Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Đóng bút 2009

Nhoằng cái hết năm, chả kịp làm điều gì ra hồn. Thôi thì đón năm mới.

Ngày cùng tháng tận
Nghe tiếng ai cười
Ngỡ mình là nắng
Dùng dằng xa xôi
Là chim mỏi cánh
Cô đơn cuối trời.

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Chuyện Lý Quỳ


Sau khi nhận quyết định thăng chức thưởng công hơn chục năm cúc cung tận tuỵ pha trà rót nước, trong tâm trạng vừa mừng vừa lo, Lý Quỳ gặp Tống Giang tâm sự: Đại ca ca, cám ơn ca ca đã quan tâm đến đàn em, nhưng tiểu đệ cứ lo lo thế nào ấy. Đệ đức hèn tài mọn ai cũng biết, sợ không kham nổi chức Trưởng băng Nghiên cứu của Lương Sơn Bạc, hay là...
Nghe Hắc toàn phong than thở, Tống ca ca cười nhạt: Chú cứ khéo lo bò trắng răng, chả có tinh thần cách mạng cầu tiến gì cả. Ngay ta đây, tài cán có khi còn kém chú (nói riêng với chú thôi) mà còn ngồi được ghế cao hơn nữa là. Đã cơ cấu rồi, có ê-kíp rồi, cứ phục tùng tổ chức. Đù má, thằng cha Ngô Dụng không biết điều, cho nó chết. Thôi nào, ra quán của Hỗ tam nương làm vài chai Heineken nghe. À, chú nhớ sắp tết nhất rồi đấy.
Quỳ xoa tay rối rít: tiểu đệ lo lễ vật đủ cả, đại ca yên tâm.

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

TÌM MỘ CHÚ TÔI (hay CHUYỆN KỲ LẠ VỀ CÁC NHÀ NGOẠI CẢM)

Ông Nguyễn Văn Liễn

Phi lộ
Trong hai chúng tôi, cô Ngọt là người trực tiếp đi tìm mộ nên những điều kể ra dưới đây đều là sự thực. Tôi (Thông) viết lại lời kể, và đã đăng trên tạp chí Thế Giới Mới năm 2007. Nay lưu lại vào blog để mọi người cùng biết.

Việc các nhà ngoại cảm lâu nay tìm hài cốt liệt sĩ thường gây những luồng dư luận trái chiều, nửa tin nửa ngờ; chính vì vậy trong quá trình mời họ giúp đỡ, chúng tôi đã cẩn thận ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, ngày giờ, con người cụ thể... vừa để tỏ lòng biết ơn các ân nhân, vừa làm tư liệu cho gia đình. Và chúng tôi vẫn muốn nhắc lại: tất cả đều là sự thực!

GẶP CÔ ĐỒNG HÀ
Theo gia phả, dòng họ Nguyễn nhà tôi gốc gác ở huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình, khoảng cuối thế kỷ 18 cụ tổ di cư sang phủ Kiến Thụy (Hải Phòng) kiếm sống. Đến đời ông nội tôi là thế hệ thứ 3, các cụ sinh được 7 người con trai, bố tôi thứ 6, còn ông Nguyễn Văn Liễn sinh năm 1912 là út. Sinh thời bố tôi vẫn thường kể về chú Liễn học rất giỏi, sớm giác ngộ cách mạng và đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chưa tìm được mộ. Thông tin về chú cũng rất ít ỏi, nhất là nơi chôn cất, còn theo lời kể lại của những người cùng công tác cơ quan Thành ủy Hải Phòng thì mộ ông Liễn nằm tại một nơi nào đó huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Mãi đến khoảng cuối những năm 60, có một ông khách thỉnh thoảng từ TP Hải Phòng về trò chuyện cho biết nơi ấy là xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ bởi trạm giao liên của Thành ủy Hải Phòng hồi kháng chiến đặt tại đó, tháng 7.1951 ông Liễn trên đường đi công tác bị sốt rét ác tính không qua khỏi, được đồng đội và nhân dân địa phương chôn cất. Vị khách ấy sau chúng tôi mới biết là ông Lê Quốc Khánh, cán bộ Thành ủy, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, ông rất nhiệt tình chỉ dẫn nhưng ngặt vì khi đó cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ rất ác liệt, đi lại khó khăn, vả lại những người khỏe nhất trong dòng họ đã ra chiến trường nên cứ nấn ná mãi. Trước khi mất (năm 1991) bố tôi dặn dò các con cháu dù sớm hay muộn cũng ráng tìm đưa bằng được ông Liễn trở về quê hương.
Việc đầu tiên là phải tìm đến những người đã cùng công tác với ông Liễn ở cơ quan Thành ủy Hải Phòng, nhất là những người đã biết về sự hy sinh của chú tôi. Các cụ đều đã già nhưng may mắn vẫn minh mẫn, kể nhiều chi tiết thật đáng quý cần thiết cho việc tìm mộ sau này. Ngoài ông Lê Quốc Khánh nói ở trên, Ngọt và anh Trác, anh Huy (con một người bác, cũng là cháu gọi ông Liễn bằng chú ruột), Kha (chồng Ngọt, sĩ quan công an Hải Phòng), Trí, San, Hiệu (gọi ông Liễn bằng ông)... chia nhau tìm đến nhà các cụ như cụ Ngô Văn Ngọ, cụ Vũ Văn Hồng, cụ Lê Tuấn- đều là cán bộ Thành ủy; ông Ngô Chí Khoái- nguyên sĩ quan tham mưu Sư đoàn 308 hồi năm 1951... để nghe kể về ông Liễn đã hy sinh như thế nào, ở đâu. Các cụ khẳng định nơi đặt trạm giao liên Thành ủy Hải Phòng chính là nơi có mộ ông Liễn. Và quý nhất là chi tiết: rất có thể nơi ấy trước kia là đồn điền của bà “địa chủ” Nguyễn Thị Năm.
Ông Nguyễn Văn Liễn và các cán bộ cơ quan Thành ủy Hải Phòng tại vùng tự do Vĩnh Bảo năm 1948 (ông Liễn thứ 2 từ phải sang; ông Trần Đông, sau này là Thứ trưởng Bộ Công an, thứ 4 phải sang)


