Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Chuyện bút chuyện mực

Hôm trước, ông bạn “nhiều thứ đồng – hương, nghiệp, tuế, môn”, nhà báo Đào Lê Bình có việc trọng từ thủ đô vào Sài Gòn. Y về hưu rồi, hằng ngày chỉ “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, chứ hơn năm trước cũng ghê lắm, đóng quan năm, sếp của tờ báo có tiếng. Gọi điện, hỏi làm gì đấy, gặp nhau được không. Thế là gặp thôi.

Trong cuộc vui, y cười hì hì, bảo ông đừng tưởng ông nhớ nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhé, tôi đây này, cũng còn lưu giữ khơ khớ đấy. Y hát “Đường làng em, đường làng em cây sóng hàng đôi/Đồng làng em, đồng làng em cây giăng thẳng lối/Nghiêng nghiêng cành, cây soi mình, trong gương nước long lanh kênh đào/Nghe rì rào, rặng phi lao, hòa tiếng ca quê nhà đẹp sao…”. Hát thêm vài bài tủ nữa, nào anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông, nào tiến lên đoàn viên trăm hoa hé tưng bừng, y tuyên bố hồi xưa đi thi văn lớp 7 toàn miền Bắc từng đoạt giải khuyến khích chứ chả đùa. Nghe y hồi tưởng quá khứ lẫy lừng, tôi chợt nhớ mình từng đi thi, được giải… bét cấp thành phố, hiện vật thưởng là cái bút con trâu. Tôi vừa rụt rè kể tới bút, thế là cả nhóm lại bập ngay vào chuyện bút chuyện mực, liên tu bất tận. Đúng là mấy anh giặc già nghiện ôn nghèo kể khổ, nhấm nháp chuyện ngày xưa, có nằm gác chân lên nhau tán suốt đêm cũng chả thể nào dứt.

Đã học chữ thì phải có bút. Cây bút gắn với đời đứa học trò. Bu tôi hồi xưa mỗi khi thấy thày tôi vụng dại không biết cày bừa, thạo đan rổ đan rá như người ta, thường đùa “Ai ơi chớ lấy học trò/Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Chả là thày tôi vốn theo nghiệp học hành, từng thạo chữ nho, chữ Pháp, từng làm thư lại ở phủ Kiến Thụy. Cách mạng vô sản cướp chính quyền thành công, không còn chỗ dung thân, thày tôi về làm ruộng. Chỉ quen với cây bút, với chữ nghĩa sách vở thánh hiền, nên giờ vụng đường cày cuốc. Tôi chưa từng thấy thày tôi cầm cày bao giờ. Ruộng nhà tôi hồi chưa vào hợp tác xã, rồi ruộng 5% rau xanh về sau này, mỗi khi cần cày bừa đều phải thuê, phải nhờ cụ Đẹn, chú Mịch, cậu Thê, chị Nhỡ làm giùm. Nhưng được cái, thày tôi biết thân biết phận, ông trời đã sắp đặt như thế, ấn cái bút vào tay mình, chứ không ấn cày, thì phải chịu chứ sao. Bù lại, thày tôi tự cải tạo bản thân, chả mấy mà rất giỏi trồng trọt, chăm sóc hoa màu, trồng cây ăn trái, trồng dưa hấu, đỗ, khoai tây, cải tàu, cà chua, thuốc lào, nấu nướng cũng rất ngon rất khéo. Bu tôi thường nói với các con, thày chúng mày là nhất, dù không biết đi cày. Mà quả thế thật, cho đến bây giờ, thày tôi ở cõi xa trên cao tít kia đã mấy chục năm rồi, mấy chị em tôi mỗi khi gặp nhau, hồi tưởng chuyện cũ, vẫn bảo nhau thày mình nhất, hậu sinh chị em mình và con cháu không bằng ngón tay út của cụ.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

‘Chữ’ chứ không phải là ‘từ’

Có một chi tiết trong đề thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia năm nay ít ai để ý, ở phần Làm văn, câu 1. Đề thi ghi rằng “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống”. Chi tiết ít được để ý chính là từ “chữ”.

Cần phải nói ngay rằng đoạn yêu cầu trong đề thi kia hoàn toàn chính xác, nhất là người soạn đề, người duyệt đề đã dùng từ “chữ” (khoảng 200 chữ) chứ không phải từ “từ” như lâu nay.

Trong rất nhiều đề thi văn, kể cả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thi đại học, thi cuối năm, thi học kỳ, người ta đã luôn dùng từ “từ” khi yêu cầu người làm bài (ta quen gọi là thí sinh) viết một đoạn văn có độ dài khoảng bao nhiêu. Đối với văn, đương nhiên không thể đo dài ngắn bằng đơn vị đo lường thông thường mà chỉ bằng ký tự, tức bằng chữ. Nó mang tính tương đối, nhưng cần chính xác về tiếng Việt.

Trong tiếng Việt văn bản, đơn vị nhỏ nhất là âm, gồm các nguyên âm và phụ âm. Có những nguyên âm, tự thân nó được coi như một từ, khi viết ra thì thành một chữ, ví dụ: a, ơ, e, ô… (A, mẹ đã về. Ơ kìa, sao lại đi). Phổ biến nhất là sự kết hợp phụ âm với nguyên âm tạo thành vần, từ/chữ, chẳng hạn phụ âm x với nguyên âm a thì thành “xa”, phụ âm x với vần uân thì thành “xuân”… Hầu hết ngôn ngữ viết trên thế giới được hình thành theo phương thức ấy.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Chuyện đi lại (kỳ 7, cuối)

Những ai ở miền Nam thời kỳ sau năm 1975, cụ thể là nửa cuối thập niên 70, gần hết thập niên 80, chắc khó quên một thành tựu công nghệ, một phát minh khoa học kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội: xe chạy than. Nỗi ám ảnh của một thời.

Bây giờ tụi trẻ mỗi lần đi xa đi gần đều leo lên ô tô, mà phải ghế nệm rộng rãi, có tivi, có máy lạnh mới chịu. Xe Phương Trang, Thành Bưởi, Cúc Tùng, Hoàng Long, Hải Âu… mà không chiều khách sẽ lỗ chỏng gọng, chả ai thèm đi. Nhưng ngược về vài chục năm trước, đó chỉ là giấc mơ.

