Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Trưa nắng ngồi với ông Cao

Nói có đầu đuôi, tôi tìm đến ông bạn tôi, bởi có tí việc nhà cần nhờ. Ổng là Cao Tự Thanh.

Chả là mấy anh chị em tôi và các cháu, sau bao năm chuẩn bị, đang xây cái nhà nhỏ 3 gian làm nơi thờ cúng ông bà cha mẹ ngay trên đất hương hỏa ở quê. Giao hết cho ông em rể và cô út lo liệu công trường. Tôi đùa phong cho nó tướng quân tại ngoại. Cũng sắp xong. Ở xa, tôi được miễn phần bốc vác xi măng sắt thép, lại không phải hằng ngày đốc thợ, ưu tiên nhận việc kiểu “tuổi già làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, nghĩa là đi xin chữ làm hoành phi câu đối. Cụ thân sinh khi xưa theo nho học nên nơi thờ có chút chữ nho cho cụ vui. Nghĩ ngay đến ông bạn đồng môn, một tay Hán Nôm cự phách. Ông em tôi bảo đúng rồi, chỗ ấy là nhất, nhanh lên bác nhé.

Đất Sài Gòn rộng đến mức ở chung thành phố mà cả năm hai thằng không đến nhà nhau. Họa hoằn tết nhất hoặc có đứa nào Hà Nội vào. Đúng ra mình phải chủ động bởi chân cẳng khỏe hơn. Đường vòng vèo, chật cứng xe cộ, cỡ 20 cây số, nắng chang chang, luồn lách cũng đủ mệt. Vừa đi vừa lẩm bẩm ở đ. gì mà xa thế.

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Chỉ tại bệnh sính bằng cấp

Thật ra chuyện bằng cấp, sính bằng cấp là thứ xưa, quá xưa rồi, đâu phải chỉ thời này. Bằng cấp đem lại vinh dự cho con người, nhưng ở khía cạnh khác, nó cũng làm khổ nhục, đày đọa con người, vẩn đục xã hội.

Tôi nói xưa bởi hầu như ngày trước ai đi học cũng thuộc bài “Vịnh tiến sĩ giấy” của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Nhân tết Trung thu (xứ ta đang mùa trung thu), coi trong đám láo nháo đồ chơi đón trăng của con trẻ, ngoài những đèn này đèn nọ có cả ông tiến sĩ giấy, cụ Nguyễn cám cảnh mà rằng “Cũng cờ cũng biển cũng cân đai/Cũng gọi ông nghè có kém ai/Manh giấy làm nên thân giáp bảng/Nét son điểm rõ mặt văn khôi/Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ/Cái giá khoa danh ấy mới hời/Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe/Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Ý tứ, từ ngữ trong bài thơ thì khỏi chê. Cứ như thiển ý tôi, trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống nạn sính bằng cấp từ xưa đến nay, bài vịnh tiến sĩ giấy của cụ Tam nguyên là bản tố cáo đanh thép số 1, vạch trần thực chất giả tạo, màu mè, hư danh, chuộng đồ giả… của tầng lớp được coi có đẳng cấp cao trong xã hội.

Cứ tưởng thời phong kiến-thực dân, thói coi trọng bằng cấp mới có đất sống chứ trong xã hội mới dân chủ hiện đại văn minh như thế này nó sẽ bị chôn vùi, té ra không phải. Bệnh còn nặng hơn, nghiêm trọng hơn là khác. Đến mức nó đã ngấm vào từng mạch máu, ngóc ngách cơ thể xã hội, hết thuốc chữa. Người xưa cần kiếm cho bằng được tấm bằng, học vị này nọ để ra làm quan nên phần lớn cố học hành cho đầy đủ đàng hoàng, trải qua bao nhiêu cửa ải thi cử, coi chuyện đi ngang về tắt, mua danh bán tước là điều xấu hổ, vì thế trường hợp “tiến sĩ giấy” như cụ Nguyễn phê không phải không có nhưng hiếm. Chỉ cần tòi ra vài trường hợp là đã nhận ngay quả thôi sơn kiểu của cụ Nguyễn Khuyến rồi. Nay người ta cũng cố kiếm bằng cấp này nọ, học hàm học vị, miệng thì nói để đóng góp tốt hơn cho xã hội, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, mà thực chất phần lớn chỉ để kiếm hời cái giá khoa danh, thành ông nọ bà kia, khoe mẽ với thiên hạ.

Đại án

Vụ xét xử "Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và đồng bọn" được đảng phong là Đại án OceanBank. Nhưng họ cố tình coi đây chỉ là vụ án trong lĩnh vực ngân hàng. Báo chí và dư luận cũng cứ bị hướng theo sự chỉ dẫn đỏ đó. Nhầm.

Cần biết, cái ngân hàng đại dương ấy dính liền với Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), những bị cáo đều là người của PVN, thậm chí từng là ông trùm số 1 của PVN, tiền bạc liên quan và thất thoát cũng đều từ PVN, hối lộ đút lót cũng cho quan chức PVN, hầu như mọi quyết định lớn để cuối cùng dẫn đến vụ án này cũng từ những vị lãnh đạo chóp bu của PVN (và cao hơn)... Vậy thì tại sao lại gói nó trong phạm vi ngân hàng?

Nói một cách chính xác, đây là đại án dầu khí, đại án PVN. Đừng vì cho nó là quả đấm thép, là nhạy cảm, còn dính tới chỗ này chỗ nọ, rút dây động rừng, v.v.. mà né tránh, lơ đi. Đã làm phải làm triệt để, không thì thôi. Mấy anh cu Sơn, cu Thắm chỉ là con tốt hoẻn, thế thân cho kẻ khác (chính vì vậy, tôi tin chắc không có án tử hình, mà nếu có tuyên án như vậy thì cũng chỉ để xoa dịu dư luận chứ chả chết ai, bởi nó biết chết nó phun ra thì bỏ bà).

Xứ người ta, lôi dầu khí từ dưới đất lên thì dân giàu nước mạnh, còn xứ này tiền bán đầu khí lại chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm, lọt vào túi bọn tham nhũng và quan chức. Chán mớ.

Nguyễn Thông

Cũng là thái tử đảng, hạt giống đỏ cả đấy chứ

XUÂN BA (nhà báo)

Cụm từ "thái tử đảng" hay là "hạt giống đỏ", sắc thái tu từ của cụm từ ấy vốn hiền khô, một thời thậm chí còn gợi lắm thứ lấp lánh này khác? Nhưng bây chừ, nhân vụ xuân anh xuân em, cha truyền con nối, nhắc đến mấy từ này chỉ tổ cho dân người ta… chửi!

