Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Làm người là khó

Bốn chữ nói trên không phải tôi nghĩ ra, mà của cụ Đoàn Duy Thành, một nhân vật kỳ lạ trong kịch sử Việt Nam hiện đại. Cụ Thành từng là bí thư Hải Phòng quê tôi, vị tổng quản được nhất của đất Phòng từ xưa tới giờ. Chuyện về cụ hẵng gác lại, có dịp kể sau.

Ở Hà Nội đang diễn ra cái triển lãm nho nho nhưng ý nghĩa về lịch sử của tấm quốc huy Việt Nam, thực ra là về họa sĩ sáng tạo nó, cụ Bùi Trang Chước. Một cái tên nghe vừa lạ vừa quen.

Rất nhiều người không biết cụ Chước. Ngay thế hệ chúng tôi sinh giữa thập niên 1950 cũng ít tỏ về cụ. Càng về sau lại càng mờ mịt. Cụ như vầng sáng bị che phủ bởi đám mây đời u tối.

Hồi xưa, nói thế chứ thực ra cũng chả xưa gì, chỉ thập niên 60 - 70 thôi, nếu có ai mày mò tìm hiểu về hội họa, về thế hệ họa sĩ được đào tạo từ thời Pháp, trưởng thành dạo 9 năm, thường chỉ nghe nhắc Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Phan Kế An… chứ bặt cái tên cụ Chước, Bùi Trang Chước. Một phần do lĩnh vực, khuynh hướng sáng tác (cụ Chước chỉ chuyên về đồ họa), nhưng phần lớn do cách đối xử của chế độ đối với con người.

Chuyện truyền đơn (kỳ 2)

Hồi bé, học cấp 1 trường làng, đám trẻ con chúng tôi đọc trong sách tập đọc hoặc được nghe người nhớn kể về những chiến sĩ cách mạng rải truyền đơn kêu gọi dân chúng chống Pháp chống Nhật, đánh đổ phong kiến. Chỉ nghe và biết vậy thôi chứ chả biết mặt mũi tờ truyền đơn nó thế nào. Làng Trà Phương quê tôi có ông Sơn ông Hoạt đi hoạt động cách mạng, rải truyền đơn, Pháp bắt được đánh cho gần chết. Hai ông bị giam, đều trốn ra, tiếp tục hoạt động, rải truyền đơn, khi hòa bình làm bí thư, chủ tịch xã. Ông Sơn còn là người “đầu têu” khoán hộ từ năm 1967 ở vùng duyên hải, cùng thời với ông Kim Ngọc trên tỉnh Vĩnh Phúc, sau nhập với Phú Thọ thành Vĩnh Phú, sau lại tách ra thành Vĩnh Phúc, rất loằng ngoằng. Thời đổi mới, ông Kim Ngọc được giải oan, phong anh hùng. Còn ông Sơn bị khai trừ đảng, cách hết chức vụ bởi tội đi ngược con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Số phận con người, mỗi người mỗi khác, chả biết thế nào mà lần.

Tới năm 1964, máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc, vài năm sau thì đám chúng tôi tận mắt thấy truyền đơn, thậm chí còn cầm trên tay, nhặt đem về đọc. Không phải của cách mạng rải, mà do máy bay Mỹ thả. Cứ tưởng nó chỉ ném bom, ai dè cũng biết chơi món truyền đơn.

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Học văn, chấm văn

Trong các môn học ở nhà trường, văn luôn được coi là môn chính, cùng với toán. Thậm chí ngày xưa, xưa xửa xừa xưa, chỉ học mỗn môn văn, bắt đầu từ “nhất là một, nhị là hai” rồi tam tự kinh, rồi đến tứ thư ngũ kinh, cứ thuộc kinh sách như cháo, sôi kinh nấu sử thật nhừ là có thể đi thi, giành lấy cái bảng vàng trạng nguyên bảng nhỡn. Chả cần toán lý hóa sinh siếc gì cho mệt.

Văn mặc nhiên được coi là thứ tiêu chuẩn để đánh giá con người, cả về tri thức và đạo đức. Hồi xưa khen nhau, ai đó được xếp vào hạng “văn hay chữ tốt” không khác gì bây giờ được phong giáo sư tiến sĩ, anh hùng, huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu nhân dân này nọ.

Hồi tôi bắt đầu đi học (thực ra chả muốn học, chỉ muốn chơi hoặc đi đánh dậm, nhưng thày bu cứ ép, bảo “nhân bất học bất tri lý, ấu bất học lão hà vi” – người mà không học không biết được lẽ đời, lúc còn trẻ con mà không đi học, rồi khi già làm được trò gì). Bu còn đèo thêm, nó không đi học, sắm cho nó cái cặp tre và cái giỏ để đi nhặt cứt, sau này nhớn lên cũng chỉ ra Phòng đạp xích lô như cậu Đại là cùng. Chả là trong làng có ông Đại, nhà nghèo, mấy anh em không học hành gì, ông có hai anh là ông Bình, ông Vọng đều ra Phòng đạp xích lô, 3 anh em xích lô chuyên nghiệp. Tôi không sợ theo ông Đại, còn muốn ra Phòng tung tẩy là khác, nhưng hãi phải đi nhặt cứt.