Năm 1998, các anh Trác, Huy, Giễ (Dũng) khăn gói lên Thái Nguyên mở cuộc tìm kiếm đầu tiên nhưng do chưa chuẩn bị chu đáo nên không có kết quả. Cảnh quan đã thay đổi nhiều sau gần nửa thế kỷ, người dân địa phương cũng không mấy ai nhớ chuyện xưa, hỏi đồn điền bà Năm nhiều người không biết. Anh Trác về hỏi lại ông Khánh, ông khẳng định chắc chắn là ở Đồng Bẩm, đồn điền bà Năm, cứ chịu khó hỏi thế nào cũng lần tìm ra manh mối. Trước sự quả quyết của ông Khánh, lại nhen lên tia hy vọng.
Giữa năm 2003, cả nhà lại bàn việc tìm mộ ông Liễn. Lần này chủ yếu giao cho bọn thanh niên vì các anh đã lớn tuổi, sức yếu khó trèo đèo lội suối. Kha là công an nhưng giỏi tử vi bảo rằng tại sao không nhờ các nhà ngoại cảm tìm giúp. Nhưng chuyến đi đã được chuẩn bị xong, thời gian gấp gáp nên đợt này nếu vẫn chưa kết quả gì sẽ tính đến điều ấy, tuy nhiên nếu có điều kiện sẽ kết hợp luôn. Sáng thứ ba 5.8.2003, thắp nhang trước bàn thờ ông Liễn khấn ông phù hộ xong, chúng tôi lên đường. Xe khách khởi hành từ Hải Phòng lúc 6 giờ, chỉ 10 giờ 30 đã tới TP Thái Nguyên, nghỉ ngơi một chút tôi (Ngọt) và Kha mượn xe máy tìm đến UBND xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ. Sau khi xem giấy giới thiệu của Thành ủy Hải Phòng, anh Bùi Ngọc Văn cán bộ chính sách xã dẫn chúng tôi đi gặp một số người từng tham gia kháng chiến ở địa phương, trong đó có bà Vãn (chồng tên Đăng nên thường gọi là bà Đăng) đang bán hàng tại chợ thị trấn Chùa Hang. Bà quê gốc Thái Bình, giúp việc cho gia đình bà Nguyễn Thị Năm, chủ đồn điền từng nuôi dưỡng, che giấu nhiều cán bộ cách mạng cấp cao (Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị...), nuôi hàng trung đoàn Vệ quốc quân thời đánh Pháp. Bà Vãn đã ngoài 80 nhưng đầu óc minh mẫn lắm, kể lại những chuyện xảy ra cách nay cả hơn nửa thế kỷ mà vẫn khúc chiết với nhiều chi tiết rõ ràng không ngờ. Bà bảo hồi cụ Năm còn sống có biết bao nhiêu đoàn cán bộ chiến sĩ đã ghé đây, được nuôi dưỡng chăm sóc; những người chết bệnh hoặc hy sinh từ mặt trận đưa về được chôn ngay trong đồn điền, khu vực ao sen, nhưng khi ấy đồn điền rộng hơn 12.000 ha nên bây giờ cũng khó xác định nơi nào. Sực nhớ điều gì, bà Vãn khuyên chúng tôi đến gặp cô đồng Hà ở xã Cù Vân, huyện Đại Từ để gọi hồn, “nhờ cách ấy mà chính tôi đã tìm ra mộ bố mình đấy, cô chú ạ”. Cám ơn và xin phép bà ra về, chúng tôi chỉ mong đêm qua thật mau để tìm đến nhà cô đồng.
Sáng 6.8.2003, theo lời chỉ dẫn của bà Vãn, chúng tôi đến xóm Bắc Máng, xã Cù Vân, huyện Đại Từ. Nhà cô đồng Hà nhỏ ba gian ngay dưới chân đồi. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy cô còn trẻ, khoảng 25- 27 tuổi, gầy nhỏ nhắn. Phải nói rằng đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp người được gọi là “cô đồng”, và cũng lần đầu tiên gặp cô đồng Hà bởi cuộc viếng thăm này hoàn toàn bất ngờ không hề chuẩn bị trước. Mặc dù mới sáng sớm nhưng trong nhà cô đã có gần chục người ngồi đợi. Một chiếc bàn thờ nhỏ đặt nơi góc nhà trang trí sơ sài, nghi ngút khói hương. Lúc chúng tôi vào, cô đang lắc lư gọi hồn mẹ một phụ nữ trạc tuổi 45. Có chị khách ngồi ngoài cửa cho biết lễ vật một lần gọi là 1 bát gạo và 2.000 đồng. Kha sang nhà cạnh đó hỏi mua bát gạo, lúc trả tiền chủ nhà chỉ “xin bác 1.000 đồng”. Chúng tôi đặt lễ vật lên bàn thờ rồi bước ra ngoài chờ đến lượt mình, lòng cảm thấy hồi hộp bởi trước nay chỉ nghe những chuyện nửa thực nửa hư quanh việc gọi hồn, còn bây giờ chính mình sẽ tham gia. Khi đến lượt, tôi viết họ tên mình và tên chú Liễn vào mảnh giấy nhỏ. Cô đồng cầm lấy và lên giọng ngân nga khấn khứa. Rồi im lặng. Dăm phút sau cô bật khóc nức nở. Người ngồi cạnh bấm nhẹ tay tôi “cụ về rồi đấy, cô gọi cụ đi”. Tự dưng tôi òa khóc, vội vàng thưa “Chú ơi, con là Nguyễn Thị Ngọt đi tìm chú đây. Sao chú lại chết?”. Cô đồng trả lời, rất nhỏ, tiếng nói như từ cõi xa nào vọng về “chú bị sốt”. Nghe vậy tôi bàng hoàng bởi ông Lê Quốc Khánh từng nói với bố tôi là chú Liễn chết do sốt rét ác tính. - Chú ơi, giờ này chú đang nằm ở đâu? - “Dưới chân một tường rào, bị đè lên rồi!”. - Liệu chúng con có tìm được không? - “Tìm được”.
- Ngay chiều nay có tìm được không? - “Không. Hôm qua con đã đi qua lại trước mặt chú nhiều lần nhưng hôm nay vẫn chưa tìm được đâu”. - Vậy làm thế nào tìm? - “Bao giờ con gặp chỗ có nhiều hòn đá nhỏ, lẫn ở đó có một hòn đá màu trắng to bằng cái ghế con (tôi đưa mảnh giấy, cô đồng vẽ nguệch ngoạc vào) thì đó là chỗ chú nằm”. - Chú ơi, con cùng anh Trác và các cháu đang làm giấy đề nghị công nhận liệt sĩ cho chú, liệu có thuận lợi không? - “Trước thì khó khăn, bây giờ bắt đầu thuận lợi rồi” (khi chúng tôi trở về Hải Phòng, quả đúng như thế). - Chú có cần gì không? Ông Khánh, ông Ngọ nhớ và thương chú lắm, chú có nhớ các ông ấy không? - “Không cần gì cả. Có nhớ các ông ấy” (cô đồng khóc). - Chúng con đi tìm chú, có gì chú mách bảo, hướng dẫn nhé (cô đồng im lặng không nói gì, sau đó gật đầu). Ít phút trôi qua, cô choàng tỉnh, uống liền mấy cốc nước, như không có chuyện gì vừa xảy ra. Trời đã trưa, chúng tôi về để chiều tiếp tục cuộc tìm kiếm.

