Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Dành cho K17: Chùm ảnh K17 vui, đẹp, dễ thương

Tác giả chùm ảnh dưới đây gồm những tay máy không chuyên nên cứ gặp cái gì có hình có ảnh là phang luôn. Thế mới đời. Nhân vật trong chùm ảnh đích thị các ông lão bà lão từ U.60 đến U.70 trốn nhà đi chơi dối già "lão ông leo tường trốn/lão bà ra cửa đón". Không gian trong ảnh gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Huế, 3 tỉnh nhưng thực ra 1 tỉnh Bình Trị Thiên ngày nào (giá còn cái tỉnh to đó mà bọ Bính làm quan đầu tỉnh thì K17 chỉ có sướng ngất). Thời gian khá ngắn ngủi, chỉ từ 26 đến 29.7. Ba đứa chụp: Xuân Ba, Minh Huệ, Nguyễn Thông.

Xem ảnh nào, bà con K17:
Thằng Ba, thằng Tửu nói anh chị Lê Tài Thuận rước giặc về nhà (ảnh: Xuân Ba )




Những kẻ vô thần vô lại trước nhà tổ chùa Thiên Mụ (X.B )

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Gửi anh làm rất to đang ở "bộ phận không nhỏ"

Giới thiệu:
Nhà báo Sỹ Văn (một quan chức có cỡ) gửi tôi bài này, anh ấy bảo để đọc chơi cho biết. Người xưa dạy "không nằm trong chăn sao biết chăn có rận", anh Sỹ Văn nằm trong chăn đã lâu nên anh biết tường tận nhiều điều, nhiều con rận khủng mà nếu người bình thường có trí tưởng tượng phong phú mấy đi chăng nữa cũng không dám tin là thực. Ở cương vị hiện tại của mình, với cái nhìn khách quan, suy nghĩ sâu sắc, thái độ trầm tĩnh nhưng không kém phần quyết liệt, và trên hết là sự thẳng thắn, ý thức xây dựng, anh muốn đưa ra lời cảnh báo đối với những kẻ trong "bộ phận không nhỏ" đang ngày càng trượt sâu vào vũng bùn tội lỗi.
Dưới đây là bài của nhà báo Sỹ Văn. Xin cám ơn anh đã nói hộ tôi và rất nhiều người những bức xúc dồn nén lâu nay.


SỸ VĂN

Có thể bây giờ anh không nhớ ra em vì đã lâu anh em mình không gặp nhau. Biết anh mải mê công danh, tiền bạc, có địa vị cao trong hàng quan chức, chẳng còn thì giờ nghĩ đến cả mệnh thân, nên em nhớ câu “người quân tử thấy chết không thể không cứu”, với sự trân trọng tình xưa nghĩa cũ, em xin được gửi tới anh những lời chân thành.

Chắc anh còn nhớ khi xưa, lúc đi học anh cũng chẳng giỏi giang gì, thậm chí trên bảng điểm học lực tên anh thường gần cuối lớp. Sau này suốt quá trình công tác, anh chẳng bao giờ có tư duy, sáng kiến nào có ích cho đời. Bằng cấp của anh thôi thì đủ loại, và tất tật là bằng hệ tại chức… mua. Tuy vậy, nhờ có chí lớn (đúng ra là sự lì lợm ghê gớm), có rất nhiều thủ đoạn (để cướp công người khác) mà ngày nay anh đã vượt lên hơn nhiều bạn cùng lứa xưa. Giờ anh đã có địa vị cao trong hàng quan chức, có rất nhiều tài sản, của cải. Em biết anh rất tự đắc về những điều ấy (dù rằng tất nhiên, anh chẳng dám công khai thừa nhận đó là tài sản của mình do nguồn gốc bất minh); song em thấy rằng anh đang sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, nếu không kịp thời tỉnh ngộ để thay đổi, anh sẽ mất hết tất cả.

Em hiểu rằng, lời khuyên về đạo đức của một dân thường như em với một người đang có chức quyền lớn, tiền bạc nhiều và… văn hóa thấp như anh thì sẽ không bao giờ được coi trọng. Vả lại, anh vẫn thường lên giọng giảng đạo đức cho bao nhiêu cấp dưới trong các hội nghị rồi. Vì thế, em chỉ muốn nói với anh một chút về lẽ thiệt hơn trong đời người mà thôi.

Thoáng Huế

Làm dân xứ này, một đời người mà chưa lần nào đến Huế, quả thật uổng lắm thay.

Mình vừa có dịp làm thân với Huế dù rằng suốt bao hành trình xuyên Việt trước đây cũng đã từng từ nhà ga hỏa xa Huế ngó vào đại nội, ánh mắt thèm thuồng  gửi đi bao nhiêu mơ ước. Nay thì "ta dạo gót trên đường phố Huế", mà những hơn 2 ngày, đầy vồ vập yêu thương. Hai ngày, trong chuỗi nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày kể ra cũng chỉ thoáng chốc, một lát cắt mỏng thôi, vậy mà cũng kha khá vốn liếng đủ cho mình tạo cái nỗi niềm khác về Huế so với nỗi niềm suông khi trước.

Khá khen cho đứa nào nẩy ra ý định tụ bạ K17 ở Huế chứ không phải Hà Nội hoặc nơi chi khác. Mà điều này còn chờ lịch sử phán xét, dù vẫn đang nóng hôi hổi, bởi mình nghe nói (lại nghe nói, suốt đời chết vì nghe nói) nhiều đứa là tác giả bản quyền ý tưởng tuyệt vời ấy. Chả sao, đến ngay chiếc xe tăng nào, 390 hay 843 húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập cũng phải mất mấy chục năm mới xác định được rõ ràng mặc dù người húc cổng vẫn còn sống nhăn. Ấy thế, dù một đứa hoặc nhiều đứa là tác giả, kẻ tầm thường là mình cũng cúi đầu bái phục, cám ơn lắm lắm.

Đoàn gồm: Bùi Trọng Cường, Vũ Lệnh Năng, Nguyễn Huy Cờ, Ma Duy Giang, Đặng Quốc Khánh, Trần Ngọc Hồng, Nguyễn Doãn Tấn, Trần Quang Tửu, Nguyễn Khôi, Nguyễn Văn Bảo, Trịnh Xuân Ba, Phạm Xuân Hoàng, Lê Tài Thuận, Trương Đình Chiến, Nguyễn Thông, Nguyễn Thị Bé, Lê Thanh Nga, Nguyễn Thị Nam, Trần Thị Sánh, Nguyễn Thị Hồng, Cao Dung Hòa, Nguyễn Thị Thúy, Đỗ Thị Cúc, Nguyễn Minh Huệ. Chú em Tuấn lái xe của Lilama rất tận tình. Lớp vắng khá nhiều, tuy nhiên đủ cả quân dân chính đảng, nam phụ lão (đếch có ấu), miền ngược miền xuôi. Thằng Bá Tân gọi điện vào bảo bọn này là bọn đi dối già, Chính xác, hi hi.

Khi mình về đến Sài Gòn và gõ những con chữ rì rào này, thì đám bạn K17 đang trên hành trình ngược bắc,

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Bọ Lập bảo rằng...

Nếu vào Quê choa bị chặn thì vào link này nhé:
Bấm vào đây: https://mycreate-proxy.appspot.com/quechoa.vn
Trường hợp bị chặn, bà con lưu các đường dẫn sau để vào Quê Choa: Quê choa 1 ; Quê choa 2 ; Quê choa 3 ; Quê choa 4 ; Quê choa 5 ; Quê choa 6 ; hoặc tham khảo các cách đơn giản cài lại trình duyệt để vượt rào ở đây

Nhờ báo cho mọi người cùng biết.

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Bận tí việc

Vài ngày tới, bản nha bận tí việc, không trông coi công đường được, mà cũng chưa sắm laptop, iPad, iPhone, 3G, 4G... nên tạm thời cho thiên hạ thái bình (như biển Đông), hi hi.
Xong việc, lại về nhổ cỏ vườn nhà. Xin chào các bác, cháu ngược tàu đây.

26.7.2012
Nguyễn Thông

những bài hát của một thời (42): Trên biển quê hương

Xin kính tặng những chiến sĩ cảnh sát biển tuyệt vời của chúng ta bài hát Trên biển quê hương.

Nhạc sĩ Đức Minh là tên tuổi quen thuộc với người yêu ca nhạc những năm đánh Mỹ. Ông tên đầy đủ Tống Đức Minh, sinh năm 1941, quê tỉnh Hòa Bình. Nhiều bài hát của ông đã in sâu trong tâm hồn bạn nghe đài thời chống Mỹ như Cô gái lái tàu, Em là hoa pơ lang, Đảm đang là gái Hải Dương, Đất mỏ quê ta... Nhưng tôi, và có lẽ rất nhiều người nhớ đến Đức Minh thì nghĩ ngay đến ca khúc Trên biển quê hương.

Có nhẽ chả ai hát hay hơn ca sĩ Quý Dương khi ông cất lên "Quảng Bình quê ta, biển khơi vang hát câu ca hát rằng...". Tiếng đàn piano của Hoàng Mãnh dạt dào như sóng, lúc sôi động, lúc dịu hiền. Cả hai tạo nên một nhạc phẩm tuyệt vời. Có một bạn yêu thích bài này nhận xét rằng cái thời ấy cứ 10 người thì có đến 8-9 người thuộc Trên biển quê hương, tôi chả biết có đúng không nhưng riêng với cá nhân mình thì sau bao nhiêu năm vẫn thuộc làu làu, chả quên lời nào, nốt nào.

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Bọ Lập thông báo

Nguyên văn:

Nhờ Nguyễn Thông nhắn tin giùm: Mời bà con vào Quê choa hãy vào Quechoa.vn, đừng vào quechoa.info và quechoablog.wordpress.com. Chỉ có quechoa.vn mới luôn luôn cập nhật bài mới. Trường hợp bị chặn, bà con vượt tường lửa bằng link: proxyweb.com.es hoặc german-proxy.de
Xin cảm ơn!

Khỏe như bò tót...

...Cũng chết.

Vị chi mấy trăm ông, đủ mọi phương tiện, chỉ có mỗn việc bắt sống một con bò tót quý hiếm hoặc đuổi nó về rừng, thế mà làm không xong.

Đúng là bọn ăn hại đái khai.

Ảnh của báo điện tử Vietnamnet

Nay bò chết rồi, lập cả hội đồng khoa học, xét nghiệm xác định nguyên nhân (lại tốn một mớ tiền không nhỏ cho việc này), kết luận rằng bò tót chết với nhiều bệnh lý bất thường: bụng dưới chướng hơi, khí quản và phổi xung huyết, tim xuất huyết và tụ huyết ở cơ tim và vành mở cơ tim, gan mật bị sưng, ruột non và ruột già xuất huyết bên trong có máu... Một nguyên nhân khác nữa là bò tót rất mẫn cảm với nhiễu loạn môi trường, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong môi trường không phù hợp nên sức khỏe suy kiệt nghiêm trọng.

Hóa ra con bò đực trông mập ú, dái to, bắp thịt săn chắc, cơ thể hùng dũng sang trọng hiên ngang ấy, ai nhìn cũng đảm bảo khỏe vô địch, lại ủ đủ các thứ bệnh. Chết là phải, chả ai cứu được, sách đỏ cũng không cứu nổi.