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Lại lằng nhằng đất quân đội

Đối với người nội trợ, tức người dân bình thường đúng nghĩa, những thông tin ấy như sét đánh ngang tai. Nghe tin bỗng thấy bàng hoàng/Siêu thị đang bán chuyển sang mất... mặt bằng.

Chả là hồi tháng 6, đại siêu thị Big C trên đường Tô Hiến Thành quận 10 Sài Gòn tuyên bố phải đóng cửa bởi bên cho thuê đất tăng giá thuê. Không chịu nổi thì đành đóng thôi.

Lại cách nay vài hôm, Saigon Co.opMart (hệ thống siêu thị phục vụ dân sinh lớn nhất nước) thông báo sẽ chấm dứt hoạt động siêu thị Cống Quỳnh, siêu thị đầu tiên ở VN, sau 24 năm tồn tại. Lý do: Bị đòi mặt bằng.

Điều đáng nói, hai mặt bằng của hai siêu thị ấy đều là đất quân đội, còn gọi là đất quốc phòng. Chúng lọt thỏm trong thành phố đông dân cư.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Tại ngoại hậu tra

Hôm 11.7, công an ban lệnh khởi tố tay phó chủ tịch thành phố HCM Trần Vĩnh Tuyến về tội “tham nhũng”. Trúng ngày thứ bảy cuối tuần, tin tức đang hẻo, báo chí như bắt được vàng, đồng loạt khai thác sự kiện nóng này. Tôi ngồi trên xe khách lắc lư từ Bảo Lộc về, mắt nhắm mắt mở do say xe, đọc cái tít của “tờ” Vietnamnet, rằng “Ông Trần Vĩnh Tuyến được tại ngoại hầu tra”. Chán, báo với chả chí, chữ với chả nghĩa.

Những người làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật chắc không mấy ai lạ lẫm với cụm từ Hán Việt này. Đúng ra, chính xác phải là “tại ngoại hậu tra”, mà chính xác hơn nữa thì “tại ngoại hậu cứu”. Nhưng người ta cứ “hầu tra” riết, thế rồi cứ coi như vậy thành đúng. Báo chí sai đã đi một nhẽ, thậm chí có cả những luật sư, quan tòa, công tố viên, kiểm sát viên, rồi cả ông to bà nhớn lãnh đạo cơ quan pháp luật cũng mở mồm “tại ngoại hầu tra”.

Để biết đúng sai, cần xem xét nghĩa của từng chữ trong cụm Hán Việt này. “Tại” nghĩa là ở, chỉ vị trí một nơi nào đó. Tu tại gia là tu ngay ở nhà (chứ không cần vào chùa), học tại chức là học khi đang còn giữ chức vụ làm việc (không cần phải nghỉ hẳn để tập trung suốt thời gian trong trường). Xưng hô “tại hạ” tức là khiêm tốn với người trên, cấp trên, ý rằng mình đang ở (tại) dưới (hạ) người ta.

Đối diện tào lao

Chú nhà báo Đức Hoàng và VTV do ông Trần Bình Minh cầm đầu vừa phát lên sóng quốc gia chương trình "Đối diện - Chống sự lãng quên".

Trong đó, các chả một mình một chợ chứ không dám đối diện ai, tha hồ mạt sát, lên án, khinh bỉ những người mà họ gọi là vô ơn, tệ bạc, xấu xa, cố tình phủ nhận quá khứ, phủ nhận công lao của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước.

Lạ. Ai phủ nhận thì tôi chưa thấy, nhưng chính các chả phủ nhận, tệ bạc, vô ơn tôi đã thấy rồi. Suốt bao nhiêu năm, họ cứ lờ đi cả vạn chiến sĩ hy sinh ở mặt trận biên giới phía bắc trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, không nói gì về người ngã xuống, một nén hương cũng không dám thắp, thậm chí tên kẻ thù ngoại xâm cũng không dám nhắc, sợ nó giận.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước khi mắng mỏ người khác, hãy coi lại chính mình đã, chú Hoàng robot ạ. Ai quên, chính các chú và đồng bọn công khai lãng quên chứ chả phải ai vào đây cả. Hãy đối diện với chính mình trước đã.

Các cụ xưa thường quen miệng bảo "gái đĩ già mồm", thực ra gái đĩ còn tử tế hơn đám này nhiều. Gái đĩ phải tôn đám Đức Hoàng là bà cố tổ.

Cái trò chiếm sóng quốc gia khua môi múa mép, cả vú lấp miệng em ấy nên dẹp đi cho đỡ xấu hổ.

Nguyễn Thông

Đại hội đảng là dịp để tham nhũng

Một cái cặp da làm quà tặng cho đại biểu giá từ 3,5 - 3,7 triệu đồng, tổng số tiền mua quà là 2,2 tỉ đồng. Giá tiền cặp ấy chắc chỉ có ở Việt Nam.

Theo ông bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đại hội sẽ có 400 đại biểu và 200 khách mời. Trong số khách ấy, thể nào chả có những bà mẹ VN anh hùng hoặc những cựu cán bộ đã già lụ khụ, đi lại còn phải chống gậy. Cặp tặng cho họ, họ để ôm chắc, kiểu như "bà đem bà ngửi chứ bà không ăn".

