhau câu vè như thứ kết luận chắc nịch “Đẹp giai đi bộ, không bằng mặt rỗ đi lơ”. Lơ tức là xe đạp Peugeot, mặt rỗ chỉ sự xấu trai do người đó bị bệnh đậu mùa để lại vết rỗ xấu xí trên mặt. Những năm 70 - đầu thập niên 80 còn có bài thơ “10 yêu”, mở đầu là câu “Một yêu anh có Sen kô/Hai yêu anh có Pơ giô cá vàng”. Sen kô thì ai cũng biết là đồng hồ Seiko của Nhật, một trong hai loại đồng hồ xịn và phổ biến lúc bấy giờ, loại kia là Orient, một phần do thủy thủ Vosco đi Nhật đem về, một phần mua từ miền Nam sau 1975. Nhưng Pơ giô cá vàng thì khá nhiều người hiểu sai, nhất là mấy bạn trẻ, nhà báo trẻ không sống thời đó. Pơ giô cá vàng không phải xe đạp mà là xe máy Peugeot, mặc dù xe đạp cũng có màu cá vàng. Xe máy Pơ giô có 2 màu, cá vàng và xanh da trời. Không hiểu nó từ Pháp sang bằng đường nào, có nhẽ qua ngả Hồng Kông.

Về xe đạp Pơ giô, có thêm chút ký ức này. Hồi tôi còn bé, độ 10 tuổi, mỗi lần hai anh em tôi khiêng rau cải rau muống lên bán trên chợ huyện, đi tới chỗ làng Lái (làng Cẩm La), gần trường cấp 2 Thanh Sơn (H.Kiến Thụy, HP) có một ngôi nhà xây tương đối mới, anh Uy tôi bảo đó là nhà ông Cam sũng. Ông ấy độ ngoài 40, tên Cam, nhưng từng mắc bệnh phù thũng, da mặt chảy xệ xuống nên bị đặt thành Cam sũng. Mọi người kể rằng ông là Việt kiều ở Tân đảo hồi hương năm 1962, theo lời dụ của chính phủ về xây dựng đất nước. Gia đình ông có hẳn cặp xe đạp Pơ giô mới toanh, ai thấy cũng thèm. Thời gian sau, nghe nói kẻ trộm vào thó mất một chiếc. Gia đình ấy cứ lụn bại dần, tới khi tôi học cấp 3 trường huyện, đi ngang qua ngó chỉ còn căn nhà cũ kỹ đổ nát, không thấy ông Cam sũng, chẳng thấy xe Pơ giô.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Tự do báo chí

Muốn biết có tự do báo chí thực chất ở xứ này không, chả cần nhìn đâu xa, cứ qua vụ Vạn Thịnh Phát là rõ.

Một loạt lãnh đạo, sếp sòng của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, phần lớn trẻ, khỏe, lần lượt chết (qua đời, tử vong), trong đó có cả những người đã bị bắt giam (tức là rất khó chết) nhưng báo chí gần như im hơi lặng tiếng. Chưa có chỉ đạo mở, chưa được thổi còi xông lên, thì chưa dám hó hé gì, chẳng hề thông tin lấy một chữ. Gương báo Pháp luật TP.HCM còn sờ sờ ra đó, với vụ chết đầu tiên, vừa đưa bài lên được vài tiếng đồng hồ là vội rút xuống ngay, không kèn không trống, không một lời giải thích. Nhũn như con chi chi.

Thực chất là vậy, nhưng người ta cậy quyền cai trị, cứ xoen xoét leo lẻo cãi có tự do báo chí, còn thách nước ngoài đến mà chứng kiến gần 1 nghìn cơ quan báo chí truyền thông đang hoạt động. Nghìn mà cũng như một, vênh váo làm gì. Nếu có tự do báo chí, thì chỉ có ở mồm nhà cai trị.

Thế nhưng vẫn có những người tin đó là thực. Cũng như trên mạng xã hội, ta vẫn thấy nhan nhản những kẻ hung hăng ủng hộ, ca ngợi cuộc xâm lược Ukraine của bọn đồ tể Nga, dè bỉu cuộc chiến đấu của người Ukraine.

Một nước, một xã hội mà loại người đó khá đông khá nhiều, còn lâu mới ngóc đầu lên được, tôi bảo thật.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

Chuyện thằng khùng và những liên quan

Nhẽ ra tôi không cần viết mấy thứ này, để dành thời gian mà biên chép về chuyện xe đạp, chuyện tượng đài, chuyện cúp điện, chuyện đào ngũ, v.v.., nhưng rồi lại phải lên tiếng.
 
Một bạn phây nhắn cho tôi, bác ơi, sao không thấy bác nói gì về việc Putin sáp nhập 4 vùng đất của Ukraine vào Nga, rồi còn dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nữa. Tôi định bảo, thằng khốn ấy, chẳng riêng gì Putin mà cả lũ khốn Medvedev, Lavrov, Peskov đều không đáng làm bẩn phím. Lũ giời đánh thánh vật đang tự đào huyệt chôn mình, đừng quan tâm làm gì, kẻo nó lại tưởng cao giá lắm.

Hôm qua 18.10, tên đồ tể Putin lại dọa dùng vũ khí hạt nhân. Đúng là chó cùng cắn giậu, cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, hiện nguyên hình một tên điên khùng chỉ chơi được với đám Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu… Mày giỏi, mày cứ ra tay trước đi, đồ điên. Nhân loại đừng can nó nữa, đừng quan ngại uốn lưỡi này nọ nữa, cứ để nó làm, sau đó xúm lại đập bỏ mẹ nó, chứ đừng như thời gian qua để nó được đằng chân lân đằng đầu, cắn càn lại tưởng mình hay lắm.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

Trông “nó” lại ngẫm tới ta

Đảng cai trị bên Tàu đang đại hội để củng cố quyền cai trị. Đại hội lần thứ 20 (nhị thập), cứ tính cả trước lẫn sau bình quân nhiệm kỳ 4 - 5 năm thì nó đã tồn tại gần trăm năm, còn trụ được bao lâu, nói theo kiểu ông cụ, “nhưng ai mà biết được nó còn sống được bao lâu nữa”. Chỉ có điều, lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, chả có đám độc tài phát xít nào vạn tuế muôn năm được mãi.

Nói thẳng ra, tôi không có cảm tình với bọn cộng sản Tàu. Nói chung là cộng sản. Cộng sản đồng chí gì mà giết người như ngóe. Ngay nó với nhau còn chẳng tốt, đừng mong nó tốt chi với ta. Thứ mà lâu nay các ông bà cai trị xứ này cứ tâng lên thành tinh thần quốc tế vô sản, sự giúp đỡ thủy chung vô tư trong sáng, chịu ơn nghĩa của nó (Tàu), cũng như của đám Liên Xô, Cuba…, xin hãy dẹp đi. Chúng dúi cho ta vũ khí, tí gạo tí mì, để rồi ta dại dột làm người lính đi đầu, tiền đồn hậu đồn, kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt nhằm bảo vệ chúng nó, để chúng nó được yên. Chúng được ngủ ngon trong khi ta suốt ngày đêm mấy chục năm canh giữ cho chúng. Chúng mất tí súng tí bột mì, còn ta nghĩa trang liệt sĩ rải khắp 3 miền. Món nợ xương máu ấy, chưa bắt trả là may, lại cứ ơn mí chả nghĩa.

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức (kỳ 2)

Người đời có muôn vàn nỗi nhớ, nhớ tuổi thơ hoặc dòng sông tuổi thơ, nhớ về Hà Nội, nhớ mối tình đầu..., còn tôi nhớ về xe đạp. Cũng chả nên bảo cái nào sâu sắc, ý nghĩa hơn cái nào, dù xe đạp có vẻ thô thiển, không mướt mát bằng những thứ kia.

Bây giờ, con cái đòi bố mẹ mua xe, chẳng mấy đứa đòi xe đạp, ít nhất cũng phải xe máy, thậm chí xe máy tay ga đời mới. Xe đạp tầm thường lắm, đâu là cái đinh gì. Nhưng có một thời, nó là niềm ao ước của biết bao người, không dễ gì biến thành hiện thực.

Ở miền Bắc những năm 1960 - 1970, thậm chí cả vài năm sau đó, xe đạp là thứ hiếm hoi. Hồi giữa thập niên 60, làng quê tôi gần 1.500 nhân khẩu mà chỉ có lèo tèo vài chiếc. Mấy chiếc xe cũ mèm từ hồi Pháp, sau có thêm một hai chiếc xe Thống Nhất của cán bộ xã được phân phối, thêm chiếc nữa của chị nhân viên cửa hàng mậu dịch trên huyện sơ tán về. Nữ nhân viên mậu dịch hồi đó rất uy quyền, có khi còn được kính nể, trọng vọng hơn cả cán bộ huyện. Xe đạp là thứ quý hiếm, nếu có xách ra dạo vài vòng hoặc đi công chuyện thì ngay lập tức sau đó về lau lọt, chùi rửa kỹ lưỡng và... treo lên. Nể lắm, hiểu hoàn cảnh nhau lắm mới cho mượn. Cũng chả phải keo kiệt bủn xỉn gì nhưng nhỡ nó mòn nó hỏng lấy đâu phụ tùng thay. Bọn trẻ con chúng tôi nhìn người có xe đạp bằng con mắt ngưỡng mộ, với cả người lẫn xe. Cả làng hầu như không mấy người biết đi xe đạp bởi xe đâu mà tập, vả lại có tập cũng làm gì có xe mà đi. Thóc nhân khẩu đầu người mỗi vụ chỉ hơn 5 chục ký, ăn còn chả đủ, dám mơ xe. Mà trăm thứ đều trông vào hột thóc. Vả lại đi bộ quen rồi. Cả chục cây số cũng đi bộ. Tôi học cấp 3, mỗi ngày đi bộ chục cây số là chuyện thường.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Chuyện xe đạp lôi từ ký ức

Những ngày vừa rồi, nóng nhất là chuyện ngân hàng và chuyện thiếu xăng. Xăng ở Sài thành nóng tới mức muốn cháy luôn, nghe nói ngoài Hà thành cũng hơi hơi khó đổ xăng. Định đi chợ, ngó cái đồng hồ báo xăng, hết cụ nó xăng từ hồi nào. Giá có cái xe đạp thì đỡ.

Trước khi nhà cháu biên kể về xe đạp, hẵng nói vài thứ liên quan tới nó đã.

