Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Những phát lộ đáng sợ

Vụ "đàn áp ngoáy mũi" ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương hôm 28.9 làm lộ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Vẫn biết ở xứ mặt trời rực rỡ, mọi chuyện, nhất là chuyện xấu, sẽ qua đi rất nhanh, bị quên đi rất nhanh, thế nên mới có câu thành ngữ nổi tiếng "ném đá ao bèo", nhưng tránh sao khỏi bia miệng vẫn tạc chỗ này chỗ kia, khi ấy khi khác.

Phát lộ nhiều lắm. Như người ta nói với nhau, trận dịch khốn nạn này giết chết bao nhiêu người, tàn phá lung lay cả xã hội, còn ghê hơn chiến tranh, nhưng nó cũng có “công” làm phát lộ, phơi bày ra nhiều thứ xấu xa kín đáo, trong đó phần nhiều của nhà cai trị. Nhiều, khó mà kể hết được, chỉ tranh thủ nhặt ra đôi điều.

Sự đời xưa nay, ăn cây nào rào cây ấy, ăn oản phải thờ phật, làm thuê phải theo lệnh chủ, nhưng coi đoạn video người đàn bà tay không bị lực lượng hùng hậu trang bị tận răng phá cửa vào nhà, bị bẻ quặt tay ra sau lưng dong đi, chỉ để nhằm mỗi việc ngoáy mũi xét nghiệm, thấy thật kinh khủng và rất buồn. Quyền con người bị xâm phạm, pháp luật bị vi phạm trắng trợn đã đi một nhẽ (mấy thứ này để dành cho các luật sư phân tích), còn nhẽ khác rất đáng nói: đám sai nha hung tợn kia, nào phải ai khác, chính là công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, tất tật đều do dân nuôi, thấm 6 điều cụ dạy, đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ… Trên lý thuyết, họ đều rất đẹp, nhưng lâu nay trong thực tế đã bị méo mó nhiều, trong vụ này thì hỏng hẳn.

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 4)

5.6
Về tiêm vắc xin, thủ tướng Chính luôn khẳng định “Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất”. Trên mạng xã hội lan truyền câu nhại bài vè từng nổi tiếng thời bao cấp, giờ có nội dung về vắc xin:

Phai dờ là của vua quan
Mô đe là của trung gian quần thần
Át tra cho đám thương nhân
Si nô chỉ của nhân dân anh hùng
(Phai dờ - Pfizer, Mô đe - Moderna, Át tra - AstraZeneca, 3 loại này của Tây; Si nô - Sinopharm, Sinovax, Vero Cell là của T-àu).

Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo ông Chính nói đúng đấy, xứ này ai được tiêm vắc xin sớm nhất trước nhất, trung ương chứ ai, mà khi đó chưa có hàng tàu.

6.6
Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có báo cáo trình chính phủ, than thở nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh phía nam, thực hiện chủ trương của chính phủ, cụ thể là chỉ thị 16, chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch mà không chịu “mục tiêu kép” nên sản xuất bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Theo VASEP kêu cứu, nếu cứ tiếp tục giãn cách kiểu này đến cuối tháng thì nguy cơ phá sản của doanh nghiệp rất cao, không thể nào phục hồi được.

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 3)

3.9
Ông Lưu Bình Nhưỡng đại biểu quốc hội, nhân vụ cả nước, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn nhà chức việc vẽ ra đủ thứ giấy tờ, quy định, app này app nọ hành dân, ông lên tivi nói chỉ có mỗi cái giấy đi đường mà cứ lúng ta lúng túng, hết công an hành tới chính quyền hành, nay đòi thế này, mai đòi thế khác, chỉ khổ dân. Ông Nhưỡng bảo rõ ràng Hà Nội đã không rút được bài học kinh nghiệm qua 2 lần dịch trước, cứ gây phiền hà cho dân. Ông ví dụ, đã có căn cước công dân gắn chip rồi, quản lý hiện đại 4.0 rồi, sao lại còn đòi giấy đi đường.

Cũng cái vụ hành dân đó, bác Nguyễn Thiện cho rằng nhà nước thực hiện bí quyết để người dân không dám ra đường là tạo ra ma trận, bày thật nhiều giấy tờ, thủ tục rắc rối khiến cho họ ngán ngẩm, chán chường, tặc lưỡi thà ở nhà cho rồi, dù biết rằng ở nhà thì đói, bệnh tật, căng thẳng, có khi phát điên.