Cặp mà giá tới 3,7 triệu đồng, bằng giá tiền mua cái tủ lạnh 200 lít hoặc chiếc máy giặt 8kg, thế thì mua mẹ nó tủ hoặc máy cho đại biểu đi, cặp kiếc làm gì. Khổ nỗi, nếu mua tủ thì nó lại thổi giá đôn lên thành 10 triệu, thậm chí 15 triệu, dân có khóc khô nước mắt cũng chả cung cấp đủ tiền cho các bố ấy phần trăm, hoa hồng.

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Chuyện truyền đơn

Đã vào thập niên thứ 3 của thế kỷ. Thập niên chứ không phải thập kỷ như nhiều người (có cả GS, TS) nhầm hoặc quen dùng, bởi thập niên là 10 năm, một kỷ là 12 năm, thập kỷ tức 120 năm, còn nếu giải thích rằng thập kỷ có nghĩa là 10 năm của thế kỷ thì rất gượng gạo, chỉ gán ghép cho có chứ chả theo nguyên tắc nào.

Năm 2020 là đầu thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, khoa học kỹ thuật đã phát triển như vũ bão, có những thứ chỉ mới vài chục năm trước là chuyện rất bình thường, phổ biến, thì lúc này đã cực kỳ lạc hậu, lỗi thời, xưa cũ, có cảm giác như từng tồn tại ở thời nào xa lơ xa lắc. Chẳng hạn cái truyền đơn.

Hồi tháng trước, đám cộng sản Triều Tiên cứ sôi sùng sục, tố cáo người bà con Nam Hàn thả truyền đơn lên phía bắc. Tay Kim Ủn cảnh cáo không tha thứ cho hành vi "xâm lược" này, thậm chí dọa Nam Hàn sẽ nhận lĩnh hậu quả khủng khiếp chưa từng có. Lâu nay mồm Kim nói gang nói thép thế nào, thiên hạ đều biết cả nên cũng không lấy đó làm điều lăn tăn. Vài ngày sau, báo chính thống của Triều Tiên, rồi báo Hàn, rồi tất nhiên lan tới báo Việt, đồng loạt đăng tin Triều Tiên đã chuẩn bị cho cuộc trả thù khủng khiếp có một không hai, khiến người ta nghĩ phen này bán đảo Triều Tiên chấm dứt cảnh chia cắt, thống nhất tới nơi rồi, Hàn Quốc chết đầu nước. Chỉ có điều, không phải là xe tăng đại bác, tàu bay tàu ngầm, binh hùng tướng giỏi, mà là Triều Tiên đã in xong đợt 1 gồm 12 triệu tờ truyền đơn, cứ từng cục từng cục to như cục tiền cụ Hồ 500 nghìn đồng còn mới (sao dạo này xứ ta tiền 500 mới tinh lắm thế, chả nhẽ...), vuông thành sắc cạnh, chất đầy căn nhà. Đống truyền đơn ấy, chả biết tải nội dung gì, nhưng lựa gió thả sang miền Nam, chỉ rợp trời cũng đủ chết ngộp.

Tiếc sân Phú Thọ

Phú Thọ được nhắc ở đây không phải là tỉnh Phú Thọ, nơi có đền Hùng, tỉnh trung du miền Bắc. Phú Thọ này, ngày xưa thời Việt Nam cộng hòa, trước năm 1975, là cái sân thể thao hoành tráng nhất nước, dân miền Nam gọi là vận động trường Phú Thọ, đặc biệt với những đường đua ngựa dài mấy cây số.

Ở Sài Gòn (tức TP.HCM), đất là vàng, là kim cương, đô la, là tất cả, thậm chí còn quý hơn cả độc lập tự do. Làm quan, chết bởi đất là chuyện thường bởi chả có đứa quan nào chê vàng, kim cương, đô la. Hàng loạt đứa vào tù, ra vành móng ngựa cũng vì lý do ấy. Chúng nó tham vô đáy, chết nữa cũng chẳng ai thương.

Trung ương đã chỉ ra nhiều vụ ăn đất ở Sài Gòn, nhưng có một vụ cực lớn không hiểu sao lại im thin thít. Nó sờ sờ trước mắt bàn dân thiên hạ, ai cũng biết, chỉ trung ương không biết. Hay là sự ăn chia đã "ổn" nên bị cố tình lờ đi.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Khuyết tật hay tàn tật

Ngày xưa chỉ nghe hoặc đọc trên báo từ “tàn tật” để nói về những người cơ thể bị tàn phế một phần, bộ phận nào đó. Chả hiểu tự khi nào người ta đẻ thêm từ “khuyết tật”. Điều chắc chắn sản phẩm mới này không phải do dân chúng hoặc các nhà ngôn ngữ tạo ra, mà bởi nhà chức việc, thậm chí quan to. Họ hứng lên, tung từ ngữ mới, áp vào các văn bản dưới danh nghĩa chính quyền, đảng, nhà nước, rồi cứ thế bắt mọi người tuân chỉ. Đúng sai, kệ.

Hiện trong các tổ chức hội đoàn, đoàn thể ở xứ ta, có Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, mà không phải ai khác, chính bà Đặng Huỳnh Mai cựu thứ trưởng Bộ GD-ĐT (đang bị ồn ào vụ “đòi” nhà công vụ) làm chủ tịch. Thực thà mà nói, người tàn tật có riêng tổ chức của mình thì tốt quá đi chứ, chả ai phản đối chuyện này. Chỉ có điều, tên gọi ấy đã sai trầm trọng, không đúng đối tượng.