Cách nay mươi năm, những người nước ngoài tới Việt Nam, sau khi mục sở thị chán chê chuyện đi lại xứ này hầu như đều có chung nhận định Việt Nam là vương quốc xe máy. Chiếc xe máy, còn có tên xe gắn máy, vừa là tài sản vừa là phương tiện giao thông của mọi gia đình, ở thành thị cũng như nông thôn. Xe máy nhan nhản trên đường phố, kẹt xe máy khi vào giờ tan tầm, giờ cao điểm là chuyện cơm bữa. Hôm nào không bị kẹt xe máy, chẳng hạn mấy ngày tết, đám con dân cứ ồ à reo vui như đón tin hòa bình. Có ông còn tâm sự không bị kẹt xe tự dưng chếnh choáng, thấy nhơ nhớ, cảm giác thiêu thiếu cái gì đấy. Người ta có thể quen với khổ, chứ sướng lại rất khó chấp nhận.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Ngày "giải phóng"

Hôm nay, ngày 10.10 tây (ngày chứ không phải mùng, bởi mùng chỉ dùng cho âm lịch, cho nên bắt trẻ con hát "mùng 8 tháng 3, em ra thăm vườn..." là sai), liên quan tới sự kiện xảy ra ở Hà Nội cách nay 68 năm, 10.10.1954.

Chính trị và lịch sử xứ ta đang cố tình xuyên tạc, bóp méo sự kiện này để trang trí tô vẽ cho nhà cai trị. Thậm chí hôm nay trên một tờ báo còn dựng chuyện "Giải phóng thủ đô: Phá tan âm mưu trao trả một thủ đô tan hoang xơ xác" nhưng đọc cả bài chẳng thấy người Pháp có âm mưu cụ thể gì cả. Cần nói thẳng với đám tuyên giáo ngu ngốc, nếu người Pháp muốn phá, dễ ợt, chả còn chỗ cho ông to bà lớn ngự trong tòa nhà phủ chủ tịch bây giờ đâu, nói chi những chỗ khác. Ngay cái chùa Một Cột, lâu nay cứ nói quân Pháp chủ ý phá, cũng cần xem lại.

Những người chứng kiến sự kiện xảy ra năm 1954 ở Hà Nội, năm 1955 ở Hải Phòng hiện giờ còn nhiều, lịch sử khách quan trong con mắt họ khác hẳn với lịch sử mậu dịch, lịch sử quốc doanh, lịch sử bị bóp méo được tô vẽ bởi những nhà vẽ sử, và nhất là đám thủ lĩnh chính trị.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Hãy làm việc tử tế đi, đừng nói nữa

Hôm nay 7.10, nhà cai trị cho thu phí trở lại ở BOT trấn lột Cai Lậy, sau 5 năm phải ngừng thu do bị dân phản đối.

5 năm qua, họ (chính phủ, bộ giao thông, chính quyền địa phương, nhà tư bản đỏ) dùng đủ mọi mưu mẹo, khi dọa dẫm, lúc lý sự cùn, nhưng không đạt được mục đích bảo kê cho bọn bóc lột. Chính ông Nguyễn Xuân Phúc thời đó làm thủ tướng cũng cố lờ vụ này đi, có lẽ do nhận thấy nó quá phi lý, vô lý, sau đó đá trái banh sang người kế nhiệm là ông Phạm Minh Chính. Ông Phúc không ra tay dẹp BOT Cai Lậy, đó là sự yếu kém của ông ấy, nhưng dẫu sao việc không cho nó hoạt động trấn lột cũng là điều đáng ghi nhận. Nay ông Chính, đã không học được bài của ông Phúc, không phát huy được sự “khôn khéo” đó, lại cho phép bọn dưới làm càn, quả thực rất đáng chê trách. Người ta cười ông một thì cười cái chính phủ của ông, do ông đứng đầu mười.

Không nhiều lời, tôi chỉ vấn ông Chính vài ba câu:

- Đường tránh thị xã Tân An (giờ là thành phố Tân An) ở tỉnh Long An được đưa vào sử dụng gần 2 chục năm nay, rất hiệu quả nhưng hoàn toàn không thu phí. Không chỉ con đường mới mở này, ngay cả quốc lộ 1 xuyên qua thành phố Tân An cũng được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng để dân thuận tiện đi lại, cũng không hề thu phí. Dự án đường tránh thị xã Cai Lậy và việc sửa chữa nâng cấp quốc lộ 1 ở Cai Lậy cũng cùng tính chất, không khác gì Tân An, sao lại thu phí, lại móc túi dân? Hay là chế độ Long An khác chế độ Tiền Giang? Chả nhẽ một nước nhiều chế độ?

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Tiền lẻ

Về vụ ném tiền (lẻ) ở Đà Nẵng, tay cán bộ lỗi mười mươi, dù lý do nào cũng không thể biện minh được.

Nhưng cái thể chế này cũng không thể đứng ngoài, vô can trong những hành vi như thế. Đã từ rất lâu, họ (nhà nước) chỉ biết in tiền, phát hành tiền, còn nó được đối xử thế nào thì họ bất cần biết.

Hiện những đồng tiền mệnh giá nhỏ bị số đông trong cộng đồng không thừa nhận, nói trắng ra là hắt hủi. Tiền 200 đồng, 500 đồng gần như bị coi là rác, giấy lộn, không mấy ai xem nó là tiền. Nó không có giá trị trong mua bán. Lỡ ta trả ai đó bằng tiền nhỏ ấy, cầm chắc bị mắng vuốt mặt không kịp. Tiền 200, 500 giờ chỉ còn lưu hành trong các siêu thị, để nhân viên tính tiền trả lại (thối lại) cho khách mua (nhiều nơi không có tiền lẻ thì thối bằng kẹo). Khách mua nhận xong tiền thối, lại quành ra chỗ cái thùng mica từ thiện nhét của nợ ấy vào, một công đôi việc, vừa làm từ thiện, vừa đẩy nó đi cho nhẹ nợ bởi có đem về cũng không dùng vào việc gì.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Quốc thể

Quốc thể, nói nôm na là thể diện, thể thống đáng trọng, danh dự của một nước. Khi phải đối mặt với tình trạng quốc thể bị xúc phạm, con người ta, nhất là những người đang ở vị trí đại diện cho quốc gia, sẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo vệ quốc thể. Chuyện Trạng (thám hoa) Giang Văn Minh và phó sứ Nguyễn Duy Hiểu khi xưa đi sứ nhà Minh bên Tàu là rõ nhất, chấp nhận bị mổ bụng để quốc thể được vẹn toàn. Phải thế, chứ cái kiểu láu cá của trạng Quỳnh đáp trả “Lôi động nam bang” bằng “Vũ qua bắc hải” chỉ là thứ trò trẻ ranh tầm xóm ấp, chẳng quốc kiếc gì, tôi nói thật.

Bây giờ, để làm mất quốc thể, chứ không phải bảo vệ quốc thể, nhà cai trị có đủ mọi cách. Cứ cắm đầu đi vào đường cụt, ngõ cụt, hẻm cụt trong khi cả nhân loại văn minh tung tăng trên đường lớn sáng sủa, để dân nước phải gánh chịu tiếng chê cười khùng điên lú lẫn, cũng là một dạng làm mất thể diện, danh dự quốc gia.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Chủ tịch Quận (kỳ 3)

Lớp cán bộ ngoài 50 như Vũ Duy Quận được việc, xốc vác, năng nổ ở nước này không thiếu, nhất là tầm cấp xã cấp huyện, nhưng thật thà mà nói, nơi xã Thụy Hương quê tôi thì hơi khó kiếm. Tôi chả dám chê bai những đời chủ tịch trước, những vị tiền nhiệm của Quận, trong đó có cả người họ hàng nhà tôi, tuy nhiên đến thời Quận “trị nhậm” ngồi ghế chủ tịch xã thì bộ mặt và chất lượng sống nơi đây đã khác lên rất nhiều. Tôi sống xa quê nên không thể hằng ngày chứng kiến bước chuyển mình của cố hương, nhưng có lẽ đó cũng là sự may mắn để mình có dịp so sánh những đổi thay qua mỗi lần trở về. Vẫn biết thành quả do công sức chung chứ chẳng dựa vào riêng ai nhưng vai trò và dấu ấn của Quận là điều không thể phủ nhận.

Điều may mắn cho dân xã cũng như riêng chủ tịch Quận, Thụy Hương là xã đầu tiên ở Hải Phòng được lãnh đạo thành phố thời bí thư Lê Văn Thành chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Cả thành phố chỉ có vài xã, nếu tôi nhớ không nhầm thì mỗi huyện được chọn một. Huyện ở Hải Phòng vốn ít, đếm trên đầu ngón tay. Mô hình nông thôn mới là chủ trương chung của cả nước, đã phổ biến tới tận làng bản xa xôi, vùng sâu vùng xa, giờ ít nơi chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng để gắn thêm từ “kiểu mẫu” vào thì hơi bị hiếm. Có nhẽ đây là sáng tạo của Hải Phòng, tiên phong, đi đầu, mở lối, và đang được nhân ra trên cả nước. Nói gì thì nói, dẫu vẫn còn khiếm khuyết, chưa vừa ý, mô hình mới này đã cơ bản thành công. Như tôi đang tận mắt chứng kiến.

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Than khóc mà làm gì

Việc lãnh đạo "nhà hát lớn" Hà Nội ngang nhiên lấy lý do sửa điện để "hủy" đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly tối 24.9 không có gì lạ.

Đó là bản chất của họ, thích thì làm, bất cần phải trái, ăn vào máu rồi không bỏ được. Cũng trong mạch cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, chống xét lại, cải tạo công thương, ngăn sông cấm chợ, đổi tiền... thôi. Cũng là kiểu cúp điện tại các phiên tòa xử này nọ thôi, cúp điện tại những cuộc hội họp mà họ không thích, không thể công khai nhảy xổ ra ngăn cấm thôi.

Khi không tìm ra lý do, cớ hợp lỗ nhĩ nào thì họ dùng cách cúp điện, biện pháp của Chí Phèo.

Tôi nói thật, nhà sản xuất chương trình đêm diễn bị hoãn của Khánh Ly đừng có than vãn than thở bị thiệt hại gì gì đó. Than chúng cũng chẳng thèm nghe. Cứ căn vào hợp đồng mà kiện, kiện trong nước không được (chắc chắn không được bởi chúng sẽ bênh nhau) thì kiện ra tòa án quốc tế. Một nước có thể vô pháp chứ chả nhẽ cả thế giới cũng vô pháp. 

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Chuyện anh Nguyễn Ngọc Ký

Nhà giáo, nhà văn, người nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ký vừa từ trần đêm qua (nửa đêm về sáng 28.9 tây) tại Sài Gòn. Vẫn biết luật sinh lão bệnh tử, ai rồi cũng phải đi, nhưng thầy Ký “lên đường” tạo nhiều tình cảm mến thương kính phục. Ông hàng xóm nhà tôi bảo đó là “dân tang”, một thứ nghi lễ đặc biệt, ngay cả quốc tang cũng chẳng sánh bằng.

Tôi mạo muội gọi thầy Ký bằng anh bởi trong đời tôi cũng như người lứa tuổi tôi, thế hệ tôi, anh Ký luôn là người anh đáng ngưỡng mộ. So với nhiều cá nhân điển hình khác được bộ máy xã hội tạo dựng, nhất là những điển hình hóa gắn với chiến tranh như kiểu Lê Mã Lương, Vương Đình Cung, Trịnh Tố Tâm, La Thị Tám… thì gương Nguyễn Ngọc Ký thật hơn, gần gũi hơn, ít màu mè tô vẽ hơn, ít giả tạo hơn. Cái đẹp toát lên từ Nguyễn Ngọc Ký là cái thật, người thật việc thật, có thể chứng kiến bằng mắt, kiểm chứng cụ thể, có muốn tô điểm cho nó đẹp hơn lên cũng chả được.