5.9
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông la hán gầy nổi tiếng với quê hương là chùm khế ngọt, than thở “3 tháng bị phong tỏa, cứ 16 + mãi thế này, không phải lockdown thì là cái của nợ gì hở trời”.

Lênin toàn tập

Thời những năm thập niên 60 ở miền Bắc, người ta hay thấy những tấm ảnh Mao Trạch Đông. Lúc thì trên họa báo Trung Quốc bản tiếng Việt, lúc trên báo chí Việt, và có nhiều bức được in riêng cho dân chúng đem về nhà treo. Có những bức in trên lụa, dệt bằng lụa, kỹ nghệ tinh vi, do bên Tàu làm và chúng cho không thằng em dại Việt, để theo cách nói bây giờ là "xâm lăng văn hóa", truyền bá tư tưởng Mao Trạch Đông. Còn sách Mao tuyển bìa đỏ in nổi hình Mao thì đủ cỡ, muốn xin bao nhiêu cuốn cũng được. Huy hiệu Mao cũng phát không, đi chăn trâu cũng đeo, có chiếc to bằng trôn bát ô tô.

Tấm ảnh Mao phổ biến nhất là ảnh y ngồi trước tủ sách dễ đến hàng nghìn cuốn, hàng hàng lớp lớp ngay ngắn, đều chằn chặn, cuốn nào cuốn nấy dày cỡ 2-3 đốt ngón tay. Chủ yếu sách kinh điển của Mác, Lênin, nhất là toàn tập Lênin. Tất nhiên trong đó có cả trước tác của Mao.

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 2)

22.8
Trung ương quyết định điều động quân đội giúp Sài Gòn chống dịch. Ông Phan Văn Giang đại tướng bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố phen này không thắng không về. Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tivi kêu gọi vì miền Nam ruột thịt, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt. Như không khí chiến tranh. Ông anh vợ tôi bảo nghe mấy ổng nói cứ ghê ghê, nhất là mấy câu vì miền Nam ruột thịt, gợi một thời muốn quên đi. "Vì" một lần đã đủ khổ tới giờ, nay lại "vì" nữa thì biết chạy đi đâu.

Nhớ hôm trước, ngồi với nhau, thằng Tân hát mấy câu trong bài “Đời chưa hết giặc là ta chưa về” của nhạc sĩ Huy Du, rằng “Thế quyết giữ trọn tình đất nước, anh em ta ơi. Ngày mai sẽ được cả đất nước, anh em ta ơi”, nó bảo hóa ra mấy ổng tham thật, quá bằng đi xâm lược, chiếm đất của người ta.

15.8
Một người đàn ông 49 tuổi ở quận Gò Vấp đi tiêm vắc xin. Lớ ngớ thế nào, chỉ trong hơn 1 phút ông ta chịu chích liền 2 mũi. Đúng là chuyện cười không nổi, chỉ có thể xảy ra trong thời dịch. Người thì cười chê đương sự, đã đi tiêm ít nhất cũng phải biết mình cần làm gì, như thế nào; người thì chê trách nhà chức việc, trước khi tiêm cho con người ta ít nhất cũng phải hỏi han vài ba câu, ai lại đè sấn ra tiêm như tiêm cho cây chuối, ẩu quá trời ẩu. Cười nhất là ông giám đốc trung tâm y tế quận giải thích không sao đâu, có 2 mũi mà ăn nhằm gì. Hóa ra hôm ấy chích vắc xin Trung Quốc, họ chỉ cốt cho nhanh, tính mạng dân mặc kệ.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Thời sự dịch 2021

Dịch Vũ Hán (mà người ta quen gọi thành COVID-19) 2 năm qua đã tàn phá cả địa cầu, nhân loại chứ không riêng gì xứ ta. Đúng là “bức tranh vân cẩu, con người tang thương”. Nhà cháu chỉ ghi nhanh ghi vội những gì xảy ra trong bức vân cẩu ấy, biên chép thô thôi, không có ý trau chuốt gọt giũa, thậm chí gác cả những quy tắc ngữ pháp. Đưa chúng lên đây cho mọi người cùng đọc, nếu ai (nhà văn, nhà viết sử) có ý định sử dụng, nhà cháu cũng chẳng hẹp hòi gì. Lịch sử luôn là của chung.

Do ghi chép dài, mỗi lần nhà cháu chỉ đưa 1.000 chữ cho dễ đọc. Thời gian cũng có thể lộn xộn không theo trình tự, nhưng đảm bảo sự chân thật.