Sau khi đánh thắng hai đế quốc to, những người cộng sản, nhất là mấy ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười… coi trời bằng vung, tự đắc chỉ có Việt Nam là nhất thế giới, muốn gì cũng được. Họ vênh vang tuyên bố từ nay đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù, đường lớn xã hội chủ nghĩa rộng mở thênh thang, chả mấy chốc nữa sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Ông Duẩn nói chúng ta sẽ vượt cả Nhật Bản. Đi đâu, chỗ nào cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu về chủ nghĩa xã hội. Nếu thời chiến tranh, những câu to đùng trên tường là “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… thì bây giờ chuyển thành “Cả nước phấn đấu tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Trên nóc đầu hồi tòa nhà Hỏa xa Đông Dương cũ trông ra bùng binh chợ Bến Thành người ta kẻ câu đó mỗi chữ cao hơn mét, mắc đèn đêm đêm chiếu sáng rực. Tôi đã sống trong những năm tháng dữ dội ấy, đã cố góp phần công sức nhỏ bé của mình vào đại sự nghiệp, đã chứng kiến tất cả, và hiểu rằng người ta đã phá nát miền Nam thì sự thành công còn xa vời lắm.

Hệ thống cửa hàng thương nghiệp nhà nước ban đầu còn có hàng tồn kho, hàng chiếm được từ “bọn tư sản bóc lột” đem phân phối cho cán bộ công nhân viên, nhưng chỉ một thời gian ngắn cũng hết. Các thầy cô giáo những trường ở khu vực Chợ Lớn mỗi khi đến đợt mua nhu yếu phẩm thì tới cửa hàng thương nghiệp Bách hóa tổng hợp ở cuối đường Trần Hưng Đạo nối dài, còn có tên là Trần Hưng Đạo B (đường Đồng Khánh cũ) gần nhà thờ Cha Tam, xếp hàng đông như quân Nguyên, chen chúc chầu chực nửa ngày mới mua được mấy mét vải tiêu chuẩn, hoặc nửa ký đường, hộp sữa Thống Nhất. Chỉ riêng gạo thì bộ phận hành chính của trường nhận giúp từ kho lương thực đem về phân chia, thường tiêu chuẩn 14 ký thì chỉ có 4 – 5 ký gạo hẩm đầy bông cỏ hoặc sạn, còn lại là mì tôm, mì sợi, củ mì (sắn) và hạt cao lương (dân Nam gọi là hạt bo bo). Thầy Võ Thanh Long dạy lý trường tôi bảo thời đại cách mạng vẻ vang đâu chửa thấy, chỉ thấy thầy giáo tháo giầy, giáo chức dứt cháo. Thế mà vẫn cứ sống, kéo dài cả chục năm trời, cả thầy Long, cả tôi, và hàng chục triệu người đám dân chúng cần lao.

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Quy hoạch

Đảng là một tổ chức chính trị xã hội, cũng như bao nhiêu tổ chức chính trị xã hội khác trong một xã hội văn minh.

Việc đảng thực hiện quy hoạch cán bộ cho chính nó là việc cần thiết và bình thường để nó tồn tại, không có gì phải lời ra tiếng vào, khen hoặc chê, các cụ nhá. Trên địa cầu, khắp các xứ, đảng nào cũng thế, cũng làm như vậy.

Tuy nhiên, đừng đánh đồng đảng với đất nước, dân tộc, bởi nó chỉ là một bộ phận nhỏ, nó không làm nhiệm vụ "ôm trùm" được. 

Cần phân biệt rõ, cán bộ của đảng, do đảng quy hoạch, thì chỉ riêng của đảng thôi. Còn người lãnh đạo đất nước, từ cấp cơ sở tới cấp cao nhất, phải do dân chọn. Gần như cả thế giới văn minh làm theo quy cách ấy, chỉ những xứ độc tài mới tự tách ra, làm ngược lại.

Lâu nay, cán bộ của đảng (nhất là cấp cao) sai phạm, vi phạm pháp luật, đảng không xử lý thì pháp luật cũng đành chịu. Chả nơi đâu có thứ quy trình lộn ngược, oái oăm như xứ này.

Và cũng nên bỏ ngay cái thói đòi độc quyền chữ "đảng". Hãy trả nó về cho ngôn ngữ thông dụng, như bất cứ những chữ cóc ổi xoài... thì sẽ khỏi giật mình theo cái kiểu bị xúc phạm, chống đối lâu nay. Cứ tự ôm vào rồi lại kêu la, chả ra làm sao.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Chuyện đi lại (kỳ 6)

Miền Nam, sau tháng 4.1975. Không khí hồ hởi của người dân đón chào ngày đất nước thống nhất, hai miền sum họp dần dà lắng xuống khi cả bên thắng cuộc lẫn thua cuộc phải đối mặt với thực tế thụt lùi từng ngày. Mọi thứ cứ xám xịt dần, cả lá cờ treo trước cổng trường tôi cũng bạc phếch, rách te tua mà không ai nghĩ tới việc hạ nó xuống, thay bằng lá khác tươi mới hơn. Tôi còn nhớ “thằng” Trần Tất Hùng, rất đẹp trai, tốt tính, nhân viên phòng hành chính, con rể ông hiệu phó, có lần tôi chỉ cho nó ngắm lá cờ, bảo sao không thay đi, nó nói nhỏ chả còn lá xơ cua nào để thay cả, mua mới thì không có tiền. Thầm nghĩ, trời ạ, tới cờ tổ quốc mà cũng chịu cảnh đói nghèo, nhưng lại tặc lưỡi cuộc sống thế nào thì cờ thế ấy.