CHUYỆN GIA ĐÌNH “ĐỊA CHỦ” NGUYỄN THỊ NĂM
Chiều 6.8, nhớ câu nói của bà cụ Vãn “những người chết tại đồn điền trong khoảng những năm 1950- 1953 đều chôn ở khu vực ao sen” nên chúng tôi dò hỏi và tập trung tìm kiếm tại nơi này. Trên thực địa mênh mông, nhà cửa chen lẫn rừng cây, chỗ nào chẳng giống chỗ nào. Ao sen ở đâu, liệu có còn? Theo lối mòn cạnh tường rào UBND huyện Đồng Hỷ, đến nơi cách đường lớn khoảng ba bốn trăm mét chúng tôi chỉ thấy một bờ cây gai góc rậm rạp. Gặp bà cụ ngoài 70 đang chăn trâu, cụ hỏi ngay “chắc cô chú đi tìm mộ?”. Chúng tôi lại một phen kinh ngạc liền hỏi thăm bà cụ ao sen chỗ nào. Cụ chỉ tay “ngay cạnh chỗ cô chú đứng chứ đâu”. Nhìn kỹ thấy đúng là có cái ao thực, hình bầu dục, vẫn còn những bậc đá lên xuống. Phía bên phải ao, nhà cửa cây cối sầm uất, rậm rạp. Vạch cây rẽ lá, chúng tôi dò tìm quanh quẩn một lúc thì phát hiện đằng góc ao có đống đá nhỏ, trong đó một hòn to hơn và có vẻ trắng hơn. Chả biết có phải cô đồng Hà nói vậy mà mình cảm thấy vậy chăng? Nửa phân vân, nửa hy vọng, chúng tôi lại gần đống đá và thắp hương khấn mong chú Liễn về phù hộ. Đi thêm một đoạn chợt thấy ngôi nhà xây tường gạch bao quanh, chúng tôi gõ cửa. Một phụ nữ ngoài 40 đẹp hiền hậu ra mở cửa đưa chúng tôi vào nhà mặc dù chưa biết khách là ai. Nhìn những huân huy chương treo trên tường, tôi biết đây là nhà đại tá Mai Trung Lâm, nguyên tư lệnh trưởng Quân khu 2, đã mất. Sau khi con dâu vào báo tin, bà Lâm ra tiếp. Kha thưa với bà mục đích chuyến đi, bà tỏ vẻ rất xúc động khi nghe chuyện về ông Liễn bởi bà từng là cán bộ kháng chiến hoạt động tại vùng này. Hỏi về khu đồn điền, bà Lâm bùi ngùi kể cho chúng tôi về bà Nguyễn Thị Năm và những đóng góp to lớn của bà Năm với cách mạng; bà khuyên chúng tôi kiên nhẫn tìm kiếm, đừng bỏ dở chừng. Bà lại giới thiệu sang gặp cụ Quý, người thân thiết với gia đình bà Năm, nhà cũng gần đó.
Sang gặp cụ Quý. Chuyện trò một hồi, khi chúng tôi khoe đã gặp bà Vãn, cụ Quý thoáng nhíu mày, im lặng không nói gì chỉ khuyên chúng tôi nên tìm gặp ông Hanh, con trai cụ Nguyễn Thị Năm, lại cho cả địa chỉ và số điện thoại nhà ông Hanh ở Hà Nội.
Biết có ở lại Thái Nguyên cũng chưa thể tìm được mộ vì thông tin còn quá ít ỏi, hôm sau 8.8.2003 chúng tôi quay trở về Hà Nội. Đến nhà số 117 Hàng Bạc, may mắn gặp bà Hanh, con dâu trưởng cụ Năm. Ấn tượng đầu tiên về bà là sự gần gũi cởi mở nhưng vẫn toát lên vẻ lịch lãm sang trọng. Chúng tôi xin phép thắp hương cho cụ Năm, chạnh buồn nghĩ đến người phụ nữ mà cuộc đời gắn liền với một giai đoạn cực kỳ hào hùng nhưng cũng đầy đau thương của dân tộc. Cụ Năm là người đầu tiên bị xử bắn khi cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” năm 1953 mở màn, cái chết của “bà địa chủ” này đã thành tấn bi kịch không chỉ của một con người, một gia đình mà của cả một thời kỳ lịch sử. Mặc dù ngay sau đó Nhà nước đã tiến hành “sửa sai”, nhìn nhận lại những ấu trĩ, sai lầm của “cải cách ruộng đất” nhưng có những nỗi đau vẫn cứ dai dẳng. Trò chuyện, bà Hanh bảo: Gia đình tôi rất buồn vì đến giờ cụ (cụ Năm) vẫn chưa được công nhận là người có công với kháng chiến. Mẹ tôi nuôi dưỡng, che chở cho cả sư đoàn bộ đội, cán bộ, hiện rất nhiều người còn sống biết chuyện nhưng đều đã cao tuổi, mai sau họ mất đi thì mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng. Bà kể thêm, giọng đượm buồn: “Cô chú biết không, cô Đăng (tức bà Vãn mà chúng tôi đã gặp trên Thái Nguyên) là người giúp việc cho cụ Năm, cụ rất thương yêu, tin cậy. Vậy mà chả hiểu làm sao tự dưng cô ấy lại chính là người đấu tố cụ nhà tôi hăng nhất”. Tôi chợt nhớ sự im lặng, trầm ngâm của bà Quý lúc trên Thái Nguyên và thưa lại những điều tốt đẹp mà bà Vãn nói về cụ Năm trong cuộc gặp vừa qua, bà Hanh nghe nhưng vẫn buồn.
Sau cuộc gặp này, việc liên lạc với gia đình cụ Năm được giao lại cho Nguyễn Ngọc Trai (con anh Trác), sĩ quan đang công tác tại Cục Bản đồ (Bộ Quốc phòng). Trước đó ông Hanh có kể cho tôi nghe về chuyện tìm mộ mẹ mình. Sau khi xử bắn, người ta đã đem xác “địa chủ” Nguyễn Thị Năm đi chôn nơi nào đó mà thân nhân không hề biết. Kể từ hòa bình lập lại, gia đình rất nhiều lần tổ chức tìm mộ cụ nhưng không thành, thất vọng đến mức đành phải lấy tạm một ít đất ở khu vực đồn điền, nơi bà bị bắn cho vào cái tiểu sành đem về, thay cho hài cốt. Năm 1993, nghe người ta kể về nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên ở xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), ông Hanh tìm đến. Lúc ấy mặc dù rất bận nhưng ông Liên vẫn sốt sắng giúp; có lẽ với một người, một số phận như cụ Nguyễn Thị Năm chả ai nỡ từ chối. Lúc tiến hành tìm kiếm, ông Liên vẫn ở Hải Dương, chỉ hướng dẫn qua điện thoại. Cả đoàn nhất nhất làm theo lời nhà ngoại cảm, ông Liên bảo hãy đến khu vực sân bay cũ bỏ hoang, thấy cây nào có lá nhỏ nhất thì đào. Mọi người chia nhau tìm trên cả vùng rộng lớn, cây cối um tùm và thật lạ cả khu vực mấy cây số vuông chỉ duy nhất một cây phượng lá nhỏ. Chưa kịp gọi điện báo về thì nhà ngoại cảm chủ động gọi, nói chính nơi đó, ngay gốc cây, hãy đào đi. Đào xuống sâu hơn một mét quả nhiên thấy có bộ hài cốt chôn sơ sài đã nát vụn, duy chỉ còn mấy chiếc cúc áo của chiếc áo mà cụ Năm mặc khi bị bắn là con cháu nhận ra ngay. Mọi người òa khóc. Và may làm sao, không thể nào nhầm được khi lẫn trong đám xương vụn đó chiếc vòng tay ngọc thạch cụ Năm thường đeo. Cả nhà bùi ngùi xót thương đưa cụ về. Ông Hanh cùng con cháu đắp thêm đất vào gốc cây phượng. Suốt 40 năm trên nấm mồ hoang không hương khói, cây phượng vĩ vẫn nở những chùm hoa đỏ rực viếng hương hồn người đàn bà chịu nhiều oan khiên.