28.7
Chở người nhà đi tiêm vắc xin mũi 2, tiện thể ghé cửa hàng bán sản phẩm của Vifon trên đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5 mua thùng mì gói. Chả mấy khi được ra đường. Nhà hết mì đã lâu nhưng công an dân phòng chặn chốt khắp nơi, không đi được. Nếu nói lý do đi mua mì, chúng đuổi về thẳng cánh, hàng thiết yếu hay không cũng kệ. Trước khi có dịch, thùng mì này trong siêu thị chỉ gần 80.000 đồng, giờ lên 125.000 đồng.

Về than thở, bà xã bảo cái gì chẳng lên. Cá điêu hồng mà cái Hương vẫn bán gần cửa nhà mình có 48 - 50 nghìn/ký, hôm 15.8 ở đường số 9 lên gấp ba, tới 150.000, tôm từ 100.000 lên 200.000, bó rau muống 15.000 lên 30.000, nải chuối vừa vừa 40.000, trứng vịt vỉ một chục hột 28.000 lên 45.000, quả dưa hấu, cái gì ăn được cũng gấp đôi. Trên tivi và báo chí vẫn nói hàng hóa bình ổn, giá cả ổn định.
Ông anh tôi đế thêm thuốc lá cũng tăng, trước dịch gói Con mèo Craven có 18 nghìn, giờ 23 nghìn, phải cai thôi. Ông bảo đời tao chứng kiến và trải qua 3 đại nạn: chiến tranh, cộng sản, đại dịch. Mấy thứ ngăn sông cấm chợ, bao cấp… trong đời chưa là cái đinh gì. Hai thứ chiến tranh và dịch đều có thể chấm dứt nhưng cộng sản thì không biết nó sẽ kéo tới bao giờ.

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Ngoại giao tầm xóm ấp

Đứa nào thiết kế chuyến công du của ông chủ tịch nước sang tây bán cầu thì cứ lôi cổ nó ra mà chặt đi.

Ai đời trước khi sang Mỹ lại mò tới Cuba, hai nước vốn không ưa nhau, chống nhau hơn nửa thế kỷ rồi. Ở Cuba, ông nhà ta lại còn hứng chí tố cáo, đòi bỏ cấm vận, tuyên bố Việt Nam và Cuba sẽ chiến thắng. Thắng ai, thắng cái gì, đến khổ với các bố.

Tháng trước khi bạn sang xin gạo cứu đói, ta rộng lòng cho "bạn" 12 nghìn tấn, giờ ta sang, được bạn trả lễ bằng việc... bán cho 10 triệu liều vắc xin cây nhà lá vườn, thứ chưa được thế giới thừa nhận. Chỉ bán chứ không cho. Chả biết lôi thứ tự cung tự cấp ấy về tiêm chích cho ai, hay lại lôi dân ra thí nghiệm giùm "bạn".
 
Đi ngoại giao vắc xin, nói trắng ra là đi xin, giống như ông Lê Thanh Nghị xưa chuyên cắp rá khắp nơi, nay chỗ cần nhất là Mỹ; dự họp là phụ, xin là chính, mà lại tố nó, nói xấu nó, lên án chủ nghĩa tư bản, khẳng định đường lối cộng sản đúng đắn, rồi xem liệu có nhà tư bản nào mở hầu bao vắc xin ra cho, đem về được cái gì...

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

Chốt chặn

Tôi vừa có việc không thể không đi. Mấy tháng nay thường ở nhà nên cũng chả ông bà chức việc nào tới phát cho cái giấy được quyền ra đường, cũng chả có thẻ xanh thẻ đỏ. Mà nói thẳng, một xã hội buộc con người gắn trên mình đủ thứ giấy tờ, thẻ này thẻ nọ thì nó cũng chỉ là dạng quản lý áp bức bằng vòng kim cô chứ chẳng tốt đẹp hay ho gì.

Đường vừa đi vừa về có 4 cây số mà 3 cái chốt chặn. Chạy vài trăm vòng bánh xe thì dừng, xét, hỏi, vặn vẹo, trình bày, sừng sộ, nhăn nhó... Định bảo mày không cho tao đi thì tao cứ đứng ì ở đây, đéo về nữa. Chốt mí chả chặn. Chốt tới nay đã gần 4 tháng rồi mà dịch không giảm thì nhà cai trị cần phải bóp trán nghĩ xem nó có tác dụng gì không, để chuyển sang cách khác, chứ cứ hành hạ nhau mãi thế này, dân nào chịu nổi.