Tôi thì bảo, khốn nạn thân mày, bò tót ơi. Ở bên Lào đang yên đang lành, về làm chi xứ tao mà thiệt thân.

26.7.2012
Nguyễn Thông

Viết rất ngắn

Trong lúc bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh đang cấp tập những hành động khiêu khích xâm lược Việt Nam trên biển Đông, nhất là tại khu vực đảo Trường Sa xưa nay thuộc chủ quyền Việt Nam không cần bàn cãi thì lại tòi ra cái của nợ này.

Đó là "cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Thomas Donilon vừa hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 23.7" (theo bản tin trên báo Thanh Niên).

Rất giống cách đây tròn 40 năm, khi Mỹ R.Nixon và Trung cộng Mao Trạch Đông bắt tay nhau để chia chác cơ thể Việt Nam, viên cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã công du Bắc Kinh gần một tuần. Sau đó thì thế nào, ai cũng biết: Mỹ đánh miền Bắc thoải mái, còn Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa.

So với Trung Quốc thì Việt Nam chả là cái đinh gì mà Mỹ phải hy sinh. Chị hai Hillary Clinton đi đây đi đó nói vài câu ngoại giao đẹp lòng thôi.

Vậy nên "cốt rằng người nước cùng nhau một lòng".

Ngày mai là ngày cúng các anh hùng liệt sĩ, xin thành tâm khấn các vị tiên liệt phù hộ cho cháu con qua cơn hoạn nạn này.

26.7.2012
Nguyễn Thông

T.Ư Mặt trận tổ quốc để làm gì?

Thì để lãnh đạo Mặt trận tổ quốc (MTTQ) cả nước chứ làm gì. Vậy MTTQ làm gì? Làm rất nhiều việc, nhớn bé to nhỏ, làm tuốt.
 
Điều 9 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992) nêu rõ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước”.

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Phải nói toẹt là xâm lược chứ sao lại xâm phạm

Phải gọi huỵch toẹt ra là xâm lược, cái bọn Trung Quốc cu lì ấy. Chú Lương Thanh Nghị đừng dùng từ "xâm phạm" nữa, dễ nhẹ cái tội của chúng đi.

Xin lưu ý, trước đây những hành dộng khiêu khích của Trung Quốc đều núp dưới vỏ bọc các cơ quan chuyên trách hoặc địa phương, nay thì chúng không giấu diếm nữa, thò hắn cái bộ mặt của Quân ủy trung ương và Quốc vụ viện. Vậy không gọi thẳng là xâm lược thì nó là cái gì?

Hoan hô những chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam, những người đã nói đốp vào mặt chúng bằng những câu chửi đích đáng.

Xin cám ơn các bạn Philippines đã đồng tình với Việt Nam, mặc dù việc Trung Quốc thành lập TP Tam Á không liên quan gì đến các bạn (xem ở đây). Bạn thế mới gọi là bạn.

Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”

Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”
Đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


(TNO) Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên và cố tình thực hiện những bước đi trong âm mưu hợp lý hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Vào hôm nay, 24.7, Tân Hoa xã loan tin Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa” tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Không thể hiểu nổi

Cầm tờ báo trên tay, tôi không tin được tại sao người ta phải như thế.

Đành rằng nghĩa tử là nghĩa tận, so bì xét nét với người đã khuất làm gì, mà tôi cũng chả có thành kiến gì với chị ấy (người đã khuất), thậm chí còn kính trọng, kính phục là đằng khác. Kể cả với người chồng của chị ấy nữa, tôi cũng kính trọng (dù không phục). Nhưng cứ xem người ta xun xoe thì tôi lại ngất ngơ không chịu được.

Chả là có cái anh nhà văn xóm trại, cái anh từng bị mất ngủ vì lửa ấy, làm một bài rõ to trên tờ báo khá to. Anh ấy viết để khen người vợ nhưng chả hiểu có định PR cho bản thân không, định lấy lòng người chồng không mà cúi thấp lưng xuống nói vọng lên toàn giọng điệu tâng bốc, nịnh nọt. Cứ vài đoạn, vài câu lại trung tướng thế này, trung tướng thế nọ làm người đọc xấu hổ chết đi được. Quá quắt nhất là cho trung tướng đi tàu bay giấy, khen trung tướng đang tột đỉnh vinh quang trong sự nghiệp. Tôi chả hiểu cái sự nghiệp vinh quang ấy phục vụ gì cho đất nước, nhân dân, chứ chỉ thấy cho cá nhân là nhiều. Tôi nghĩ trung tướng chắc cũng buồn vì có kẻ nó nịnh thối như vậy.

Cũng trên số báo đó, lại có anh sĩ quan nhà thơ khác tát nước theo mưa. Thấy nhà văn xóm trại tung hô trung tướng, mình không hô nhỡ có bề gì, bèn làm một bài thơ. Thì cứ khen chị, thương chị, tiếc chị, có ai nói làm chi. Lòng mình thành, ý mình trong sáng, ai nỡ chê bai. Nhưng thi sĩ ấy sợ trung tướng không để ý nên tự mình đóng vai thủ trưởng, viết thay một người anh (tức thủ trưởng, người chồng của chị đã khuất). Nịnh mà đến thế thì thôi/Đời làm thơ cũng là đời bỏ đi.

Những người ấy, xưa nay đâu đến nỗi nào. Nay bôi mặt trắng thế, tôi không hiểu nổi.

Xin trung tướng bớt giận khi tôi viết những dòng này. Tôi chỉ muốn trung tướng cảnh giác với những thói luồn cúi của kẻ khác. Và nhẽ ra, nếu những văn sĩ, thi sĩ ấy đến nhà trung tướng để san sẻ nỗi buồn, nào ai nói làm chi, đằng này bê nguyên 2 trang báo phục vụ cộng đồng để nói chuyện riêng, tình cảm riêng khiến nó cứ cong vênh thế nào ấy.

Lời kẻ trực tính, khó nghe lắm. Trung tướng có giận thì nhà em cũng đành chịu.

24.7.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Danh sách K17

Bản danh sách này do ma đam Nguyễn Thị Bé dày công tổng hợp, soạn ra; người hiệu đính, trình bày lại là ai, biết không, Thông cào nhé. Xin cung cấp cho cả nhà để tiện liên lạc khi có dịp thăm nom nơi này nơi khác, khi ai đó ốm đau, có tin vui tin buồn.
Bản danh sách vẫn chưa đầy đủ, bạn nào có thông tin mới về ai đó, xin comment vào bài này hoặc gửi vào địa chỉ hộp thư (mail) nguyenthong55@yahoo.com để nhà cháu bổ sung. Đa tạ.

DANH SÁCH K17 (1972-1976) NGỮ VĂN, ĐẠI HỌC TỔNG HỢP HÀ NỘI


Trịnh Xuân Ba
Báo Tiền phong
0985678888

Nguyễn Văn Bảo
Thôn An Hoà 2, xã An Tường, tp. Tuyên Quang
0943919004

Nguyễn Thị Bé
1- B4, khu tập thể 51 Cảm Hội, Hà Nội  
0913270447
04 39714437
behuong.nxbgd@gmail.com
Phạm Văn Bích
Viện Xã hội học
04 37625029

Trần Hải Bình
Nguyễn Đình Hạnh
391/39 đường Lê Hồng Phong, tp. Nha Trang

0905116246
058 3881878
thukyktv@yahoo.com
Lương Ngọc Bính
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình
Xin phép ẩn số đt của ông này, ai cần liên lạc thì gọi nhà cháu. Thông


Nén hương cho ngày Thương binh liệt sĩ 27.7: Những trải lòng trong bão lửa chiến tranh

Tôi viết bài phóng sự hơn 3.000 chữ nhưng do khuôn khổ trang báo TN mà tôi phục vụ nên khi đăng (Thanh Niên chủ nhật 22.7.2012) chỉ sử dụng được gần 1.800 chữ, vì vậy bản này là bản đầy đủ nhất. Xin cám ơn các chị Hoàng Ngọc Kết, Hoàng Liên Thái (những em gái của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao).

1. Rẽ vào lối nhựa gọi là hẻm nhưng khá thông thoáng rộng rãi trên đường Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình (TP.HCM), tôi hỏi nhà chị Kết, hầu như ai cũng biết, Họ còn chỉ dẫn tường tận nhà bà Kết có xưởng may thêu, sản xuất rôm rả nhộn nhịp lắm. Thế thì chả trật chỗ nào bởi chị Kết từng du học ở Triều Tiên về ngành dệt, một chuyên gia cả đời chỉ gắn bó với dệt may, vải vóc. Và điều quan trọng, người tôi gặp là một trong những em gái của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao- niềm tự hào của thành phố cảng Hải Phòng quê hương.
Cuộc trò chuyện đã qua cũng hơi lâu nhưng tôi còn nhớ rõ mồn một. Chị Hoàng Ngọc Kết kể cho tôi nghe về anh Giao trong nỗi xúc động. Chuyện xảy ra từ mấy chục năm trước mà như đang hiển hiện nhãn tiền. Người thanh niên sĩ quan trẻ ấy dường vẫn quanh quất đâu đây, phía sau tấm ảnh, khuôn mặt trẻ trung mà nghiêm nghị kia. Sau khi gia đình và Thành đoàn Hải Phòng lập hồ sơ trình lên cơ quan chức năng, năm 2009 liệt sĩ Hoàng Kim Giao được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau bao năm bị lãng quên, người anh hùng ra đi khi tròn 27 tuổi đã trở về, thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ cả nước, hôm nay và mai sau.
 Anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao (1941-1968)

Tưởng cũng nên nhắc lại chút ít về anh trước khi cùng nhau đọc những lá thư đậm tình người, tình yêu nước, chất chứa bóng dáng lịch sử và âm vang thời đại. Hoàng Kim Giao cùng lứa tuổi với nhà thơ Phạm Tiến Duật, sinh năm 1941. Anh đã tốt nghiệp hai trường: Đại học Tổng hợp và Đại học Bách khoa Hà Nội, một sĩ quan trẻ giỏi giang đầy triển vọng của Cục Nghiên cứu kỹ thuật (nay là Viện Kỹ thuật quân sự), Bộ Quốc phòng. Anh là một trong những tác giả công trình nghiên cứu chống phá thủy lôi và bom từ trường, được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996). Trong chuyến công tác tại tuyến lửa khu 4 cuối năm 1968, trên con đường ác liệt 15A, gần tọa độ lửa Truông Bồn, lúc anh áp sát, quả bom từ trường loại hiện đại nhất, mới nhất mà bọn Mỹ vừa đưa vào sử dụng đã bất ngờ phát nổ, thân thể anh và đồng đội Lương Văn Tín tan vào bụi đất, anh ra đi khi vừa qua tuổi 27 đẹp đẽ có 4 ngày.

Quân dân một lòng

Xem những bức ảnh anh Lê Dũng chụp cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược diễn ra ở thủ đô ngày 22.7, mình cảm động đến rơi nước mắt. Hà Nội và con người Hà Nội thật đẹp, hào hùng, nhân ái. Chưa bao giờ tình quân dân một lòng lại được thể hiện bình dị, ấm áp thế, kể từ khi nổ ra những cuộc biểu tình yêu nước đến nay. Đã qua rồi những ngày buồn khi đại úy Minh đạp giày vào mặt anh Nguyễn Chí Đức. Tình quân dân một lòng sẽ vĩnh viễn tống vết nhơ ấy vào quá khứ, chỉ còn cái đẹp như ngày 22.7 mà thôi.