BẢN SƠ ĐỒ CỦA NHÀ NGOẠI CẢM NGUYỄN ĐỨC PHỤNG
Qua sự giới thiệu của ông Hanh, Trai tiếp tục đến Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (Bộ Quốc phòng) tìm ông Liên nhưng không gặp. Dạo này ông thường ở quê Hải Dương. Đang lúc chưa biết sẽ phải làm gì thì ông Nguyễn Đức Phụng cũng là nhà ngoại cảm ở trung tâm hứa giúp đỡ. Trai kể ông Phụng nghe đầu đuôi câu chuyện, ông liền vẽ một sơ đồ trên giấy A4 với những chỉ dẫn cụ thể, cho cả số điện thoại để tiện liên lạc (số 0904167724).
Ngày 28.2.2004, Nguyễn Ngọc San, cán bộ Sở Văn hóa- Thông tin Hải Phòng (cũng là cháu gọi ông Liễn bằng ông) thu xếp một chuyến xe đưa cả đoàn gồm Ngọt, Kha, Trí, Trai lên Thái Nguyên. Khởi hành sớm từ 5 giờ sáng, gặp bữa sương mù nên xe chạy hơi chậm, mãi gần trưa mới đến Đồng Hỷ. Kha nửa đùa nửa thật “chuyến này chưa tìm được mộ ông thì chưa về” để tỏ rõ quyết tâm của cả bọn. Gửi xe vào khuôn viên UBND huyện, căn theo bản sơ đồ ông Phụng vẽ, chúng tôi chia nhau đi tìm. Lại đến khu ao sen, rẽ vào thăm bà Mai Trung Lâm. Cuộc tái ngộ thật cảm động. Sau gần nửa năm trời, bà Lâm vẫn nhận ra ngay chúng tôi. Bà kể từ dạo đó đến nay bà đã mấy lần gặp những cán bộ kháng chiến ở xung quanh đây dò hỏi về ông Liễn, và trách nhẹ “không thấy các cháu quay lại, cũng chẳng tin tức gì, bác tưởng các cháu đã nản lòng”. Tôi thưa chuyện cùng bà, lòng thầm cảm ơn trời phật đã độ trì cho chúng tôi gặp được những người tốt như vậy.
Chia thành hai nhóm, nhóm gồm tôi và Trí xin phép bà Lâm đi tiếp vào sâu phía trong. Một phụ nữ trung niên đang tưới rau muống chỉ cho chúng tôi lối mòn dẫn vào bản. Con đường này đúng y trên sơ đồ chỉ dẫn ông Phụng vẽ. Trước khi chúng tôi lên đường, gọi điện cho ông, ông dặn “cứ gặp 3 cụ già hỏi sẽ ra”. Loanh quanh một lúc, vòng sang bên phải, chúng tôi lần theo bức tường bao men lối đi dẫn vào căn nhà nhỏ ven đường. Không ngờ Kha và Trai đã đến tự hồi nào, đang trò chuyện với 3 cụ già khoảng 70- 80. Bất chợt ngoài cổng có tiếng trẻ con reo “A, cậu đã về”, nhìn ra thấy một người đàn ông trung niên dắt xe đạp vào. Chúng tôi chưa kịp chào, anh hỏi luôn “Đi tìm mộ phải không? Chẳng cần tìm đâu xa, ở gần đây thôi!”. Mọi người ngạc nhiên, anh tự giới thiệu tên là Định, nói ngay “ngày bé tôi suốt ngày chơi ở đây, biết chỗ này có một cái mộ” rồi chỉ vào phía góc tường bao, chỗ Trai đang đứng, gần đó là cái gốc cây to cao khoảng nửa mét. Thật mừng vì theo sơ đồ ông Phụng thì mộ nằm trên sườn đồi, cạnh ngã ba, dưới một cây to, biết đâu cái gốc cây này có quan hệ gì với cái cây đó chăng.
Chẳng để chúng tôi hỏi gì thêm, anh Định sốt sắng dẫn cả bọn sang thăm gia đình ông Thảo, chủ khu vườn xây tường bao chắc chắn. Ông niềm nở đón tiếp và đưa chúng tôi đi khắp khu vườn rộng. Tới góc vườn, khi nhìn qua bức tường thấy bên ngoài là ngã ba, bất chợt cả bọn òa lên sửng sốt bởi trước mặt có đống đá lụn vụn, ở giữa là viên đá trắng tinh to bằng chiếc ghế con. Trời ạ, đúng như lời chỉ dẫn của cô đồng Hà hơn nửa năm trước trong buổi gọi hồn. Tôi lạnh cả sống lưng, hỏi nhỏ ông Thảo: Sao lại có đống đá ở đây hả bác? Ông Thảo: “Khi gia đình tôi chuyển về đây thấy có rồi, làm vườn cứ dồn lại thêm thôi”. - Sao lại có viên đá trắng đẹp thế ạ? - “Con trai tôi làm việc ở xí nghiệp đá, nó mang về bảo là đá Thanh Hóa nhưng cả nhà chẳng ai dùng vào việc gì nên vứt đại vào đó. - Lâu chưa hả bác? - “Cũng dăm tháng nay thôi”. Lúc ấy 3 cụ già mà chúng tôi đã gặp và một số cụ khác tới, chúng tôi hỏi gần đây có cây to nào không, các cụ chỉ ra gốc cây phía ngoài tường bao: “Có cây thị to lắm, suốt mấy chục năm lá cứ xanh ngăn ngắt nhưng chưa bao giờ cho quả. Cách nay mấy tháng xã mở rộng con đường này, đám thanh niên đứng ra chặt, còn lại cái gốc chả ai đánh đi”. Nhìn xung quanh góc vườn sạch sẽ, có một giàn trầu, bờ tường phủ đầy hoa đỗ ván tim tím xinh xinh, mấy khóm ngải cứu, khóm hoa cúc thoang thoảng hương thơm, nếu chú Liễn nằm đây thì cũng mát mẻ, sạch sẽ, chẳng tủi vong linh suốt mấy chục năm trời.
Cũng cần nói thêm rằng tất cả mọi thông tin có được trong quá trình đi tìm mộ chúng tôi đã nhất trí với nhau phải giữ kín để tránh sự suy diễn của người được hỏi. Sau một hồi trò chuyện, Trí nói bâng quơ chả biết gần đây có ngôi mộ nào không. Nghe vậy, một người phụ nữ luống 40 tuổi vừa đến nói nhỏ “có đấy, không chỉ một mà những hai ngôi mộ kia”. Theo hướng tay chị chỉ, Kha giở sơ đồ của ông Phụng đối chiếu thấy vị trí và khoảng cách đúng y boong. Những thông tin trùng lặp giữa cô đồng Hà, ông Nguyễn Đức Phụng và thực tế làm chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Bà vợ ông Thảo khuyên: “Các cô các chú ạ, ở vùng này ai tìm mộ cũng thường hỏi xin ý của Sư cụ chùa Hang. Nếu cô chú có tâm có duyên được gặp cụ, cụ dạy cho một nhời thì may lắm, chả còn gì phải phân vân cả”.