Theo nghĩa từ Hán Việt, “tật” tức là tình trạng cơ thể bị suy yếu. Tật bệnh chỉ con người ta mắc bệnh, đau ốm, cần được chạy chữa. Tật cũng có nghĩa là điểm yếu nào đó của con người, “có tật giật mình”, tật nói ngọng, tật nói khoác, v.v..

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Không khen

Nhiều người chân tình nhắc tôi, viết gì thì viết, nói gì thì nói, gái góa lo việc triều đình tha hồ mà lo, nhưng tránh đụng chạm đến cá nhân, nhất là mấy ông to bà nhớn. Rằng thì là mà họ sẽ thế lọ thế chai, rồi lại chẳng phải đầu cũng phải tai đâm phiền. Chỉ nên gợi ra những cái chung chung thôi…

Vâng, thực tình tôi chả thích bới móc cá nhân. Con người ta nhân vô thập toàn, được cái này hỏng cái kia, tốt xấu chen nhau, hay dở xen kẽ, có mấy ai tròn trĩnh. Bản thân mình cũng vậy. Nhưng khổ nỗi, cái chung đều bắt đầu từ cá nhân, từ mỗi con người cụ thể. Một xã hội, nhà nước, thể chế, chế độ, bộ máy, cộng đồng… đều bắt đầu từ cá nhân, do cá nhân tạo thành. Né đi, thế thì chỉ còn nước leo lên trời trò chuyện với mây, nơi không có con người. Chỗ ấy lành nhất.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Đòi đất quốc phòng

Nghe chuyện lãnh đạo TP.HCM đòi lại khu đất Ba Son, thấy hơi buồn cười.

Chỗ được đòi thực ra chỉ là nhà bảo tàng về cụ Tôn rộng khoảng hơn 3.000 mét vuông, mở rộng ra xung quanh được hơn 3.000 mét vuông nữa, nằm ven đường Tôn Đức Thắng. Cả khu Ba Son cũ mênh mông mấy trăm nghìn mét vuông, giờ may ra chỉ đòi được chỗ ấy, còn thì đã biến thành nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn cả rồi, quân đội "bán" hết rồi, muốn đòi chỉ còn cách bắc thang lên hỏi ông giời. Cứ nhìn khu Vượng Vin ngay trên nền cũ công xưởng hải quân thì rõ.

Thời hậu chiến, theo nguyên tắc bất thành văn, chỗ nào trước kia của quân đội cũ thì quân đội mới tiếp quản, mặc nhiên được xác nhận chủ quyền. Đất đai ấy, cơ sở vật chất, nhà cửa ấy là để phục vụ quốc phòng, là đất quốc phòng, không ai được đụng vào. Lỡ có chiến tranh thì lại lấy ra sử dụng. Đụng vào đất quốc phòng, chỉ có chết.

Thành phố sông Hàn

Bây giờ, lúc này mà nói về Đà Nẵng dễ bị coi là đồ “cuốn theo chiều gió”, ăn theo, cơ hội, bầy đàn, là đủ thứ, mặc dù vùng đất này lúc nào cũng đầy sức hấp dẫn chứ không phải đợi có dịch cô vít cô veo.

Tôi có thứ duyên nợ nhạt không ra nhạt, mặn không hẳn mặn, với Đà Nẵng. Nhưng thấy xứ Tourane cũ đang phải gồng mình trợn mắt chống dịch bệnh, cứ thương thương. Mỗi khi thấy ai đó chê nó cười nó, lại càng thương.

Quê tôi Hải Phòng, thời chiến tranh chống Mỹ, chính quyền miền Bắc đặt ra sự kết nghĩa những tỉnh thành ngoài Bắc với tỉnh thành trong Nam. Hà Nội đương nhiên thì phải đăng ký hôn thú với Sài Gòn rồi. Tỉnh Kiến An “lấy” tỉnh Gò Công, tỉnh Nghệ An lấy tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Hải Phòng được ghép đôi với Đà Nẵng, rồi Thanh Hóa - Quảng Nam, Vĩnh Phúc - Bến Tre, Thái Bình - Vĩnh Long và Trà Vinh… Cứ thế mà thi đua, bên sản xuất, bên chiến đấu. Ở Hải Phòng có đường Đà Nẵng gần ngã năm, sau 1975 ở Đà Nẵng có đường Hải Phòng gần ga xe lửa. Bài hát tỉnh ca “Thành phố hoa phượng đỏ” có câu “Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai ta đã thấy rộng dài rực sáng, sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương”. Từ thời bom đạn, đám trẻ nông thôn như tôi quanh đi quẩn lại sống trong làng nhưng nghe nói mãi về Đà Nẵng, tự dưng cảm thấy thân thương, định bụng sau này nước nhà thống nhất, nếu có tiền, vào đó chơi một chuyến cho biết “Đà Nẵng yêu thương” thế nào.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Thần thiêng nhờ bộ hạ

Hôm cuối tuần cần được nghỉ ngơi, nhưng tôi khuyên ông Bảy Phúc nên bớt chút thời gian làm ngay việc này (việc cần làm ngay, ký tên: NVT, chứ không phải NVL, hì hì), bởi để lần lữa sẽ nguội:

Rà soát ngay lập tức đám trợ lý, thư ký, cố vấn, quan hầu cận, đặc biệt là bọn viết diễn văn, báo cáo cho thủ tướng. Chưa đời thủ tướng nào mà đám quần thần trợ lý lại ngu dốt, làm cho ông quê kệch, mất điểm nhiều như đời cầm trịch của ông, ông Bảy ợ.