Xem hình ảnh đó, chỉ muốn ca lên rằng "Đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi!".

Lại thoáng chút buồn cho tình trạng cát cứ sứ quân. Sài Gòn có học được gì ở Hà Nội không, mà sao đằng đằng sát khí phản biểu tình thế. Những nhà lãnh đạo chính quyền Sài Gòn, công an Sài Gòn hình như chưa nhịp cùng bước chân với Hà Nội, tức chưa cùng nhịp bước với nhân dân.

Cảm ơn anh Lê Dũng. Xin bày tỏ lòng biết ơn, khâm phục những người Hà Nội, công an Hà Nội đã tạo nên sự gắn kết tuyệt vời.



23.7.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Gửi bạn trẻ tình nguyện

BÙI CÔNG TỰ

Các cháu mặc áo xanh
Đứng sau hàng rào sắt
Ngăn đoàn người biểu tình
Mà thản nhiên nét mặt.

Các cháu mặc áo xanh
Màu trời xanh ngăn ngắt
Có thật tình nguyện chăng
Hay ai người ép buộc.

Có biết chăng Tổ quốc
Đang từng giờ nguy nan
Vì sao bao bạn trẻ
Xuống đương hô VIỆT NAM
 Ảnh: Lê Dũng

Một cách biết ơn thương binh liệt sĩ

BÁ TÂN

           Thương binh, liệt sĩ có riêng một ngày kỷ niệm. Đó là 27 tháng 7. Kỷ niệm thường gắn với điều vui, niềm vui, như ngày cưới, ngày ra trường, ngày thành lập ABC gì đó... chẳng hạn, nhưng 27 tháng 7 không thể gọi là ngày vui. Thương tật và chết chóc, dù là hy sinh oanh liệt, có gì mà vui. Cứ thực lòng mà nói, đã là con người, chẳng ai muốn bị thương, không một ai lựa chọn cái chết thay cho sự sống. Mỗi cá nhân, từng gia đình, và cả quốc gia đều muốn sự thanh bình thịnh vượng. Nhân dịp này xin được biết ơn các thế hệ thương binh- liệt sĩ, trong đó có bạn bè tôi. Ngày 27 tháng 7 là ngày của sự biết ơn.

           Chết trong còn hơn sống đục. Đó là triết lý sống, khẩu hiệu giáo dục làm người. Thời chiến, trước sự sống-chết vì tổ quốc, nhiều người đã hành xử bằng triết lý ấy. Hiện thời, không ít kẻ chọn con đường ngược lại. Họ chọn sống đục, không dám chết trong. Bọn tham nhũng ngoại hình bệ vệ hào nhoáng, sự sống đích thực của chúng là sống đục, đục hơn cả bùn đen. Dân mất lòng tin, chế độ lung lay có nguyên nhân từ những kẻ tạo ra lối sống đục đang đè nén nếp sống trong lành. Bọn sống đục đang cố kết với nhau. Chúng nó ngập ngụa trong bùn đen đến tận miệng nhưng mồm vẫn cứ ra rả khuyên răn người khác phải sống trong sạch. Lòng dân, niềm tin không bị bào mòn mới là chuyện lạ.

             Có người bảo phải lôi chúng nó ra khỏi bùn đen, tắm rửa cho sạch sẽ để chúng trở lại làm người lương thiện. Đạo làm người phải thế. Nhưng tôi nghĩ cách đó vô cùng khó, thậm chí bất khả kháng. Sự sống của bọn tham nhũng không thể tách khỏi bùn, bùn càng nhiều, càng đen càng tốt. Giang tay đưa chúng ra khỏi vũng bùn thì chẳng khác nào người không biết bơi nhảy xuống sông sâu cứu kẻ bị nạn. Đừng đạo đức với kẻ thù của đạo đức, đó là thứ ngụy đạo đức. Cứu bọn cướp là làm hại dân lành. Tiếc gì bọn đó, hãy dìm chúng xuống bùn đen. Kết liễu chúng nó là khởi đầu của sự sống yên bình và đạo nghĩa. 

            Kết liễu chúng là cách biết ơn thiết thực nhất những anh hùng liệt sĩ, thương binh đã hy sinh, quên mình vì đất nước.
 Bá Tân 

Đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm

Nói ra, thiên hạ lại bảo là đồ ăn theo nói leo, nhưng thú thực từ mấy hôm trước, tuy ếch ngồi đáy giếng, mình cũng có nghĩ đến điều dưới đây, như nhà phân tích Trần Bình Nam viết. Tuy nhiên, ông Nam bộc lộ thì chẳng sao, còn hạng như mình mà xí xọn khéo lại bị quy là "làm lộ an ninh quốc gia" chết chứ chẳng chơi. Chỉ có điều, đừng xem thường tinh tướng của thằng Trung Quốc. Người do thám của nó cài khắp Hoa Thịnh Đốn, thậm chí toàn nước Mỹ, giấu thế quái nào được, đừng tưởng nó cũng nghĩ là ông Vịnh đi bàn chuyện bom mìn, nhân đạo. Đưa một bác thứ trưởng bộ Lao động-thương binh-xã hội theo đoàn cũng chỉ để ngụy trang thôi, nó biết thừa (mình ngu si thế này còn biết nữa là nó, cái bọn Tàu quỷ kế ấy).

Ông Trần Bình Nam bảo thế này:

"Trong lúc tình hình biển Ðông dầu sôi lửa bỏng mà một nhân vật then chốt về an ninh quốc gia như tướng Nguyễn Chí Vịnh đi Hoa Kỳ để bàn về chuyện “đạn, mìn” còn sót lại của một trận chiến tranh chấm dứt cách đây 37 năm là một chuyện buồn cười. Biết đâu tướng Vịnh đi Hoa Kỳ để cùng với giới chức quốc phòng Hoa Kỳ trao đổi về một đáp án quân sự và ngoại giao trong trường hợp Trung Quốc lật ngửa lá bài".

Thế thì chú Vịnh cứ vững vàng nghe, kệ cha chúng nó, theo dõi cũng mặc mẹ nó, việc mình mình làm, tất cả vì lợi ích tối cao của đất nước.

Mình nghĩ mình già chuyện này với tinh thần yêu nước, ủng hộ tướng Vịnh.

22.7.2012
Nguyễn Thông

Thông báo khẩn với các bạn K17

Thưa các ông bà U.70 và U.60 lớp văn K17 Tổng hợp.
Những ông bà nào ở Hà Nội lưu ý:
Bạn Nguyễn Huy Hoàng thân mời các bạn: Vào lúc 17 giờ ngày thứ ba 24.7.2012, tại thư viện Hà Nội- 47 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm diễn ra lễ ra mắt bản dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm tiếng Nga. Bạn Hoàng là người tổ chức thực hiện việc dịch tác phẩm này.
Vậy các ông bà U cố gắng bớt chút thời gian đến dự, chia sẻ niềm vui với bạn Hoàng. Huy Hoàng sẽ tặng sách cho các bạn, hi hi.
22.7.2012
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Từ vụ giết voọc: Ranh giới thiện ác quá mong manh

Không ngờ sự nhân ái lại xuống đến mức thảm hại như vậy.

Gần như cả thiên hạ ồn ào căm giận, chê ghét, oán trách, phỉ nhổ, nói chung là đào đất đổ đi, mấy chú tàn sát voọc. Đã không biết xấu thì thôi, lại còn dơ dáy khoe khoang đưa lên mạng xã hội, xem như chiến tích, trò chơi, ra điều thú vị lắm. Trách các chú sát voọc thì ít mà trách cái xã hội xuống cấp đạo đức, ít lòng nhân từ thì nhiều.

Cái thời gì mà bản tin người tốt việc tốt hầu như vắng bặt trên những trang báo, thay vào đó toàn là cướp giết hiếp, đâm chém, cờ bạc lừa đảo nhản nhản mỗi ngày. Ngay tờ báo tôi phục vụ, chuyên trang 24 giờ mặc dù nằm tuốt tận gần cuối nhưng lại là trang nóng nhất, nhiều người đọc nhất. Lâu lắm mới có cái tin nho nhỏ kiểu ai đó nhặt được của rơi trả lại, còn thì vẫn chủ lưu CGH. Không thể trách báo đài dù báo chí cũng phải chịu trách nhiệm trong sự xuống cấp đạo đức xã hội. Căn nguyên nhiều lắm, chỉ ra có cả ngày cũng không hết.

Có người bào chữa cho mấy chú giết voọc, thì cũng như giết con heo con gà ấy mà. Nơi rừng núi heo hút, không ra tay sát sinh thì lấy gì mà ăn. Lại có người bảo chả trách được họ, bao nhiêu năm nay họ có được dạy bảo gì về đạo đức, tình thương, lòng nhân ái, lương thiện... đâu. Lúc nào cũng nghe "cách mạng, đấu tranh, ai thắng ai, một mất một còn, thắng lợi..." thì làm sao có thể động lòng trước sự thảm thiết của sinh linh. Thậm chí vài người còn cố cãi họ là lính tráng, tuyển người hiền vào bộ đội thì đánh nhau làm sao... Tuy nhiên, phần đông là phẫn nộ, như tôi nói ở trên.

Bạn tôi, nhà báo Trần Xuân Hòa trưởng văn phòng đại diện báo TN tại Nha Trang thỉnh thoảng vẫn trao đổi với tôi về lòng từ bi, sự lương thiện của con người. Anh không theo đạo Phật nhưng đã gần như đạt đến sự giác ngộ về nhân quả, thiên lương. Anh ăn chay đã lâu, không ghét người ăn mặn nhưng cực kỳ ghét những kẻ hành hạ con người và con vật, giết hại động vật. Anh nhìn nhận nhiều vấn đề bản tính, thiện-ác của con người dưới góc độ khoa học nhưng cũng để đi đến cái đích cuối cùng là cứu rỗi con người. Tôi đang học anh, làm theo anh nhưng tự biết đường mình đi còn xa, còn xa lắm.

Có một điều đáng buồn khác trong vụ sát hại voọc là những con người ra tay tàn ác lại vận trên mình trang phục quân nhân. Xưa nay hình ảnh người lính đọng lại trong lòng dân là anh bộ đội cụ Hồ, đi dân nhớ ở dân thương, đầy tình cảm, trân trọng sự sống. Bao nhiêu năm vất vả xây dựng được hình ảnh, có khi chỉ một vài người mất phẩm chất, kém đạo đức mà đốt công quả trong nháy mắt. Tự đáy lòng, tôi chỉ mong sao kẻ giết voọc không phải là bộ đội.

