Điều tra kẻ phá nhà. Thật nực cười. Căn nhà chứ không phải con muỗi mà bảo đập bộp một phát là xong, bố ai biết. Chuyện xảy ra giữa ban ngày ban mặt. Công an mật vụ canh gác vòng trong vòng ngoài, kẻ lạ đố vào lọt hiện trường. Bao nhiêu người chứng kiến, cứ hỏi họ là xong ngay. Điều tra cái con khỉ. Hạ màn thôi, đừng làm trò hề nữa.
Không bàn chuyện chính trị. Chỉ quan tâm các vấn đề xã hội. Đá để xây chứ không để ném. nguyenthong8355@gmail.com
Bạn bè
Tổng số lượt xem trang
Tìm kiếm Blog này
Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012
Đừng diễn trò nữa
Điều tra kẻ phá nhà. Thật nực cười. Căn nhà chứ không phải con muỗi mà bảo đập bộp một phát là xong, bố ai biết. Chuyện xảy ra giữa ban ngày ban mặt. Công an mật vụ canh gác vòng trong vòng ngoài, kẻ lạ đố vào lọt hiện trường. Bao nhiêu người chứng kiến, cứ hỏi họ là xong ngay. Điều tra cái con khỉ. Hạ màn thôi, đừng làm trò hề nữa.
Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012
Đức vua đi cày ruộng
Xem ảnh cảnh ông Trương chủ tịch nước đi cày ruộng tại lễ hội tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) thấy chướng mắt ở chỗ ông chủ tịch thì xắn quần cày, còn bọn lau nhau rối rít xung quanh đứa nào cũng còm lê, ca vát, giày đen bóng lộn, đủ cả quân dân chính đảng. Tôi mà là ông Trương, tôi đá đít đuổi cổ về hết, mắng te tát cha bố chúng mày, ăn hạt gạo của dân mà chỉ đóng vai nông dân vài chục phút cũng không ra hồn. Cái quần không dám xắn thì còn làm được cái đếch gì. Dân người ta chân không lội bùn cả đời để nuôi chúng bay chắc.
Phải nói cho công bằng, các vị lãnh đạo cấp cao nhiều khi muốn làm điều tốt nhưng bọn đệ tử nó cứ phá cho bằng hết. Vua anh minh mà không có bề tôi giỏi thì cũng như tượng thờ mà thôi.
Ảnh: ĐỨC ANH (CAND) và BẢO SƠN (Petro Times)
30.1.2012
Nguyễn Thông
Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012
Thử đi hai hàng
Lời hay ý đẹp (1)
Lời đầu tiên, xin được trích xuất trong bài của cụ bà Lê Hiền Đức, một người phụ nữ dũng cảm, nhân vật nổi tiếng về chống tham nhũng, bênh vực cho người nghèo. Xin cám ơn cụ Đức.
"Vì dân vi bang bản, ý dân là ý trời nên chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lí, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự phóng to của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng mà thôi. Và chừng đó, trên khắp đất nước Việt Nam này sẽ xuất hiện thêm nhiều Đoàn Văn Vươn, kèm theo đó là hàng triệu, hàng triệu người ủng hộ, tôn vinh Đoàn Văn Vươn".
(Trích nguyên đoạn trong bài "Thế thiên hành đạo" của cụ Lê Hiền Đức, đăng trên blog Nguyễn Xuân Diện, chủ nhật 29.1.2012)
29.1.2011
Nguyễn Thông
Bài mới, hay về vụ Tiên Lãng trên báo Thanh Niên
Luật sư Lê Đức Tiết (thứ 3 từ trái sang) ghi nhận ý kiến của người dân tại xã Vinh Quang hôm 21.1. Ảnh: Hải Đăng
Tôi đã đi nhiều "điểm nóng" về khiếu kiện, thu hồi đất đai nhưng chưa ở đâu tôi thấy có hố ngăn cách giữa người dân (cả người liên quan và không liên quan đến vụ việc) với cán bộ chính quyền lớn như ở Tiên Lãng lần này.
Trong các vụ việc cưỡng chế, thường chính quyền và người dân sẽ nảy sinh mâu thuẫn, nhưng ở các nơi khác, tổ chức Đảng, các đoàn thể địa phương như MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, cơ quan dân vận sẽ là cầu nối để giải thích cho người dân, làm cho người dân không thấy đơn độc, không bị đẩy đến đường cùng. Ngay cả khi đã xảy ra cưỡng chế, họ vẫn được thăm hỏi, động viên và tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ. Trong những vụ việc như thế này, vai trò của các tổ chức đoàn thể là cực kỳ quan trọng để giúp người dân còn giữ lòng tin vào chính quyền. Nhưng rất tiếc, những người dân ở Vinh Quang, Tiên Lãng mà chúng tôi hỏi, họ đều nói rằng không còn tin vào cán bộ lãnh đạo cấp xã, cấp huyện.
![]() | Chưa ở đâu tôi thấy có hố ngăn cách giữa người dân với cán bộ chính quyền lớn như ở Tiên Lãng lần này | ![]() |
Luật sư Lê Đức Tiết | ||
Theo ông, việc cấp bách mà địa phương cần làm hiện nay là gì?
Đó là MTTQ, các tổ chức đoàn thể phải bắt tay ngay vào việc hàn gắn mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Không nên coi đây là việc đứng về phía người phạm tội. Hành vi bắn vào công an, bộ đội của anh Quý hay một số người khác sẽ có pháp luật điều tra, xử lý. Nhưng gia đình, vợ con các anh ấy là người đang gặp rất nhiều khó khăn, không có nhà cửa, thủy hải sản bị lấy hết, tết phải căng lều sống tạm bợ...
Cần bắt tay vào việc cụ thể, như Hội phụ nữ giúp đỡ vợ con các anh ấy ổn định cuộc sống. MTTQ cần phối hợp với chính quyền để đối thoại với người dân làm đầm ở Tiên Lãng, bởi còn hàng chục hộ dân đang canh tác trên hàng trăm héc ta đầm tương tự như anh Đoàn Văn Vươn. Nếu không đưa ra hướng xử lý rõ ràng thì việc cưỡng chế đầm rất có thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ chống đối, thậm chí những vụ việc quá khích có thể bùng phát và lan rộng.
Không thể coi vụ của anh Đoàn Văn Vươn là việc nhỏ, chỉ liên quan đến một vài gia đình họ hàng anh Vươn, hoặc chỉ trong phạm vi xã Vinh Quang, Tiên Lãng. Người dân ở nhiều nơi thuộc TP.Hải Phòng, thậm chí ở cả các tỉnh khác, những vùng có đất đai đang bị thu hồi, những vùng nuôi trồng thủy sản... sẽ nhìn vào kết quả điều tra vụ việc, cách hành xử của chính quyền Hải Phòng để có cách xử trí với vụ việc của họ.
Đoàn giám sát có trở lại Tiên Lãng, thưa ông?
Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012
Thọ như K17
BÁ TÂN - T.Đ
Sợ tết
Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012
Nhạt như… Táo quân và các hội đoàn
Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012
Đêm nằm năm ở xứ Mạc-tư-khoa
Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012
MỚI
BÁ TÂN
Mới từ trên xuống dưới.
Mới từ trong ra ngoài.
Mới làm vẫn cứ làm.
Mới ăn chuyển sang uống.
Mới cả viết và nói.
Nghĩa cũ hơn nhà mới.
Thầy cũ tình luôn mới.
Quê cũ gieo người mới.
Sân cũ trận đấu mới.
Tuổi mới đừng đến sớm.
Tiết xuân Nhâm Thìn, mùng một.
Bá Tân
Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012
Open Nhâm Thìn
-LÚC CHỜ XUÂN ĐẾN, XIN XẮN MỘT TAY KÉO MÙA XUÂN LẠI
-KHI ĐÓN TẾT VỀ, HÃY XOẠC HAI CHÂN NGÁNG GIÓ ĐÔNG TRÀN.
Tặng tất cả mọi người:
-Xuân tươi năm mới đầy hạnh phúc
-Lòng vui đời đẹp đẫy hoan ca.
Mùng 1 tết Nhâm Thìn
Nguyễn Thông
Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012
Lời chúc trước giao thừa
22.1.2012 (29 tháng chạp Tân Mão), lúc 2:45 pm, chỉ còn hơn 11 tiếng nữa là giao thừa Nhâm Thìn.
Nguyễn Thông
Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012
Những bài hát của một thời (21): Làng tôi (nhạc sĩ Hồ Bắc)
Cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh: Chính quyền cố tình vi phạm pháp luật, dồn người dân vào chân tường
Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012
SỢ TRÙNG TÊN
Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012
Tôi chán ông Thoại quá
Hải Phòng ngày xưa để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người, nhất là thời chiến tranh. Hải Phòng từng được tặng 4 chữ vàng "trung dũng, quyết thắng", được nhạc sĩ, thi nhân ca ngợi "Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu" dễ gì quên được. Đất Hải Phòng dữ dội, người Hải Phòng cần lao. Ông anh đồng môn với tôi, học trước tôi vài khóa, nhà thơ Nguyễn Dương Côn (quê Thái Bình) có bài thơ mà tôi nhớ nhất hai câu: "Hải Phòng, cái thành phố ăn nằm với biển/ Đẻ ra những đứa con cần lao". Tôi là một trong số những đứa con cần lao ấy, tôi từng tự hào về mảnh đất quê mình.
