Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Nợ xấu, khi nào mới xóa? (kỳ 1)

Như dự báo từ rất sớm (thậm chí từ giữa tháng 1), hồi đầu tháng 4 bộ máy lãnh đạo chế độ đương thời được thay đổi đúng y xì các hãng thông tấn vỉa hè cơ cấu sắp xếp. Nói chính xác thì quốc hội chỉ làm cho đủ thủ tục nhiêu khê, chứ chả nhẽ lại không làm gì. Ngôi vị thủ tướng đã được bàn giao từ ông Nguyễn Xuân Phúc sang ông Phạm Minh Chính, từ một ông hay trích dẫn văn thơ sang một ông khi nói hàm răng cứ xin xít xin xít. Mà quái lạ, báo mậu dịch hôm qua 27.4 đưa tin, tháng 7 tới, quốc hội khóa mới lại bầu nữa, cũng vẫn những ông bà ấy. Chỉ có thể nói: Quá rảnh.

Tôi chỉ quan tâm tới chức thủ tướng, bởi đó là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Hành nghĩa là làm. Có làm thì mới có ăn. Chứ những chức khác, nhất là chuyên nghề chỉ tay 5 ngón, lý luận lý liếc, chả ai rỗi hơi để ý.

Mà sao xứ ta lắm chức tước thế, lắm ông to bà nhớn thế. Cơm không ngon, nhà đông con cũng hết. Nuôi chừng ấy ông bà lãnh đạo, gạo tám thơm ST25 lấy đâu cho đủ. Chả nước nào lắm phó thủ tướng như nước ta. Chả nơi nào đặt ra chức phó chủ tịch nước chủ yếu chỉ để làm long trọng viên, siêu lễ tân, đi trao bằng khen huân chương mệt nghỉ. Chả nơi nào chồng chéo bộ máy song trùng, tam trùng tứ trùng, đã có bộ trưởng thứ trưởng đủ mọi bề lại vẫn bắt dân cõng thêm trưởng ban phó ban vẫn làm cùng công việc ấy… Nói túm lại, quan nhiều hơn dân, lãnh đạo nhiều hơn đám lưng còng.

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Coi dịch bằng vung

Ngó ra thế giới, Ấn Độ đang bị dịch nặng. Người chết như ngả rạ. Theo báo chí, một trong những nguyên nhân là chính quyền và dân chúng coi thường dịch, cứ hiên ngang liều mạng tổ chức lễ hội truyền thống tắm sông Hằng. Bất chấp tất cả, kiểu thái độ “lễ hội hay là chết”. Cả triệu người cửi trần, đầu trần, mũi mồm tênh hênh tơ hơ không có lấy một mẩu khẩu trang, chen vai sát cánh mà dịch cô vít nó tha mới lạ.

Không phải chỉ Ấn Độ. Tuy xứ ta với cơn dịch này đã ít nhiều tỉnh táo hơn, quyết liệt hơn, ít liều hơn, mưu mẹo hơn, cả đầu bạc lẫn đầu đen bớt kiêu hãnh hơn, nhưng cần phải nói thêm, vẫn coi trời bằng vung. Cứ nhìn biển người hôm giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 ở Phú Thọ thì rõ. Nhẽ ra phải hạn chế, tém dẹp, làm có tính tượng trưng thôi thì lại công khai thách thức con vi rút, thậm chí cả ông chủ tịch nước còn hiên ngang dẫn đầu đám đông liều mạng. Chả khác gì điếc không sợ súng. Cũng may cho con Lạc cháu Hồng là nó chưa để lại hậu quả như Ấn Độ.

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Một chút về thi sĩ Cầm

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “đi” chiều qua 20.4, từ đó tới giờ thông tin về ông dày đặc trên báo chí và mạng xã hội. Có lẽ sau sự về cõi của nhà văn tài hoa đỉnh cao Nguyễn Huy Thiệp tháng trước thì chuyến đi dài của thi sĩ Cầm gây chấn động tinh thần chả kém gì. Thế mới biết dân ta còn nặng lòng với văn chương lắm lắm. Các nhà chính trị, kể cả ông to bà nhớn, nếu qua đời dễ gì được dân chúng quan tâm như thế.

Bây giờ mà viết về thi sĩ quá cố dễ bị hiểu là “đu trend”, ăn theo, thấy người sang bắt quàng làm họ. Vậy nên tôi chỉ kể tí ti điều bản thân biết liên quan tới bác Hoàng Nhuận Cầm.