SƯ CỤ CHÙA HANG
Mặt trời đã đỉnh đầu, cả bọn ra thị trấn chùa Hang ăn cơm rồi lên xe về TP Thái Nguyên nghỉ trưa. Chả ai ngủ được. Đúng 2 giờ chiều trở lại Đồng Hỷ. Giữa một vùng đồi núi lô nhô như bát úp nổi lên ngọn núi đá vôi hùng vĩ vút lên trời chiều với những tảng đá xám sắc cạnh. Ngôi chùa cổ đặt trong hang núi mà thành tên. Phía bên ngoài, cạnh hang là ngôi nhà tổ và dãy nhà ngang. Chúng tôi chờ ở bên ngoài cùng hai gia đình đã đến trước để nhờ sư cụ làm lễ cầu siêu cho người thân vừa mới mất. Lát sau có dăm người khác cũng tới mong nhận được lời chỉ giáo của cụ. Hương trầm thoang thoảng, không khí u tịch bao trùm không gian. Kha ghé tai tôi nói nhỏ đây đúng là nơi siêu thoát khác hẳn cuộc sống trần tục xô bồ xung quanh chỉ cách vài trăm bước chân. Chờ thêm chút nữa có một người trong chùa bước ra bảo rằng cụ hẹn đúng 3 giờ sẽ về. Quả nhiên lúc kim đồng hồ chỉ đúng 3 giờ thì một chiếc xe du lịch 12 chỗ chở cụ về đến nơi. Mọi người tíu tít ùa ra đón, người dìu cụ, người xách giúp hành lý, gương mặt ai nấy lộ vẻ thành kính thương yêu. Cụ ngồi nghỉ một lúc trên chiếc giường nhỏ trong gian nhà tổ. Người người xúm xít xung quanh, bóp chân tay, lấy nước lấy khăn cho cụ lau mặt, têm trầu mời cụ... Tự dưng tôi thấy cụ hết sức gần gũi, chả khác gì mẹ tôi ở nhà (đã 88 tuổi). Vừa nhè nhẹ bóp tay cụ, tôi quan sát cụ thấy da đỏ hồng, đặc biệt là gương mặt cực kỳ thông tuệ, đôi mắt tròn và rất sáng. Người phụ nữ dáng vẻ lam lũ ngồi bên cạnh cho tôi biết Sư cụ Đàm Hinh nay đã 93 tuổi (năm 2004) sau đó đặt hai quả gấc đỏ tươi lên chiếc đĩa và kính cẩn “con biếu cụ”. Cụ chỉ “ừ” rồi với lấy mấy quả cam đưa tận tay chị. Người biếu tiền, người biếu bánh... với ai cụ cũng nhận và cho lại lộc. Tôi đặt mấy tờ bạc vào chiếc đĩa nhỏ và rón rén để cạnh chỗ cụ ngồi. Cụ hỏi ngay “Có việc gì không?”. Tôi mạnh bạo: Thưa cụ, con đi tìm mộ người thân. Cụ nhíu mày, lấy ngón tay cái ấn vào giữa hai lông mày, mắt nhìn xa ra ngoài sân ngập nắng chiều. Lát sau cụ bảo, giọng rành rẽ: “Còn mộ đấy! Ở trong vườn nhà người ta, đừng tìm ngoài nghĩa địa cho phí công. Phía trong tường rào”. Ngừng giây lát, cụ nói thêm “Nhớ là vườn có hai chủ. Thôi về đi!”. Tôi vội vàng: Cụ ơi, hài cốt còn gì không? - “Còn, nhưng ít thôi”, cụ chỉ ngắn gọn bấy nhiêu rồi không nói gì nữa. Biết có ở lại cũng chẳng thể thêm được gì, chúng tôi vội vàng trở về nhà ông Thảo. Hỏi thăm lai lịch khu vườn, ông bảo trước đây chỗ này ông mua của bà Hải (cô ruột anh Định). Một phần khu vườn này, nơi mà sau đó chúng tôi tìm ra mộ ông Liễn, là của nhà anh Định. Khi xã mở con đường xuyên qua, vườn anh Định bị chia làm hai, gia đình anh liền bán nốt phần bên trong cho ông Thảo. Mà cũng mới bán chưa làm giấy tờ. Đúng là hai chủ. Nghe chúng tôi kể lại, các cụ già trong xóm xuýt xoa: các cô các chú được gặp cụ, được cụ tiếp là may lắm. Chúng tôi người ở đây mà cũng chẳng mấy khi được gặp bởi cụ còn ở cả chùa Huống và mấy chùa khác nữa cơ. Bà Thảo thì thầm: Được lời của cụ rồi, cô cứ yên tâm chuẩn bị để lần sau lên bốc cốt về.
Về Hải Phòng, trên xe ai nấy tràn trề hy vọng bởi chuyến đi này gặt hái nhiều kết quả ngoài sự mong đợi. Đành rằng vẫn biết việc tìm một ngôi mộ sau hơn nửa thế kỷ giữa vùng đồi núi mênh mông chẳng đơn giản chút nào, có khi tưởng như đã đi đến đích mà vẫn về tay không nhưng nhiều thông tin vừa có cực kỳ quý báu. Và càng mừng hơn nữa khi mọi người trong gia đình báo tin Thành ủy, Sở Lao động- Thương binh- Xã hội Hải Phòng đã xác minh xong, tiếp đó Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội đã có quyết định công nhận ông Nguyễn Văn Liễn là liệt sĩ. Cả họ họp lại và thống nhất phải đưa liệt sĩ Nguyễn Văn Liễn về quê trước Tết Ất Dậu.
Ngày 7.1.2005 (27 tháng 11 Nhâm Thân), đoàn đi Thái Nguyên đã sẵn sàng, ngoài những người tham gia hai đợt trước nay bổ sung những con cháu khỏe mạnh nhanh nhẹn nhất trong họ như Thanh Long (thượng tá hải quân), Ngọc San, Lương Vân (giáo viên), Quang Hiệu (kỹ sư), Công Khuê (sĩ quan hậu cần). Đêm trước khi khởi hành tôi gần như không ngủ vì lo chuyến đi không thành công. Mà lần này về tay không cũng có nghĩa là ông Liễn nằm chốn nào đó quê người không biết đến bao giờ. Thậm chí anh Trác và cả nhà còn tính đến phương án: nếu không tìm được hài cốt ông Liễn thì xin một nắm đất vùng đồn điền bà Năm mang về, coi như liệt sĩ đã quy cố hương. Buổi chiều tôi tự tay đi mua sắm mọi thứ chuẩn bị cho chuyến đi. Tôi nhớ hôm trước ông Phất, cán bộ Văn phòng Thành ủy Hải Phòng chỉ cho cách tìm hài cốt bằng việc thử đặt quả trứng gà lên đầu chiếc đũa, ông bảo rất hiệu nghiệm, chưa sai bao giờ. Nghe tôi kể lại, chị Tuyên hàng xóm- vợ liệt sĩ cũng xác nhận như vậy. Chị nguyên là Phó phòng Giáo dục huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) nay đã nghỉ hưu, hồi vào nghĩa trang Trường Sơn tìm mộ “gió thổi ào ào, vậy mà quả trứng đặt trên đầu đũa không hề lung lay cứ như được cắm chặt vào đó, cô chú ạ”. Chị nói thêm đũa phải sạch, trứng gà phải tươi thì mới linh. Vì sợ bị lôi cuốn vào những chuyện phép thuật ma mị nên tôi ra chợ Đồng Quốc Bình gần nhà tự tay chọn mua 5 quả trứng gà thật tươi, rửa sạch lau khô; chọn 5 chiếc đũa trong bó đũa mới chưa hề dùng bọc lại cẩn thận. Làm vậy nhưng lòng vẫn thoáng chút hồ nghi bởi trước đó, dịp Tết dương lịch Khuê con trai tôi đã lên Thái Nguyên tiền trạm để chính thức xin phép ông Thảo cho tìm hài cốt trong vườn nhà ông, nhân tiện thử đặt trứng nhưng mấy lần đều không thành công.