Trong thể chế này, từ khi hình thành tới nay, những việc những chuyện nó làm, khi đang xảy ra đều được nhà cầm quyền khẳng định là đúng, sáng suốt, bắt dân chúng phải phục tùng, tuân theo, nếu ai phản đối, chê bai, không tuân phục sẽ bị bắt tội, trừng trị.

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Nhố nhăng tên gọi

Vừa rồi ở Đà Nẵng, Sở Công Thương ra hẳn văn bản yêu cầu các cơ quan đơn vị, nhất là báo chí, khi viết tên của sở phải viết hoa đủ cả chữ công và chữ thương, là Sở Công Thương, chứ không được ỡm ờ Sở Công thương.

Xin nhớ, về nguyên tắc viết hoa được cho là chuẩn, lâu nay dùng đại trà, thì chỉ viết hoa chữ đầu và chữ thứ 2, sau đó viết thường hết. Ví dụ: Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Tài nguyên, môi trường... Về sau, có quy ước dùng dấu gạch ngang để ngăn cách từng bộ phận nên mới viết hoa những bộ phận sau dấu, ví dụ: Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội... Chỉ ngăn cách bằng dấu gạch ngang thì mới viết hoa những từ phía sau, còn đã viết liền thì cứ phải viết thường. Viết Sở Công thương là đúng chứ không sai, viết Sở Công Thương là sai chứ không đúng. Cũng như ta vẫn viết Sở Nông lâm, Trường đại học Y dược... dù nông và lâm, y và dược là 2 mảng khác nhau.

Nhân đây, bàn luôn đến những tên gọi của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở tầm quốc gia. Phải nói ngay rằng rất tùy tiện, nhố nhăng, không hợp lý, không khoa học. Không có một đầu mối nào chịu trách nhiệm về quy chuẩn, mặc dù trong bộ máy có đủ bộ này bộ nọ liên quan (ví dụ Bộ Nội vụ), viện nọ viện kia (ví dụ Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Viện Ngôn ngữ), trường hành chính quốc gia… Tất cả đều dửng dưng vô trách nhiệm, thờ ơ như không liên quan gì tới mình, kệ tình trạng mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy xưng. Chỉ ngốn ngân sách là giỏi.

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Đẳng cấp

Hôm qua 17.9, làng báo có sự kiện chấn động. Báo Người Đô Thị đăng bài của nhà báo Phúc Tiến "Cần đặt lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo" nhân ngày giỗ Đức Thánh Trần 20.8 âm lịch.

Báo Người Đô Thị chỉ là tờ báo nhỏ, rất nhỏ nhưng đã làm được điều tất cả những tờ báo khác và cơ quan truyền thông xứ này không làm được, không dám làm, bởi mũ ni che tai, thiếu bản lĩnh, hèn, và nhất là thiếu ý thức thực sự với nước với dân, với lịch sử, với danh nhân, anh hùng dân tộc. Người Đô Thị bằng bài báo này đã định nghĩa lại khái niệm lớn hay nhỏ, đẳng cấp hay không của một cơ quan báo chí.

Nhà báo Phúc Tiến là một tên tuổi trong làng báo. Hồi thập niên 80 (và trước đó nữa, cuối thập niên 70), anh giữ ấn tiên phong về mảng giáo dục của báo Tuổi Trẻ. Thời ấy cứ nhắc tới cặp Phúc Tiến (Tuổi Trẻ) - Mai Lan (SGGP) hầu như ai cũng kính nể về sức viết, sự sắc sảo, hiểu biết sâu rộng. Hồi tôi còn dạy học, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm trường DBĐH từng tổ chức một chuyến đi Vũng Tàu cho cán bộ và mời 2 phóng viên giáo dục sừng sỏ ấy đồng hành chỉ để được nghe những góp ý của họ về việc phát triển trường. Trong nghề báo, tôi gặp anh Phúc Tiến nhiều lần, chỉ nói ngắn gọn rằng đó là người giỏi, cực giỏi. Nửa chừng, anh ấy bỏ nghề lập công ty tư vấn du học cũng rất thành công. Chỉ cần đọc bài của Phúc Tiến kèm theo đây thì đủ biết giỏi và bản lĩnh thế nào.

Vụ báo Tiền Phong lâm nạn

Chuyện báo Tiền Phong, cơ quan trung ương của đoàn TNCS Hồ Chí Minh bị sao quả tạ do chú thích bậy ảnh, biến người sống thành người chết, thực ra dạng vụ việc như vậy không phải hiếm trong làng báo. Xôn xao một vài hôm thôi, ngày mai lại có thể trôi vào dĩ vãng. Chuyện gì cũng vậy.