Tháng 10.1972 khi đám chúng tôi ba lô khăn gói hoặc xách hòm gỗ khóa chuông mua ở phố Hàng Bông hổn hển tới nơi sơ tán khoa văn Tổng hợp (Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) nhập học khóa 17 thì lứa anh Cầm đã lên đường ra trận. Anh học khóa 15 (nhập học năm 1970), cùng với các anh Phạm Quang Long, Phùng Huy Thịnh, Phạm Thành Hưng, Nguyễn Thế Tường… Đang năm thứ nhất, có đợt động viên khá quy mô cho chiến trường (nôm na là đôn quân bắt lính). Trai tráng nông thôn đã đi gần sạch nên đợt này phải nhắm tới đối tượng sinh viên. Đợt “tiểu tổng động viên” diễn ra ngày 6.9.1971 nên sau này các cựu chiến binh sinh viên thường gọi tắt là đợt 6971. Các anh Thịnh, Hưng, Hải Triều, Tường, Cầm… của Văn khoa là lính 6971. Khoa Sử cũng đi nhiều, các khoa khác (toán, lý, hóa, sinh, địa) đóng trên tổng hành dinh Thượng Đình cũng lũ lượt lên đường, trong đó có anh Nguyễn Văn Thạc khoa Toán. Rất nhiều trường đại học đã phải chia tay những sinh viên ưu tú nhất của mình cho mặt trận, cho lò lửa chiến tranh. Và thật buồn, rất nhiều trong số họ không trở về, “mãi mãi tuổi hai mươi” nơi chiến địa. Đọc nhật ký của anh Thạc (học khoa Toán, nhưng từng đoạt giải nhất môn văn toàn miền Bắc năm 1970) sẽ hiểu rõ hơn về các anh.

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Cứ làm như có giá lắm

Nhiều ông to bà nhớn đang ráo riết đi, không phải đi vận động bầu cử, mà là đi quán triệt việc bầu bán. Phải công nhận ngôn ngữ Việt có từ “bầu bán” hay thật. Bầu và bán. Cứ 5 năm một lần lại diễn ra “ngày hội lớn của toàn dân”. Ông Tô Lâm tướng công an lên giọng kiểu... tướng công an, rằng cần phải cảnh giác, đề phòng các thế lực thù địch chống phá, phá hoại bầu cử.

Thôi thì công an, phú lít nhìn chỗ nào cũng thấy chống phá, giống như bác sĩ dòm đâu cũng ra vi trùng, nên thông cảm, nghề của họ là vậy. Nhưng có một số ông bà đăng đàn ngoa ngôn, cảnh báo người có tên trong danh sách bầu vào quốc hội rằng không được dùng tiền bạc quà cáp lôi kéo, mua chuộc cử tri; không được hứa cho cử tri thứ này thứ khác, không được thế này, không được thế nọ... Gớm, làm như dân chủ, bầu bán minh bạch lắm ấy, ứng cử viên và cử tri có giá lắm ấy.

Ôi giời, tưởng được bầu làm thánh làm tướng chi chi, chứ chỉ nhõn làm đại biểu quốc hội, ham hố gì. Ai chả biết đại biểu quốc hội xứ ta là người như thế nào. Tôi có người bạn từng trót đóng “chức” đại biểu quốc hội, trúng cử bởi do cơ cấu. Khi hết nhiệm kỳ, có dịp buôn dưa lê, y tâm sự, rằng thở cái phào, nhẹ cả người. Suốt khóa chỉ tổ mất thời gian họp hành, khoác áo dân biểu nhưng đến hội trường ngồi nghe và ngủ gật là chính. Y thú thực chưa hề phát biểu lần nào bởi tự biết mình có nói cũng cốt diễn vui, chả ai nghe. Hội trường là chỗ vui chơi/Liếc nhau, ngủ gật, bỉ bôi, ngậm mồm.

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Tức, nói nữa

Thơ là thơ, ai làm cũng vậy, đừng có kiểu tư duy phân phối thời bao cấp, vùng miền, sắc tộc, bảo rằng của đồng bào dân tộc thiểu số thì như thế là tốt lắm rồi, phải trân trọng sự thật thà của họ, v.v.. Nói như thế từ mồm mấy ông bà ở Hội nhà văn, ở báo văn nghệ, ở ban giám khảo, chả khác gì trao giải để châm chước cho dân tộc thiểu số, kiểu như để động viên.