Những quả trứng như bị hút chặt vào đầu đũa, ngay nơi sau đó tìm thấy hài cốt ông Liễn (người trong ảnh là Nguyễn Ngọc San, cháu gọi ông Liễn bằng ông)

THÊM NHỮNG ĐIỀU KỲ LẠ
Đúng 5 giờ sáng 8.1.2005 tất cả tập trung đông đủ và khởi hành. Quốc lộ 18B mới hoàn thành, đường vắng, xe bon bon nên mới hơn 8 giờ đã đến xã Đồng Bẩm. Kha và Trí vào ủy ban xã liên hệ, số còn lại thẳng đến nhà ông Thảo. Gia đình dường như vẫn chờ đợi niềm nở tiếp đón, nhất trí cho đào thăm dò, khai quật khu vực góc vườn nhưng bà Thảo bảo “cô ạ, vườn nhà tôi thật nhưng phép công lệ làng, có sự đồng ý của ủy ban là tốt nhất”. Trong khi chờ đợi, chúng tôi xin phép ông Thảo cho thắp hương cúng bái gia tiên và thần thổ công đất nước và cũng xin được đền bù thỏa đáng nếu việc tìm kiếm mộ liệt sĩ làm ảnh hưởng, thiệt hại tài sản của gia đình. Một lúc sau Trí và Kha từ ủy ban về có vẻ buồn, hơi lo lắng, nói rằng việc xin phép chính quyền gặp trục trặc vì xã không dám quyết, yêu cầu phải có sự đồng ý của huyện. Kẹt ở chỗ hôm nay thứ bảy ngày nghỉ nên huyện không làm việc. Biết làm sao đây? Trước khi lên đường, chúng tôi đã báo cáo Đảng ủy, ủy ban xã nơi quê nhà và các anh ấy hứa sẽ tổ chức thật trọng thể lễ đón hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Ngày giờ đã định rồi. Cả gia đình họ tộc đang mong ngóng chờ đợi. Chúng tôi hội ý và quyết định cứ xin phép ông Thảo cho tìm kiếm trước, thủ tục giấy tờ lo sau. Nghe San thắc mắc sao đi đâu cũng vướng thủ tục hành chính rườm rà, anh Nguyễn Văn Thanh, cán bộ xã phụ trách công tác thương binh- xã hội (thay anh Vũ Ngọc Văn đã chuyển sang công tác bên Hội đồng Nhân dân) giải thích nếu tìm thấy hài cốt liệt sĩ thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tổ chức lễ tiễn đưa theo đúng chính sách với người đã hy sinh, vì vậy sự đồng ý của các cấp là cần thiết. Chúng tôi hiểu ra và thông cảm.
Trước khi đào, chúng tôi bày lễ vật, trầu cau, trái cây, đồ vàng mã... ra cúng rồi lấy trứng, lấy đũa để thử. Ai cũng hồi hộp, nhất là Khuê vì Khuê đã làm thử mấy lần kỳ trước không thành. Nếu trứng không đậu được trên đầu đũa có nghĩa là niềm tin, niềm hy vọng rất mong manh. Đầu tiên tôi khấn “Chú ơi, chú có linh thiêng hãy báo cho chúng con biết chú nằm ở đâu, con đặt trứng thì trứng sẽ đậu”. Không khí trang nghiêm, nét mặt người nào cũng căng thẳng. Đất rắn quá, tôi cắm chiếc đũa mãi mới được. Tay run run, gần như không còn hơi thở, tôi nhẹ đặt quả trứng lên đầu đũa. Vài cơn gió thổi nhẹ, lá cây xào xạc. Chỉ một lần, quả trứng đậu ngay, im lìm, vững chãi. Tôi òa khóc. Đến lượt San- cháu trưởng, quả trứng đậu liền. Hiệu làm tiếp theo, run lập cập, tưởng rớt ai ngờ trứng cũng nằm ngay ngắn trên đầu đũa. Một thanh niên địa phương thấy vậy xin thử nhưng làm hết cách trứng vẫn rơi. Những quả trứng đang ngự trên đầu đũa dường như có một lực vô hình giữ chặt mặc gió thổi, tiếng động chân người đi qua đi lại. Lúc tàn hương, tôi lấy quả trứng ra có cảm giác nó hút chặt lấy đầu đũa, hỏi San và Hiệu, cả hai đều có cảm giác y như thế.