Hai bài thơ của bác Bùi Văn Bồng (về Tiên Lãng)
Mình đọc báo nhiều, dạo trước hay thấy tác giả Bùi Văn Bồng, một nhà báo kỳ cựu trên báo Quân đội nhân dân, người mà mình rất ngưỡng mộ. Không biết có phải chính bác Bồng này? Dù là một hay hai thì đều tuyệt vời.
Xin giới thiệu với cả nhà.
Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012
Những bài hát của một thời (20): Một mùa xuân nho nhỏ
Nguyễn Du viết về vụ Tiên Lãng
...Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
Người nách thước kẻ tay dao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,
Rụng rời khung cửi tan tành gói may
Đồ tế nhuyễn của riêng tây
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
Điều đâu ai buộc ai làm,
Nào ai đan giập giật giàm bỗng dưng?
Hỏi ra sau mới biết rằng:
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ.
Cả nhà hoảng hốt ngẩn ngơ,
Tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây.
Hạ từ van lạy suốt ngày,
Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn.
Rường cao rút ngược dây oan,
Dẫu là đá cũng nát gan lọ người!
Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu trời nhưng xa!
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền...
(trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
16.1.2012
Nguyễn Thông
Ông táo về trời
Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012
Sự kiện Tiên Lãng và "giọt nước tràn ly"
GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ
Câu chuyện cưỡng chế bằng sức mạnh để thu hồi đất khai hoang ven biển trước thời hạn giao đất vừa qua ở Tiên Lãng, Hải Phòng là một giọt nước làm tràn ly. Giọt nước này đang xẩy ra ở nhiều nơi, nhưng ở đây thể hiện nhiều điều làm mọi người ở các cương vị khác nhau phải suy nghĩ, bắt đầu từ các Đại biểu Quốc hội sẽ xem xét để thông qua Luật Đất đai mới trước năm 2013, tới các quan chức địa phương đang thực thi và kiểm tra việc thực thi pháp luật đất đai, tới người nông dân bình thường đang lo lắng về đời sống chật vật hàng ngày nhờ vào đất đai. Trong sự việc ở Tiên Lãng, một quyết định sai của UBND huyện về thu hồi đất trước thời hạn do pháp luật quy định là điểm bản lề dẫn tới những sai phạm khác. Không có quyết định này thì không có cưỡng chế và không sự phản kháng của dân trong vô vọng...
Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012
Thương một kiếp người
Vườn chuối, hồ ao bỗng tan hoang
Nhà thành gạch vụn, máu còn loang
Cũng một kiếp người thôi, trời ạ
Kẻ vào bệnh viện, kẻ nhà giam
Mai sau ai có về Tiên Lãng
Nghe chuyện anh Vươn dám chống trời
Bùi ngùi nhớ lại thời chua xót
Cái tàn cái độc đã lên ngôi
14.1.2012
Nguyễn Thông
Mấy mụ ham chơi
Bọn con gái lớp mình, K17, tuy lĩnh lương hưu cả rồi nhưng vẫn nhuận sắc ra phết. Chỉ có điều, các mụ ham chơi quá, cứ sểnh một tí là đi đây đi đó, bỏ cả nhà cửa chồng con, gác việc bú mớm chăm sóc đám đàn ông. Nhưng thôi, phải thông cảm với chúng nó, các cụ chả bảo "chơi xuân cho hết xuân đi/cái già sồng sộc nó thì đến nơi" là gì.


Đi xa thì chúng vời đến Lê Ngọc Tân (thằng này có ô tô, tính rộng rãi), còn gần thì hết nhà đứa này đứa khác. Mấy tấm ảnh dưới đây chụp khi chúng đến nhà thị Độ. Thị tốt tính, xinh tươi, lại có ông xã là thi sĩ Ánh Hồng. Theo tự thú của thị thì thị đã bị chàng cua từ hồi năm thứ nhất thứ nhì gì đó nên giờ mình mới hiểu vì sao bọn đàn ông cùng lớp hồi ấy không dám sán lại gần thị. Kể cũng tiếc.


Chán cho cái thằng Bá Tân. Bọn con gái đi đâu nó cũng cứ bám theo, lại còn thổi sáo nữa. Nhìn mày cầm cây sáo là biết mày giỏi nhạc thế nào rồi, hehe.
1.2012
Nguyễn Thông
Miệng quan...
Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012
Nhâm Thìn, đừng như con rồng lộn

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012
Thanh Niên khởi sắc

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012
ĐẤT
Truyện ngắn của ANH ĐỨC
Hồi gần Tết Giáp Thìn, đâu tối hăm ba Tết thì phải, anh Định phụ trách tòa soạn tờ báo tỉnh bảo tôi:
- Nè, hay là cậu đi Xẻo Đước một chuyến đi. ấp chiến lược Xẻo Đước đã bị phá dứt điểm rồi. Cậu viết một bài nói về cái Tết đầu tiên của bà con mới thoát vòng kềm kẹp ở đó thì hay lắm. Nhân tiện cậu giải quyết luôn chuyện chiếc xuồng...
Tôi nói:
- ờ được, để tôi đi!
Và hôm sau tôi sửa soạn lên đường, với nỗi vui xen lẫn hồi hộp. Trở lại Xẻo Đước giải phóng, tôi sẽ gặp lại những bà con quen suốt mấy năm ròng lăn lộn đấu tranh. Thế là, với thói quen thường có, trong đầu tôi chưa chi đã phác ra những tình tiết: bà con nông dân trở về ôm chầm lấy những gốc cây bị giặc đốn mà khóc, những bờ lũy ấp chiến lược bị san bằng, từng đống dây thép gai bị vo cuộn lại, và tôi còn mường tượng ra cả tiếng mái chèo vỗ nhịp trên sông v.v... Theo tôi, trong một thiên phóng sự nói về sự tự do của đất thì không thể nào không đả động đến mọi thứ ấy.
Nhưng mà, hỡi các bạn đọc thân mến của tôi ơi, còn một điều tôi chưa nói rõ với các bạn. Đấy là câu chuyện về chiếc xuồng mà Định vừa căn dặn tôi giải quyết trong chuyến đi này. Nguyên do thế nào mà Định dặn tôi như vậy? Thưa các bạn, vì chiếc xuồng ấy mà bấy nay lòng tôi cứ thấp thỏm không yên. Cũng chẳng phải chỉ riêng tôi, cả anh phụ trách tòa soạn nói trên, phải chính Định đấy, anh ta đã cùng tôi mượn một chiếc xuồng của bà con Xẻo Đước đi mấy năm nay mà chưa có dịp đem trả.
Xẻo Đước vào năm ấy tình hình thật sức khó khăn. Ban đầu chúng tôi còn ở ngoài xóm, về sau bọn giặc tổ chức "tự vệ hương thôn" lùng riết quá, chúng tôi không ở xóm được nữa. Vào ở trong cứ rừng, với một cái "rađiô" cổ lỗ sĩ và cái máy quay "rônêô" lâu đời, chúng tôi vừa bắt vọp ăn vừa chép tin, in tin. Làm công việc đó được năm sáu tháng, tới cuối tháng chạp ta năm 59, chúng tôi nhận được lệnh cấp ủy bảo phải cấp tốc di chuyển về một vùng khác để xây dựng công tác in ấn. Thư cấp ủy dặn chúng tôi tối hôm ấy ra bờ sông sẽ có xuồng đón. Hai chúng tôi vác máy lội từ trong cứ rừng ra bờ sông. Quần áo hai đứa đều ướt hết cả. Chúng tôi chui vào một lùm ráng ngồi đợi. Nhưng đợi mãi mà chẳng có xuồng bộng nào đến đón. Một tiếng đồng hồ trôi qua... Rồi hai tiếng. Cũng chẳng thấy bóng xuồng. Tôi và Định sốt ruột quá. ở đây không thể đi đường bộ được. Mà thư thì dặn phải đi gấp. Bấy giờ giữa đêm hai mươi tám Tết, chúng tôi cứ lom khom bò ngược bò xuôi trên bờ sông, ngóng đợi, Định nói:
- Tôi e anh em đi đón mình gặp chuyện không hay rồi!
Tôi lưỡng lự đáp:
- Có thể... Nhưng rán đợi một chút nữa coi!
Sương đêm cuối năm xuống mới lạnh lẽo làm sao. Bờ sông quạnh vắng. Đêm tối ngửa bàn tay không thấy. Trời lạnh, nhưng chúng tôi không dám đốt thuốc hút. Muỗi cắn cũng không dám đập mạnh. Tôi và Định ngồi trong lùm ráng dõi mắt nhìn ra sông. Vẫn không thấy gì cả. Định khẽ nói:
- Hết hy vọng rồi Bảy à. Có lẽ phải vô xóm kiếm mượn một chiếc xuồng thôi!
Tôi tán thành ý kiến đó của Định và xung phong đi. Định dặn tôi:
- Phải cẩn thận nghe. Lúc này không phải là lúc chúng ta hy sinh hoặc để bị bắt đâu!