Xin lỗi, thời nay, bà con người dân tộc thiểu số không ngây ngô nửa mùa như mấy ông nghĩ đâu, không tin cứ hỏi bà Tòng Thị Phóng, ông Hầu A Lềnh, ông Đỗ Văn Chiến, hoặc tay cựu bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh. Gớm, có mà khôn lõi đời. Hãy thôi bôi bác, đóng đinh sự ngây ngô vào người thiểu số đi.

Ông Thụy, ông Khoa bảo rằng những người chê bài "thơ" chửi gà là không thấy hết, không công bằng, bởi nó tuy dở nhưng nằm trong chùm 3 bài đoạt giải cơ mà. Thưa các ông, nó dở thì loại nó ra, ném vào sọt rác, chứ sao có kiểu nhập nhèm như thế. Chả khác gì bảo nhà nọ phải được danh hiệu gia đình văn hóa mới bởi có 2 đứa con ngoan, chỉ 1 đứa xì ke ma túy trộm cắp giết người thôi.

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Anh Khải

Trong giới làm du lịch chơi nhởi nước ta, quá đông người biết và khâm phục anh Nguyễn Thế Khải. Cái tên Khải Hoàn Mỹ đã thành thứ thương hiệu tin cậy đối với người ham bay nhảy đây đó, nhất là tour đi Mỹ. Ông chủ của công ty du lịch Hoàn Mỹ đã tạo một vị trí, chỗ đứng chắc khừ trong làng du lịch Việt, thậm chí không thể thay thế. Vậy mà anh ấy, anh Khải, anh Khải Hoàn Mỹ, ngôi sao du lịch Việt đã ra đi, dứt cõi đời này lúc chiều 13.4.2021. Không biết tới bao giờ mới có thể nảy ra ai đó, kể cả con cháu anh, thay thế được anh chèo lái con thuyền.
 
Giữa trưa. Sài Gòn nóng kinh khủng. Tôi có thói xấu, cứ người một nơi, điện thoại một nẻo. Không hội nhập, bắt vào được thời buổi công nghệ. Tiếng chuông đổ dài, như gắt gỏng, bực tức, và có cảm giác buồn, đem tin dữ. Sải bước lên cầu thang, suýt ngã, chộp cục điện tử đang keng keng ấy. Bậc đàn anh, anh Nguyễn Khắc Nhượng nói như gió thoảng, Thông đã biết tin anh Khải mất chưa. Tôi biết đến 99% anh Khải mà bác Nhượng nói là ai, nhưng vẫn cố tự lừa mình, hỏi anh Khải nào. Anh Nhượng bảo anh Nguyễn Đông Thức vừa mới báo. Vậy thì chả còn gì để nghi ngờ nữa khi nhưng đấng bậc tử tế như anh Nhượng, anh Thức truyền tin.

Nguyễn Thế Khải là con người như thế nào, Công ty Du lịch Hoàn Mỹ là doanh nghiệp như thế nào, rồi sau này các nhà biên chép về kinh tế Việt Nam thời hội nhập, thời mở cửa sẽ phải dành không ít dòng. Chưa đâu xa, thập niên 2000 và nhất là 2010, trong lĩnh vực du lịch, Nguyễn Thế Khải và Du lịch Hoàn Mỹ là ngôi sao sáng chói.

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Dí ồn vào thơ

Những người yêu thơ đang rất rất rất rất... bức xúc (chứ không phải xúc động) về cái kết quả giải thơ của báo Văn Nghệ. Sau 2 năm (2019 - 2020) họ chọn ra được thứ "thơ" cám hấp dở hơi như thế này (coi ảnh chụp kèm) để trao giải cao nhất (giải nhì, cuộc thi không có giải nhất).

Ông Hữu Thỉnh bảo bài "thơ" chửi trộm được giải bởi rất nhân văn (có lẽ vì nhân văn nên được giải), vậy cứ nhân văn là trao giải à? Thưa ông, trên đời này còn vô khối thứ nhân văn hơn nhiều, mà lại còn mang tính thơ hơn nhiều, ví dụ người mẹ hiến thận cứu con, động viên con cùng mẹ vượt qua cái chết, liệu ông có đủ giải mà trao không. Ông nói như thế vẫn là kiểu loanh quanh, bao biện, không dám thẳng thắn nhận đã làm sai làm dở. Phần lớn kiểu các ông xưa nay đều vậy.