Trong đám giáo viên Bắc Kỳ du nam, lão Vy (Nguyễn Văn Vy) bạn tôi vào Sài Gòn đầu năm 1976, tôi chậm hơn một nhịp vào đầu năm 1977. Chỉ hơn kém nhau có 1 năm mà khác hẳn nhiều thứ. Lão kể lúc mới tới Sài Gòn, cảm giác bị choáng ngợp. Lão được đi xe đò của các hãng Phi Long, Hưng Long mỗi người một ghế, có cả khăn lạnh lau mặt mặc dù lúc ở nhà đi đã rửa mặt rồi. Nhìn dãy xe đò mới tinh đủ màu sắc ở bến xe miền Tây mà khiếp. Cứ vào cổng đã có đứa ra săn đón hỏi chú hai, anh hai đi đâu đi đâu. Không phải mua vé, càng không phải xếp hàng, càng không phải chen lấn như hồi ở Hà Nội. Tới lúc tôi vào, cũng bến xe miền Tây, khi tôi đi dạy ở cơ sở Tiền Giang năm 1978 thì những điều lão Vy kể đã mau chóng chìm trong quá khứ. Những gì tôi chừng chứng kiến, từng trải qua, từng chịu đựng ở miền Bắc “xã hội chủ nghĩa tươi đẹp hơn vạn lần tư bản”, ở bến xe cầu Niệm, bến Nứa, bến Kim Liên, ga Hà Nội, ga Hải Phòng, bến xe buýt đi Hà Đông, ga tàu điện Bờ Hồ… giờ được lặp lại y nguyên, thậm chí khủng khiếp hơn. Có những điều, nhắm mắt lại cũng không thể hình dung tại sao nó có thể như thế.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Giai cấp vô sản

Thời đi học, đám chúng tôi đứa nào cũng được nhồi nhét mớ lý luận, như một thứ chân lý: Giai cấp công nhân (còn gọi là vô sản) là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Chỉ có nó là giai cấp tiên phong, dẫn dắt, đứng đầu, bởi đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, tính tổ chức kỷ luật cao, và nhất là "làm cách mạng, nếu có mất chỉ mất xiềng xích; còn được, thì được cả thế giới". 

Nông dân xứ ta đông, nhưng không thể lãnh đạo, bởi cứ như nhận xét của đảng (tự xưng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, tức là nhất của nhất), thì đó là đám quần chúng ô hợp, lạc hậu, vướng vào ý thức sở hữu tư nhân, không triệt để cách mạng, nay thế này mai thế khác. Vô sản liền lợi dụng nông dân, tạo thành khối liên minh công nông. Còn đám trí thức, tiểu tư sản thì không tin được, do lập trường dao động, ngả nghiêng, nói chung là rất vớ vẩn.

Mớ lý luận ấy khiến giai cấp công nhân sướng rơn, tự thấy mình quan trọng tới mức mình chỉ cần hắt hơi sổ mũi là hòa bình thế giới cũng bị ảnh hưởng.

Suốt gần trăm năm ở xứ này, người ta cứ miệt mài đấu tranh giai cấp, cứ ai thắng ai, lôi dân lành vào các cuộc đấu đá, tương tàn. Không đánh nhau thì không phải là đảng. Khi có sự phân biệt giai cấp thì đấu đã đi một nhẽ, mà khi ranh giới giai cấp bị xóa nhòa vẫn cứ đấu ác liệt. Không khác gì đánh nhau với kẻ thù vô hình. Ai không tin, cứ giở điều lệ đảng mà coi. 

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Lời đề nghị khiếm nhã

Tôi đề nghị những ông bà nhớn, từ tứ trụ giở xuống, từ nay không được diễn tả rằng nước ta sẽ phấn đấu bao nhiêu năm nữa bằng Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, v.v..

Nói như thế là mất quan điểm, là suy thoái, là tự chuyển hóa, là dao động ngả nghiêng, là mất lập trường, là... 

Chúng nó là tư bản bóc lột, đế quốc sài lang, sắp xuống hố, sắp tự đào mồ chôn, là phồn vinh giả tạo, là bơ thừa sữa cặn, là... cái con mẹ gì nữa tôi không nhớ hết.

Lâu nay, nói đâu xa, thế hệ tôi sinh vào thập niên 1950, chỉ nghe những bậc tiền bối của các ông chửi bọn tư bản chó chết hút máu hút mủ nhân dân lao động, thề không đội trời chung với chúng, thề đấu tranh giai cấp với chúng nó một mất một còn. "Chúng tao chỉ có câu này/Thề cùng tư bản có mày không tao". Cứ nghe mãi, đám chúng tôi cũng tin chắc như đinh đóng cột như vậy.

Các ông bà có bằng chính trị cao cấp, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, thì các ông bà chỉ nên nói Việt Nam phấn đấu tới năm nào đó trở thành, bằng được Cuba, Triều Tiên, Venezuela, Lào, Mozambique, Etiopia, Afganistan hoặc Trung Quốc, những xứ thiên đường đang tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội hoặc dính tới chủ nghĩa xã hội. Đừng lấy bọn tư bản giãy chết làm đích đi tới mà tủi thân tiền nhân của các ông. Và cũng không nên làm lung lay lòng tin vốn đã mất của nhân dân.

Tiện đây cũng khuyên các ông các bà khi đã xác định dứt khoát chủ nghĩa xã hội là lý tưởng cao đẹp, là cuộc sống thiên đường... thì cũng đừng đưa con cái sang học hành, làm ăn ở xứ giãy chết, nhất là khi bản thân bị đau ốm bệnh tật đừng mò sang chữa bên đó, cứ sang Triều Tiên, Cuba, Lào, Tàu... mà chữa, nhé.

Nói như kiểu ông bà ngượng mồm bỏ mẹ.

Nguyễn Thông

Một cách tiết kiệm

Ở một nước còn nghèo, ngân sách eo hẹp cạn kiệt, phần lớn dân chúng dạng thu nhập thấp như xứ ta, thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

Quan chức nhà nước, bộ máy nhà nước phải làm gương tiết kiệm để trước hết không lãng phí ngân sách, thứ hai là để dân noi theo.

Tôi thấy các cuộc tổ chức cho đại biểu quốc hội, nhất là ông to bà nhớn, gặp gỡ cử tri sau khi quốc hội họp xong là rất hình thức, lãng phí, vô bổ, vớ vẩn. Khi quốc hội đang họp, bàn cái gì, thông qua cái gì, diễn biến ra làm sao, đều được hệ thống báo chí tuyên truyền quốc doanh tường thuật tỉ mỉ, nêu rõ, cả nước ai cũng thấy, cũng nắm được. Giờ đây, các ông bà đại biểu chỉ đi gặp gỡ vài chục, vài trăm mống (có chọn lọc), hỏi đáp đôi ba câu, tinh những chuyện đã biết rồi, rút cục chả để làm gì. Nó chỉ có tác dụng cho mấy ông bà lớn khoe mẽ, nói những lời sáo rỗng, kết hợp khoe áo dài, khoe văn thơ, khoe body, v.v..