Tôi cầm trái lựu đạn, nhón bước ra khỏi lùm ráng. Cái nhà trước tiên tôi nghĩ tới chuyện mượn xuồng là nhà ông Tám, một gia đình quyết không rời bỏ Đảng và Cách mạng những ngày đen tối nhất. Ông Tám là một ông già trạc ngót bảy mươi, hãy còn gân guốc, và là người duy nhất ở Xẻo Đước hồi thuở heo rừng còn vô ỉa trong chòi, lúc cọp còn rình rập những người tới khẩn đất, và con chim đi theo cọp đêm đêm cứ kêu nghe "boong boong... krỏi... krỏi". Nói không ngoa, ông Tám chính là một cuốn trong bộ sử biên niên của xứ U Minh Hạ này đó vậy. Ông là một tay bẫy heo rừng và chồn cái thật kỳ tài. Trời ban cho ông một cái mũi tinh nhạy đến nỗi chỉ cần ngửi nước rạch buổi sáng ông cũng biết ngay là có heo rừng hay là chồn đến đây uống nước hồi đêm. Đứng gần người ông, lắm lúc tôi cứ nghe như toát ra mùi hương vị của rừng nê địa, của cây đước, dòng kinh biển, ngọn lửa không bao giờ tắt dưới đất xốp mỡ màu.
... Khi tôi lần đến cái ụ xuống nhà ông thì thấy có xuồng đậu trong ụ. Dưới xuồng có cả chèo nữa. Tôi định lên nhà. Thình lình nghe tiếng chó sủa ran. Tôi dừng lại. Từ trong nhà có tiếng chân hấp tấp đi ra. Tiếng ông Tám quát:
- Ai đó?
Tôi khẽ đáp:
- Tôi...
Ông Tám ôm chầm lấy tôi trong bóng tối. Ông cho tôi biết vừa rồi tụi tự vệ hương thôn mới đi tuần ngang. Tôi liền trình bày tình cảnh chúng tôi và hỏi mượn xuồng. Ông Tám nói ngay:
- Được, được, cứ việc lấy đi!
Tôi quay trở lại lấy xuồng. Rủi cho tôi, dây buộc xuồng là dây xích sắt. Lúc tay tôi với lấy, sợi xích bật kêu rủng rẻng. Kế đó lại có tiếng chân thình thịch đi tới. Ông Tám đằng hắng. Tôi biết ngay là có động. Chắc bọn tự vệ hương thôn đi tuần đã trở lại. Ghìm sợi dây xích trong tay, tôi nín thở, hồi hộp. Bọn tự vệ hương thôn đi qua, tôi nhè nhẹ tháo từng mắt xích một. Xong rồi, tôi kéo chiếc xuồng ra khỏi ụ, dong về phía bờ sông mà Định đang ngồi đợi.
Giữa đêm trừ tịch đó, tôi với Định vượt khỏi Xẻo Đước trên chiếc xuồng của ông Tám. Dọc đường, trong lúc tìm quai chèo, tôi phát hiện ra sau lái xuồng còn có bốn đòn bánh tét lớn và hai gói trà "Thiết La Hán" giấu kỹ dưới sạp. Tôi cầm đòn bánh lên, thấy vẫn còn ấm. Thật là lạ. Chẳng biết ông Tám để bánh và trà dưới xuồng làm gì. Chúng tôi đoán chắc ông Tám tính đem cho bà con.
Sau khi rời Xẻo Đước, chúng tôi không đem trả chiếc xuồng ngay được. Một phần vì công việc ngày đồng khởi dồn dập quá nhiều. Lẽ khác là sau đó ít lâu Xẻo Đước bị đóng thêm bốt, đồng bào bị giặc vây ép gắt gao hơn. Cho tới lúc Xẻo Đước trở thành ấp chiến lược, tôi chẳng biết sự thể đó ra sao nữa.
Mãi đến hôm nay, tôi mới về lại Xẻo Đước. Cơ quan xuất cho tôi một số tiền tương đương với chiếc xuồng để tôi hoàn lại ông Tám.
Tôi về đến Xẻo Đước vào hôm hai mươi Tám Tết. Xóm làng ở ven sông có vẻ huyên náo hẳn lên. Dưới các bến, mấy thím mấy chị đang kỳ cọ tách đĩa, cười cười nói nói. Trên bờ các em túm tụm múa hát. Một cái lò bún đang ồn ào. Trong buổi chạng vạng, tôi nhìn thấy những cọng bún trắng nõn thòng xuống miệng ảng. Trên các mái nhà, khói ấm bốc lên. Quả nhiên, tôi nhìn thấy cả dây thép gai. Nhưng dây thép gai không vo cuộn lại, mà dàn ra, vây kín lấy xóm ấp. Cả những bờ lũy cũng còn sờ sờ trước mặt. Một tấm biển cắm sát ven sông, tôi chèo sát, và nhìn thấy dòng chữ "Quyết tử giữ làng". Tôi tự nhủ: "Vậy là ấp chiến lược đã xoay ngược chiều lại rồi!".
Đêm xuống dần. ánh đèn bắt đầu nhảy nhót trên các nhà. Tôi thấm đoán: "Có lẽ những trã bánh tét muộn màng nhứt giờ này cũng bắc lên rồi!"
Cho dù trời tối, tôi vẫn không quên cái bến nhà ông Tám, chỗ tôi đã rón rén kéo chiếc xuồng dạo nọ. Bây giờ trên bờ án ngữ một bức thành đất dày, cao có tới bốn lỗ châu mai sâu hun hút. Bên ngoài ụ xuồng, dây thép gai ràng rịt sát mặt nước, chỉ còn để hở một lối nhỏ vừa đủ chen lọt mũi xuồng.
Tôi lách xuồng vào ụ, buộc dây. Sợi xích sắt nay cũng rủng rẻng khua lên trong tay tôi. Nhưng tôi không hồi hộp nín thở như trước nữa. Giờ đây, giá tôi có vung sợi dây xích xuồng lên, cho nó tha hồ kêu thì việc gì ấy chỉ có nghĩa là báo cho ông Tám biết là có khách tới mà thôi. Chính bây giờ cái ý niệm về hai chữ tự do trong tôi mới thật rõ, thật cụ thể. Tự do như có thể sờ nắn được trong tiếng động thoải mái của một sợi dây xích. Tự do ở bước chân tôi đặt lên con đường đất. Và tự do được đánh dấu chỗ cổng nhà ngày trước bọn giặc vẫn thường rậm rịch kéo qua.
Người tôi gặp đầu tiên trong nhà không phải là ông Tám mà là anh Hai Cần, con của ông, và một số anh em du kích. Họ đang ngồi quây quần trên bộ ván giữa, ăn uống, súng ống để bên cạnh.
Tôi bước vào. Mọi người ngẩng lên. Nhưng họ chưa nhận ra được tôi. Mãi một lúc sau, anh Hai Cần vụt kêu "a" lên một tiếng rồi nhảy từ trên bộ ván xuống, vồ lấy hai vai tôi. Anh ngó tôi với đôi con mắt như bị chóa đèn và la:
- Trời ơi, chú Bảy...
- Phải, tôi đây anh Hai!
- Trời đất, chú đi đâu mà đi biệt Xẻo Đước mấy năm nay vậy chú Bảy?
- Đi công tác chớ đi đâu... Sao, cả nhà mạnh giỏi bình yên hết hả? Bác Tám đâu rồi?
- Ba tôi?
Anh Hai Cần chỉ nói thế, rồi đứng sửng. Đoạn anh nói tiếp giọng buông thõng:
- Ba tôi chết rồi!
Ông Tám chết. Tôi chưng hửng đứng lặng. Anh Hai Cần không nói thêm tiếng nào nữa. Anh nắm tay tôi kéo lại bộ ván, ra ý bảo tôi ngồi xuống. Một anh ngồi phía trong nói:
- Thôi, chuyện cũ để rồi nói sau... Bây giờ chú Bảy ngồi đây nhậu chơi với tụi tôi vài ly đã...
Tôi ngồi ghé xuống. Giờ tôi mới nhận ra từng người. Người vừa nói là chú Tư Đương. Chú này hồi đó cũng ở trong đội tự vệ của địch, có lần bị xua đi lùng "cứ", chính chú đã bước giẫm lên người tôi, kéo ráng phủ kín cho tôi và nói: "Nằm cho kỹ một chút nghe!". Tất cả mấy anh em ngồi nhậu tôi đều biết cả. Hầu hết anh nào trước kia cũng bị bắt ép vào đội tự vệ hương thôn, anh nào cũng từng vác gậy rượt chúng tôi, nhưng cũng chính họ là những người bảo vệ chúng tôi tích cực nhất. Họ là những người trải qua cái thời kỳ xóm làng bị chìm ngập trong tăm tối, bị vây bọc bởi dây thép gai, và bây giờ thì họ là những người du kích đứng sau lũy chiến đấu. Khi họ nâng ly rượu trao cho tôi, tôi nhận ra rượu Xẻo Đước vẫn trong vắt như xưa. Nhìn những tăm rượu trào lên trong ly, tôi thẫn thờ nghĩ tới ông Tám. Ông Tám chết trong trường hợp nào, tôi chưa được rõ. Anh Hai Cần vẫn chưa nói cho tôi biết. Một anh nào đó lại cất tiếng giục tôi:
- Làm đi, chú Bảy!
Tôi uống ly rượu làm nhiều lần, uống từng hớp một. Cái chai lít sau đó lại ghé vào miệng ly tôi, rót nữa. Tôi giơ tay ngăn lại:
- Nói thiệt với mấy anh, tôi còn phải đi...
- Đi đâu, Tết nhứt mà còn lặn lội đi đâu?
Anh Hai Cần thì nài nỉ thành thực:
- ở lại chơi chú Bảy. ở ngủ với tôi một đêm, rồi tôi nói chuyện cho nghe...