Lẩn mẩn lật giở, sắp xếp lại mấy file ảnh cũ. Có vài cái đi vùng Bắc Sơn mấy năm trước. Tòi ra một tấm.

Ngó kỹ 4 người trong bức ảnh. Hình như cũng là thái tử hạt giống đỏ cả đấy chứ?



Cũng phải làm cái việc chú thích một chút.

Từ trái sang phải của tấm ảnh. Người đầu tiên là thương nhân Võ Hoài Nam (sinh 1956) con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kế là đại tá Trần Tuấn Quảng (sinh 1954) từng làm việc ở Trung tâm Kỹ thuật Cục Tác chiến điện tử Bộ Quốc phòng, con trai ông Trần Đăng Ninh, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ được Trung ương cử về chiến khu Bắc Sơn lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau này ông Ninh có thời gian phụ trách Nha Công an Trung ương và Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần. Người thứ ba là Chu Thành sinh năm 1947, thương gia, con trai thượng tướng Chu Văn Tấn chỉ huy cuộc khởi nghĩa danh tiếng Bắc Sơn năm 1940. Sau này cụ Tấn là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Phó chủ tịch Quốc hội. Và người cuối là chị Hạ Chí Nhân, con gái cụ Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang) một trong những yếu nhân của cuộc khởi nghĩa và phong trào cách mạng Bắc Sơn, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chủ tịch Tổng công đoàn VN.

Mà lạ, con giai, con gái các cụ chả có anh chị nào làm nhớn.

Xuân Ba

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2017

Bài hát tuần này: Hà Nội mùa hoa sữa

Có nhẽ nhiều người đã quên, hoặc đã lâu không nghe bài hát này. Vậy thì mình tặng các bác để đem lại chút niềm vui cuối ngày chủ nhật.

"Hà Nội mùa hoa sữa" của nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ - thơ Nhật Tân mang cái tình những chàng trai đi xa Hà Nội, lòng vẫn mong "rồi anh đi xa, hoa vẫn đợi chờ" sao mà tha thiết thế. Mình cũng một thời gắn bó với Hà Nội (cứ muốn gọi bằng cái tên này chứ không dùng từ Thủ đô) và kỷ niệm của mình là hoa bằng lăng tím ngát, là tiếng chuông tàu điện leng keng. Chả bao giờ quên được. Và dường như hoa vẫn đợi chờ.

Bài hát được thể hiện bởi ca sĩ Tiến Hỷ, một giọng ca thuộc thế hệ vàng của dàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ tiếc một điều, trong audio clip phần nhạc đệm quá tệ. Khi nào mình kiếm được bản khác tốt hơn sẽ thay thế.

Chúc mọi người cười rạng rỡ trong ngày chủ nhật vui. Lại một tuần nữa qua rồi. Bất giác hơi buổn buồn buồn, hì hì (cười gượng).

Nguyễn Thông


Lì lợm

Không phải thế lực thù địch mơ hồ nào cả, mà chính các bộ Giao thông vận tải, Giáo dục, Y tế, VH-TT-DL... với hàng loạt vụ việc khốn nạn đang khơi sự căm phẫn của người dân đối với thể chế này.

Lấy ví dụ, hãy coi cái nội dung công văn lì lợm của Bộ Giao thông vận tải về trạm thu phí Cai Lậy, họ giải thích: "nếu chỉ mở rộng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy thì tất cả xe cộ đi trên quốc lộ 1 sẽ phải mất phí, tổng chi phí người dân phải trả lớn hơn. Vì vậy, chỉ còn 2 phương án: đầu tư tuyến tránh hoặc đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo mặt đường quốc lộ 1, đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1". 

Tôi hỏi ông bộ trưởng, con đường đi qua thị xã Cai Lậy đã có sẵn, các ông chỉ tiến hành cải tạo (thực ra là vá ổ gà) lại mà đòi thu phí là làm sao? Dùng tiền thuế dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng rồi lại đòi thu phí là làm trò gì vậy? Còn nếu bảo rằng tiền vá đường do nhà đầu tư bỏ ra vậy thì tiền thuế chạy đâu mất cả?

Sai thì phải sửa, không quanh co lôi thôi. Dứt khoát phải bê cái trạm thu phí về đường tránh, giải phóng ngay quốc lộ 1 cho thông thoáng. Nếu cố tình lì lợm, quyết đối đầu với dân, liệu có yên không. Đừng đùa với dân.

Bà con cũng đừng để họ đánh lừa. Họ đang rêu rao đồng loạt giảm phí trạm BOT trên cả nước. Đàng hoàng tử tế còn chửa ăn ai, lại giở cái trò thủ đoạn mánh lới. Xin nhớ rằng không cần giảm, chỗ nào họ thu hợp lý thì cứ nộp, chỗ nào bất hợp lý dứt khoát không nộp. Chấp nhận giảm tức là chấp nhận sự bóc lột, trấn lột.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Làm việc thiện như lòng mình thúc giục

Những ngày qua, giữa bao nhiêu thế sự nóng bỏng quay cuồng khiến ta cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, vẫn luôn có những chuyện đời và tấm lòng xanh mát, dịu dàng làm lòng ta chùng lại, cuộc sống thêm gần gũi yêu thương.

Tôi muốn nói đến những việc thiện, người thiện, thiện tâm đang xuất hiện hằng ngày, có khi thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng, nhưng rất nhiều khi cứ âm thầm lặng lẽ. Điều tốt không cần phô bày nhưng sức lan tỏa vô cùng lớn.

Sáng 21.9 tôi có chút việc phải rong xe trên phố. Và thật cảm động khi bắt gặp một tấm bảng chữ to, chân phương, rõ ràng ghi nội dung: “Hớt tóc miễn phí: Những người bán vé số, người tàn tật, trẻ mồ côi”. Tấm biển được dựng ngay ngắn dưới gốc cây dầu cổ thụ, trước một tiệm chuyên làm tóc, hớt tóc rất bề thế, bàn ghế sang trọng trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM). Một cơ sở hoành tráng như thế này, bình thường nếu ta muốn ghé vào hớt tóc cũng gợn chút gì ngài ngại, vậy nhưng chủ nhân nó lại rộng lòng đón những người “dưới đáy” vốn e dè, nhếch nhác, những người mà nếu bình thường đi ngang qua cũng không dám nhìn vào. Một chút tò mò, tôi dừng xe với ý định “kiểm tra” thực tế, thấy rõ ràng có hai người đàn ông, một trẻ một già, trông cách ăn mặc, da dẻ là biết ngay diện khách miễn phí, đang được thợ tỉ mẩn “gọt” cho bộ tóc bù xù, có lẽ đã lâu không có dịp tân trang. Ai muốn biết chuyện tôi biên ra đây thực hư thế nào, hãy bớt chút thì giờ tới đoạn giữa đường Bùi Thị Xuân, gần cây xăng là rõ. Tôi chỉ muốn nói rằng chứng kiến điều như vậy, lòng thật vui khó tả.