Đám học trò cấp 1 ở miền Bắc những năm đầu thập niên 60 hầu như đứa nào cũng biết anh Ký. Đơn giản là sách Tập đọc (bây giờ gọi là sách Tiếng Việt) lớp 3 có bài về anh, tên gọi “Anh Ký đi học”. Tôi học lớp 3 (năm 1965) đúng vào năm bài ấy lần đầu vào sách giáo khoa, bài kể về một học trò ở huyện Hải Hậu, Nam Định bị liệt cả hai tay nhưng đã bằng nghị lực vượt lên nghịch cảnh, đi học, viết bằng chân, là học sinh giỏi, được cụ Hồ khen và tặng huy hiệu. Nổi tiếng tới mức vào cả sách giáo khoa, không phải ai cũng được vậy.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

Vết nhơ khó rửa

Đó là vụ án bay giải cứu mà những bị can chính nằm ở Bộ Ngoại giao. Lâu nay cái bộ này được coi là mặt tiền thể chế, nơi nhất cử nhất động đều liên quan đến quốc thể. Người ta thầm hiểu với nhau, nó không có uy như bộ quốc phòng, không đáng sợ như bộ công an, không giàu như bộ kinh tế… nhưng sự cao quý, đẳng cấp, trình độ, sự đáng kính nể thì không đứa nào bằng nó.

Giờ thì nó thảm hại, bị khinh rẻ, xem thường, thậm chí không bằng cả những bộ quèn.

Vì đâu nên nỗi? Nhiều lý do, nhiều nguyên nhân, chỉ có điều trong cái thể chế này chả có gì giữ trọn được phẩm chất, bởi sự tha hóa đã nằm ngay trong mỗi bộ máy và con người.

Trước kia bản thân tôi cũng từng ngưỡng mộ ngành ngoại giao, Bộ Ngoại giao, nhưng sau khi đọc “Hồi ký Trần Quang Cơ” (cụ Cơ từng là thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao) thì hỡi ôi, vỡ mộng xưa, không còn chút tiếc rẻ, lăn tăn chi nữa. Nói như nhà thơ Việt Phương (Trần Quang Huy), tác giả tập “Cửa mở” nổi tiếng, “Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao/Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao”. Chỉ có điều, thời cụ Việt Phương, bùn hơi hiếm hoặc ít phát lộ, chứ giờ kỳ khu tìm được chỗ “đất sạch” trong cái biển bùn tầng cao mới là cực khó.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Cùng duộc mã ngưu

Trên báo mậu dịch cũng như trên mạng xã hội, vẫn còn không ít người (nhẽ ra phải gọi là kẻ cho đúng bản chất) cãi rằng đâu phải cả thế giới này lên án cuộc xâm lược Ukraine của nước N.ga. Họ đưa ra bằng chứng có những nước ủng hộ Nga về mọi mặt, cả lời nói lẫn hành động, như Trung Quốc, Cuba, Venezuela, Triều Tiên, Syria, Eteria, Belarus, Myanmar, Nicaragua, Đông Lào... nếu phi nghĩa thì làm sao nhận được sự ủng hộ ấy, v.v.. Từ đó, họ một mực bao che, bênh vực thằng phát xít, bạo chúa, kẻ sát nhân. Điểm lại danh sách họ nêu ra, rặt những "kẻ" tiền án tiền sự đầy mình, phần lớn dính dáng tới thứ chủ nghĩa xã hội đã bị hầu hết nhân loại chôn vùi không thương tiếc.

Thôi thì bách nhân bách tính, người cũng vậy, mà nước cũng thế, chả ai ép buộc được nhau. Ép cũng chẳng nên cơm cháo gì khi chính nó không muốn thay đổi, tự nó đằm trong vũng bùn tanh hôi.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Đặc lợi

Nhớ hôm ra sân bay TSN (hôm nào, nhà cháu chả khai lúc trốn trong đống rơm đâu) gặp sự này:

Làm thủ tục vé xong, nhà cháu ra ngoài rìa đường làn A hút thuốc, dù biết "hút thuốc dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn" như hãng Craven đã cảnh báo. Một cái xe biển xanh 80 xịch tới, một xe còi hụ cảnh sát bám đít cũng xịch. Nhân viên cung kính mở cửa xe 80, một ông già trán hói đồi mồi bước ra. Nhà cháu hay tò mò đọc báo nên nhìn là biết đích thị ai rồi. Ông giáo sư tiến sĩ dân quen gọi đùa là giáo sĩ tiến sư, nghề nghiệp chuyên... nói phét về cụ Hồ. Cả đám tiền hô hậu ủng đưa tiễn, có cả thượng tá công an, cung kính mang vác, dắt dẫn, đưa vào làm thủ tục ưu tiên. Thôi thì người già, kính lão đắc thọ, lại có tí danh tí quyền, cũng được đi. Chắc có nơi nào trong miền Nam chưa giác ngộ cách mạng, mời ngài vào để ngài thực thi nghề nghiệp phét lác.

Tôi có ý chờ xem sao. Hút thêm điếu nữa, lại điếu nữa, rồi ngồi phệt xuống ngó hai chú tài xế đang bước tới bước lui sốt ruột. Cả nửa tiếng chả thấy ai ra, nhà cháu sợ trễ chuyện mình liền lò dò vào. Qua cửa an ninh, lên trên, thấy giáo sĩ, thượng tá và cả đám vẫn đang ngồi ăn uống. Chắc hai chú tài sẽ phải bồn chồn đi lại hút thuốc thêm cả gói nữa.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Cháy nhà ra mặt chuột

Ông bà nào yêu Putin còn bênh nó, cãi không công cho nó, không dám chỉ đích danh hành động xâm lược của nó (mà chỉ rón rén vừa đéo vừa run gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt như nó mớm cho), hãy coi chính chúng nó tự sổ toẹt, được báo mậu dịch đăng đây.

Nó, đầu tiên và cuối cùng, chỉ là chiếm đất, mở rộng đế quốc, dù đất nó đã rộng nhất thế giới.

Con thú cắn càn, khi cùng đường, dọa dùng hạt nhân. Mày tưởng chỉ mày có hạt nhân chắc, chỉ mày biết dùng chắc.

Nhìn cái mặt thằng Medvedev, thấy khinh và tởm hơn cả thằng Putin. Cả đời làm tôi tớ, theo đóm ăn tàn, chờ đàn anh ban phát cho tí quyền lực dỏm, mặt vênh lên không biết nhục. Tôi nói thật, thằng này mà sang thăm ấp tôi, ai mời mặc kệ, tôi không cần biết, tôi sẽ nói với chú cảnh vệ, chú tránh ra cho anh ỉa vào mặt nó, bảo với nó mày sống nhục thế thì sống làm gì.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Lại nói về hộ chiếu tím (phần 2)

Như đã nói về hộ chiếu tím, đang yên đang lành lại giở giói ra dự án cải cách này nọ, cải tiến cải lùi, lợn lành thành lợn què, khiến cả xã hội nhọc mệt vất vả. Điều thấy rõ nhất là bộ máy cai trị không chỉ mang tiếng về cách làm ăn và thái độ sửa sai, mà còn ném vào đó một cục tiền khủng (lớn bao nhiêu có trời biết) để tạo ra món đồ thứ phẩm, kém chất lượng.

Sai thì sửa, dở thì bỏ, làm lại từ đầu (chả riêng gì chuyện hộ chiếu), chịu tốn kém vất vả một lần, chứ không thể cứ lòng vòng, chữa cháy, chắp vá, bịt chỗ xì, đổ thừa, trốn tránh, nói lấy được, bưng bít, quẩn quanh như họ đã làm thời gian qua.

Người chậm hiểu nhất cũng thấy, cho tới lúc này, mẫu hộ chiếu mới do không có mục nơi sinh đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập không đáng có. Đã thế, Bộ Công an, cụ thể là Cục Xuất nhập cảnh của bộ này đã không thực sự cầu thị, không chịu sửa sai, trút hết cả cái sai lên đầu dân, khiến lòng dân bất bình, uy tín của ngành cũng như của chế độ (nếu có) bị giảm sút. Thời nay đã khác xưa nhiều, không thể dấm dúi giấu diếm, mọi thứ đều lộ lộ ra rõ như ban ngày, chối cũng chẳng được.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Mồm nói hay bằng giời cũng không giá trị bằng một mẩu thực tế

Tôi phải xé rào đặt đặt cái tít dài thòng như trên để chuyển lên ông thủ tướng thứ mà ông ấy chưa biết, hoặc cố tình không biết.

Theo báo chí rào trước đón sau, thăm dò phản ứng dư luận, thì từ ngày mai 25.9, đám lợi ích nhóm, nói thẳng ra là bọn tham nhũng móc túi dân có bảo kê, lại tiếp tục chắn đường thu tiền mãi lộ tại trạm BOT Cai Lậy. Chúng nói rằng điều này đã được Bộ GTVT thông qua, được đích thân thủ tướng chấp nhận, duyệt, đồng ý.

BOT Cai Lậy vô lý, tai tiếng thế nào từ năm 2017 đến nay, xét thấy không cần nhắc nữa. Nếu cứ đúng như Bộ GTVT cãi chày cãi cối, ngụy biện bao biện, thì nhẽ ra nó phải được tổ chức thu phí trở lại từ lâu rồi, chứ đâu chịu cảnh "ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng", án binh bất động hơn 5 năm qua. Bọn tham tiền, thích móc túi dân đời nào lại chê tiền, họa có mà chạch đẻ ngọn đa.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2022

U - Nga

Những ngày qua, nhiều cuộc phản công của Ukraine đã liên tiếp thắng lợi giòn giã khiến quân xâm lược Nga thất điên bát đảo, kéo súng chạy dài. Huyện thoại sức mạnh và vũ khí Nga tan vỡ nhanh hơn bong bóng xà phòng.

Cần phải nói hẳn, đám phát xít Nga không dễ dàng chấp nhận chịu thua (nói chữ là thất bại), nhưng thực tế chiến trường mới là nhân tố quyết định. Và thực tế cho thấy nó đang thua, có thể thua nhanh hơn nhiều người nghĩ, na ná như vụ đánh nhau ở Afghanistan hồi năm ngoái vậy.

Những người tử tế đang mong Ukraine thắng nhanh hơn nữa để giải phóng đất nước khỏi quân xâm lược tàn bạo. Tất nhiên cũng có không ít kẻ cay cú khi Nga thua, như đám Cương, Mẫu chẳng hạn. Nhưng lịch sử là dòng thác, rác rưởi tất bị cuốn phăng.

Đáng thương cho những kẻ chỉ biết quan ngại, đi dây, cây tre. Liệu có đang lục tục soạn thư
chúc mừng Ukraine chiến thắng không, hay lại đề nghị hai bên hết sức kiềm chế ngồi vào bàn đàm phán.