Ông Nguyễn Đức Phụng dặn thêm: cần đào sát vào mé tường, nơi có mấy bụi cây (rau ngót) mọc lúp xúp (từ trái sang: Nguyễn Ngọc Trai, Lương Vân - con và rể anh Trác, Nguyễn Quang Hiệu - con anh Huy, Thanh Long, Minh Trí - rể và con trai trưởng anh Trác


Bắt đầu đào hố thứ nhất. Trai liên lạc với ông Nguyễn Đức Phụng nhưng sóng điện thoại di động chập chờn nên không được. Qua lớp đất màu phía trên còn dễ đào, càng xuống sâu càng rắn. Bà con xung quanh kéo đến xem bảo “May đêm qua trời mưa to, đất đã mềm nhiều đấy”. Cả 9 người hì hục đào. Buổi sáng trôi qua, hố thứ nhất đã sâu nhưng vẫn không thấy gì. Nghỉ trưa, kéo nhau ra thị trấn Chùa Hang ăn cơm, mấy cô cháu anh chị em động viên nhau gì thì gì cũng quyết tâm tìm cho bằng được. Nói vậy nhưng lòng tôi mơ hồ nghĩ nếu lần này không tìm được chú thì chả còn dịp nào nữa. Buồn và lo. Buổi chiều kéo nhau về đào tiếp. Một bác thợ xây ra xem mách chúng tôi nên nhờ hai người thợ đấu (chuyên đào đất) có nhiều kinh nghiệm tìm mồ mả ở đây, trong đó có anh Đinh. Mời họ đến. Xem xét một lúc, anh Đinh quả quyết muốn tìm trúng mộ phải đào tìm được cái miệng giếng cũ bởi lúc nhỏ anh thường chơi đùa ở giếng, thấy gần đó có nấm đất hình như là mộ thì phải. Chả biết ai đã đào cái giếng nhưng nước xấu nên sau đó lấp đi. Theo chỉ dẫn của anh Đinh, hố thứ hai được mở rộng về hướng đông, sát góc tường, quả nhiên thấy một miệng giếng cũ còn cả gạch bao. Thật may lúc ấy Trai liên lạc được với nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng. Qua điện thoại, ông Phụng hướng dẫn: “Mộ nằm ở chỗ có nhiều bụi cây lúp xúp, cao khoảng 20- 30cm”. Nhìn kỹ, thật kỳ lạ, xung quanh đây có đến mấy chục bụi cây rau ngót mà chủ nhà vừa mới đốn, chỉ còn cao cỡ như vậy. Ai nấy rất mừng. Xế chiều, mấy cụ bà trong xóm đến chơi xem, thăm hỏi, ngồi ăn trầu uống nước ngay chỗ chúng tôi đào. Một bà sốt sắng “để tôi khấn xin âm dương giúp cô”. Bà Thảo chủ nhà vào buồng lấy cho mượn hai đồng tiền cổ, còn tôi chuẩn bị trầu cau, gạo muối và ít tiền lẻ làm lễ vật khấn xin âm dương. Bà cụ thành kính khấn “Cụ ơi, cụ có nằm ở đây thì cho con cháu xin nhất âm nhất dương. Nhược bằng không phải, xin cụ cũng cho con cháu biết” rồi tung hai đồng chinh lên, rơi xuống lòng đĩa. Nhất âm nhất dương. Bà lão thở phào: “Chắc chắn cụ nằm ở đây, cô ạ !”. Đào tiếp. Trời gần tối, hố thứ hai đã sâu hun hút mà vẫn chưa thấy tín hiệu gì. Anh Trường (lái xe) vốn ít nói suốt từ sáng chỉ quan sát mọi người làm, đến giờ mới lên tiếng: “Chưa thấy ngay đâu, phải đến mai cơ. Cụ còn thử thách con cháu đấy”. Trời tối. Nhà nhà đã lên đèn. Trước khi về để mai đào tiếp, tôi lấy 2 quả trứng còn lại ra thử. San đặt một quả, đậu. Quả kia, trước khi đặt, tôi cẩn thận cắm đầu to của chiếc đũa xuống đất, đầu nhỏ hướng lên trên. Đặt trứng vào, dính chặt. Chúng tôi hẹn hai người thợ đấu ngày mai làm tiếp. Trai và San điện về báo tình hình cho ở nhà yên tâm. Chỉ còn ngày mai nữa thôi. Quê nhà đang đợi từng giờ.
Sáng hôm sau (9.1.2005), Trai liên lạc được với ông Phụng. Ông hỏi: “Đào đến đâu rồi?”. Trai thưa đã sang hố thứ hai nhưng vẫn chưa thấy gì. Ông Phụng: “Phải đào lại hố thứ nhất, sâu hơn và mở rộng vào phía chân tường rào!”. Mọi người đang phân vân hỏi nhau tại sao phải sâu đến thế thì được một người dân địa phương đi ngang qua giải thích đây vốn là sườn đồi, suốt mấy chục năm người ta san lấp dần để trồng trọt, đất từ trên cao trôi xuống sau mỗi trận mưa nên phải bóc hàng mét đất bề mặt mới tới tầng đất gốc. Ông còn cho biết thêm phong tục nơi này khi chôn thường quay đầu về hướng chùa Hang, chân đạp núi Voi, nói xong bỏ đi thẳng. Chúng tôi chợt hiểu rằng đúng là phải có người thạo địa hình nơi này thì mới được, thầm cám ơn người đàn ông vô danh kia. Nguyễn Ngọc Trai thông báo tiếp chỉ dẫn của ông Phụng: “Đầu mộ ở phía có bụi chuối tây”. Nhìn kỹ cả khu vườn bạt ngàn là chuối nhưng duy nhất chỉ có một bụi chuối tây phía giàn trầu, ngay sát miệng hố thứ hai. Những thông tin đã trùng khớp về vị trí, hướng mộ. Đào thêm chút nữa, từ dưới hố sâu, người thợ đấu reo lên: A, có mạch đất khác. Lúc đó Long, Trai, Hiệu cũng đang dưới lòng hố, còn những người phía trên đều đổ xô lại. Giữa hai lớp đất gan gà màu vàng ươm hiện lên một mạch đất đen mỏng, dài khoảng hơn một mét, ước chừng ở dưới độ sâu 2 mét (sau này Hiệu bảo: khi chạm mạch đất đó cháu thấy tự dưng lạnh toát cả người). Ngay lúc ấy ông Phụng bất chợt gọi điện lên hỏi: “Thấy rồi phải không?”. Từ lòng đất một mùi hôi rất lạ xộc lên. Bắt chước bà lão hôm qua, tôi gieo một quẻ xin âm dương, khấn “Nếu quả là chúng con đã tìm được chú, xin cho chúng con biết”. Chỉ một quẻ được ngay. San đã chuẩn bị vải đỏ gói bọc hài cốt liền trải ra, chỉ có vài mẩu xương nhỏ, mấy chiếc cúc áo, còn lại là đất đen. Ông Phụng bảo cứ vét hết lớp đất ấy (thực ra đó chính là hài cốt bị tan biến, quả thật “thân cát bụi lại trở về cát bụi”). Tôi thầm thắc mắc sao ít xương cốt thế, lại không còn mảnh gỗ ván nào. Đang nghĩ vậy thì có người đến hỏi thăm. Ông Thảo chủ nhà giới thiệu đó là Bí thư chi bộ xóm Tân Hương. Ông bí thư trạc tuổi 60 kể rằng hàng chục năm trước ở chính chỗ này thỉnh thoảng lại đùn lên đống mối to tướng. Chợt hiểu, thế thì làm sao mà còn xương, còn gỗ, hơn nửa thế kỷ trôi qua. Tôi thỉnh thoảng lại gieo quẻ và khấn “Nếu đã lấy được toàn bộ hài cốt, xin chú cho biết”, quẻ đều báo chưa hết. Lần gieo cuối, vừa xin xong được nhất âm nhất dương thì tôi nghe người thợ đấu dưới hố sâu tự dưng reo lên “Cô ơi, hết rồi, chắc chắn không còn gì nữa đâu!” cứ như chú Liễn nhấp về báo tin cho biết vậy.
Dọn dẹp san lấp hố và làm lễ tạ xong, Kha đi gặp anh Thanh thông báo sự việc và xin phép cho đưa hài cốt về ngay để kịp an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Chúng tôi vào nhà cảm ơn gia đình ông Thảo đã tận tình giúp đỡ, gửi tiền nhờ gia đình làm một cái lễ tạ ơn theo đúng phong tục, tiền nhờ người sửa sang lại vườn tược... Hơn 11 giờ, cả đoàn lên xe trực chỉ Hải Phòng. Trên đường về cảm thấy rõ một mùi hôi lạ thường vương vất, quấn quít trên xe, lòng tôi thầm nhủ “Đúng là chú Liễn rồi, không thể nào sai được”. Lúc qua Phả Lại dừng xe vào ăn cơm, San, Long, Trí thật chu đáo mỗi khi lên xuống đều kính cẩn khấn mời ông theo cùng. Đúng 14 giờ, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Liễn về đến nghĩa trang liệt sĩ xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) được Đảng ủy, chính quyền và gia đình đón tiếp chu đáo, làm lễ an táng trọng thể cùng ngày. Sau 54 năm kể từ khi hy sinh, chú Liễn tôi đã trở về nằm yên ấm trên mảnh đất quê hương.


Lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Liễn được tổ chức trọng thể chiều cùng ngày 9.1.2005, đưa ông về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà sau gần 50 năm

Có kết quả tốt đẹp này, chúng tôi xin được cảm tạ tấm lòng tốt của bà con xóm Tân Hương, xã Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; của gia đình ông bà Thảo và bà Mai Trung Lâm, các anh Đỗ Ngọc Văn, Nguyễn Văn Thanh, anh Định; ông Khánh, ông Phất (Thành ủy Hải Phòng) cùng nhiều người vô danh khác. Đặc biệt xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ông bà Hanh (con cụ Nguyễn Thị Năm), cô đồng Hà, sư cụ chùa Hang, ông Nguyễn Đức Phụng và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, nếu không có sự giúp đỡ tận tình của các vị chắc chắn gia đình tôi không thể tìm được người thân.
Tất cả những gì chúng tôi đã trải qua, đã thực hiện và chứng kiến là hoàn toàn có thực. Có đôi chút ngẫu nhiên, trùng lặp kỳ lạ rất khó tìm lời giải đáp. Chúng tôi cũng như bạn đọc hãy cứ tin rằng quanh ta còn rất nhiều điều kỳ diệu, nó tự nhiên như cuộc sống vậy, chỉ có điều ta chưa hiểu hết mà thôi.

NGUYỄN THỊ NGỌT - NGUYỄN THÔNG

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Vàng hay không vàng?


Thay mặt cho nhân dân bị bóc lột, tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không dân dụng và Vietnam Airlines thử nghiệm 1 lần thôi chuyến bay theo đường bay vàng (kinh tuyến 106 độ đông), hay dở thế nào sẽ bộc lộ ngay, cãi qua cãi lại mãi, mệt đít.

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Chẳng vội mừng

Ngày 30.11.2009, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dõng ký ban hành quy định mới nhất liên quan đến sân golf, cụ thể cấm tiệt việc sử dụng đất lúa hai vụ để làm sân golf. Mới nghe qua, thấy sướng. Nhưng hỡi ôi, đến khi ông thủ tướng quyết định dứt khoát được như vậy thì cái loại sân chết tiệt ấy đã phủ khắp nước rồi, mà toàn đất bờ xôi ruộng mật. Quy định cũng chỉ cấm lấy đất ruộng làm sân golf thôi, còn bọn cá mập nó lập dự án sân golf nhưng lại câu kết với nhau không làm sân (chúng tôi có vi phạm quy định đâu) mà xẻ ra phân lô bán nền, xây biệt thự (như sân golf Long Thành ở Đồng Nai vậy), ông có cấm được không? Hàng trăm ngàn nông dân bị mất đất bởi sân golf hiện chưa biết sống thế nào, chỉ béo mấy anh nhà giàu và quan chức đú đởn với golf. Lại nhớ cách đây mấy năm, hàng trăm nông dân huyện Đông Anh (Hà Nội) đứng ra ngăn cản Ban tổ chức không cho làm lễ động thổ sân golf trên đất ruộng hai vụ của họ, 3 người bị công an bắt, quy tội cầm đầu, gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ... Họ bị xử tù, gia đình tan tác, chả biết bây giờ đã được thả ra chưa? Golf đúng là thứ đại họa của nông dân. Bây giờ ông thủ tướng mới nhận thấy điều ấy thì cũng hơi muộn nhỉ.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Viếng bạn Đặng Ngọc Khoa

Chiều nay 2.12, nghe tin bạn đồng nghiệp Đặng Ngọc Khoa không vượt nổi mệnh trời, thấy buồn thương cho bạn. Hắn nằm ngoài Đà Nẵng cũng đã lâu, bệnh ung thư quái quỷ làm hắn đau đớn, cũng muốn ra thăm bạn lắm nhưng ác nỗi... không có tiền (cha bố đồng tiền). Mình làm báo nhưng nghèo, cũng nghèo như hắn, giống nhau ở chỗ tính ương bướng, thẳng thắn, thấy chướng tai gai mắt là quật, các lãnh tụ không ưa, triều nào cũng vậy. Lại nhớ hồi năm 2000, hai đứa đi Phan Thiết (Bình Thuận) dự hội nghị toàn quốc về cây điều, ở chung phòng tâm sự biết bao điều, giờ có cảm giác như vừa mới xảy ra. Ừ, trời gọi thì đi cho thanh thản, đời cũng lắm chuyện buồn, chả cần phải luyến tiếc níu kéo gì. Khoa kém tuổi mình nhưng có nhiều cái hắn từng trải đáng nể. Thôi, mày đi, như người ta nói, sang thế giới bên kia, cầu chúc bạn mình nhập tịch định cư nơi đó dễ chịu hơn cõi đời trần tục này.
Viếng Khoa câu đối, thay cho nỗi lòng:
Múa bút bao năm, làng báo chẳng quên người viết BÃO
Mài nghiên mươi bận, bạn bè vẫn nhắc kẻ mê VOI
(Ghi chú: Ở báo Thanh Niên, Khoa là phóng viên chuyên viết về voi, voi Bình Thuận, voi Quảng Nam, voi Đồng Nai; sau này ra Đà Nẵng, tự học thêm tiếng Anh thông thạo, chuyên viết về bão, sử dụng tài liệu nước ngoài rất chuẩn xác)