Chuyện hợp tác xã (phần 3 – cuối)

Cuối phần 2, tôi có nhắc đến câu thơ trong bài “Anh chủ nhiệm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Ông thi sĩ này có khá nhiều bài được đưa vào sách giáo khoa, có thể kể ra Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại, Cửa Tùng, Anh chủ nhiệm, Những cánh buồm… nhưng người ta biết đến ông nhiều nhất có lẽ từ bài thơ “Anh chủ nhiệm”. Ông cũng như các nhà văn Nguyễn Khải, Đào Vũ, Nguyễn Kiên, Bùi Hiển, Nguyễn Địch Dũng, Nguyễn Thành Long… sau mỗi chuyến đi thực tế ở nông thôn lại cho ra đời tác phẩm về “cuộc sống mới, con người mới”. Thời ấy, các nhà văn nhà thơ rất muốn chứng tỏ cho đảng và nhà nước thấy họ đã lột xác, đã cải tạo triệt để như thế nào nên tác phẩm thường tô vẽ khá lòe loẹt, xa thực tế (nhưng gần với ý đồ của đảng), ca ngợi lộ liễu. Phải nói hình tượng anh chủ nhiệm trong bài thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông thật đẹp, đẹp đến mức chỉ có thể tìm thấy người như thế ở chủ nghĩa cộng sản. Thời đó, đọc nó và cảm động lắm, cứ mong sao chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) quê mình chỉ bằng móng tay anh chủ nhiệm của bác Thông thi sĩ là cũng khoái củ tỉ rồi: “Cùng bao đồng chí anh đi trước/Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược/Có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo/Vợ yếu con đông chưa hết nghèo/Nhưng rồi lại nghĩ đường đi tới/Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi/Lại lao vào việc lòng say sưa/Hết sớm thôi chiều nắng lại mưa”, đại loại cứ sáng rỡ như vậy.

Sau thì mọi thứ vỡ ra, văn chương minh họa chỉ làm nhiệm vụ của nó chứ so với đời sống thực thì khác nhau một trời một vực. Thời ấy người ta gọi cách viết như thế là có tính đảng, theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Giờ ngẫm lại những thứ đã đọc, nếu đúng như các văn sĩ viết thì chủ nghĩa xã hội đã thành công cả 7 - 8 chục năm nay rồi chứ đâu phải như ông Nguyễn Phú Trọng nói phải chờ cả trăm năm nữa. Kinh lắm: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/Lúa mượt đồng ấm áp làng quê/Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn” (Tố Hữu), “Đêm no ấm giọng chèo khuya khoan nhặt/Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta/Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác/Chim cu gần chim cu gáy xa xa” (Chế)... Các bố ấy ở thành phố, ăn uống đầy đủ, lâu lâu mới mò về nông thôn, đầu óc tưởng tượng quá phong phú, vẽ nông thôn đẹp như thiên đường. Chỉ những đứa như đám chúng tôi, sinh ra từ nông thôn, sống với HTX, lăn lộn với ruộng đồng, hằng ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chân lấm tay bùn, ngày hai bữa cơm đèn mới hiểu thực chất của những câu thơ ấy, chứ học trò thành phố khó hình dung được.

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Nghệ thuật kêu than

Theo tôi biết, nước Mỹ không hề chi một xu ngân sách cho các hãng phim Hollywood nhưng phim Mỹ thì gần như thống trị thế giới.

Một nền kinh tế thị trường thực sự có nghĩa là ngay cả làm nghệ thuật cũng phải kinh doanh, tự lo lấy thân, giỏi được nhờ, dở ráng chịu. Không có la oai oái sao lương tôi thấp, thu nhập tôi chỉ đủ khỏi chết đói.

Có tài thì ngồi vào ghế lãnh đạo, bất tài thì chả ai tín nhiệm, dù thủ đoạn nọ kia, không phải tranh giành, tố cáo kèn cựa nhau. Xuân Bắc hay Anh Tú, hoặc bất cứ anh nào, nếu có tài chèo lái nhà hát kịch cho nó sáng đèn kéo người xem tới thì nghệ sĩ sẽ bầu, quái gì mà tranh nhau.

Tôi nói vậy bởi mấy đơn vị nghệ thuật nhà nước được bao cấp lâu nay đang vỡ ra cái nhọt thực chất ăn bám dân, dựa hơi ngân sách. Hãng phim truyện VN hay Nhà hát kịch VN cần được cổ phần hóa triệt để, ngay lập tức, trụ sở của nó dù đất vàng bạc kim cương gì đi nữa cũng phải quy ra tiền, anh nào muốn hoạt động nghệ thuật phải bỏ tiền ra mà mua, nộp tiền đó vào ngân sách. Lời ăn lỗ chịu, dở quá thì phá sản, đi ăn mày, ở đó mà than lương thấp lương cao.

Nhà nước cũng đừng bắt nó phải làm những bộ phim, vở kịch phục vụ chính trị chả ai thèm xem. Nó đừng vi phạm pháp luật là được. Các hãng phim, đoàn kịch cũng không được lấy cớ không xài ngân sách để làm tầm bậy tầm bạ. Cứ làm ra thứ hay, dân khen ngợi kéo nhau đi xem thì nhà nước chả bắt bẻ gì.

Kêu mí chả la. Chết giờ.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Chuyện hợp tác xã (phần 2)

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là sản phẩm của những người chủ trương tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Hồi ấy (những năm 1960-1970) bên Liên Xô có nông trường-nông trang, bên Trung Quốc có công xã thì ta chả nhẽ không đi theo bắt chước hai anh. Bước đi đầu tiên là HTX rồi sau đó cũng sẽ tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên nông trường, công xã. Cứ Liên Xô, Trung Quốc thế nào thì ta phải như vậy.