Vấn đề là cái sai cái lỗi ấy đụng vào chỗ... nhạy cảm. Vẫn biết cứ đụng vào chỗ nhạy cảm ắt có vấn đề, hoặc sướng hoặc khổ. Lần này thì khổ. Nếu nhầm tên của Thông cào chẳng hạn, bắt chết 3 chục lần cũng chả sao, nhưng lại trúng tên đại tướng nên mới thành chuyện. Giống như dân gian bảo "Nghe tin bỗng thấy bàng hoàng/Đại tướng đang sống chuyển sang từ trần" (câu gốc là: Nghe tin bỗng thấy bàng hoàng/Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần, hồi năm 1969).

Tôi làm báo mấy chục năm, chuyên nghề biên tập, nên dễ thông cảm cho đám Tiền Phong. Xưa nay sai nhiều lắm. Còn nhớ có tờ báo chả biết mắt hếch lên giời làm sao mà viết sai cả tên cụ Hồ rất tai hại, đến nỗi tổng biên tập bị mất chức, cả ban thư ký trực bị kỷ luật, còn các tờ báo sau đó được quán triệt nếu có viết tên cụ, kể cả tên thành phố, thì cứ viết tắt là HCM, TP.HCM cho an toàn.

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Giáo sư, hay gà sống thiến sót

Hội đồng "ný nuận" trung ương nhiệm kỳ mới vừa được chỉ định với những gương mặt... cũ, tinh những giáo sư giáo siếc. Từ ông thủ tới các ông phó, tới các ủy viên, rặt những lý luận gia cỡ Hoàng Chí Bảo, Phùng Hữu Phú, Nhị Lê, Tạ Ngọc Tấn, Đức Dũng..., đều giáo sư tiến sĩ cả.Thú thực là tôi chả tin vào mấy ông bà giáo sư được nhà nước này phong trong khoảng vài chục năm trở lại đây, nhất là mấy ông kễnh lãnh đạo, mấy ông lý luận tư tưởng mác lê, mấy ông tướng. Giáo sư của mấy ông ấy chắc chỉ để làm màu. Cứ test ngoáy mũi một phát tòi thực chất ngay. Không bám vào lý luận mác lê, không mài bằng chính trị cao cấp ra kiếm cái bỏ vào mồm, chỉ còn nước đi ăn mày, chết đói.

Trên trang thông tin điện tử của Hội đồng lý luận trung ương ngày 11.9 có đăng bài phỏng vấn ông Tạ Ngọc Tấn GSTS phó chủ tịch hội đồng, ông Tấn ca ngợi ông Trọng đã nhìn rõ "bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa là chế độ thống trị của số ít giàu có, và những thứ tự do, dân chủ mà họ vẫn rêu rao chỉ là lớp son phấn che phủ cho thực chất chuyên chế của những tập đoàn tư bản độc quyền". Thế kỷ 21 trôi qua đã hơn 2 thập niên mà bọn họ vẫn luận điệu như thế thì trông mong được gì.

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Cười ai?

Tối 13.9 tivi phát sự họp trực tuyến của thủ tướng Chính với đám lãnh đạo 2 tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang. Hai tay bí thư quan đầu tỉnh khi được hỏi cụ thể về vùng đất mình trị nhậm cứ ớ ra, lúng túng như gà mắc dây thun trong cổ họng, ngó hết đứa cấp dưới này lại đứa cấp dưới nọ để nhờ chúng nó nhắc, tay chân quờ quạng tìm văn bản hợp với câu hỏi của sếp trung ương. Coi mà chán ngán, chết cười. Nhưng cười ai?

Lão hàng xóm nhà tôi bảo không thể chỉ trách thằng bí thư Kiên Giang hay Tiền Giang được. Đâu phải chỉ mình nó nói gì cũng phải dùng phao, không phao thì ú ớ ngậm hột thị. Đầy thằng to hơn nó, đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai cũng cứ phải nhăm nhăm cuộn giấy do bọn trợ lý viết sẵn, ngay đến cả lời "chúc các đồng chí sức khỏe, chúc hội nghị thành công tốt đẹp" cũng cắm đầu vào giấy đọc, có khác gì con heo cắm mõm vào máng cám.

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Tình sâu nặng

Suốt hơn trăm ngày Sài Gòn phong tỏa, cấm đoán đi lại, trong đó gần 2 tháng trời lockdown (đóng cửa), gần như giới nghiêm, thứ thì chìm xuống, thứ lại nổi lên, chỉ tiếc mình không phải nhà văn như cô Phan Thúy Hà viết ra cuốn sách dạng phi hư cấu, cứ người thực việc thực, đủ tạo được miếng ghép cho bộ sử sau này.