Nếu gặp cử tri trước khi họp để nắm bắt ý kiến, nguyện vọng, đề nghị, bức xúc của dân chúng, tôi đồng ý. Nhưng gặp để sáo rỗng, làm màu, khoe thì nên dẹp. Chối lắm.

Hai hôm nay, thấy các ông bà ấy tỏa đi xài tiên ngân sách làm điều vô bổ, nghĩ vừa bực vừa buồn.

Lâu nay cứ cái cung cách này, ai cũng nghĩ nó là quy trình rồi, bài bản rồi, tặc lưỡi cho qua. Nhưng tôi xót tiền, tôi cứ góp ý với các ông các bà, nếu thấy "nói phải cũ cải cũng nghe" thì sửa đi.

Tiền thuế dân nộp không phải là vỏ hến.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Hãy được như Angel

Sáng qua lịch tây 17.6, tính ngày âm đúng rằm tháng 5, ngày Ất Dậu lợi chủ về kinh doanh buôn bán, tập đoàn Vingroup, cụ thể là nhà máy sản xuất ô tô VinFast chính thức bán đại trà mẻ sản phẩm đầu tiên cho khách hàng nội địa. Theo như người rao hàng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chỉ trong một ngày đã có tới... 800 chiếc được bàn giao cho người mua. Trong lịch sử thương mại xứ này, kể từ thời đem ra chợ hột gạo, củ khoai, mớ rau, con cá, cho tới khi bán nguyên chiếc xe hơi, chưa có cuộc xuất hàng nào lẫy lừng đến thế. Nếu đúng như vậy, chỉ trong sự bán hàng nói trên, cũng đủ thấy ông Vượng thuộc diện quá... giỏi, làm gì cũng khác người, và thành công.

800 chiếc xe mang tên Fadill của VinFast làm tôi lại nhớ tới câu thơ hồi trước, “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Cái tên xe "thồ" mang đầy tinh thần Điện Biên theo cách phát âm, chứ đương nhiên nghĩa tây của nó không phải thế.

Mẻ hàng đầu của ông Vượng mang tính đột phá, mở rộng lối cho ngành ô tô xứ này, như ca ngợi của thủ tướng Phúc, làm tôi nhớ một chuyện cách nay đã hơn 25 năm, nhưng ở lĩnh vực xe máy.

Chắc nhiều người còn nhớ, thời kỳ thập niên 80 và nửa đầu 90, xe máy (còn gọi xe gắn máy) là thứ hàng hiếm, đắt, một loại tài sản giá trị cao không dành cho người ít tiền. Xe có sẵn ở miền Nam chủ yếu là đồ dùng của dân chúng, hầu hết dạng xe cũ, dùng rồi, đủ các thương hiệu Honda, Suzuki, Yamaha, Vespa, Solex, nổi tiếng nhất là xe Honda Dame 49 phân khối màu xanh lá cây. Sau 1975, do chính quyền mới làm kinh tế không giỏi như đánh nhau nên dân chúng đói rã họng, phải bán dần đồ đạc để ăn. Xe máy bị đẩy đầu tiên bởi không có xăng, để trong nhà trông ngứa cả mắt. Đám xe này chịu cuộc cách mạng chuyển quyền sở hữu, từ của dân chúng thành của cán bộ, từ miền Nam ùn ùn kéo ra Bắc, biến cuộc sống phồn vinh giả tạo thành nghèo đói thật sự, biến sự thiếu thốn thắt lưng buộc bụng thành ăn chơi đẳng cấp. Ông anh tôi cười bảo đó là cách mạng lộn ngược, là sự trả thù của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản, của đám đông vô sản đối với đám có của ăn của để.

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Học ngoại ngữ

Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 7 vừa nhất trí cao việc không cần thiết coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 ở xứ này. Đối với họ, chỉ cần thông thạo tiếng Việt, sử dụng chuẩn tiếng Việt, đừng ngọng nghịu như ông Nhạ là đủ rồi, thêm ngôn ngữ nữa làm cho mắc mệt.

Nhưng những người cầm đầu chính thể cộng sản nước ta từ thời khởi thủy của nó tới nay đều luôn đề cao việc học ngoại ngữ. Họ nói rất hay, nào là ngoại ngữ là chìa khóa mở ra thế giới, nào là biết thêm một ngoại ngữ là thêm một cuộc đời, v.v.. Họ ca tụng cụ Hồ biết tới 17 ngoại ngữ (gần bằng cụ Trương Vĩnh Ký), chưa kể nói được cả tiếng Tày, Nùng, xem đó là tấm gương sáng ngời để học tập, là vạn thế sư biểu về ngoại ngữ. Nói túm lại, ngoại ngữ chỉ quan trọng sau lý luận về chủ nghĩa xã hội.

Nghĩ thế, chủ trương thế nhưng làm thì ngược lại.

Thời Pháp thuộc, nền giáo dục của Pháp rất chú trọng tới thực chất nhưng lại khá toàn diện. Riêng về ngôn ngữ, những ai đã học trong nhà trường thời Pháp, dù ở thành thị hay nông thôn, dù là con nhà đại tư sản hoặc quan chức cao cấp của chính quyền hay con nhà nông dân, đều sử dụng thành thạo 2 ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt, quốc ngữ) và tiếng Pháp. Tiếng Pháp thực sự là ngôn ngữ thứ 2, tuy chưa phải của đại chúng, chưa có trong mọi mặt của cuộc sống, nhưng đã "nhiễm" vào tất cả những người có học, vào cuộc sống văn hóa cao. Học xong tiểu học là đã đọc, viết, nói tiếng Pháp như cháo chảy. Kể đâu xa, thày (bố) tôi, chỉ học trường làng nhưng tiếng Pháp làu làu, hồi quân Pháp kéo về Hải Phòng tập kết 300 ngày chờ rút khỏi miền Bắc, chúng đóng ở đình làng Trà Phương quê tôi, chúng ra tiệm tạp hóa của bu tôi mua hàng, thày tôi trò chuyện với chúng, khỏi cần phiên dịch (hồi ấy bu tôi chưa đẻ tôi nhưng được nghe anh chị kể lại, phải nói rõ như vậy kẻo lại có dư luận viên căn vào đó bảo tôi nói phét). Sách tiếng Pháp đủ mục sử ký, địa lý, cách trí, văn chương... đầy các tủ, nhưng chỉ có thày tôi đọc bởi mấy chị em tôi đều được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhìn vô đó chỉ mù tịt. Đó là chưa nói thày tôi còn biết cả chữ nho, đọc sách chữ nho thạo như ta đọc truyện của nhà văn Nguyễn Việt Chiến Nguyễn, Đỗ Hoàng Diệu... bây giờ.