Chả thể hiểu được cái bọn ấy. Khinh. Chỉ chuốc lấy sự khinh bỉ của nhân loại.
 
Nếu sự việc ngã ngũ, U thắng và thắng nhanh, ngày khải hoàn cũng là ngày họ khẩn trương ngồi điểm lại bạn bè thực chất và đám mưu mẹo giả vờ, theo đóm Nga ăn tàn. Mà không chỉ U, cả thế giới sẽ điểm mặt chỉ tên.

Rồi còn làm ăn được với ai, quan hệ được với ai. Chỉ còn lấy mo che mặt.

Nguyễn Thông

Ảnh: Rõ ràng như người Nhật. Khi xảy ra cuộc chiến tranh ở Ukraine, họ sơn những toa tàu màu cờ U thế này để thể hiện thái độ dứt khoát của mình. (nguồn: Internet)



Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Dụng mộc

Xưa các cụ dạy dụng nhân như dụng mộc. Dùng người mà cẩu thả, không biết cách thì chẳng những phá nát xã hội mà còn khác chi ném củi vào lò. Gỗ tốt gỗ xấu cũng thành củi tất. Làm quan cai trị nhưng không biết dùng người, chỉ chăm chăm đốt gỗ tạp thì có khác chi thằng đốt lò, thậm chí không bằng.

Hôm qua 8.9 nghe các ông ấy tuyên bố kỷ luật tay Nhạ cựu thượng thư bộ dục, lão hàng xóm nhà tôi cau có bảo bi giờ các bố có giết đứa ngọng ấy cũng chả giải quyết được đếch gì. Tôi xua tay, ngắt, ấy chết, bác đừng nói thế, đừng bêu khuyết tật của người ta như thế, tội nghiệp. Phê gì cứ phê, nhưng chớ đụng vào nỗi đau, mặc cảm của người tàn tật.

Ông hàng xóm tiếp, “giết” cu Nhạ cũng chả cứu được ngôi nhà giáo dục xứ này, sau khi nó đã bị Nhạ, bị Nguyễn Thiện Nhân và một số đương sự tiền nhiệm khác phá tanh bành tan nát từ nóc tới nền, hỏng hóc, vô phương cứu chữa. Tội nghiệp Nguyễn Kim Sơn phải gánh món đồng nát chè chai ve chai ấy, dẫu tài bằng thánh cũng khó dựng lại được. Khi anh Sơn đồng hương đồng môn của tôi bị ấn ngồi vào cái ghế gãy cả 4 chân, tôi chỉ thấy thương và thông cảm.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Góp ý với các nhà báo (phóng viên và biên tập viên): Thí sinh, nguyên nhân

Đành rằng chỉ có báo in do khuôn khổ có hạn, tiết kiệm "đất" nên câu chữ phải gọn gàng, chắc nịch, chứ báo mạng thì vô thiên khênh "đất", chả quan tâm điều ấy làm gì, nhưng tôi nghĩ rằng dù báo dạng nào cũng nên tránh dùng chữ thừa, sai. Nó sẽ làm rối làm hỏng tiếng Việt, và mất thời gian của người đọc.
Tôi muốn nhắc đến 2 trường hợp:

-Vừa rồi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Đương nhiên báo chí phải quan tâm thông tin, nhưng tôi thấy hầu hết (kể cả những báo nhớn như TN, TT) đều viết "thí sinh đi thi". Thí sinh có nghĩa là người đi thi rồi, còn nếu viết chính xác phải là "học sinh đi thi", có nghĩa người học đi thi. Đã dùng chữ "thí" thì đừng dùng "thi" nữa.

-Có một cụm từ rất thường xuất hiện trên mặt báo: "nguyên nhân là do..." hoặc"nguyên nhân chủ yếu là do...". Không thể được. Nguyên nhân là cái gì thì nói thẳng ra, vậy là thừa từ "do" hoặc từ "nguyên nhân". Ví dụ: Tôi học dốt, nguyên nhân là lười; Tôi học dốt do lười.

Mỗi lần đọc báo hoặc nghe phát thanh viên trên tivi có những cái sai trên, tôi hiểu rằng bây giờ chả có ai chịu nhắc nhở họ.
 
Làm báo (báo tin, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) không phải chỉ là cung cấp thông tin mà còn gián tiếp bồi bổ tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) cho người đọc người nghe. Sai sót nhiều như cỏ dại vậy thì còn ra thể thống gì. Không chỉ phóng viên, biên tập viên sai mà ngay cả mấy ông bà lãnh đạo cơ quan báo chí cũng cần chịu trách nhiệm về việc làm hỏng tiếng Việt. Còn nếu do ngu dốt mà không biết, không nắm được, có lẽ nên nghỉ chứ đừng ngồi đó làm vì, cho oai.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

Ác hơn thú dữ

Người ta đang công khai thực hiện điều vào loại ác nhất thế giới: chọi trâu ở Đồ Sơn, đất Phòng.

Gần như cả nước này, cụ thể là đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức tôn giáo, đoàn thể và nhân dân coi chuyện chọi trâu là chuyện vặt, thậm chí còn tán đồng, ủng hộ, ca ngợi, tung hô, tạo điều kiện cho máu me, dữ tợn, giết chóc lên ngôi.

Ông hàng xóm nhà tôi bảo truyền thống phong tục cái con mẹ gì, ác như thế phải gọi là hủ tục, sát tục, huyết tục.

Nhà cai trị ủng hộ chọi trâu đã đi một nhẽ (vì lý do gì thì mọi người tự hiểu), nhưng hội bảo vệ động vật, giáo hội phật giáo, những nhà đạo đức... mà cũng ngấm ngầm tán đồng, hoặc im lặng không có lấy một nhời nào lên tiếng về cái ác, kể cũng lạ. Còn đám đông dân chúng đang cổ vũ cho cái ác kia, tôi không nói làm gì. Có lẽ chính họ cũng là người ủng hộ bọn xâm lược Nga đang hằng ngày giết chóc lương dân ở Ukraine.

Trước sau như một, tôi cực lực phản đối, tẩy chay cái ác, thứ mà người ta gọi là lễ hội chọi trâu. Nó cũng chẳng khác gì khi xưa bọn quý tộc La Mã bắt nô lệ làm võ sĩ giác đấu, cầm gươm giết nhau.

Nguyễn Thông

(Ảnh trên báo VNN, nhìn mà thảm khốc)



Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

Hậu cô vít

Rất nhiều người, trong đó có ông hàng xóm nhà tôi, than thở về cái gọi là hậu cô vít (Covid-19). Nào là uể oải, mệt mỏi, hay chóng mặt, người cứ như người mượn, chán ăn, mắt mờ nhanh, và nguy hiểm nhất là nhớ nhớ quên quên, trí nhớ kém hẳn, vừa nói xong làm xong gặp xong đã quên ngay, phải vắt óc, ngồi tĩnh trí mãi mới nhớ ra... Lão cười như mếu, bảo kiểu này thì gay to, có ngày ra phố đéo biết đường về (ghi nguyên văn), có khi còn không nhận ra mụ vợ ở nhà thì biết sống với ai.

Thiên hạ gọi đó là chứng hậu cô vít, kết quả của bị dịch Covid-19, nhiễm vi rút, dương tính, v.v.. Cũng có thể đó là một thứ nguyên nhân.

Tôi chỉ lăn tăn bởi không hẳn vậy. Qua 2 năm dịch dã căng thẳng, nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, tôi và cả nhà tôi không bị dính dịch tí nào, không nhiễm, không dương tính dương tiếc. Nói chung là cô vít nó chê, không thèm đếm xỉa.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Tỉa cành cứu gốc thối

Tôi đề nghị ông bà nào nói cái câu chưa bao giờ đất nước được như hôm nay, thế giới u ám nhưng mặt trời rực rỡ trên đất nước ta hãy rút nó lại và xin lỗi nhân dân. Nếu không thì phải đổi là chưa bao giờ đất nước bị như hôm nay.

Ai đời sự băng hoại, xuống cấp, nhất là con người, đã gần tận đáy mà cũng còn mở mồm khen lấy được.
Nói đâu xa, dịch bệnh khủng khiếp, mạng người sống chết rất mong manh, thế mà đám quan chức, cán bộ chỉ nhắm mắt vì tiền, lao vào tiền như con thiêu thân, chẳng khác gì gián tiếp giết người trong đại dịch. Bọn CDC y tế của 63 tỉnh là bằng chứng rõ nhất (nghe đồn chỉ có tỉnh Quảng Nam thoát với lý do test kit Việt Á được ông Trần Bá Dương công ty Trường Hải mua tặng nên không dính, chứ không thì cũng toi).

Chúng nó là người của các ông, để chúng tác oai tác quái khi đất nước và dân chúng lầm than suốt thời gian dài, dân tình khốn khổ khốn nạn, người chết như rạ, vậy thì các ông cũng chả ra thá gì, giờ có điều tra điều mẹ trừng trị chúng nó cũng chỉ là chữa cháy chữa thẹn mà thôi.

Cái gốc đã hỏng, chỉ luẩn quẩn tỉa cành cứu cây, dẫu đến tết công gô cũng chả cứu được.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Gorby

Mikhail Gorbachov, vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô (bị tan rã năm 1991) đã chấp hành luật trời "sinh lão bệnh tử".

Công lao lớn nhất của Mikhail Gorbachov (được gọi thân mật Gorby) là ông đã có những quyết định đặc biệt góp phần quan trọng hàng đầu để chấm dứt, xóa bỏ chế độ cộng sản nghèo đói lạc hậu mất dân chủ, không chỉ ở Liên Xô (nơi được coi là thành trì cộng sản đời đời bền vững) mà còn nhiều nước khác trên thế giới. Tất nhiên, làm được cuộc đổi thay chấn động đó còn có nhiều tác động khách quan chứ không phải chỉ dựa vào cá nhân Gorby, nhưng không có nhân vật lịch sử Gorby sẽ chẳng có đổi thay gì cơ bản, một phần nhân loại vẫn chìm đắm trong bóng ma cộng sản hoang tưởng và chủ nghĩa xã hội nghèo đói.

Gorby từng nói thẳng chủ nghĩa cộng sản là sự lừa dối khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Ông đã vạch ra điều mà nhiều kẻ tìm mọi cách tô son trát phấn cho thứ thực chất này. Nếu Carter hoặc nhà lãnh đạo phương Tây nào nói vậy thì còn bảo do thù hằn bôi xấu, nhưng đây là từ Gor, không ở trong chăn sao biết chăn có rận. Còn nếu cho rằng Gorby xấu, thì xin thưa, ông Nguyễn Văn Linh từng kính cẩn "thưa đồng chí Gorbachov kính mên".

Rất tiếc, cái đất nước đã sinh ra con người vĩ đại Gorby lại nảy nòi ra thằng phát xít ghê tởm Putin. Mày chết đi, Puler, cuốn xéo theo những tiền bối cộng sản Stalin, Brezhnev độc ác nhà mày.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Quốc khánh

Hôm nay 2.9, xứ này gọi là ngày quốc khánh, hoặc ngày độc lập.