Chính phủ nhiều việc, lo đủ điều lớn nhỏ, tôi chả trách gì, nhưng cứ phải nói thẳng, từ khi lockdown tới nay không hề thấy nhà chức việc héo lánh hỏi thăm, giúp đỡ, ban phát như thấy trên tivi. Vắng bặt, cả khu vực bình dân trong đó có nhà tôi, chứ không phải riêng hộ nào bị quên. Nếu có tí ti chút hệ thống chính trị xen vào, thì chỉ là bà tổ trưởng lâu lâu lại đến dúi cho mấy cái phiếu kèm lời thông báo miệng chút nữa ra công viên tét (test) nhá. Đứa cháu nhà hàng xóm hỏi tét là gì hở bác, tôi bảo đi ngoáy mũi để bắt con cô vít, giống như hôm trước tao bắt con sâu lông trên cây vối ấy. Nó chết khiếp, xua tay cháu không tét, cháu không tét.

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

Bác Chơn về giời

Bác Chơn được nhắc ở trên là Lê Thành Chơn. Dân quê tôi chẳng hạn, một làng yên ả ở đất Hải Phòng có thể 99% không biết Lê Thành Chơn là ai. Nhưng binh chủng không quân (trong quân chủng phòng không không quân), giới viết lách văn nghệ (tức đám mà chúng ta âu yếm gọi là nhà văn), cả giới làm du lịch khách sạn nữa, một thời gian dài, nhắc tới Lê Thành Chơn, không ai không biết.

Bác Chơn dân miền Nam tập kết, cùng đợt, cùng chuyến tàu Ba Lan với ông anh vợ tôi, nhạc sĩ Lê Khiêm. Lại cùng quê, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, bác Chơn xã Tấn Mỹ, ông anh tôi xã Bình Phước Xuân. Lạ kỳ vùng đất Chợ Mới khỉ ho cò gáy này, nhất là cù lao Giêng, lại phát về văn nghệ, trong đó phải kể đến Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Hiệp, Nguyễn Ngọc Bạch (ba của chị Hậu khảo cổ), Lê Thành Chơn… Ông Khiêm nhà tôi cũng là nhạc sĩ, trưởng đoàn ca múa quân khu 7. Hồi nhạc sĩ Khiêm tại thế, một hôm tôi nhắc tới bác Chơn, ổng bảo ai chứ thằng Chơn sao tao không biết. Ổng gọi là thằng bởi hơn nhau mấy tuổi, lại cùng lính tráng, cùng đi tàu Ba Lan…

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Báo sạch và báo bẩn

Giữa lúc thiên hạ đang chú mục vào chuyện dịch bệnh thì thông tin nhà cai trị truy tố các thành viên nhóm Báo Sạch ít được quan tâm. Cũng như hôm kia người ta đề nghị khởi tố nhà báo Nguyễn Hoài Nam về "tội" chống tham nhũng theo cách riêng vậy.

Cũng chả thể trách cứ dư luận thờ ơ với những vụ việc trọng bởi người đời đang vật lộn với sự sống cái chết còn trọng hơn, tuy nhiên chọn cách công bố vào thời điểm này, nhà chức việc tránh được những ì xèo của dân chúng.

Điều thấy rõ nhất là nhà cai trị chuyên chính vô sản đã quyết trừng trị dập tắt những tiếng nói trái chiều mà họ quy gọn là phản động, chống đối, nói xấu, bôi nhọ. Một vụ quan trọng như thế nhưng họ giao cho viện kiểm sát huyện (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) truy tố (đành rằng có thể đúng theo quy trình, phân cấp). Nhóm Báo Sạch của các nhà báo Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Trung Bảo... bị quy tội với lý do "tất cả các thông tin đều là tiêu cực, phủ nhận hết mọi kết quả, thành tựu đạt được từ trước tới nay của đất nước, địa phương" (trích cáo trạng của viện kiểm sát Thới Lai). Cáo trạng Thới Lai cho rằng "Danh và đồng bọn" đã đăng tải nhiều bài viết thiếu tính xây dựng, mang ý nghĩa tiêu cực trong nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề của xã hội, của chế độ, của hệ thống chính trị đất nước...