Tôi hồi nhỏ đi học được nhồi học thuyết Darwin về tiến hóa, dù vậy vẫn chả dám tin con khỉ con vượn là thủy tổ loài người. Nhưng tôi hoàn toàn tin khỉ, vượn, voọc là loài linh trưởng, tức rất gần với con người. Thì ngay cái bộ dạng của chúng đã chứng minh điều ấy, chưa nói đến chuyện chúng có cả những hành vi, tình cảm mà loài người chúng ta đang có. Vì vậy không thể coi việc giết một con vọc như đập chết con cá rô, cắt tiết con gà. Trong 5 điều răn (ngũ giới) của nhà Phật đối với phật tử, điều đầu tiên là cấm sát sinh. Có thế mới nuôi dưỡng được sự từ bi hỉ xả, giữ được lòng nhân từ, tránh được nghiệp báo. Dù không theo đạo Phật nhưng bất cứ ai đã sống ở đời cũng nên nuôi dưỡng cho mình sự nhân từ, lương thiện. Từ việc giết con voọc linh trưởng mà không hề mảy may động lòng trắc ẩn, thậm chí còn vui thú, hả hê thì ranh giới đến giết một con người hết sức mong manh.
Cụ Hồ từng dạy "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên". Khi cái ác lấn át điều thiện như thế, liệu những nhà cầm trịch xã hội này có chút động lòng, day dứt?

Không thể chỉ truy tìm ra kẻ giết vọc, tung ảnh lên mạng là xong. Còn quá nhiều việc phải làm.

20.7.2012
Nguyễn Thông

Chia sẻ với bạn tôi

Đã nghe dư luận láo pháo lào phào mấy bữa rồi nên khi đọc tin trên báo tôi cũng không bất ngờ. Âu thì sự đời nó thế, "bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao", cụ Tiên Điền chả nói vậy sao.

Tôi vận cụ Tiên Điền vào đây bởi bạn tôi, Nguyễn Sĩ Đại là kẻ hậu sinh đồng hương với cụ. Cụ ở Nghi Xuân, y quê Can Lộc, cùng đất Hà Tĩnh mạch nguồn chính của văn chương nước nhà xưa nay. Đại là thi sĩ, cùng với Nguyễn Huy Hoàng (đồng hương) là hai gã thơ phú giỏi nhất K17 văn khoa Tổng hợp. Tôi cũng thích văn chương, mê thơ, rất phục hai ông đồng môn đồng tuế này, nhưng hiểu ra Hải Phòng quê mình củ khoai củ ráy sánh sao được với Hà Tĩnh cả núi danh nhân quê chúng nó, thì thở cái phào, như giác ngộ được điều gì lớn lao lắm. Cái ấy các cụ gọi thành đũa mốc chòi mâm son, hì hì.

Đại hơn tụi mình. Y có quá khứ vẻ vang là năm cuối phải đi bộ đội, tự dưng được đứng vào hàng ngũ quân đội nhân dân anh hùng. Vết son ấy rất có lợi cho sinh viên khi ra trường kiếm việc làm. Tốt nghiệp, y về báo Nhân Dân, làm hoài làm riết, leo lên đến chức ủy viên hội đồng biên tập, trưởng ban, phụ trách tờ Nhân Dân cuối tuần. Y lại có chí khí hơn người, vừa làm việc vừa nghiên cứu, giành được cái bằng tiến sĩ văn chương, nghiên cứu về thi pháp thơ Đường. Vợ y cũng là nhà thơ nhà báo, Trần Kim Hoa, một y thị giỏi giang, sắc sảo khiến nhiều nữ nhân ngả nón kính phục. Y đắc cử vào ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, thỉnh thoảng mình thấy mặt y lấp ló trên tivi. Tửu lượng y khá cao nhưng đã một lần (năm 2006) mình phải chở xe máy cõng y về tận nhà giao cho các con y, dọc đường đi mấy lần suýt ngã, suýt bị đo ván.

Đã lâu, mình khá sửng sốt khi nghe tụi Hà Nội thông báo Sĩ Đại bỏ báo Nhân Dân chuyển qua làm Tổng biên báo điện tử Doanh nhân Việt nam toàn cầu của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Mình cứ phàn nàn sao nó dại thế, báo Nhân Dân là bố của báo chí xứ ta, đang yên ổn ngon lành, đùng đùng chạy qua chốn khác, liệu có nên cơm cháo gì. Thằng T. bảo nó khôn chán, báo ND giờ đéo ai đọc, ở đó chỉ có cái danh, bám để chờ chết đói à. Sang báo của bọn doanh nhân, cứ tiền tiền tiền nhé. Mình bảo thằng Đại thiếu đếch gì tiền, nếu thiếu thì cũng như tao với mày với nó với chán vạn thằng đàn ông, chỉ thiếu tình thôi. Thằng T. chốt lại tiền không bao giờ đủ, cứ làm ăn lương thiện mà ra tiền thì càng nhiều càng tốt. Được cái thằng Đại nhà mình là người lương thiện, thế là vui rồi. Mấy lần thằng Trần Quang Tửu gọi điện cho mình bảo Cào ơi tao đang cho con tao về đầu quân về với thằng Đại; mình mừng cho chúng nó, cả cha con, bạn bè. Thằng Đại làm to nhưng không quên bạn bè thuở hàn vi.

Nay nghe tin Bộ 4T ra quyết định đình bản tờ báo của thằng Đại, lúc đầu mình thấy buồn cho nó, muốn chia sẻ với nó; sau thì mình lại muốn nói với nó rằng thế là may, rũ hết sự đời, về mà ôm con vợ thi sĩ, chăm chút mảnh vườn bên Đông Anh, kiếm chiếc cần câu tung tẩy hồ này ao nọ mà vui thú thu điếu như cụ Yên Đổ ngày xưa. Thế thì có gì phải buồn, phải không hỡi các lão Ngọc Tân, Bá Tân, Xuân Ba, Huy Hoàng, Ngọc Bính, Ngọc Vương, các cụ Doãn Tấn, Lệnh Năng, Duy Giang... nhỉ.

21.7.2012
Nguyễn Thông


Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Người đầu tiên công khai đòi công lý cho bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long)

Quả thật tôi rất mừng khi viết những dòng này. Trước hết phải cám ơn nhà sử học Dương Trung Quốc, một con người nghĩa khí, có tư cách của nhà viết sử; sau nữa là với báo Lao Động, tờ báo dũng cảm đăng bài của bác Quốc.

Bài báo có cái tít giản dị "Viết nhân ngày Thương binh liệt sĩ" đăng liên trang 10&11 Lao Động cuối tuần nhưng bên trong dám đặt thẳng vấn đề trả lại công lý và sự thật cho bà Nguyễn Thị Năm, còn có tên gọi Cát Hanh Long. Bà Năm là nhà tư sản nổi tiếng, địa chủ kháng chiến, có rất nhiều công lao, đóng góp cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến chống Pháp những ngày khó khăn gian khổ nhất. Rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao nhất đã được bà nuôi nấng, đùm bọc, hàng trung đoàn bộ đội Vệ quốc được bà lo cho miếng ăn chốn ở. Bà bị cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất quy là địa chủ phản động, bị chính quyền kháng chiến lôi ra xử tử hình năm 1953. Thật bi kịch, địa chủ đầu tiên bị xử bắn lại là một người đàn bà, người mà cuộc kháng chiến phải biết ơn, còn nặng ơn nghĩa hơn cả ngàn lần so với bà phiếu mẫu với Hàn Tín thuở xưa.

Chính tôi đã từng viết về bà Năm (năm 2007, đăng trên tạp chí Thế giới mới, xem ở đây). Gia đình tôi chịu ơn bà, chính xác là con trai bà, tức ông Hanh (117 Hàng Bạc, Hà Nội), người mà bác Dương Trung Quốc có nhắc trong bài báo bên dưới. Ông Hanh đã tận tình chỉ dẫn, giúp người nhà tôi liên hệ với các nhà ngoại cảm, kết quả là tìm được hài cốt của chú ruột tôi, liệt sĩ Nguyễn Văn Liễn chôn cất ngay trên đất trang trại gia đình bà Năm ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Chả là chú tôi khi còn sống, hoạt động kháng chiến cũng từng được gia đình bà Năm che chở, đùm bọc.

Nhiều năm đã qua, nỗi oan khuất của bà Nguyễn Thị Năm không được nhà nước quan tâm. Hình như người ta cố tình lờ đi, để lâu cho nhạt dần. Có nhiều người biết bản chất sự việc nhưng cũng chỉ dám nhắc lại, hé ra tí chút chứ không dám đặt thẳng vấn đề đòi lại sự thật và công lý cho bà (ví dụ như hồi ký của ông Đoàn Duy Thành, ông Vũ Thư Hiên). Quyền uy vẫn làm nhiều người có lương tâm khiếp sợ. Bởi vậy, tôi bày tỏ sự khâm phục và biết ơn nhà sử học Dương Trung Quốc ngay từ những dòng đầu tiên là vì thế.



Tôi đã có tờ báo in trên tay nhưng bản điện tử của bài viết chưa được tòa soạn báo Lao Động post lên, có lẽ vì là số cuối tuần thì phải đợi đến cuối tuần. Khi nào có bản đó, tôi sẽ mạn phép mượn về đây, ai muốn coi thì ráng chờ thêm chút.
(chờ bài của bác Dương Trung Quốc. Đã có, đề nghị xem ở đây).

20.7.2012
Nguyễn Thông


Assad sắp theo Gaddafi

Gầm trời này, còn ai hung hăng hơn hai anh Gaddafi (Libya) và Assad (Syria), trừ mấy anh Tàu cộng. Vậy mà Gaddafi đã hồn ma bóng cống, còn Assad, theo báo Người lao động, cũng được lực lượng nổi dậy mua vé tàu suốt không khứ hồi. Số phận những chú độc tài, dù sớm dù muộn là như vậy.
Dưới đây là bài trên báo Người lao động.

Chế độ Assad sắp sụp đổ?

Thứ Năm, 19/07/2012 22:02

Các nhà hoạt động xã hội ở Syria khuyến cáo Tổng thống Bashar al - Assad nên nhớ lại những gì đã xảy ra với cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi


Từ trái sang phải: Bộ trưởng Quốc phòng Syria Dawoud Rajiha, Thứ trưởng Quốc phòng Assef Shawkat và Cố vấn An ninh Hassan Turkmani - 3 quan chức cao cấp tử vong trong vụ đánh bom. Ảnh: Syria 360
Các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng sau cuộc đánh bom tự sát ở thủ đô Damascus của Syria ngày 18-7 làm chết một số tay chân thân cận của Tổng thống (TT) Bashar al-Assad, Liên Hiệp Quốc cần phải khẩn cấp có hành động cứng rắn hơn đối với nước này. Tuy nhiên, lập trường trên bị Nga phản đối. Trong khi đó, quân đội Syria khẳng định sẽ tiếp tục chống lại chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành trên khắp cả nước.
Nga, Mỹ tìm giải pháp
Quân đội Syria tự do (FSA) đã lên tiếng chịu trách nhiệm vụ tấn công trên, đồng thời cảnh báo chế độ TT Assad rằng sẽ xảy ra thêm nhiều vụ tương tự như vậy trong tương lai. Người phát ngôn Qassim Saadedine của lực lượng này cho rằng: “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu”. Bên cạnh đó, 2 tổ chức phiến quân Syria cũng nhận trách nhiệm vụ đánh bom và coi đó là một cuộc tấn công thắng lợi nhắm vào hệ thống đầu não của chính quyền. Tổ chức Liwa al-Islam (tức Lữ đoàn Hồi giáo) tuyên bố trên trang Facebook rằng họ đã tấn công vào một cơ quan đầu não được mệnh danh là trung tâm kiểm soát khủng hoảng ở Damascus.
Các nhà phân tích nhận định vụ đánh bom đã gây tổn thất nặng nề và làm suy yếu nhuệ khí đối với chế độ TT Assad khi 3 quan chức cao cấp tử vong là: Bộ trưởng Quốc phòng Dawoud Rajiha, Thứ trưởng Quốc phòng Assef Shawkat - anh rể TT Assad  và Hassan Turkmani, cố vấn an ninh của TT Assad. Theo họ, sự kiện trên sẽ đẩy mạnh làn sóng đào ngũ trong các quan chức Syria.