Tiệc rượu nhỏ đêm cuối năm kéo dài không lâu. Anh em du kích lần lượt xách súng đi hết, người đi bám lộ, kẻ đi gác. Chị Hai Cần dọn cơm cho tôi ăn và nói với chồng:
- ở nhà chơi với chú Bảy, tôi đi họp phụ nữ tính chuyện ngày mai đem bánh trái ủy lạo anh em bộ đội coi...
Chị Hai Cần đi rồi, chỉ còn lại có tôi với anh Hai. Tôi hỏi chuyện về cái chết của bác Tám. Anh Hai Cần lặng thinh. Lát sau anh chậm rãi bảo tôi:
- Chú Bảy à, tối đó ba tôi tính đem bánh, trà vô "cứ" cho mấy chú. Ba tôi ổng lo lắm, sợ Tết nhứt mấy chú ở trong "cứ" buồn. Chiều đó vợ tôi luộc bánh chín rồi, ba tôi liền lấy bốn đòn đem ém dưới sạp xuồng... ổng sợ tụi nó thấy. Tính khuya là chống xuồng vô mấy chú. Ai ngờ khuya tụi nó cứ đi rỏn hoài.
Tôi nói:
- Hèn chi tôi rờ mấy đòn bánh tét thấ còn nóng. Anh Hai ơi, vậy là tụi tôi có lỗi với bác Tám lắm. Bữa nay chẳng giấu gì anh, tôi đem hoàn lại gia đình một số tiền. Chiếc xuồng dạo nọ...
Anh Hai Cần im lặng, không nói gì hết. Hồi sau, anh ngước lên, mắt đỏ hoe. Anh không nhắc nhở gì tới chuyện chiếc xuồng nữa:
- Ba tôi mất hồi năm ngoái, chú Bảy à. Lúc đó tụi nó ráo riết dồn bà con vô ấp. Không ai chịu đi. Chú biết nhà tôi thì ở ngay đầu xóm nên mỗi lần tụi nó kéo vô là ghé trước. Năm lần bảy lượt o ép, ông già tôi đều kiếm cách lướt qua hết. Ba tôi nói: "Nhà mình ở đầu xóm mà núng thế thì không làm gương được cho lối xóm!". Thật, nhà tôi không động đậy, cả xóm cũng không nhúc nhích. Lính tráng gặp ba tôi thảy đều ngán. Ban đầu ba tôi nói: "Nhà tôi cũng như nhà mấy chú, đừng có nghe lời người ta tới đây đòi dọn đòi dời, tôi không đi đâu!". Lượt sau chúng lại vô, hùng hổ dỡ nhà, ba tôi đem cây mác mài bén ngót ra phóng cắm giữa nhà, nói:
- Tôi nói thiệt chớ không phải giỡn đâu. Chú nào leo lên rút một cọng lá tôi chém cho coi! - Ba tôi nói tỉnh khô vẫn gọi tụi lính bằng "chú". Không thằng nào dám leo lên dỡ nhà hết. Tụi nó nhắm không êm, bỏ nhà tôi kéo qua nhà thím Sáu Ơn, tưởng đâu đàn bà góa thì dễ ăn hiếp. Nào ngờ thím Sáu Ơn cũng không chịu đi. Tụi nó bật lửa đòi đốt nhà. Thím Sáu bồng bế kêu hết mấy đứa con ra ngồi giữa nhà nói:
- Đốt cho mẹ con tôi chết luôn thể!
Thằng lính sắp đốt nhà nghe thím nói thì buông mồi lửa, ngẩn ngơ. Vậy là lần đó, tụi nó cũng bó tay kéo về. Thằng quận trưởng Sông Đốc tức lắm. Nó cách chức thằng đồn trưởng Xẻo Đước, đổi thằng khác tới. Thằng đồn trưởng mới này tên là thằng Đởm, chánh cống ác ôn. Mới về, nó tuyên bố:
- Tôi không lùa được dân Xẻo Đước thì tôi chết sao?
Rồi mới tới ngày hôm trước, hôm sau nó đã dắt lính vô. Hay tin, ba tôi vẫn điềm tĩnh ngồi tại bộ ván giữa này. Cử chỉ ba tôi lúc đó coi khác lắm chú Bảy à. Phần tôi, tôi biết lần này gay go, vì thằng Đởm là thằng gian ác có tiếng. Cho nên, tôi luôn ở sát bên ba tôi, mắt không rời cây búa bửa củi giấu sau cánh cửa. Tất nhiên nhà tôi là cái nhà đầu tiên tụi nó ghé. Chưa vô tới sân, thằng đồn trưởng Đởm đã nổ súng. Sau phát súng, nó kề miệng thổi phù phù vô nòng cây "côn 12" rồi thét:
- Ai là chủ nhà đây?
- Tôi!
Ba tôi đáp gọn.
Tên đồn trưởng xộc vô. Nó ngó quanh quất, ngó tôi và ba tôi, đoạn vẫy súng nói:
- Ê, ông là chủ nhà hả? Ông biết tôi tới đây có chuyện gì không?
Ba tôi từ trên ván bước xuống đất:
- Được, chuyện chi cũng được. Nhưng mấy người đình đãi cho tôi một chút...
Tên đồn trưởng nghe nói, tưởng đâu ba tôi ngán nó rồi, nên nó đắc chí ngó mấy tên lính, nháy mắt. Đoạn nó ngồi lên ván, trẻo ngoảy chân, đốt thuốc thơm hút:
- Được, ông già lo cụ bị đồ đạc đi. Có ghe chớ?
Ba tôi đáp:
- Có, tôi có ghe!
Nhưng ba tôi không đi cụ bị đồ đạc, cũng không đi lấy ghe. Ba tôi mở tủ thờ lấy cái áo dài bằng xuyến đen ra. Đây là chiếc áo ba tôi chỉ bận khi có giỗ kỵ. Bấy giờ ba tôi thong thả bận vô. Ba tôi bận áo rất kỹ lưỡng, vuốt từng nếp nhăn trên áo. Xong rồi ba tôi đưa tay xổ đầu tóc, xõa ra. Tụi nó không biết ba tôi làm cái gì. Mà ba tôi cũng chẳng ngó ngàng để ý gì tới tụi nó. Hình như bấy giờ ba tôi chỉ biết có việc ba tôi làm. Sau khi bận áo và xõa tóc, ba tôi rút mấy nén nhang, bảo tôi:
- Hai, con đốt đèn lên!
Tôi rùng mình quẹt lửa đốt đèn. Cái ống quẹt cứ run lên trong tay tôi. Ba tôi đốt nhang quỳ xuống trước bàn thờ, lầm rầm khấn:
- Thưa ông bà, cha mẹ, thưa các hương hồn liệt sĩ, nhà cửa đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng đã tạo lập cho con. Bữa nay người ta tới ép buộc con phải bỏ đi. Con không thể phụ bạc công ơn cha mẹ, công ơn cách mạng. Vậy con xin chết cho cha mẹ và các vị liệt sĩ ngó thấy. Khấu đầu xin cha mẹ và các vị chứng miệng cho...
- Ông già câm miệng!
Thằng đồn trưởng la lên. Nó không chịu nổi những giây phút rùng rợn ấy nữa. Cũng vừa lúc ba tôi khấn vái xong. Bước tới góc nhà chụp cây mác, ba tôi quay phắt tới trước mặt tên đồn trưởng:
- Việc của tôi đã xong, bây giờ mấy người muốn gì?
Thằng đồn trưởng xanh măt. Nó không nói rằng nó muốn gì cả. Nó đưa khẩu súng "côn 12" lên, chĩa vô ngực ba tôi. Tức khắc ba tôi cũng chĩa mũi mác nhọn hoắt về phía nó. Và tôi, không chần chờ, lập tức vớ ngay cây búa bửa củi giấu sau cánh cửa. Bọn lính lên đạn rốp rốp. Ba tôi nhích mũi mác tới. Thằng đồn trưởng lùi lại. Tay súng nó run lẩy bẩy. Thình lình tôi thấy lòng súng trong tay nó gặc mạnh một cái. Phát súng nổ "đùng". Ba tôi đưa tay lên mặt. Một dòng máu chảy xuống mặt ba tôi. Nhưng ba tôi vẫn đi tới. Thằng đồn trưởng cứ lùi. Bỗng nhiên, nó buông rơi khẩu súng, hoảng hốt rú lên quay người bỏ chạy. Nhưng tôi đâu để nó chạy. Cây búa trong tay tôi đã bay theo. Lưỡi búa cắm ngập vô gáy thằng đồn trưởng. Nó kêu "trời ơi" rồi té sấp, hai tay vã xuống nền nhà...
Kể tới đây, anh Hai Cần dừng lại. Anh chụp hai rượu rót vô ly. Anh rót rượu tràn cả ra ngoài. Nhắc ly rượu uống cạn, anh dằn cái ly không đánh cốp xuống ván, ngó chằm chằm ra đêm tối. Bóng anh in trên vách, bất động. Tôi khẽ hỏi:
- Còn tụi lính, nó không bắn à?
Anh Hai Cần lắc đầu:
- Không, họ không bắn tôi. Khi đó, tôi cũng không chém họ. Tôi vứt búa, bước tới đỡ lấy ba tôi, ba tôi đã tắt thở. Chợt một người lính cầm ngọn mác của ba tôi đưa cho tôi và bảo:
- Chạy trốn đi, để đây tụi tôi tính.