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Thấm đòn chính phủ

Tình trạng ngăn đường, lập chốt, cấm qua lại, đòi đủ thứ giấy tờ, bắt phải nêu lý do chính đáng... mới "thông quan", dù chưa bao lâu nhưng người Hà Nội đã ngấm đòn. Thật đáng buồn khi phải so sánh, người Sài Gòn đã bị hành cả trăm ngày, hơn 3 tháng rồi, tới mức nhiều người giờ chỉ thích... ở nhà, không muốn ra đường nữa.
 
Đã sinh tâm lý mặc kệ, phó mặc, muốn đến đâu thì đến. Ngay cái thân mình, con người ta cũng không thèm quan tâm nữa. Chính quyền cấm cũng được, không cấm cũng chả sao. Lực lượng dân phòng công an quân đội đã hơi bị thất nghiệp ở các chốt, không căng thẳng như những ngày đầu lockdown (phong tỏa, đóng cửa) bởi dân đã chán ra đường, chán thực hiện yêu cầu của chính quyền. 

Nói đâu xa, tôi nửa tháng nay không bước ra khỏi nhà dù nhà đang thiếu đủ thứ "hàng hóa thiết yếu". Không phải không có tiền, mà ngại bị mấy anh bộ đội, công an, dân phòng hạch hỏi căn vặn, ngại phải giãi bày xin xỏ, ngại bị đứa trẻ ranh lườm coi mình như tội phạm... Tôi chỉ là một trong nhiều triệu người bị đẩy vào thế "bãi quan, từ quan" (quan là cái cửa, cổng, chốt chặn).

Khi họ (dân) đã chán thì sau này nhỡ xảy ra việc gì, có dí súng vào gáy, họ cũng kệ. Tôi nói thật.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

Khai trường hay mở dịch

Hỡi nhà cai trị đầu đất, dịch bệnh đang như thần chết phủ bóng đen khắp mọi đám tụ tập đông người, vậy mà hôm nay vẫn máy móc cố tình cố ý tổ chức khai trường, bắt trẻ đi học, có khác nào đẩy chúng vào sự hiểm nguy, liều tính mạng.

Sao không nhớ bài học xương máu cố tình tổ chức giỗ tổ Hùng Vương, thỏa ý đồ chính trị cho chơi lễ 30.4 - 1.5 bừa phứa, tiến hành bầu cử khi vi rút nhởn nhơ khắp nơi..., đều là những tác nhân quan trọng để rồi dân nước chịu thảm cảnh này.

Chậm năm học một vài tháng, không sao cả, nhất là có thể kéo dài sang hè năm sau nếu khi ấy dịch đã nhạt, và quan trọng nhất là chỉ cần rút gọn cái chương trình nặng nề phô trương ít thực chất, chỉ có tác dụng... hành hạ thầy cô giáo và học trò.

Bắt các em các cháu tới trường, nói phỉ phui cái mồm, nhỡ thành ổ dịch, lây nhiễm, tử vong, các ông các bà đầu đất có dám đứng ra nhận trách nhiệm, đền mạng không.

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Sống chung

Rất nhiều người đang lời ra tiếng vào về quan điểm "sống chung với dịch", khen thủ tướng, chê cái thằng trên tivi mậu dịch.
 
Tôi xưa nay, cái gì đáng khen thì khen, thứ gì đáng chê cứ nói huỵch toẹt.

Thiển nghĩ, cả người khen thủ tướng và chê đứa tivi kia đều không biết điều này, do dốt (mà cả tể tướng cũng dốt khi phát ngôn thiếu suy nghĩ như vậy, một phần do không có đứa giỏi làm trợ lý):
 
Con người chỉ có thể sống chung với vi rút, vi trùng chứ không thể nào sống chung với dịch. Cũng như có thể sống chung với vi trùng lao, vi trùng tả chứ không thể chung chạ với bệnh lao, bệnh tả. Khi nó đã thành bệnh, thành dịch thì chỉ có chữa (chữa chứ không phải chống), vào bệnh viện mà ăn vạ bác sĩ, không thì chết. Đó là chưa nói chính mồm các ông ấy hô hào chống dịch như chống giặc, gọi dịch là giặc, nay lại quay phắt, đòi sống chung với giặc.

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Học cụ Hồ (phần 3)

Hôm nay 2.9, tính theo lịch tây là ngày mất của cụ Hồ, vào năm 1969. Theo kiểu chọn kỵ nhật (ngày giỗ) lịch ta từ xưa tới giờ xứ mình vẫn dùng, thì cúng vào 21.7 âm lịch. Cũng hơi lạ và hiếm, bởi thường cúng tây luôn đi trước cúng ta, năm nay lại cúng ta trước cúng tây những 6 ngày.