Các nước trên địa cầu hầu như nước nào cũng có ngày quốc khánh. Theo từ nguyên, quốc nghĩa là nước, khánh là mừng, vui mừng, ăn mừng. Quốc khánh, hiểu nôm na, là ngày lễ ăn mừng, vui mừng của một quốc gia.
 
Xưa nay, các nước trên thế giới thường chọn ngày quốc khánh là ngày gắn với sự kiện trọng đại, có ý nghĩa bậc nhất của nước ấy. Rồi hằng năm, cứ tới ngày tháng đó thì kỷ niệm quốc khánh. Nước Mỹ là 4.7, Pháp chọn 14.7, Trung Quốc 1.10, Việt Nam 2.9 (lưu ý là ngày 2.9 chứ không phải mùng 2.9, bởi mùng chỉ dùng cho âm lịch).
 
Hồi tôi còn bé, học cấp 1, trong sách tập đọc có bài thơ, rằng "Ngày mùng 2 tháng 9/Ngày sinh của nước ta/Tháng 10 ngày mùng 1/Quốc khánh nước Trung Hoa/Nước Việt Nam gan dạ/Có Trung Hoa anh hùng/Bên nhau luôn sát cánh/Tiêu diệt kẻ thù chung/Việt Nam có bác Hồ/Trung Hoa có bác Mao/Nhi đồng cả hai nước/Yêu hai bác như nhau".

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Tung tích và tông tích

Trên rất nhiều báo (thời nay báo chí đa dạng, có cả báo in, báo điện tử nên không gọi là tờ báo nữa), trong nhiều phát ngôn của nhà đài phát thanh, truyền hình, ta thường đọc, thường nghe họ viết/nói mấy từ “tung tích”, “tông tích”, nhất là khi thông tin nội dung pháp luật, ai đó liên quan tới vụ án.

Điều đáng lưu ý, người nói/viết đã nhầm lẫn hoặc không hiểu gì về ngữ nghĩa từ, cứ dùng tràn lan, cẩu thả, chả phân biệt được sự khác nhau của hai từ này.

Trong thực tế, khi xảy ra vụ án, vụ việc nào đó, cơ quan điều tra (công an) thường truy tìm những người có liên quan.
Có những đương sự, công an biết rất rõ tên gì, con nhà ai, thân nhân (cha mẹ, anh chị em...của nó) ra sao, ở nơi nào, nhưng do đương sự đang trốn tránh, không biết đang trốn ở đâu, thì truy tìm tung tích.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Hội ăn hại

Chưa nơi nào nhiều hội như xứ ta, tôi bảo thật. Cũng chả nơi nào hội vô tích sự như ở xứ ta, điều này cũng thật luôn.

Rất nhiều người bảo cần dẹp ngay mấy thứ hội đoàn vớ vẩn cây cảnh trang trí vô tích sự, chỉ làm rác nhà. Chúng xuân thu nhị kỳ có nhiệm vụ... họp và xin tiền ngân sách, ngoài ra không làm được trò gì ra hồn. Chúng không có tai, không có mắt, lại chẳng có mồm, chả khác gì tàn tật nặng vừa điếc vừa mù vừa câm. Lại còn què nữa, chuyên ngồi phòng lạnh. Nếu có thứ hội nào trong số ấy tự cung tự cấp thì có tồn tại cũng chẳng hại mấy, giống như trên đời thỉnh thoảng ta chơi hoa lan cây cảnh cá koi. Nhưng hội mà lâu lâu lại vòi tiền ngân sách thì sụn bà nó lưng dân.

Vừa rồi chuyện họa sĩ Chát ở Sài Gòn bị nhà cai trị đòi phạt và bắt tiêu hủy tranh do "tội" triển lãm không xin phép, cứ lấy lý do đã có quy định thế lọ thế chai, dư luận um xùm, nóng hơn thùng vôi tôi, nhưng hội mỹ thuật cả trung ương lẫn địa phương không mở mồm hó hé lấy một câu bày tỏ là đúng hay sai, đúng chỗ nào sai chỗ nào, đồng tình hay phản đối, dưới góc độ chuyên môn thì phải làm sao, xử lý ra sao. Cứ lờ lớ lơ, ra cái vẻ hội ăn hại.

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Chủ tịch Quận (kỳ 2)

Hồi còn ở quê (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), tôi biết anh Quận từ khi tôi còn bé, và tất nhiên “chủ tịch” càng bé nữa bởi tôi hơn cả chục tuổi. Sống ở nông thôn, gia đình nông dân, nên đứa nào cũng thạo việc đồng áng, chăn trâu cắt cỏ, đi câu đánh dậm, rau bèo cám bã phụ cho thày bu anh chị. Chả phải tự khen tự sướng, chứ đứa nào cũng chăm làm, chịu khó, giản di, tiết kiệm, cả tôi cả Quận, cả đám trẻ làng Trà Phương. Có nhẽ nhờ cái gốc vững ấy nên sau này dù đứa thành đạt đứa không, làm cán bộ hay chỉ làm dân, nhưng đứa nào cũng tốt. Cán bộ mà chịu khó, nhiệt tình với công việc thì dân được nhờ. Dân xã Thụy Hương đã may mắn được người cầm đầu như vậy.

Kể lại chuyện cũ thì mạn phép xin lỗi, hơi tọc mạch tí, nhất là với chủ tịch Quận, để tỉ mỉ biên chắp lại chút ký ức đẹp. Khác với thày tôi chỉ làm nông, trồng trọt hoa màu, nuôi con lợn con gà, bố anh Quận ngoài “chức” nông dân còn làm thợ may, ông phó may nổi tiếng của làng Trà, của xã Thụy Hương. Khi xưa, những người thợ chuyện nghề nào đó được gọi là ông phó. Phó may, phó cối (đóng cối xay), phó cạo (cắt tóc), phó nháy (chụp ảnh), phó nề (xây), phó ngõa (lợp ngói)… Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Cũng như một thứ danh hiệu, một dạng tuyên dương sự khác biệt, tài giỏi, giống như bây giờ gọi là nghệ nhân.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

Cụ Nguyễn Hữu Đang

Ngày này, 15.8 của 109 năm trước, tức năm 1913, là ngày sinh một người con đất Thái Bình, một nhân vật lịch sử bi thương bậc nhất thời cộng sản, cụ Nguyễn Hữu Đang.

Thế hệ tôi sinh giữa thập niên 50 hầu như ít người không biết cụ. Những ai quan tâm đến thời cuộc, nhất là văn nghệ, đến những biến động bão táp trong lịch sử miền Bắc sau năm 1954, thì cái tên Nguyễn Hữu Đang thành thứ ám ảnh bi kịch bám chắc, hằn sâu vào trong đầu và tâm hồn.

Nguyễn Hữu Đang là tên tuổi lớn, một nhân cách cực lớn. Ông tham gia phong trào yêu nước rất sớm, được cụ Hồ tin cậy giao cho việc chủ trì (trưởng ban) tổ chức lễ độc lập 2.9.1945 (chính ông biên kể lại, cụ Hồ bảo "có khó mới giao cho chú"); một trong những người đứng đầu Nhân văn giai phẩm, chịu mức án cao nhất khi đảng và nhà nước do ông góp phần xây dựng nên xử vụ án oan sai tai tiếng này. Suốt 15 năm ông bị đầy ải biệt giam ở nhà tù tuốt tận vùng cao Đồng Văn, Hà Giang (từ 1958 đến 1973) đến nỗi không hề biết miền Bắc có chiến tranh (nhà thơ Phùng Quán kể lại); rồi được thả mà không có tự do, bị đưa về quê Thái Bình quản thúc gần 20 năm trời. Ông mất tháng 2.2007 tại Hà Nội, tang lễ của ông cũng bị "người ta" làm khó dễ.

Chủ tịch Quận

Chữ Quận viết hoa để ngay từ đầu nói rằng không phải đơn vị hành chính, kiểu như phường xã, quận huyện, mà là tên riêng một người. Anh chủ tịch xã quê tôi đất Phòng, Vũ Duy Quận, bà con thân mến lẫn suồng sã gọi bằng cái tên gắn cả chức danh, chủ tịch Quận.

Mỗi lần có việc đáo cố hương, tôi đều gặp Quận, khi ngoài đường, lúc ủy ban, có bận ngay tại nhà bởi nhà chủ tịch cũng là cửa hàng tạp hóa, tôi đi bộ lên mua chai mắm, chục trứng, hộp bánh, cục xà phòng, bún, bánh cuốn, giò chả, tóm lại không thiếu thứ gì. Đứa cháu tôi cười bảo còn nhiều hàng hơn cả bách hóa tổng hợp ven sông Đa Độ trên phố huyện dạo xưa. Quận không còn trẻ, nhưng chưa phải già. Nhiều dân làng khoe với tôi, cảm nhận đầu tiên về người đứng đầu bộ máy hành chính xã ở đức tính giản dị, dễ gần, năng nổ xốc vác, và ưa nhất là hiểu dân gần dân. Đã lâu nay, trong cái hệ thống chính trị cầm quyền xứ này, cứ nói tới cán bộ, người ta ít có cảm tình bởi sự xa cách khó lấp đầy. Đang làm dân không chức vụ quyền hành thì dễ thương, hễ thành cán bộ y như rằng sinh chuyện sinh hư, quan cách khó chịu. Nhưng chủ tịch Quận là trường hợp hiếm hoi tôi biết không rơi vào cái quy trình hư hỏng ấy.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Cãi văng mạng (phần 2)

Cãi văng mạng, nói nôm na là cãi lấy được, cả vú lấp miệng em, không cần biết đúng sai, cãi chày cãi cối, khinh người nghe, chả coi ai ra gì.

Trên đời này, làm gì mà chẳng bị sai, chứ ai đúng hết bao giờ, nhưng biết sai thì phải sửa, nhận sai, thành tâm nhận lỗi, không quanh quéo đổ cho người khác, thế mới là người tử tế. Làm quan, nắm quyền lực trong tay, càng phải vậy. Thật đáng tiếc, quan chức xứ này luôn tự cho mình không bao giờ sai, và khi cái sai đã lộ rõ lè lè ra rồi thì họ cãi văng mạng.