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Đừng vội mừng

Trên báo quốc doanh, vài ba bữa lại thấy tin xe ô tô Toyota, Hyundai... giá chỉ tầm dưới 200 triệu đồng. Lúc đầu đọc cái tít, cáu lắm, nghĩ nó nói phét, sau vào bài hóa ra nói thật, nhưng là chuyện xảy ra ở... Ấn Độ, ở Indonesia, Thái Lan. Chỉ hơi đểu và láu cá ở chỗ nó (báo) biên giá bán bằng tiền đồng khiến nhiều người cứ tưởng ở An Nam, để lừa kiếm bạn đọc, nhưng thôi, tha cho nó, báo mà.

Nên nhớ rằng, các nhà sản xuất ô tô Nhật, Hàn Quốc khi lập nhà máy ở những nước kia đều cam kết về giá bán ngay từ đầu chứ không phải lúc đầu bán đắt nhằm mau thu hồi vốn, sau mới bán rẻ với những mức giá kể trên. Bọn nó tính hết rồi, chả bao giờ lỗ đâu, rẻ mấy cũng vẫn có lời. Nó cũng chả tuyên bố là phục vụ nhân dân (có phải dân nó đâu mà phục vụ), xây dựng đất nước (cũng không phải nước nó), mà chỉ cần có thị trường, bán được hàng, thu được lợi thì OK. Hai bên cùng có lợi.

Những chiếc xe ấy, khi được nhập khẩu về xứ ta, người mua phải chịu giá cao gấp 2 - 3 lần do chính sách thuế, ngồi mát ăn bát vàng. Chuyện này bàn sau.

Nay đã có xe sản xuất trong nước, "Make in VN" (như cách nói của ông bộ trưởng 4T) từ A tới Z, như chính ông Phạm Nhật Vượng (Vượng Vin) công bố tại lễ khánh thành nhà máy ô tô của VinGroup diễn ra sáng nay 14.6, làm được cả động cơ thì còn thứ gì mà không làm (chứ không phải dạng kiểu xe lắp ráp của Trường Hải, xe này khó tụt giá xuống được bởi linh kiện vẫn chịu thuế nhập khẩu cao), đó là ô tô thương hiệu VinFast. Tâm trạng chung đầu tiên là đáng mừng. Chả thế, bác thủ tướng Phúc vừa ngồi lên xe "hàng Việt Nam chất lượng cao" VinFast hôm nay, đi một đoạn, chạy chậm từ từ cho nhà báo quay phim chụp ảnh, lúc xuống xe khen rối rít "xe êm quá, tốt quá" (chạy thế chả nhẽ lại không êm). 

Ừ thì người Việt chế ra hàng Việt chất lượng ngang tầm thế giới, mừng quá đi chứ. Nhưng nếu hàng cùng chất lượng mà giá cao gấp mấy lần xe của Hyundai, Toyota sản xuất ở Ấn, ở Indo thì nhà cháu khuyên các cụ các ông các bà nên hãm bớt sự tự hào lại. Khi nào cạnh tranh được về giá thì hãy vui mừng, hớn hở.

Khi nào báo chí đăng tin, giật cái tít to đùng "Xe ô tô VinFast giá 200 triệu đồng", chiếm lĩnh thị trường Việt, lúc ấy mới nên khen Nhật Vượng vì nước vì dân.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

Hàng mã chính hiệu

Nói thật, nhìn cái công trình thế kỷ đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở thủ đô, thấy nó chả khác gì thứ đồ chơi làm kiểu thủ công vụng về, đồ hàng mã. Từ con đường cong queo, nhấp nhô như núi đồi và thảo nguyên của Aimatov, tới toa tàu xộc xệch ọp ẹp, tới nhà ga nhếch nhác xấu xí... sao mà nản thế.

Bọn Tàu làm đường sắt rất tốt, nhưng chỉ tốt cho nó, chứ ở đây là làm cho kẻ thù trước mắt và lâu dài, chả tội gì nó làm tử tế.

Rồi sẽ còn nhiều thứ cần phải khui ra ở đại công trình này, nào thời gian kéo dài, nào đội vốn, nào nhà thầu, nào bao che nhau, nào đụng phong thủy, yểm huyệt, nào tiêu chuẩn an toàn, v.v..

Chỉ có những kẻ chán đời, không muốn tốn thời gian chạy ra cầu Nhật Tân hoặc cầu Bãi Cháy thì mới leo lên thứ hàng mã này. Đảm bảo tử bất cập ngáp, không cần cấp cứu.

Quốc hội cứ ngồi đó mà bàn, mà nghe cu Thể nói láo, rồi cả 500 ông bà mở to mắt xem liệu có ai dám đi lại, sử dụng cái thứ hàng mã này khi nó chính thức đi vào hoạt động (mà chắc cũng còn lâu).

Chú nhà báo nào tò mò, tôi mách cứ tìm hiểu chuyện bọn Tàu cộng với lý do thi công đường sắt này đã đóng cọc trấn yểm, bịt huyệt đạo quốc gia ở Thăng Long cũng ối chuyện hay đới.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Công đoàn

1. Qua vụ hàng trăm cán bộ, giảng viên, công nhân viên, kể cả Phó hiệu trưởng, Trường đại học Tôn Đức Thắng ký kiến nghị gửi lên những cấp cao nhất của bộ máy cai trị, tố Tổng liên đoàn Lao động VN (gọi tắt là công đoàn) ăn bám, sống tầm gửi, ký sinh, vòi tiền công sức mồ hôi nước mắt của người lao động, có thể thấy những tổ chức chính trị xã hội xứ này ngoài việc chỉ làm nhiệm vụ trang trí, hình thức, vô tích sự, tốn kém ngân sách, thì còn rất tệ hại, chứa nhiều ung nhọt.

Nó mang danh bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng thực chất chỉ bảo vệ đảng, làm theo chỉ đạo của đảng. Khi người lao động gặp việc gì đó cần nó bảo vệ thì nó làm ngơ, im lặng, quay lưng, thậm chí còn đối lập với chính đối tượng mà nó nhân danh bảo vệ.

Xuân thu nhị kỳ, chỉ thấy họp và đánh chén, tâng bốc khen nhau.