Vẫn hiểu rằng không phải thứ gì nhà lãnh đạo cũng biết, cũng tỏ tường. Nếu thế, họa có là thánh. Nhưng "thần thiêng nhờ bộ hạ", những đứa mà các ông chọn dứt khoát phải là đứa giỏi, cực giỏi, thông thạo từng lĩnh vực. Khi ông cần lập ngôn ở lĩnh vực nào thì đứa chuyên về lĩnh vực ấy phải chịu trách nhiệm. Mày làm tốt thì tao dùng, mày làm dở thì tao thải, tao đá đít. Có như thế mới tránh được những vụ kiểu cờ lờ mờ vờ (CLMV), vụ "bức tử" nhà văn Nguyên Ngọc, vụ đi đâu cũng phán đầu tầu, hàng đầu, đại bàng, gái đẹp...

Trong vụ "giết", phong liệt sĩ ảo cho rất nhiều nhà văn vừa rồi, lỗi không ở ông Phúc bởi ổng không biết. Tôi cam đoan cả ông Phúc lẫn ông Võ Văn Thưởng đều không biết nhà văn "liệt sĩ" Trần Hiếu Minh là ai, cứ nói cho sướng miệng thôi. Cái thằng trợ lý cho ông Phúc, nó học vẹt trong nhà trường, nó đọc đoạn trích "Cửu Long cuộn sóng", nó biết Trần Hiếu Minh, chứ Thưởng, Phúc có học hành gì mấy thứ này mà biết.

Mắc tóc bởi lòng tham

Nhà công vụ, như cái tên gọi của nó, là nhà công, tạm cấp cho quan chức ở khi còn làm nhiệm vụ.
Không còn làm việc nữa, nghỉ hưu chẳng hạn, thì phải trả lại để nhà nước sắp xếp chỗ ở cho cán bộ khác.

Đó là quy định bất biến, cả người được tạm cấp lẫn nhà nước cứ thế mà thi hành, không lôi thôi oong đơ chi cả.

Thói đâu có cái thói, xong việc rồi cứ quyến luyến chỗ ở mãi, viện lý do lý trấu không chịu trả. Chẳng ai tin được, chỉ do lòng tham thôi. Càng cán bộ càng tham, càng làm to càng tham, bởi thâm tâm các vị ấy nghĩ mình là công thần, có quyền như vậy. Nhiều người còn nhớ vụ ông cựu chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, nghỉ rồi nhưng cứ bám lấy cái nhà công vụ biệt thự ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa, đòi mấy cũng không trả, cứ lì ra, lằng nhằng suốt bao nhiêu năm. Dân cười chê quá trời. Nói thật, thế lực thù địch chả thấy đâu, chỉ thấy không ai làm xấu mặt chế độ, bỉ bôi nhà nước bằng chính cán bộ. Càng cán bộ to thì nhọ nồi bôi đen càng lớn.

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Ngu hơn Phạm Chuy

Phạm Chuy vốn chỉ là kẻ thất phu nhưng tinh thông mọi điều, lý luận đầy mình, có tài vương bá. Chuy bị nạn, chạy trốn từ Triệu sang Tần, được vua Tần tin dùng, làm đến thừa tướng, công lao hiển hách, quyền chỉ dưới vua, nói gì vua cũng nghe.

Ngồi trên đỉnh cao, Chuy nghĩ thiên hạ không ai bằng mình, không ai có thể thay mình. Thấy vậy, Thái Trạch một kẻ học trò đến mở mắt cho Chuy.

Trạch hỏi Chuy, ông tự thấy mình tài giỏi hơn Thương Ưởng, Ngô Khởi, Văn Chủng không. Chuy đáp không bằng. Trạch lại hỏi vua Tần nay đối xử với ông có bằng Tần Hiếu công đối xử với Thương Ưởng, Sở vương với Ngô Khởi, Việt vương với Văn Chủng không. Chuy đáp không bằng.

Cất nhắc dao gươm

Ông Tô Lâm bộ trưởng Công an hôm rồi có đăng đàn nhân ngày của ngành. Ổng vẫn lặp lại thứ lý luận mà các đàn anh Trần Đại Quang, Lê Hồng Anh, Bùi Thiện Ngộ... từng thuộc lòng, rằng công an là thanh bảo kiếm bảo vệ chế độ. Chỉ thấy nhắc bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng chứ không đề cập dùng kiếm làm điều gì nữa.

Trong những thanh kiếm ấy, từng có rất nhiều kiếm cùn, như Phan Văn Vĩnh, Trần Việt Tân, Nguyễn Thanh Hóa, Bùi Văn Thành... Tinh thứ dữ nhưng cực cùn, rỉ sét. Và cũng nên nhắc tới Chung con, Nguyễn Đức Chung đô trưởng Hà Nội.