Lại nói thêm về tấm hộ chiếu mẫu mới. Đang yên đang lành tự dưng bày vẽ cải tiến cải lùi, bắt dân chuốc bao nhiêu phiền phức. Chính nhà chức việc từ trên xuống dưới gây ra hậu quả hộ chiếu bị từ chối nhưng cuối cùng họ đổ trách nhiệm lên đầu dân. Ông Tô Lâm và cấp dưới của ông ấy tuyên bố cách “sửa sai” là bổ sung phần bị chú nơi sinh vào trang trong. Thôi thì cũng tạm chấp nhận như thế đi (chứ thực ra chả giống ai, biến cuốn hộ chiếu thành thứ phế phẩm, chắc để xài cho hết số phôi đã in khiếm khuyết nội dung nơi sinh) nhưng cách mà họ “sửa sai” cũng rất thiếu tử tế. Cái bị chú ấy ghi rằng “Theo đề nghị của người mang hộ chiếu (at the holder’s request)…”, kiểu như chúng tôi cho thêm cái nội dung này vào do người ta xin. Thói chối tội, ban ơn, coi thường dân chúng ăn sâu vào óc họ, chết cái nết không chừa. Phải nói thẳng toẹt ra, không ai thèm đề nghị cả, mà các ông phải có trách nhiệm thêm vào cho người ta, nếu không muốn bị chửi. Các ông làm sai, tự gây thiếu sót, khiến quốc tế không công nhận, gây khó dễ cho người có hộ chiếu mẫu mới, thì các ông phải tự động, chân thành, biết điều để sửa chữa, chứ đâu có thói đổ cho dân.

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Từ cuốn hộ chiếu thiếu mục nơi sinh, nghĩ tới tờ lý lịch và cái giấy căn cước (kỳ 4)

Nói luôn, nhà cháu cũng định xong kỳ 3 thì thôi, bởi có biên nữa các ông bà ấy cũng chả chịu sửa. Dân xứ này luôn ở vị thế thấp cổ bé miệng, gào tới tận trời có thể trời còn nghe, chứ góp ý với các quan chỉ rước lấy sự vô vọng.

Đã định thế, nhưng hôm nay 10.8 ông bộ trưởng Tô Lâm thay mặt Bộ Công an trả lời chất vấn của “đảng biểu” khó lọt tai quá. Cũng vẫn chuyện hộ chiếu, hộ khẩu, căn cước công dân, cứ loanh quanh ậm ờ, không chịu thẳng thắn nhận sai (còn nhận trách nhiệm thì ai chẳng nhận được), đành biên thêm ít dòng cho hắc bạch phân minh. Tính nhà cháu cực ghét cái thói quanh quéo cho qua chuyện, nhất là ở các ông bà lãnh đạo.

Ông bộ trưởng khẳng định trước đại biểu quốc hội, cũng có nghĩa trước bàn dân thiên hạ, rằng “Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu giấy”, rằng mọi người hiểu không đúng Thông tư 55 của Bộ Công an bởi theo quy định, chỉ thu sổ hộ khẩu khi có sự điều chỉnh thông tin mới, không phải thu tất cả, “khi điều chỉnh thông tin mới trong hộ khẩu, hộ khẩu không có tác dụng nữa thì thu lại”. Báo Tuổi Trẻ tường thuật, khi trả lời đại biếu quốc hội Nguyễn Trường Giang, ông Lâm còn nói cụ thể “việc thu chỉ là cá biệt (ở chỗ này chỗ khác), còn bộ chưa có chủ trương thu sổ hộ khẩu”.

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Nhà hát

Trên báo chí mậu dịch (tầm cỡ phở không người lái 3 hào), nhiều ông bà bảo rằng Hà Nội cần phải xây một nhà hát như cái opera ven hồ Tây bởi cho đến nay thủ đô chưa có cái nhà hát nào xứng tầm.

Chịu các ông bà. Ăn nói, phát ngôn là quyền của mọi cá nhân, nhưng ngu thì chỉ là quyền của con lợn, bởi xưa nay các cụ ta vẫn có câu cửa miệng "ngu như lợn".

Xin hỏi các ông bà, cái nhà hát lớn Hà Nội cuối phố Tràng Tiền do người Pháp xây dựng không xứng tầm ở chỗ nào. Không chỉ xứ An Nam ta, trên thế giới hiếm nơi nào có được ngôi nhà hát tầm cỡ ấy, về cả trong lẫn ngoài công trình kiến trúc văn hóa tuyệt vời này.

Hai phần ba thế kỷ nay, dưới sự cầm quyền cai trị của đảng cộng sản, thiên hạ thử giương mục kỉnh, cầm kính lúp ra soi trên đất ta từ bắc chí nam có công trình mới nào đẹp hơn cái nhà hát thực dân đó không.

Nói thẳng, Hà Nội giờ đây tuy cao rộng dài hoành tráng, nhưng bản chất, con người, và nhất là văn hóa, còn lâu mới xứng đáng với di sản kiến trúc tuyệt vời này.

Cứ leo lẻo chửi thực dân Pháp bóc lột, không có nó thì có khối những di sản nước này đang thừa hưởng, như đường sắt xuyên Việt, phủ chủ tịch mà các quan đang ngự, nhà hát lớn, dinh nọ thự kia...

Nguyễn Thông



Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022

Cãi văng mạng

Mấy bữa nay nhà cháu bận lút cổ chả còn thì giờ sờ sịt lốc liếc. Bạn bè xúm lại hỏi sao rồi, giả nhời chả sao cả, chỉ bận. Đời có lúc cuốn mình đi như hòn đá cuội lòng suối, cưỡng lại cũng chẳng được.
Có nhiều thứ trên đời, như lời khuyên của ông hàng xóm, cứ kệ mẹ nó, nhưng có những thứ, cũng lời ông ấy, không nói ra không chịu được. Con người chỉ hơn con vật ở chỗ có phương tiện, phây búc chả hạn, để lên tiếng. Đó cũng chính là lý do tại sao đám quan chức, đám cai trị cứ mở mồm là lên án mạng xã hội, coi như quân thù quân hằn. Chúng ghét bởi không bịt được miệng dân chúng như lâu nay nữa. Nói thật, tôi ghét nhất những đứa chỉ săm soi mặt trái của mạng xã hội và lờ đi tác dụng khai trí vĩ đại của nó.

Trước hết phải nói về cái hộ chiếu tím than mẫu mới. Sai rành rành như thế nhưng từ lớn tới… lớn cứ gân cổ cãi lấy được. Ba ông Tô công an (Tô Lâm, Tô Ân Xô, Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, là người thông thạo về giấy tờ tùy thân) đều luận điệu là không có gì sai, đã làm theo luật (xuất nhập cảnh), đã căn cứ vào quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), rồi lại còn bảo hộ chiếu nhiều nước cũng không có mục nơi sinh như ta… Tới khi bị hóc, nước này nước kia (Đức, Tây Ban Nha, Czech và chắc chắn còn nhiều nước nữa) không chấp nhận mẫu mới ấy, vẫn cố cãi, lý do lý trấu, rồi chạy chữa băng bó bằng cách thêm tờ xác nhận nơi sinh đính kèm, ghi thêm mục nơi sinh vào phần bị chú trang trong, rồi hứa sẽ nghiên cứu bổ sung vào mục nhân thân, v.v..

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Hỏng thi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, một thí sinh ở Cà Mau làm bản nháp xong, do mệt quá ngủ thiếp đi, không ai đánh thức cho nó dậy làm tiếp, cuối cùng bị điểm 0, mà đã nhận điểm liệt này thì trượt dù các môn khác thừa tổng điểm, chứ đừng nói chuyện xét vào đại học.

Đứa nào bảo rằng giám thị (người coi thi) thấy thí sinh (học trò đang thi) ngủ quên nhưng không nhắc dậy để làm bài tiếp là đúng quy định, quy chế thi hiện hành, không có lỗi; đứa nào nói thế, dù là bộ trưởng thứ trưởng cục trưởng, hãy lôi cổ nó ra đánh bỏ mẹ đi. Quy chế được sinh ra là để phục vụ con người chứ không phải vô cảm dửng dưng với con người.

Đó cũng là một kiểu đốt sách, chôn học trò.

Một xã hội đầy những kẻ vô trách nhiệm, nhẫn tâm, dửng dưng, vô cảm, tàn ác với số phận con người, chúng lại được bao che bởi những kẻ vô cảm, nhẫn tâm, tàn ác gấp mười lần thế.

Cần kỷ luật, trừng trị ngay đứa giám thị đầu đất, hội đồng thi, và cả cấp trên của chúng gân cổ cãi lý sự cùn bao che cho lũ người máy. Để chúng ngơ ngáo, tác oai tác quái trong xã hội này chỉ chật đất.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Là ai?

Vụ đại úy công an Ngô Văn Quốc cướp tiệm vàng ở chợ Đông Ba, TP.Huế, nhà chức việc và báo chí thông tin rất lửng lơ mù mờ.

Thế thì cuối cùng cái thằng cướp ấy nó là công an, hay công an là thằng cướp?

Vẫn biết quần áo sắc phục, quân hàm quân hiệu đều có thể ra chợ giời mua được, nhưng khẩu AK thì không dễ. Nhưng tay Robin Hood cố đô có đủ cả, xài súng rất thành thạo. Chàng còn thông thạo, hiểu biết kỹ về nhân sự, bộ máy lãnh đạo của "công an tỉnh nhà".

Lại gần dân nữa, đi cướp không cho mình mà cho người nghèo, tung hết vàng ra đường, hô "vàng cho người nghèo", ai nhặt thì nhặt, đúng kiểu Robin Hood.
 
Cứ coi là đầu óc, hành vi chàng có vấn đề không bình thường nhưng thuộc loại hiếm, nó cứ gợi cái gì đó khó nói, nhất là trong một xã hội đầy cướp, đầy người nghèo khổ.

Chỉ hơi nhầm một tí, giá đừng cướp tiệm vàng.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Đồng nát

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm kia 31.7 có chuyến chịu khó lên tận Thái Nguyên để đích mục sở thị, nói nôm na là nhìn tận mắt, đống sắt rỉ khổng lồ của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mở rộng. Nếu không nhầm, thì lần đầu tiên ông Chính nhìn thấy đám của nợ này. Có vẻ rưng rưng xót xa lắm.

Đám sắt sắp thành đất ấy do bọn nhà thầu T.àu cộng anh em hữu nghị để lại sau khi chúng ôm tiền An Nam rồi lặn mất hút con mẹ hàng lươn. Chơi với nó xưa nay là thế. Mà hình như nó chỉ đối xử kiểu này với thằng em dại, chứ ngay cả Lào, Cam chúng cũng chả nỡ xuống tay.
 
Đã hơn 15 năm trơ gan cùng tuế nguyệt, phơi mưa phơi nắng, đá cũng phải rỉ, nói chi sắt. Mấy đời thủ tướng vô trách nhiệm với đống của nợ rỉ đen sì này, cuối cùng ông Chính gánh tất. Tôi mà là thủ tướng đương nhiệm, tôi lôi cả đám tiền nhiệm từ thời 3X ra, rồi cả chủ tịch quốc hội, thậm chí cả tổng bí thư, chủ tịch nước, chỉ vặn một câu, các ông đã làm gì để gây hậu quả nghiêm trọng thế này, để chúng tôi đã không được ăn ốc lại còn còng lưng đổ vỏ. Các ông hạ cánh an toàn hoặc sắp hạ cánh, tôi có thể lờ đi, nhưng dân có để các ông yên không...

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Từ cuốn hộ chiếu thiếu mục nơi sinh, nghĩ tới tờ lý lịch và cái giấy căn cước (kỳ 3)

Lại nói chuyện tờ khai sơ yếu lý lịch. Đúng là chỉ có thứ chủ nghĩa lý lịch man rợ mới có thể gây ra những chuyện dở khóc dở cười bởi những yêu cầu cực kỳ vô lý của nó.