Mọi người cứ thử đọc kỹ mà xem, cảm xúc, tâm hồn trong mấy bài "thơ" được giải đó rất giả tạo, sống sượng, gượng ép, không thấy chút gì là tình chân thật của người viết, nhất là mấy câu cuối bài chửi mất gà. Thế mà cũng được giải, mà lại giải thơ, một thể loại luôn đòi hỏi cảm xúc chân thật tự đáy lòng. Các ông giám khảo khen chúng trao giải cho chúng chẳng khác gì tôn vinh thói giả tạo, giả dối. Hay đó đang là xu hướng của thời nay nên phải bắt trend vào cho kịp, chính trị và văn thơ phải cùng một hướng.

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Cuộc cách mạng làng Mùi An Nam

Báo chí và hệ thống truyền thông quốc doanh đang thỏa sức ca ngợi sự “thành công tốt đẹp” của kỳ họp quốc hội, tán tụng bộ máy mới, những gương mặt “mới mà cũ” đầy phẩm chất, thậm chí còn khảo cổ khai thác những vỉa xưa thời chăn trâu cắt cỏ, học trường làng, đi kiếm củi, làm thuê làm mướn của đương sự. Tất cả chỉ nhằm rằng kỳ này đã “sáng suốt lựa chọn” được những nhân tài, mở ra thời kỳ mới, tương lai tươi sáng cho xã hội, cho đất nước. Nó giống như một cuộc cách mạng, thay đổi mạnh mẽ bộ máy, và mọi ước mơ đang biến thành hiện thực.

Nhưng, nếu ta chịu khó để ý, thì hầu như đại hội đảng hoặc kỳ họp quốc hội nào cũng cái phom (form) như thế, không có đại hội/kỳ họp nào dở xấu tồi kém cả, không có sự lựa chọn nào không chính xác cả. Mọi thứ mặt trái chỉ được phơi bày khi bộ máy và những con người ấy hoạt động. Lúc đảng tiến hành đại hội 11, đại hội 12, đại hội 13, lúc quốc hội 12, 13, 14 ra đời, có ai dám nói đảng và quốc hội kém sáng suốt đâu, chọn nhân sự sai đâu. Cuối cùng vẫn tòi ra hàng xâu hàng lũ mọt nước hại dân như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Phan Văn Vĩnh, Trần Việt Tân, Nguyễn Văn Hiến, Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang… vốn một thời hét ra lửa, đường đường ngôi phụ mẫu chi dân.

Muốn biết những gương mặt mới thực chất thế nào, tốt nhất là phải đợi các vị ấy làm được cái gì, thay đổi được gì, tạo dấu ấn tốt đẹp gì, có lợi gì cho xã hội, cho dân cho nước, chứ đừng vội vàng ca tụng tung hô. Họ là người chứ không phải thánh. Chủ nghĩa duy vật cho rằng vật chất quyết định ý thức, vậy hãy cứ chờ đợi chiêm quan thứ họ làm, rồi hãy đánh giá cũng chưa muộn. Chính vì vậy, dạng người được việc, chứng minh khả năng cầm quyền, lãnh đạo hiệu quả như ông Lê Văn Thành ở Hải Phòng rất ít.

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Tử tế

Sống đã đầu hai thứ tóc, đang sắp chỉ còn một màu bạc trắng hiên ngang, phải nói rằng chưa bao giờ tôi thấy người ta thèm khát quyền lực, ham hố địa vị như lúc này. Trước kia họ còn che đậy, giấu diếm để gìn giữ hình ảnh, giờ thì cứ phơi bày hết, coi dân chúng như củ khoai củ ráy.

Lòng tham của con người là vô cùng. Người tham tiền, kẻ tham quyền; người tham có hạn, kẻ tham không cùng... Càng quan càng tham. Ông bà nào xưng xưng bảo rằng mình không ham muốn gì, làm ông nọ bà kia chỉ để có điều kiện phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, xạo bà cố. Nếu thực thế, hãy tự bỏ hết tất cả những ưu đãi đang hưởng đi, đừng xơi sơn hào hải vị, đừng lên ngựa xuống xe, đừng bác sĩ riêng bệnh viện riêng, đừng tiền hô hậu ủng... nữa, cho người ta tin vào tấm lòng thành thực, chứ không phải lý luận suông, lời đãi bôi.