Muốn bổ sung những hiểu biết về cụ Hồ, không cần phải quanh năm suốt tháng miệt mài tìm tòi, chỉ cần đọc báo coi tivi vào 2 dịp chính, ngày 19.5 và ngày 2.9 thì vô thiên khênh. Đủ cả thực hư, chuyện người thật việc thật cũng như truyền thuyết. Tôi có ông bạn, cứ tới ngày cụ sinh cụ mất hằng năm cũng kiếm được mớ nhuận bút khá khá. Ngoài những dịp “lễ trọng” ấy, nhà cai trị còn tổ chức thường xuyên công cuộc “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, yêu cầu tất cả mọi người, nhất là cán bộ đảng viên phải thấm nhuần. Đó cũng là thứ tiêu chuẩn quan trọng để phân loại, đánh giá phẩm chất con người trong bộ máy cai trị.

Đã đặt ra thì phải thực hiện. Càng người “trên” càng phải gương mẫu thực hiện. Không thể cứ nói một đằng làm một nẻo. Không thể để cho người “dưới” xì xào “tại trên ngồi chẳng chính ngôi/để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn”. Đừng lâu lâu ban kiểm tra trung ương lại kết luận tổ chức này cá nhân nọ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín…

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Diệp Đức Minh người hiền

Trận dịch Vũ Hán tai ác lần này đã cướp đi của chúng ta biết bao người thân thiết. Có thể mới hôm qua hôm kia, tuần này tuần trước còn nói chuyện với nhau qua điện thoại, dòm nhau qua viber, zalo, thậm chí còn cười khi khí, chúc nhau an lành, cứng cỏi chống chọi vượt qua thằng dịch khốn khiếp, nhưng chỉ sau đó đã là hung tin, kẻ còn người mất. Tôi nhận thứ tin dữ kiểu vậy khi sáng nay các bạn cơ quan cũ báo Diệp Đức Minh vừa mất, sớm nay 1.9.

Có thể nhiều người không biết Diệp Đức Minh là ai. Cũng phải thôi, ngay cả bây giờ bất chợt túm chặt tay ai nào đó hỏi tên chủ tịch nước là gì, đảm bảo nhiều công dân ú ớ. Họ rành rẽ giống lúa, con tôm con cá, trái ổi trái xoài, chứ ai làm chủ tịch, làm tổng bí thư cũng thế thôi, biết chả để làm gì. Huống hồ Minh chỉ là người bình thường.

Tuy nhiên, giới làm báo, và nhất là những tay thợ ảnh, chụp ảnh, nhiếp ảnh, nhà báo ảnh, gọi nôm na dễ thương bằng phó nháy, thì Minh là cái tên, hình ảnh quen thuộc, nổi tiếng đằng khác. Với đám làm báo làm ảnh vài chục năm qua, tên tuổi Diệp Đức Minh không xa lạ gì.

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Bộ Chính trị và Gia Cát Lượng

Phàm ở trên đời, khen ai chê ai là quyền của mỗi cá nhân. Cái quyền tối thiểu ấy mà không có thì con người ta chẳng có gì sất. Trong lịch sử thể chế này, đã có thời nhà cai trị bắt đám đông phải ngắm trăng tập thể, khi cán bộ bảo trăng đẹp thì mọi người phải khen đẹp, chê trăng mờ thì cũng ngậm ngùi rằng trăng mờ.

Viết vậy để nói rằng, dù chỉ là đứa dân đen nhưng tôi có ý thức tôn trọng quyền cá nhân của người khác. Họ phát ngôn, đánh giá, nhận xét, bày tỏ quan điểm, thậm chí chửi mắng, tôi đều tiếp nhận. Giày dép còn có size, kích cỡ khác nhau, nữa là người.

Hôm trước, tôi biên bài “Những chị Dậu thời nay” kể về cảnh khổ của người lao động tha hương chạy trốn dịch và cái đói. Không ít người nhào ra mắng mỏ, chê trách người chạy nạn vi phạm giãn cách, coi thường chỉ thị 16, xem thường đường lối chống dịch của chính phủ. Có người (chắc hưởng nhiều ơn huệ của chế độ) trịch thượng mắng tôi, ông đã làm được gì mà nói này nói nọ, có giỏi thì sao không đứng ra mà làm, người ta là Bộ Chính trị, là ban bí thư, là đầu não của đất nước, người ta ngu hơn ông chắc, người ta chờ ông chỉ bảo dạy dỗ chắc…, cứ thế mắng một thôi một hồi.