Hồi tôi còn bé, thường thấy các anh chị thanh niên buổi tối tập trung ngoài sân HTX tập văn nghệ, hò hát nhảy múa. Cứ sẩm tối họ đã í ới gọi nhau. Cả ngày làm quần quật nhưng tối phải sinh hoạt đoàn, phải tập văn nghệ để thể hiện niềm vui, niềm yêu cuộc sống mới. Họ hát ca ngợi nông trường ở Liên Xô “dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa”, ca ngợi công xã bên Trung Quốc “công xã là mây xanh, là hoa đẹp sáng tươi, rọi chiếu trên đồng quê trên bao gia đình trong ấm êm”, đại loại tôi còn nhớ như vậy. Sau này có nghe mấy người đi Triều Tiên về kể lại ở Triều Tiên lâu nay chính quyền vẫn bắt người dân phải hằng ngày ca hát nhảy múa để quên đi sự vất vả, để không còn thời gian rảnh mà oán trách chính quyền, để chứng minh với thế giới rằng cuộc sống của họ đầy sinh sắc. Khiếp thật, chả biết xứ ta hồi xưa có mục đích vậy không.

Lại một dạo, coi họa báo Trung Quốc có bài và ảnh về công xã Đại Trại, điển hình nông nghiệp của Trung Quốc (giống như HTX Đại Phong tỉnh Quảng Bình ở ta, do đại tướng Nguyễn Chí Thanh khơi mào) Kinh nhất là có bức ảnh lúa cấy dày mọc ken chặt, bông chín vàng, thóc hạt nào hạt nấy mẩy to như đầu ngón tay út. Và đặc biệt nhất, một đứa trẻ con trèo ngồi lên trên đám lúa chín, vững như trên bàn đá cẩm thạch, khiếp thật. Còn tay chủ nhiệm HTX công xã Đại Trại là Trần Vĩnh Quý (tôi nhớ như in tên ông ta) học chỉ hết tiểu học nhưng được Mao phong anh hùng lao động, cất nhắc làm Phó thủ tướng phụ trách nông nghiệp, khiến nông nghiệp Trung Quốc càng ngày càng lụn bại. Mao chết, đám hậu sinh đạp Quý xuống cái một, kể tội ngu dốt vô học, háo danh…, không đưa ra tòa là may.

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Sự kiêu ngạo cộng sản (phần 2)

Kể từ khi chủ nghĩa cộng sản với cốt lõi là tư tưởng Marx - Lenin và học thuyết đấu tranh giai cấp được du nhập vào Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ 20, người cộng sản đã dần tìm được chỗ đứng trong đời sống chính trị bởi họ khá khôn ngoan. Họ biết lợi dụng và dựa vào dân nghèo, nhất là nông dân, lực lượng đông nhất ở một xứ thuộc địa. Những ông tổ của cộng sản, khi truyền bá học thuyết đấu tranh giai cấp đã khẳng định “ai nắm được công nông, người ấy sẽ chiến thắng”. Lý luận ấy từng chính xác ở nơi nào thì tôi chưa rõ lắm, nhưng xứ ta trước năm 1945 thì quả đúng như vậy.

Sau khi đã trở thành lực lượng chính trị quan trọng, người cộng sản VN từng bước giành thắng lợi. Đó là nghệ thuật biết thắng từng bước, dù họ biết phải giá đắt máu và nước mắt. Dấu mốc lịch sử quan trọng vẻ vang nhất là họ khơi dậy được sức mạnh tổng hợp của quần chúng, khơi mối căm thù giai cấp bóc lột, hô hào nhân dân đứng lên làm cuộc lật đổ nhà nước thực dân-phong kiến, cướp chính quyền (chữ mà người cộng sản trước kia hay dùng), thiết lập được bộ máy cầm quyền mới vào tháng 8.1945.

Theo dòng lịch sử, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm (1945-1954), cuộc nội chiến Bắc Nam để thống nhất đất nước (1954-1975), cuối cùng người cộng sản đã đoạt chiến thắng chung cuộc. Bao nhiêu đau thương mất mát, biết bao bi kịch ám vào số phận từng cá nhân, từng gia đình, từng vùng đất ròng rã mấy chục năm trời để có ngày toàn thắng. Gần nửa thế kỷ, suốt từ năm 1975 đến nay, người cộng sản hãnh diện mình đã có công trời biển thu non sông về một mối. Bộ máy tuyên truyền của họ hằng năm bắt mọi người phải nhớ ơn cái công lao được xây bằng núi xương sông máu của mấy triệu con người.

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Chuyện hợp tác xã

Nhân chuyện ông Võ Kim Cự, “người hùng” Formosa bị hàng loạt kỷ luật, vừa rồi lại thôi chức Chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam để về hưu (chắc là tiếc đứt ruột), bất giác nhớ những gì liên quan đến hợp tác xã hồi trước.

Bây giờ, mở tờ báo ra là thấy nhan nhản những công ty, tổng công ty, tập đoàn, những đơn vị kinh tế hùng mạnh, những quả đấm thép này nọ, với người đứng đầu là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch quyền nghiêng thiên hạ. Nhưng cái thời tôi còn trẻ, báo chí ít, giá có mở trang báo ra thì chỉ thấy nói đến hợp tác xã. Chỗ nào cũng hợp tác xã. Nhiều đến mức người ta viết tắt thành HTX cho gọn, viết mãi thành quen, cứ đọc 3 chữ cái tắt ấy hiểu ngay là hợp tác xã, không cần ai giải thích.

Những năm 60-70 ở miền Bắc, HTX có 2 loại chính: HTX nông nghiệp và HTX của những ngành nghề khác, ví dụ HTX mua bán (thương nghiệp), HTX vận tải, HTX bốc vác, HTX tín dụng, HTX chụp ảnh, HTX may mặc, v.v.. Phổ biến nhất, đáng kể nhất là HTX nông nghiệp và HTX mua bán. Xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng quê tôi) có cả hai HTX ấy.

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Sự kiêu ngạo cộng sản

Những chữ trên không phải do tôi nghĩ ra, cũng không phải do thế lực thù địch nào vu cáo, mà là chữ ông Phan Diễn dùng. Ông Diễn người Quảng Nam, con cụ Phan Thanh – một nhân vật nổi tiếng thời Mặt trận Dân chủ 1936-1939. Ông Diễn từng là Ủy viên Bộ Chính trị, đóng đến chức Thường trực Ban Bí thư (tức nhân vật số 2 của đảng, chỉ sau Tổng bí thư). Họ hàng ông Diễn còn có những người là yếu nhân của chế độ, chẳng hạn ông Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), em ông Phan Thanh, là Thứ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền sau cách mạng tháng 8, Chánh văn phòng chính phủ, người được cụ Hồ hết sức tin cậy; mẹ ông là bà Lê Thị Xuyến, Phó chủ tịch Hội LHPN VN… Kể qua như vậy để nói rằng phát ngôn của ông Diễn không phải dạng ai đó nói vu vơ, nói lấy được, mà là rất có trọng lượng. Đó là nhận xét của người trong cuộc, "ở trong chăn..." chứ không phải bị kích động, xúi giục, nhẹ dạ gì (làm sao mà kích động nổi những người như ông Diễn, nay ông vẫn còn sống và mạnh khỏe, sáng suốt, ai không tin thì cứ hỏi ông).