Thực ra Chung con cũng chả phải loại tài cán gì, chỉ thuộc dạng cơ hội, nhân thời buổi công an trị, nhất là lúc Trần Đại Quang đương chức, mà ngoi lên được. Chỉ cần coi cách tráo trở trong vụ Đồng Tâm, cách xử lý dây dưa vụ xây dựng sai phạm nhà 8B Lê Trực, cách hứa hẹn rất linh tinh về đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cách làm cho chìm xuồng vụ chiếm đất phá rừng ở Sóc Sơn... cũng đủ thấy "tài" của Chung con rồi.

Vụ Nhật Cường mobile được Bộ Chính trị đốt lò của ông Trọng coi là đại án nhưng không bắt được Nhật Cường thì cũng chả dễ gì xử được Chung con, mà muốn túm được thằng ấy thì phải hỏi ông giời.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Căn bệnh nặng

Hồi xưa các cụ nói chữ, gọi là nan y (y: chữa bệnh, nan: khó, nan y là khó chữa). Bệnh gì?

Càng ngày, ta càng thấy rõ nhà cai trị xứ này rất say mê quá khứ, cái mà họ gọi là lịch sử vĩ đại, quá khứ hào hùng, những chặng đường vẻ vang. Mà lịch sử của họ phần lớn chỉ cách mạng, đánh nhau, chém giết, đổ máu, tương tàn. Họ ca ngợi chiến công chói lọi, bước ngoặt lịch sử, dấu ấn không phai mờ, chặng đường vinh quang của dân tộc..., quanh đi quẩn lại thì vẫn chiến tranh, nồi da xáo thịt. 

Quanh năm suốt tháng, hết kỷ niệm nọ đến chào mừng kia, phát mệt với những tự sướng ấy. Tất nhiên, họ sẽ quên đi, lờ đi những sai lầm, thất bại, những đau đớn do họ gây ra mà nhân dân đất nước phải chịu.

Họ luôn miệng nói hướng tới tương lai, nhìn về phía trước, xếp lại quá khứ nhưng cứ loay hoay mãi trong mớ bùng nhùng lịch sử, tốn bao nhiêu là thời gian, trí lực, tài sản cho sự vuốt ve quá khứ này. Người đời nói chẳng sai, đó là ăn mày quá khứ.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Đồng Hới và Bính, và những ngày khó quên (kỳ 2)

Nghe Lương Ngọc Bính hát “Trên biển quê hương” của nhạc sĩ Đức Minh, mình nhớ ngay bài này ông Uy anh giai mình từng chép trong cuốn sổ bằng bàn tay, tinh dững khúc ca hừng hực khí thế đánh giặc, mở đầu là bài “Đánh đích đáng” của Ngô Sĩ Hiển, rồi "Tiếng hò trên đất Nghệ An", "Tiếng đàn ta lư", "Vui mùa chiến thắng"… Bất chợt mình hát theo nó “hò là hò là khoan, tung lưới ra ngoài khơi, ta bắt con cá nhẩy, ta bắt đàn cá bơi, ơi hò là hò ơi…”, lúc đầu thầm thì nho nhỏ kiểu ăn theo, sau cứ to dần. Rồi mấy đứa khác cũng ăn theo nữa, át cả tiếng cu Bính. Cái Thúy xẩm ngồi cạnh mình, bấm tay một cái đau điếng, bảo chúng mày im đi, để Bính nó hát. Đúng là đàn bà trong đám đông ô hợp vẫn thường tỉnh táo hơn bọn quê xệ như mình. Mình định bảo Thúy, ngoài Phòng cũng có biến thể bài này, không phải là cái biến thể “Cởi truồng ra khơi, bị con cá đuối nó xơi mất bòi” đâu, mà là “Hải Phòng quê ta, hồi xưa vẫn hát câu ca hát rằng, ai đã về đây, chớ quên thuốc lào Tiên Lãng. Hai điếu hai bên, bây giờ còn mỗi điếu thôi. Điếu ở cạnh người, đó là trái tim của tôi…”. Nhưng đang vui nghiêm túc, lại trên đất thiêng Quảng Bình, mình đếch dám hó hé.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Từ trong di cảo

Hồi tôi về quê, giở lại những thứ mà thày tôi để lại, có những tờ ghi chép (gọi theo cách của các cụ là di cảo; di là để lại, cảo là bản nháp, bản thảo, bản ghi chép)) thật cụ thể mà quý giá. Biết bao kinh nghiệm sống, bao nhiêu bài thuốc, những nhắc nhở dặn dò con cháu đủ mọi điều… được thày tôi biên ra. Tôi đã từng dựa vào đó viết một loạt tút (status) trên phây búc (FB) nhưng đáng tiếc đã hai lần trang cá nhân của tôi bị xóa, bị khóa nên không thông tin lâu bền được.