Tôi sửng sốt nhìn anh ta. Nhưng hai anh lính khác cũng giục tôi:
- Chạy mau đi!
Nói rồi họ khiêng ba tôi đặt dựa vô vách. Một anh đi lượm cây búa tôi chém thằng đồn trưởng ban nãy, đem lại đặt kế bên ba tôi. Tôi hiểu, liền cầm cây mác vọt ra vườn. Lúc chạy một đỗi, tôi nghe họ la:
- Tụi bây ơi, thằng già nó chém chết ông trung úy rồi!
Anh Hai Cần đưa tay l6n quào quào ngực:
- Sau đó cả tháng tôi mới bị bắt. Nhưng không có đứa nào nghi tôi đã chém chết thằng đồng trưởng, trừ mấy người lính kia. Lúc tôi được thả, về tới nhà thì tất cả xóm ấp đều bị nó dùng dây thép gai bủa chặt lại rồi. Sau cái chết của ba tôi, cũng không có ai chịu dời đi. Lùa bà con không được, tụi nó mới đem dây thép gai tới rào thành ấp chiến lược luôn. Gần một năm, bà con bứt nài tháo ống cả chục lần. Có lần tụi nó cho cả đại đội về kềm giữ. Rốt cuộc...
Anh Hai Cần dừng lại, hỏi tôi:
- Chú có biết tụi tôi phá ấp ra sao không?
- Chỉ nghe nói sơ sơ chớ không rõ lắm!
Anh Hai Cần cười hà hà:
- Nè, phá khác hơn mọi chỗ hết thảy, nghe, phá ban ngày!
- Phá ban ngày? - Tôi hỏi lại.
Anh Hai Cần gật đầu:
- ừ, vậy mới "đã chớ". Tụi tôi tính nếu làm ban đêm thì khó ém anh em lực lượng.
- Anh em lực lượng nào?
- Anh em bộ đội vô tiếp chớ lực lượng nào. Chú nên biết, sự phá ấp ở đây không phải phá "ên" mà được, phải đi đôi với sự đánh bót. Tụi tôi móc nối với anh em địa phương quận huyện. Gay nhứt là làm sao đưa anh em lọt vô ấp.
- ém quân ngay trong ấp?
- Chớ sao. Coi vậy mà cũng không khó lắm đâu. Nhà nào tụi tôi thương lượng thu xếp để ém quân cũng đều đồng ý. Bà con nói: "Xin miễn là phải đánh cho dứt mới được". Tôi nói: "Đã đánh là phải đánh dứt, bà con đừng lo!" Họ nói: "Nếu làm thiệt thì tụi tôi xin chứa ngay anh em ở trong mùng, để anh em bắt chết mẹ tụi nó, rồi mình tháp tùng phá ấp luôn!". Đêm đó, tụi tôi đưa anh em vô ém. Sáng ngày, bọn lính thả ra khỏi bót đi nghễu nghện bị anh em tốc mùng nổ súng. Tụi nó bị bắn gục trong các ngõ, có thằng vừa kêu "trời" vừa chạy về bót mà chạy không kịp. Tụi tôi réo mấy thằng trong bót ra hàng. Bà con áp phá bót tanh banh, nhưng không phá ấp. ấp chiến lược về mình thì mình xài, không thèm phá...
Anh Hai Cần thôi nói.
Anh thôi nói đã lâu. ấy thế mà trong đêm tối, tôi vẫn còn nghe. Tôi nghe đây là nghe tiếng súng nổ giữa ban ngày, tiếng rú của lũ giặc, và tiếng của ông Tám, tiếng nói của ông già nông dân ngót bảy mươi tuổi ấy cất lên vang rợn:
- Thưa ông bà, cha mẹ, thưa các hương hồn liệt sĩ, nhà cửa đất đai đây là của ông bà, cha mẹ và cách mạng tạo lập cho con...
Cứ thế, tôi nghe tiếng nói ấy. Và thưa các bạn đọc, tôi xin nói ra cái điều kỳ lạ là cũng ngay bấy giờ tôi cảm thấy như đất nền nhà dưới chân tôi nóng hâm hấp, cơ hồ như đất đang động cựa, tái hiện lại những vũng máu tươi. Thế rồi, khi tôi quay lại, tôi không thấy anh Hai Cần ngồi cạnh tôi nữa. Anh đang quỳ trước bàn thờ. Cái bàn thờ mà cha anh đã quỳ dạo đó. Mùi nhang lại tỏa lên.
Giữa lúc năm cũ đi qua. Và một năm mới đến.
Tháng 3.1964Anh Đức
Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012
Ối giời, Sao Tháng Giêng
Đã làm đến lãnh đạo Đoàn cấp trung ương tức không phải người thường, nếu không nói rằng học rộng tài cao. Nhưng làm to mấy vẫn có thể sai, biết sai thì phải sửa, dù chuyện lớn chuyện nhỏ. Thế mới là người biết. Thế mới xứng danh lãnh đạo.
Cách đây đã lâu, khi biết T.Ư Đoàn lập giải thưởng dành cho thanh niên tiên tiến ở nông thôn, đặt tên giải là Lương Đình Của, tôi góp ý ngay, bảo rằng đã gọi tên phải gọi cho đúng. Nhà nông học nổi tiếng đó tên chính xác là Lương Định Của (cái tên nếu chiết tự sẽ thấy rất ý nghĩa), sao lại Đình, cần sửa ngay. Anh trưởng ban tổ chức T.Ư Đoàn khi ấy giả nhời tôi rằng nhiều người nói là Đình, báo chí cũng viết Đình, chắc chắn không sai. Tôi chả đôi co nữa, chỉ yêu cầu họ nên đến hỏi trực tiếp thân nhân nhà nông học đang sống ở Hà Nội. Một tuần sau, vị trưởng ban thanh niên nông thôn phúc đáp tôi, cám ơn và cho biết đã sửa lại chính xác thành tên Lương Định Của. Cái giải thưởng ấy đang tồn tại cho đến nay.
Nhân tiện chuyện đó, tôi có đề nghị T.Ư Đoàn xem xét lại tên giải thưởng Sao Tháng Giêng. Họ cãi, cãi, cãi; sau cảm thấy có gì không ổn nên họ hứa, hứa, hứa. Chờ mãi vẫn mất hút con mẹ hàng lươn, tự thấy mình có trách nhiệm, tôi đã mấy lần kiến nghị, góp ý, qua mấy đời bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhưng rốt cuộc thì hiểu rằng người ta bỏ qua đếch thèm nghe, thà nói với đầu gối còn hơn.
Đứa ngu cũng biết cái tên như thế rất vớ vẩn. Tháng giêng là để chỉ tháng âm lịch (giêng, hai, ba, tư, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, một, chạp), không thể dùng cho tháng 1 dương lịch được. Thậm chí có năm nhuận, tháng giêng trùng vào tháng 2, liên quan gì đến ngày 9.1 mà cứ giêng với chả giêng.
Sau tôi nghĩ lại, hay là mình sai, mình không hiểu ý họ. Họ bảo giải ấy gắn với ngày sinh viên- học sinh 9.1 nhưng biết đâu ý thực của T.Ư Đoàn là giải gắn với tháng giêng thì sao. Các cụ xưa ca rằng tháng giêng là tháng ăn chơi, vậy thì theo giải thích của một vị phó giáo sư mà tôi rất kính trọng, chị Lâm Mỹ Dzung, rằng "Ui giời, nói bác bỏ quá, Đoàn bây giờ chủ yếu cờ đèn kèn trống, sao tháng giêng là đúng rùi", tức giải này để khen thưởng tuyên dương mấy anh chị có thành tích ăn chơi thôi, đừng thắc mắc nữa.
Vậy thì tôi vẫn lằng nhằng góp ý tí ti, Đoàn nên đổi hẳn thành giải "Sao Ăn Chơi Nhảy Múa Tháng Giêng" cho rõ nghĩa.
8.1.2012
Nguyễn Thông
Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012
Suy nghĩ vụn về vụ Tiên Lãng
Nhưng hôm nay làm việc không yên, cứ chốc nhát là lại nghĩ, cái vụ "Nọc Nạn Tiên Lãng". Từ huyện nhà mình chỉ qua huyện An Lão là sang đất Tiên Lãng xưa nổi tiếng thuốc lào (cùng với Vĩnh Bảo). Hồi năm lớp 10 bọn học sinh trường Kiến Thụy mình đi lao động XHCN cắt cói tận xã Vinh Quang bên Tiên Lãng. Một vùng quê biển nghèo, dân hiền lành, cơ cực, cả xưa lẫn giờ.
Nghĩ nhiều, nhưng biên ra đây 3 điều thôi:
1. Ông Đoàn Văn Vươn bỏ bao nhiêu công sức, của cải để lấn biển, được thuê đất ấy làm ăn nhưng bị đòi lại trước thời hạn, không một xu bồi thường công sức, bị cưỡng chế, dẫn tới cùng quẫn, chống đối. Bi kịch.
Vậy tiếp theo nhà cầm quyền có đòi và cưỡng chế đảo Tuần Châu đang được ông Đào Hồng Tuyển thuê không nhỉ? Hay là tránh anh lắm tiền, "biết điều"?
Cứ đà xử lý ông Vươn thì phải ra thêm lệnh cưỡng chế gửi xuống âm phủ cho cụ Nguyễn Công Trứ đòi đất Kim Sơn, Tiền Hải, Phát Diệm luôn thể.