Trong bài trả lời báo điện tử VnExpress đăng ngày 17.12.2016, ông Diễn nhận định “Tôi cho rằng, chúng ta ít nhiều đã có sự chủ quan, có thể gọi là “kiêu ngạo cộng sản” sau chiến thắng 1975. Việc này có thể hiểu là xuất phát từ những điều tự hào về lý tưởng và thành công của mình trên con đường cách mạng, nhưng rồi đi quá đà đến xu hướng chủ quan...” (trích nguyên xi câu). Cũng trong bài trả lời này, ông cựu nhân vật số 2 còn cho biết chi tiết rất đáng quan tâm đối với những người chép sử, ông bảo “Trước giải phóng, mỗi năm kinh tế miền Nam được Mỹ viện trợ khoảng một tỷ USD. Miền Bắc cũng được chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa một lượng xấp xỉ như thế”. (trích nguyên xi câu). Nếu đúng như ông Diễn nói thì với 1 tỉ đô như vậy, ở miền Nam ngoài chi cho phương tiện chiến tranh, tiền viện trợ còn được biến thành nền kinh tế “phồn vinh giả tạo”, dân thực sự được nhờ, được sung túc, chứ 1 tỉ ở miền Bắc bị chuyển hóa thành vũ khí hết để “giải phóng miền Nam”, nên dân chịu đói khổ thiếu thốn kéo dài suốt mấy chục năm.

Xung quanh đồng bạc lẻ

Nói không quá, đồng tiền mệnh giá nhỏ (so với giá trị của vật chất), còn gọi là bạc lẻ, hoặc tiền lẻ, đang gây sự chú ý nhiều nhất trong đời sống xã hội. Nó thu hút dư luận còn hơn cả diễn biến vụ tòa xử Công ty VN Pharma buôn thuốc ung thư giả, hoặc đại án OceanBank với hàng loạt quan chức sừng sỏ, lãnh đạo cộm cán phải ra vành móng ngựa. Nó thời sự bởi liên quan đến các dự án BOT giao thông, đến những trạm thu phí, đến giới tài xế, đến những biện pháp của nhà chức việc (giao thông, công an) nhằm giải quyết tình trạng “trả phí bằng tiền lẻ” sao cho hợp lý hợp tình… đang nóng bỏng hiện nay.

Thông thường, tiền lẻ bị người đời rẻ rúng bởi cái mệnh giá nhỏ bé của nó. Thực ra nó chả có tội gì. Ai cũng biết vậy. Trong đồng tiền của mỗi quốc gia, bất cứ nước nào, luôn tồn tại đồng thời xen kẽ tiền lớn tiền nhỏ, mệnh giá lớn mệnh giá nhỏ, để phù hợp với sự thanh toán ở những mức độ khác nhau. Hắt hủi, rẻ rúng những đồng bạc giá trị nhỏ là thiếu sự tôn trọng đồng tiền. Tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt, từ công sức của người lao động, dù lớn hay nhỏ đều quý, đều có giá trị như nhau.

Nhưng đồng tiền, cũng như con người vậy, số phận ba chìm bảy nổi. Khi chót vót đỉnh cao, lúc bùn nhơ tận đáy. Khi thì được khen nức nở, được nâng niu chiều chuộng, cất giữ cẩn trọng két này tủ nọ, xem như thước đo trong đời sống, trong sự thành đạt của con người, lúc thì bị hắt hủi, lên án, bị coi là nguyên nhân của mọi tội ác, thậm chí bị nguyền rủa bằng câu kinh điển lan truyền bấy lâu nay “đồng tiền là con đĩ của nhân loại”, nghe phát khiếp. Cứ như vậy, đồng tiền kẻ ghét người yêu, nó vẫn tồn tại không thể thiếu trong đời sống, nhất là trong các quan hệ làm ăn, mua bán, sinh hoạt cộng đồng. Ngay những kẻ chán tiền, ghét tiền nhất, giá có mơ ước được quay trở lại thời giao dịch mua bán bằng cách trao đổi khi chưa có đồng tiền, kiểu một con dê đổi mấy thùng thóc, họ cũng không bao giờ thỏa nguyện cái ý nghĩ trong sáng và điên rồ ấy được. Đơn giản là bây giờ người ta không thể sống thiếu tiền.

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Tìm hiểu câu thành ngữ Trọng nghĩa khinh tài

Có một bạn trẻ, sinh viên đàng hoàng, hỏi tôi chú ơi sao lại “trọng nghĩa khinh tài”, trọng nghĩa thì được chứ khinh tài là làm sao, tài, tài năng cũng rất đáng trọng chứ, v.v.. Bạn ấy hỏi một lèo khiến tôi hiểu rằng cái thành ngữ tưởng như khá rõ nghĩa này hóa ra vẫn có người hiểu sai hiểu lệch.

Điều đầu tiên cần nhắc ngay, câu thành ngữ nói trên thuần dùng từ Hán Việt. Vậy ta nên vỡ vạc chút ít từng từ để nắm được cái cốt lõi (có liên quan đến nội dung thành ngữ) của mỗi từ.

“Trọng” có nhiều nghĩa, trong đó 2 nghĩa chính là nặng, coi là nặng; tôn kính, tôn quý. Về nghĩa thứ nhất, ta thường nói trọng lượng, tức là vật gì đó nặng bao nhiêu. Trọng bệnh là bệnh nặng (trái nghĩa với bệnh nhẹ, dễ chữa), trọng thương là bị thương nặng, trọng trách là trách nhiệm nặng nề, trọng phạm là kẻ phạm tội nặng… Trọng cũng có nghĩa là tôn trọng, tôn kính, nể vì, chẳng hạn “Cha mẹ tôi rất trọng bác ấy bởi bác luôn quên mình, chỉ nghĩ đến mọi người”. Trong thành ngữ nói trên, trọng nghiêng về nghĩa “nặng”.