Những di cảo ấy, chẳng hạn là tờ bìa tạp chí này (ảnh kèm). Thày tôi sinh thời chỉ làm nông dân nhưng đọc cả báo Nhân Dân, báo Hải Phòng (tờ này mỗi tuần 1 số), thậm chí tạp chí Học Tập. Thời đó, những vị đang cai trị xứ ta bây giờ vẫn chỉ chân đất mắt toét, chưa là gì cả. Chả biết thứ tạp chí ấy có đem lại cho thày tôi điều gì tốt đẹp không, nhưng cái bìa của nó, chẳng hạn bìa số ra tháng 10 năm 1971, thì rất có ích. Những năm tháng thiếu thốn ấy, giấy má cực hiếm, nhiều khi không kiếm đâu ra tờ giấy trắng để biên chép những thứ cần thiết. Tất cả những tờ lịch đã xé (khi đó lịch chỉ bé bằng bàn tay, chứ không có khổ lớn), mặt trong phong bì, bìa những tờ tạp chí… đều được tận dụng. Có những điều thày tôi biên bằng chữ Pháp, chúng tôi chỉ giữ lại mà không đọc được, nhưng nhiều nội dung khác thì bằng chữ Việt, với phông chữ chuẩn của những người trải qua thời Pháp thuộc.

Trên bìa tờ tạp chí Học Tập này, thày tôi ghi ra bài thuốc, cụ thể là tên thuốc và chỗ cần mua, với chỉ dẫn cụ thể. Nội dung là: “Thuốc chữa bệnh hậu sản. Chữa được cả đàn ông. Xanh xương vàng da, gầy ốm, ăn ngủ kém, chưa làm đã mệt, v.v.. (có lẽ là bệnh phòng tích). Bà Cụ Lạc. Thôn Yên Tập, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, Hải Hưng. Nhớ Phố Lối đi vào. Đề phòng thuốc giả. Ngõ nhà Bà Cụ Lạc có cây táo”.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Đồng Hới và Bính, và những ngày khó quên

Với người đi chơi nhởi, thoát ra khỏi cuộc sống tù túng tẻ nhạt đời thường, thì thời gian tung tẩy cảm thấy thật là ngắn ngủi. Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Thoắt cái đã hết ngày. Chả bù lúc ở nhà, cứ ngó tới ngó lui, đếm từng tiếng tí tách của kim giây đồng hồ. Mấy bữa ở Đồng Hới Quảng Bình, ở Huế (mình chỉ có nhõn buổi trưa xứ Huế), và Đà Nẵng, cứ như giấc mơ. Hì hì, ngày vui nào mà chẳng như mơ. Về Sài Gòn đã 2 hôm rồi, “lại lao vào việc lòng say sưa/hết sớm thôi chiều nắng lại mưa”, bấn bíu với đủ thứ bực bội khó chịu, thế mà trong giấc ngủ chập chờn, vẫn thấy rõ mồn một cả đám giặc ngồi dúi dụi cuối xe, những Ngọc Tân, Bá Tân, Xuân Ba, mình, lẫn vào đó là bác cả Thụn, cái Thúy xẩm nữa. Ai nấy hùng hổ kết án thằng Bá Tân con cụ Hồ thiếu cảnh giác cách mạng, ham rượu chè, mắc phải bí đao kế. Ngọc Tân trừng mắt dí tay ngay trán thằng con cụ bảo không chừng mày là nội gián, Tân ợ, mày mà gián điệp chuyến này, cứ từng giờ báo cáo hết về “trung tâm bí đao” thì bỏ mẹ chúng tao. Chả là đang xảy ra việc nhường chức trưởng đoàn. Bất chợt thằng Ba lắc lư 3 chỏm tóc tam mao được cái Thúy cái Hà kết cho lúc ăn sáng, nửa thì thầm nửa kêu toáng lên, chúng mày ơi, thằng Tân dính bí đao kế, còn lão Ngọc Hồng trúng phải bí ngô kế, ối giời ôi. Cả đám bò lăn ra cười, chỉ có lão cả Hồng ngồi trên ngơ ngác dòm xuống đéo hiểu chúng nó nói gì về mình.

Ấy, những chuyện như vậy thì làm sao quên nổi. Tuổi già, U70 cả rồi, vô minh vô thức, buồn cũng ít mà vui lại càng ít. Nói đâu xa, mình đây, nhiều hôm cứ ngồi thừ ra ngắm con thạch sùng cụt đuôi bò trên tường, tự hỏi đâu là thạch sùng, đâu là Thông cào, không biết nữa. Rất tẻ nhạt. May còn có bạn bè. Chỉ K17 mới có thể đem đến niềm vui liên tục, bất tận, dai đẳng như mấy hôm rồi. Lại bần thần mong, hôm nào bất chợt mở điện thoại hoặc phây búc, thấy chúng nó nhắn tin, cào ơi, mày có đi không, chúng tao sắp sửa lên đường đấy, có cả Nga đi nữa đấy…

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Nguyên hay cố, cựu?

Có người hỏi tôi, khi nào thì dùng các từ "nguyên, cựu, cố".

Đúng ra phải hỏi thêm cả từ "đương" nữa, bởi cùng với các từ nói trên, đó là những chặng, những đoạn khác nhau trong một đời người.

Khi còn làm việc (gì đó) thì gọi là đương. Đương chức, đương nhiệm. Cái thời đang diễn ra gọi là đương thời (đương cũng có nghĩa là đang). Hồi xưa trong bộ máy hương thôn, lý trưởng đang làm nhiệm vụ thì là lý đương, lý trưởng nào đã bị phế truất, đã thôi không làm nữa thì gọi là lý cựu.