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Biển của ta, đảo của ta

BÙI CÔNG TỰ

Hoàng Sa vời vợi trùng khơi
Mà sao gần gũi bên nơi tim mình
Thắt lòng núm ruột điêu linh
Hồn ta hóa đỉnh Ngũ Hành ngóng trông.
Nghe từng ngọn sóng biển Đông
Sục sôi trong mạch máu hồng Việt Nam.
Của ta, những dải Cát Vàng
Của ta, thăm thẳm mênh mang Cát Dài.
Đảo chìm đảo nổi xa khơi
Cha ông đời đã nối đời tử sinh.
Và còn nguyên máu các anh
Đỏ Hoàng Sa, đỏ đá gành Trường Sa.

Biển của ta đảo của ta
Ta ra quăng lưới ta ra khoan dầu
Quyền ta, công lý năm châu
Chí ta, Hàm Tử, Lục Đầu, Đằng giang.
Trường Sa trụ mốc hiên ngang
Hoàng Sa dấu ấn sử vàng còn tươi.
Ta yêu non nước khôn nguôi
Nỗi niềm cương vực đầy vơi cõi lòng.
19.7.2012
Bùi Công Tự

Đừng có dại

Vài ngày qua, lẻ tẻ những tờ báo chính thống... đăng tin về việc các nhà nghiên cứu Việt Nam phát hiện ra tấm bản đồ tương đối xưa của Trung Quốc "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ", xuất bản năm 1905 tại Thượng Hải. Đáng lưu ý, theo các nhà nghiên cứu và nhà báo, trên bản đồ toàn quốc và bản đồ tỉnh Quảng Đông ấy chỉ vẽ đến đảo Hải Nam. Đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc, điều đó chứng minh các quần đảo ở biển Đông nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Từ tấm bản đồ trên, đi đến kết luận: Bản đồ Trung Quốc (dù của chính quyền cũ, thời nhà Thanh) không vẽ Hoàng Sa, Trường Sa, tức thị 2 quần đảo đó không thuộc Trung Quốc. Mà đã không thuộc Trung Quốc, có nghĩa là thuộc Việt Nam.

Nghe có lý.

Nhưng nhà cháu đề nghị các quý vị kính mến đừng cố sức chứng minh theo kiểu đó. Chúng ta đấu tranh với bọn bá quyền đầy mưu mô thủ đoạn thâm hiểm mà kiểu cách đơn giản thế thì làm sao giành thắng lợi. Có khi "lợi bất cập hại" đằng khác, nhất là chúng dụng võ "gậy ông lại đập lưng ông". Nói thật nhé, những tấm bản đồ mà chính chúng ta in ra, công bố rộng rãi, đầy rẫy trong các thư viện, cơ quan lưu trữ, trong sách giáo khoa những năm 60-70 (thời chúng tôi đi học) làm gì có Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền từ bấy đến nay vẫn là chính quyền cách mạng, những tấm bản đồ ấy không phải do chính quyền cũ thực dân, phong kiến soạn ra. Hồi chúng tôi còn thiếu niên, thanh niên chả nghe nói đến Hoàng Sa bao giờ, mãi đến khi Trung Quốc giở mặt cuối những năm 70 (chứ không phải ngay năm 1974) mới được biết những gì liên quan đến quần đảo này. Điều ấy chứng tỏ rằng dạo đó các cơ quan nhà nước ý thức rất nông cạn, hời hợt, chủ quan về vấn đề chủ quyền, công tác giáo dục tuyên truyền cho thế hệ trẻ về cương vực lãnh thổ rất kém, nhiều sai sót.

Nay thì mọi sự đã khá hơn, thậm chí như người khỏi bệnh ăn giả bữa, ngay cả đề thi cũng liên tiếp nhắc đến biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa. Đành rằng đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đòi hỏi phải tổng lực, vận dụng nhiều biện pháp, phương tiện, sức mạnh, tuy nhiên cách chứng minh bằng bản đồ kia thì quả như kiểu vác đá ghè chân mình. Thế nếu bọn Trung Quốc lôi cả đống bản đồ của ta ra chứng minh thì chúng ta có cãi lại nổi nó không.

Việc đầu tiên là không nên cảnh giác quá đáng khi người dân, nhất là thanh niên nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa. Đừng nghi rằng họ lợi dụng vấn đề chủ quyền để che giấu cái gì đó. Mà lợi dụng bằng sự khẳng định "Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam" cũng tốt chứ sao.

19.7.2012
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Thế mà mình cứ tưởng chỉ xảy ra ở đại hội nhà văn

Báo nước ngoài bàn về 'sự cố tắt micro' trong Hội nghị ASEAN

Lần đầu tiên trong 45 năm, Hội nghị ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung. Theo các nhà phân tích thì đây là dấu hiện rạn nứt của khối và sẽ bị nước ngoài lợi dụng. Ngoài ra thất bại này cũng khiến Bộ qui tắc ứng xử trên biển COC khó lòng đạt được như dự kiến.

Campuchia `chơi xấu` đẩy nguy cơ xung đột biển Đông lên cao
Hôm 13/7, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, Hội nghị ASEAN kết thúc mà không có tuyên bố chung.
Tại một trong các cuộc họp ở Hội nghị ASEAN tuần trước, khi Ngoại trưởng Philippines bắt đầu lên tiếng đề cập đến vấn đề Biển Đông thì micro của ông bị tắt.
Chủ nhà Campuchia tuyên bố đó là do trục trặc kỹ thuật.

Biết mà vẫn không nói rộng rãi cho dân biết

Điều sau đây quả thật đáng lo, rất đáng lo.

Đa số dân chúng mải vật vã kiếm sống, chả có thì giờ đọc báo, làm sao biết được. Nếu xác định đúng như vậy thì các nhà cầm quyền nên chính thức công bố cho dân chúng biết, qua đài phát thanh và truyền hình để độ phủ sóng rộng khắp, biết mà chuẩn bị tinh thần, lúc có quốc sự "khỏi cảm thấy đột ngột".

Đó là: "Bộ Quốc phòng Trung Quốc công khai ý định lập Bộ chỉ huy quân sự Tam Sa với nòng cốt là đảo Phú Lâm nói riêng và cả quần đảo Hoàng Sa nói chung. Họ muốn biến Hoàng Sa thành căn cứ quân sự cùng với củng cố tổ chức hành chính để tạo cơ sở chiếm đoạt vĩnh viễn Hoàng Sa và tiến tới thôn tính nốt Trường Sa".
(theo báo Thanh Niên ngày 18.7.2012 - xem ở đây).


18.7.2012
Nguyễn Thông

Khốn khổ ngâm khúc

KHUYẾT DANH*

Thuở đất nước loạn phường tham nhũng
Dân chúng đành buộc bụng thắt lưng
Niềm tin bòn góp chờ mong
Đoạn ruột thì đói, khúc lòng vẫn “vui” (!)

Dùng lễ hội lau chùi bản sắc
Để lương tâm đạo đức mòn dần
Thịnh hành ăn phá – phá ăn
Đua nhau khoác lác “vì dân suốt đời”

Khó xử quá đi

Quan nhớn vò đầu bóp trán, kêu đám sai nha:
-Chúng mày rảo chân chạy qua cục cảnh sát biển mời đầu Lĩnh sang đây cho tao.
Tướng Lĩnh sang.
-Báo cáo anh, anh có chỉ dụ gì ạ?
-Dụ cái con khỉ. Tôi muốn biết 30 chục chiếc tàu cá của bạn có còn ở Trường Sa không.
-Dạ, còn. Chúng tôi đang chờ lệnh anh và anh...
-Cái cậu làng Bùng ấy thì trò trống gì, chả nên cơm cháo gì đâu. Thôi anh về đi.
Loong toong đâu?
-Dạ
-Đứa nào nhảo qua Trung tâm khí tượng thủy văn kêu cậu Tăng sang đây.
Giám đốc Tăng có mặt lập tức
-Tình hình thời tiết biển dạo này thế nào, có bão gió, áp thấp nhiệt đới gì không?
-Báo cáo anh, thời tiết rất tốt, thuận lợi cho việc đánh bắt...
-Thuận thuận cái con khỉ, về đi.
Ba ngày sau.
-Cậu Tăng, thế nào, đã sắp có bão chưa?
-Dạ, thưa... anh, vẫn... chưa có biểu hiện gì ạ.
-Trời ơi là trời. Xưa nay việc gì cũng nhờ trời, không có bão thì làm sao đuổi được bọn khốn nạn ấy về.

18.7.2012
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Dành cho K17: Anh Trần Quang Thuật

TRẦN QUANG TỬU

    Tôi và anh sinh ra cùng ở một làng. Đó là vùng đồng chiêm trũng giữa đồng bằng Bắc Bộ, thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngày chúng tôi còn nhỏ, nước ngập trắng đồng, trắng làng. Các cụ thường bảo rằng đất quê tôi là đất “sống ngâm da, chết ngâm xương”. Anh Thuật và tôi lớn lên trong cái nghèo khó của cuộc sống các gia đình nông dân đông con và trong cả cái bức bách thiếu thốn của việc thu gom ruộng đất nhằm thực hiện phong trào HTX nông nghiệp duy ý chí một thời.

   Anh Thuật học phổ thông trước tôi 3 năm. Nghĩa là anh tốt nghiệp lớp 10 tôi mới bắt đầu vào học lớp 8. Anh rất mê văn chương và nhà anh có rất nhiều sách. Tôi cũng không hiểu tại sao nhà thì nghèo mà anh sưu tầm, mua, xin…được nhiều đầu sách đến thế. Hầu như các bộ tiểu thuyết, thơ ca của Ta, Tàu, Tây anh đều có cả. Học xong cấp 3, anh làm cán bộ văn hóa thôn và bắt đầu viết truyện ngắn. Truyện anh viết chỉ khai thác các đề tài quanh xóm làng, có cái đọc được, có cái còn non nớt của những người mới cầm bút. Tuy nhiên  cuối cùng anh cũng tập hợp lại được thành một tập truyện có tên là “Vuông vắn”. Tập truyện sau đó được Ty văn hoá tỉnh Nam Hà cho in năm1970 để cổ động cho bờ vùng, bờ thửa lúc bấy giờ. Trong con mắt của tôi, anh Thuật trở thành Nhà văn từ đó.

Luật pháp, hề hề

Mình lâu nay có nghe nói về vụ công an trung tá Nguyễn Văn Ninh (Hà Nội) đánh chết người không đội mũ bảo hiểm, ông Trịnh Xuân Tùng. Báo chí hồi đó tường thuật rõ ràng, rồi con gái của nạn nhân là cô Trịnh Kim Tiến đã không quản vất vả hiểm nguy lặn lội đi tìm công lý cho cha.