Cứ vài ba năm, tới kỳ bầu bán, chia ghế chia mâm, lòng tham quyền lực bộc lộ ra kinh khiếp nhất. Như cái chợ trời, đủ mọi trò mánh. Bao năm nay, mỗi mùa vụ như thế, kết cục bao giờ cũng thành công tốt đẹp, cũng sáng suốt lựa chọn được những người xứng đáng vào bộ máy cai trị. Chỉ một bài, diễn không bao giờ chán. Còn dân thì cứ ngơ ngơ, mười rằm cũng ư, mười tư cũng gật.

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Tại anh tại ả, tại cả nhiều bên

Hai ngày qua, dư luận xã hội, báo chí truyền thông “chính thống” lẫn mạng xã hội dày đặc ý kiến về vụ hành hung dữ tợn xảy ra ở trường Nguyễn Văn Tố (Q.10, TP.HCM). Sự bức xúc càng bị đẩy cao khi nạn nhân là 2 đứa trẻ con, còn thủ phạm là dân phòng, người chức việc đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, và lại xảy ra trong cơ sở giáo dục.

Con cái mình dứt ruột đẻ ra, ai mà chẳng thương. Nó bị người ta đánh đau, lại càng thương tợn. Vậy nên ta dễ dàng thông cảm khi bà mẹ thằng bé bị đánh than thở coi cái video clip thấy con bị đánh dã man thì thương lắm, tức lắm. Ai chả thế. Nói thực, con tôi mà bị đánh, tôi cũng tức cũng đau. Người chứ đâu phải gỗ đá.

Tôi phản đối hành vi thô bạo mất tính người của anh dân phòng hung dữ hơn cọp kia (và cả của công an trong nhiều vụ, như vụ hai CSGT đánh đá người tàn nhẫn xảy ra ở H.Bình Chánh vài hôm trước đó). Kẻ phi pháp, lại là mấy đứa trẻ con, đã bị bắt, thì có pháp luật, có cả “hệ thống chính trị” xem xét, xử lý, giải quyết, chứ đâu cái thói động một tí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Càng không thể chấp nhận khi người bị đánh là những đứa trẻ hoàn toàn không có khả năng chống đỡ, nơi “tra tấn” lại là cơ sở giáo dục. Trường học chứ có phải đồn công an, chuồng cọp đâu mà đánh đá người ta như thế.

Đây là căn bệnh trầm kha của một xã hội công an trị, lấy đánh người làm phương thức xử lý, không phải chỉ trong vụ này.

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Chấp bút

Những ngày qua, dư luận lao xao chuyện cố văn sĩ Hữu Mai bị "tước quyền" trên những cuốn sách hồi ký dựa theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi người mỗi ý, ông nói ra, bà nói vào, người thẳng thắn, kẻ vòng vo, cứ gọi là rối hơn tơ vò.
 
Kể ra cũng hơi vương vướng ở chỗ đụng tới phần nhạy cảm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng về mặt đạo lý và nguyên tắc, chả nhẽ tước bỏ công lao của nhà văn Hữu Mai, cũng gần như vị tướng, người nổi tiếng của một thời, của giới văn chương, thì không nhạy cảm chăng?

Cần hiểu cặn kẽ vụ này về nhiều khía cạnh thì may ra mới gỡ rối được.

Nhớ lại dạo Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam hồi tháng 5.2016, nhân những sự kiện ông Obama diễn thuyết, phát biểu ở nơi này nơi nọ, nội dung rất hay, ấn tượng, có khá nhiều báo khai thác ở khía cạnh: những nội dung ấy ông Obama tự nghĩ ra, hay có ai chuẩn bị sẵn. Có 3 tờ báo viết rằng "ai đã chắp bút cho ông Obama?".

Xin nói ngay, viết thế là sai, phải viết là "chấp bút". Đây là một từ có thành phần Hán Việt nhưng đã được Việt hóa, dùng như từ thuần Việt. Chấp, theo nghĩa Hán Việt, là: cầm, giữ, nắm lấy, thực hành, nhận. Chấp chính là ai hoặc một tổ chức, lực lượng nào nó nắm giữ chính quyền; chấp đơn là nhận lấy cái đơn của người khác; chấp hành là chịu trách nhiệm thi hành những chương trình, kế hoạch đã định, đã được đặt ra, thông qua…