Ông sếp cũ của tôi, một nhà đầu tư từ Hồng Kông, có lần bảo ông ạ, ở Hồng Kông tôi rất ngại công đoàn, tôi mà vi phạm điều gì thì chết với họ, nhưng ở nước ông, tôi chả ngại công đoàn bởi tôi nói gì thì họ nghe vậy. Vì vậy, khi các bố yêu cầu thành lập công đoàn là tôi OK ngay. Không có công đoàn, làm sao tôi trị nổi đám người lao động như các ông suốt ngày đòi tăng lương giảm giờ làm.

Công đoàn xứ này, có cũng như không, thậm chí không có còn hơn.

Chuyện đi lại (kỳ 5)

Phản ánh hiện thực, không gì bằng mắt thấy tai nghe, tự mình trải qua, chứng kiến. Tất nhiên cũng có những trường hợp “tự mình” nhưng bị hao mòn bởi thời gian, trí nhớ, nên sai lệch, không đầy đủ. Tôi hiểu điều ấy nên chỉ biên lại những gì mình còn cảm thấy chắc chắn, rõ ràng từ ký ức, chứ không phải dạng nhớ láng máng thế này thế nọ.

Sau hơn 1 năm có mặt ở Sài Gòn, tháng 6.1978 tôi có chuyến đi xa đầu tiên trên mảnh đất phương nam. Lão bạn tôi, một tay bộ đội đi học, Đào Gia Thiệp, đồng hương, rủ đi Cần Thơ cho biết “gạo trắng nước trong”. Đang đói, nghe tới gạo bỗng sáng mắt. Tôi là thầy, lão là trò, nhưng sự tinh quái thổ công thì lão làm thầy. Lão bảo không chỉ đi chơi đâu, mình xuống đó mua vài chục ký gạo đem về bán cho mụ Tàu sẽ lời đủ tiền chi phí. Nhưng thầy lĩnh lương chưa? Tôi gật. Thầy phải nhớ thật bình tĩnh khi qua trạm kiểm soát Tân Hương, cứ làm theo tôi, nghe chửa. Tôi lại gật. Ở lớp, mình là thầy nó. Ra đường, nhất là qua trạm Tân Hương thì đương nhiên nó là thầy mình. Giờ đây, ông thầy của thầy đang sống ở quê, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Y đang học dở dang trường đại học sư phạm chỗ 222 Lê Văn Sỹ quận 3, không thích học nữa đùng đùng bỏ về quê. Có dạo làm trưởng thôn 2 nhiệm kỳ. Bà con tín nhiệm bầu nữa nhưng dứt khoát “treo ấn từ quan”, báu bở gì chức trưởng thôn.

Những chuyến trước tôi chỉ đi xa tới thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang là cùng bởi chỗ ấy có cơ sở 2 của trường. Khoan hẵng nói chuyện đi lại, kể về Mỹ Tho cái đã. Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú mênh mông này, nếu không kể tới Cần Thơ được coi là Tây Đô, thủ phủ của vùng, đương nhiên là thành phố, thì Mỹ Tho là thành phố duy nhất trực thuộc tỉnh. Tất cả những đô thị còn lại như Gò Công, Vĩnh Long, Long Xuyên, Rạch Giá, Tân An… đều chỉ là thị xã. Lần mần tìm hiểu, thì ra Mỹ Tho là thứ đô thị sầm uất đầu tiên ở miền Nam, chỉ ra đời sau Sài Gòn. Thời Pháp, có nhiều nhà giàu vùng Mỹ Tho còn giàu hơn cả đại gia Sài thành. Người Pháp đã xây ở đây một thành phố tuyệt đẹp trên bến dưới thuyền, kéo cả đường sắt về tận nơi này. Đó là tuyến đường sắt duy nhất thọc xuống Nam Bộ, dài khoảng 70 cây số, qua nhiều con sông, cả những sông rộng như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân Việt minh đã phá hoại con đường xe lửa này nên nó bị tạm ngưng hoạt động. Tới thời Việt Nam cộng hòa, ông Diệm cho khôi phục, vận hành trở lại để chuyên chở hàng hóa và dân chúng đi lại nhưng nghe nói chỉ được một thời gian lại ngưng, vì nhiều lý do, trong đó có lý do sự cạnh tranh của các hãng xe đò chở khách. Cuối cùng, chính quyền đã chấm dứt tuyến đường sắt độc đạo về miền Tây. Thật tiếc.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Doanh nghiệp trực thuộc

Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, nơi ông Đoàn Ngọc Hải bị điều đến, là doanh nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM.

Không bàn đến chuyện điều chuyển rất mờ ám, đầy mưu mô, ở đây chỉ xin nói rằng, rất lạ là có thứ doanh nghiệp trực thuộc cơ quan công quyền, như một thứ vòi bạch tuộc của công quyền. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách, dự án, quy hoạch... của nhà nước, nó nắm hết, nắm đầu tiên, và tất nhiên được ưu tiên số 1. Không bao giờ có sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp khi còn tồn tại bạch tuộc kiểu này. Và tất nhiên, do là con đẻ của chính quyền, nên khi nó làm sai làm bậy, người ta sẽ tìm đủ mọi cách để che chở, bao che cho nó.

Những dạng doanh nghiệp trực thuộc thành ủy/tỉnh ủy, thuộc quân đội/công an (quân đội làm kinh tế, công ty bình phong) đã khốn nạn rồi, lại tòi ra thứ doanh nghiệp kiểu này, làm sao mà nền kinh tế không bị thất điên bát đảo, lộn cào cào.

Cần phải dẹp ngay cái thói ngồi mát ăn bát vàng của các cơ quan công quyền thông qua các doanh nghiệp trực thuộc.

Đây mới là những thứ quốc hội cần bàn, chứ không phải là áo yếm của chân dài Ngọc Trinh hoặc chùa chiền do ai xây.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Kỷ luật

Vụ Ủy ban Kiểm Tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Quang Hải thứ trưởng Bộ Tài chính, các báo (đang đói tin) đều căn cứ vào kết luận của ủy ban để thông tin rằng ông này "vi phạm về đạo đức, lối sống", cụ thể hơn nữa là phạm vào quy định 19 điều đảng viên không được làm (quy định này do ông Phạm Thế Duyệt, Thường trực Ban Bí thư, ký từ lẩu lầu lâu rồi, nay ông Duyệt vẫn còn sống, có thể xác nhận điều này).