Hôm nay 17.7 tòa xử phúc thẩm công khai bị cáo Ninh, công khai nhưng không cho ai vào xem dự, dõng dạc tuyên án kẻ giết người chịu hình phạt... nặng nề, y án sơ thẩm 4 năm tù.

Giết người mà chỉ chịu có 4 năm tù, công nhận luật pháp xứ ta nhân đạo nhất thế giới (đương nhiên mạng người cũng rẻ nhất nhì thế giới). Ai đó sẽ bảo rằng, giết đâu mà giết, chỉ vô ý đánh chết người thôi. Ừ thì vô ý, quá tay, ừ thì đánh chết chứ không giết. Nhưng chết một người lương thiện, vô tội, các nhà thực thi pháp luật ạ. Người ta cũng biết tỏng tòng tong, bởi vì kẻ thủ ác là công an, là sĩ quan trung tá, chứ nếu nó là thằng bạch đinh, lại không bị chích một liều thuốc độc thì cũng tù mọt gông. Ngày xưa đó, hai thằng dân đen trộm 1 con vịt, mỗi thằng lĩnh ngon lành 3 năm tù đó sao.

Nghe thông tin về kết quả như thế, mình chỉ biết cười thôi, hề hề...

Dù gì đi chăng nữa cũng phải cám ơn những vị cầm cân công lý của phiên xử phúc thẩm nói trên, vì họ đã có công làm người dân thức tỉnh, hiểu thực chất của luật pháp xứ này.

17.7.2012
Nguyễn Thông

Trung Quốc dương đông kích tây, Việt Nam cần cảnh giác trước mọi âm mưu xâm lược

ĐOÀN NAM SINH

Trên 30 tàu cá và tàu “hộ vệ” Trung Quốc đã lấn sâu xuống biển Đông. Động binh lần này không phải bình thường mà là hoạt động quân sự trong vỏ bọc “dân sự”. Cú phản đòn trước sự kiên định của ngư dân Việt Nam quyết ra biển Đông- ngư trường cố cựu, đã khiến cho họ phải đánh nước cờ liều bất chấp sĩ diện và coi khinh lẽ phải.
Khốn khổ thay, ngư dân Trung Quốc vì không từng kiếm ăn trên vùng biển này nên đã không thể thông thuộc luồng lạch, không biết quy luật đàn cá, không biết lặn sâu tìm hải sâm,...dẫn đến những chuyến biển xa đều lỗ vốn, ngay cả thời tiết bình thường cũng có chuyện, phải nhờ ngư dân ta giúp đỡ. Nay có tàu lớn đi theo gọi là hộ vệ chứ có ai làm gì các đồng nghiệp trên biển giã, chủ yếu là Hạm đội Nam Hải giúp ngư dân họ sớm tìm cho ra quy luật và chuẩn bị đưa tàu chế biến ra khơi cho bớt chi phí đi về và tự do xả thải vào “sa mạc” biển.
Lần đầu tiên, không thể giấu diếm được sự xa lạ với luồng lạch, đêm 11vừa qua, khinh hạm hộ vệ tên lửa Đông Hoán 560 của Hải quân Trung Quốc đã va vào đá ngầm và mắc cạn ở gần bãi Trăng Khuyết thuộc chủ quyền hiển nhiên của Việt Nam, ngoài khơi đảo Palawăn, cách bờ biển tây Phi-lip-pin khoảng 200 km. Tàu này mới vừa trực tiếp tham gia tranh chấp tại quần đảo Scarboroug / Hoàng Nham của Phi-lip-pin gần đó (!?).

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Campuchia- con ngựa thành Tơ-roa hay tên lính xung kích của Trung Quốc

Trên hầu hết báo chí Việt Nam và khối ASEAN trong 2 ngày 15-16.7 đều tràn ngập thông tin về kết quả của hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM-45) tại Phnom Penh (Campuchia). Không tờ nào, ngay cả báo chí, truyền thông Campuchia đánh giá cao kết quả hội nghị này, cái cụm từ "thành công tốt đẹp" hoàn toàn vắng bóng. Thay vào đó là nhan nhản "thất bại chưa từng có", "một đòn nặng nề giáng vào uy tín ASEAN", "cực kỳ vô trách nhiệm", "rất đáng lo ngại, nguy hiểm", thậm chí có tờ còn dùng cụm từ "sự tan vỡ không tránh khỏi" để nói về khối nước Đông Nam Á vốn chứa đầy mâu thuẫn và liên kết rất lỏng lẻo. Tình trạng "bằng mặt nhưng không bằng lòng", "nói một đằng làm một nẻo" phổ biến lâu nay ở những nước ASEAN, nhưng được che giấu dưới nhiều vỏ bọc hoa mỹ thì nay được bộc lộ công khai, thậm chí trắng trợn, thách thức. Nói gì thì nói, sự đi xuống ấy có bàn tay chi phối của Trung Quốc.

Trái với sự thất vọng của đa phần các nước ASEAN là thái độ vui mừng, hỉ hả của Trung Quốc. Tân hoa xã, Hoàn cầu thời báo, Nhân dân nhật báo... đều dẫn lời ngoại trưởng Dương Khiết Trì rằng hội nghị AMM-45 "thành công tốt đẹp", "kết quả rất tốt" phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Dương cũng chả thèm che giấu khi cám ơn Hunsen và nước chủ nhà Campuchia đã "luôn kiên định ủng hộ trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc", nói trắng ra là ban khen đàn em đã trung thành tuyệt đối với Trung Quốc trong việc chống lại ASEAN, nhất là những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Việt Nam. Philippines.

Trung Quốc đã thành công trong chính sách phân hóa, chia để trị, tách bó đũa để bẻ dần từng chiếc. Tương lai của ASEAN, theo tôi, mờ mịt, cực kỳ đen tối, mong manh.

Trong quan hệ với Campuchia, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, đã rút ra nhiều bài học cay đắng. Đã qua rồi cái thời Campuchia nem nép bên cạnh đàn anh Việt Nam, bảo gì nghe nấy. Bằng tiến sĩ của Hunsen do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cấp giờ đây không là vật chứng để bảo đảm, đánh giá con người nữa. Không biết ông thủ tướng này có còn đóng khung kính nó treo trang trọng trong phòng khách sang trọng hay đã cất kỹ góc nhà kho nào rồi. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Việt Nam giờ cũng quá hiểu con người này, chỉ có điều đang tìm "cơ chế, giải pháp" thích hợp để đối xử mà thôi.

Tôi từng nghe dư luận xì xào rằng ông Hunsen ngoài mặt thì tỏ ra kiên quyết với nghị sĩ đối lập Sam Rainsy, một tay chống duồn rất hung hăng, nhưng bên trong thì tạo mọi điều kiện, khuyến khích Sam. Lại nghe đồn, mà điều này chúng ta nên đề cao cảnh giác, Trung Quốc sẽ ủng hộ Campuchia trong việc đòi lại đảo Phú Quốc. Rất vớ vẩn, của chúng mày bao giờ mà đòi với chả đòi.

Tôi có nói với anh bạn trẻ, nhà báo Đỗ Hùng, rằng chỉ một nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN, Campuchia đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Trung Quốc giao cho, phá tan nát khối này. Anh Hùng chỉ cười, có nhẽ không dám tin vào điều ấy. Nhưng nếu quả thế thì ghê gớm thật.

Campuchia đã tự biến mình thành con ngựa thành Tơ-roa, là tên lính xung kích của Trung Quốc trong kế hoạch bành trướng xuống phía nam. Và tất nhiên nước này đã, đang và sẽ nhận được từ Trung Quốc nhiều món quà hậu hĩnh. Nay thì Trung Quốc chả cần kế sách "giả đò diệt Quắc" nữa, mà sẽ cùng Quắc diệt nước Ngu.

Ngu mà không tỉnh, cứ để cho Quắc thành lính xung kích chặn tập hậu từ phía nam thì nguy lắm thay.

16.7.2012
Nguyễn Thông

Lời hay ý đẹp: Tại sao bảo tôi gây rối

Việc bác đô trưởng Nguyễn Thế Thảo chê bai những người biểu tình đã tạm thời lắng xuống. Mà cũng phải, chuyện tốt người ta nhắc mãi, chứ chuyện xấu xa như thế, vứt vào sọt rác sớm chừng nào hay chừng ấy.

Thế thì mình nhắc lại điều này, theo mình là chuyện tốt, cực tốt. Một người như cụ bà Lê Hiền Đức, 83 tuổi, tức đạt ngưỡng tuổi trời, đã giác ngộ sự đời, đâu cần bất cứ thứ danh nào. Ai đó bảo cụ già rồi lẩm cẩm, bị lợi dụng, bị này bị nọ, mình chả tin. Mà cứ lẩm cẩm được như cụ Đức đi thì nước này, dân này còn được nhờ, chứ như bác kiến trúc sư Thảo thì, thôi thôi, chả dám nói.

Nhưng người ta làm khó cụ Đức. Mấy anh chức việc nhà nước lại còn dám vặn cụ Đức chuyện yêu nước, biểu tình... Em xin, em xin mấy anh. Mấy anh không cãi lại nổi cụ đâu. Còn nếu anh nào giỏi, hãy đọc câu giả nhời dưới đây của cụ và cho biết cụ Đức gây rối ở chỗ nào.


"Tôi đi là thể hiện lòng yêu nước. Tôi không đánh nhau, cãi cọ với ai cả. Tại sao bảo tôi gây rối trật tự công cộng?".
(cụ Lê Hiền Đức trả lời đài BBC, xem tại đây).
 
Đã qua rồi thời "cả vú lấp miệng em". Giờ mà cứ định lấp thế, em nó há miệng ra, nó cắn cho một phát chả bỏ bà ư? Đã không lấp được lại còn đau đớn, thiệt thân.

16.7.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Những bài hát của một thời (40): Biển hát chiều nay

Xin kính tặng bài hát này cho những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.

Suốt hôm nay mình rong ruổi trên đường, chả ngó ngàng gì đến "cờ lốc". 9 giờ tối mới về đến nhà, vừa ngồi vào máy vi tính thì điện thoại réo, những từ Hà Nội cơ. Cứ tưởng bọn bạn K17 đang tí tởn rủ nhau nhắc chuyện gặp mặt tại Huế, té ra bác Đào tiên sinh. Đào cứ làm như đang trực tuyến với mình qua truyền hình trực tiếp không bằng, chơi cú direct ngay: ông ơi, nhớ đưa ngay bài Biển hát chiều nay của anh Đăng lên nhé. Cùng ngồi cạnh đó, bác Chuyên bảo: Em à, lúc này phải phổ biến lại (mình chợt nghĩ nói theo kiểu thủ tướng 3 Dũng là tái công bố) bài ấy mới thực sự ý nghĩa. Bác Chuyên còn đọc "ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam, qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu xuống đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương" làm mình phục cụ tiên chỉ thiếu tướng quá.