Đối ngược với trọng là “khinh”. Khinh nghĩa là nhẹ, xem nhẹ, coi nhẹ. Khinh khí tức là khí nhẹ (chẳng hạn khí hydro), khinh kỵ là lực lượng kỵ binh (lính cưỡi ngựa) tác chiến nhanh nhẹn, khinh thân là xem cái thân của mình là nhẹ, không đáng kể… Xưa truyện tiếu lâm kể về anh chàng hay nói chữ một cách máy móc. Bị đánh mấy roi vào một bên mông, anh ta vừa xoa chỗ đau vừa than thở “nhất bên trọng, nhất bên khinh” (một bên nặng, một bên nhẹ; một bên có, một bên không), quan nghe vậy bèn sai lính nọc ra đánh thêm vào bên mông kia vài roi nữa cho cân, khỏi thắc mắc trọng khinh, nặng nhẹ. Ngoài ra, mở rộng từ nghĩa “xem nhẹ” nói trên, khinh còn có nghĩa là sự bày tỏ thái độ không hài lòng với ai hoặc điều gì đó, chẳng hạn khinh thường, khinh bỉ, khinh miệt, khinh mạn. Trong câu thành ngữ mà chúng ta đang nhắc tới, nghĩa chính của khinh là nhẹ, xem nhẹ.

Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Chuyện đánh răng

Thỉnh thoảng người ta nhắc nhau “cái răng cái tóc là góc con người”, ý rằng một cái thì nhỏ (nhỏ như sợi tóc), một cái thì khuất trong mồm (chả mấy ai nhe răng suốt ngày, có mà như thằng điên) nhưng đừng coi chúng vặt vãnh không đáng kể, bởi nó cũng là một phần (góc) của người đấy. Buồn cười, có nhà báo lại viết thành “gốc con người”, lý luận rằng răng tóc là gốc (basic), là nền tảng con người. Tôi đọc vậy thì biết vậy, chứ thực tình chả hiểu răng sao lại là nền tảng, hay tại mình ngu quá.

Từ khi mọc răng tới hơn 10 tuổi, hình như tôi chỉ đánh răng vài chục lần. Bây giờ bọn trẻ nghe vậy thì khiếp, bẩn bỏ mẹ, kinh quá. Nhưng đó là tôi nói thật, đơn giản vì thời ấy (giữa thập niên 50 đến giữa thập niên 60) đám trẻ con chúng tôi không có bàn chải răng, thuốc đánh răng.

Hồi đó thứ gì cũng do thương nghiệp nhà nước phân phối. Thành phố thì có cửa hàng bách hóa, nông thôn thì có cửa hàng thương nghiệp, hoặc hợp tác xã mua bán. Mọi sản phẩm do nhà máy xí nghiệp sản xuất, và cả hàng nhập khẩu nữa, đều được phân phối qua cửa hàng. Tất tần tật, từ cuộn chỉ khâu bé bằng ngón tay út, cái bát ăn cơm, hột muối, chiếc khăn mùi xoa, chiếc mũ cát, cái xe đạp, chậu thau, phích nước, và cả chiếc bàn chải đánh răng, hộp thuốc đánh răng, đều bán theo sổ mua hàng. Không phải ai cũng mua được mấy thứ đó. Trước hết là cán bộ, bộ đội, nhân viên nhà nước, sau đó nếu còn hàng tồn hàng dư thì mới tới lượt đám dân đen. Nhà tôi tinh dân đen tuyền nên chả được phân phối thứ gì, muốn có phải mua ngoài chợ đen, giá cao hơn giá thương nghiệp cả chục lần. Tiếc tiền, có thứ bị cắt giảm không thương tiếc. Ấy thế, tôi không có bàn chải răng.

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2017

Chính phủ thuế (phần 5 – cuối)

Không thể kể hết chuyện thuế khóa và tăng thuế của chính phủ, cũng như nỗi đoạn trường bởi thuế của người dân xứ này. Thuế quá dày, chướng quá, nhà chức việc bèn gọi tránh đi là phí cho nó nhẹ, đỡ gây cảm giác trầm trọng. Sâu xa còn là họ không muốn gợi lên tinh thần phản kháng đối với thuế khóa tiềm ẩn trong dân chúng mà trước kia họ đã khai thác, tận dụng thành công.

Trên đầu trên cổ trên lưng dân giờ đây là cả núi Thái Sơn thuế khóa và phí này phí khác. Không có sự sinh nở, phát triển nào nhanh bằng thuế. Đâu đâu cũng thuế. Thuế đất đai, thuế nhà cửa, thuế sản xuất, thuế tiêu dùng, thuế vui chơi, thuế đi lại, thuế kinh doanh, thuế thu nhập, thuế lợi tức, phí dịch vụ, phí môi trường, phí học hành, phí nhập cư, phí sinh đẻ, phí… linh tinh. Thấy chỗ nào có thể ngon ăn, bóp nặn được là người ta nghĩ ngay tới việc tăng thuế hoặc thu phí. Chẳng hạn vừa rồi giới cờ bạc xứ này xuất hiện trò may rủi Vietlott, thu hút người chơi dữ lắm bởi thiên hạ bảo rằng nó không ăn gian như xổ số truyền thống. Nhận thấy Vietlott ngày càng hấp dẫn nhiều con bạc do giải cao tiền lớn, nhà chức việc nghĩ ngay âm mưu tăng thuế thu nhập của người trúng số, đánh thuế thu nhập cá nhân lên thật cao, từ 10% (đang áp dụng) lên 20, 25, thậm chí 30%. Cây trồng chưa đủ lá cành, đã nhăm nhăm hái quả, hớt tay trên kẻ trồng trọt. Tăng thuế thu nhập cá nhân với người chơi Vietlott nhưng họ lại không hề đả động đến bên xổ số truyền thống, dù bên này người chơi có trúng bao nhiêu tỉ cũng mặc, chỉ 10% như lâu nay. Dư luận đồn rằng phe xổ số truyền thống xúi nhà nước ra đòn để trị bọn Vietlott. Dân ham cờ bạc may rủi sẽ chán chơi xổ số kiểu Mỹ. Thuế thu nhập tăng thì Vietlott ốm đòn, chả mấy ai thèm mua nữa.