Tôi không bênh ông Hải, nói chung là không thích đám cán bộ, kể cả cán bộ hư hỏng lẫn chưa hư hỏng, nhưng tôi thấy khi đã thông tin đại trà như thế thì cần nói cho rõ hơn. Nếu ủy ban kiểm tra vì lý do nào đó không nêu cụ thể thì báo chí phải làm rõ, chứ đạo đức, lối sống thì ông cán bộ nào chả vi phạm. Có tiền, có quyền mà không vi phạm mới là chuyện lạ.

Nếu chỉ vì ông thứ trưởng này lấy vợ kém 13 tuổi, lại là ca sĩ phòng trà, mà kỷ luật ông ta thì rất vớ vẩn. Ông ta chỉ đáng bị quất trong trường hợp đã có vợ mà tòm tem, phòng nhì, vi phạm luật hôn nhân gia đình. Còn ông ta đang "cô đơn giường chiếu" mà lấy được vợ trẻ đẹp giỏi thì cần phải khen ngợi, nêu gương, "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Huỳnh Quang Hải" chứ vi phạm nỗi gì.

Nghe nói có ông cực phẩm nhưng vô dụng, quanh năm suốt tháng chỉ biết trồng cây gì nuôi con gì, chỉ có tài... lấy vợ, lấy được cô vợ giàu, trẻ tơ kém những mấy chục niên, vậy mà có sao đâu, thậm chí còn hay được mời làm long trọng viên, chứ đâu kỷ luật kỷ liếc gì.

Đảng viên cũng phải có vợ, chứ cấm kiểu này thì chúng bỏ đảng hết. Đảng cũng không bằng vợ. Vợ to hơn cả giời, đảng chưa là cái đinh gì. Bằng chứng là có ông thượng thư còn lấy cả xe công ra sân bay đón vợ bánh tẻ đẹp, ầm ĩ một hồi, cuối cùng cũng xong. Vợ đẹp thì phải khoe, phải chiều. Ông Hải khoe vợ chiều vợ thì cũng như ông thượng thư kia thôi, sao lại bảo là vi phạm đạo đức, lối sống, còn ông kia thì không bị gì.

Hóa ra cán bộ cũng bị phân biệt, nhất bên trọng - nhất bên khinh, các cụ nhỉ.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

Nước nhỏ, nước lớn

Sự phân chia nước nhỏ nước lớn trên thế giới đã có từ thời thượng cổ. Có nước lớn (rộng, mạnh, đông dân, chi phối nước khác), có nước nhỏ (hẹp, yếu, ít dân, phụ thuộc), là thực tế không thể chối cãi.

Khi ở nhà (trong nước), bàn bạc trao đổi với nhau, tha hồ dùng khái niệm nước nhỏ nước lớn bởi có như thế thì mới cụ thể, vì chỉ trong nhà nên không ngại đứa khác bên ngoài nó coi thường mình.

Nhưng đi ra ngoài, nhất là về mặt ngoại giao, hoặc trên diễn đàn quốc tế, thì phải khác. Phải ăn nói làm sao đừng hạ mình xuống, tôn đứa khác lên, đừng huyênh hoang giả dối một tấc đến giời, nhưng cũng đừng để kẻ khác coi thường mình. Phải giữ vị thế. Chứ ra trường quốc tế, lại cứ lý luận nước nhỏ nước lớn, chưa chi đã lót dép ngồi xuống đất thì bảo làm sao người ta trọng mình được. Tôi thấy hai ông tướng nhà ta sang Singapore ông nào cũng truyền bá quan điểm nước nhỏ nước lớn, vô hình trung tự xếp nước mình là nước nhỏ, rồi dạy cần phải thế này, thế này để giữ hòa bình...

Nước Israel có nhỏ không? Quá nhỏ về diện tích, dân số, nhưng không bao giờ những người thay mặt nước này tại các diễn đàn quốc tế dùng khái niệm nước nhỏ, tự nhận là nước nhỏ. Cũng chả thèm tự phong là nước lớn, nhưng thằng nào đánh tao, tao đánh bỏ mẹ.

Nguyễn Thông

Ngày lễ

Phải nói ngay, không đâu lắm ngày lễ như xứ này; không thể chế nào bày ra lắm lễ lạt, cúng giỗ như mấy anh cộng sản.

Xứ An Nam ta, lễ chồng lên lễ. Lễ nội - lễ ngoại, lễ tự có - lễ du nhập, lễ cũ duy trì - lễ mới phát sinh, lễ truyền thống - lễ hiện đại, lễ bản sắc - lễ đại trà, v.v.., quanh năm suốt tháng khốn đốn bởi lễ.

Chỉ kể vài thứ lễ theo lịch tây: Tháng 1 có lễ của đám sinh viên học sinh; tháng 2 lễ thầy thuốc, tháng ba lễ đàn bà quốc tế, tháng tư lễ "nồi da xáo thịt", tháng 5 lễ cần lao, tháng 6 lễ của trẻ con và nhà báo (hai đối tượng cùng ngây thơ như nhau), tháng 7 lễ thương binh liệt sĩ, tháng 8 lễ cướp chính quyền, tháng 9 lễ mở chế độ, tháng 10 lại lễ nội địa cho đàn bà, tháng 11 an ủi mấy người gõ đầu trẻ, tháng 12 ưu tiên mấy bác nhà binh.

Ông sếp cũ của tôi, một người Hồng Kông qua VN đầu tư xưởng may mặc, có lần than thở ông ạ xứ ông lắm lễ lạt quá, công nhân nghỉ hoài, đòi đủ thứ chi thưởng theo quy định của nhà nước, chúng tôi không làm ăn được, có lẽ phải rút về. Cuối cùng rút về thật.

Lễ nhiều thế, rộn ràng kiểu lễ hội cờ phướn thôi, chứ đối tượng "chịu lễ" cả năm nào có được phúc phận tốt đẹp gì. Phụ nữ, trẻ em, thầy cô giáo, nhà báo, thương binh, người lao động... xứ ta quanh năm suốt tháng bị đối xử như thế nào, chả nói ra, ai cũng rõ.

Lễ, như cái lễ thiếu nhi 1.6 vừa rồi, cũng chẳng khác gì chút son tô thêm vào bức tranh xã hội cho nó bớt nhợt nhạt, ảm đạm, nặng về hình thức, chứ cũng chẳng thực chất bao nhiêu.