Và hạnh phúc nhất là, có ai biết không, mình được nói chuyện ngay tức thời với tác giả Biển hát chiều nay qua đường viễn liên điện thoại. Đào tiên sinh, có nhẽ xa vài nghìn cây số nên cứ tưởng mình không nghe rõ, hét lên trong máy, ông ơi, đừng có dạ dạ vâng vâng như thế, nói chuyện với anh Hồng Đăng này. Trống ngực mình đập thình thịch, chợt tiếng anh Hồng Đăng nhỏ nhẹ qua màng loa bé tí xíu, chào em, mấy anh em đang ngồi với nhau, nhắc đến em đây. Mình bảo anh ạ, em thích những bài hát của anh lắm, em vừa đưa bài Quà tháng năm dâng người của anh lên blog em đấy (xem ở đây) mà không xin phép anh, nay anh cho em làm tới luôn Biển hát chiều nay nhé. Nhạc sĩ cười, qua âm thanh, mình hình dung nụ cười thật hiền, và có thế bác gái trẻ trung mới chết mê chết mệt chứ.


Mình thưa với bác Chuyên, bác Bình, ngay tối nay là Biển hát chiều nay sẽ chễm trệ trên mục "Những bài hát của một thời", được đánh số thứ tự 40. Bài này không chỉ thỏa mãn yêu cầu các cụ tiên chỉ và bác Hồng Đăng đâu, còn để cho trung ương nghe đấy, nghe để hiểu nhạc sĩ Hồng Đăng đã đi tiên phong vấn đề chủ quyền biển đảo lâu rồi, rất đằm thắm, tự hào, mà lại rất kiên quyết, dũng mãnh, "qua bao nhiêu thăng trầm, lửa thử vàng mới thành người". Nói như bác thiếu tướng Phạm Chuyên, nghe Biển hát chiều nay chả bao giờ hợp hơn bây giờ.

Vì là bài hát hay nên khá nhiều ca sĩ thể hiện, nổi bất nhất là những giọng Vân Khánh (đã mất), Thu Phương (vợ cũ Huy MC), Trung Đức, Cẩm Vân. Mình rất muốn tải bản clip do chị Vân Khánh hát nhưng hệ thống blogspot không chấp nhận định dạng MP3, bèn đưa lên hai bản có giọng Thu Phương và Trung Đức.

Xin cám ơn hai nhà sưu tầm Zanhanoi và Quốc Việt (QV75).

15.7.2012
Nguyễn Thông





Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao
Cánh buồm nâu rất căng ngả gió dạt dào
Môi cười rất duyên đung đưa màu áo
Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu


Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam
Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng
Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương.
* *
Những ngày bão giông dậy sóng xôn xao
Chân trời nay rất trong, màu nắng ngọt ngào
Cánh buồm rất vui đan trên biển lớn
Tay lái Việt Nam vẫn hát trên đại dương


Mỗi một tình yêu một cuộc đời
Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới thành người
Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương.

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Những bài hát của một thời (40): Người là niềm tin tất thắng

Nhạc sĩ Chu Minh viết bài Người là niềm tin tất thắng tháng 9.1969 sau khi cụ Hồ qua đời.
Bạn nghe giọng hát của ca sĩ Trần Khánh và sẽ thấy ông hát trong niềm xúc động thực sự. Cả tiếng đàn piano của nghệ sĩ trứ danh Hoàng Mãnh cũng vậy.
Có nhẽ đây là ca khúc hay nhất trong những bài về cụ Hồ dịp đó.
Bản video có nhiều hình ảnh quý về dấu mốc lịch sử tháng 9.1969 cũng như cuộc sống của cụ Hồ sinh thời.

Cám ơn nhà sưu tầm Quốc Việt.

Xin lưu ý: Đây là bài hát của một thời, có tính lịch sử, mang dấu ấn thời đại. Quý vị nào thấy không hợp với mình, có thể không nghe. Tuy nhiên đừng ghi lại những nhận xét bộc lộ ý xúc phạm cụ Hồ (nếu có, nhà cháu bắt buộc phải xóa), đứng có liên hệ với Triều Tiên; ngoài ra những comment khác, nhà cháu luôn tôn trọng. Cám ơn.

14.7.2012
Nguyễn Thông

Bênh kiểu bọ Lập

Nghe thiên hạ ồn ào mắng mỏ ông chủ tịch thủ đô, mình cứ nghĩ tội nghiệp. Làm đến chức đô trưởng cái đô quan trọng (và lớn) nhất nước, thế mà để ông già bà cả lẫn đứa con nít mắng như mắng trẻ con. Chả biết sau đận này có chừa hay lại phởn "thứ chúng mày không xứng, cụ tổ tao xưa bằng mấy cụ tổ mày...". Theo mình, biết tí vẽ vời, kiến trúc, vậy thì tốt nhất là đồng chí Thảo treo ấn từ quan, về mở cái công ty thiết kế xây dựng, may ra còn có ích cho đời. Mà phải nhanh nhanh lên, quỹ thời gian chả còn bao nhiêu đâu.

Từ sáng đến giờ, mình bận viết một bài phóng sự nhiều kỳ về một anh hùng liệt sĩ chết trẻ mới 27 tuổi, nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27.7. Vừa vọc vạch mạng, gặp ngay ông tướng bọ Lập "bênh" đồng chí Thảo. Đọc xong, cứ cười "khí khí", lão Lập ghê thật, bênh thế mới là bênh chứ.

Xin chia sẻ cùng mọi người, nhất là những ai chưa biết bọ Lập có nhà mới (http://quechoa.vn).

Bọ bênh ông Nguyễn Thế Thảo
NGUYỄN QUANG LẬP

Sáng ra vào mạng đã thấy chục bài kêu ca bài phát biểu của ông Nguyễn Thế Thảo tại kì họp HĐND TP.Hà Nội chung quanh câu chuyện biểu tình của dân. Hầu như các báo cùng chung một cái tít:"Không để dân bị xúi giục tụ tập biểu tình' (Tại đây). Các báo đều  cho biết ông Nguyễn Thế Thảo nêu yêu cầu với các cấp, các ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân không bị các phần tử xấu lợi dụng xúi giục tụ tập biểu tình.

Ông Thảo nói:  "Lợi dụng tình hình trên, các thế lực thù địch và số cơ hội chính trị đã kích động người dân, nhất là số người đi khiếu kiện ở các địa phương biểu tình để gây áp lực với chính quyền phải giải quyết những khiếu nại, yêu sách".

Ngao ngán. Đến bây giờ vẫn một luận điệu cũ rích " thế lực thù địch và cơ hội chính trị". Bác Nguyễn Tường Thụy  trong bài "Ông Nguyễn Thế Thảo bị Trung Quốc lợi dụng!?" đã nói rất đúng, à quên, rất đích đáng: "Xin hỏi ông, tại sao ông không lợi dụng họ mà lại nhường sân cho cái thằng vô hình nào đó. Trong tay ông có đủ hệ thống đảng và chính quyền đến tận tổ dân phố, một bộ máy tuyên truyền bằng báo chí, bằng hệ thống loa phường, bằng những buổi huấn thị, lên lớp công khai và cả một bộ máy cảnh sát, an ninh khổng lồ giám sát nhất cử nhất động của từng người dân. Vậy mà các ông lại không lợi dụng được họ mà để mấy thằng thù địch chẳng biết mắt ngang mũi dọc thế nào nó lợi dụng mất. Nói như vậy, có phải là ông đã thừa nhận là ông thua kém chúng nó không?".

Bác Nguyễn Tường Thụy cũng đặt câu hỏi rất đích đáng:"Và, khi ông nhận xét về những người biểu tình như thế, khi ông chủ trương không để dân bị xúi giục tụ tập biểu tình, ông có nghĩ rằng ông đang bị Trung Quốc nó lợi dụng không?"
Đến đây thì phải cãi nhau với bác Nguyễn Tường Thụy một chút. Câu hỏi đích đáng của bác không trúng đâu. Có thể ông Nguyễn Thế Thảo  bị đám trợ lý lũ cố vấn xúi dục thôi. Bọn này nếu không ra sức báo động giả thì chúng có việc gì để làm, lấy gì để kiếm ăn?

  Chắc ông Nguyễn Thế Thảo không ngu gì để cho TQ lợi dụng. Vì nếu để TQ lợi dụng ông, xúi dục ông buộc ông phải  gọi những người "xúi dục", "kích động" dân đi biểu tình chống TQ là "thế lực thù địch và cơ hội chính tri" thì chẳng hóa ra ông Thảo là kẻ bán nước hại dân hay sao? Tin rằng ông Thảo không và sẽ không bao giờ thuộc về bọn bán nước hại dân, bởi vì đó là bọn phản quốc. Chỉ có bọn đó,  bọn người có trái tim chó đẻ, mới gọi những người yêu nước như vậy.
Nguyễn Quang Lập
(theo website quechoa.vn)

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Bài riêng cho K.17

Thưa các ông bà U.70 và U.60 của K17 (1972-1976) khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Trong những dòng các cụ đọc dưới đây có 2 phần: 1. Thông báo của các bạn trong Ban tổ chức mời họp mặt K17 tại cố đô Huế vào thời điểm gần cuối tháng 7 này, kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường. Ông bà nào thu xếp được thì nhớ cưỡi tàu bay, xe lửa, xe đò, xe máy, đi bộ đến để gặp gỡ cho vui nhé. 2. Lớp ca (bài hát về lớp) của nhạc sĩ... Nguyễn Bá Tân, cứ đọc đi rồi sẽ biết "thiên tài chẳng ở đâu xa/quay phải nhìn trái hóa ra thằng này".

Được lòng dân, mất lòng quan


NGUYỄN QUANG LẬP
Câu chuyện ông Nguyễn Bá Thanh Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng làm cho các giám đốc sở  "toát mồ hôi hột" trong các phiên chất vấn là đề tài được bàn tán sôi nổi nhất trong tuần qua. Cái cách truy tận gốc không khoan nhượng: “Tôi hỏi bao giờ có điện thì trả lời, thế thôi. Trả lời nổi không?"; Lối chất vấn chất vấn đốp chát ông ông tôi tôi cắt ngang lời thẳng thừng:“Ông lo giải quyết trước mùa mưa, không có nói ú ớ gì hết”; sự chỉ trích không một chút vị nể, chẳng sợ mất lòng ai: “Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ dự án chứ không phải nói lơ mơ, đổ cho chỗ này chỗ kia!”… chẳng những dân chúng không chê trách mà còn tấm tắc khen ngợi.

Tàu cá hay là đội tiền trạm chiến tranh?

Hầu hết các báo in, báo mạng Việt Nam bữa ni, kể cả trong luồng lẫn ngoài luồng đều hết sức bực bội với hành động khiêu khích nâng cao của Trung Quốc: Điều cùng lúc 30 chiếc tàu cá, trong đó có cả chiếc tải trọng hơn 3.000 (ba nghìn) tấn ra đánh bắt và "làm nhiệm vụ" ở vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Không dám bình luận gì, sợ động đến phép biện chứng nhạy cảm, mình chỉ xin đăng lại y xì bài trên báo Tiền Phong ngày 13.7.2012. Gớm, thứ sáu ngày 13 nhiều chuyện khiếp quá.