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Chính phủ thuế (phần 4)

Nói đến thuế má thời này, nếu ta thử hỏi ý 10 người thì có lẽ 9 người phải lắc đầu lè lưỡi. Thuế vừa là búa tạ, vừa là dao lam, đập đập cắt cắt, chả mấy ai tránh được nó. Nói đâu xa, chiếc xe máy ta sử dụng hằng ngày đã bắt ta cõng bao nhiêu thứ thuế. Khi mua xe thì phải nộp thuế hàng hóa giá trị gia tăng, rồi sau đó là thuế trước bạ, thuế (phí) lấy biển số, thuế cầu đường, thuế xăng dầu, phí bảo vệ môi trường… Cứ xách xe ra đường là đương nhiên nộp thuế cho nhà nước, chạy đâu cũng không thoát. Dân bị bóp nặn tàn mạt, vậy mà hơi một tí là người nhà nước lại hạch hỏi anh chị, ông bà “hãy tự hỏi đã làm được gì cho đất nước chưa?”, cứ như mình chỉ ăn không ngồi rồi, sống dựa dẫm, làm khổ, làm gánh nặng cho người khác (kiểu lý sự ấy cũng na ná có một dạo vị nào xuống đường biểu tình chống Trung Quốc thì bị nhà chúc việc vặn “có giỏi thì ra Trường Sa, Hoàng Sa mà đấu tranh”, tức là nhà cai trị luôn cho mình đúng mình hay, còn người khác sai). Đúng ra, các ông các bà ấy cần túm ngay tóc mình tự hỏi mình đã làm được cái gì cho nước cho dân trong khi hằng ngày sống bằng tiền thuế của dân. Ấy, xứ mình thường có kiểu ngược đời, hống hách như vậy.

Không chỉ bày ra muôn vạn thứ thuế phí, người ta còn luôn tìm đủ mọi cách tăng cho nó cao hơn nhằm thu về nhiều hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc dân bị bóc lột thậm tệ hơn, mồ hôi sức lực bị chiếm đoạt nhiều hơn. Tăng thuế đã trở thành một chính sách quan trọng của chính phủ. Giá như họ chỉ xuân thu nhị kỳ, hoặc chỉ tăng trong trường hợp không thể không tăng (nói chữ là bất khả kháng, ví như vỡ quỹ bảo hiểm xã hội chẳng hạn) thì còn đỡ, đằng này người ta nhăm nhăm tăng bất kỳ lúc nào, nếu ai thắc mắc sẽ được giải đáp bằng đủ mọi thứ lý do “chính đáng”.

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Cả nước chấp nhận cái sai

Tôi nói cả nước cũng không có gì là quá bởi từ ông chủ tịch nước trở xuống tới đứa dân thường, từ thủ đô hiện đại tới vùng nghèo xa tít, nơi nào cũng giăng đầy băng rôn, trên sân khấu ghi rõ "Ngày khai giảng" (vào hôm qua 5.9) mà không ai có ý kiến gì.

Nhà trường là nơi để tiến hành việc dạy và học. Nơi ấy có cả thầy (giáo viên) và trò (học sinh). Thiếu một trong 2 thành phần đó thì không thành nhà trường. Thầy mà không có trò thì dạy cho ai; trò mà không có thầy thì lấy ai dạy cho mình. Vì vậy, giảng dạy phải đi với học tập, mới là nhà trường. Không được quá coi trọng thành phần nào, công việc nào.

Thế mà suốt bao lâu nay tự dưng nhà chức việc đổi ngày khai trường thành ngày khai giảng. Khai trường tức là mở trường, mở năm học mới của năm đó. Một năm mới cho cả việc giảng dạy và học tập. Gọi khai trường là đúng nhất, nhắc nhiệm vụ của cả thầy và trò. Chứ khai giảng thì chỉ có thầy. Người ta cứ xưng xưng nói với nhau học trò là nhân vật chính, quan trọng nhất của nhà trường, nhưng khi khai trường lại không thèm nhắc tới các em các cháu.

Ngày khai trường còn gọi là ngày tựu trường. Tựu có nghĩa là tới, tựu trường là tới trường lại sau thời gian nghỉ hè. Nhưng tốt nhất cứ gọi là khai trường, vừa dễ hiểu, vừa chính xác.

Chả phải chỉ có tôi riết róng chữ nghĩa tiếng Việt như thế. Đầu tháng 9.1945, cụ Hồ gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường, chính cụ viết "Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa". Tôi không dám khẳng định cái gì cụ cũng đúng nhưng trường hợp này thì cụ đúng trăm phần trăm. Hồi tôi đi học, cả phổ thông lẫn đại học, chỉ có ngày khai trường. Chả biết ông bá vơ nào tự dưng đổi lại thành ngày khai giảng.

Hôm qua nhiều ông to bà nhớn đi làm long trọng viên dự ngày khai trường, họ đều nhìn thấy tấm bảng chữ "Ngày khai giảng", tôi đồ rằng các ông bà ấy chỉ nhăm nhăm đánh trống, rao giảng dăm ba câu rồi về (đứng đó nóng bỏ mẹ), không ai nghĩ chuyện hậu sinh đã làm sai lời cụ Hồ.

Lạ cái là người xứ này, từ quan đến dân, nhìn thấy rất nhiều cái sai nhưng cứ lặng lẽ, dễ dàng chấp nhận. Có khi còn tặc lưỡi "vẽ chuyện, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ". Chả trách khổ là phải. 

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Chính phủ thuế (phần 3)

Hôm 1.9 vừa rồi, lúc 10 giờ 30 tôi có mặt tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang). Buồn đời thì đi thôi chứ chả phải mê say lễ lạt gì, cũng đi ngang đây chứ không hề có ý định xuống hiện trường để tận mục sở thị. Các lối vào trạm đã thông thoáng, barie được dỡ bỏ, xe cộ qua lại thoải mái không mất tiền, dù tiền lẻ, tiền chứa trong lợn đất hoặc chai nhựa. Thực tế mà tôi chứng kiến tận mắt nói lên rằng nhà chức việc ít nhiều đã biết lắng nghe, bước đầu đã có sự điều chỉnh, giải quyết hợp lý thuận tình, sau những căng thẳng cãi vã ban đầu. Nếu cứ theo hướng giải quyết tôn trọng chân lý như thế này, sẽ còn nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu chỉ tạm coi như giải pháp tình thế, lùi để tiến, tạm hạ nhiệt xoa dịu rồi sẽ tính sau… thì tôi đồ rằng tiền lẻ lại có dịp phát huy giá trị nhỏ mọn của nó.