2. Chỉ riêng chuyện cưỡng chế trước tết đã bộc lộ sự vô nhân đạo.
3. Đầu năm mới, mong chính quyền bình tĩnh, hết sức bình tĩnh, đừng để xảy ra những mô hình Nọc Nạn (Bạc Liêu) hoặc Ô Khâm (Quảng Đông, TQ) bắt đầu từ Tiên Lãng nhé.
7.1.2012
Nguyễn Thông
Những câu thành ngữ, tục ngữ mới (4): Hà Nội nổ xe máy, Hải Phòng cháy xe hơi
Có nhẽ chưa bao giờ xã hội vốn luôn tự hào là ổn định, an toàn như xã hội xã hội chủ nghĩa ưu việt của ta lại nhốn nháo nhộn nhạo, lộn xà lộn xộn, bất an bất định như dạo mấy tháng qua đến giờ. Không kể những vụ cướp giết hiếp, chìm tàu, lở núi, lừa đảo tín dụng, đánh cờ bạc tỉ, đạo chích nhà đại gia… chỉ riêng hàng loạt vụ cháy nổ liên tiếp hằng ngày khiến dân tình cực kỳ hoang mang. Mà không phải chuyện cháy nhà, nổ container đâu nhá, điều đó xảy ra ối, chỉ bàn đến cháy nổ xe cộ thôi.
Xứ mình, cái xe là phần tất yếu của cuộc sống. Giàu thì ô tô, nghèo thì xe máy. Trước kia xe là của cải, là thứ để phô trương đẳng cấp. Nay xe gần như đơn thuần phương tiện đi lại, mưu sinh. Các bác xe ôm không có xe thì chết đói. Dân không chạy xe thì thanh tra giao thông, công an có mà thất nghiệp. Bản thân mình, đi bộ thì không thể rồi, một vài đận thử xài xe buýt nhưng bám không nổi lại lôi con xế nổ đi làm. Nhà mình 4 người 4 chiếc, chả ai chịu phụ thuộc, biết là góp phần gây ùn tắc giao thông nhưng chưa tìm được lối thoát, chưa tái cơ cấu được.
Xe quan trọng thế, đùng một cái, cháy nổ rộn rã như pháo Bình Đà, Nam Ô. Từ bắc chí nam, thành thị nông thôn, ngoài phố trong nhà, ngày ngắn lẫn đêm dài, đang chạy đang đứng, xe máy ô tô, hạng sang hạng hèn, cả dân lẫn quan… cháy nổ suốt lượt chả chừa chỗ nào, lúc nào, đứa nào. Lúc đầu còn lẻ tẻ, báo chí đánh hơi thấy đề tài hút khách đua nhau khai thác quá trời. Tin ngắn tin dài, bài điều tra bài phóng sự, lục lọi tìm hiểu nguyên nhân, hỏi ý ông này bà khác, thỏa sức tăng tia-ra. Ai ngờ vụ việc ngày một dày, bữa nào cũng cháy cũng nổ, bạn đọc phát ngán hơn ăn cơm nếp nát, các nhà báo cũng ngán theo, dần thờ ơ, chỉ làm cái tin ngắn tí.
Người ta ngơ ngác. Sao suốt bao năm không mấy khi cháy nổ xe, tự dưng thành dịch hơn cả cúm gà. Kể từ vụ nổ cháy xe ở Bắc Giang làm chết 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Quỳnh, đến nay tính ra gần trăm vụ, dân chết và bị thương khá nhiều, vậy mà nhà nước, cơ quan chức năng, các nhà điều tra, nhà khoa học vẫn khá bình thản, nếu không nói thẳng ra là lúng túng như gà mắc tóc. Người thì đổ tại xe, người bảo do xăng, kẻ khác quy cho cả hai, vị khác vuốt râu phán tại trời. Xe cứ nổ cứ cháy, dân cứ chết bị thương, nhà khoa học cứ bình tĩnh tìm hiểu, công an cứ im lặng vào cuộc điều tra, chính phủ cứ chờ đợi báo cáo để có kết luận.
Thế mới có chuyện cho đám buôn dưa lê bán tán. Thế mới đẩy một phát cho thằng BBC nín mãi không được phải buột ra câu thành ngữ mới nói trên. Mình gọi nó là thành ngữ bởi cứ khi nào cần cụm từ ngắn gọn để chỉ tình trạng xã hội đè nặng bao lo lắng, sợ sệt trước những nguy cơ tai nạn liên tiếp, dân ngơ ngác, chính quyền bất lực, thì chỉ cần "Hà Nội nổ xe máy, Hải Phòng cháy ô tô" là gọn, đủ nghĩa.
Chỉ riêng kẻ hèn này nhủ thầm, chả biết các bố đợi cháy đến cái gì nữa thì mới mau chóng tìm ra nguyên nhân để cứu vớt dân lành?
(Ảnh: nguồn Google)
8.1.2012
Nguyễn Thông
Khoảng trời kỷ niệm
(Lời chủ blog: Mình tôn trọng các bạn viết nên chỉ những chỗ nào cần biên tập lắm thì mới thò... con chuột, còn lại cứ để các bạn thoải mái. Xin cám ơn. Thông cào)
LÊ MINH ĐỘ (K17)
Nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại hoc, mình sung sướng vô cùng! Thế là nguyện vọng được vào khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp đã toại nguyện. Quê mình ở Hoa Lư, Ninh Bình - nơi vùng đất của hai vua Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn, nơi có chùa Non lồng bóng Nước, nơi có núi Cánh Diều phơi hình hài người thiếu nữ tóc xõa vai mềm, nơi có con sông Đáy bốn mùa trong vắt trong! Ngày tựu trường, anh trai cả đưa mình từ Ninh Bình lên Hà Nội bằng xe đạp. Lần đầu tiên bước chân lên thủ dô, ngơ ngác giữa bao phố phường lạ lẫm. Mình ở lại một ngày cùng anh trai thứ hai trong Cục Bản đồ. Hôm sau anh trai ở Hà Nội lại đạp xe chở em gái "tăng bo" tiếp chặng đường lên Bắc Ninh – chỗ sơ tán của trường trong những ngày tháng Mĩ ném bom miền Bắc, bằng B52 xuống Hà Nội tháng 12.1972.
Những ngày đầu, mình ở cùng chị Thụy- kế toán cũng là con gái Bắc Ninh rất xinh. Chị có giọng nói ngọt ngào tới mức ấn tượng! Cô Nội- nấu ăn thì có giọng nói chát chúa nhưng chăm sóc mọi người thì chu đáo chẳng ai bằng! Chú Bích- y tá chồng cô Nội người xương cao, giọng nói sang sảng mạnh như tiếng ngói vỡ, làm mình cứ tưởng là thầy giáo. Cô Thư - giáo viên ngôn ngữ có mái tóc cắt vuông trẻ trung với giọng nói nhỏ nhẹ miền Trung, ánh mắt hiền hậu thật dễ thương! Và đặc biệt là thầy Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Đỗ Đức Hiểu luôn với cái giọng Hà Nội gốc, ngọt ngào lịch thiệp như mật rót vào tai người nghe! Cái cười luôn tủm tỉm trên môi đầy hóm hỉnh của một nhà trí thức cỡ bự! Thầy dạy môn văn học phương Tây mà cho đến bây giờ mình vẫn không thể quên được hình ảnh của "Những chiếc ghế" mà Kapka đã miêu tả trong dòng văn học Hiện sinh phương Tây...