Trung Quốc đưa 30 tàu cá tràn xuống Trường Sa đánh bắt trái phép
TP - Nói và làm trái ngược nhau là một đặc điểm hành xử của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hiện nay.
Trong khi đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt kéo dài từ ngày 16-5-2012 đến ngày 1-8-2012 với lý do “đang mùa cá đẻ, nhằm mục đích bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên biển”, dọa tịch thu tàu thuyền, số cá đánh bắt được của những người vi phạm lệnh cấm này, thì Trung Quốc lại hành động ngược lại.
Đoàn tàu từ đảo Hải Nam xuống đánh bắt trái phép ở biển Trường Sa
Đoàn tàu từ đảo Hải Nam xuống đánh bắt trái phép ở biển Trường Sa.
Chiều ngày 12-7, trang mạng của Tân Hoa xã và các báo điện tử khác của Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin của phóng viên báo điện tử Chinanew.com về việc tỉnh Hải Nam “tổ chức một đoàn tàu quy mô lớn chưa từng có trước tới nay xuống đánh bắt ở vùng biển đảo Vĩnh Thử” (tức đảo Chữ Thập của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa).

Lời hay ý đẹp: Một bộ phận không nhỏ gồm những ai?

Nghe lào phào rằng Bộ Chính trị và Ban Bí thư đang họp, chính thức mở màn thực hiện cụ thể việc chỉnh đốn đảng theo tinh thần nghị quyết trung ương 4. Dù là họp kín nhưng dân tình cố lắng tai nghe. Thôi thì cuối cùng cũng thấy đảng đã nói là làm, dù hơi trùng trình, chậm chạp.

Liên quan đến điều này, nhất là việc đảng đã chính thức thừa nhận một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, trong đó có cả cán bộ cao cấp, ông Hà Tuấn Trung- nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư đảng cho rằng kiểm điểm lần này phải chỉ ra cho được đó là những ai. Theo ông:
"Còn nếu kiểm điểm xong mà không chỉ ra được thì một là đảng ta nhận định tình hình sai, hai là có thật nhưng không dám làm, nương nhẹ cho nhau, dĩ hòa vi quý, không vượt qua được lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Và nếu vậy, nhân dân, cán bộ đảng viên sẽ mất lòng tin vào đảng".
(theo báo Thanh Niên ngày 13.7.2012)

Mình là một người dân ngoài đảng nhưng thấy bác Tuấn Trung nói có lý quá.

13.7.2012
Nguyễn Thông

Loạn

Đúng là loạn, loạn thật rồi.

Sáng 12.7 tại TP.Đà Nẵng, ông bí thư Nguyễn Bá Thanh, nhân vật số 1 của xứ sông Hàn, một ngôi sao đang lên, có cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thẳng thắn, thân tình với tụi trẻ hư. Đối tượng của ông Thanh nhìn chung toàn những cu cậu không trộm cắp thì cũng xì ke ma túy, bỏ học, lêu lổng chơi bời, tiền án chưa có nhưng tiền sự đầy mình. Kể ra một ông quan đầu tỉnh mà hạ cố quan tâm đến những "vị" này là điều hiếm thấy, đáng khen, ít có ông bà lãnh đạo nào xử sự được như thế.

Chỉ tiếc rằng, có lẽ do quá hăng, hoặc không có ai dám nhắc nhở ông Thanh nên ông ta ăn nói văng mạng. Mới nghe qua tưởng rằng hay, nhưng than ôi, nó bộc lộ cái tư chất, trình độ của người lãnh đạo ở mức nông cạn, vô cùng hời hợt.

Chả là khi trao đổi với một cậu bé ở phường Thọ Quang (có tiền sự ăn cắp), nghe cậu ta hứa sẽ chừa thói trộm cắp, xin được đi học, ông bí thư vặn thêm vài câu và chấp nhận sự hoàn lương ấy. Nếu chỉ dừng ở mức ấy thôi thì tốt quá, nhưng ông Thanh lại nói chữ (hình như bác này mắc cái tật đó mà cả xứ Đà Nẵng không ai chịu can ngăn giùm): "Hứa nhé. Quân tử nói là phải làm!". Biết đâu chả có mấy anh nịnh còn rối rít tấm tắc khen "thủ trưởng phát biểu hay quá, thủ trưởng bình dân quá, thủ trưởng bác học quá". Chết ở đám ấy đấy, ông bá Thanh ạ. Càng hiểu hơn tại sao các bậc quân vương khi xưa dù sáng suốt đến mấy vẫn đặt ra chức gián quan, gián nghị đại phu.

Khiếp. Lần đầu tiên mình nghe có người khẳng định kẻ cắp là quân tử. Mình không cố ý bắt bẻ ông Thanh, dù ông chỉ nói theo thói quen, dùng một từ mang ý nghĩa chung chung. Nhưng ở đây đụng đến chữ "quân tử" chỉ một loại người được xã hội kính trọng. Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh cắt nghĩa thế này: "Quân tử là người tài đức xuất chúng, có phẩm hạnh ngay thẳng, có nhân cách hoàn toàn". Còn ông bí thư Thanh thì "quân tử là kẻ cắp, kẻ cắp là quân tử". Nếu chấm điểm vụ này, tôi phết cho ông bí thư điểm zero. Hay là ông Thanh nói ra sự thực của thời loạn, mọi giá trị đều đảo lộn, mà người khác không dám nói.

Khổng tử nếu sống lại, chắc sẽ phải đề nghị Đà Nẵng cho thu hồi hết sách nho bởi quan điểm của thánh nhân đã quá lỗi thời.

13.7.2012
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Honda Việt Nam tự đánh mất mình

Tôi viết bài này bởi không chịu được cung cách "phú quý giật lùi" của Công ty Honda Việt Nam, nói rộng ra là cả công ty mẹ của nó là Honda Nhật Bản. Ông bà lãnh đạo Honda nào lắng nghe để sửa mình thì có lợi cho công ty, còn không thì ráng chịu, đừng để đến lúc mất sạch sành sanh rồi mới hối, chẳng kịp đâu.

Đối với người tiêu dùng Việt Nam, Honda là thương hiệu quen thuộc, một thời gian dài được quý mến, trọng vọng. Sản phẩm xe máy Honda vào Việt Nam từ những năm 60 ở miền Nam, sau 1975 trên cả nước. Mặc dù có thời gian không được nhập khẩu theo đường chính ngạch nhưng qua những chuyến tàu viễn dương, xe Honda secondhand, xe bãi rác vẫn được thủy thủ đưa về ùn ùn, tên tuổi Honda ngày càng bám chắc trong thị hiếu khách hàng. Chiếc xe máy Honda, dù xe cũ, là cả một tài sản quý giá, thể hiện đẳng cấp người sử dụng. Người ta chuộng Honda đến mức suốt nhiều năm lấy tên Honda để gọi chung cho nhóm các loại xe máy. Đi trên đường phố những đô thị lớn hay bất cứ vùng thôn quê nào, biển hiệu tiệm sửa xe đều nắn nót kẻ chữ rất to "Sửa Honda"... Vài năm trước, dân Việt càng dành cho Honda sự trân trọng khi họ đề ra câu slogan nổi tiếng "Tôi yêu Việt Nam". Chính bản thân tôi cũng từng tấm tắc cái cậu nào làm quảng cáo giỏi thế, câu slogan đó đáng trả bạc triệu, bạc tỉ. Nhà tôi 4 người xài 4 chiếc xe (góp phần ùn tắc giao thông) nhưng tỷ lệ Honda đã chiếm 3/4, v.v..

Ấy, nhắc lại như thế để thấy Honda có thời hoàng kim tại xứ này. Nay thì hết rồi, thời ấy đã lùi vào dĩ vãng. Một phần do sự phát triển của những thương hiệu khác, một phần sự chi phối của quy luật kinh tế thị trường ngày càng quyết liệt, thị hiếu tiêu dùng ngày càng đa dạng... nhưng theo tôi, phần rất quan trọng là Honda Việt Nam tự đánh mất mình, nhất là trong sự đối xử với khách hàng.

Hồi nhà máy của Honda Việt Nam chính thức tung sản phẩm trên thị trường Việt Nam, mặc dù giá xe rất cao nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận bởi họ hoàn toàn yên tâm ở hệ thống phân phối của Honda, được gọi bằng cái tên Head Honda, nôm na là các đại lý. Mua xe ở đó không cần phải băn khoăn về giá cả, hậu mãi chu đáo, hàng chính gốc, không sợ bị lừa. Các đại lý ăn hoa hồng phần trăm của nhà sản xuất nên giá do Honda công bố thế nào cứ bán đúng y xì thế, một đồng không tăng, một xu không bớt. Bán được nhiều hưởng hoa hồng nhiều, công sức bỏ ra được bù lại thỏa đáng. Khách hàng tin tưởng Honda đến mức những hồi xe khan hiếm họ vẫn chấp nhận đăng ký trước, sẵn sàng chờ vài ba tháng, có khi đến nửa năm để mua được chiếc xe mình yêu thích, đúng giá, hiệu Honda.

Tưởng công cuộc làm ăn cứ thế trôi chảy, cả Công ty Honda Việt Nam lẫn người tiêu dùng và các đại lý đều có lợi thì đùng một cái, Honda Việt Nam giở chứng. Ra cái điều bây giờ tao mạnh rồi, không cần chúng bay nữa. Chúng bay phải lụy tao. Tao muốn gì chúng bay cũng phải chịu. Tiếng nhạc réo rắt "Tôi yêu Việt Nam" nhạt dần, ngày càng khó nghe. Mới hồi nào giá sản phẩm khi đã được công bố là chắc như đinh đóng cột thì nay uốn éo bằng cái thuật ngữ "giá đề xuất". Họ thả rông đại lý, bỏ mặc đại lý tự do thao túng giá cả, làm giá với khách hàng. Ế thì ế nhưng chiếc xe nào cũng bị đội giá từ vài ba trăm ngàn đến hàng triệu đồng, thậm chí gần chục triệu đồng nếu hàng đang hiếm, đang hút. Có những người cắn răng chịu sự bóc lột bởi họ đang có nhu cầu, bởi họ còn ngây thơ tin ở thương hiệu Honda. Nhưng hầu hết đã không chịu nổi thói kênh kiệu, mục hạ vô nhân đó, và quay lưng. Chả Honda thì đừng. Gầm trời này chỉ có mỗi Honda hay sao mà phải lụy.

Tôi cứ tưởng người Nhật Bản làm ăn cư xử khéo lắm, hiểu khách hàng lắm. Xưa nay tôi nghĩ thế. Qua cung cách "phú quý giật lùi" của Honda, tôi buồn vì mình đã cố tin khi lòng tin đổ vỡ. Thôi thì đành đổ cho quy luật kinh tế thị trường. Honda đã nhạt dần, nhạt dần trong tôi và biết bao người một thời yêu mến nó.

Điều may mắn cho Honda là tôi viết bài này chỉ như dạng nhật ký, đưa lên blog cá nhân của mình. Tôi chắc nhiều tờ báo sẵn sàng đăng tải, nhất là những tờ không chịu hệ lụy quảng cáo sộp của Honda. Nhưng tôi muốn trả nghĩa Honda với những tình mến yêu còn sót lại. Chỉ mong những nhà lãnh đạo Honda cố gắng đừng để rơi vào bi kịch "chữ trinh còn một chút này/chẳng cầm cho vững lại giày cho tan".

(Ghi chú: tôi chịu trách niệm về những điều mình viết nên công khai chi tiết riêng của mình)
12.7.2012
Nguyễn Thông
(0903.663407)