Thị trấn Cai Lậy cũng như nhiều huyện lỵ ở miền Tây Nam Bộ nhỏ nhắn nhưng khá tấp nập thuyền bè, xe cộ mua bán thóc gạo, trái cây. Quan ngại nhất, là nó nằm ngay trên trục chính, quốc lộ 1 xuyên tâm đất phương nam màu mỡ. Người ta đã nâng cấp nó thành thị xã khiến nguy cơ về tai nạn giao thông do xe cơ giới băng qua khu dân cư càng cao. Lẩn thẩn tự hỏi, mà sao lại cứ phải phong cấp cho những thị tứ của huyện của tỉnh làm chi nhỉ. Xưa nay huyện có thị trấn, tỉnh có thị xã, đô thị lớn cấp quốc gia thì là thành phố, gọi như thế có chết ai, giờ cứ phải tăng thành thị xã, thành phố cho nó oai. Với tôi, nhưng cái tên như thị xã Kiến An (tỉnh Kiến An cũ quê tôi, nay thuộc Hải Phòng), thị xã Bắc Ninh, thị xã Lạng Sơn, thị xã Tây Ninh… đem lại nhiều gợi cảm, yêu thương, gần gũi hơn khi gọi nó là thành phố. Thị trấn Cai Lậy cũng vậy, chả hay ho gì cái tên thị xã Cai Lậy khi nó chỉ có vài đường phố, còn nhà cửa lộn xộn, lè tè thò ra thụt vào, nếu không nói là còn nhếch nhác. Hình như chế độ này thích làm chuyện sắc phong, hết phong cho người, rồi cho đất, cho cơ quan đơn vị. Hàng trăm trường đại học đã ra đời, mà thực chất nó chỉ ở tầm cao đẳng, hoặc thậm chí cỡ trường trung cấp. Nhưng cứ được gọi đại học là khoái, mà anh ký phong cũng có màu.

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Chính phủ thuế (phần 2)

Trong bài trước, tôi có nhắc đến tham vọng của đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng một chính phủ liêm chính - kiến tạo, đến những mong muốn của ông biến điều đó thành hiện thực. Nhưng, như chúng ta biết, giữa khát vọng và hiện thực luôn có khoảng cách, không phải bao giờ chúng cũng đi với nhau.

Điều dễ thấy nhất là ông Phúc đã và đang phải chịu thừa hưởng di sản tồi tệ từ người tiền nhiệm, ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là những khoản nợ công đầm đìa khổng lồ, những vụ thất thoát khủng khiếp do tệ nạn tham nhũng vơ vét, những vụ ném cả núi tiền qua cửa sổ do làm ăn chả giống ai, đặc biệt là do ngu dốt và tham lam, những suy sụp khó bề cứu vãn của nền kinh tế nhà nước sau khi những tập đoàn, tổng công ty từng được coi là quả đấm thép mà chính phủ đặt vào đó rất nhiều kỳ vọng như Vinashin, PVN, EVN… sụp đổ tan nát. Và điều tai hại nhất là người ta (chính phủ tiền nhiệm) đã giải bài toán kinh tế rối rắm, đã bù đắp hao hụt tài chính quốc gia (tiền bạc bị mất đi bởi những lý do trên) bằng thuế. Tăng thuế, đổ hết lên đầu người lao động, lên cổ dân chúng. Điều đó hoàn toàn ngược với chủ trương, đường lối của giai cấp tự nhận quyền lãnh đạo, nhưng cũng dễ hiểu bởi xưa nay người cộng sản thường làm ngược lại những điều họ nói.

Thời thuộc Pháp, để tập hợp được dân chúng đứng dưới ngọn cờ chính trị của mình, một trong những biện pháp đắc dụng mà đảng vô sản thực hiện là khơi dậy trong dân chúng mối căm hờn chính sách thuế khóa của nhà cai trị. Cụm từ thường được họ nhắc đi nhắc lại trong những cuộc tuyên truyền, diễn thuyết, giác ngộ nhân dân là “sưu cao thuế nặng”. Những cuộc vận động nông dân đứng lên phản kháng luôn xoáy vào vấn đề thuế, bên cạnh vấn đề “người cày có ruộng” (được coi là quan trọng nhất với nông dân). Chính những trang lịch sử của nhà nước có biên ghi như vậy chứ không phải tôi suy diễn. Thơ văn cách mạng đã xoáy sâu vào tình trạng thuế khóa, xem đó như nguyên nhân chính gây ra bao đau khổ cho dân chúng xứ thuộc địa: “ Đêm nằm luống những sầu bi/Sưu cao thuế nặng lấy chi thanh nhàn”, “Rày sưu mai thuế trưng cầu/Cầm con cầm vợ bán trâu bán bò”…

Chia buồn với bác Hiếu

BÁ TÂN

Xem blog Nguyễn Thông, đọc bài của Xuân Ba , biết tin vợ bác Hiếu -nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu, qua đời.

Xin chia buồn sâu sắc với bác Hiếu cùng đại gia đình của hai bác.

Từ nay, sau khi bác gái yên nghỉ nơi vĩnh hằng, một khoảng trống vô tận sẽ luôn bập bềnh bên cạnh bác Hiếu.

Có con. Có cháu. Có bạn bè. Nhưng tất cả không thể thay thế, không thể ngang bằng vợ - người bạn đời có thăng có trầm nhưng luôn luôn là ngôi số một.

Là nhà quân sự. Là chủ doanh nghiệp. Là nhà thơ. Có nhiều nhà trong con người bác Hiếu. Bác Hiếu tạo ra nhiều nhà, nhà nào cũng vừa tân kỳ, vừa cổ kính. Nhưng ngôi nhà được bác Hiếu ưng ý nhất, ấy là ngôi nhà luôn có hơi ấm nồng nàn, luôn có ánh mắt đằm thắm của bác Hương – người vợ mà trọn đời bác Hiếu hết mực yêu thương.

Tôi gặp bác Hiếu nhiều lần. Còn bác Hương, vợ bác Hiếu, thì chưa một lần được gặp. Chưa gặp nhưng, qua bác Hiếu và qua Xuân Ba, tôi hình dung ra bác Hương, đó là người phụ nữ, người vợ, người mẹ tuyệt vời.

Tôi cứ ao ước, giá mà trên đời này có nhiều gia đình có được người giữ lửa như gia đình bác Hiếu thì trời yên, bể lặng là chuyện thường ngày.

Cặp đôi Hiếu – Hương là bản trường ca hay hơn mọi bài thơ đã được bác Hiếu trình làng.

Có rung động mới làm được thơ. Là nhà thơ, trái tim bác Hiếu có cả ngàn lần rung động. Thực nhất , sâu lắng nhất, đắm đuối nhất, ấy là sự rung động hòa hợp của cặp đôi trái tim Hiếu-Hương.

Trái tim bác Hương đã ngừng đập. Nhưng tình yêu thương dành cho bác Hương vẫn chảy mãi trong trái tim bác Hiếu.

Bá Tân



Chú thích ảnh:

Nhóm giặc K17 trong một lần đón năm mới dương lịch tại nhà bác Hiếu ở huyện Yên Định xứ Thanh. Từ phái sang: Đại tá, thi sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Bá Tân, Lê Ngọc Tân. Ảnh: Xuân Ba