Đêm đầu tiên ở làng Sát Thượng, xã Yên Trung, xa gia đình, mình nhớ nhà quá khóc thút thít như con ốc nướng khiến chị Thụy và cô Thư không ngủ được phải dỗ ngon dỗ ngọt mãi. Sáng dậy, nghe chị Thụy kể, thầy Hiểu cười xoa đầu vặn vặn hai bím tóc mình và bảo: Đừng khóc! Hôm nay thầy cho em ăn cơm cùng với Hiệu bộ cho vui. Bữa cơm Hiệu bộ làm mình nhớ mãi, không thể nào quên cái hương cái vị, cái ngon cái ngọt của nó! Đó là một món canh lươn nấu chuối xanh do bàn tay đầu bếp chính là cô Nội chế biến. Mình ''ăn như chưa bao giờ được ăn'' và thấy ấm lòng hơn vì được dùng bữa cùng thầy chủ nhiệm khoa, cô giáo Thư và cảm thấy hãnh diện nữa. Hôm sau, lớp Văn K14 đi thực tế về có tổ chức một buổi gặp mặt để các anh chị báo cáo (khoe) những sáng tác mới của mình trong chuyến đi ở một làng khác (nếu mình nhớ không nhầm thì đó là làng Chóa) cách làng Sát Thượng khoảng 2-3 cây số. Các anh chị Văn trên mời thầy Chủ nhiệm khoa sang dự. Thầy Đỗ Đức Hiểu thấy mình ở nhà một mình sợ lại buồn nhớ nhà, lại khóc nên thầy tủm tỉm bảo: "Hôm nay thầy cho em đi cùng thầy tới dự với các anh chị Văn trên nhé". Trời mưa tầm tã. Hai thầy trò khoác hai mảnh áo mưa, xắn quần xách dép lội qua các cánh đồng từ làng Sát Thượng sang làng Chóa. Đường đi bờ vùng bờ thửa quanh co uốn lượn theo cánh đồng làng lúa đang thì con gái, trơn như đổ mỡ. Xa xa, từng đàn cò trắng đang chúi đầu bay trú mưa sà sát ruộng lúa. Mình bị ngã ngồi bệt xuống đường bùn đất lấm ướt hết mông quần láng đen may theo kiểu ống tuýp lúc bấy giờ. Thầy Hiểu cười, tiếng cười của thầy thành khúc, âm vang cả cánh đồng vắng trong mưa. Rồi thầy dặn: Em phải bấm chân thật sâu xuống đất thì không ngã". Đường đi đã bé, lại sống lươn, sống cá, khó mà không ngã được. Mình vừa đi sau thầy vừa lo! Thầy mà ngã như mình thì biết làm thế nào khi mà hai thầy trò đang ở giữa cánh đồng mưa như phủ bạc trắng xóa! Nhỡ thầy bị trẹo chân thì làm sao đây…? Đi mãi, hai thầy trò cũng tới được Chóa - địa điểm các anh chị Văn K14 đang hát hò, thổi sáo, ngâm thơ âm vang cả hội trường HTX. Buổi dự ấy, mình được thầy Đỗ Đức Hiểu giới thiệu với các anh chị K14: ''Đây là em Lê Minh Độ, sinh viên đầu tiên đã hăng hái đến sớm nhất của K17, vì em nhớ nhà, khóc nhiều quá nên thầy cho đi theo làm "vệ sĩ", nhưng ''vệ sĩ'' bị ngã bẩn hết quần, nay đã gột sạch ở ao rồi!'' Các anh chị được một bữa cười thoải mái. Còn mình thì bẽn lẽn, lúp xúp ngồi bén vào mép bàn ở cuối hội trường. Hôm ấy, được nghe chị Loan - cô gái gốc Hà Nội trắng trẻo cao ráo có nước da trắng mịn, đôi môi mỏng đỏ tươi thổi sáo hay lịm cả người. Chị Nhung ngâm thơ, anh Hải ''còm'' đọc thơ, các anh Ánh Hồng, Dương Kôn... cũng đọc thơ. Vừa nghe vừa uống nước chè xanh, ăn bánh quy xốp gai làm từ bột mì trộn với trứng gà thơm ơi là thơm. Kết thúc buổi họp, các anh chị mời thầy Hiểu phát biểu, sau đó đại diện lớp tặng hoa cho thầy. Hoa tươi được các anh chị mua từ Hà Nội đem lên. Khi nhận hoa, thầy gọi cả mình lên, trao luôn cho bó hoa và nói: "Thầy tặng lại sinh viên mới. Chúc em và các bạn K17 sức khỏe, vui và học tập tốt nhé". Cả hội trường vỗ tay huýt sáo cười vang tán thưởng. Khi hai thầy trò tạm biệt các anh chị lớp Văn K14 để về Sát Thượng, mình thấy túi xách hai quai của mình mang theo ai đã bỏ vào đấy rất nhiều bánh quy gai xốp- loại bánh được làm thủ công hồi đó- các anh chị đã kỳ công về tận Hà Nội thuê làm để mang lên đây liên hoan. Về đến Hiệu bộ, đưa quà cho thầy, thầy cười hiền hậu và nói: ''Thầy cho em mang về nhà trọ cho các bạn mới cùng ăn'' Không ngờ, cái ngày đó lại có nhiều duyên nợ với lớp Văn khóa 17 của chúng mình. Duyên phận cuộc đời mình đã gắn với một người mà mình được nghe anh đọc thơ hôm đó: Nhà thơ có bút danh Ánh Hồng - cái tên như con gái. Dương Kôn thì sau này mê Thanh Đạm như điếu đổ đến nỗi phải nhờ Ánh Hồng vẽ hộ khuôn mặt buồn của Đạm để tặng người yêu mà rốt cuộc vẫn không thành! Còn thầy Đỗ Đức Hiểu thì lại có một quãng đời còn lại cảm động đến rơi lệ! gắn bó mật thiết với trò Tân "hói"cho đến lúc lìa xa cõi đời. Người bạn trai hiền lành tốt bụng của lớp đã có lần chạy xồng xộc vào cơ quan mình, nắm tay lôi túa ra sân, dúi cho một nắm thiếp mời và giao cho mình trách nhiệm phải đi mời cho ''hắn'' bạn bè trong khóa đến dự đám cưới ''hắn''rồi chạy mất tăm tích. Tân ''hói'' lấy vợ muộn nhưng làm ăn kinh tế bây giờ thì vào loại tuyệt chiêu. Hắn là niềm tự hào của K17, nhưng nghe đâu có cô vợ trẻ, xinh đẹp giỏi giang làm hậu thuẫn nên mới nổi tiếng thế.
Người bạn đầu tiên mình gặp là anh Ma Duy Giang. Anh đi chiếc xe đạp Thống Nhất nam cao lêu đêu, vai khoác ba lô lều khều như thằng phi công Mĩ vậy. Biết anh là người dân tộc Tày, lại hiền như cục đất, như củ khoai củ sắn ở chiến khu xưa, nên mình không thấy sợ anh nữa. Người bạn của khóa 17 đến thứ hai là Hồ Thu Hiền- người phố Thắng, Bắc Ninh. Cô bạn này xinh đáo để. Cao ráo, dáng đi điệu đà uốn lượn, mái tóc dài óng mượt. Đôi mắt to đen rợp hai hàng mi cong vút. Thu Hiền nhìn ai là như thu hết hồn người ấy vào đôi mắt nó. Các ngày tiếp theo lần lượt là Ninh (mà sau này mình gọi là bố Ninh, sau khi ra trường Ninh bị bệnh trầm cảm. Mày đang ở đâu Ninh ơi!), là Hoa (sau này chúng mình gọi là dì Tễu, đã lấy được anh chồng đẹp trai, giỏi giang đóng đô ở Thái Nguyên - một gia đình đầy ắp hạnh phúc!), là Thanh Đạm - cô gái Hà Nam xinh đẹp có đôi mắt buồn sầm sập như đổ mưa (sau này mình gọi là mẹ Đạm), là Hương lớn người tròn lẳn, khuôn mặt búp bê thông minh, có dáng đi uyển chuyển từ trong ý thức (sau này mình gọi là em Vàng vì lớp có cả em Hương con), là Kim Dung - cô gái Vũ Thư, Thái Bình với giọng nói dịu ngọt rót vào tim các chàng, mái tóc mượt chấm ngang lưng (sau này mình gọi Dung là vợ), là Thu Hà mà chúng mình thường gọi là Mèo con có bố làm to hay cho chúng mình đi xe Mắc- Cô- vích, là Lập với cái tên Chuột con ngúng nguẩy có mái tóc dài chấm khoeo chân lúc nào cũng điệu đà như Công tước phu nhân Li-Da nhỏ nhắn của Ăngđờrây Bonkônski trong tiểu thuyết ''Chiến tranh và hòa bình'', sau đã là vợ yêu của anh Chiến “thương binh”, là Thu Thủy luôn trẻ thơ chúm chím bờ môi làm cho Hoàng Thanh Chương chết mê chết mệt, là Lan Quảng Bình với mi mi tau tau khó quên. Các bạn đọc đến đây đừng có tò mò nhé. Bí mật của phòng nữ Văn 2A đấy! Rồi tiếp đó là Chiến “khểnh'' đã từng cùng bọn mình khi đi thực tế Vĩnh Trụ, Nam Định dũng cảm chui vào ruộng mía bẻ trộm rồi dước bằng răng cho bọn mình cùng ăn no phềnh bụng, là Tửu - người Nam Định nổi danh “cầu tõm” mà đoàn đi thực tế Nam Định chúng mình đã được mục sở thị. Mình cứ nghĩ Tửu là con cháu nhiều đời của hai cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương bởi hắn có cái nhìn hóm hỉnh, thông minh, thường cùng mình và Minh Nguyệt, Đường, Viết (Hán Nôm) xếp hàng mua vé tàu về quê mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết; là Sánh - cô gái đất Hà thành dáng người cao cao, mái tóc dài, dầy, đen mượt thường tết hai đuôi sam ngúng nguẩy đánh sang hai bên… mông như múa, chiều chiều thường cùng mình và các bạn tựa lan can tầng 2 hát những bài hát lãng mạn ''Trở về Su-ri-en-tô'', ''Con chim non'', ''Ngôi nhà trắng'', ''Ngôi sao ban chiều'', ''Ka- chiu-sa'', ''Mặt trời của tôi'', ''Đôi bờ'', ''Chiều Mátxcơva'', ''Tình ca du mục'' v.v.. còn bây giờ Sánh lại đoạt giải ''Á hậu'' bởi chiều cao lý tưởng, trở nên xinh đẹp lạ thường với mái tóc uốn xoăn bồng bềnh huyền bí; là anh Xuân “già” tóc xoăn tự nhiên như… Xuân tóc đỏ vậy, là anh Lập lớp phó phụ trách học tập với giọng ca vọng cổ khó quên, sáng nào cũng toét còi làm mọi người giật nẩy mình phải dậy đúng giờ lên lớp; là anh Khánh lớp trưởng có dáng đi chắc nịch, sừng sững như Từ Hải với nụ cười luôn trên môi, là anh Lệnh Năng lớp phó, dáng to cao với cặp môi dầy ấn tượng hay quát chúng mình theo cách nói ngọng là = nà của người Hải Phòng, vì tội đi học muộn nhưng sau đó lại cười sởi lởi tít cả mắt, là Huy Hoàng luôn lịch thiệp với chiếc áo "bay" không quân, chiếc đồng hồ ''Bôn dốt'', cặp da đen bóng luôn bên mình và giọng ấm áp, ngọt ngào, nồng hậu mỗi khi đọc thơ, đọc các trang tiểu thuyết làu làu không sai, không thiếu một từ (đáng nể), và bây giờ đang là giáo sư ở Nước Nga xa xôi ngàn trùng. Hoàng là niềm tự hào của lớp. Sĩ Đại thì thông minh, điềm đạm, am hiểu với nụ cười hiền từ, sau đạt tiến sĩ đã từng phụ trách tờ Nhân Dân chủ nhật và bây giờ là Tổng biên tập báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu; là Ngọc Vương với dáng đi lệch vai, hay đá bóng dưới sân, nay đã là giáo sư đầu đầy sạn học thức - niềm tự hào của chúng bạn; là Xuân Ba củ mỉ hay đỏ mặt bị bọn con gái dúi đầu dúi cổ trêu trọc (còn bây giờ sau hơn 30 năm, thời gian đã biến ''hắn'' thành nhà báo nổi tiếng với những trang viết đặc ''Xuân Ba'', thường được đi khắp thế giới với các nguyên thủ quốc gia, cũng đáng tự hào và đáng nể lắm lắm); là anh Tài Thuận sau là Bí thư đoàn của khóa với giọng nói nhỏ nhẹ thân thương đáng nhớ, luôn quan tâm đến mọi người; là, là... Chao ôi, làm sao kể hết ra đây. Mình không quên một ai đâu! Lớp văn, lớp ngữ, lớp Hán (nhưng các bạn của tôi ơi, Sánh nó bảo chỉ được viết 6 trang thôi, kẻo không có tiền in). Các ngày tiếp theo sau đó, các bạn đến thật đông vui, thế là hết nhớ nhà.