Tháng 9 năm 1987, nhờ sự giới thiệu có trọng lượng của một vị phụ huynh, tôi tới trường mẫu giáo - trường mầm non 26 xin cho cu con vào đó. Nhỏ vào nhà trẻ, nhớn lên mẫu giáo. Cu cậu đã hơn 3 tuổi, “tốt nghiệp” nhà trẻ hệ mầm chồi lá, giờ phải tiếp tục vào trường mẫu giáo. Trường mầm non 26 là trường điểm của quận 5 (Sài Gòn), cơ ngơi rộng rãi bề thế trên đường Lý Thường Kiệt, bây giờ là Bệnh viện phụ sản Hùng Vương mở rộng.

Cô hiệu phó, xinh lắm, đón tôi và trấn an anh cứ yên tâm, cháu tuy khác tuyến nhưng chúng em đã đưa vào danh sách rồi, cảm phiền anh khai cho cháu cái sơ yếu lý lịch để chúng em làm hồ sơ. Gì chứ, việc này quá dễ, tôi tự nhủ. Cầm cái giấy lý lịch in sẵn đọc lướt qua mới thấy không đơn giản tí nào. Tôi bần thần hỏi cô giáo, mục này, mục này, mục này… cũng phải khai sao cô. Cô gật, khai tất anh ạ, chỗ nào không có gì để khai thì cứ gạch chéo, đừng bỏ trống, quy định là vậy.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Từ cuốn hộ chiếu thiếu mục nơi sinh, nghĩ tới tờ lý lịch và cái giấy căn cước (kỳ 2)

Thôi, gác chuyện hộ chiếu lại, rồi đâu sẽ có đó. Chỉ biết hôm qua 29.7 các báo mậu dịch thông báo những ai xài hộ chiếu mới mà đến Đức sẽ được Đại sứ quán VN tại Đức cấp cho cái giấy xác nhận nơi sinh để kèm theo khi xin thị thực (visa), khi qua cửa khẩu. Hình như họ nghĩ mảnh giấy ấy của tòa đại sứ có giá trị với nhân viên công lực kiểm tra xuất nhập cảnh xứ người lắm. Chưa nói nó có tác dụng thông tuyến không, chỉ riêng việc phải đi xin giấy, kèm mảnh giấy lòng thòng vào cuốn hộ chiếu là đã chẳng giống ai rồi. Đang yên đang lành, cải tiến hóa thành cải lùi. Vậy mà, cũng báo quốc doanh hôm qua thông tin, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an vẫn tuyên bố tiếp tục mần hộ chiếu mẫu mới (xin nói cho chính xác, họ bán hộ chiếu cho dân chứ làm gì có chuyện cấp mà báo chí cứ nói thành cấp hộ chiếu). Đâm lao theo lao kiểu này, chỉ khổ dân chứ các ông bà ấy có mất gì.

Đã bảo gác, thế mà vẫn bức xúc kéo thêm một đoạn. Giờ kể chuyện bản lý lịch với mẫu khai báo lừng danh một thời, làm khổ biết bao nhiêu người.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Từ cuốn hộ chiếu thiếu mục nơi sinh, nghĩ tới tờ lý lịch và cái giấy căn cước

Nhà cháu phải đặt cái tít dài thườn thượt vậy, chứ không chỉ một hai chữ như mọi lần, thì mới tải hết được mấy thứ muốn nói ngay từ đầu. Ấy là cái sự bực lắm, cáu sườn lắm, và cũng chán nản nữa.

Nhắc lại chuyện cuốn hộ chiếu mẫu mới vừa được Bộ Công an, cụ thể là Cục Quản lý xuất nhập cảnh thiết kế, ban hành, đưa vào sử dụng. Trước khi chính thức áp dụng, họ đã ngưng việc làm hộ chiếu mới 1 tháng, cả mẫu cũ lẫn mẫu mới, chỉ ưu tiên những trường hợp đặc biệt. Cũng là một kiểu hành dân. Khi mẫu cũ vẫn còn giá trị, tại sao không chuẩn bị mẫu mới cho thật kỹ, rồi chỉ việc nối vào, mà lại bắt dân phải chờ 1 tháng. Hay là quyền trong tay tao, muốn hành thế nào bay cũng phải chịu. Hệ thống công quyền, hệ thống chính trị xứ này có đủ cả cơ quan ban bệ thanh tra kiểm tra, không hề nhìn ngó, lên tiếng, chỉnh sửa cái thái độ hách dịch, cửa quyền ấy. Cứ năm này diễn sang năm khác, triền miên. Ông hàng xóm nhà tôi dấm dẳn, cũng cùng một duộc cả.

Giá như chỉ là chuyện trong nước, trong nhà bảo nhau, có nhẽ vụ hộ chiếu cũng xong, khổ nỗi cái thứ giấy tờ này để đi giao dịch làm ăn thăm thú chơi bời với nước ngoài, mà người ta lại không xuê xoa dĩ hòa vi quý, đánh bùn sang ao, để lâu cứt trâu hóa bùn như mình.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

Óc ngắn

Nhân vụ nước Đức không chịu xài hộ chiếu mẫu mới của An Nam, lại nhớ:

-Các ông công an đưa ra chứng minh nhân dân mẫu mới 12 số thay cho mẫu cũ 9 số. Dùng chưa được bao lâu, lại hủy, thay bằng căn cước công dân mã vạch 12 số. Lại ba bảy hai mốt, các bố hủy thứ vừa thay, thay tiếp bằng căn cước công dân gắn chip. Chưa dám nói họ còn định tiếp tục sự nghiệp đổi mới cực kỳ tốn kém không. Xin nhớ rằng với mỗi mẫu mới như thế, bản phôi để chuẩn bị dùng là hàng mấy chục triệu bản, thậm chí trăm triệu, bỏ đi, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.

Cái hộ chiếu mới thiếu chi tiết nơi sinh này cũng vậy. Chỉ cần một nước không thừa nhận là ném tiền tỉ tỉ vào thùng rác.

Nhẽ ra phải khởi tố, truy tố những kẻ ngu si xài tiền dân như rác, làm nghèo đất nước, nhưng chính các bố ấy gây ra, chả nhẽ lại tự khởi tố mình. Chắc phải nhờ cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao để mắt tới, coi như đây là vụ án tư pháp.

Lâu nay chả ai lên tiếng về sự lãng phí tiền nghìn tỉ do não ngắn này.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Người chiến sĩ ấy

Căn theo lịch hằng năm và lịch sử thời nay, cứ vào cữ tháng 7 tây, xã hội này lại gợi mở những ký ức thời chiến tranh. Dù chỉ có ngày 27.7 được gọi là ngày Thương binh liệt sĩ nhưng dường như suốt cả tháng người ta chộn rộn về sự kỷ niệm. Đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ người đã khuất, gợi những nỗi đau, thậm chí cả những tủi hờn…, đủ cả.

Mỗi cuộc chiến tranh, dù từng bên tự nhận mình là gỉ gì gì đi chăng nữa, cũng không thoát khỏi cái kết cục “được làm vua, thua làm giặc”, bên thắng cuộc và bên thua cuộc. Nhẽ ra đánh nhau xong thì thôi, nhất là với những cuộc nội chiến cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt, cần quên đau thương bi kịch đi để mà hòa hợp, xoa tay làm lành, nhưng thể chế này có vẻ không thích vậy. Mỗi năm vẫn rầm rĩ kỷ niệm Mậu Thân 68, ngày 30.4, trận này trận nọ. Thương binh, liệt sĩ là những người có công, dĩ nhiên phải được chăm chút, báo ơn, nhưng rầm rĩ quá lại thành sự khoét sâu nỗi đau của nhiều triệu người, cả triệu gia đình bên thua cuộc. Họ cũng bị đẩy vào cuộc chiến tranh như bên thắng vậy, chỉ có điều họ bị thua. Chỉ khi nào sự phân định công tội rạch ròi tới mức tàn nhẫn, sự đối xử “ta, địch” nhạt đi, thậm chí chấm dứt, thì mới mong hàn gắn hẳn vết thương lòng, cùng nhau đi tới tương lai.

Nói như thế không có nghĩa phủ nhận quá khứ và những điều tốt đẹp.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

Lo

Chiếc tàu cá của ngư dân Bình Thuận bị chìm, 15 người chia làm 2 chiếc thuyền thúng trôi dạt vô định trên biển quần đảo Trường Sa. Sau 9 ngày, thuyền thúng thứ nhất có 8 người được một tàu cá phát hiện và cứu, nhưng 3 người trước đó đã chết do đói khát và đành thủy táng. Thuyền kia những 12 ngày sau mới gặp may khi một tàu... chở hàng nước ngoài thấy và cứu, 7 người cũng chỉ còn 5.
 
Điều đáng nói, 10 người thoát nạn sau 9 - 12 ngày lênh đênh ấy đều do tàu cá và tàu hàng phát hiện, cứu sống. Nếu chỉ thêm vài ngày nữa, nói phỉ phui cái miệng, chắc chết hết.

Nước ta có đủ cả ủy ban này ủy ban nọ về thiên tai, cứu hộ; có lực lượng cứu hộ cứu nạn trang bị tàu to tàu nhỏ rải khắp mọi vùng, có cảnh sát biển, biên phòng, hải quân, vệ tinh, máy bay tuần thám, tàu cao tốc..., vậy mà không tìm ra, không cứu được ngư dân của mình, dù chỉ một người.

Biển của ta, người của ta, chủ quyền lúc nào cũng của ta, vậy thì hơn chục ngày ấy ta làm gì, nhất là vừa rồi trời yên biển đẹp, không có bão gió, áp thấp áp cao.

Đặt trường hợp "bạn lạ" nó đưa tàu đưa người vào, chả nhẽ chịu thua, hay lại phải chờ tàu cá tàu hàng.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Tượng đài

Không chỉ sau khi được vội vã khánh thành cho kịp mốc thời gian thời điểm kỷ niệm, nói nôm na là giờ vàng, cái tượng đài công an khá hoành tráng và bắt mắt/chọc mắt trên đường phố lớn thủ đô ngay cả khi đang được thi công tạo dựng đã hứng quá nhiều lời ra tiếng vào.

Lẩn mẩn giở đủ loại từ điển, cả thuần Việt lẫn Hán Việt, thì thấy từ “tượng đài” có nghĩa: Một khối gồm tượng (tượng) và chân đế (đài) ở nơi công cộng, nhằm biểu trưng, ca ngợi, ghi nhận một điều gì đó, người nào đó.