Với bản thân tôi, mấy thứ lễ hiện đại chả gây được ấn tượng gì. Thà cứ yên bình quanh năm còn hơn láo nháo vui xổi lễ này lễ nọ.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Chuyện sao bò

Sao bò. Nếu lật giở từ điển tiếng Việt, đố tìm thấy từ này. Nó chỉ tồn tại trong cuộc sống thực tế, gắn liền với một giai đoạn lịch sử, rồi chấm dứt. Đó là thời chiến tranh, Mỹ đưa máy bay ra ném bom, bắn phá miền Bắc, từ năm 1964 tới cuối năm 1972, khoảng 9 năm, bằng thời gian “9 năm kháng chiến thánh thần” chống Pháp.

Tự dưng nhớ tới “sao bò” bởi hôm qua đọc báo thấy có cái tin, có nhẽ là tin mừng, rằng Mỹ đã quyết định bán cho Việt Nam 6 chiếc máy bay trinh sát điện tử loại tối tân nhất của quân đội Mỹ hiện nay. Đó là những chiếc ScanEagle, đại bàng, thế giới gọi tắt là UAV, còn dân Việt lâu nay đặt cho nó cái tên nôm na máy bay không người lái. Thế gian biến cải, nhiều khi chả biết đâu mà lần. Trước kia, Mỹ đem máy bay không người lái tới dò la kẻ thù Việt cộng để ném bom cho chính xác, còn nay bán món hàng đó cho bạn từng kẻ thù xưa. Trong quan hệ quốc tế, không có gì là vĩnh cửu cả. Nay thù mai bạn, nay bạn mai thù, trong thù có bạn, trong bạn có thù, luôn luôn như vậy. Đâu thể hồ đồ kiểu tình hữu nghị này nọ đời đời bền vững. Lịch sử hơn nửa thế kỷ nay đã chứng minh thứ lý luận ấy hoàn toàn sai lầm, nẩy ra từ những đầu óc ngây thơ, thiển cận.

Từ hồi còn bé tí, đi học cấp 1, khi cả làng chỉ có vài chiếc xe đạp, thì đám trẻ con đánh dậm chúng tôi đã biết tới máy bay không người lái. Bây giờ nghĩ lại, hóa ra mình đã làm cách mạng 4 chấm 0 từ dạo còn đái dầm.

Chuyện đi lại (kỳ 4)

Có những bạn sau khi đọc mấy bài đầu tôi biên chép về chuyện đi lại bằng xe đò ở miền Nam thời trước năm 1975 đã nhận xét hài hước rằng ai lại làm cái việc khen phò mã tốt áo thế bao giờ. Rồi còn bảo, thế ông không nhớ chính quyền miền Bắc suốt bao năm miệt thị đời sống kinh tế, xã hội ở miền Nam là phồn vinh giả tạo à. Nhớ chứ sao không. Tôi từng có hẳn một bài phân tích thành ngữ mới “Phồn vinh giả tạo” thì quên thế quái nào được.

Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy, đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp, chỉ mỗi chút “bất đồng” là lão học trước tôi một khóa, vào Sài Gòn trước tôi một năm, và đã đi gặp các cụ tổ tiên quá sớm. Tháng 12.1975, lão tốt nghiệp, được về quê Thủy Nguyên (Hải Phòng) hơn chục ngày rồi nhận ngay quyết định phân công công tác tít tận trong Nam, nơi đang thiếu giáo viên các môn khoa học xã hội. Tức là có mặt ở Sài Gòn chỉ sau khi đất nước thống nhất hơn nửa năm. Lão từng kể cho tôi nghe rằng, mày ạ, hồi tao mới vào đi xe đò trong này sướng vô cùng, không có cảnh chen nhau bẹp ruột, xếp hàng mòn mỏi, hành hạ hành khách như ngoài mình. Hồi tháng 1.1976, lão kể tiếp, tao đi dạy ở cơ sở Tiền Giang, không cần ra tận bến xe miền Tây, chỉ tới ngã sáu Nguyễn Tri Phương quận 5 là có xe đò ngang qua tới hốt mình. Bọn lơ xe mời mọc, thiếu điều dìu mình vào ghế, xách hộ hành lý cho mình để tận nơi không khác gì mình là… cha chúng nó (lão kể và cười hì hì). Điều khác biệt nhất của sự đi lại giữa hai miền không phải là đường sá, xe cộ, mặc dù những thứ này miền Nam hơn hẳn, mà là thái độ trọng thị con người. Một thứ văn minh, văn hóa trong đời sống, chúng mình không tìm thấy ở miền Bắc, hóa ra có ở miền Nam, mày ạ.

Điều may mắn cho ông bạn tôi là lão được hưởng chút ít cuộc sống chất lượng cao còn sót lại sau tháng 4.1975, ở thời điểm hàng hóa vật chất còn dư dả, chưa bị chính quyền mới phá nát, con người mới chưa kịp tác oai tác quái, khi xăng dầu dù đã khan dần do bị cấm vận nhưng những kho xăng khổng lồ mà đặc công, biệt động chưa kịp đánh bom vẫn còn, khi xe cộ chưa bị ông thiên lôi Đỗ Mười giơ búa quốc hữu hóa đánh những đòn chí mạng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Tới lúc tôi lò dò bước lên bến Nhà Rồng tháng 4.1977 thì về cơ bản miền Nam đã đạt “chuẩn nghèo khó” như miền Bắc, những cái gọi là “phồn vinh giả tạo”, “bơ thừa sữa cặn” đã tan thành mây khói. Ngay những chuyến xe đò chở khách Hưng Long mà tôi đi Tiền Giang, sự ân cần của chủ xe, tài xế, lơ xe với khách vẫn còn, nhưng xe cộ đã bắt đầu cũ kỹ xộc xệch bởi không có phụ tùng thay thế, xăng dầu hiếm hơn nên mua vé đã phải chen chúc xếp hàng. Đã xảy ra những tranh cãi chí chóe giành chỗ, vé chợ đen, cảnh vất vưởng chầu chực ở bến xe có khi nửa ngày chưa mua được. Bóng ma sự đi lại ở miền Bắc tôi vừa thoát khỏi được ít ngày thì sau đó nó lại theo chế độ mới vào miền Nam để làm nốt công việc xóa sạch tàn dư tư bản chủ nghĩa.