Những ngày ở Sát Thượng, cô Nội thường phân công chúng mình thay nhau đi chợ. Một tốp gồm ba người quang gánh đi chợ cách nơi ở khoảng 2km. Có lần mình, chị Mai Phương “cao kều” và ''dì Hoa Tễu'' được phân công đi chợ. Bọn mình nhận tiền chợ từ chị Thụy kế toán. Lần đầu tiên được cầm số tiền lớn như vậy, chúng mình vô cùng hãnh diện, sau đó là lo bị đánh rơi, lo bị mất cắp. Như ba cô thôn nữ Bắc Ninh thực thụ, cả ba nhún nhẩy gánh gồng theo các bà các cô trong làng đi chợ, băng qua cánh đồng làng lúa xanh đang thì con gái, nói nói cười cười! Đến chợ có tên là Chờ, hương vị đầu tiên mà chúng mình được ngửi là mùi bánh rán nóng của xứ Kinh Bắc! Chao ôi, sao mà hấp dẫn và thơm! Thèm quá, trong túi chẳng đứa nào có tiền cả. Chị Phương “kều” đưa ra sáng kiến bớt tiền của Hiệu bộ 2 hào để mua mỗi đứa một cái ăn cho đỡ thèm. Tiền bớt ấy, được chị "thăn" ở khoản mua cá. Bánh ăn thì ngon, nhưng sau đó, chúng mình cứ thấy áy náy, lo lắng, sợ sợ thế nào. Nhưng chị Mai Phương liền át đi: Có hai hào thôi mà! đáng gì! Thế là chúng mình như trút được nỗi niềm, lòng lại trong veo, vui vẻ gánh gồng thức ăn về Hiệu bộ giao cho cô Nội. Trên đường, ba đứa còn rẽ ngang, rẽ tắt, ngó nghiêng và thấy một quán có tên rất lạ: Phở Ngó! Ô hay! Hay là chỉ là quán để ngó vào một cái rồi đi? hay là? hay là? Bọn mình đặt ra bao câu hỏi rồi tự trả lời xem có đúng? Chị Phương “kều” lại khỏa đi: Thôi, thôi, lần sau rồi sẽ biết. Trên triền đê xanh ngằn ngặt, thoảng lại điểm xuyết những chấm vàng, chấm đen của những chú trâu, bò, bê gặm cỏ, nom như bức tranh thủy mặc Tàu. Cứ mỗi đoạn lại có một cái lô cốt thời thực dân Pháp xây để lại, với những cái lỗ đen ngòm dễ sợ. Cách đoạn lại có một quán nhỏ ven đê bán hàng cho người đi chợ, nào là kẹo dồi, kẹo đốp, kẹo vừng, bánh đa Kế, nước chè xanh thơm mùi chan chát. Bọn mình nhẩm nhớ, thầm hẹn để lần sau được phân công đi chợ, sẽ ''thưởng thức" tiếp.
Ngày ấy, cùng học với lớp có ba sinh viên nước ngoài người Rumani, Anbani. Tên của các bạn là: Va-xơ-kim, En-ve và An-vơ-ni. Mình nhớ rõ En-ve là tổ trưởng, đảng viên cộng sản. Va-xơ-kim là chàng trai bảnh nhất trong ba người, thì chỉ thích mượn vở của Hương lớn để chép bài giảng của thầy. Hắn ta nói cái giọng tiếng Việt bập bõm lơ lớ: "Toi rat thích vi vơ của co Hương viet dep rat dê đoc". Thực ra hắn thích vở của Hương lớn 50%, còn 50% thì thích người Hương lớn nữa, chúng mình biết thừa nhưng kệ. Chỉ tiếc thời ấy có lệnh cấm yêu người nước ngoài, nên “tình chỉ đẹp một cách dang dở” như thế, rồi bị chặn lại. Thật tiếc, phải không Hương lớn?
Những ngày này, máy bay B52 Mỹ thường lượn ngày, lượn đêm trên bầu trời Hà Nội. Có lần, đó chính là đợt đánh bom B52 xuống đường phố Khâm Thiên, đang ngủ, bọn mình phải túa ra vườn nhà dân với mỗi đứa một quần ngủ đông xuân trắng lóa tồng ngồng để chui vào hầm trú ẩn. Oái oăm thay, lại gặp ba ông bạn nước ngoài cũng đang hốt hoảng kêu lơ lớ: "Hầm của chúng toi đâu các cô" Bối rối quá, bọn mình liền đủn mông ba chàng chui vào hầm mình. Nhưng bọn Tây mông to quá, đủn mãi mới lọt cửa hầm chữ A. Còn bọn mình thì đành ngồi ngoài xem bộ đội ta bắn chọi nhau với B52 trên bầu trời đen ngòm! Vẫn lạc quan, tưng tửng, cười khúc khích vì mặc quần đông xuân trắng chạy ra hầm mà (chả là thời ấy quần đông xuân được phân phối, nên ai cũng có một chiếc).
Lớp học chúng mình là một nhà dân đã được đắp tường đất bao quanh. Đó chính là nhà Xuân Ba trọ. Không bàn ghế. Sách vở kê lên đùi, ngồi nghe thầy giảng bài về folklore. Đêm học, đói. Chúng mình thường được nhà chủ mời ăn ngô rang, lạc rang hoặc cháo ngồng rau cải ngọt lịm đến tận ruột gan tim phổi. Sáng sáng lên lớp, rủ gọi nhau í ới nhưng vẫn không quên ra giếng nước soi gương xem có vết nhọ, kẹp lại mái tóc dài mượt thời thiếu nữ đôi mươi. Đoạt kỷ lục soi gương nhiều nhất vẫn là Hương lớn. Trong khi soi, mình thấy Hương lớn còn tự nhoẻn cười, đôi môi quả nhót đỏ mọng chúm chím như muốn hôn ai. Có một điều đáng nhớ là chúng mình lúc đó đều hay mặc áo vải si mi li màu nâu cánh dán để ngụy trang cho máy bay nó đỡ phát hiện.
Sau ba tháng, B52 chào thua Hà Nội! Chúng mình được trở về trường chính ở Mễ Trì trong niềm vui chiến thắng của quân dân miền Bắc. Mình ở cùng phòng với Ninh, Đạm, Kim Dung, Hoa, Lập, Thu Hà, Hương lớn, Lan Quảng Bình, Thủy. Mười đứa ở chung thường gọi là phòng nữ Văn 2A, cùng với tất cả sinh viên K17 (Văn- Hán- Ngữ) và sinh viên các khóa khác học tập miệt mài và tiếp tục nhân tiếp những ''khoảng trời kỷ niệm'' suốt 5 năm đầy lãng mạn trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh! Rồi Sĩ Đại lên đường ra mặt trận, những lần tiễn quân chan chứa tình cảm đã làm Cao Kim Phương khóc, nước mắt chảy tràn trên giấy đọng thành những bài thơ tình thời chiến đầy lãng mạn! Bài thơ còn đó như vẫn còn mới nguyên ''Màu áo lính'' hôm nào!
Mình yêu tất cả các bạn và mong các bạn cũng đừng quên yêu quý mình nhé! Các bạn hãy hồi tưởng và cùng viết tiếp những khoảng trời kỷ niệm đầy ắp của chúng mình thời trẻ nhé!
Ôi! ngót bốn mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.
Mùa đông 2011 - 2012
L.M.Đ