Cựu tức là cũ, chỉ cái (điều) đã qua. Cựu thần tức là người bề tôi cũ (trước kia là bề tôi, nhưng giờ vì lý do nào đó, già lão hoặc bị phạt chẳng hạn, không làm nữa). Cựu trào là triều đại cũ. Đối lập với cựu là tân (mới). Cựu thế giới để chỉ những đại lục cũ Á, Âu vốn được người ta ở từ lâu, còn với tân thế giới (châu Mỹ) mới được khai phá. Ông bộ trưởng nào không còn làm bộ trưởng nữa thì là cựu bộ trưởng, ông tổng bí thư đã hết chức được gọi là cựu tổng bí thư.

Góp ý với các hãng tàu bay và sân bay

Trong lúc dịch bệnh hết sức nghiêm trọng, việc các hãng tàu bay yêu cầu hành khách phải khai báo y tế trước khi làm thủ tục lấy vé, thôi thì cũng được đi, thậm chí là cần thiết. Vẫn biết đây là chủ trương của nhà nước, chính phủ chứ không phải hãng tàu bay hoặc cảng hàng không tùy tiện làm, tuy nhiên, cách làm rất hình thức, bất cập, lôi thôi rườm rà, không hiệu quả.

-Nhiều người đứng xếp hàng chán chê chờ làm thủ tục vé thì mới biết phải ra một chỗ khác khai báo y tế có kết quả đã mới được xếp hàng lấy vé. Tôi nhận thấy rất nhiều hành khách bị dở dang vụ này, đâm ra bực tức, càu nhàu, chửi bới. Có ông chửi "địt mẹ, nó chỉ có mảnh giấy con con thông báo thế kia thì biết thế đéo nào được". Hành khách nóng tính cũng có lý do chính đáng của họ, mà lỗi từ hãng tàu bay. Trong lúc dịch bệnh đang căng, nên phát loa thông báo cho hành khách biết, đừng sợ gây tiếng ồn. Ồn lúc này là cần thiết.

Bất chợt Trịnh Xuân Như

Sau một thời gian khá dài, thậm chí dài ơi là dài, từ tháng 10.2018 tới giờ, mới túm lại được y. Chả là mở phây búc của thằng cu làng Lon Trịnh Huyên Trịnh Xuân Ba thấy có cái tên Trịnh Xuân Như. Nghe quen quen, chợt nhớ, a, cu Như điện lực. Xin kết bạn mí nó, chắc nó mải bận đi giăng mắc dây điện, trồng cột điện, cắt điện… nên nó chưa để mắt tới mạng mẽo. Hôm qua thì nó duyệt rồi.

Nói tới cu Như, không phải tất cả K17 văn khoa đều biết. Nhưng những ai đã đàn đúm ở Sầm Sơn mùa thu năm Mậu Tuất 2018 thì đều biết Trịnh Xuân Như, quý Như, cảm nhận được sự giản dị, chân tình và gần gũi của y. Mình là người ngoài mà còn yêu mến y, huống hồ trong ngành điên nặng như mụ thị Huệ, biết rõ Như, thì còn quý hắn thế nào. Nói của đáng tội, không có Trịnh Xuân Như, khó có cuộc vui nổ trời nghiêng biển dạo ấy.

Nhắc tới cái năm Mậu Tuất 2018 cứ bổi hổi bồi hồi. Chơi bời Sầm Sơn chán chê đã đời, còn kéo nhau đi Thành nhà Hồ, viếng Lam Kinh thăm mộ đức Lê Thái Tổ. Khi ngó tấm văn bia Vĩnh Lăng vĩ đại (chỉ có người xưa mới làm được như thế), chợt nhớ cụ Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa cũng đúng năm Mậu Tuất, 1418. Đi được rong ruổi nhiều chỗ kỳ quan danh lam thẳng cảnh xứ Thanh như thế, có một phần đóng góp không nhỏ của Trịnh Xuân Như.

Vẫn biết ở xứ Thanh họ Trịnh là đặc sản, chả khác gì nói tới An Nam ta là phải nhắc ngay tới họ… Nguyễn, hì hì (các bà Thúy xẩm, Huệ lùn, Đạm tồ, Hà ngố… có đồng ý với nhà cháu không nào), nhưng quả thật tới Thanh Hóa mà không biết không chơi với họ Trịnh kể cũng hơi bị khiếm khuyết. Dĩ nhiên ta vẫn đề cao, vẫn chơi với những ngoại trịnh, như Lê Quốc Lập, Trần Triều Nguyệt, Đặng Quốc Khánh, Lê Văn Sơn, Nguyễn Thị Bé, Nguyễn Thị Xuân nhưng có tí Trịnh vẫn mang dáng vẻ “Thanh kỳ khả ái” hơn. May mà lớp ta có thằng làng Lon đặc sệt Trịnh, nó và mấy đứa em từng đãi bọn “ăn mày” K17 một bữa cháo hến, hến xào kèm bánh đa, gà vườn luộc, bánh bột lọc… ăn mệt nghỉ trong “cái sáng hôm ấy sáng gì” thật khó quên. Ở xứ Thanh còn có Trịnh Văn Chiến quan đầu tỉnh nhưng K17 ta không chơi mí y bởi khi đó lùm xùm vụ cô Quỳnh Anh quỳnh em mang tiếng quá. Bù lại, chúng ta đã có một Trịnh đích thực, dễ thương là Trịnh Xuân Như.