Nói sơ sơ chút. Tượng, bức tượng không chỉ tạc người mà có thể cả con ngựa, con chó, con cá, con cóc, cây tre… Xưa nơi đình đền thường có tượng con chó đá. Tỉnh An Giang ở miệt sông Cửu Long sau khi phất lên thoát nghèo nhờ con cá tra đã dựng hẳn tượng cá rất hoành tráng. Nhiều nhất vẫn là tượng người. Trong chùa cơ man tượng. Chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất (tỉnh Hà Tây trước kia) ngoài những tượng phật, bồ tát còn rất nổi tiếng với bộ tượng 18 vị la hán (thập bát tổ) cực kỳ sinh động. Thi sĩ Huy Cận ngậm ngùi tả có ý chê trách “các vị ngồi đây trong lặng yên/mà nghe giông bão nổ trăm miền”, chợt nghĩ giờ mà thi sĩ sống lại chắc phải tả mỏi tay bởi xứ này đang hàng triệu la hán ngồi yên mặc kệ bão giông.

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

Dân

Sri Lanka lâu nay được coi là xứ sở yên bình, nói theo cách của người An Nam thì “nghèo mà tốt”. Thực ra cũng không đến nỗi nghèo lắm, cuộc sống từng sung túc, khá đầy đủ, chỉ có điều phú quý giật lùi, giống như Venezuela, Cuba, Nicaragua… vậy, càng ngày càng thảm hại. Lỗi không phải ở dân, mà ở đám cầm quyền, cai trị. Lưu ý thêm rằng Sri Lanka trong cái tên nước có danh xưng xã hội chủ nghĩa, vẫn biết nó chẳng giống kiểu xã hội chủ nghĩa thứ thiệt, nhưng chỉ cần dính cái tên ấy, như một thứ vận hạn tai ách, cũng đủ bỏ mẹ. Đang yên đang lành, tự dưng quàng vào, dù chỉ cái tên suông chứ chưa phải đường lối, để khốn khổ khốn nạn.

Trên thế gian này, có bao giờ chủ nghĩa xã hội đem lại cho con người điều gì bền vững tốt đẹp, ngoài nghèo bền vững, khổ bền vững.

Lại nói Sri Lanka. Dân vốn hiền lành, chịu ảnh hưởng sậu đậm của Phật giáo nên hiền là phải. Nhưng đám cai trị những năm gần đây thì rất tệ. Chả nói đâu xa, chỉ cần thấy đám anh em nhà Rajapaksa chúng chia nhau ghế, đứa tổng thống, đứa thủ tướng, đứa bộ trưởng tài chính…, thế thì chúng nó ăn tươi nuốt sống nước này, làm gì còn chỗ cho dân.

Dân bực, phẫn nộ, không chịu mãi được, con giun xéo lắm cũng quằn, phải vùng đứng lên, biểu tình, đòi quyền sống. Đức Phật từ bi bác ái luôn chủ trương lấy thiện thắng ác có hiện lên khuyên can chắc chả cản nổi. Phật mà chịu cảnh đói khổ bền vững, cũng phải xuống đường với dân.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Lửng lơ thù dai

Vừa rồi, nhiều báo mậu dịch đăng thông tin nhà nước Pháp lấy tên của phi công người Việt, đại úy Đỗ Hữu Vị (tham gia quân đội Pháp, hy sinh trong thế chiến thứ nhất) đặt cho một quảng trường ở thủ đô Paris.

Báo chí xứ ta kín đáo hoặc công khai cho rằng đó là niềm vinh dự cho đất nước, cho người Việt Nam.

Vâng, đúng vậy. Nhưng cách đưa tin của báo mậu dịch vừa dễ gây hiểu lầm ông Vị người của "ta", lại vừa cố ý bưng bít giấu diếm thông tin liên quan mà họ cho là không có lợi việc tuyên truyền.

Đành rằng đưa tin thế nào là quyền của báo, nhưng tôi thấy chả mất gì khi nói rõ hơn rằng anh hùng nước Pháp đại úy phi công Đỗ Hữu Vị là con của một người danh tiếng lẫy lừng ở Nam Kỳ thời Pháp mới sang chiếm An Nam, ông Đỗ Hữu Phương, còn gọi là Tổng đốc Phương.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Không bình thường

Mấy bữa ni bấn việc linh tinh nên nhà cháu chả hó hé lốc liếc gì, kể cả bày tỏ sự tiếc thương một người Nhật tử tế là ông Shinzo Abe qua đời.

Giờ, ban trưa, rảnh tí ti, vội nói về mấy thứ không bình thường này.

- Ở TP.HCM có một tay bác sĩ bị điều tra về tham nhũng. Y chỉ làm "to" tới chức giám đốc bệnh viện quận (Thủ Đức, nay là TP.Thủ Đức, tương đương cấp quận huyện) mà chạy án bằng số tiền gần 3 triệu đô la Mỹ. Vậy xin hỏi các ông bà quan nhớn lãnh đạo, nó chỉ làm công chức nhà nước cỡ tép đó mà dám bỏ vài triệu đô, vậy thì đội ngũ cán bộ "trong sạch" tới cỡ nào. Sự tha hóa thật kinh khủng. Lúc nào cũng sơ kết, tổng kết trong sạch vững mạnh, nói thật, chỉ trong sạch đểu.

- Chắc nhiều người còn nhớ vụ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm. Chúng nó làm trò, đẩy giá tới gần 2,5 tỉ đồng/mét vuông, tức mỗi mét vuông tương đương 1 căn nhà, thậm vô lý,

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

Dụng củi

Thiên hạ bàn hơi bị nhiều về tân bộ trưởng y tế. Nhìn ngó đủ góc độ, kể cả sắc. Giời ạ, cử thượng thư chứ có phải chọn huê hậu đâu mà cứ ngắm nghía vẻ mặt mấy lị 3 vòng.

Sự đời từ xưa tới nay, ở bất cứ đâu, những kẻ làm vua, thừa tướng, trùm, thủ lĩnh, sếp, nguyên thủ quốc gia..., nghĩa là đứng đầu, thì không nhất thiết phải có chuyên môn hiểu biết kiến thức cao siêu về thứ mình quản. Ngôi ấy, ghế ấy, điều quan trọng nhất là biết dùng người, biết cắt đặt kẻ dưới trướng một cách chính xác, đúng người đúng việc. Còn không biết dùng người, cộng thêm thiếu sự thu phục nhân tâm, thì vứt. Chỉ ba bảy hai mốt là lộ ngay.

Chính vì vậy, tôi không chê chuyện bà Lan không có chuyên môn y tế. Giả dụ bà ấy là giáo sư tiến sĩ bác sĩ đi nữa thì cũng đâu có kiến thức về mảng dược, về máy móc, về tài chính, về đủ thứ ngoài chuyên môn bác sĩ. Nhưng nếu là thủ lĩnh biết dùng người thì cũng tạm được.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Phía sau thời sự

- Báo Pháp luật TP.HCM ngày 4.7 đăng lại báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, nội dung rằng “người có hành vi tham nhũng phần lớn là cán bộ, công chức”.

Mới nghe thì có vẻ thẳng thắn, không né tránh, dám nhìn thẳng vào sự thực, “không có vùng cấm”. Nhưng nói thật, đó là thứ kết luận rất vớ vẩn. Cả ủy ban lẫn báo đều vớ vẩn. Tại sao? Tại vì sự tham nhũng, ở bất cứ đâu chứ không phải chỉ tỉnh Hậu Giang, nó chỉ xuất hiện, diễn ra trong đám cán bộ, công chức, được thực hiện bởi cán bộ, đảng viên chứ không phải đám dân chúng suốt đời cắm cúi mưu sinh vất vả. Toàn bộ, một trăm phần trăm luôn, chứ không phần lớn phần nhỏ gì sất. Dân không có quyền hành mà cũng tham nhũng được, các ông bà nếu chỉ ra được một người, thì cứ chém đầu tôi đi. Trên răng dưới cát tút, làm chó gì có công cụ để thực hiện tham nhũng, kể cả “tham nhũng vặt”.

Hay là Hậu Giang cũng như báo chí định ám chỉ sự nghiệp tham nhũng ngoài cán bộ công chức chiếm phần lớn, còn phần nhỏ là đám lãnh đạo, “siêu cán bộ công chức”, đám cấp cao, đám nắm quyền. Nếu vậy thì được, chỉ có điều bọn tham nhũng này không nhỏ đâu, cực lớn là đằng khác.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

Thông tin sốt nóng

 Kính thưa bạn đọc

Blog này của nhà cháu thời gian qua bị "thế lực thù địch" chặn ráo riết, bịt hết cửa nẻo, ngõ ngàng, hẻm lối... nên nhà cháu không thể nào vào được. Ngày nào cũng thập thò nhưng chịu cảnh đứng ngoài, bực ơi là bực. Nhà mình mà chúng nó cứ làm như... nhà nó.

Chả hiểu sao, bữa nay, đúng lúc 5 giờ chiều, lại vào được nhà. Hay là chúng chán, chúng chả khóa nữa. Mà có quái gì trong đó đâu để chiếm. Nhà cháu biên vội mấy chữ này thông báo, biết đâu chút nữa chúng lại thích chặn, lại vui duyên mới không quên nhiệm vụ thì sao.

Nếu tới tối, nhà cháu vẫn vào đưa bài lên được, sẽ có cả loạt bài bị nằm kho thời gian qua trình làng.

Chào cả nhà ạ.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Chuyện cụ Kwan nhân ngày nhà báo

Bạn bè tếu táo thường gọi y là Kwan, Chun Do Kwan, hoặc Kwan Do Chun, hệt người gốc Hàn. Nhà cháu học đòi cái thói hư hỏng của thiên hạ (điều hay chả học, chỉ tuyền học điều dở) gọi cụ ấy là y, bởi một phần đồng tuế, phần khác đàn đúm với nhau khá lâu, chứ đã U70 cả rồi.

Nhân đây, nói thêm chuyện này, liên quan tới chữ “tuế” vừa nhắc ở trên. Để chỉ những năm mà con người ta sống, năm của đời người, tức là tuổi, thì dùng chữ tuế. Cùng tuổi với nhau gọi là đồng tuế. Nói hai người hoặc những người cùng tuổi thì dùng chữ đồng tuế chứ không phải đồng niên. Niên tức là năm, thứ thời gian vật lý, có tính khách quan, nằm ngoài con người, không nhất thiết gắn với người. Kim niên là năm nay, khứ niên là năm trước (khứ niên kim nhật thử môn trung, ngày này năm trước ở ngay trong cửa này), niên lịch là lịch năm, niên biểu là chép lại những chuyện xảy ra các năm, niên hạn là thời hạn tính bằng năm, thiếu niên là số năm còn non (để chỉ người ít tuổi), lão niên là năm già/nhiều (cho người nhiều tuổi). Vì vậy, nói người cùng tuổi dùng đồng tuế chứ không phải đồng niên, dù tuế và niên đều có nghĩa là năm.

Lại quành về cụ Kwan. Cụ í tên tục là Đỗ Trung Quân. Á à, tưởng ai, ông ni thì choa lạ chi. Sẽ nhiều người bảo thế. Vâng, cũng thuộc dạng người của công chúng, như Ngọc Trinh, Mỹ Linh, Trấn Thành chả hạn. Chỉ có điều, cụ Quân khác mấy người ấy, cụ là nhà thơ. Chính do đầu thai thành nhà thơ nên mới sinh chuyện.